Thứ Tư, 14 tháng 11, 2012

BÀI VIẾT: Vùng đất mới Tân Thành - Những gam màu tươi sáng



                                                         
                                                                     


                                                                              
                                                                         

VÙNG ĐT MI TÂN THÀNH –
        NHNG GAM MÀU TƯƠI SÁNG

        Nằm ở phía Tây Bắc tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, với diện tích gần 34 ngàn hécta, huyện Tân Thành như một bức tranh thiên nhiên thơ mộng với những gam màu tươi sáng.
        Núi, rừng, sông, rạch… tất cả đều hội tụ về đây, tạo nên những cánh đồng trù phú, màu mỡ, quanh năm cây cối tươi tốt.
        Thiên nhiên đã ban tặng ho vùng đất Tân Thành những dãy núi cao nhấp nhô trùng điệp, bốn mùa phủ một màu xanh ngắt.
        Núi Dinh, núi Tóc Tiên, núi Ông Trịnh, núi Thị Vải… đó là những địa danh nổi tiếng của huyện Tân Thành. Những dãy núi cao được xếp liền kề nhau theo thế liên hoàn, giống như những bức tường thành, tạo thế đứng vững chắc cho vùng đất này suốt nhiều thế kỷ.
        Núi Dinh, hồi trước thế kỷ 18 được gọi là núi Trấn Biên, cùng tên với vùng đất rộng lớn Biên Hòa – Bà Rịa, cao 504 mét.
        Núi Tóc Tiên ở phía Đông Bắc huyện Tân Thành, thuộc địa phận xã Tóc Tiên cao 433 mét. Sách xưa có ghi lại rằng: “Vào đầu thế kỷ 19, núi này có tên gọi là núi Bà Ký. Cách phía đông trấn 91 dặm, có lẫn đất đá, có suối nước ngọt, cây cối um tùm, chim muông nhiều vô kể. Nhân dân bốn phương kéo đến đây dựng lều ở, chuyên nghề săn bắn và lấy gỗ để sinh nhai…”
        Trong quá khứ, những ngọn núi nơi đây đã từng ghi dấu bước đường di cư, quá trình khai phá vùng đất Nam Bộ của người Việt.
        Không chỉ có núi, xa xa về phía Tây, dòng sông Thị Vải thơ mộng chảy uốn khúc quanh co giữa những cánh rừng đước xanh ngút ngàn của huyện Tân Thành, nối liền 3 tỉnh: Thành phố Hồ Chí Minh – Đồng Nai và Bà Rịa – Vũng Tàu. Ven sông Thị Vải, một vùng đầm lầy rộng lớn, với hơn 4 ngàn hécta rừng ngập mặn, là nơi sinh sống của nhiều loài thực vật, các loại chim, động vật có vú, bò sát và các sinh vật lưỡng cư khác. Sông Thị Vải có chiều dài hơn 30 km, chiều rộng trung bình từ 600 đến 800 mét, bắt nguồn từ suối Bưng Môn, huyện Long Thành (tỉnh Đồng Nai) chảy qua huyện Tân Thành rồi đổ ra vịnh Ghềnh Rái, với lưu vực trên 700 km2, độ sâu từ 10 đến 25 mét, có khả năng đón được tàu trọng tải lớn (80 ngàn tấn). Cùng với sông Thị Vải, Tân Thành còn có một hệ thống suối dày đặc bắt nguồn từ các ngọn núi cao, đổ ra sông Lòng Tàu và sông Thị Vải, tạo thành một hệ thống kênh rạch chi chít, là nguồn nước ngọt mênh mông vô tận cung cấp cho sản xuất và sinh hoạt của cư dân trong vùng.
        Tân Thành nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa chịu ảnh hưởng của Đại Dương, với 2 mùa mưa nắng rõ rệt. Lượng mưa trung bình hàng năm khoảng 1.600 mm, tập trung chủ yếu vào mùa mưa (từ tháng 5 đến tháng 10).
        Là vùng đất bán sơn địa, Tân Thành vừa có núi, vừa có đồng bằng và rừng ngập mặn ven biển, nên thổ nhưỡng ở đây rất phong phú đa dạng, thích hợp trồng các loại cây ăn trái lâu năm và cây công nghiệp.
        Về Tân Thành hôm nay, người ta vẫn còn nghe truyền tụng trong dân gian câu ca: “Tôm cá Hội Bài, chuối xoài Long Phước…”. Câu ca ấy thể hiện những làng nghề truyền thống từ thời xa xưa và cuộc sống trù phú của những người dân vùng này.
        Trong quá trình chinh phục thiên nhiên, cư dân Tân Thành xưa đã sớm biết mưu sinh bằng nhiều nghề truyền thống, như: làm lúa nước, khai thác lâm sản, đánh bắt thủy hải sản, trồng trọt, chăn nuôi và các nghề thủ công truyền thống… Cư dân nơi đây còn có nghề làm bánh trái cây rất ngon và giàu hương vị.
        Nói đến vùng đất Tân Thành, người ta không thể không nhắc đến nghề làm đá, một nghề tiểu thủ công nghiệp truyền thống của địa phương, đến nay vẫn được duy trì và phát triển ở các xã dọc Quốc lộ 51.
        Cùng với quá trình khai hoang, mở đất, Tân Thành được xác định địa giới hành chính ngay từ những năm đầu của thế kỷ 16. Tuy nhiên, vùng đất này chỉ mới thực sự phát  triển mạnh trong khoảng hơn 100 năm trở lại đây. Theo nhiều nguồn tư liệu lịch sử cho biết, Tân Thành xưa là địa bàn sinh sống chủ yếu của người dân tộc Châu Ro, thuộc tổng Phước An, huyện Phước Long, dinh Trấn Biên (nay thuộc tỉnh Đồng Nai). Năm 1867, thực dân Pháp cai trị, chia tỉnh Biên Hòa thành 5 địa hạt, Tân Thành thuộc hạt Bà Rịa. Trải qua nhiều thập niên, tên gọi của vùng đất này cũng nhiều lần được thay đổi, và đến tháng 6/1994 mới chính thức có tên gọi là huyện Tân Thành theo Nghị định 45/CP của Chính phủ, trên cơ sở tách ra từ huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Nai cũ.
        Nhìn vào hình ảnh của Tân Thành hôm nay, ít ai có thể nhận biết được Tân Thành xưa là địa bàn tranh chấp quyết liệt giữa ta và địch. Trong suốt hai cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, nơi đây là địa bàn chiến lược quân sự quan trọng, là cầu nối giữa khu Đông với khu Tây, rừng Sác với rừng Giồng, là địa bàn đứng chân của lực lượng cách mạng, để từ đó tạo bàn đạp tấn công địch ở Bà Rịa - Vũng Tàu. Trong kháng chiến chống Mỹ, núi Dinh là căn cứ địa cách mạng của tỉnh ủy, thị ủy Bà Rịa, huyện ủy Châu Đức…
        Nhắc đến Tân Thành hôm nay, người ta vẫn không thể nào quên được những tên đất, tên người, gắn liền với những trang lịch sử hào hùng của dân tộc, được viết lên bởi biết bao thế hệ cha ông đi trước: Chiến khu Hắc Dịch, lộ 15, các xã: Mỹ Thạnh, Mỹ Xuân, Phước Long, Hội Bài, địa danh Bà Trao – Núi Nứa, v.v…
        Qua hai cuộc kháng chiến oanh liệt chống giặc ngoại xâm đã để lại cho quê hương Tân Thành hàng ngàn đối tượng chính sách, trong đó có hàng trăm gia đình liệt sỹ, thương bệnh binh.
        Hơn 30 năm sau chiến tranh, Tân Thành đã vượt qua biết bao gian khó, từng bước chuyển mình, vươn lên, tương xứng với tầm vóc của một vùng đất nằm trong vùng kinh tế động lực các tỉnh miền Đông Nam Bộ. Tân Thành giờ đây đã hoàn toàn đổi khác.
        Là địa bàn nằm trong chiến lược quốc gia về phát triển các khu công nghiệp tập trung với quy mô lớn, đến nay, huyện Tân Thành đã phát triển được 9 khu công nghiệp tập trung là: Mỹ Xuân A, Mỹ Xuân A2, Mỹ Xuân A mở rộng, Mỹ Xuân B1, khu công nghiệp Phú Mỹ 1... và khu công nghiệp Cái Mép với diện tích hơn 3 ngàn hécta, thu hút 85 dự án đầu tư với tổng số vốn trên 4 tỷ USD, trong đó hầu hết là các dự án có quy mô lớn, công nghệ hiện đại, có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, cũng như của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, như dự án đường ống dẫn khí và trạm phân phối khí đốt Phú Mỹ, tổ hợp các nhà máy điện, các nhà máy sản xuất phân bón, thép, xi măng…
        Với lợi thế về nguồn khí thiên nhiên khai thác ngoài khơi và vị trí địa lý thuận lợi, Tân Thành đã trở thành trung tâm khí – điện – đạm lớn nhất cả nước. Nhiều sản phẩm công nghiệp ở đây giữ vai trò chủ đạo đối với nền kinh tế quốc dân như điện hòa lưới quốc gia cung cấp cho các tỉnh phía Nam, sản phẩm đạm và các sản phẩm phân bón khác cung cấp cho toàn bộ khu vực sản xuất nông nghiệp, các tỉnh miền Đông Nam Bộ và Tây Nguyên. Chỉ tính riêng nhà máy đạm Phú Mũ đã đạt sản lượng đạm hơn 700 ngàn tấn urê một năm, chiếm 30% thị phần urê cả nước. Trung tâm điện lực Phú Mỹ với 6 nhà máy điện đạt tổng công suất gần 4 ngàn MW, chiếm 40% tổng công suất các nhà máy điện trong toàn quốc, mỗi năm có khả năng cung cấp 23 tỷ KWh điện, tiêu thụ 4 tỷ m3 khí thiên nhiên. Nhà máy thép Vinakyoei chuẩn bị cho ra đời một lò luyện phôi thép lớn nhất Việt Nam với công suất 350 ngàn tấn/1 năm.
        Tân Thành có hệ thống cảng biển vô cùng quan trọng, được phân bố ở 2 khu vực: khu vực Thị Vải – Phú Mỹ (thuộc vùng thượng lưu sông Thị Vải) và khu vực Thị Vải – Cái Mép, bao gồm các cảng: Bà Rịa Serece, cảng quốc tế Thị Vải, cảng Container quốc tế Thị Vải – Cái Mép, cảng nhà máy nhiệt điện Phú Mỹ, cảng xi măng Holcim, cảng nhà máy thép Phú Mỹ, cảng Interflour, cảng PVC và cảng dầu Petec. Trong toàn bộ cụm cảng biển khu vực thành phố Hồ Chí Minh – Đồng Nai – Bà Rịa Vũng Tàu, thì cảng Container Cái Mép và cảng tổng hợp Thị Vải thuộc địa bàn huyện Tân Thành được xác định là cảng trọng điểm, được nhà nước ưu tiên đầu tư bằng nguồn vốn ODA của Nhật. Trước mắt cụm cảng này sẽ phục vụ cho việc di dời cảng thành phố Hồ Chí Minh và phục vụ cho việc giao lưu hàng hóa ở các khu công nghiệp, hướng tới sự ổn định, nâng cao chất lượng phục vụ khai thác cảng biển. Trong chiến lược phát triển kinh tế ở nước ta, nơi đây sẽ trở thành một cụm cảng tổng hợp có chức năng trung chuyển quốc tế và làm đầu ra cho tuyến đường Xuyên Á ở phía Nam. Nhờ hệ thống cảng biển này mà nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước không thể bỏ qua nơi này.
        Là cửa ngõ giao lưu thương mại, kinh tế và động lực cho cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Tân Thành không chỉ thuận lợi về giao thông đường thủy, mà còn rất thuận lợi cả về giao thông đường bộ, đường sắt và đường hàng không.
        Quốc lộ 51 với 22 km đi qua huyện Tân Thành nối liền thành phố biển Vũng Tàu, thành phố Bà Rịa với thành phố Biên Hòa và thành phố Hồ Chí Minh. Đây là con đường huyết mạch với lưu lượng xe lưu thông hơn 60 ngàn ô tô, xe máy một ngày một đêm. Tuyến đường Mỹ Xuân – Ngãi Giao nối huyện Tân Thành với Quốc lộ 55, 56 đi các tỉnh miền Trung Nam Bộ được mang tên: “Con đường đẹp nhất Việt Nam”.
        Ngoài ra, Tân Thành còn có hơn 200 km đường giao thông, trong đó có các tuyến đường liên huyện như: đường Phú Mỹ - Tóc Tiên, đường Tóc Tiên – Hội Bài, đường Châu Pha – Tóc Tiên – Hắc Dịch, đường Châu Pha – Bàu Phượng – Hắc Dịch và đường Sông Xoài – Cù Bị.
        Sắp tới, tuyến đường Quốc lộ 51 sẽ được Bộ Giao thông vận tải nâng cấp mở rộng thành đường 6 làn xe, đồng thời tiếp tục mở rộng thêm tuyến đường sắt và đường cao tốc Long Thành – Vũng Tàu với quy mô 8 làn xe chạy.
        Tương lai không xa, Tân Thành sẽ thuận lợi cả về đường hàng không khi sân bay Long Thành (tỉnh Đồng Nai) đi vào hoạt động.
        Thế mạnh và tiềm năng to lớn của vùng đất này đã giúp cho chính quyền và nhân dân nơi đây có nhiều cơ hội thúc đẩy nền kinh tế địa phương phát triển. Công nghiệp đang trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của huyện Tân Thành. Đến nay, toàn huyện đã có hơn 800 cơ sở sản xuất công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp bao gồm các ngành khai thác đá xây dựng, vật liệu xây dựng, gia công cơ khí, chế biến gỗ, lắp ráp hàng điện tử v.v… , giá trị sản xuất bình quân hàng năm tăng 23%. Các cụm công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp tại các xã Hắc Dịch, Tóc Tiên, Tân Hòa đang được triển khai xây dựng. GDP bình quân đầu người đạt 786 USD. Công nghiệp phát triển đã tác động thúc đẩy các ngành dịch vụ thương mại phát triển. 10 xã, thị trấn trong huyện đều có chợ. Dịch vụ bưu chính viễn thông không ngừng được mở rộng theo hướng hiện đại hóa. Toàn huyện có gần 2.800 máy điện thoại thuê bao, bình quân 11 máy/100 dân. Hơn 97% hộ dân được sử dụng điện. Nông lâm ngư nghiệp cũng có bước phát triển. Đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện. Hình ảnh một thành phố công nghiệp hoành tráng trong tương lai đang từng bước được định hình.
        Với khí thế sôi động khẩn trương, Tân Thành giờ đây đã và đang trở thành một công trường lớn. Con số hơn 100 ngàn dân, tăng hơn 10 ngàn dân trong vòng 10 năm trở lại đây và gần 10 ngàn lao động đang làm việc tại các khu công nghệp đã cho thấy vùng đất này có sức hút rất lớn dân cư từ các tỉnh thành trong nước đổ về đây lập nghiệp.
        Không chỉ có tiềm năng kinh tế, Tân Thành còn là nơi tham quan du lịch. Núi Dinh là địa chỉ về nguồn, thu hút hàng ngàn thanh thiếu niên trong các tổ chức đoàn hội đến tham quan tìm hiểu lịch sử đấu tranh cách mạng của quân và dân Bà Rịa – Vũng Tàu. Suối Đá – Suối Tiên thuộc địa bàn xã Tân Hải cũng là một địa chỉ du lịch quen thuộc của các bạn trẻ xa gần. Lấp ló sau những vòm lá xanh thẫm của cây rừng là những ngôi chùa cổ nằm ẩn khuất trên triền núi, tạo nên sự huyền bí thiêng liêng. Nơi đây đang được ngành du lịch khai thác, xây dựng thành khu du lịch sinh thái Lâm Viên – Núi Dinh với diện tích 720 hécta.
        Vào dịp Tết Nguyên Đán hàng năm, khu vực chùa Đại Tòng Lâm, trung tâm thị trấn Phú Mỹ với gần 100 chùa và các am thất đã thu hút hàng ngàn khách thập phương hành hương về đây thắp một nén nhang thơm ngày đầu năm mới.
        Sự nghiệp công nghiệp hóa – hiện đại hóa đã tạo nên vóc dáng trẻ trung, năng động của vùng đất mới Tân Thành. Ngọn lửa dầu khí của Bà Rịa – Vũng Tàu đã thắp sáng niềm tin vào cuộc sống tương lai của những người dân nơi đây. Cũng như các địa phương khác trong tỉnh, Tân Thành chắc chắn sẽ có nhiều cơ hội để tiến nhanh hơn trên con đường hội nhập và phát triển.
        Hòa với muôn ngàn sắc màu rực rỡ của bức tranh toàn cảnh Tân Thành hôm nay, không chỉ có sắc màu nâu đỏ của những ngôi nhà mới xây, sắc xanh tươi của núi rừng cây lá, sắc tím của chiều hoàng hôn, sắc đỏ tươi của những lá cờ tổ quốc tung bay trong gió… Đây, còn có cả sắc thiêng của hồn sông núi nơi này…/.
                                                               Ngày 30/4/2006
ĐÀO QUỐC THỊNH   






Đô thị mới Phú Mỹ  (Tân Thành) - Tầm nhìn chiến lược của các nhà đầu tư


Nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và của cả nước, cách Tp.Hồ Chí Minh 60 km và cách Tp.Vũng Tàu 40 km, Đô thị mới Phú Mỹ (huyện Tân Thành) là một trong số địa bàn phát triển công nghiệp lớn nhất cả nước, là cửa ngõ của tỉnh BR-VT với diện tích đất tự nhiên gần 34 ngàn hécta, dân số 150 ngàn người.

            Được quy hoạch là thành phố công nghiệp vào năm 2015, Tân Thành có vị trí chiến lược và là đầu mối giao thông quan trọng (cả về đường thủy, đường bộ, đường sắt và đường hàng không). Hiện trên địa bàn Tân Thành có 32 dự án cảng biển nằm trong hệ thống cảng Thị Vải-Cái Mép, trong đó có 14 cảng biển đang hoạt động (gồm cảng nhà máy Đạm Phú Mỹ, cảng xi măng Holcim, cảng Interflour, cảng LPG, cảng Bà Rịa Serece, cảng nhà máy điện, nhà máy thép Miền Nam, cảng SP-PSA, cảng Sài Gòn, Tân cảng…), 18 cảng biển đang xây dựng và sắp hoàn thiện (gồm: cảng Xăng dầu Vũng Tàu - Petro, kho cảng xăng dầu Petec, cảng Posco, cảng công ty Hutchison Ports Mekong Investment S.A.R.L, cảng Ba Son, cảng Sài Gòn SSA, cảng Cái Mép Gemadept Terminal, cảng Đạm dịch vụ dầu khí tổng hợp, cảng container Cái Mép, cảng tổng hợp Thị Vải…).

            Tân Thành có 72 dự án đầu tư nước ngoài, 10 khu công nghiệp tập trung (gồm Phú Mỹ 1,2,3; Mỹ Xuân A, Mỹ Xuân A2, B, B1, B1 Đại Dương, B1- Tiến Hùng, khu công nghiệp Cái Mép …) với hơn 800 doanh nghiệp trong và ngoài nước (trong đó nhiều doanh nghiệp mang tầm quốc gia như: Nhà máy Điện Phú Mỹ, công suất 2.485 MW, sản lượng điện trung bình mỗi năm khoảng 17 tỷ kWh, chiếm 30% tổng sản lượng điện cả nước; nhà máy Đạm Phú Mỹ công suất 800.000 tấn urea/năm, nhà máy thép Vinakyoei, nhà máy xi măng Holcim…) thu hút trên 25 ngàn công nhân lao động làm việc trong các khu công nghiệp.

Ngoài ra, Tân Thành còn có 6 cụm công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp (gồm: Hắc Dịch 1, 2, 6; Boomin Vina; Mỹ Xuân 1; Tóc Tiên 2) với hơn 900 cơ sở sản xuất công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp, trong đó chủ yếu là các ngành: May mặc, xuất khẩu giày da, chế biến hải sản, sản xuất đá, cấu kiện xi măng, kim loại, khai thác đá xây dựng, chế biến gỗ, hạt điều, v.v. Dịch vụ thương mại phát triển mạnh với 9.113 cơ sở kinh doanh dịch vụ thương mại vận tải, hơn 6 ngàn doanh nghiệp tư nhân và hộ kinh doanh cá thể, 17 chợ và trung tâm thương mại, 375 trang trại chăn nuôi gia súc gia cầm, trong đó có 129 trang trại chăn nuôi tập trung quy mô lớn.

            Trong tương lai không xa, khi đường sắt và đường cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu hoàn thành đưa vào sử dụng, Đô thị mới Phú Mỹ (Tân Thành) chỉ còn cách sân bay quốc tế Long Thành 46 km đường bộ, 20 km đường chim bay và sẽ là một trong số trung tâm công nghiệp lớn nhất nước.

            Về văn hóa xã hội, Tân Thành hiện có 57 trường học với hơn 21 ngàn học sinh các cấp. Hệ thống thông tin gồm 1 Đài Phát thanh -Truyền hình (sử dụng máy phát sóng FM, tần số 105 Mhz, công suất 500 W), các đài truyền thanh xã, thị trấn (sử dụng máy phát sóng FM, công suất 150 W) với tổng cộng 1.760 loa truyền thanh không dây (mỗi xã 44 cụm loa, mỗi cụm 4 loa). Đài Phát thanh -Truyền hình Tân Thành phát sóng 5 tiếng/ 1 ngày, trong đó có 2 chương trình thời sự mới trong ngày (mỗi chương trình 30 phút) và 54 chuyên mục. Đài Tân Thành thực hiện phát sóng tất cả các ngày trong năm (kể cả các ngày Lễ, Tết, Chủ nhật), với bình quân mỗi năm thực hiện gần 1.700 giờ phát sóng, sản xuất hơn 700 chương trình thời sự, 1095 chuyên mục và gần 19.500 tin bài các thể loại. Phần quảng cáo của các đơn vị được bố trí sắp xếp sau phần tin thời sự (tức là sau thời gian khoảng từ 10 đến 15 phút kể từ khi bắt đầu phát sóng nhạc hiệu chương trình).

            Vào giờ phát sóng chương trình thời sự của Đài Tân Thành (sáng: 5g30-6g00; chiều: 17g00-17g30) tất cả đài truyền thanh cơ sở đều thực hiện nghiêm túc việc tiếp sóng của Đài Tân Thành, phát trực tiếp ra hệ thống loa truyền thanh không dây phân bố đều tại các khu vực tập trung đông dân cư và khu vực trọng điểm trên địa bàn.

         Để biết thêm thông tin chi tiết xin liên hệ: ông Đào Quốc Thịnh (Trưởng đài)

       Tel: 0643.893835 – 0909.386909 - Email: quocthinhbrt@gmail.com







ĐI QUA 15 MÙA XUÂN TƯƠI ĐẸP
___________________________   
Thưa quý vị và các bạn!
Một ngày mới bắt đầu, khi nhạc hiệu chương trình của đài phát thanh huyện Tân Thành cất lên lời chào thính giả thì cũng là lúc các phóng viên, biên tập viên, cộng tác viên, từ khắp nơi trong huyện lại bắt đầu một ngày làm việc mới. Bắt đầu tìm kiếm, thu thập thông tin, phân tích, tổng hợp, đánh giá, chọn lọc các vấn đề sự kiện, thu thanh, phỏng vấn, biên tập, xử lý, xây dựng chương trình… tất cả làm việc cần mẫn như một bầy ong xây tổ, để mỗi ngày lại có thêm các chương trình phát thanh mới ra đời, thính giả lại được nghe tin tức thời sự của địa phương mình, nghe tiếng nói của chính mình, được bày tỏ cảm xúc, giải bày tâm tư nguyện vọng của bản thân  mình…
          Nhớ lại ngày nào, cách đây 15 năm, Đài Phát thanh huyện Tân Thành chính thức phát sóng buổi đầu tiên và đến nay đã 15 mùa xuân trôi qua, đánh dấu một chặng đường phát triển không ngừng của tập thể cán bộ, phóng viên, công nhân viên đài. Mỗi mùa xuân lại xuất hiện những bông hoa đẹp, cũng như mỗi ngày lại xuất hiện những chương trình phát thanh mới hấp dẫn hơn, hay hơn. Công sức, trí tuệ, lòng nhiệt tình, tâm huyết, say mê nghề nghiệp của đội ngũ biên tập, phóng viên, cộng tác viên đài cũng như vai trò, vị trí, trách nhiệm của mỗi người theo thời gian đang tiến dần về phía trước. Nội dung các chương trình, sản phẩm hàng ngày đến với thính giả trong toàn huyện, chính là thước đo cuối cùng chất lượng lẫn hiệu quả làn sóng phát thanh của đài. Đài đã và đang gắn chặt với sự phát triển nhanh chóng trên các lĩnh vực kinh tế - văn hóa – xã hội của thành phố công nghiệp Tân Thành trong tương lai.
          Để tạo ra nhiều món ăn ngon trong mỗi chương trình phát thanh hàng ngày, đài đã huy động lực lượng phóng viên, cộng tác viên, phát huy triệt để các thể loại báo chí phát thanh như: phỏng vấn, tọa đàm, ghi nhanh, phóng sự thu thanh, kịch truyền thanh, câu chuyện truyền thanh, truyền tải thông tin kịp thời đến với người nghe. Tính nhanh nhạy và sự thống nhất của tập thể phóng viên đài đã tạo nên sự thành công trong nhiều chương trình phát thanh phục vụ nhiệm vụ chính trị quan trọng của địa phương như trong việc tuyên truyền bầu cử Hội đồng nhân dân 3 cấp, bầu cử Đại biểu Quốc hội, Đại hội Đảng bộ các cấp, những ngày Lễ hội, Tết Nguyên Đán cũng như các sự kiện chính trị trọng đại ở địa phương.
          15 năm trôi qua, đài đã phát sóng và tiếp âm hơn 20 ngàn giờ, trong đó có hơn 6 ngàn giờ phát sóng các chương trình địa phương. Trong 15 năm, Đài Phát thanh huyện Tân Thành đã sản xuất và phát sóng hơn 3 ngàn chương trình thời sự, gần 2 ngàn chương trình điểm tin, hơn 700 chương trình văn nghệ chủ nhật, hơn 4 ngàn 500 chuyên mục, với tổng số hơn 50 ngàn tin bài các loại, trong đó có hơn 34 ngàn tin, gần 16 ngàn bài phản ánh và phóng sự, với hơn 170 ngàn lượt phát sóng. Ngoài ra, đài còn thực hiện hơn 1400 chương trình thời sự phát trên sóng đài phát thanh truyền hình tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, mỗi chương trình từ 10 đến 15 phút vào các ngày chủ nhật và thứ ba hàng tuần với hơn 20 ngàn tin, gần 1400 bài viết các thể loại . Đó quả là một con số không nhỏ.
Các chương trình phát thanh của đài đã có tác dụng thiết thực tuyên truyền, giáo dục, động viên cán bộ và nhân dân trong huyện thi đua lao động sản xuất, góp phần giúp bà con nông dân chuyển giao khoa học kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi. Tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật cho nhân dân, vận động các tầng lớp nhân dân, các tổ chức xã hội, tôn giáo, đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, góp phần đẩy lùi tội phạm và tệ nạn xã hội, từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân trong huyện.
          Thông qua các buổi tiếp xúc, trao đổi trực tiếp, các cuộc điện thoại, cũng như những lá thư ngày càng nhiều của thính giả gửi về cho ban biên tập đài đã chứng tỏ ngày càng có đông số lượng người nghe đài và theo dõi tin tức thời sự địa phương. Thật đáng mừng là các chương trình phát thanh của đài đã ngày càng thu hút sự quan tâm theo dõi của đông đảo quý thính giả và các tầng lớp nhân dân lao động. Đối với những người cầm bút, những người làm báo phát thanh, chẳng có gì vui hơn, hạnh phúc hơn là được bạn nghe đài gửi gắm tình cảm, gửi gắm niềm tin cho mình và chính điều ấy đã tiếp thêm sức mạnh cho các phóng viên, cộng tác viên đài, miệt mài, say mê với công việc, tiếp tục lao vào viết, tiếp tục sản xuất ra các chương trình phát thanh phong phú hơn, hay hơn, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của bạn nghe đài, giúp những người làm báo phát thanh vượt qua những khó khăn, thiếu thốn, vất vả, của cuộc sống đời thường và nhận thức rõ hơn vai trò, trách nhiệm nặng nề của mình đang đặt ra phía trước. Từ đó cố gắng nỗ lực, phấn đấu nhiều hơn nữa để không phụ lòng tin, lòng mong mỏi của bạn nghe đài.      
Thưa quý vị và các bạn!
          Mỗi chương trình thời sự của đài phát thanh huyện Tân Thành, tuy dung lượng không lớn, gói gọn trong khoảng thời gian 30 phút, nhưng người nghe luôn cảm nhận được cách đặt vấn đề hết sức trực tiếp, cách phân tích vấn đề thuyết phục, những bài học rút ra cũng hết sức cụ thể, rõ ràng. Ngắn gọn nhưng rất hàm súc. Đề cập đến mọi vấn đề của xã hội, những bức xúc nảy sinh từ cuộc sống với nhiều nội dung màu sắc khác nhau và thực sự đã có sức sống mạnh mẽ trong lòng thính giả.
          Mỗi tin tức thời sự, cũng như mỗi bài viết, đã cho thính giả hiểu rằng: “Trong mỗi tia nắng ban mai, họ nhìn thấy cả ánh sáng lung linh và cả những hạt bụi…”. Thính giả sẽ tự biết cách tiếp nhận với thái độ điềm tĩnh và có sự phân tích khách quan. Mỗi khi xuất hiện một chuyên mục mới ra đời, là mỗi lần thổi thêm luồng sinh khí mới cho các chương trình phát thanh của đài, trong đó chương trình “Tiếng nói bạn nghe đài” đã gây được những ấn tượng sâu sắc trong lòng thính giả, được bạn nghe đài ví như một món ăn tươi, mang sắc thái riêng, thu hút đông đảo người nghe và góp phần làm cho chương trình phát thanh của đài thêm phong phú, sinh động.
Có thể khẳng định rằng, các chương trình phát thanh của đài là cầu nối giữa Đảng với nhân dân. Nó có sức nặng bởi nó đề cập đến những điều mà người nghe muốn nghe, nó phản ánh những bức xúc nóng bỏng, nổi cộm ở từng lĩnh vực, từng địa bàn dân cư, với nhiều vấn đề khác nhau, góc nhìn khác nhau, liên quan đến đời sống chính trị- kinh tế - văn hóa - xã hội ở địa phương… để từ đó, các ngành chức năng lưu tâm và có căn cứ giải quyết.
          Các chương trình phát thanh của đài Tân Thành không chỉ tập trung vào những vấn đề tiêu cực nổi cộm hay những bức xúc của nhân dân, mà nó còn đề cập cả những vấn đề tích cực, những gương sáng điển hình, những mô hình làm ăn có hiệu quả, nhằm phác họa những bức tranh sinh động với nhiều gam màu sáng tối khác nhau, trung thực, phản ánh đầy đủ diện mạo xã hội hôm nay.          
Thưa quý vị và các bạn!
Một đất nước, một quốc gia muốn phát triển, phải không ngừng đặt ra cho mình những vấn đề cần giải quyết. Trong cuốn hồi ký của mình, cố thủ tướng Ấn Độ Indira Gandi có kể lại rằng, trong một lần trả lời phỏng vấn, một phỏng viên nước ngoài đã hỏi: Thưa bà, ở cương vị thủ tướng, bà thấy đất nước Ấn Độ hiện nay có bao nhiêu vấn đề cần phải giải quyết? Bà trả lời hết sức hóm hỉnh và nghiêm túc: “Lấy ví dụ đơn giản, đất nước Ấn Độ của chúng tôi có 700 triệu người, tính trung bình mỗi người có một vấn đề cần giải quyết thì hiện nay chúng tôi có 700 triệu vấn đề”. Suy rộng ra, những vấn đề mà đài phản ánh trong các chương trình phát thanh cũng là vấn đề của mỗi người, vấn đề cần giải quyết của mỗi con người hay mỗi cá nhân tự đặt ra cho mình để cùng cộng đồng giải quyết, bởi vấn đề an sinh xã hội là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước, của các cấp ngành, cũng như tất cả các cấp chính quyền địa phương mà không một ai được phép từ chối trách nhiệm./.
                                                                                                                                            

ĐÀO QUỐC THỊNH
                                                                                    





GIỚI THIỆU ĐÔI NÉT QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN HUYỆN TÂN THÀNH




1.Vị trí địa lý và đặc điểm tự nhiên

          Huyện Tân Thành nằm ở phía Tây tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, được thành lập theo Nghị định 45/CP, ngày 02 tháng 06 năm 1994 của Thủ tướng Chính phủ, gồm thị trấn Phú Mỹ nằm ngay bên trục đường Quốc lộ 51 (trước đây là quốc lộ 15) và bảy xã (từ Bắc xuống Nam) là Mỹ Xuân, Hắc Dịch, Sông Xoài, Tóc Tiên, Châu Pha, Phước Hòa và Hội Bài; tổng diện tích tự nhiên là 337,9438km2, với dân số 92.219 người.

          Huyện Tân Thành phía Đông giáp các xã Láng Lớn, Suối Nghệ, Nghĩa Thành của huyện Châu Đức và xã Hòa Long, phường Phước Hưng của thị xã Bà Rịa; phía tây giáp huyện Cần Giờ (thành phố Hồ Chí Minh); phía Nam giáp xã Long Hương (thị xã Bà Rịa) và xã Long Sơn (thành phố Vũng Tàu); phía Bắc giáp huyện Long Thành tỉnh Đồng Nai.

          Tân Thành là cửa ngõ quan trọng của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Quốc lộ 51 chạy dọc địa bàn Tân Thành, từ Bắc xuống Nam, qua các xã Mỹ Xuân, thị trấn Phú Mỹ, xã Phước Hòa, xã Hội Bài và chia đều lãnh thổ Tân Thành thành hai phần, tạo điều kiện thuận lợi trong giao lưu, đi lại và việc xây dựng, mở rộng mạng lưới giao thông nông trong vùng. Quốc lộ 51 là con đường chiến lược quan trọng. Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Đây là huyết mạch, trở thành nơi tranh chấp quyết liệt giữa ta và địch. Ngày nay, Quốc lộ 51 là đại lộ nối liền khu tứ giác động lực kinh tế phía Nam: thành phố Hồ Chí Minh - Bình Dương - Đồng Nai và Bà Rịa-Vũng Tàu. Tân Thành là khu công nghiệp mới trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nằm sát với những khu công nghiệp mới của tỉnh Đồng Nai, hợp thành hệ thống các khu công nghiệp hiện đại dọc sông Lòng Tàu, tạo thành vùng động lực phát triển kinh tế trọng điểm với quy mô lớn ở phía Nam Tổ Quốc.

          Ở vào vị trí cửa ngõ giao thông đường bộ quan trọng nhất của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, huyện Tân Thành cách thị xã Bà Rịa 25km, cách thành phố Vũng Tàu 45km, cách thành phố Biên Hòa 60km và thành phố Hồ Chí Minh 80km. Tân Thành là tâm điểm mà bao quanh là những thành phố lớn với những khu công nghiệp phát triển vào bậc nhất ở Nam bộ.

          Hiện nay, Tân Thành có hệ thống đường bộ khang trang, vừa được nâng cấp và xây dựng mới, nối liền trung tâm thị trấn với tất cả các xã trong huyện và với thị trấn Ngãi Giao (huyện Châu Đức) qua hệ thống giao thông liên huyện từ Mỹ Xuân – Hắc Dịch – Sông Xoài đến Ngãi Giao để lên Long Khánh; từ Phú Mỹ đến Tóc Tiên nối lên Ngãi Giao hay về Bà Rịa; từ Hội Bài đi Long Sơn…

          Không chỉ có hệ thống đường bộ khá hoàn chỉnh, Tân Thành nằm bên sông Lòng Tàu, sông Thị Vải với hệ thống sông rạch dày đặc. trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, lịch sử đã từng chứng kiến những trận chiến ác liệt, đẫm máu diễn ra trên sông Lòng Tàu, Thị Vải giữa lực lượng cách mạng tấn công để mở đường chuẩn bị cho những trận đánh lớn ở Sài Gòn với lực lượng phòng thủ, bảo vệ Sài Gòn từ xa của địch.

          Sông Thị Vải có lưu vực trên 700km2, được tạo hợp từ sông Cả, sông Thái Phiên, suối Phú Mỹ, chảy qua thị trấn Phú Mỹ, huyện Tân Thành đổ ra vịnh Ghềnh Rái, dài trên 32km, độ sâu từ 15-20 mét, thích hợp cho việc xây dựng các cảng phục vụ các loại tàu có trọng tải từ 10-40 ngàn tấn cập bến, đã hình thành dự án cảng nước sâu vào loại lớn nhất Việt Nam. Cảng Thị Vải, trong tương lai sẽ là một trong những thương cảng lớn và có nhiều ưu điểm của Đông Nam Á, tàu 40 ngàn tấn có thể ra vào cảng này, nằm sâu trong đất liền, cách cửa biển hơn 30km một cách dễ dàng.

          Huyện Tân Thành nằm ở vị trí cửa ngõ của tỉnh trong mối giao lưu kinh tế với thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Đồng Nai và các tỉnh miền Đông Nam Bộ, có hệ thống giao thông thuận lợi và khá hoàn chỉnh về cả thủy lẫn bộ. Cơ sở hạ tầng phát triển là điều kiện quan trọng để vùng đất này phát huy thế mạnh của mình trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Đây là một trong những ưu thế quan trọng, cùng với những ưu thế nổi bật khác để Tân Thành trở thành nơi thu hút đầu tư của Nhà nước ta cũng như các tập đoàn công nghiệp trong và ngoài nước vào những dự án lớn, hình thành hệ thống các khu công nghiệp trải dài suốt phía Tây của huyện, liên hoàn với những khu công nghiệp công nghệ cao dọc sông Lòng Tàu thuộc tỉnh Đồng Nai và thành phố Hồ Chí Minh.

          Trong quá khứ, vùng đất Tân Thành đã giữ một vị trí quan trọng trong giao lưu, đi lại, là tuyến đường nối liền hai vùng đất giàu có và đông dân cư Sài Gòn - Gia Định - Biên Hòa (Cù Lao Phố) và Bà Rịa - Long Điền - Vũng Tàu. Từ hơn ba thế kỷ trước đây, đường Thiên lý Bắc – Nam mà người dân địa phương quen gọi là “đường Huế” nối Bà Rịa - Biên Hòa với Sài Gòn - Gia Định đã đi qua Tân Thành. Đây là con đường bộ ngắn nhất và thuận tiện nhất từ miền Bắc, miền Trung vào Nam bộ. Thời Pháp thuộc, con đường nối liền Bà Rịa đi qua Tân Thành đến Biên Hòa, Sài Gòn được nâng cấp, mở rộng. Đầu thế kỷ 20, người Pháp gọi con đường này là “Đường Thuộc địa số 01” và đánh giá đây là một con đường đẹp, rải đá rất tốt, xuyên suốt 30 cây số tới ranh giới của tỉnh Biên Hòa.

          Mặc dù nằm sâu trong đất liền so với một số huyện ở Bà Rịa-Vũng Tàu, nhưng Tân Thành lại có hệ thống giao thông thủy hết sức thuận lợi. Hệ thống sông ngòi chảy qua Tân Thành không dài, nhưng rộng và sâu, nước chảy mạnh, mang nhiều phù sa tạo bồi đắp nên những bãi sình rộng lớn, là môi trường sinh trưởng của thảm thực vật ngập mặn và các loại hải sản, đặc biệt các loại động vật nhuyễn thể. Rừng Sác phía Tây Tân Thành còn giữ được vẻ hoang sơ sau ba mươi năm chiến tranh tàn phá, là thảm thực vật bảo vệ môi trường sinh thái vô cùng quan trọng đối với hệ thống khu công nghiệp phía Tây của huyện. Trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược, rừng Sác nói chung và rừng Sác trên địa bàn Tân Thành là vùng căn cứ, nơi xuất quân giành những chiến công vang dội của đặc công thủy. Rừng Sác là nơi bảo toàn lực lượng, là địa bàn kẻ thù bất lực và nếm đòn đau mỗi lần chúng đưa quân tới.

          Sông Xoài, suối Châu Pha làm nên cánh đồng Dong, đã được làm hồ chứa nước phục vụ nông nghiệp và sinh hoạt cho nhân dân Tân Thành.

          Ngoài những con sông lớn trên, Tân Thành còn có hệ thống sông suối dày đặc bắt nguồn từ núi Dinh, Tóc Tiên, Thị Vải đổ ra sông Lòng Tàu, sông Thị Vải tạo thành hệ thống sông suối như xương cá, phục vụ giao thông, cung cấp nước ngọt cho sản xuất công nghiệp, nông nghiệp và đời sống. Từ Bắc xuống Nam có thể kể rạch Cây Bần, rạch Mương, rạch Bàn Thạch, sông Ông Trịnh, suối Ba Sình, sông Mỏ Nhát, suối Nước Mặn, suối Cát Đỏ, Rạch Tre, Rạch Váng, suối Nước Ngọt, Suối Nghệ (rạch Nghệ), Rạch Chanh, rạch Ngã Tư, rạch Cái Mép…

          Cách đây tròn 100 năm, khi viết về hệ thống giao thông thủy ở tỉnh Bà Rịa, người Pháp đã khẳng định ưu thế liên kết thủy - bộ của vùng đất Tân Thành:

          “Sông làm ranh giới phía Tây của tỉnh lỵ (Bà Rịa) là sông Sài Gòn chảy từ Bắc xuống Nam dọc theo ranh giới dài 12km. Đây là con đường sông quen thuộc đi vào Sài Gòn. Vào quãng hơn 12km sông đi về hướng Tây, rời khỏi ranh giới tỉnh (Bà Rịa) tiếp tục theo hướng Bắc - Nam theo rạch Mon-gom. Rạch này là một nhánh của sông Sài Gòn, từ sông chính nó tách ra khoảng 30km từ phía cửa sông để rồi hợp lại với sông chính vài kilômét trước khi đổ ra biển. Đây là một con rạch quen thuộc của người dân bản xứ làm nghề giao thông đường sông vì nó cho phép người ta đi từ Sài Gòn tới Bà Rịa và Chợ Bến không cần qua biển. Bờ bên phải nối với rất nhiều cửa sông nhỏ bắt nguồn từ tỉnh Biên Hòa hoặc dãy núi Dinh bằng những con kênh mà quan trọng nhất là kênh Tắc Bùi ngăn cách giữa tỉnh Biên Hòa và Bà Rịa và đi sâu vào Gò Già bằng hai nhánh: Tắc Bùi ở phía Nam và Tắc Cua ở phía Bắc. Tắc Cua bắt nguồn từ Biên Hòa đổ xuống phía Nam gặp sông Thị Vải trước khi đổ ra biển. Bên sông Thị Vải có Rạch Mương có thể đi ghe tàu tới cầu Thị Vải nằm trên đường Biên Hòa - Bà Rịa.

          Suối Ba Sít bắt nguồn từ núi Thị Vải có tên là rạch Cóc Giài rẽ đôi thành hai nhánh: rạch Ngã Tư đổ vào sông Cái Mép và hòa với sông Thị Vải. Sông Mỏ Nhát có Rạch Chanh ở bờ trái đổ ra biển với cái tên là rạch Đá Giăm.

          Từ núi Dinh bắt nguồn nhiều dòng chảy: suối Ngọc, suối Người, rạch Váng, suối Mương đổ ra phía Bắc đảo Núi Nứa (Long Sơn) theo một con kênh hướng Đông - Tây và suốt chặng đường đó được mang các tên: rạch Cái Răng, rạch Bộ Hanh, Cái Sao, rạch Bù Mùi, rạch này gặp với sông Chà Và đổ vào vịnh Ghềnh Rái bởi một cửa sông lớn”…

          Người Pháp đã vạch ra con đường thủy quan trọng nối Sài Gòn, Biên Hòa với các trung tâm thương mại ở Bà Rịa (mà hầu hết những sông, rạch đó đều chảy ngang qua hay đổ từ Tân Thành):

          “Khi nói về đường sông Sài Gòn, con đường thủy thông thường như thế này: sông Sài Gòn, rạch Mon-gom, Tắc Bùi, sông Gò Già, rạch Ngã Tư, sông Mỏ Nhát, rạch Đá Găm, rạch Cái Răng, rạch Bô Hanh, rạch Cái Sao, rạch Bu Mùi, rạch Chà Và, sông Khúc Giai và sông Dinh, tất cả các dòng chảy đó cho phép tàu bè lớn lưu thông được”…

          Trong hai cuộc kháng chiến chống đế quốc xâm lược, Tân Thành đã chứng tỏ là một vị trí quân sự chiến lược. Tân Thành là đầu cầu nối liền Khu Đông Khu Tây, rừng Sác và rừng Giồng, vốn là những địa bàn chốt quân của lực lượng cách mạng. Tân Thành giữ vị trí quan trọng trong việc chuyển tải thông tin, liên lạc giữa Trung ương và miền Đông Nam Bộ. Với ưu thế có rừng Sác, cù lao và rừng Giồng – thế án ngự kép, Tân Thành là bàn đạp tấn công lực lượng địch ở Bà Rịa-Vũng Tàu. Địa hình Tân Thành đa dạng, tạo thế liên hoàn, thuận tiện trong việc xây dựng cơ sở cách mạng…

          Về mặt hậu cần, nếu lực lượng cách mạng đóng ở Tân Thành rất thuận lợi cho việc tiếp tế lương thực, thực phẩm từ vùng Gò Công, Vàm Láng lên rất thuận lợi sau đó chuyển lên núi Dinh an toàn.

          Đó là những ưu thế về vị trí địa lý, về khả năng giao lưu về kinh tế và quân sự của Tân Thành, không chỉ được khái thác trong hiện tại và hứa hẹn ở tương lai mà thực tế đã được khẳng định trong quá khứ.

          Địa hình Tân Thành khá đa dạng, có thể nói đây là vùng đất tập trung tất cả các loại địa hình của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Tân Thành có các loại địa hình: đồi núi thấp, bậc thềm phù sa cổ, đồng bằng (hẹp) và rừng ngập ngập mặn. Địa hình thấp dần từ Bắc xuống Nam và từ Đông sang Tây. Giữa vùng đất tương đối bằng phẳng – vùng cuối của sự chuyển tiếp đồi núi cao (phía Bắc tỉnh) và đồng bằng ven biển (phía Đông và phía Nam tỉnh), nổi lên những ngọn núi mà danh xưng của nó đã để lại nhiều dấu ấn trong quá trình hình thành, phát triển và trong công cuộc kháng chiến chống thực dân xâm lược của vùng đất này. Đó là những ngọn núi rất nổi tiếng và gây ấn tượng mỗi lần nhắc tới: núi Dinh, núi Tóc Tiên, núi Ông Trịnh, núi Thị Vải…

          Núi Dinh hồi thế kỷ 18, 19 thường được gọi là núi Trấn Biên hoặc Tấn Biên (“tấn sở nơi biên cương”, cùng tên với vùng đất rộng lớn Biên Hòa - Bà Rịa, Dinh Trấn Biên), hay núi Mỗi Xuy, Mỏ Xoài, Mô Xoài, với các đỉnh Bao Quan 504m, Dinh 491m, ông Hựu 444m thuộc địa phận các xã Châu Pha, Hội Bài và Long Hương (thị xã Bà Rịa). Trong quá khứ núi Dinh từng ghi dấu bước đường di cư, quá trình khái phá vùng đất Nam bộ của người Việt. Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, núi Dinh là thành lũy “che bộ đội, vây quân thù”. Núi Dinh ở phía Đông cùng với rừng Sác phía Tây của huyện Tân Thành là địa bàn hoạt động của lực lượng cách mạng, là bàn đạp xuất quân tiêu diệt kẻ thù. Trong kháng chiến chống Mỹ, Tỉnh ủy, Thị ủy Bà Rịa, Huyện ủy Châu Đức đã chọn núi Dinh làm căn cứ, làm nơi đóng chốt lực lượng để lãnh đạo quân dân tỉnh nhà thực hiện cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước cho đến ngày toàn thắng.

          Núi Tóc Tiên ở phía Đông Bắc huyện Tân Thành, thuộc địa phận xã Tóc Tiên, đỉnh cao nhất 433 mét. Theo sách Gia Định thành thông chí, viết đầu thế kỷ 19, núi này “tục danh là núi Bà Ký… cách phía Đông trấn 91 dặm, có đất lẫn đá, có suối nước ngọt, cây cối um tùm, chim muông tụ tập, nhân dân bốn phương kéo đến dựng lều ở, chuyên nghề săn bắn và lấy cây gỗ để sinh nhai”.

          Sách Đại Nam nhất thống chí, viết giữa thế kỷ 19, nói rõ thêm: “Núi Kí Sơn tục gọi núi Bà Ký, có tên nữa là núi Tóc Tiên ở cách huyện Long Thành 48 dặm về phía Đông Nam, đất đá lẫn lộn, nước suối ngon lành, cây rừng rậm rạp, rất nhiều chim muông, người các nơi tụ tập dựng lều làm nghề săn bắn và đốn gỗ”.

          Tên gọi Tóc Tiên gợi cảm về hình ảnh thực mà như huyền thoại của ngọn núi mây vờn vào những lúc giao mùa hay tiết trời mát mẻ. Trước đây, Tóc Tiên là địa bàn sinh sống của người Châuro. Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước Tóc Tiên là địa bàn hoạt động của bộ đội địa phương và dân quân du kích, từng làm khiếp đảm quân thù mỗi khi chúng đặt chân tới. Ngày nay, Tóc Tiên đã có hệ thống giao thông thuận lợi, nối liền với những khu dân cư đông đúc.

          Núi Ông Trịnh ở xã Phước Hòa như một chiếc nón giữa vùng đồng bằng, tuy không cao (215 mét), nhưng tên gọi của nó gắn liền với tên một nhân vật đã có công trong việc tổ chức, khai phá, xây dựng làng xóm ở vùng đất này. Núi Ông Trịnh, cùng với sông Ông Trịnh, ấp Ông Trịnh, bến Ông Trịnh, chợ Ông Trịnh… đã trở thành niềm tự hào của nhân dân Tân Thành.

          Núi Thị Vải, cao gần 467 mét, nằm giữa địa bàn thị trấn Phú Mỹ và xã Tóc Tiên. Tên của ngọn núi gắn liền với câu chuyện có thật, được chép trong Gia Định thành thống chí và sách sử của nhà Nguyễn:

          Sách Gia Định thành thống chí gọi núi Thị Vải là núi Nữ ni hay Nữ tăng “tục danh núi Bà Vải… xưa có người con gái họ Lê, gia tư giàu có, nhưng bị lỡ thì, sau khi cha mẹ mất rồi mới có chồng, không được bao lâu chồng chết, bà thề không tái giá, lại bị kẻ cường hào cậy mai mối thường đến quấy nhiễu, bà bèn cạo đầu lập am ở đỉnh núi, tự làm thầy cả, cùng bọn đồng bộc giữ lòng tu trì, sau thành chánh quả, người ta nhân đó đặt làm tên núi.

          Núi này cách phía Đông trấn 200 dặm, đất đá chót vót, cây cối um tùm, ở thành Gia Định trông thấy giống như viên ngọc thưong hoàng phơi bày sắc đẹp. Dân núi lấy nhiều thổ sản ở núi để cấp dưỡng, như cây gỗ, dầu thông, than củi và chim muông v.v…

          Trước đây vùng đồi núi Tân Thành được bao phủ bởi những rừng cây rậm rạp. Cuối thế kỷ 19, chính nhà cầm quyền Pháp ở thuộc địa đã đánh giá rất cao giá trị của rừng ở địa bàn Tân Thành và đặt cho nó là Rừng cấm Số 01 (thuộc trạm Kiểm lâm cầu Thị Vải) gồm vùng cây lấy gỗ trên những địa phận các làng Long Nhung, Phước Hòa, Phú Thạnh, Mỹ Xuân của tổng An Phú Hạ. Những loại cây gỗ quý vốn rất nhiều ở Tân Thành như trắc, căm xe, làu táu, chò, dầu, gõ, trâm, săng trắng… hiện nay hầu như còn lại rất ít.



          Do địa hình vừa có núi, vừa có đồng bằng và rừng ngập mặn ven biển nên thổ nhưỡng Tân Thành khá đa dạng. Có thể chia đất đai Tân Thành thành 8 nhóm chính, trong đó đất xám chiếm tỷ lệ cao nhất: 28,3% tổng diện tích. Thổ nhưỡng Tân Thành thích hợp cho việc trồng các loại cây ăn trái lâu năm và cây công nghiệp. Lợi thế đó đang hướng Tân Thành tích cực đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, theo hướng tăng tỷ trọng cây công nghiệp, cây ăn quả, cây thực phẩm.

          Cơ cấu sử dụng đất hiện nay của Tân Thành được phân chia như sau: nông nghiệp chiếm 53,1% (17.977,4 ha); lâm nghiệp chiếm 16,6% (5.630,28 ha); đất chuyên dùng chiếm 15,6% (5.275,82 ha); đất ở chiếm 0,012% (424,2 ha); đất chưa sử dụng còn tương đối nhiều 13,2% (4.486,68 ha).

          Diện tích đất các khu công nghiệp là 3.236,5 ha, trong đó Khu công nghiệp Phú Mỹ 1 và Phú Mỹ 2 có diện tích 1.626,5 ha; Khu Công nghiệp Mỹ Xuân A1 và A2 có diện tích 950 ha; Khu Công nghiệp Cái Mép có diện tích 660 ha. Đây là 4 trong số 10 khu Công nghiệp tập trung trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.

          Khí hậu Tân thành nằm trong vùng khí hậu chung của Nam bộ và Bà Rịa-Vũng Tàu. Đó là khí hậu nhiệt đới gió mùa với hai mùa mưa nắng rõ rệt. Mùa mưa, do tác động của gió mùa Tây Nam, kéo dài từ tháng 5 đến tháng 10. Mùa khô, do tác động của gió mùa Đông Bắc, còn gọi là gió chướng, kéo dài từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau. Nhiệt độ trung bình trong năm từ 26-27oC. Bức xạ nhiệt độ cao, số ngày nắng trung bình trong năm là 261 ngày/năm. Lượng mưa trung bình khoảng 1.350mm/năm. Độ ẩm không khí trung bình đạt 85%. Khí hậu đó thích hợp cho việc phát triển nông nghiệp, cây ăn tái và cây công nghiệp.

          Tân Thành là huyện có nguồn khoáng sản khá dồi dào của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Các loại khoáng sản có ý nghĩa kinh tế quan trọng đối với sự phát triển công nghiệp địa phương và xuất khẩu như đá granit tại khu vực mỏ Bao Quan - Núi Dinh, đá xây dựng ở núi Thị Vải, đất sét cao lanh ở Mỹ Xuân, đất sét dùng làm gạch ngói ở Châu Pha… Đá granit Tân Thành trong, hạt mịn, màu ghi hoặc đen, rất có giá trị trong xây dựng. Từ cuối thế kỷ 19, thực dân Pháp đã khai thác các mỏ đá ở Tân Thành. Tài liệu của người Pháp cho biết: núi Thị Vải, núi Ông Hựu và núi Ông Bộ cũng có độ cao bằng núi Cậu, núi Tóc Tiên, núi Ông Trịnh. Người ta thường khai thác đá ở những núi này. Bấy giờ núi Ông Trịnh, núi Dinh đã hình thành những công trường khai thác đá khá quy mô, đá ở đây được dùng để làm đường và xây dựng nhà cửa.

          Tân Thành là vùng bán sơn địa ven rừng ngập mặn với hệ thống kênh rạch, sông ngòi chằng chịt nên là vùng đất có nhiều loại đặc sản nổi tiếng xưa nay. Câu ca: Tôm cá Hội Bài, chuối xoài Long Phước, nói lên thế mạnh và nghề nghiệp sinh sống trước đây của người dân Tân Thành. Trong hoàn cảnh khó khăn, thiếu thốn của cuộc kháng chiến, trái cây của núi rừng Tân Thành là nguyên liệu làm ra bánh trái cây rất ngon và giàu hương vị để nuôi quân. Những năm gần đây, Tân Thành tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Cây công nghiệp, cây ăn trái là nông sản phẩm nổi tiếng và thế mạnh của Tân Thành hiện nay.

          Trong nhiều thế kỷ, Tân Thành nằm ở vị trí khu đệm, trên con đường mở đất mở nước về phương Nam của người Việt, tuy nhiên do đây là địa bàn mà một bên là rừng núi, một bên là rừng Sác ngập mặn, kênh ngòi chằng chịt, lại là địa bàn xung yếu, nơi có con đường độc đạo mà các đạo quân di chuyển liên tục trong suốt nhiều thế kỷ, vì vậy quá trình tụ cư, khai phá đất đai hình thành làng xóm ở Tân Thành muộn hơn so với nhiều nơi khác. Nhưng ưu thế của vị trí đó đã đưa đến cho vùng đất này những điều kiện bất ngờ trong quá trình phát triển.

2. Dân cư và quá trình khai phá vùng đất Tân Thành

          Vùng đất Tân Thành được xác định địa giới hành chính từ năm 1698 cùng lúc với những vùng đất khác ở Nam bộ, nhưng mới được khai phá, mở mang và phát triển mạnh trong khoảng hơn 100 năm trở lại.

          Năm 1698, khi chúa Nguyễn Hiển Tông Hiếu Minh Hoàng đế chính thức cắt đặt và thành lập các đơn vị hành chính ở Nam bộ thì Tân Thành thuộc tổng Phước An, huyện Phước Long, dinh Trấn Biên. Huyện Phước Long có 4 tổng, đó là Long Thành, Phước An, Bình An và Phước Chánh, trong đó tổng Phước An bấy giờ có địa giới tương đương với tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu ngày nay. Vào thời điểm ấy, Tân Thành là địa bàn cư trú của người Châuro bản địa.

          Tháng 10 năm 1779, Nguyễn Ánh cho họa địa đồ chia cắt địa giới ba dinh Trấn Biên (Biên Hòa), Phiên Trấn (Gia Định) và Long Hồ (Vĩnh Long, An Giang) cho liên lạc nhau. Năm 1800, đổi Gia Định phủ làm Gia Định trấn, gồm 5 dinh: Trấn Biên, Phiến Trấn, Vĩnh Trấn, Trấn Định, Trấn Hà Tiên. Cuối thế kỷ 18, vùng Mô Xoài - Bà Rịa đã có hơn 40 làng xã thôn, tập trung trong 7 tổng, số dân lên đến hàng vạn người, trong đó người các dân tộc thiểu số vẫn còn nhiều, chiếm khoảng một phần ba, sinh sống vùng núi phía Bắc, từ Tân Thành qua các huyện Châu Đức, Xuyên Mộc ngày nay.

          Ngày 12 tháng Giêng năm Mậu Thìn (1808), nhà Nguyễn đổi Gia Định trấn làm Gia Định thành cai quản 5 trấn, đổi Dinh Trấn Biên làm trấn Biên Hòa, thăng huyện Phước Long làm phủ. Bốn tổng trước đây được nâng thành 4 huyện, trong đó huyện Phước An có hai tổng An Phú và Phước Hưng. Tân Thành thuộc tổng An Phú. Tổng An Phú đầu thế kỷ 19 (1808-1820) có 21 xã, thôn, ấp.

          Năm 1836, huyện Phước An được nâng lên 4 tổng – tách đôi từ hai tổng An Phú và Phước Hưng thành An Phú Hạ, An Phú Thượng, Phước Hưng Hạ và Phước Hưng Thượng. Địa bàn huyện Tân Thành ngày nay thuộc tổng An Phú Hạ. Tổng này có 8 thôn: Đại Thuận, Long Hiệp, Long Hương, Long Kiên, Long Lập, Long Xuyên, Phước Lễ, Phước Long.

          Những tư liệu hiện có chưa đủ để xác định địa phận Tân Thành thuộc những làng nào trong số 8 làng kể trên. Tuy nhiên, tra trong Địa bạ về ruộng đất thực canh của tổng An Phú Hạ không thấy có địa danh nào thuộc vùng đất Tân Thành ngày nay có ghi diện tích thực canh. Diện tích thực canh của cả tổng An Phú Hạ cũng chỉ xấp xỉ 626 mẫu, 8 sào, 8 thước, 8 tấc. Trong đó các làng xã thuộc địa bàn Bà Rịa ngày nay chiếm 410 mẫu, 4 sào. Thôn Đại Thuận chưa có ruộng đất thực canh, thôn Phước Long có hơn 99 mẫu, thôn Long Hiệp 37 mẫu. Từ đó có thể thấy rằng cho đến khoảng giữa thế kỷ 19 vùng đất này vẫn chưa được khai phá, hoặc nếu có khai phá thì cũng chưa đáng kể và chưa nằm trong sự quản lý của nhà nước phong kiến.

          Năm 1837, nhà Nguyễn đặt thêm phủ Phước Tuy. Vùng đất Tân Thành thuộc tổng An Phú Hạ, huyện Phước An, phủ Phước Tuy, tỉnh Biên Hòa. Năm 1855, huyện Phước An có 4 tổng, 42 xã, thôn.

          Năm 1867, thực dân Pháp chia tỉnh Biên Hòa thành 5 địa hạt tham biện. Tân Thành thuộc hạt Bà Rịa. Một số thôn ở tổng An Phú Hạ được nâng lên thành xã, nhưng về số lượng, An Phú Hạ cũng chỉ có 8 xã thôn. Ngày 5/01/1876, thực dân Pháp bãi bỏ lục tỉnh, chia Nam kỳ thành 4 khu vực với 19 hạt và 2 thành phố (bấy giờ người Thượng ở hạt Bà Rịa chỉ còn khoảng 1.535 người). Tân Thành thuộc hạt Bà Rịa (hạt này có 7 tổng, 64 làng, 6 nhà trạm, 1 trường học và 7 chợ). Năm 1889, thực dân Pháp lại đổi hạt thành tỉnh.

          Đến đầu thế kỷ 20 (1901), tổng An Phú Hạ tăng thêm 7 thôn mà chủ yếu là những thôn mới thuộc địa bàn Tân Thành ngày nay. Đây cũng là lần đầu tiên chúng ta thấy trong thư tịch xuất hiện các địa danh quen thuộc của Tân Thành mà vẫn còn tồn tại đến ngày nay. 15 làng của tổng An Phú Hạ lúc ấy là: Long Lập, Long Hương, Long Kiên, Long Hiệp, Long Nhung, Long Xuyên, Phước Hữu, Phước Lễ, Núi Nứa và các làng thuộc địa bàn Tân Thành ngày nay: Hội Bài, Mỹ Xuân, Phước Hòa, Phước Hội, Phước Thạnh, Thạnh An. Còn địa phận các xã Châu Pha, Sông Xoài, Tóc Tiên, Hắc Dịch bấy giờ thuộc làng Hích Dịch tổng An Trạch.

          Điều đặc biệt là đầu thế kỷ 20 (1915), cùng với sự gia tăng dân số, ở tỉnh bà Rịa-Vũng Tàu đã hình thành những trung tâm dân cư mới và buôn bán phồn thịnh mà tài liệu của người Pháp cho biết đó là Chợ Bến, Long Hải, cầu Thị Vải và Xuyên Mộc. Địa bàn cầu Thị Vải là một trong bốn trung tâm dân cư và buôn bán lớn nhất trong những năm đầu thế kỷ 20 của tỉnh Bà Rịa. Lúc này tỉnh Bà Rịa đã có 9 tổng, 68 làng, số làng tăng lên chủ yếu ở địa bàn Tân Thành và vùng núi phía Bắc.

          Năm 1917, tỉnh Bà Rịa có 5 tổng (người) Việt, 2 tổng (người) Thượng. Tổng An Phú Hạ và An Phú Thượng được chia ba thành An Phú Hạ, An Phú Thượng và An Phú Tân (phần đất được tách ra chủ yếu từ An Phú Hạ). An Phú Tân, như tên gọi của nó là “đất mới” gồm chủ yếu các làng thuộc vùng đất Tân Thành ngày nay: Hội Bài, Mỹ Xuân, Phước Hòa, Phước Hội, Phước Thạnh, Thạnh An và hai làng Bà Trao, Núi Nứa (nay là xã Long Sơn thuộc thành phố Vũng Tàu), Long Hương (Bà Rịa). Địa bàn các xã Tóc Tiên, Sông Xoài, Châu Pha, Hắc Dịch thuộc buôn Hích Dịch của tổng Cơ Trạch (tổng người Thượng). Cho đến những năm 20 của thế kỷ 20, trên địa bàn huyện Tân Thành ngày nay đã định hình địa danh 7 xã từ Bắc xuống Nam gồm Mỹ Xuân, Hắc Dịch, Phú Thạnh, Thạnh An, Phước Hòa, Phước Hội và Hội Bài.

          Năm 1930, thực dân Pháp sắp xếp lại các đơn vị hành chính, tỉnh Bà Rịa có hai quận là Long Điền, Đất Đỏ (tồn tại đến 1953). Vùng đất Tân Thành thuộc quận Long Điền.

          Sau cách mạng tháng 8/1945, khi chính quyền về tay nhân dân, lúc đầu địa bàn Tân Thành ngày nay thuộc quận Long Điền. Tháng 12/1945, Xứ ủy Nam bộ quyết định sáp nhập hai tỉnh Cấp (Cap Saint Jacques) và tỉnh Bà Rịa, vùng đất Tân Thành được đặt thuộc quận Vũng Tàu, từ năm 1949 đổi thành huyện Vũng Tàu.

          Từ năm 1945 đến năm 1954 ranh giới và tên gọi các xã trên địa bàn Tân Thành có điều chỉnh và nhiều lần thay đổi. Năm 1946, hai xã Phú Thạnh và Mỹ Xuân hợp nhất thành xã Phú Mỹ. Ấp Long Xuân thuộc Long Hương được tách ra, nâng lên thành một xã (sau nhập với xã Phước Hòa thành xã Long Xuân).

          Năm 1948, sau nhiều trận càn quét và tàn sát dã man của thực dân Pháp tại khu vực lộ 2, phần lớn đồng bào dân tộc Châuro ở La Vân tản cư về Hắc Dịch. Ủy ban Kháng chiến Hành chính tỉnh quyết định sáp nhập làng La Vân vào làng Hắc Dịch.

          Sau khi giải phóng hoàn toàn lộ 15, năm 1949, Ủy ban Kháng chiến Hành chính tỉnh điều chỉnh lại địa giới, nhập các xã Hội Thạnh, Hội Bài A, Hội Bài B thành xã Đoàn Kết; nhập các xã Bàn Thạch, Phước Tân và Phước Long thành xã Tân Thành; nhập hai xã Long Xuân và Phước Hòa thành Xuân Hòa.

          Trong kháng chiến chống Mỹ, địa bàn Tân Thành thuộc về huyện Châu Thành, rồi huyện Châu Đức. Đây là thời kỳ chiến tranh ác liệt, cư dân sinh sống trên địa bàn Tân Thành không đông, chủ yếu là dân di cư, tập trung ven lộ 15 thuộc Phú Mỹ và Phước Hòa.

          Dưới chế độ Mỹ - ngụy, từ năm 1964, địa bàn Tân Thành thuộc quận Long Lễ và quận Đức Thạnh, nhưng chỉ có ba xã Phú Mỹ, Phước Hòa thuộc quận Long Lễ còn Hắc Dịch thuộc quận Đức Thạnh. Theo thống kê năm 1970, ba xã trên có diện tích là 335,2km2 (tương đương diện tích cả huyện Tân Thành hiện nay), dân số trên 8 ngàn người; trong đó xã Phú Mỹ có diện tích 121,3 kmvới dân số 1.699 người, xã Phước Hòa có diện tích 101 km2  với dân số 6.117 người, xã Hắc Dịch có diện tích 112,9 km2.

          Năm 1976, địa bàn Tân Thành thuộc huyện Châu Thành tỉnh Đồng Nai, đến tháng 9/1991 là huyện Châu Thành thuộc tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu (đến tháng 6 năm 1994).

          Quyết định số 192, ngày 08-12-1982, của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) chia xã Phú Mỹ huyện Châu Thành thành hai xã Phú Mỹ và Mỹ Xuân, chia xã Phước Hòa làm hai xã Phước Hòa và Hội Bài, lập xã kinh tế mới Châu Pha gồm một phần đất của hai xã Hắc Dịch và xã Long Hương (Bà Rịa), nhập hai ấp thuộc xã Kim Hải và Phước Hòa vào xã Long Hương, nhập ấp Trảng Lớn thuộc xã Phú Mỹ vào xã Hắc Dịch.

          Căn cứ theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, ngày 19-6-1993, huyện Châu Thành có 1 thị trấn và 18 xã (mã số từ 510201 đến 510219). Trên địa bàn Tân Thành bấy giờ có 6 xã: Châu Pha, Hắc Dịch, Mỹ Xuân, Phú Mỹ, Phước Hòa và Hội Bài.

          Từ tháng 6 năm 1994, huyện Tân Thành được thành lập, do điều kiện phát triển dân cư và sự mở rộng địa bàn, các xã mới lần lượt được hình thành và ổn định như hiện nay. Xã Phú Mỹ thành thị trấn, trung tâm hành chính của huyện. Xã Châu Pha tách thành hai xã Châu Pha và Tóc Tiên. Xã Hắc Dịch tách thành hai xã Hắc Dịch và Sông Xoài.

          Địa danh Tân Thành lần đầu tiên xuất hiện do Ủy ban Kháng chiến Hành chính tỉnh Bà Rịa quyết định vào năm 1949, do sự sáp nhập các xã Bàn Thạch, Phước Tấn và Phước Long và mang tên mới là xã Tân Thành. Xã Tân Thành khi đó có các ấp: Ông Trịnh, Phước Tân (Rạch Nghệ), Phước Long (gần ngã tư Hội Bài). Địa bàn xã Tân Thành kéo dài từ ấp Vạn Hạnh, thị trấn Phú Mỹ đến địa giới ấp Hải Sơn - Phước Lộc, xã Phước Hòa ngày nay. Dân số xã Tân Thành khi đó khoảng 60 hộ, trên dưới 20 khẩu. Xã Tân Thành ở vào vị trí trung tâm của huyện Tân Thành ngày nay, đồng thời cũng là trung tâm của các xã vùng lộ 15 thời kháng chiến, nơi đặt trụ sở Ủy ban Kháng chiến Hành chính huyện Vũng Tàu để lãnh đạo cuộc kháng chiến trong toàn huyện. Các trảng lớn ở xã Tân Thành là thao trường để luyện quân, tổ chức mít tinh của huyện và của tỉnh.

          Như vậy, từ tên gọi của một xã được thành lập trong những năm kháng chiến chống Pháp và cũng là địa bàn trung tâm lãnh đạo của huyện và của tỉnh trong cuộc kháng chiến chống Pháp, địa danh Tân Thành tái xuất hiện và trở thành tên gọi của một huyện mới từ tháng 6 năm 1994 (theo Nghị định 45, ngày 2-6-1994 của Thủ tướng Chính phủ).

          Tân Thành hiểu một cách thật giản dị và chính xác đó là “mới-thành, mới-lập” hay nói đầy đủ hơn là mới hình thành, mới xây dựng. Tên gọi đó hứa hẹn những tiềm năng và sức bật mới của một huyện mới thành lập.

          Sự phát triển dân cư và dân số của Tân Thành theo thời gian đã thể hiện rõ sự biến động của lịch sử trải qua các thời kỳ: sự khai phá và hình thành ổn định của các làng xã ở vùng đất Tân Thành cuối thế kỷ 19, do những ảnh hưởng và biến động từ cuộc khai thác thuộc địa lần thứ nhất của thực dân Pháp; sự di cư của đồng bào miền Bắc, miền Trung vào sinh sống tại Phú Mỹ, Phước Hòa- địa bàn xung yếu trên quốc lộ 15 sau năm 1954 trong thời kỳ đầu của cuộc kháng chiến chống Mỹ; và thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa với sự thành lập huyện mới và hệ thống khu công nghiệp dọc suốt chiều dài của Tân Thành. Có thể nói đó là những thời điểm quan trọng, đánh dấu quá trình biến động, phát triển dân cư, dân số, xã hội của Tân Thành. Hiện nay, Tân Thành là một huyện phát triển về công nghiệp, dịch vụ và nông nghiệp.

          Cuốn Chuyên khảo về tỉnh Bà Rịa và thành phố Cap Saint Jacques viết năm 1091, có lẽ là cuốn sách sớm nhất nói tương đối khái quát về tình hình các làng xã ở Tân Thành hồi cuối thế kỷ 19:

          “Ba làng Phước Hòa, Phú Thạnh, Mỹ Xuân nằm ở phía Tây của Tổng (An Phú Hạ) trong vùng núi Dinh và sông Thị Vải, rãi theo đường quốc lộ 1. Trên đường này nơi khu vực làng Mỹ Xuân có trạm Kiểm lâm cầu Thị Vải xây bên rạch Mương Nhánh, bờ trái sông Thị Vải. Rạch này có thể đi thuyền nhỏ tới tận cầu Thị Vải, giúp cho việc khai thác, vận chuyển gỗ ra đường số 1.

          Dân ba làng này trồng lúa ở trên những cánh ruộng tương đối cằn cỗi và sống bằng nghề đánh bắt hải sản và buôn bán củi…

          Hội Bài, Phước Hòa và Thạnh An là ba làng nghèo. Dân nơi đó sống bằng nghề chài lưới và buôn củi”…

          Những dòng tư liệu trên phản ánh khá xác đáng về tình cảnh nghèo khó, khổ cực của người dân Tân Thành trong buổi đầu khai phá vùng đất này và đặc biệt dưới thời Pháp thuộc. Ngày nay, nhân dân Tân Thành đang phát huy những di sản được hình thành từ thời cha ông mở cõi và hun đúc trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ với sức bật mạnh mẽ trong hiện tại và tương lai. Tương đồng với sự phát triển chung của vùng đất Tân Thành, quá trình hình thành, phát triển và những nét lớn về văn hóa của từng xã cũng để lại một bức tranh sinh động và phong phú với những đặc điểm riêng về quá trình lịch sử của vùng đất này.

          Thị trấn Phú Mỹ ngày nay gồm các ấp Ngọc Hà, Quảng Phú và Vạn Hạnh; có diện tích 3.712,8 ha, dân số 12.181 người (trong đó 33,56% theo Phật giáo; 21,15% theo Thiên Chúa giáo; 0,21% theo đạo Tin Lành; 0,43% theo đạo Cao Đài và 39,74% không tôn giáo hoặc theo các tôn giáo khác). Phần lớn dân cư Phú Mỹ đang trên đường xây dựng thành thị trấn đạt tiêu chuẩn của một thị trấn Văn hóa. Cho đến tháng 4 năm 1999, các ấp Ngọc Hà, Vạn Hạnh, Quảng Phú đã được công nhận là ấp Văn hóa.

          Năm 1901, địa bàn Phú Mỹ hiện nay thuộc các làng Phước Thạnh (dân số 405 người), Thạnh An (dân số 426 người). Đầu thế kỷ 20, Phước Thạnh, Thạnh An nhập lại thành Phú Thạnh và làng Mỹ Xuân. Năm 1945, địa bàn Phú Mỹ có chừng 200 gia đình sinh sống, là địa bàn được xem có đông dân cư nhất của huyện Tân Thành.

          Trên núi Thị Vải hiện có một ngôi chùa mang tên Thị Vải tọa lạc tại ấp Vạn Hạnh. Đây là một tổ đình, có lẽ là ngôi chùa ra đời vào loại sớm nhất ở vùng Tân Thành. Ở vùng đất này, Thị Vải được dùng đặt tên của ấp (ấp Thị Vải thuộc xã Mỹ Xuân), cầu Thị Vải (thuộc xã Mỹ Xuân), sông Thị Vải, núi Thị Vải… Những địa danh ấy liên quan đến nhân vật Lê ni cô được sách Đại Nam nhất thống chí chọn là một trong hai danh tăng tiêu biểu của tỉnh Biên Hòa, cũng là một trong hai danh tăng của đất Bà Rịa-Vũng Tàu được ghi trong Đại Nam nhất thống chí:

          “Lê ni cô không rõ quê quán, nhà giàu, kén chồng, sau khi cha mẹ chết mới lấy chồng, không được bao lâu thì góa, thề không lấy chồng khác, sau bị người quyền thế cưỡng ép, bèn cắt tóc đi tu, dựng am ở đỉnh núi, tu thành chính quả, sau người ta gọi núi ấy là núi Bà Vải”.

          Thị trấn Phú Mỹ còn có những ngôi chùa tương đối nổi tiếng, như Chùa Bát Nhã, Đại Tòng Lâm. Đây là những ngôi chùa mới xây dựng trong mấy chục năm gần đây, nhưng là những nơi tham quan du lịch nổi tiếng của Tân Thành.

          Xã Mỹ Xuân ngày nay gồm các ấp Phú Hà, Bến Đình, Thị Vải, Phước Lập, Phước Thạnh và Mỹ Thạnh; có diện tích 3.948,11 ha; dân số 16.159 người (trong đó 19,97% theo Phật giáo; 25,89% theo Thiên Chúa giáo; 1,25% theo đạo Tin Lành; 1,03% theo đạo Cao Đài; 0,08% theo đạo Hòa Hảo và 51,18% không theo tôn giáo hoặc theo các tôn giáo khác). Phần lớn cư dân Mỹ Xuân sống bằng nghề thương mại, dịch vụ và sản xuất công nghiệp. Hiện nay, các ấp Phước Lập, Thị Vải, Bến Đình đã được công nhận là ấp Văn Hóa.

          Năm 1901, dân số Mỹ Xuân chỉ có 218/ người. Trước đây, Mỹ Xuân có một ngôi đình cổ, rất đẹp (còn gọi là đình Phú Thạnh). Đây cũng là một địa chỉ, một cơ sở quan trọng của cách mạng. Nhiều cuộc họp quan trọng của lực lượng cách mạng đã diễn ra tại đây. Sau này, đình bị chiến tranh tàn phá. Tên ấp Bến Đình - nơi có đình làng tọa lạc là một phần còn lại của văn hóa quá khứ mà Mỹ Xuân còn lưu giữ được, mặc dù gần đây đình Mỹ Xuân đã được xây dựng lại. Hàng năm đình Mỹ Xuân thu hút đông đảo nhân dân cúng lễ cầu an.

          Xã Phước Hòa ngày nay là một xã đông dân cư và tương đối phát triển của Tân Thành. Những địa danh Đồng Tranh, Gò Me, Gò Dầu, Láng Tranh, Bến Cây Lim (hay Liêm, do đọc chệch), núi Đất (núi Trần, hay núi Ba Con Heo), sông Mỏ Nhát… đã đi vào ký ức của nhân dân Phước Hòa - Ông Trịnh. Hiện nay, Phước Hòa gồm có các ấp Ông Trịnh, Song Vĩnh (được chia tách từ ấp Ông Trịnh), Hải Sơn, Lam Sơn, Phước Sơn (ấp Lam Sơn và Phước Sơn được chia tách từ ấp Hải Sơn) và Phước Lộc. Phước Hòa là xã có diện tích lớn nhất trong huyện (8.301,83 ha), dân số khoảng 15.589 người (trong đó 14,83% theo Phật giáo; 70,25% theo Thiên Chúa giáo- ấp Hải Sơn có đến 90% dân số theo Thiên Chúa giáo; 0,18% theo đạo Tin Lành; 0,42% theo đạo Cao Đài; và 14,32% không theo tôn giáo hoặc theo các tôn giáo khác; phần lớn là người Kinh, có 14 hộ thuộc các dân tộc ít người). Thế mạnh kinh tế hiện nay của Phước Hòa là công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và thương mại dịch vụ. Hiện nay, các ấp Hải Sơn, Phước Lộc, Song Vĩnh đã được công nhận là ấp Văn hóa.

          Các nghề có thu nhập tương đối cao ở Phước Hòa là thương mại, dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp, nghề đá xuất khẩu ở Phước Hòa đã thu hút gần 1 ngàn lao động. Ngoài những nghề trên, Phước Hòa còn có nghề nông, làm muối (làng muối Phước Lộc). Từ cuối thế kỷ 19, nghề làm muối đã có ở Phước Hòa. Năm 1901, Phước Hòa có 47,6 ha diện tích làm muối. Dân số Phước Hòa lúc ấy khoảng 739 người, là xã có dân số đông nhất trên địa bàn Tân Thành.

          Qua khảo sát bước đầu, nhiều câu chuyện dân gian cho thấy đa số nhân dân cư ngụ ở Phước Hòa đều có nguồn gốc từ tỉnh Gia Định (vốn là quan, quân của Nguyễn Huệ) di dân về đây hồi cuối thế kỷ 19, trong đó có nhiều gia đình người Chăm, vốn là hậu duệ của những người đi theo để bảo vệ ông Trịnh (khoảng trên 30 gia đình) và người từ miền Bắc di cư năm 1954.

          Năm 1945, trung tâm xã Phước Hòa nằm trên địa phận xã Hội Bài hiện nay (kéo dài khoảng 3km đến cầu Rạch Váng, phía Đông và Đông Bắc là rừng Giồng - cây cối rậm rạp, khó phân định ranh giới; phía Đông Nam giáp với xã Long Hương, ngã tư Hội Bài; phía Nam giáp với cù lao Bà Trao - Núi Nứa, phía Bắc giáp với xã Phú Thạnh (sau đó là xã Phú Mỹ). Phước Hòa có chiều rộng chừng 8 km, diện tích tự nhiên toàn xã khoảng 24 km2, dân số khoảng 45 hộ, trên dưới 200 người, với 4 ấp: Phước Hòa, Phước Hiệp (Rạch Chanh), Phước Tân (Rạch Nghệ) và ấp Phước Long (ngã tư Hội Bài).

          Bấy giờ nhân dân thường chọn các gò cao, rộng và thường làm nhà sinh sống ven theo các nhánh sông, rạch (bến Bà Chiếu, bến Cầu Quan và dọc rạch Chanh) để tiện đốn củi, hầm than, múc dầu ráy, lượm chai cục và đánh bắt hải sản để sinh sống.

          Phước Hòa có nhiều di tích lịch sử - văn hóa và truyền thuyết lưu truyền trong dân gian cũng như được ghi chép trong thư tịch cổ phản ánh quá trình khai phá vùng đất này.

          Năm 1998, lần đầu tiên một di tích khảo cổ học ở Tân Thành được tổ chức khai quật quy mô. Đó là di tích khảo cổ học Gò Cá Sỏi, thuộc ấp Phước Lộc, xã Phước Hòa. Di tích nằm trên một cái gò, bao bọc xung quanh là đầm lầy nước mặn và rừng đước. Từ những hiện vật: rìu đá, mảnh gốm, hòn lăn, con kê… mà cuộc khai quật thu được đã cho biết từ cách đây 2.500-2.700 năm vùng đất Tân Thành đã có con người sinh sống.

          Từ Gò Cá Sỏi, các nhà khảo cổ học đã thăm dò những gò tương tự trong vùng đã phát hiện được rất nhiều mảnh gốm, rìu đá có niên đại tương tự Gò Cá Sỏi. Các nhà khảo cổ học cũng đã cho biết mối quan hệ giữa Gò Cá Sỏi với di tích Bưng Bạc, Bưng Thơm và một số di tích khảo cổ học khác trên địa bàn Bà Rịa-Vũng Tàu. Như vậy, trước khi người Việt đến vùng đất Bà Rịa-Vũng Tàu khai hoang mở đất, trên địa bàn này nói chung và Tân Thành nói riêng đã có những người bản địa sinh sống…

          Ở xã Phước Hòa hiện nay có nhiều địa danh mang tên Ông Trịnh: ấp Ông Trịnh, núi Ông Trịnh, sông Ông Trịnh, chợ Ông Trịnh, bến Ông Trịnh… Ông Trịnh chắc hẳn là tên một nhân vật có quan hệ gắn bó với vùng đất này. Nhưng khác với Lê ni cô đã trở thành địa danh Thị Vải, nhân vật ông Trịnh không thấy ghi trong sử sách. Tuy nhiên, trong dân gian vẫn lưu truyền nhiều câu chuyện về nguồn gốc và công trạng của ông. Đặc biệt, hiện nay đền thờ và phần mộ của ông và con ông vẫn còn tại Phước Hòa.

          Đền thờ Ông Trịnh (hay miếu ông Trịnh, miếu Ông Lớn) tọa lạc gần chân núi Ông Trịnh. Trên bàn thờ chính điện ghi Tôn Miếu Nguyễn Quý Công. Điều này cho biết người được tôn thờ mang họ Nguyễn, chứ không phải họ Trịnh như dân gian lưu truyền. Hai bên bàn thờ ông Trịnh là bàn thờ Tả ban, Hữu ban. Phía trước bàn thờ là phần mộ ông, đắp hình voi phục, có bia gỗ những không còn đọc được chữ; phía trước có nhà võ ca, bàn thờ tiên sư và chư vị.

          Ngoài ngôi mộ và đền thờ gần chân núi Ông Trịnh, ven quốc lộ 51 còn có một ngôi mộ cũng mang tên mộ ông Trịnh. Phía sau ngôi mộ cũng có miếu thờ. Nhân dân địa phương cho rằng đây là mộ con trai ông Trịnh. Tháng 1 năm 1998, do phải giải tỏa mặt bằng để mở rộng quốc lộ 51 ngôi mộ này buộc phải di dời. Viện Khoa học Xã hội tại thành phố Hồ Chí Minh phối hợp ngành Văn hóa Thông tin tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu tổ chức khai quật và di chuyển ngôi mộ này. Kết quả khai quật cho thấy chủ nhân ngôi mộ có thể là một người đàn ông có địa vị trong xã hội (phú hộ hay thủ lĩnh quân sự một địa phương, đã có công mở mang, khai phá và giữ gìn vùng đất này), khi chết được tôn thờ, được hương khói. Chưa có căn cứ để xác định “Trịnh” là tên hay họ. Các nhà khoa học khai quật di tích này đoán định niên đại của ngôi mộ có thể ở vào khoảng nửa cuối thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ 20, không sớm hơn.

          Phước Hòa có ngôi Vạn Thông Phật Đường tương đối nổi tiếng, thu hút nhiều khách trong và ngoài địa phương hành hương, cúng Phật, vãn cảnh.

          Xã Hội Bài ngày nay gồm các ấp Láng Cát, Phước Tấn, Phước Hiệp, Phước Thành, Chu Hải; có diện tích 5.305,7 ha, dân số 18.825 người (trong đó 15,32% theo Phật giáo; 47,63% theo Thiên Chúa giáo; 0,02% theo đạo Tin Lành; 0,01% theo đạo Hồi; 0,73% theo đạo Cao Đài; và 36,29% không theo tôn giáo hoặc theo các tôn giáo khác). Thế mạnh kinh tế hiện nay của Hội Bài là lâm nghiệp và ngư nghiệp. Hiện nay, các ấp Láng Cát, Chu Hải, Phước Tấn, Phước Thành đã được công nhận là ấp Văn hóa.

          Trước đây cư dân Hội Bài sinh sống rải rác trên các gò nồng ven kênh rạch, gần rừng ngập mặn hay các ngọn suối. Cư dân sống bằng nghề đánh cá, đốt than (đước), củi, gỗ, lấy dầu và làm muối. Từ cuối thế kỷ 19, nghề làm muối đã có ở Hội Bài.

          Năm 1901, Hội Bài chỉ có 584 người. Thực ra, phần lớn đất đai thuộc các ấp Láng Cát, Chu Hải, Phước Tấn, Phước Hiệp, Phước Thành trước đây thuộc địa bàn xã Phước Hòa. Trong những năm từ 1936-1941, nhiều quần chúng yêu nước và cán bộ cách mạng tham gia phong trào Mặt trận Dân chủ Đông Dương và sau đó là những người tham gia cuộc Khởi nghĩa Nam kỳ đã lánh về vùng đất này để tránh giặc khủng bố và nuôi chí lớn.

          Sau những biến cố trong năm 1952-1953, phần lớn dân chúng ly hương về Thạnh An. Sau năm 1954, một bộ phận đã hồi cư trở lại, cùng với dân miền Bắc di cư vào đây khai hoang phục hóa vùng đất này, hình thành các thôn ấp nói trên. Người dân Hội Bài hiện nay vẫn nói dân Hội Bài và Phước Hòa xưa sống trên cùng một mảnh đất. Chính vì vậy hiện nay Hội Bài có một ngôi đình khá nổi tiếng nhưng mang tên Đình Thần Phước Hòa…

          Nhiều người cho biết đình Phước Hòa được xây dựng cuối năm 1938 đầu năm 1939 và đặt tên là “Đình Thần Xã Phước Hòa”. Ban đầu Đình Thần còn làm đơn sơ bằng cây gỗ và lợp tranh. Tuy nhiên, theo nhiều nguồn tài liệu thành văn thì Đình Thần Phước Hòa không phải xây dựng ở thời điểm muộn như vậy. “Đình Phước Hòa quay mặt ra bến” (nước) vẫn còn lại trong ký ức các bô lão.    Nó được xây dựng sớm hơn và bắt đầu từ một câu chuyện lịch sử có thật. Có lẽ thời điểm 1938-1939 đình được di chuyển đến vị trí hiện nay hoặc đó là thời điểm trùng tu, mở rộng quan trọng nhất của ngôi đình này.

          Năm 1947, đình Phước Hòa bị cháy hoàn toàn. Năm 1957, được xây dựng mới lại tương đối quy mô như hiện nay. Năm 1983 làm thêm nhà đãi, mở rộng nhà bếp… Đình thần Phước Hòa có nhà Võ ca, Võ quy, Chính điện, Nhà đãi, nhà bếp. Hàng năm nhân dân Phước Hòa tổ chức lễ cúng đình (cầu an) vào ba ngày 20, 21, 22 tháng 11 (âm lịch). Điều hết sức đặc biệt là Đình thần Phước Hòa có thờ tượng một người ngay trung tâm chính điện mà nhân dân trong xã cho đó là Nguyễn Long Môn.

          Các cụ cao niên trong Hội đình cho biết ông là một tướng lĩnh của Tây Sơn Nguyễn Huệ, là người có nhiều phép thuật, bị nhà Nguyễn tử hình ở Huế những đã “hóa thân” về Phước Hòa. Từ đó nhân dân đã tạc tượng Nguyễn Long Môn để thờ. Xung quanh nhân vật này còn có nhiều câu chuyện khác nhau lưu truyền trong dân gian, tuy nhiên nó không hoàn toàn giống với cuộc đời và sự nghiệp của một người có tên là Nguyễn Long Môn được ghi lại trong tài liệu thành văn. Ngoài ra, đình Phước Hòa còn thờ Quan Công ở vị trí trang trọng trước bàn thờ Nguyễn Long Môn, thờ Tiên Sư (gần nhà đãi). Phía trước đình có một ngôi mộ (có lẽ là mộ tượng trưng), bia mộ ghi: “Linh mộ, quan đại thần” bằng chữ quốc ngữ.

          Di tích lịch sử cách mạng Căn cứ Núi Dinh là một di tích nổi tiếng của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu mà một phần lớn khu di tích này thuộc địa phận xã Hội Bài, Tóc Tiên, Châu Pha, Hắc Dịch. Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước là căn cứ cách mạng của Tỉnh ủy, Thị ủy Bà Rịa. Di tích cách mạng Núi Dinh đã được nhà nước xếp hạng di tích. Hiện nay, di tích Núi Dinh đang được đầu tư xây dựng thành một điểm về nguồn kết hợp với du lịch sinh thái lý tưởng của huyện Tân Thành và của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.

          Hội Bài còn có Miếu thờ Bà Cố (xây dựng cách nay hơn 100 năm), Thiền Viện Minh Đức, chùa Tây Phương là những di tích, danh thắng có tiếng của xã, hàng năm thu hút nhiều khách tham quan và hành hương thờ cúng.

          Xã Châu Pha ngày nay gồm các ấp Tân Lễ A, Tân Lễ B, Tân Châu, Tân Trung, Tân Sơn, Tân Long, Tân Ninh, Tân Ro và Bàu Phượng; có diện tích 3.284,74 ha, dân số 10.125 người (trong đó 7,8% theo Phật giáo; 25,31% theo Thiên Chúa giáo; 0,06% theo đạo Tin Lành; 0,14% theo đạo Cao Đài và 66,69% không theo tôn giáo hoặc theo các tôn giáo khác). Thế mạnh kinh tế hiện nay của Châu Pha là nông nghiệp. Các ấp Tân Lễ A, Tân Lễ B, Tân Trung đã được công nhận là ấp Văn hóa. Ấp Tân Ro có nhiều đồng bào là người dân tộc Châu Ro.

          Xã Tóc Tiên ngày nay gồm các ấp: Ấp 1, Ấp 2, Ấp 3, Ấp 4, Ấp 5 và Ấp 6; có diện tích 3.735,2 ha, dân số ít nhất trong toàn huyện (3.216 người, trong đó 3,26% theo Phật giáo; 27,02% theo Thiên Chúa giáo; 0,4% theo đạo Tin Lành; 0,27% theo đạo Cao Đài và 69,05% không theo tôn giáo hoặc theo các tôn giáo khác). Thế mạnh kinh tế hiện nay của Tóc Tiên là nông nghiệp và trồng các loại cây ăn trái, đặc biệt là nhãn. Các ấp 2, ấp 5 và ấp 6 đã được công nhận là ấp Văn hóa.

          Xã Hắc Dịch ngày nay gồm các ấp Trảng Cát, Trảng Lớn, Ấp 1, Ấp 2 và Ấp 4; có diện tích 3.146,01 ha, dân số 9.483 người (trong đó 20,65% theo Phật giáo; 11,74% theo Thiên Chúa giáo; 0,7% theo đạo Tin Lành; 0,17% theo đạo Cao Đài và 67,01% không theo tôn giáo hoặc theo các tôn giáo khác). Ấp 1 có nhiều đồng bào là người dân tộc Châuro. Thế mạnh kinh tế hiện nay của Hắc Dịch là trồng các loại cây công nghiệp, nhiều nhất là cà phê, tiêu. Các ấp Trảng Cát, Trảng Lớn, ấp 1, ấp 2 và ấp 4 đã được công nhận là ấp Văn hóa.

          Trước năm 1945, Hắc Dịch chỉ có khoảng hơn 30 hộ, chưa đến 200 nhân khẩu, hầu hết là đồng bào dân tộc Châuro. Diện tích Hắc Dịch lúc đó rộng gấp 4 lần hiện tại, bao gồm toàn bộ phần đất các xã Tóc Tiên, Châu Pha, Sông Xoài, được bao bọc, che phủ bởi cánh rừng già. Đây là địa bàn chiến lược nằm giữa quốc lộ 15 (51) và Liên tỉnh lộ 2, nối Chiến khu Rừng Sác với vùng giải phóng thuộc Chiến khu Đ nổi tiếng của miền Đông Nam bộ. Đồng bào dân tộc Châuro tuyệt đối trung thành với sự nghiệp cách mạng, đã đóng góp những thành tích đặc biệt lớn lao trong hai cuộc kháng chiến; trở thành biểu tượng cho cuộc kháng chiến toàn dân - toàn diện - trường kỳ - tự lực của quân và dân Bà Rịa-Vũng Tàu.

          Trong chống Pháp, chống Mỹ các lực lượng cách mạng đã xây dựng căn cứ kháng chiến tại Hắc Dịch. Đặc biệt, trong giai đoạn chiến tranh cục bộ (1965-1972), căn cứ Hắc Dịch bị đánh phá ác liệt. Trên bản đồ của địch, Mật khu Hắc Dịch là trọng điểm đánh phá mà Mỹ ngụy đã khoanh vào vùng tự do oanh kích và phi pháo với đủ loại bom napan, bom phát quang, bom bi, chất độc… Nhưng chúng hoàn toàn thất bại. Địa đạo Hắc Dịch (ở Gia Cốp), do cán bộ, chiến sĩ và nhân dân đào năm 1961, dài hơn 3km nhằm bảo vệ Văn phòng Tỉnh ủy Bà Rịa trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Địa đạo Hắc Dịch đã được Nhà nước xếp hạng di tích lịch sử cách mạng.

          Xã Sông Xoài ngày nay gồm các ấp Sông Xoài 1, Sông Xoài 2, Cầu Ri, Ấp 1 và Ấp 3; có diện tích 2.902,97 ha, dân số 6.641 người (trong đó 5,36% theo Phật giáo; 10,7% theo Thiên Chúa giáo; 0,55% theo đạo Tin Lành; 0,67% theo đạo Cao Đài và 82, 72% không theo tôn giáo hoặc theo các tôn giáo khác). Ấp Sông Xoài và ấp 1 có nhiều đồng bào là người dân tộc Châuro. Thế mạnh kinh tế của Sông Xoài là trồng cây công nghiệp, nhiều nhất là cà phê, tiêu và các loại cây ăn quả dài ngày.

          Huyện Tân Thành có khá nhiều loại hình tôn giáo. Với số dân hơn 92 ngàn người, cơ cấu tôn giáo được chia ra như sau: 17,04% theo Phật giáo; 35,26% theo Thiên Chúa giáo; 0,4% theo đạo Tin Lành; 0,55% theo đạo Cao Đài; 0,01% theo đạo Hòa Hảo, gần 200 người theo Hồi giáo và 46,74% không theo tôn giáo hoặc theo các tôn giáo khác. Huyện Tân Thành có tỷ lệ dân theo Thiên Chúa giáo khá cao, có thể nói có tỷ lệ cao nhất trong tỉnh. Phần lớn đồng bào theo Thiên Chúa giáo có nguồn gốc từ miền Bắc, di cư vào Tân Thành sau Hiệp định Giơnevơ (1954). Điều này phản ánh quá trình hình thành dân cư trong hoàn cảnh riêng của vùng đất này.

3. Truyền thống yêu nước và cách mạng

          Vùng đất Tân Thành trước đây vốn là địa bàn cư trú của một số đồng bào dân tộc ít người mà chủ yếu là dân tộc Châuro. Trong quá trình khai hoang mở đất về phương Nam của người Việt trong các thế kỷ 17, 18, một bộ phận người Việt có thể đã sinh sống tại Tân Thành, nhưng chắc chắn không nhiều bằng các địa bàn khác ở Bà rịa –Vũng tàu.

Quá trình hình thành làng xóm đông đúc ở Tân Thành chỉ phát triển mạnh từ nửa sau đến cuối thế kỷ 19. Quá trình đó được bổ sung, tiếp tục phát triển bởi những nguồn dân cư mới, từ nhiều vùng khác nhau tụ cư về đây trong những hoàn cảnh đặc biệt (chính sách dồn dân của thực dân xâm lược, chiến tranh tàn phá, sự bóc lột, áp bức hà khắc, sưu cao thuế nặng buộc nông dân phải đi tìm đất sống…). Họ đã chọn Tân Thành, một vùng đất chưa khai phá để sinh cơ lập nghiệp. Tuy nhiên, dù được bổ sung trong hoàn cảnh nào thì những người đến vùng đất Tân Thành đều là những người nông dân giàu truyền thống yêu nước, cần cù, sáng tạo trong lao động sản xuất. Chính họ đã khai sơn phá thạch, cải tạo núi đồi, đồng hoang, đầm lầy để biến Tân Thành một vùng đất trù phú và đầy hứa hẹn như hôm nay.

Dưới thời Tự Đức, vào lúc 10 giờ, ngày 10/2/1859, thực dân Pháp nổ súng bắn vào pháo đài Phước Thắng Vũng Tàu, chính thức mở màn cho quá trình xâm lược Nam kỳ. Quân và dân Bà Rịa –Vũng Tàu đã kiên cường chiến đấu chống trả những chiến hạm được trang bị hiện đại của liên quân Pháp-Tây Ban Nha. Trận chiến kéo dài ngót 7 tiếng đồng hồ, nhưng cuối cùng tuyến phòng thủ Vũng Tàu của nhà Nguyễn đã bị chọc thủng. Ngày hôm sau, giặc Pháp chuyển qua tấn công trận địa bảo vệ hỗn hợp thủy bộ của quân ta ở phía Tây cửa Cần Giờ, mở đường đánh chiếm thành Gia Định.

Ngày 14/12/1861, Biên Hòa rơi vào tay người Pháp, lính thú người Việt rút lui qua Tân Thành về Bà Rịa. Tại đây, Đô đốc Lê Quang Tuyên đã chuẩn bị lực lượng-tập hợp những người lính của triều đình, ngăn cản bước tiến của Pháp bằng đường bộ từ Biên Hòa về Bà Rịa. Đây là một trong những lý do buộc Pháp phải dời lại thời gian và đánh Bà Rịa từ một hướng khác.

Ngày 7 tháng Giêng năm 1862, thực dân Pháp dùng tàu chiến đánh Bà Rịa. Sáu tháng sau chúng mới hoàn toàn chiếm được thủ phủ của Phước Tuy (7/1862). Tại đây, Pháp tập trung lực lượng đánh chiếm các đồn luỹ của quân khởi nghĩa. Khi không đủ sức cầm cự, một bộ phận nghĩa quân đã rút vào vùng đồng bào dân tộc; một bộ phận khác lui về rừng núi Cù Mi, gần       Bình Thuận; một bộ phận còn lại bám địa bàn quanh núi Dinh xây dựng căn cứ kháng chiến. Họ đã liên lạc với nghĩa quân Trương Quyền, con trai bình Tây Đại Nguyên soái Trương Định chống Pháp.

Trong buổi đầu kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, đồng bào dân tộc ít người trên địa bàn Tân Thành đã có nhiều đóng góp quan trọng về sức người, sức của, trực tiếp tham gia chiến đấu và che chở nghĩa quân kháng chiến. Điều đó phần nào nói lên sự đoàn kết chiến đấu ngoan cường, quyết không cho kẻ thù xâm lược tấc đất cha ông của quân dân Bà Rịa-Vũng Tàu.

Sau khi chiếm được Sài Gòn và Mỹ Tho, vì địa bàn rộng, lính thiếu, mệt mỏi lại phải giãn quân để đối phó với các hoạt động chống trả của quân và dân ta ở phía Đông (Biên Hòa Và Bà Rịa), thực dân Pháp phải tạm ngừng các cuộc hành quân lớn. Vào thời điểm này, ở vùng Bà Rịa, chúng chỉ xây dựng một đồn duy nhất ở làng Phú Mỹ, gần đường Sông đi Sài Gòn, làm nơi trấn giữ cửa ngõ quan trọng và đầu mối thông tin để điều binh khi hữu sự.

Cũng tại đây, ngày 3 tháng 7 năm 1862, Trưởng thôn Phú Mỹ, vì có hành động phản kháng đã bị các lính Pháp giết chết. Cái chết của một vị Trưởng thôn có thể là sự kiện không lớn, nhưng tiêu biểu ở Bà Rịa, được sử sách nhắc lại nhiều lần. Trong hoàn cảnh đó, nó chứng tỏ tinh thần, thái độ cương quyết chống Pháp của nhân dân vùng đất Tân Thành.

Tháng 8 năm 1864, lãnh tụ Trương Định, vốn rất ảnh hưởng ở miền Đông Nam bộ bị hy sinh. Phong trào chống Pháp ở phủ Phước Tuy nói riêng và Nam bộ nói chung suy yếu dần

Sau này, khi phong trào Cần Vương phát triển (1885-1896), Tân Thành là địa bàn dừng chân, đi về kêu gọi nhân dân đứng lên chống Pháp của những người một lòng cứu nước. Khi phong trào Cần Vương bị vỡ, nhiều sĩ phu yêu nước không hợp tác với giặc đã lên núi Dinh mai danh ẩn tích, tu chí chờ thời cơ. Những người yêu nước đó đã để lại trên núi Dinh nhiều địa danh, dấu tích chùa chiền còn lại đến hôm nay.

Đời sống người dân Tân Thành vốn hết sức khổ cực. Họ sống chủ yếu bằng nghề đánh bắt hải sản, khai thác củi, gỗ, múc dầu chai trên núi. Mùa mưa vào rừng trồng tỉa, mùa khô lấy cũi, đánh bắt cá. Nhận xét về vùng đất Tân Thành, sách Chuyên khảo về Bà Rịa và thành phố Cap Saint Jacques viết: chỉ có cây đước là sống được ở môi trường nước lợ này với những chùm rễ rậm rạp như lưới giữ lại bùn đất phù sa… nhưng công việc này của thiên nhiên chưa hoàn thành và còn biết bao năm nữa đất các làng Thạnh An, Hội Bài và Phước Hòa có thể trồng gì khác ngoài cây đước lấy gỗ đốt than.

Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, mặc dù dân số Tân Thành không đông như những địa phương khác ở Bà Rịa –Vũng Tàu, nhưng tuyệt đại đa số là dân lao động, rất cần cù và một lòng một dạ theo cách mạng.

Cuộc sống bình thường vốn đã quá khó khăn, huống chi người dân Tân Thành phải chịu ách áp bức bóc lột của thực dân Pháp.

Tóm lại, trong quá khứ Tân Thành là vị trí đầu mối, là con đường quan trọng trong quá trình mở đất về phương Nam. Trong các cuộc kháng chiến chống thực dân, đế quốc, vùng đất Tân Thành là vị trí quân sự chiến lược quan trọng. Nhân dân các xã vùng lộ 15 (nay là Quốc lộ 51) đã đóng góp nhiều nhân tài vật lực cho cách mạng trong suốt hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Nhân dân và lực lượng vũ trang nhân dân các xã Hắc Dịch, Mỹ Xuân, Hội Bài đã được Nhà nước tuyên dương danh hiệu cao quý: Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Thành tích của nhân dân và lực lượng vũ trang nhân dân các xã Hắc Dịch, Mỹ Xuân, Hội Bài đã được Nhà nước phong tặng cũng chính là thành tích chung của nhân dân và lực lượng vũ trang nhân dân các xã của vùng đất Tân Thành xưa.

Trong tương lai, đây sẽ là khu vực giãn dân cho các đô thị lớn ở miền Đông Nam bộ. Tân Thành sẽ trở thành điểm sáng trong quá trình phát triển các khu công nghiệp tập trung. Khi các dự án thành phần trong dự án tổng thể liên hiệp khí-điện-đạm hoàn thiện, Phú Mỹ sẽ là trung tâm điện năng lớn nhất Đông Nam Á. Tương lai tươi đẹp đó được bắt nguồn từ quá khứ và hiện tại./.












LỊCH SỬ ĐẤU TRANH CÁCH MẠNG CỦA NHÂN DÂN HUYỆN TÂN THÀNH





Bài 1
Truyền thống yêu nước và cách mạng của nhân dân Tân Thành
 ____________________________

Vùng đất Tân Thành trước đây vốn là địa bàn cư trú của một số đồng bào dân tộc ít người mà chủ yếu là dân tộc Châuro. Trong quá trình khai hoang mở đất về phương Nam của người Việt trong các thế kỷ 17, 18, một bộ phận người Việt có thể đã sinh sống tại Tân Thành, nhưng chắc chắn không nhiều bằng các địa bàn khác ở Bà rịa –Vũng tàu.
Quá trình hình thành làng xóm đông đúc ở Tân Thành chỉ phát triển mạnh từ nửa sau đến cuối thế kỷ 19. Quá trình đó được bổ sung, tiếp tục phát triển bởi những nguồn dân cư mới, từ nhiều vùng khác nhau tụ cư về đây trong những hoàn cảnh đặc biệt (chính sách dồn dân của thực dân xâm lược, chiến tranh tàn phá, sự bóc lột, áp bức hà khắc, sưu cao thuế nặng buộc nông dân phải đi tìm đất sống…). Họ đã chọn Tân Thành, một vùng đất chưa khai phá để sinh cơ lập nghiệp. Tuy nhiên, dù được bổ sung trong hoàn cảnh nào thì những người đến vùng đất Tân Thành đều là những người nông dân giàu truyền thống yêu nước, cần cù, sáng tạo trong lao động sản xuất. Chính họ đã khai sơn phá thạch, cải tạo núi đồi, đồng hoang, đầm lầy để biến Tân Thành một vùng đất trù phú và đầy hứa hẹn như hôm nay.
Dưới thời Tự Đức, vào lúc 10 giờ, ngày 10/2/1859, thực dân Pháp nổ súng bắn vào pháo đài Phước Thắng Vũng Tàu, chính thức mở màn cho quá trình xâm lược Nam kỳ. Quân và dân Bà Rịa –Vũng Tàu đã kiên cường chiến đấu chống trả những chiến hạm được trang bị hiện đại của liên quân Pháp-Tây Ban Nha. Trận chiến kéo dài ngót 7 tiếng đồng hồ, nhưng cuối cùng tuyến phòng thủ Vũng Tàu của nhà Nguyễn đã bị chọc thủng. Ngày hôm sau, giặc Pháp chuyển qua tấn công trận địa bảo vệ hỗn hợp thủy bộ của quân ta ở phía Tây cửa Cần Giờ, mở đường đánh chiếm thành Gia Định.
Ngày 14/12/1861, Biên Hòa rơi vào tay người Pháp, lính thú người Việt rút lui qua Tân Thành về Bà Rịa. Tại đây, Đô đốc Lê Quang Tuyên đã chuẩn bị lực lượng-tập hợp những người lính của triều đình, ngăn cản bước tiến của Pháp bằng đường bộ từ Biên Hòa về Bà Rịa. Đây là một trong những lý do buộc Pháp phải dời lại thời gian và đánh Bà Rịa từ một hướng khác.
Ngày 7 tháng Giêng năm 1862, thực dân Pháp dùng tàu chiến đánh Bà Rịa. Sáu tháng sau chúng mới hoàn toàn chiếm được thủ phủ của Phước Tuy (7/1862). Tại đây, Pháp tập trung lực lượng đánh chiếm các đồn luỹ của quân khởi nghĩa. Khi không đủ sức cầm cự, một bộ phận nghĩa quân đã rút vào vùng đồng bào dân tộc; một bộ phận khác lui về rừng núi Cù Mi, gần          Bình Thuận; một bộ phận còn lại bám địa bàn quanh núi Dinh xây dựng căn cứ kháng chiến. Họ đã liên lạc với nghĩa quân Trương Quyền, con trai bình Tây Đại Nguyên soái Trương Định chống Pháp.
Trong buổi đầu kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, đồng bào dân tộc ít người trên địa bàn Tân Thành đã có nhiều đóng góp quan trọng về sức người, sức của, trực tiếp tham gia chiến đấu và che chở nghĩa quân kháng chiến. Điều đó phần nào nói lên sự đoàn kết chiến đấu ngoan cường, quyết không cho kẻ thù xâm lược tấc đất cha ông của quân dân Bà Rịa-Vũng Tàu.
Sau khi chiếm được Sài Gòn và Mỹ Tho, vì địa bàn rộng, lính thiếu, mệt mỏi lại phải giãn quân để đối phó với các hoạt động chống trả của quân và dân ta ở phía Đông (Biên Hòa Và Bà Rịa), thực dân Pháp phải tạm ngừng các cuộc hành quân lớn. Vào thời điểm này, ở vùng Bà Rịa, chúng chỉ xây dựng một đồn duy nhất ở làng Phú Mỹ, gần đường Sông đi Sài Gòn, làm nơi trấn giữ cửa ngõ quan trọng và đầu mối thông tin để điều binh khi hữu sự.
Cũng tại đây, ngày 3 tháng 7 năm 1862, Trưởng thôn Phú Mỹ, vì có hành động phản kháng đã bị các lính Pháp giết chết. Cái chết của một vị Trưởng thôn có thể là sự kiện không lớn, nhưng tiêu biểu ở Bà Rịa, được sử sách nhắc lại nhiều lần. Trong hoàn cảnh đó, nó chứng tỏ tinh thần, thái độ cương quyết chống Pháp của nhân dân vùng đất Tân Thành.
Tháng 8 năm 1864, lãnh tụ Trương Định, vốn rất ảnh hưởng ở miền Đông Nam bộ bị hy sinh. Phong trào chống Pháp ở phủ Phước Tuy nói riêng và Nam bộ nói chung suy yếu dần
Sau này, khi phong trào Cần Vương phát triển (1885-1896), Tân Thành là địa bàn dừng chân, đi về kêu gọi nhân dân đứng lên chống Pháp của những người một lòng cứu nước. Khi phong trào Cần Vương bị vỡ, nhiều sĩ phu yêu nước không hợp tác với giặc đã lên núi Dinh mai danh ẩn tích, tu chí chờ thời cơ. Những người yêu nước đó đã để lại trên núi Dinh nhiều địa danh, dấu tích chùa chiền còn lại đến hôm nay.
Đời sống người dân Tân Thành vốn hết sức khổ cực. Họ sống chủ yếu bằng nghề đánh bắt hải sản, khai thác củi, gỗ, múc dầu chai trên núi. Mùa mưa vào rừng trồng tỉa, mùa khô lấy cũi, đánh bắt cá. Nhận xét về vùng đất Tân Thành, sách Chuyên khảo về Bà Rịa và thành phố Cap Saint Jacques viết: chỉ có cây đước là sống được ở môi trường nước lợ này với những chùm rễ rậm rạp như lưới giữ lại bùn đất phù sa… nhưng công việc này của thiên nhiên chưa hoàn thành và còn biết bao năm nữa đất các làng Thạnh An, Hội Bài và Phước Hòa có thể trồng gì khác ngoài cây đước lấy gỗ đốt than.
Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, mặc dù dân số Tân Thành không đông như những địa phương khác ở Bà Rịa –Vũng Tàu, nhưng tuyệt đại đa số là dân lao động, rất cần cù và một lòng một dạ theo cách mạng.
Cuộc sống bình thường vốn đã quá khó khăn, huống chi người dân Tân Thành phải chịu ách áp bức bóc lột của thực dân Pháp.
Tóm lại, trong quá khứ Tân Thành là vị trí đầu mối, là con đường quan trọng trong quá trình mở đất về phương Nam. Trong các cuộc kháng chiến chống thực dân, đế quốc, vùng đất Tân Thành là vị trí quân sự chiến lược quan trọng. Nhân dân các xã vùng lộ 15 (nay là Quốc lộ 51) đã đóng góp nhiều nhân tài vật lực cho cách mạng trong suốt hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Nhân dân và lực lượng vũ trang nhân dân các xã Hắc Dịch, Mỹ Xuân, Hội Bài đã được Nhà nước tuyên dương danh hiệu cao quý: Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Thành tích của nhân dân và lực lượng vũ trang nhân dân các xã Hắc Dịch, Mỹ Xuân, Hội Bài đã được Nhà nước phong tặng cũng chính là thành tích chung của nhân dân và lực lượng vũ trang nhân dân các xã của vùng đất Tân Thành xưa.
Trong tương lai, đây sẽ là khu vực giãn dân cho các đô thị lớn ở miền Đông Nam bộ. Tân Thành sẽ trở thành điểm sáng trong quá trình phát triển các khu công nghiệp tập trung. Khi các dự án thành phần trong dự án tổng thể liên hiệp khí-điện-đạm hoàn thiện, Phú Mỹ sẽ là trung tâm điện năng lớn nhất Đông Nam Á. Tương lai tươi đẹp đó được bắt nguồn từ quá khứ và hiện tại./.



Bài 2
Nhân dân Tân Thành giai đoạn 1930-1935
__________________________
Đầu thế kỷ 20, nhằm khai thác tối đa nguồn lợi của vùng đất này, thực dân Pháp đã tăng cường vốn đầu tư, mở rộng các đồn điền trồng cây công nghiệp, xây dựng một số cơ sở chế biến nông sản. Trên địa bàn lộ 15, chúng xây dựng đồn điền mía và nhà máy đường ở Bậc Lở (Mỹ Xuân), xây dựng cảng trên sông Thị Vải (bến Bà Phóng-Phú Thạnh). Mặc dù còn ở qui mô nhỏ, khu vực Mỹ Xuân  đã sớm hình thành những cơ sở kinh tế và dịch vụ phục vụ công cuộc khai thác thuộc địa ở xứ sở này. Đây là tiền đề dẫn đến sự thay đổi cơ cấu dân cư, một bộ phận giai cấp công nhân, nông nghiệp đã hình thành trong các đồn điền mía, đồn điền cao su trong vùng, công nhân nhà máy đường Mỹ Xuân và công nhân dịch vụ ở cảng Thị Vải.
Để bảo vệ lộ 15, tuyến giao thông chiến lược nối Sài Gòn - Biên Hòa - Bà Rịa-Vũng Tàu, thực dân Pháp đã tăng cường lực lượng đóng đồn bót và thiết lập các chi khu quân sự. Án ngữ hai đầu tuyến lộ 15, trên đoạn đường gần 30 km đi qua tỉnh Bà Rịa là Chi khu quân sự Mỹ Xuân (sau đổi thành Phú Mỹ) và Chi khu quân sự Long Lễ cùng với một hệ thống đồn bót dọc tuyến lộ này. Đây cũng là hai Chi khu quân sự án ngữ hai đầu vùng đất Tân Thành.
Thực dân Pháp rất coi trọng vị trí kinh tế và quân sự của con đường chiến lược này. Theo nhận xét của một sĩ quan tham mưu Pháp thuộc Bộ chỉ huy quân khu Miền Đông Nam bộ (Secteur Biên Hòa) thì: “Quốc lộ 15 vừa là đường giao thông kinh tế, vừa là tuyến đường phục vụ cho Biên Hòa để trực tiếp chỉ huy và tăng viện cho hai tiểu khu trực thuộc là sous secteur Bà Rịa và sous secteur autonome Nước ngọt… khống chế được giải đất rộng lớn ở phía Đông Nam; kiểm soát phần nửa tỉnh phía Tây kể cả rừng Sác và bảo vệ được 3 đường giao thông… làm hậu thuẫn vững chắc cho Cấp ở phía Nam; giữ chắc sườn phía Đông Nam của huyện Long Thành và sườn phía Nam của lực lượng chiếm đóng Pháp-Việt ở huyện Xuyên Mộc…
Ngoài hệ thống đồn bót và bộ máy cai trị thực dân ở cấp tỉnh, cấp quận, thực dân Pháp tổ chức ra hệ thống chính quyền phong kiến tay sai ở làng xã để tiếp tay cho chúng thống trị, lừa bịp, đàn áp, bóc lột nhân dân. Dưới chính quyền thuộc địa, các xã trong huyện Tân Thành ngày nay đều đặt thuộc quận Long Lễ, có Ban hội tề ở ba làng Phước Hòa, Long Hương và Phú Mỹ. Phần lớn các lân ấp phía rừng Sác Hội Bài đặt dưới quyền kiểm soát của Ban Hội tề Phước Hòa. Ban Hội tề tổ chức kềm kẹp, bắt phu, bắt lính, đàn áp, bóc lột sức lao động của nhân dân.
Cũng như nhiều địa phương khác ở Nam bộ và Bà Rịa-Vũng Tàu, khi thực dân Pháp tiến hành cuộc khai thác thuộc địa lần thứ nhất và thứ hai, phong trào đấu tranh của nhân dân chuyển hướng sang những hình thức mới. Đó là những “hội kín” tuyên truyền, huấn luyện, chờ thời chống Pháp, như hội kín của Sư tổ Huệ Đăng vốn là người tham gia phong trào Cần Vương của Mai Xuân Thưởng từ Bình Định vào hoạt động ở vùng Long Đất, Bà Rịa…
Mạng lưới hoạt động của những hội kín này khá rộng, ảnh hưởng lớn ở Bà Rịa-Vũng Tàu, trong số đó có nhiều gương mặt tiêu biểu hoạt động trên những địa bàn gần gũi với khu vực lộ 15 như Hòa thượng Pháp Trí (chùa Báo Ân, đệ tử của sư tổ Huệ Đăng); ông Hai Tâm (Long Điền); ông Của, ông Khuê (Long Phước); ông Đình Đài, ông Sáu Lạc ở Long Kiên, Long Xuyên (Hòa Long) và những hoạt động mang tính chất hội kín của đạo Ông Trần do ông Lê Văn Mưu ở Bà Trao-Núi Nứa chủ trì với mối quan hệ tự nhiên với các làng Hội Bài, Phước Hòa, Mỹ Xuân…
Sự xuất hiện của giai cấp công nhân, một lực lượng cách mạng mới đã đem lại những nét mới trong phong trào đấu tranh của nhân dân vùng lộ 15. Khu vực Mỹ Xuân tập trung khá nhiều công nhân tại đồn điền mía và nhà máy đường, cảng Thị Vải và một số đồn điền cao su lân cận. Năm 1929, công nhân đồn điền mía-Nhà máy đường Mỹ Xuân đã tổ chức một cuộc đấu tranh đòi bọn chủ tư bản Pháp phải tăng lương và chống đánh đập, sa thải công nhân. Cuộc đấu tranh với các khẩu hiệu dân sinh dân chủ, trong một phạm vi hẹp song nó có tác dụng trực tiếp, hun đúc tinh thần chống Pháp của nhân dân vùng lộ 15.
Trước năm 1930, một bộ phận giai cấp công nhân đã hình thành trên địa bàn lộ 15, song phần lớn dân chúng vẫn chủ yếu làm nghề nông, dựa vào ruộng, rẫy và khai thác những nguồn lợi tự nhiên, như đốn củi, hầm than, múc dầu chai, đánh bắt tôm cá bán cho các chủ vựa.
Cho đến năm 1930, dân cư sinh sống tại vùng đất Tân Thành vẫn còn thưa thớt, chủ yếu là những người lao động nghèo khổ. Ruộng lúa ở vùng này không nhiều, tập trung ở các cánh đồng Phú Thạnh, Mỹ Xuân, phần lớn nằm trong tay các chủ đất như Hội đồng Điền, Ba Chìa Khóa (Kamura). Ba Chìa Khóa là người Nhật, lấy vợ Việt Nam, có thể lực hơn cả Hội đồng Điền. Vừa phát canh thu tô hơn 70 mẫu ruộng, Ba Chìa Khóa còn là chủ nhà máy xay, chủ xe đò với những mối quan hệ trong giới tư bản và với bộ máy cai trị thuộc địa. Ngay cả thực dân Pháp cũng không ngờ rằng, khi Nhật làm đảo chính, Ba Chìa Khóa đã đóng lon quan ba và công khai với cái tên Nhật Bản là Kamura. Dân Phú Thạnh và Mỹ Xuân phần lớn làm thuê cho Ba Chìa Khóa và Hội đồng Điền với mức tô tức nặng lãi.
Dân Phước Hòa, Hội Bài cũng không thoát khỏi cảnh nghèo khó vì phải làm những công việc nặng nhọc, như đốn củi, hầm than, múc dầu chai, đánh bắt cá tôm mà thu nhập chẳng được là bao. Muốn bán được về Sài Gòn phải thông qua các chủ vựa. Đầu tắt mặt tối quanh năm mà nghèo đói đeo đẳng từ đời này qua đời khác. Lúc thất mùa, họ phải lên rừng Giồng đào củ ăn thay cơm. Nhà cửa phần lớn là những túp lều dột nát, quần áo rách rưới, hầu hết đều thất học. Cho đến nay, người dân Phước Hòa, Hội Bài vẫn ghi nhớ và lưu truyền đến hậu thế những câu ca dao thấm đượm tình cảnh cùng cực của người dân ở đây:
Cây ăn lưỡi búa đã mòn,
Rừng thung (lũng) hết củi, nồi còn hết cơm.
Được hội tụ từ nhiều vùng đất nước, người dân vùng lộ 15 vốn giàu truyền thống yêu nước và cách mạng, ngay từ khi có Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, nhân dân Tân Thành đã sớm tiếp thu ảnh hưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam. Ngày 3 tháng 2 năm 1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, chấm dứt thời kỳ bế tắc, khủng hoảng về đội ngũ lãnh đạo, đường lối kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời là kết quả của sự kết hợp chủ nghĩa Mác-Lênin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước của nhân dân Việt Nam. Sự ra đời của chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam ở Bà Rịa-Vũng Tàu nói chung và vùng đất Tân Thành nói riêng cũng nằm trong quy luật chung đó.
Từ khi đảng Cộng sản Việt Nam ra đời và lãnh đạo phong trào cách mạng, một số cán bộ đảng viên và quần chúng cách mạng ở nhiều nơi bị thực dân Pháp khủng bố đã tìm về vùng đất thưa dân, trên có núi cao, rừng dày, lưới có sông rạch chằng chịt để sinh sống và tạm tránh giặc. Nhân dân Mỹ Xuân đã cưu mang, che chở cho nhiều cán bộ và quần chúng cách mạng, trong đó có ông Hứa Văn Thái, tham gia phong trào cách mạng năm 1930 ở miền Tây, ông Nguyễn Văn Yến là dân trốn lính, bà Phan Thị Năm (tức Vũ Thị Nhũ), Nguyễn Thị Kiềm, Hứa Thị Tới là những quần chúng cách mạng, mang căn cước giả tới sinh sống. Sự xuất hiện của những người cộng sản trên vùng đất Bà Rịa-Vũng Tàu đã ảnh hưởng tích cực đến nhận thức chính trị của nhân dân vùng lộ 15.
Người cộng sản đầu tiên người Bà Rịa là ông Dương Bạch Mai quê ngoại ở Long Mỹ, ông hoạt động trong phong trào công nhân Pháp, được kết nạp vào Đảng cộng sản Pháp rồi được giới thiệu đi học tại trường Đại học Phương Đông Liên Xô. Tốt nghiệp cuối năm 1930, ông trở về hoạt động ở Sài Gòn và truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin về Bà Rịa –Vũng Tàu. Học cùng khóa với Dương Bạch Mai ở Đại học Phương Đông (Liên Xô) còn có Nguyễn Văn Phải (tức Nguyễn Thanh Phong), quê ở Long Điền. Khi khóa học chưa kết thúc, do bị bệnh, Nguyễn Văn Phải về quê, mở tiệm thuốc Tây, bí mật truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin.
Theo lịch sử huyện Cần Giờ, đồng chí Huỳnh Văn Hát, sinh trưởng tại Cần Giờ là một thanh niên sớm được giác ngộ. Từ năm 1929 đồng chí đã tham gia hoạt động trong Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí Hội và bị địch bắt và đày đi Côn Đảo. Đồng chí Huỳnh Văn Hát được giác ngộ tại nhà lao và trở thành người đảng viên cộng sản trong lao tù. Trước đó, Huỳnh Văn Hát làm giao liên giữa Bà Rịa-Vũng Tàu và Sài Gòn – Biên Hòa. Những chuyến ghe chở cá, buôn than củi từ Vũng Tàu, Cần Giờ ghé Thị Vải, đi Biên Hòa, Sài Gòn là lộ trình giao liên quen thuộc thời đó.
Là một đầu cầu, cửa ngõ trên con đường giao thông thủy bộ từ Bắc vào Nam, Bà Rịa-Vũng Tàu từng lưu lại dấu chân của nhiều chiến sỹ cách mạng từ nhiều địa phương về hội tụ, gieo những hạt giống cách mạng vào lòng những người dân lao khổ, trên một mảnh đất đã từng đi đầu chiến đấu chống Pháp ở Nam Bộ. Sự nỗ lực của những người cộng sản từ nhiều miền đất nước hội tụ về Bà Rịa-Vũng Tàu đã dẫn đến sự ra đời của các tổ chức quần chúng hoạt động dưới ảnh hưởng của Đảng Cộng sản, trước hết là tập hợp lực lượng, truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin.
Đồng chí Hồ Tri Tân là người đầu tiên xây dựng những tổ chức cách mạnh trên vùng đất Bà Rịa-Vũng Tàu. Hồ Tri Tân là liên lạc viên của tỉnh ủy Quảng Trị, bị thực dân Pháp khủng bố đã lánh vào Bà Rịa làm ăn bằng nghề thợ mộc. Hồ Tri Tân cùng các anh Trần Văn Ý ở Long Hương, Nguyễn Văn Lăng ở Phước Tỉnh nhóm họp tại chùa Châu Viên vào mùa xuân năm 1932, gọi là Hội Châu Viên kết nghĩa, thề cùng nhau “hoạn nạn tương cứu, sinh tử bất ly”, sau tập hợp thêm Trần Văn Hóa, Trần Văn Thiên, Hồ Thị Trinh, Mười Còn, Thợ Quy, Lương Xưởng… là những người lao động có tinh thần chống Pháp.
Bà Rịa-Vũng Tàu khi ấy là một trong những trung tâm Phật giáo lớn ở miền Đông Nam bộ. Phong trào “Chấn hưng Phật giáo” phát triển mạnh mẽ từ năm 1931 với sự ra đời của các Hội nghiên cứu Phật học và các tạp chí Phật học ở khắp ba kỳ đã ảnh hưởng sâu sắc đến giới tăng ni phật tử Bà Rịa. Thiên Thai cổ tự (Long Điền) là một trong những trung tâm Phật giáo lớn ở Bà Rịa. Kế thừa tư tưởng yêu nước của Sư tổ Huệ Đăng, các môn đệ Thiên Thai cổ tự sôi nổi tham gia cuộc tranh luận về Phật giáo, hướng về quan điểm “Phật tự tâm” của Sư Thiện Chiếu (chùa Linh Sơn, Sài Gòn) phê phán thuyết “Thượng đế toàn năng”, phê phán sự u mê về thiên đường hay cõi Tây phương cực lạc; hướng Phật giáo nhập thế với mục đích cứu khổ cứu nạn chúng sinh. Đó chính là khuynh hướng tích cực của phong trào Chấn hưng Phật giáo.
Hồ Tri Tân tổ chức Nhóm Nghiên cứu Phật giáo, một hình thức hoạt động công khai, vận động tăng ni phật tử theo chánh đạo, chống tà thuyết, đồng thời là tấm bình phong hữu hiệu để Hồ Tri Tân, bí mật hoạt động cộng sản. Lợi dụng ngày chủ nhật, những dịp lễ, người đi chùa đông, Hồ Tri Tân và các thành viên Hội Châu Viên kết nghĩa trà trộn trong các nhóm người đi chùa, lên núi, nghiên cứu tài liệu về Công Hội đỏ, Nông Hội đỏ và tác phẩm Nhật ký chìm tàu của lãnh tụ Nguyễn Ai Quốc mà Hồ Tri Tân mang từ Quảng Trị vào.
Đêm 13 tháng 7 năm 1933, Hội Châu Viên kết nghĩa đã treo được 6 lá cờ đỏ búa liềm tại 6 địa điểm trong tỉnh, trong đó có một lá cờ treo tại địa phận xã Long Hương, trên hai ngọn cây phi lao ngang lộ 15. nhiều truyền đơn ký tên Việt Nam cộng sản Đảng đã được rải ở nhiều địa điểm từ Long Điền, Đất Đỏ đến Bà Rịa và quốc lộ 15 với các nội dung: “Bỏ thuế thân; Giảm thuế điền thổ trạch; Chống tham quan ô lại; Công nông binh liên hiệp lại.” Những người dân yêu nước trên địa bàn lộ 15 rất phấn khởi, hy vọng đón chờ.
Cờ đỏ búa liềm và truyền đơn cộng sản của Hội Châu Viên kết nghĩa chính là ngọn cờ tập hợp những người cộng sản từ nhiều nơi về hoạt động tại Bà Rịa-Vũng Tàu. Cũng trong thời gian này, Trần Văn Cừ (bí danh Ba Thẹo), một đảng viên cộng sản ở Cà Mau bị khủng bố cũng đang hoạt động ở Bà Rịa. Từ Sài Gòn, Trần Văn Cừ về Mỹ Xuân, dạy gồng (dạy võ) ở các làng dọc lộ 15, từ Phước Hòa, Phú Mỹ lên Bình Ba, về Bà Rịa. Vùng đất thưa dân, giàu hào khí này đã dung nạp ông, và bằng nghề dạy gồng, ông đã đi được nhiều nơi, gặp nhiều người, truyền bá tư tưởng chống thực dân Pháp, tuyên truyền Chủ nghĩa Mác-Lênin. Một trong những học trò mà ông dạy gồng và giác ngộ cách mạng là chị Nguyễn Thị Sanh, bí danh Sính (Sáu Mười Mẫu), vốn là dân khai hoang ở làng Phước Hòa, sau lấy chồng là công nhân ở đồn điền Trần Kim Tỵ (Bình Ba). Nguyễn Thị Sanh sau trở thành đảng viên cộng sản và hoạt động rất tích cực.
Ở khu vực các chùa trên núi Thị Vải còn có hai vợ chồng đồng chí Nguyễn Văn Long (vợ là chị Vân) nương náu, tuyên truyền trong giới tăng ni phật tử. Nguyễn Văn Long là công nhân của hãng xe buýt Sài Gòn, cả hai vợ chồng là hạt nhận lãnh đạo cuộc bãi công của công nhân hãng xe buýt, đang bị thực dân Pháp truy lùng, tạm lánh về Bà Rịa, nương náu ở Chùa Chân, Thị Vải. Nguyễn Văn Long cũng đang cùng với các tăng ni phật tử các chùa ở khu vực núi Thị Vải tích cực tham gia cuộc tranh luận về Phật giáo, ủng hộ quan điểm “Phật tự Tâm” của Sư Thiện Chiếu. Nguyễn Văn Long đã gặp Trần Văn Cừ ở Thị Vải và sau đó, cả hai đã gặp Hồ Tri Tân trong một số cuộc giao lưu tại chùa Châu Viên.
Sau một thời gian tìm hiểu, biết rõ nhau, Hồ Tri Tân cùng Trần Văn Cừ, Nguyễn Văn Long đã tổ chức cuộc họp tại nhà ông Trần Bá Thiên, xã Phước Hải (Đất Đỏ) vào tháng 2 năm 1934, tuyên bố thành lập chi bộ 3 đảng viên: Trần Văn Cừ (bí thư), Nguyễn Văn Long, Hồ Tri Tân. Nguyễn Văn Long phụ trách địa bàn lộ 15, tích cực tham gia vào Hội phật học và phái Tịnh độ Cư sỹ, dựa vào triết lý Phật giáo để vạch rõ những bất công trong xã hội mà nguồn gốc từ chế độ cai trị của thực dân Pháp xâm lược câu kết với bọn phong kiến phản động. Trần Văn Cừ phụ trách khu vực lộ 2, vận động công nhân cao su và nông dân vùng Tứ Long. Hồ Tri Tân vận động giới thợ mộc, thợ hồ, quần chúng lao động và buôn bán ở Long Điền, Đất Đỏ.
Trong khoảng thời gian từ giữa năm 1930 đến giữa tháng 7 năm 1933 hoạt động tuyên truyền chủ nghĩa Mác-Lênin, vận động xây dựng chi bộ Đảng Cộng sản và thực hiện các hoạt động đấu tranh chống thực dân Pháp diễn ra sôi nổi tại Bà Rịa. Sự hoạt động sôi nổi của các chiến sĩ cách mạng Dương Bạch Mai, Nguyễn Văn Phải, Hồ Tri Tân và các hội viên của hội Châu Viên kết nghĩa đã đưa đến kết quả tất yếu là sự ra đời của chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của tỉnh Bà Rịa tại xã Phước Hải vào tháng 2 năm 1934. hoạt động của các chiến sĩ cách mạng trên địa Bà Rịa và sự ra đời của  Chi bộ Phước Hải đã có ảnh hưởng đối với phong trào cách mạng trên toàn tỉnh Bà Rịa bấy giờ./.



Bài 3
Cuộc khởi nghĩa Nam kỳ
__________________________
Trong những năm 1934-1935, trên địa bàn hai tỉnh Bà Rịa và ô Cấp (Cap Saint Jacques) đã diễn ra nhiều cuộc đấu tranh chống lao dịch. Tù nhân ở nhà lao Bà Rịa và nhà lao Cấp đấu tranh tuyệt thực với các yêu sách dân sinh dân chủ và đòi thả tù chính trị. Các cuộc đấu tranh này đã cổ vũ tinh thần chống Pháp của nhân dân trong toàn tỉnh. Lực lượng tù chính trị trong các nhà lao đã góp phần truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin và ảnh hưởng của Đảng Cộng sản bằng những cuộc đấu tranh với các yêu sách chính trị, gây tiếng vang đối với quần chúng bên ngoài. Báo chí công khai ở Sài Gòn đã đưa tin về các cuộc đấu tranh này. Nhiều báo cáo của mật thám Nam Kỳ đã báo động về việc tuyên truyền cộng sản và đấu tranh của tù chính trị ở Bà Rịa- ô Cấp.
Tháng 6 năm 1936, Chính phủ phái tả của Mặt trận Bình dân lên cầm quyền ở Pháp. Ra đời trong cao trào nhân dân đấu tranh chống phát xít, Chính phủ phái tả đã giải quyết một số quyền lợi cho quần chúng lao động trong nước và các thuộc địa theo cương lĩnh của Mặt trận nhân dân Pháp. Lợi dụng tình hình chính trị đang thuận lợi, ngày 26 tháng 7 năm 1936 Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng ta quyết định thành lập Mặt trận thống nhất nhân dân phản đế Đông Dương và chủ trương chuyển hình thức hoạt động bí mật sang hoạt động công khai, nửa hợp pháp nhằm tập hợp, hướng dẫn quần chúng đấu tranh đòi quyền dân sinh, dân chủ, chống thực dân và bè lũ tay sai.
Đảng đã đưa ra 12 yêu cầu đòi quyền tự do dân chủ cho các tầng lớp nhân dân lao động và tù chính trị, kêu gọi cả nước thành lập Uỷ ban Hành động, tập trung lực lượng chuẩn bị Đại hội Đông Dương. Hoạt động hợp pháp của một số đảng viên gắn bó với vùng đất Bà Rịa đấu tranh đòi tự do dân chủ, cải tiến thể chế chính trị ở thuộc địa đã ảnh hưởng tích cực đối với phong trào cách mạng ở Bà Rịa. Cuộc vận động Đông Dương Đại hội khởi xướng ở Sài Gòn giữa năm 1936 đã nhanh chóng phát triển ở Bà Rịa.
Hưởng ứng phong trào Đông Dương đại hội do Đảng ta phát động, Ủy ban hành động tỉnh Bà Rịa được thành lập do Hồ Tri Tân, đứng đầu, công khai vận động quần chúng nhân dân tập hợp nguyện vọng, chuẩn bị cử đại biểu đưa lên phái đoàn thanh tra của Mặt trận nhân dân Pháp sắp sang Đông Dương điều tra. Nhiều Uy ban hành động ở các làng cũng được thành lập. Cùng với việc tập hợp nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân, Ủy ban hành động còn tích cực vận động nhân dân đấu tranh đòi dân sinh dân chủ, đòi giảm thuế, nhất là thuế thân, thuế muối.
Xứ ủy Nam kỳ quan tâm chỉ đạo phong trào, phân công các đồng chí đảng viên hoạt động công khai như Dương Bạch Mai, Nguyễn Văn Lộng (tức Chùa). Phong trào đấu tranh công khai thường xuyên theo dõi và chỉ đạo hoạt động của Ủy ban hành động Bà Rịa.
Ngày 2 tháng 9 năm 1936, theo sáng kiến của Hồ Tri Tân, Hội Lỗ Ban Tương tế được thành lập. Hội tổ chức mỗi xã một phân hội hoạt động công khai. Hội Lỗ Ban Tương tế đã tổ chức nhiều hoạt động đấu tranh, ảnh hưởng sâu sắc trong quần chúng nhân dân, nhất là trong năm 1936, trong cao trào vận động thành lập Mặt trận Dân chủ Đông Dương.
Đầu năm 1937, đồng chí Trương Văn Bang vừa ra tù, được Liên Tỉnh ủy miền Đông cử về củng cố các cơ sở Đảng ở Biên Hòa và Bà Rịa. Ban cán sự lâm thời Đảng bộ tỉnh Bà Rịa được thành lập giữa năm 1937 do đồng chí Trương Văn Bang làm Bí thư. Đây là thời kỳ phát triển mạnh mẽ cả về tổ chức Đảng, tổ chức quần chúng và phong trào đấu tranh của quần chúng cách mạng trong tỉnh với hàng loạt Hội tương tế được thành lập trong công nhân cao su, trong nông dân, ngư dân và các giới thợ thuyền, tiểu thương cùng với hàng loạt cuộc đấu tranh của công nhân các xưởng cưa ở Bà Rịa, phu hồ ở Long Hải, chị em buôn bán ở chợ Phước Hải, thợ thủ công làm gốm ở Long Mỹ.
Tổ chức Đảng trong tỉnh được củng cố, phát triển thêm một số chi bộ và kết nạp thêm nhiều đảng viên. Từ chi bộ đầu tiên ở Phước Hải, trên địa bàn tỉnh Bà Rịa đã có thêm Chi bộ Long Mỹ, Chi bộ liên sở Bình Ba-Xà Bang-Láng Lớn và một số đảng viên ở Long Điền. Hầu hết các làng vùng Long Điền, Phước Lễ, khu Tứ Long, Khu vực lộ 2 đã có các cơ sở Đảng và các Hội tương tế.
Điều đáng nói ở đây là trong khi tập trung sức chỉ đạo phát triển tổ chức và phong trào trên các khu vực trọng điểm như vùng công nhân cao su ở khu vực lộ 2 và vùng đông dân Long Điền-Đất Đỏ, Đảng bộ chưa nỗ lực vươn tới địa bàn lộ 15, một khu vực tuy thưa dân nhưng vị trí không kém phần quan trọng. Tài liệu của địch và của các nhân chứng hoạt động trong thời kỳ này đều đề cập rất sơ sài, hầu như không đáng kể về tổ chức, cán bộ cũng như phong trào cách mạng trên địa bàn lộ 15. về cán bộ, trước đó đồng chí Nguyễn Văn Long được chi bộ Phước Hải phân công phụ trách khu vực lộ 15 đã chuyển về Sài Gòn. Trong thời gian ấy, rất nhiều quần chúng tích cực ở Đất Đỏ, Long Điền và trong công nhân cao su được kết nạp vào Đảng, song chi bộ chưa phát triển được đảng viên nào trên địa bàn lộ 15.
Cho đến năm 1937, khi Ban cán sự Đảng bộ tỉnh (tương đương Tỉnh uỷ lâm thời) được thành lập thì phương hướng chỉ đạo trên địa bàn lộ 15 cũng chưa được xác định rõ. Đây cũng là thời điểm bắt đầu khó khăn của phong trào. Tình hình chính trị ở Pháp ngày càng xấu đi. Chủ nghĩa phát xít tiến công mạnh vào các lực lượng dân chủ.
Bọn phản động thuộc địa Pháp ngày càng thắng thế. Chính quyền thuộc địa Đông Dương ra tay khủng bố. Nhiều cán bộ hoạt động tích cực trong phong trào Mặt trận Dân chủ Đông Dương ở Bà Rịa phải chuyển vùng như Lê Quang Xô, Trần Văn Cừ, Hồ Ngọc Hạ, Trương Văn Bang, Hồ Tri Tân bị trục xuất (tháng 3 năm 1938) rồi bị bắt đày ra Côn Đảo. Dương Bạch Mai 5 năm tù, 10 năm biệt xứ, Hồ Hạ bị kết án 3 năm tù giam, 5 năm biệt xứ. Hồ Thị Trinh, Hồ Thị Tường, Lê Văn Tập, Chín Thừa bị đày đi Bá Rá, Tà Lài; Lê Minh Châu (Ba Cụt) bị đày đi Châu Đốc; Nguyễn Thị Sanh phải tạm lắng một thời gian, bí mật củng cố các cơ sở trong công nhân cao su; Nguyễn Văn Phải (Thanh Phong) tạm lánh về Cà Mau; Võ Văn Thiết, Lê Công Cẩn dựng lán trong rừng Long Mỹ sống bất hợp pháp. Phong trào cách mạng ở Bà Rịa-Vũng Tàu đứng trước những khó khăn thử thách ngày càng gay gắt.
Ngày 1 tháng 9 năm 1939 phát xít Đức tiến công Ba Lan, mở đầu cuộc chiến tranh thế giới lần thứ 2. Bọn phản động thuộc địa tăng cường đàn áp và khủng bố. Về kinh tế, thực dân Pháp tăng thuế, bắt dân đi làm xâu, bắt thanh niên vào lính (lính tập) đưa sang Pháp làm bia đỡ đạn, chúng thi hành chính sách kinh tế thời chiến thẳng tay bóc lột, tăng thuế, sung công tài sản của nhân dân nhằm vơ vét sức người, sức của phục vụ cho chiến tranh đế quốc. Về chính trị, chúng tước đoạt các quyền tự do dân chủ mà quần chúng nhân dân đã giành được trong cao trào Mặt trận dân chủ Đông Dương, chúng bắt hàng loạt cán bộ, đảng viên cộng sản, cấm nhân dân hội họp, cấm lưu hành sách báo tiến bộ, giải tán các hội ái hữu, nghiệp đoàn. Về quân sự, chúng ra lệnh tổng động viên bắt lính, bắt phu xây dựng các công trình quân sự phòng thủ.
Trước tình hình đó, Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ VI (tháng 11 năm 1939) đã xác định rõ con đường của cách mạng Việt Nam: “Bước đường sinh tồn của các dân tộc Đông Dương không có con đường nào khác hơn là con đường đánh đổ đế quốc Pháp, chống tất cả các ách ngoại xâm, vô luận da trắng hay da vàng, để tranh lấy độc lập”. Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 6 (tháng 11 năm 1939) đánh dấu bước chuyển biến quan trọng trong sự chỉ đạo chiến lược của Đảng ta, mở đầu cho một thời kỳ mới, thời kỳ trực tiếp chuẩn bị lực lượng, tiến tới Tổng khởi nghĩa giành chính quyền khi có thời cơ.
Tháng 6 năm 1940, nước Pháp bại trận. Phát xít Nhật nhảy vào Đông Dương. Bọn thực dân thuộc địa vì để duy trì quyền lợi đã bạc nhược đầu hàng và cấu kết với phát xít Nhật. Chúng tăng cường vơ vét lương thực, thực phẩm, bắt nhân dân ta phục dịch cho chúng. Mâu thuẫn giữa nhân dân ta với thực dân, phát xít ngày càng gay gắt. Trước tình hình đó Xứ uỷ Nam Kỳ chủ trương chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang. Công tác binh vận được đẩy mạnh. Tiểu ban binh vận vùng 2 gồm Biên Hòa-Bà Rịa-Vũng Tàu được Xứ ủy đặc biệt quan tâm, cử cán bộ xây dựng cơ sở trong anh em binh lính, đẩy mạnh tuyên truyền, giác ngộ cách mạng.
Đêm 22 rạng ngày 23 tháng 11 năm 1940, cuộc khởi nghĩa đã nổ ra tại nhiều tỉnh ở Nam Kỳ. Tuy thất bại, nhưng cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ đã gây một tiếng vang lớn, tác động mạnh mẽ đến tinh thần yêu nước, quyết tâm giành độc lập, tự do của nhân dân Việt Nam. Mặc dù tại Bà Rịa-Vũng Tàu cuộc khởi nghĩa đã không nổ ra như những địa phương khác ở Nam kỳ, nhưng trong cuộc khủng bố trắng của thực dân Pháp, nhiều cán bộ, đảng viên ở Bà Rịa đã bị bắt bớ, tù đày. Một số người phải tạm lánh đi nơi khác. Phong trào cách mạng tiếp tục duy trì trong công nhân cao su, dưới hình thức đấu tranh đòi dân sinh dân chủ.
Địa bàn Tân Thành không có đồn điền cao su, nhưng một phần đất của đồn điền Bình Sơn, Long Thành tiếp giáp với Tân Thành. Vì thế phong trào đấu tranh của công nhân cao su đã ít nhiều ảnh hưởng trực tiếp đến Tân Thành. Ngày 29 tháng 12 năm 1940, dưới sự lãnh đạo của các đảng viên cộng sản, hơn 1.000 công nhân cao su đấu tranh đòi các yêu cầu dân sinh dân chủ. Cuộc đấu tranh cuối cùng đã thắng lợi, tác động tích cực trong nhân dân. Sáng ngày 10 tháng 9 năm 1941, hơn 500 công nhân ở sở Cuortenay đã tổ chức đình công, kéo về tỉnh lỵ Bà Rịa yêu cầu Tỉnh trưởng người Pháp phải can thiệp, buộc chủ sở chấm dứt đánh đập, hành hạ công nhân. Cuộc đấu tranh được nông dân các xã vùng ven Bà Rịa ủng hộ. Tỉnh trưởng Bà Rịa hứa can thiệp với chủ sở bồi thường thiệt hại cho công nhân, chấm dứt tình trạng đánh đập, cúp phạt, cung cấp đủ lương thực, thực phẩm, thuốc men cho công nhân…
Những người cao niên ở Mỹ Xuân còn nhớ, sau cuộc khởi nghĩa Nam kỳ (tháng 11 năm 1940), thực dân Pháp đã bắt bớ nhiều người và đem chặt đầu ba người dân xã Mỹ Xuân tại giếng ba miệng, vườn cao su của Xilake, gần chợ mới. Sự tàn ác của thực dân Pháp không khuất phục được người dân Tân Thành mà trái lại, chúng chỉ chất chứa thêm tội ác và hun đúc sâu thêm ý chí cách mạng của nhân dân.
Trong thời kỳ này, một số quần chúng cách mạng ở các tỉnh miền Tây Nam bộ bị khủng bố vì liên quan đến cuộc Khởi nghĩa Nam kỳ (tháng 11 năm 1940) cũng tìm về vùng đất Phước Hải, Mỹ Xuân, Hội Bài sinh sống. Các lân ấp ở Hội Bài tụ tập ngày càng đông thêm, qui tụ một lớp cư dân vốn giàu lòng yêu nước và có truyền thống đấu tranh cách mạng. Nhân dân Phú Mỹ đến bây giờ còn nhắc tới cô Năm Chùa. Cô Năm Chùa trước đó sinh sống tại Sài Gòn. Sau khi chồng qua đời, Cô cùng con trai về Phú Mỹ sinh sống. Sau khởi nghĩa Nam kỳ, lực lượng cách mạng rút vào hoạt động bí mật. Lương thực, thực phẩm, thuốc men tiếp tế, phục vụ cho cách mạng hết sức thiếu thốn, khó khăn. Cô Năm đã về Sài Gòn mua lương thực, thuốc men tiếp tế cho lực lượng cách mạng trong thời gian khá dài. Con trai Cô, biệt danh là Hai Chúa tham gia kháng chiến, chuyên chở gạo, thuốc phục vụ cho Chi đội 7. Trong một lần Hai Chúa bị địch phát hiện truy đuổi. Chúng vào chùa Cô Năm lùng sục, đòi đốt chùa và bắt Cô Năm. Cô Năm đã nói với địch bằng tiếng Pháp: “sinh con chớ bà không sinh lòng”. Bọn địch nghe có lý nên không bắt Cô và đốt chùa. Một lần khác, Hai Chúa cũng bị Pháp phát hiện và truy đuổi khi đang chở gạo tiếp tế cho cách mạng. Bất lực trước việc truy bắt Hai Chúa, Pháp đã đốt cháy chùa và bắt Cô Năm về Bà Rịa giam 6 tháng. Sau khi ra tù, Cô Năm lên núi Thị Vải tiếp tục con đường tu hành, tiếp tế cho cách mạng. Về sau, Pháp phục kích, giết hại được Hai Chúa tại Phú Mỹ.
Một tấm gương khác đó là chị Ba Lợi. Chị được xem là hoa khôi của Phú Mỹ. Chị mở nhà hàng, sòng bạc, tập trung nhiều người đẹp dùng mỹ nhân kế, bắt và thủ tiêu nhiều sĩ quan Pháp ở đồn Phú Mỹ tới đây ăn chơi. Chị đã hoạt động trong thời gian dài và hy sinh cuộc đời thanh xuân của mình vì sự nghiệp cách mạng.
Sự hội tụ của những người bị khủng bố sau Khởi nghĩa Nam kỳ về sinh sống tại Tân Thành và những tấm gương yêu nước một lòng một dạ vì cách mạng đã tạo những tiền đề thuận lợi để quân và dân Tân Thành phát huy mạnh mẽ truyền thống cách mạng trong Cách mạng tháng tám 1945 cũng như trong những năm kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ./.





Bài 4
 Xây dựng lực lượng, khởi nghĩa giành chính quyền
________________________________

Tháng 8 năm 1942, phát xít Nhật đã đổ bộ lên Phước Hải (nay thuộc huyện Long Đất) và Cầu Đá (Vũng Tàu) rồi triển khai các điểm đóng quân, chốt giữ các vị trí quan trọng ở Bà Rịa và Vũng Tàu. Các kho súng đạn của quân Pháp trên Núi Lớn, Núi Nhỏ đều bị quân Nhật chiếm giữ. Chúng gấp rút củng cố hệ thống phòng thủ ở Vũng Tàu và Bà Rịa. Bọn tay sai thân Nhật nổi lên, ra sức tuyên truyền thuyết “Đại Đông Á”, “đồng văn đồng chủng”, tuyên bố “châu Á là khu vực thịnh vượng chung”, “châu Á của người châu Á” và thành lập các tổ chức thân Nhật.
Những thủ đoạn mỵ dân đó không che giấu được bộ mặt thật của phát xít xâm lược. Tình cảnh “một cổ hai tròng” ngày càng đẩy nhân dân vào con đường bế tắc, bi đát: sản xuất ách tắc, ngưng trệ, hàng hóa thiết yếu khan hiếm, đồng tiền mất giá, trộm cướp hoành hành. Ruộng đất Nhật trưng dụng để trồng gai, bông vải phục vụ cho cuộc chiến tranh xâm lược. Phát xít Nhật ra sức vơ vét nhân tài vật lực Đông Dương để phục vụ cho cuộc chiến tranh xâm lược của chúng. Những vật dùng thiết yếu, từ gạo muối cho đến diêm quẹt vô cùng khan hiếm. Cuộc sống của người dân vùng lộ 15 vốn đã thiếu đói, nay càng thiếu thốn hơn. Nhiều người dân phải dùng bao bố, bao đệm thay quần áo, dùng dầu chai để thắp đèn vì không có dầu lửa. Mâu thuẫn giữa nhân dân lao động với phát xít Nhật và thực dân Pháp  càng thêm sâu sắc.
Trong khi đó, máy bay đồng minh thường xuyên oanh kích vào những nơi đóng quân của quân Nhật làm cho tình hình càng thêm rối ren. Không khí chiến tranh bao trùm. Phát xít Nhật ráo riết mộ phu, bắt xâu xây dựng các căn cứ quân sự, trong đó, công trình lớn nhất là sân bay ở bến Gò Dầu (một vị trí rất thuận lợi vì gần đường thủy – nay là ấp Phú Hà, thị trấn Phú Mỹ). Nhật trưng dụng dân các làng Phú Thạnh, Mỹ Xuân phải đi làm công, xây dựng sân bay cho chúng.
Chiến tranh thế giới lần thứ hai và chiến tranh Thái Bình Dương đã đẩy các mâu thuẫn giữa phe phát xít và phe dân chủ, giữa Nhật và Pháp, giữa nhân dân ta với phát xít Nhật và thực dân Pháp thêm sâu sắc, thúc đẩy tình thế cách mạng mau chín muồi. Trước thời cơ cách mạng đang đến gần, từ ngày 25 đến 28/2/1943, Ban Thường vụ Trung ương Đảng tổ chức Hội nghị chủ trương mở rộng mặt trận dân tộc thống nhất, xúc tiến chuẩn bị điều kiện và thực hiện khởi nghĩa vũ trang.
Mặc dù chịu nhiều tổn thất vì sự khủng bố của thực dân Pháp, nhất là sau cuộc khởi nghĩa Nam kỳ (tháng 11 năm 1940), phong trào cách mạng trên địa bàn Tân Thành từng bước phục hồi và tiếp tục phát triển từ cuối năm 1944, đặc biệt từ sau khi Nhật đảo chính Pháp. Hội truyền bá quốc ngữ được thành lập ở Bà Rịa và Vũng Tàu. Ở Tân Thành, thực dân Pháp bắt nhiều thanh niên địa phương tham gia Hội Hướng đạo sinh do chúng thành lập, nhằm tập và hát những bài ca ngợi Tổng thống Pháp. Nhưng ta đã lợi dụng tổ chức này để tuyên truyền và hoạt động theo mục đích của cách mạng. Các hội viên Hướng đạo sinh Tân Thành (chủ yếu là thầy giáo) tham gia tích cực và mở được nhiều lớp xóa mù chữ, tuyên truyền văn nghệ, hướng về cội nguồn dân tộc, tổ chứcdiễn thuyết, vận động đồng bào ủng hộ tiền mua sách cho những người nghèo học chữ quốc ngữ. Thanh niên trí thức hăng hái tham gia truyền bá quốc ngữ và tuyên truyền văn nghệ, phổ biến các bài hát, vở kịch có nội dung yêu nước, khơi dậy lòng tự hào dân tộc. Nhiều khẩu hiệu như “Học truyền bá quốc ngữ là bảo vệ quốc hồn, bảo tồn quốc tuý”, “đoàn kết trí thức với công nông” cổ vũ cho phong trào truyền bá quốc ngữ…
Đầu năm 1945, Hồng quân Liên Xô liên tiếp giành thắng lợi trên các chiến trường. Ở mặt trận Thái Bình Dương, quân đội Nhật liên tiếp bị thất bại, tinh thần hoang mang. Trong khi đó, quân Pháp âm mưu chờ đồng minh vào để ngoi đầu dậy khôi phục quyền thống trị tại Đông Dương. Đêm 9 tháng 3 năm 1945, Nhật đảo chính, bắt giam toàn bộ quan quân Pháp trên toàn cõi Đông Dương. Tại Bà Rịa và ô Cấp, lực lượng lính đồn trú, cùng các quan chức Pháp đều bị bắt ngay trong đêm đảo chính.
Giữa lúc phát xít Nhật đảo chính thực dân Pháp, Hội nghị mở rộng Ban Thường vụ Trung ương Đảng họp tại Đình Bảng (Bắc Ninh) ngay trong đêm 9 tháng 3 năm 1945 đã chủ trương: “Phát động một cao trào kháng Nhật cứu nước mạnh mẽ làm tiền đề cho cuộc tổng khởi nghĩa”. Ban Thường vụ Trung ương ra chỉ thị “Nhật, Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta” (12/3/1945) kịp thời chỉ đạo các Đảng bộ địa phương nỗ lực chuẩn bị, chớp thời cơ giành chính quyền.
Sau ngày đảo chính, Phát xít Nhật đã thành lập chính quyền tay sai thân Nhật tại Bà Rịa, đưa Lê Thành Long, vốn mang quốc tịch Pháp và làm công chức cho Pháp đến chức Đốc Phủ sứ, đã nghỉ hưu tại Phước Lễ, lên làm Tỉnh trưởng.
Về chính trị, Phát xít Nhật gấp rút xây dựng bộ máy tay sai thân Nhật, tổ chức nhiều lớp học tiếng Nhật, ra sức tuyên truyền thuyết “Đại Đông Á”, “đồng văn đồng chủng”, tuyên bố “châu Á là khu vực thịnh vượng chung” và thành lập các tổ chức thân Nhật. Tỉnh trưởng Lê Thành Long, trong các cuộc đón tiếp các phái đoàn Nhật cũng như phát biểu với hương chức và dân chúng mỗi khi đi kinh lý các làng đều không ngớt lời ca tụng sức mạnh của quân đội Thiên Hoàng với khả năng bách chiến của Hạm đội TSUSHIMA trên biển Đông, ca tụng ân huệ của đất nước mặt trời mọc đã giải phóng cho dân chúng Đông Dương khỏi ách thống trị của thực dân Pháp và kêu gọi dân chúng phải hết lòng phục vụ, vì sự chiến tháng của quân đội Thiên Hoàng trong cuộc chiến tranh này. Song những thủ đoạn mị dân của phát xít Nhật và tay sai không thể che giấu được tội ác và bộ mặt xâm lược của chúng.
Về kinh tế, phát xít Nhật ra sức vơ vét tài sản và công sức lao động của nhân dân để phục vụ cuộc chiến tranh xâm lược. Trong một bản báo cáo dài mười một trang đánh máy, được hoàn thành vào ngày ba mươi tháng tư năm 1945, tỉnh trưởng Lê Thành Long đã báo cáo cho Thống đốc Minođa những thông tin chi tiết về tình hình kinh tế tỉnh Bà Rịa, số liệu chi tiết về các khoản thu chi, số liệu các loại quỹ ở làng xã, khả năng thu hoạch nông sản, về trữ lượng các nông sản chủ lực của tỉnh như đậu tương, khoai mì, mía, hồ tiêu, thuốc lá, mè và đặc biệt là cà phê và bông vải, những mặt hàng thiết yếu có thể phục vụ thiết thực cho nhu cầu của cuộc chiến tranh. Bản báo cáo đã dành nhiều trang phân tích hệ thống tổ chức các đồn điền ở Bà Rịa cũng như tầm quan trọng của các nguồn thu từ đồn điền đối với chính quyền cũ mà ngày nay người Nhật cần phải nắm lấy.
Đương nhiên là người Nhật rất quan tâm đến những thông tin này. Tại các đồn điền cao su, đồn điền cà phê, ở vùng lộ 2, đồn điền mía ở khu vực lộ 15 cũng như nhà máy đường Bậc Lở (Mỹ Xuân) bọn chủ Tây đều bị quân Nhật bắt giam hết, chúng giao đồn điền cho một số cai ký thân Nhật quản lí. Các sở đóng cửa, công nhân thất nghiệp, một số đi nơi khác tìm việc làm, số đông còn lại ở lại đồn điền hoặc vào bưng, rẫy trồng trọt, chăn nuôi kiếm sống hoặc buộc phải đi xâu cho Nhật; một số khác bị bắt đi vận tải lương thực, vận tải vũ khí phục vụ quân đội Nhật.
Một số sĩ quan Nhật đã chiếm thêm đất, lập đồn điền. Cầm đầu nhóm sĩ quan chiếm đất lập đồn điền là Ba Chìa Khóa (Kamura). Hắn vốn là một sĩ quan tình báo của Nhật trong vai người đi buôn ve chai, lấy vợ người Việt rồi thành dân ngụ cư, bám chặt vùng đất Mỹ Xuâb, một địa bàn chiến lược từ hàng chục năm trước. Đến khi Nhật đảo chính Pháp hắn mới ra mặt, đóng lon quan ba, lấy tên Nhật (Kamura), trực tiếp tham mưu cho quân Nhật xây dựng các tuyến phòng thủ, xây dựng sân bay Phú Mỹ và sắp xếp bộ máy chính quyền tay sai thân Nhật. Ngoài hàng chục mẫu ruộng hắn đã tậu từ nhiều năm trước, từ khi Nhật làm đảo chính, Kamura đã chiếm thêm hàng chục mẫu lập đồn điền, trưng dụng nhân dân địa phương làm việc trong đồn điền của hắn: làm đất, trồng cây, chăn nuôi gia súc. Đồn điền của Ba Chìa Khóa rộng lớn, cùng với sự nổi tiếng giàu có là sự tàn ác và bóc lột nhân dân thậm tệ của hắn. Cuộc sống của nhân dân Bà Rịa-Vũng Tàu nói chung và nhân dân các xã trên địa bàn Tân Thành nói riêng càng thêm khó khăn. Một số người trước đây còn mơ hồ tin theo luận điệu tuyên truyền nay càng hiểu rõ thêm dã tâm xâm lược của phát xít Nhật.
Về mặt quân sự, phát xít Nhật đẩy mạnh việc xây dựng sân bay Phú Mỹ cùng các công trình phòng thủ ở Bà Rịa và Vũng Tàu, nhất là các công trình phòng thủ trên núi và tuyến phòng thủ ven biển. Từ khi lật đổ thực dân Pháp độc quyền cai trị, phát xít Nhật bắt chính quyền tay sai phải bắt xâu trong dân làm không công cho chúng. Theo lệnh của quan Nhật, Tỉnh trưởng Lê Thành Long đốc thúc các Chánh tổng, bắt Lý trưởng các làng phải đích thân điều động nhân dân đi phu, đào hầm hào, xây dựng phòng tuyến quân sự.
Hội tề các làng được lệnh phải cung cấp đủ người làm xâu, làm phu, bắt các làng phải trưng dựng xe bò để chuyên chở đá làm sân bay cho chúng hàng tháng liền. Theo một báo cáo của Tỉnh trưởng Lê Thành Long gửi Thống đốc Minođa, việc cung cấp dân phu theo yêu cầu của các sỹ quan Nhật được đáp ứng thường xuyên. Các hương lý đã cung cấp mỗi ngày từ 200-300 dân phu xây dựng các tuyến phòng thủ ven biển. Đó là chưa kể hai công trình sửa chữa nâng cấp sân bay Baonan (Vũng Tàu) và xây dựng sân bay Phú Mỹ.
Dưới sự chỉ huy của tên đại úy Ôkina, lính Nhật khủng bố, đánh đập những người làm xâu hết sức dã man, tàn bạo. Nhiều dân phu phải bỏ xác trong các cánh rừng Phú Mỹ. Đồng bào đã tổ chức đấu tranh, viện lý do hết lương thực, yêu cầu cho đánh xe bò về lấy lương thực rồi trốn luôn, không làm phu cho chúng nữa. Tất nhiên khi những người này trốn thì lính Nhật lại bắt những dân phu khác thay thế.
Cảnh bắt lính, bắt xâu, hà hiếp dân chúng, mổ bụng, giết người của bọn lính Nhật khiến nhân dân Bà Rịa-Vũng Tàu sớm nhận ra bộ mặt thật của phát xít Nhật, cũng một lòng lang sói như thực dân Pháp trước kia. Mâu thuẫn giữa nhân dân ta và phát xít Nhật lên đến cực điểm. Từ giữa năm 1945, Nhật ra sức bắt thanh niên đi lính. Trước tình hình đó thanh niên trong độ tuổi bị chúng bắt lính ở các xã trong huyện, nhiều nhất là Phú Thạnh, Mỹ Xuân đã trốn vào rừng, sống bất hợp pháp, khi ấy gọi là lực lượng chống phát xít. Sau Cách mạng tháng tám 1945, lực lượng này gia nhập lực lượng vũ trang Bình Xuyên do Mai Văn Vĩnh làm Chi Đội trưởng.
Trên công trường xây dựng sân bay, không ít cuộc phản kháng hành động quân phiệt của bọn sỹ quan Nhật đã nổ ra. Bản báo cáo số 72 ngày 30/4/1945 gửi Shinohara, thanh tra hiến binh và cảnh sát dân vụ Nhật Tỉnh trưởng Lê Thành Long đã dè dặt khi đề cập đến những sự kiện này: “trong các làng xa xôi hẻo lánh, người dân quê còn ngại khi thấy lính Nhật… Đã xảy ra trong dân chúng những sự ngộ nhận hết sức đáng tiếc, và một số phần tử đã được phát hiện là đã gây rắc rối để thỏa mãn tư thù…”
Ngay khi Nhật đảo chính Pháp, Ban Thường vụ Trung ương đã ra chỉ thị “Nhật, Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta” (12/3/1945) kịp thời chỉ đạo các Đảng bộ nỗ lực chuẩn bị chớp thời cơ giành chính quyền. Cao trào vận động tiền khởi nghĩa diễn ra sôi nổi. Khắp nơi trong nước, các Đảng bộ và quần chúng nhân dân hăng hái chuẩn bị lật đổ ách thống trị hơn 80 năm của thực dân Pháp.
Tháng  5 năm 1945, tổ chức Thanh niên Tiền phong do Xứ ủy chỉ đạo đã được thành lập tại Sài Gòn. Cũng thời gian này, tổ chức Thanh niên Tiền phong tỉnh Bà Rịa được thành lập. Ban thủ lĩnh gồm Dương Văn Xá, Nguyễn Văn Phải, Lưu Văn Vầy. Đến tháng 8 năm 1945, hầu hết các xã trong tỉnh Bà Rịa đều thành lập Thanh niên Tiền phong. Trong những ngày chuẩn bị khởi nghĩa, thanh niên Phú Thạnh, Mỹ Xuân đã tạo điều kiện và tham gia cùng Thanh niên Tiền phong tỉnh vận động binh lính người Việt trong quân đội Nhật. Lực lượng Thanh niên Tiền phong Mỹ Xuân bấy giờ gồm các đồng chí Bùi Văn Chín (Chín Đỏ), Tám Lượng, Nguyễn Văn Long, Nguyễn Văn Cường (Mười Cường), Nguyễn Hào… Lực lượng Thanh niên Tiền phong Mỹ Xuân lấy đình Phú Thạnh làm nơi liên lạc, trao đổi kế hoạch đánh địch. Họ thường tập họp tại đây để luyện tập võ nghệ. Lực lượng Thanh niên Tiền phong Tân Thành còn mời cả võ sư người Hoa dạy quyền. Đồng chí Tư Đào là một thành viên của nhóm đã dạy múa roi cho anh em.
Trong những ngày tiền khởi nghĩa, thanh niên Phú Thạnh, Mỹ Xuân đã tổ chức đột nhập sân bay, lấy được nhiều vũ khí, trong đó có cả trung liên, đại liên, 12,7 ly, trang bị cho Thanh niên Tiền phong tỉnh và lực lượng vũ trang tỉnh sau này.
Trong một trận đánh Pháp, anh Ba Nhỏ (thành viên Thanh niên Tiền phong) đã hy sinh tại trạm Kiểm lâm Thị Vải. Anh là liệt sĩ đầu tiên của huyện Tân Thành.
Ngày 15/8/1945, Nhật Hoàng tuyên bố đầu hàng quân Đồng Minh. Trung ương Đảng quyết định phát động tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước. Quốc dân Đại hội họp ở Tân Trào đã bầu ra ủy ban khởi nghĩa toàn quốc do Cụ Hồ Chí Minh đứng đầu. Tình thế cách mạng có nhiều chuyển biến mau lẹ. Tại Bà Rịa, lính Nhật chỉ còn biết co cụm trong các trại tập trung. Từ ngày 17 đến ngày 20/8/1945, Xứ uỷ Nam kỳ đã tổ chức Hội nghị mở rộng tại Chợ Đêm. Hội nghị quyết định chọn Tân An tổ chức khởi nghĩa thí điểm vào ngày 23/8/1945, đồng thời kêu gọi các tỉnh thành huy động, chuẩn bị giành chính quyền. Hội nghị cử hai đồng chí Huỳnh Văn Hớn và Dương Bạch Mai về Bà Rịa và Vũng Tàu chỉ đạo khởi nghĩa cướp chính quyền.
Ngày 23/8/1945, Chi bộ Đảng Bà Rịa đã tổ chức họp mở rộng, quyết định dùng lực lượng Thanh niên Tiền phong tất cả các xã trong tỉnh, trang bị vũ khí thô sơ chủ yếu là tầm vông vạt nhọn cùng nhân dân trong toàn tỉnh khởi nghĩa cướp chính quyền về tay nhân dân trong ngày 25/8/1945. Ủy ban khởi nghĩa tỉnh được thành lập gồm các đồng chí chủ chốt trong chi bộ và Thủ lĩnh Thanh niên Tiền phong của tỉnh.
Chấp hành chỉ thị của Xứ ủy, Tổng bộ Thanh niên Tiền phong và chỉ đạo của Chi bộ Bà Rịa, nhân dân các xã từ Bắc đến Nam lộ 15 mà nòng cốt là Thanh niên Tiền phong tích cực chuẩn bị điều kiện để cướp chính quyền. Thanh niên Tiền phong các xã được tổ chức như sau: mỗi xã tổ chức một đội, có Đoàn trưởng, Đoàn phó chỉ huy, quân số từ 3 đến 50 người, lứa tuổi 18 đến 50 tuổi, mỗi ấp tổ chức ra Tráng trưởng, Tráng phó. Thanh niên Tiền phong Mỹ Xuân do các ông Bùi Văn Chính (Chín Đỏ), Nguyễn Văn Long, Huỳnh Văn Ngà phụ trách.
Thanh niên Tiền phong Phú Thạnh do Nguyễn Văn Cúc là đoàn trưởng. Thanh niên Tiền phong xã Hội Bài do ông Bùi Văn Hoa là đoàn trưởng. Thanh niên Tiền phong xã Bàn Thạch do ông Đặng Văn Điền là đoàn trưởng. Xã Hội Bài khi ấy gồm ba làng: Hội Bài A, Hội Bài B và Hội Thạnh; ông Trương Văn Tới phụ trách Thanh niên Tiền phong làng Hội Bài B; ông Phạm Văn Dy cùng người cháu là Phạm Văn Tụi phụ trách Thanh niên Tiền phong làng Hội Thạnh; ông Bùi Văn Hoa phụ trách Thanh niên Tiền phong làng Hội Bài A và phụ trách chung cả ba làng. Lực lượng Thanh niên Tiền phong các xã vùng lộ 15 tích cực chuẩn bị, sẵn sàng xuống đường tham gia giành chính quyền ở tỉnh lỵ Bà Rịa…
Trước ngày cướp chính quyền (25/8/1945), lực lượng cách mạng các xã Phú Thạnh và Mỹ Xuân đã đột nhập kho vũ khí của Nhật, trang bị được một số súng bộ binh. Ngày 25/8/1945 chính quyền xã Phước Hoà đã tổ chức lực lượng Thanh niên Tiền phong và nhân dân trong xã gần 150 người chia thành hai cánh, một cánh theo lộ 15, cùng với xã phụ cận cùng tiến về thị xã Bà Rịa cướp chính quyền về tay nhân dân ta.
Theo sự chỉ đạo của Ủy ban khởi nghĩa, tất cả các đoàn phải có mặt tại nhà tròn Bà Rịa trước 7 giờ sáng ngày 25/8/1945. các đoàn của xã Mỹ Xuân, Phú Thạnh đã lên đường từ chiều hôm trước, xuống hội quân với Thanh niên Tiền phong các xã Hội Bài, Phước Hòa nhập thành đoàn kéo về Bà Rịa. Đồng bào dân tộc Châuro Hắc Dịch với hơn 100 người đóng khố, vai mang cung nỏ cùng tiến về Bà Rịa. Thanh niên Tiền phong nhiều lân ấp ở khu vực Rừng Sác (Hội Bài) tổ chức ghe theo sông rạch, hội quân cùng Thanh niên Tiền phong vùng Bà Trao-Núi Nứa ngược sông dinh vào Phước Lễ.
Rạng sáng ngày 25/8/1945, hơn một vạn người đủ các lứa tuổi, đủ mọi giai tầng xã hội như dòng thác đổ về khu vực Nhà tròn Bà Rịa. Khẩu hiệu, cờ đỏ sao vàng bay rợp trời. Các đoàn quân đều mang theo vũ khí giáo mác, cung tên, tầm vông vạt nhọn. Tiếng hát rạo rực khí thế cách mạng vang lên từ các đoàn người. Tất cả tạo nên bức tranh sống động, hào hùng có một không hai trong lịch sử vùng đất này. Sau cuộc mít tinh, Thanh niên Tiền phong dẫn đầu các đoàn tuần hành quanh tỉnh lỵ, rồi tỏa về từng cơ sở giành chính quyền. Bộ máy tề xã bị lật đổ hoàn toàn. Chính quyền nhân dân tại các xã được thiết lập. Ngày 25/8/1945 mãi mãi đi vào lịch sử quê hương Tân Thành nói riêng và Bà Rịa-Vũng Tàu nói chung như một dấu son chói lọi. Cùng với nhân dân các địa phương khác, nhân dân Tân Thành đã hoàn thành trọn vẹn việc giành chính quyền về tay nhân dân tại địa phương mình, đồng thời đã góp phần tích cực giành chính quyền tại tỉnh lỵ. Nhân dân Tân Thành đã góp phần thành công trọn vẹn của cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ngày 25 tháng 8 năm 1945./.






Bà Rịa - Vũng Tàu những ngày Tháng Tám năm 1945






Tháng Tám năm 1945, cũng như các địa phương trong cả nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân Bà Rịa – Vũng Tàu đã vùng lên khởi nghĩa giành chính quyền. Trong những ngày tháng hào hùng ấy, khắp nơi trên địa bàn tỉnh, đâu đâu cũng tràn đầy khí thế cách mạng sục sôi và dâng trào niềm vui, hạnh phúc chào đón nước nhà được độc lập.
Giữa tháng 8-1945, tình hình cách mạng trong nước chuyển biến mau lẹ sau khi Nhật Hoàng tuyên bố đầu hàng quân đồng minh. Sau hội nghị Xứ ủy Nam kỳ mở rộng (từ ngày 17 đến 20-8), hai đồng chí Dương Bạch Mai và Huỳnh Văn Hớn được phân công về Bà Rịa truyền đạt nghị quyết của Xứ ủy; chuẩn bị lực lượng giành chính quyền ở Sài Gòn và các tỉnh Nam bộ. Ngày 23-8-1945, chi bộ Đảng Bà Rịa họp tại Long Điền quyết định sử dụng lực lượng Thanh niên Tiền phong làm nòng cốt, huy động nhân dân toàn tỉnh về thị xã Bà Rịa giành chính quyền vào ngày 25-8-1945.
Đêm 24-8, cờ đỏ sao vàng đã được anh Trần Ngọc Anh treo trên tháp nước tại trung tâm thị xã Bà Rịa. Ủy ban khởi nghĩa đã thuyết phục được tỉnh trưởng Lê Thành Long đồng ý bàn giao chính quyền cho cách mạng, đồng thời cử anh Lưu Văn Vây đến gặp Satô, chỉ huy quân Nhật ở Bà Rịa, để thông báo và yêu cầu quân Nhật không can thiệp vào công việc nội bộ của người Việt Nam.
Sáng sớm 25-8, hàng vạn người dân Bà Rịa từ mọi nẻo đường trong tỉnh rầm rập kéo về thị xã, khu vực quanh Nhà Tròn. Cờ đỏ sao vàng, biểu tượng của nền độc lập dân tộc tung bay trên tháp nước làm nức lòng dân. Tỉnh trưởng Lê Thành Long chính thức bàn giao chính quyền cho cách mạng. Cuộc mít tinh kết thúc, đoàn người đi tuần hành quanh tỉnh lỵ, hô vang khẩu hiệu “Việt Nam độc lập muôn năm”, “Mặt trận Việt Minh muôn năm”… và sau đó kéo về địa phương mình để giành chính quyền ở cơ sở.
Tại Vũng Tàu, chiều ngày 24-8-1945, nhóm Việt Minh Vũng Tàu gồm 10 đồng chí lên Sài Gòn để dự mít tinh vào sáng ngày 25-8. Sau đó, đoàn Việt Minh Vũng Tàu cùng đồng chí Nguyễn Lộc- phái viên quân sự của Xứ ủy- nhận nhiệm vụ trở về cùng nhân dân giành chính quyền ở Vũng Tàu.
Đêm 25-8-1945, tại nhà vợ chồng bà Hồ Thị Khuyên - Huỳnh Văn Nhung dưới chân Núi Lớn (nay là khu vực phường 6, TP. Vũng Tàu), cơ sở Việt Minh Vũng Tàu đã thành lập Ủy ban khởi nghĩa và quyết định xây dựng lực lượng vũ trang, cảm tử quân cách mạng- chuẩn bị cho cuộc nổi dậy giành chính quyền ngày 28-8-1945. Ngày 26-8, đội cảm tử quân được thành lập gồm 40 chiến sĩ dưới sự chỉ huy của đồng chí Lê Đình Y. Lực lượng vũ trang đầu tiên của Vũng Tàu được trang bị 22 súng trường, 3 khẩu súng lục, còn lại kiếm, mã tấu, lưỡi lê. Ngày 27-8, Ủy ban khởi nghĩa đến dinh Tỉnh trưởng yêu cầu Tỉnh trưởng Lâm Văn Huê từ chức, giao chính quyền cho cách mạng.
Ngày 28-8, cả Vũng Tàu rợp bóng cờ đỏ sao vàng. Từ sáng sớm, đông đảo quần chúng nhân dân tham gia đoàn biểu tình, rầm rộ tiến vào sân vận động Lam Sơn dự mít tinh do Việt Minh tổ chức. Đoàn biểu tình được lực lượng cảm tử quân và lực lượng Thanh niên Tiền phong đi đầu bảo vệ. Đồng chí Lê Đình Y thay mặt Ủy ban khởi nghĩa đọc lời kêu gọi khởi nghĩa của Tổng bộ Việt Minh. Tiếp theo đó, đồng chí Dương Bạch Mai, đại diện Xứ ủy Nam kỳ phát biểu và long trọng tuyên bố: “Từ giờ phút này, chính quyền đã thuộc về nhân dân Vũng Tàu”. Cả sân vận động vang dậy tiếng hoan hô: “Việt Nam độc lập muôn năm!”






Bi 5
Xy dựng củng cố chính quyền cch mạng
___________________________

Sau khi ginh chính quyền, Ủy ban hnh chính tỉnh B Rịa được thnh lập. Trụ sở Ủy ban hnh chính tỉnh đĩng tại tỉnh lỵ B Rịa. Ủy ban hnh chính cc quận v cc lng cũng lần lượt được thnh lập.
Ủy ban nhn dn x Ph Mỹ do ơng Cả Lực lm chủ tịch, ơng Huỳnh Văn Ng lm phĩ chủ tịch, ơng huỳnh Văn Chính (Chín Đỏ) lm uỷ vin qun sự, ơng L Văn Giai lm ủy vin ti chính tiếp tế phụ trch lng Ph Thạnh, ơng Huỳnh Văn Tới l chủ tịch x Hội Bi A; ơng Bi Văn Đu l chủ tịch x Hội Bi B; ơng Phạm Văn Thơng l chủ tịch x Hội Thạnh.
Lực lượng Thanh nin Tiền phong  cc lng vẫn được duy trì, lm nhiệm vụ duy trì trật tự trị an ở cc lng x v gip việc cho Ủy ban hnh chính. Cc vị đứng đầu Thanh nin Tiền phong được chỉ định tham gia Ủy vin qun sự của Ủy ban hnh chính x.
Thanh nin Tiền phong x Hội Bi do ơng Bi Văn Hoa phụ trch. Thanh nin Tiền phong  x Bn Thạch do ơng Đặng Văn Điền phụ trch. X Hội Bi khi ấy gồm ba lng: Hội Bi A, Hội Bi B v Hội Thạnh; ơng Trương Văn Tới phụ trch Thanh nin Tiền phong Hội Bi B; ơng Phạm Văn Dy phụ trch Thanh nin Tiền phong lng Hội Thạnh; ơng Bi Văn Hoa phụ trch Thanh nin Tiền phong lng Hội Bi A v phụ trch chung cả ba lng.
Thanh nin Tiền phong x Ph Mỹ do anh Ba Ca phụ trch chung dưới sự chỉ đạo của ủy vin qun sự Huỳnh Văn Chính (Chín Đỏ). Anh Nguyễn Văn Long phụ trch Thanh nin Tiền phong lng Mỹ Xun. Thanh nin Tiền phong Ph Thạnh do Nguyễn Văn Cc chỉ huy. Đội du kích x Ph Mỹ được thnh lập, do anh Ba Ca trực tiếp phụ trch. Đội du kích tổ chức đột nhập cc kho của Nhật trong sn bay lấy vũ khí tự trang bị. Anh Ba Ca cĩ chm chìa khĩa nhiều loại nn kho no anh cũng mở được. Trong kho của bọn Nhật cịn tích trữ kh nhiều gạo, quần o vải vĩc nhưng đội du kích chỉ tìm cc kho sng. Một đm anh Ba Ca mở được kho sng, pht hiện một cy sng 12,7 ly, cĩ tn lính Nhật canh gc đang nằm nghủ, cc anh đ bất ngờ xơng vo đ tn lính Nhật, nht giẻ vo miệng, tước khẩu sng lục v tho cy 12,7 ly đem ra giấu trong rừng. Pht huy thắng lợi, đm sau, đội du kích tiếp tục lng kiếm hầm sng ở đường ra Bến Tu moi ln được 7 cy sng trường. Ủy ban hnh chính x Ph Mỹ bo co về tỉnh v nhận được yu cầu chuyển giao tồn bộ vũ khí về tỉnh, ơng Chín Đỏ chỉ giữ lại cy sng lục.
Ủy ban hnh chính cc lng đ thực hiện sự chỉ đạo của tỉnh, tiến hnh xĩa bỏ thuế thn, giảm tơ giảm tức, lấy ruộng đất của đế quốc, địa chủ phong kiến chia cho nơng dn sản xuất; pht triển phong tro truyền b quốc ngữ; quyn gĩp gạo thĩc gip đỡ những người đang gặp khĩ khăn. Ruộng đất đồn điền của thực dn Php v ngoại kiều phản động được tạm cấp cho dn ngho; xĩa bỏ thuế thn, cấp ruộng cơng cho dn ngho; giảm tơ từ 20% đến 25%; xĩa bỏ cc mĩn nợ tơ tức cũ đối với nơng dn.
Trong niềm tro dng hừng hực khí thế cch mạng, nhn dn cc x vng lộ 15 đ phấn khởi xy dựng chế độ mới. Hưởng ứng phong tro Tuần lễ vng, xy dựng qũy độc lập, nhn dn cc x đ tích cực đĩng gĩp tiền bạc v của cải vật chất cho chính phủ. Dn vng lộ 15 vốn ngho, nhiều người đ đem cả những mĩn đồ nữ trang, cả lư đồng, đồ thờ cng gĩp vo quỹ độc lập, dnh đc vũ khí, chống kẻ th.
Ủy ban hnh chính cc x khuyến khích nhn dn tăng gia sản xuất, chống đĩi, v mở cc lớp bình dn học vụ, pht động phong tro xĩa m chữ cho nhn dn, pht động phong tro “l lnh đm l rch”, vận động người cĩ ăn quyn gĩp lương thực, thực phẩm gip đỡ người đang khĩ khăn. Hưởng ứng chủ trương của chính phủ, hướng về đồng bo miền Bắc, miền Trung vừa thốt ra khỏi nạn đĩi thảm khốc, nhn dn cc x ven lộ 15 đ quyn gạo gửi ra cứu trợ đồng đồng bo. Thực hiện chỉ thị của Ủy ban hnh chính tỉnh, Ủy ban hnh chính x Hội Bi v cc ln vng Rừng Sc đ phối hợp với lực lượng của Thạnh An chặn cc ghe chở gạo bn cho Nhật p tải về B Rịa để mua lại, gửi ra cứu trợ cho đồng bo đang bị đĩi.
Ngy 23/9/1945, với sự hỗ trợ của qun Anh v bọn lính Nhật chờ giải gip, thực dn Php nổ sng đnh chiếm Si Gịn-Gia Định, mở đầu cuộc xm lược nước ta lần thứ hai. Trong khi đĩ, nhn dn cc x nam-bắc lộ 15 nĩi ring cũng như nhn dn B Rịa nĩi chung tích cực chuẩn bị khng chiến.
Lực lượng vũ trang tập trung của tỉnh đ hình thnh mang tn Chi đội Cộng hịa vệ binh. Nhiều đội vin Thanh nin Tiền phong, thanh nin tự vệ, thanh nin xung kích cc x hăng hi tham gia lực lượng vũ trang cch mạng. Tiền  phong v cc đội tự vệ chiến đấu được hình thnh khắp cc thơn ấp, lm nhiệm vụ giữ an ninh trật tự thơn xĩm, tích cực chuẩn bị mọi điều kiện sẵn sng đnh thực dn Php trở lại ti chiếm. Cc x đều tổ chức tự vệ chiến đấu qun. Ơng Hứa Văn Bường phụ trch tự vệ chiến đấu qun x Mỹ Xun. Cc đội tự vệ hăng hi luyện tập, ngy đm tuần tra canh gc, bảo vệ thơn xĩm.
Cc đội tự vệ chiến đấu qun ở cc lng ra sức sưu tầm vũ khí, trang bị thm gio mc v luyện tập qun sự. Thanh nin Tiền phong Ph Thạnh, Mỹ Xun, Phước Hịa, Hội Bi đ tích cực lm cơng tc binh vận lính Nhật, cng lực lượng Thanh nin Tiền phong tỉnh đột nhập sn bay Ph Mỹ lấy trộm sng của bọn lính Nhật trang bị cho lực lượng vũ trang. Qun Nhật thất trận đ mất hết nhuệ khí, trong những ngy chờ giải php, chng sẵn sng đổi sng, đạn lấy rượu, thịt giải sầu. Trn 50 khẩu sng cc loại trong đĩ cĩ cả trung lin FM, đại lin, 12,7 ly v hng ngn vin đạn từ cc kho sng của Nhật trong sn bay Ph Mỹ đ được chuyển ra trang bị cho lực lượng vũ trang, tự vệ chiến đấu qun v cho Quốc vệ đội của tỉnh.
Thanh nin Tiền phong hng ngy tập trung tại trụ sở canh gc, bảo vệ Ủy ban hnh chính v duy trì trật tự  tại lng x. Thanh nin Tiền phong x Ph Mỹ thường tổ chức tập luyện tại bĩt kiểm lm, thực tập chiến thuật phục kích chặn đnh qun địch tại đầu cầu Thị Vi. Cc anh Tm Lượng, L Văn Đo sử dụng dy cp chăng ngang đường cản xe địch rồi pht động anh em xung phong đnh địch.
Giữa thng 10 năm 1945, Đồn cn bộ của tỉnh tốt nghiệp lớp đo tạo “cn bộ tuyn truyền lin tỉnh miền Đơng” ở Trảng Bom (cịn gọi l lớp qun chính Trảng Bom vì chương trình cĩ cả chính trị v qun sự), trở về được Ủy ban nhn dn tỉnh phn cơng lm cơng tc vũ trang tuyn truyền.
Theo sự phn cơng của Ủy ban nhn dn tỉnh, chị L Thị Tuyết (Bảy Tuyết) cng anh Kỷ phụ trch cơng tc tuyn truyền xung phong trn địa bn Long Hương, Phước Lễ v Khu vực lộ 15. L Thị Tuyết xung phong lnh khu vực từ Long Hương đến Thị Vi (Ph Mỹ). Đội tuyn truyền xung phong khu vực lộ 15 đặt trạm chính ở Ph Mỹ (gần Thị Vi). Hng ngy, chị L Thị Tuyết cng người phụ t l anh Hai Chu đi về khu vực lộ 15 lm cơng tc tuyn truyền dọc lộ 15, từ Long Hương đến Ph Mỹ. Nhiệm vụ chủ yếu của đội l tuyn truyền chính sch của Mặt trận Việt Minh; phổ biến cc chỉ thị của cấp trn; động vin tồn dn đồn kết chống giặc đĩi, giặc dốt v giặc ngoại xm; phổ tình hình thời sự thế giới v trong nước; sự thất bại của chủ nghĩa pht xít, sự can thiệp của Đồng minh v m mưu trở lại Đơng Dương của thực dn Php.
Đội cơng tc dựa vo những hiểu biết v ti liệu thu thập được từ lớp qun chính để bin soạn ti liệu v tuyn truyền vận động đồng bo. Mỗi x trn địa bn lộ 15 đều cử một số thanh nin tích cực trong lực lượng Thanh nin Tiền phong của x lm cơng tc tuyn truyền để phối hợp với đội tuyn truyền xung phong của tỉnh khi cần. Những bi ht mới như “Tiến qun ca”, “Cờ Việt Minh”, “Tiến ln đường mu”… m cc đội vin tuyn truyền xung phong vừa học được của anh em bộ đội Nam Tiến được Thanh nin Tiền phong cc x sơi nổi v ho hứng tiếp nhận.
Lực lượng tuyn truyền xung phong của tỉnh hng ngy phải đạp xe gần 30 cy số xuống địa bn, đường khĩ đi vì nhiều chướng ngại vật do du kích v tự vệ chiến đấu qun hạ cy, đắp mơ lm phịng tuyến cản đường thực dn Php. Nhiều lần trời mưa giĩ, tới địa bn đ đỏ đn, gian nan nhiều song nguồn an ủi lớn l đồng bo cc x vng lộ 15 rất nhiệt tình, cầm đuốc đĩn rước vo tận trong lng để lnh hội chủ trương của Đảng v Chính phủ.
Phấn khởi với nền độc lập vừa ginh được, cc tầng lớp nhn dn hăng hi tham gia cc phong tro v tự nguyện nhiệt tình đĩng gĩp cho cch mạng như: Phong tro xĩa nạn m chữ, xy dựng nếp sống mới, xĩa bỏ cc tệ nạn m tín, tệ nạn x hội. Cuộc sống của nhn dn nam-bắc lộ 15 vẫn cịn nhiều khĩ khăn nhưng đ mang một sức sống mới. Cc tệ nạn m tín dị đoan, rượu ch, bi bạc, trộm cắp khơng cịn, ban đm ngủ khơng phải đĩng cửa; mọi người hăng hi tham gia cc phong tro cch mạng.
Trong tuần thng 10, được tin thực dn Php tập trung qun tại Long Thnh, chuẩn bị đnh xuống Ph Mỹ, Thanh nin Tiền phong x Ph Mỹ đa huy động tồn bộ lực lượng ra phục kích chặn đnh tại đầu cầu Thị Vải. Thanh nin Tiền phong cc lng Phước Hịa, Hội Bi, Long Hương, Phước Lễ cũng tức tốc hnh qun ln lộ 15 chi viện cho mặt trận Ph Mỹ. Trn đường đi, gặp người đi xe đạp trn đường, Thanh nin Tiền phong đều trưng dụng xe đạp để chuyển qun. Song lần ấy, qun Php chưa đnh xuống.
Hội nghị Xứ ủy ngy 15 thng 10 năm 1945 đ củng cố lại Xứ ủy, thống nhất tổ chức Đảng v thống nhất Mặt trận Việt Minh v chủ trương đẩy mạnh cuộc khng chiến chống Php. Tại Hội nghị cn bộ Đảng tồn xứ ngy 25 thng 10 năm 1945 ở Thin Hội, Mỹ Tho, đồng chí Hồng Quốc Việt đ truyền đạt quyết định của Ban Thường vụ Trung ương Đảng, phn cơng một phần lớn trong số hơn 2000 t chính trị vừa Cơn Đảo trở về ở lại Nam Bộ, nhằm tăng cường nguồn lực cho tiền tuyến, lm nịng cốt cho Đảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang v đồn thể cc cấp. Cc đồng chí Trần Xun Độ, Nguyễn Tấn Phc, Hồ Tri Tn, Trần Anh Sng trong đồn t chính trị Cơn Đảo trở về được cử về B Rịa v Vũng Tu với nhiệm vụ củng cố tổ chức Đảng v Mặt trận Việt Minh.
B Rịa v Vũng Tu khi đĩ đều chưa thnh lập Tỉnh ủy. Hoạt động của cc đảng vin lc ny tập trung vo việc xy dựng chính quyền, xy dựng Mặt trận Việt Minh v cc đồn thể, tuyn truyền v huấn luyện cn bộ. Cc cn bộ đảng vin cốt cn được đưa vo nắm giữ cc cương vị chủ chốt của chính quyền, lực lượng vũ trang, Mặt trận Việt Minh v cc đồn thể. Cc đồng chí Trần Xun Độ, Nguyễn Tấn Phc đ mở nhiều lớp huấn luyện chủ nghĩa Mc-Lnin v chương trình Việt Minh ở B Rịa v Vũng Tu. Đồng chí Hồ Tri Tn được phn cơng phụ trch lực lượng tự vệ chiến đấu qun trong tồn tỉnh. Lực lượng thanh nin xung kích trong cc lng được tổ chức lại, tự trang bị vũ khí thơ sơ, hình thnh Tự vệ chiến đấu qun v dn qun bn vũ trang. Tự vệ chiến đấu qun phối hợp với Quốc gia Tự vệ Cuộc tuần tra canh gc, bảo vệ trật tự an ninh v bố trí phịng thủ trn cc địa bn trọng yếu.
Ban vận động thnh lập mặt trận Việt Minh đ mở cc lớp huấn luyện cn bộ Việt Minh cơ sở v cc đồn thể cứu quốc trong nơng dn, thanh nin, phụ nữ. Tổ chức thanh nin trong tỉnh được thống nhất lấy tn l Đồn thanh nin cứu quốc tỉnh B Rịa. Theo đĩ, cc tổ chức thanh nin, phụ nữ, nơng dn ở huyện v cc x đều mang tn cứu quốc.
Cũng dịp ny, Phn đội “Thn binh” hộ tống phi đồn của Ủy ban hnh chính Nam Bộ ra miền Trung do Trịnh Ngọc Hiền v Phan Đình Tn chỉ huy được giới thiệu về B Rịa. Do ấu trĩ về qun sự, Ủy trưởng qun sự Dương Văn X đ giao tồn bộ lực lượng vũ trang của tỉnh cho Trịnh Ngọc Hiền v Phan Đình Tn chỉ huy. Đy l một quyết định sai lầm đn tới những hậu quả xấu trong việc củng cố Đảng bộ, chính quyền v pht triển lực lượng vũ trang của tỉnh thời kỳ ny.
Sau khi nắm được lực lượng vũ trang, Trịnh Ngọc Hiền v Phan Đình Tn đ hiện nguyn hình l những kẻ cơ hội chính trị, chng khơng lo chuẩn bị khng chiến m yu sch chính quyền phải cung cấp tiền bạc, lương thực thực phẩm v nhũng nhiễu nhn dn. Ngy 11 thng 11 năm 1945, Đảng ta ra tuyn bố tự giải tn, thực chất l rt vo hoạt động bí mật, lấy danh nghĩa l Hội nghin cứu chủ nghĩa Mc để hoạt động, nhằm trnh địn phản kích của qun đội Tưởng Giới Thạch đang viện cớ trực tiếp lật đổ chính phủ Hồ Chí Minh. Nhn dịp ny, Trịnh Ngcọ Hiền v Phan Đình Tn trở mặt, khủng bố cc đảng vin cộng sản v cn bộ trung kin, lm cho bộ my chính quyền của tỉnh hoạt động rất khĩ khăn, nhất l trong tình hình thực dn Php đang mở rộng cuộc chiến tranh xm lược.
Lực lượng tự vệ chiến đấu qun v qun bn vũ trang ở cc lng x khơng nằm trong hệ thống do Trịnh Ngọc Hiền v Phan Đình Tn chỉ huy pht triển mạnh ở cc lng x. Đy l lực lượng quan trọng tham gia tích cực vo việc chuẩn bị khng chiến. Hng ngy, lực lượng tự vệ chiến đấu qun cng dn qun v Quốc gia Tự vệ cuộc x phn cơng tuần tra canh gc dọc quốc lộ 15, dựng cc chịi quan st trn ni Thị Vi v ni Ơng Trịnh để quan st, hạ cy, đắp mơ, dựng chướng ngại vật v luyện tập theo phương n đnh qun Php khi chng tiến qun trn trục lộ ny.
Kể từ khi mặt trận Thị Ngh bị vỡ (cuối thng 10 năm 1945), trn địa bn rừng Sc ven lộ 15 cĩ một bộ phận lực lượng vũ trang Bình Xuyn xuống tr qun ở dọc con đường vo lng Ph Thạnh như bộ đội Su Đối, Năm Chảng (sau thnh lập Chi đội 2), trung đội 4 Bộ đội Bình Xuyn (Bộ đội Tm mạnh) do Mai Văn Vĩnh chỉ huy (sau thnh lập Chi đội 7). Một bộ phận lực lượng vũ trang Nam Tiến (Bộ đội Ba Nhỏ) đĩng qun từ Hội Bi đến Thạnh An. Sau đĩ cịn cĩ thm cc lực lượng như Lin chi đội 293 do Dương Văn Dương chỉ huy (năm 1946 Dương Văn Dương hy sinh, Dương Văn H ln thay) v chi đội 3, do Ngơ Văn Lực v Nguyễn Văn Lung chỉ huy. Qun y viện Bình Xuyn đĩng ở phía ni Thị Vi. Cc chi đội 9, 21, 25 cũng lần lượt đưa qun về địa bn Rừng Sc – lộ 15.
Ủy ban hnh chính tỉnh đ giao 4 lính Nhật ở Ph Mỹ tự nguyện ra hng cng một khẩu trung lin FM cho đơn vị của Mai Văn Vĩnh. Ủy ban hnh chính tỉnh cũng cho php đơn vị Mai Văn Vĩnh được tho gỡ một số my mĩc ở B Rịa đưa về B Trao-Ni Nứa xy dựng xưởng qun giới. Mai Văn Vĩnh đ vận động lực lượngvũ trang do Hai Thanh tự  tổ chức ở Long Phước  về Phước Hịa tham gia bộ đội, gĩp phần tăng cường lực lượng vũ trang trn khu vực lộ 15. Nhn dn cc x khu vực lộ 15 đ nhiệt tình gip đỡ cc lực lượng vũ trang trn địa bn ổn định nơi đĩng qun, gip lương thực thực phẩm v động vin con em mình nhập ngũ. Thanh nin Ph Mỹ pht hiện được một kho sng của Nhật chơn giấu trong sn bay, đưa đơn vị của Mai Văn Vĩnh đột nhập vo lấy được hơn 400 khẩu./.





Bài 6
Các đoàn thể cứu quốc, tích cực chuẩn bị kháng chiến chống Pháp
_____________________________________
Hội nghị Xứ uỷ mở rộng ngày 10 tháng 12 năm 1945 tại Đức Hòa (Long An) đã quyết định chia Nam Bộ thành ba khu: Khu 7, Khu 8 và Khu 9. Khu 7 gồm thành phố Sài Gòn và các tỉnh Chợ Lớn, Gia Định, Tây Ninh, Thủ Dầu Một, Biên Hòa, Bà Rịa. Tỉnh Cap Saints Jacque (Vũng Tàu) được sáp nhập vào Bà Rịa. Tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu được chia làm bốn quận: Long Điền, Đất Đỏ, Cơ Trạch và Vũng Tàu. Các xã thuộc khu vực nam-bắc lộ 15 thuộc quận Vũng Tàu.
Ủy ban nhân dân quận Vũng Tàu đồng chí Trương Minh Luân làm Chủ tịch, Trần Đình Chi uỷ viên thư ký. Mai Thanh Quế phụ trách Quốc gia tự vệ cuộc (tiền thân của lực lượng công an nhân dân), đồng chí Thời ủy viên quân sự, Lê Đình Y chủ nhiệm Việt Minh.
Đồng chí Trương Minh Luân, Chủ tịch quận trực tiếp về chỉ đạo củng cố chính quyền các xã khu vực lộ 15. Quận Vũng Tàu khi đó có các xã: Thắng Nhất, Thắng Nhì, Thắng Tam, Bà Trao, Núi Nứa, Long Hương, Long Hoà (trước là ấp Tắc Moi thuộc Long Hương), Phước Hoà, Hội Bài A, Hội Bài B, Hội Thạnh, Bàn Thạch, Phú Mỹ, Thạnh An, trong đó có các xã Long Hòa, Phước Hòa, Hội Bài A, Hội Bài B, Hội Thạnh, Bàn Thạch, Phú Mỹ nay thuộc huyện Tân Thành. Xã Hắc Dịch (bao gồm cả các xã Châu Pha, Sông Xoài và một phần xã Tóc Tiên ngày nay) thuộc huyện Long Điền.
Khu bộ trưởng Nguyễn Bình đã chỉ định đồng chí Lương Văn Trọng làm Ủy viên quân sự tỉnh Bà Rịa. Các lực lượng cộng hòa vệ binh và đội cảm tử quân ở Vũng Tàu được lệnh tập trung về Bà Rịa, sáp nhập với lực lượng vũ trang Bà Rịa, đổi tên thành Giải phóng quân. Lực lượng Giải phóng quân của tỉnh do Nguyễn Đăng Khoa, Nguyễn Hoài Đức và Đinh Công Hưng chỉ huy (12 tiểu đội) rải quân phòng thủ từ Long Lập (nay là Long Phước) qua Long Kiên (nay là Hòa Long) lên Phước Lễ, Long Hương, Phước Hòa.
Sau khi ổn định bộ máy, Trịnh Ngọc Hiền và Phan Đình Tân ra mặt chống phá cách mạng. Chúng ra lệnh buộc Ủy ban hành chính phải giao nộp hết vàng bạc và tất cả của cải đã vận động nhân dân đóng góp để chúng quản lý và nuôi quân. Trịnh Ngọc Hiền và Phan Đình Tân bí mật tổ chức truy lùng cán bộ Việt Minh thủ tiêu đảng viên cộng sản. Đối với nhân dân thì chúng ra mặt cướp bóc trâu bò, lúa gạo, tiền bạc với danh nghĩa là trưng mua bằng giấy viết tay; bắt phụ nữ có nhan sắc đến phục vụ tại Tổng hành dinh, phao tin Việt Minh là phản động.
Do có âm mưu tạo phản nên nhân dịp Đảng ta tuyên bố tự giải tán, Trịnh Ngọc Hiền và Phan Đình Tân ra lệnh truy lùng các cán bộ Việt Minh; tổ chức thủ tiêu các Đảng viên cộng sản. Chúng cướp trâu bò, tiền bạc, lúa gạo của dân một cách ngang ngược và chỉ trao cho dân một tờ giấy biên nhận viết tay; dựng chuyện vu cáo cán bộ Việt Minh là phản động để hạ uy tín của Cách mạng. Không đạt yêu sách, chúng tiếp tục gây sức ép đối với chính quyền và khủng bố các đảng viên cộng sản. Tân –Hiền yêu cầu Ủy ban hành chính phải tổ chức ra một Ủy ban chuyên cung cấp lương thực thực phẩm cho chúng và giao nộp toàn bộ vũ khí của lực lượng Quốc gia Tự vệ Cuộc và vũ khí của dân quân tự vệ các xã.
Lực lượng thân binh Tân –Hiền ngày càng ra mặt chống phá cách mạng. Được tin Đảng cộng sản Đông Dương tự giải tán, Trịnh Ngọc Hiền và Phan Đình Tân lấn tới, bắt giam và thủ tiêu đồng chí Đoàn Thuật, cán bộ Quốc gia Tự vệ Cuộc thị xã Bà Rịa; bắt ủy trưởng quân sự Dương Văn Xá và ủy viên tài chính Nguyễn Văn Phải giam tại Sở Bàu Lùng, bao vây lục soát, nhà đồng chí Nguyễn Văn Phải ở Long Điền, bắt giam và định thủ tiêu đồng chí Trần Xuân Độ. Các lực lượng du kích quân, tự vệ chiến đấu, Quốc gia Tự vệ Cuộc đã phải đấu tranh rất kiên quyết, ngăn chặn hành động chống phá của Tân-Hiền, giải thoát cho các đồng chí Dương Văn Xá, Nguyễn Văn Phải, Trần Xuân Độ. Tình hình ở Bà Rịa, Long Điền, Đất Đỏ rất căng thẳng, xung đột tiếp theo có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Tuy nhiên, trên địa bàn lộ 15, Trịnh Ngọc Hiền và Phan Đình Tân không khống chế được. Các cuộc hành quân của Trịnh Ngọc Hiền và Phan Đình Tân đều bị lực lượng Quốc gia Tự vệ Cuộc chặn đứng tại cầu Thủ Lựu.
Sau vụ xung đột này, Xứ ủy cử đồng chí Phạm Ngọc Thạch về triệu tập hội nghị liên tịch, giải quyết vụ Tân –Hiền (12/1946) và tiếp đó, đặc phái viên của Chính phủ ở Nam Trung bộ và Nam bộ Lê Văn Hiến đã phải trực tiếp can thiệp với sự tham gia của Ủy viên quân sự tối cao của Chính phủ tại miền Nam Đàm Minh Viễn, Thanh tra chính trị miền Đông Nam Bộ Dương Bạch Mai để ổn định tình hình ở Bà Rịa-Vũng Tàu.
Ủy ban hành chính tỉnh Bà Rịa hầu như bị tê liệt sau hàng loạt vụ xung đột với Tân –Hiền. Một số Ủy viên Ủy ban đã bị thương hoặc lánh đi nơi khác. Chủ tịch Lê Văn Huề chuẩn bị ghe đưa vợ con trốn chạy. Trên địa bàn tỉnh Bà Rịa lúc ấy còn có lực lượng vũ trang của công an tỉnh mang tên Quốc gia Tự vệ Cuộc do đồng chí Phan Kim Chung phụ trách. Bên cạnh đó còn có một bộ phận Bộ đội Nguyễn Minh Châu (Năm Ngà). Bộ đội Nguyễn Minh Châu khi vỡ Mặt trận Thị Nghè (Sài Gòn) thì rút quân ra miền Trung, được Ủy ban hánh chính miền Nam điều trở lại bám chiến trường Bà Rịa.
Đồng chí Dương Bạch Mai, Thanh tra chính trị miền Đông Nam Bộ trong đợt về công tác tại Bà Rịa đã quyết định sáp nhập một bộ phận Bộ đội vệ binh (do Phạm Văn Tỷ phụ trách) vào Bộ đội Năm Châu; bộ phận còn lại củng cố thành Quốc vệ đội trực thuộc Quốc gia tự vệ Cuộc do Phan Kim Chung phụ trách; phân chia lại khu vực đóng quân và hoạt động: lực lượng vũ trang của Trịnh Ngọc Hiền và Phan Đình Tân (Cộng hoà vệ binh) phụ trách địa bàn lộ 23, từ cầu Thủ Lựu về Long Điền, Đất Đỏ; Bộ dội Năm Châu và Quốc vệ đội bảo vệ địa bàn từ cầu Thủ Lựu về Bà Rịa, khu vực Tứ Long và lộ 2, lộ 15.
Các lực lượng Quốc gia Tự vệ cuộc, dân quân tự vệ ở Bà Rịa cũng như thị xã Vũng Tàu không ngừng tuần tra, canh gác dọc tuyến bờ biển, Quốc lộ 15 và liên tỉnh lộ 2, con đường huyết mạch từ  Sài Gòn, Biên Hòa về Bà Rịa –Vũng Tàu, sẵn sàng chặn đánh thực dân Pháp khi chúng trở lại.
Cuối năm 1946, Đội tuyên truyền xung phong lộ 15 tích cực tuyên truyền cho công tác chuẩn bị bầu cử quốc hội (12/1946). Danh sách 4 ứng cử viên Đại biểu Quốc hội Việt Nam của tỉnh Bà Rịa đã đăng ký được niêm yết ở các điểm bầu cử của mỗi xã. Đó là:
          - Ông Dương Bạch Mai, nhà hoạt động cách mạng quê ở Long Mỹ;
          - Ông Cảnh, kỹ sư lâm nghiệp, trưởng ủy thủy lâm tỉnh Bà Rịa;
          - Ông Trương Văn Khâm, quê ở Đất Đỏ, nông dân tiến bộ;
          - Ông Bùi Văn Khôi, chủ doanh nghiệp.
Ông Dương Bạch Mai, người trí thức cách mạng được tín nhiệm với đại đa số phiếu bầu, đắc cử đại biểu Quốc hội Khóa I nước Việt Nam dân chủ cộng hòa trong cuộc bầu cử ngày 6 tháng 1 năm 1946.
Cuộc bầu cử được sự lãnh đạo của chính quyền các xã và sự hưởng ứng của các tầng lớp nhân dân đã tiến hành nhanh gọn, đúng pháp luật, trong an ninh và trật tự khá tốt. Các thùng phiếu đều có có tổ phụ trách, được theo các lớp tập huấn của đội tuyên truyền xung phong khu vực lộ 15. đó là một ngày hội lớn biểu thị sức mạnh đoàn kết và quyết tâm làm chủ đất nước của quân và dân Bà Rịa-Vũng Tàu. Cuộc bầu cử có ý nghĩa giáo dục trách nhiệm và quyền lợi của công dân, với giác ngộ về ý thức dân chủ thực sự trong xã hội mới, có tác dụng rất lớn trong đời sống tinh thần của nhân dân, trong bối cảnh thực dân Pháp đang mở rộng cuộc chiến tranh xâm lược.
Ngày 25 và 26 tháng 1 năm 1946, thực dân Pháp chiếm Xuân Lộc (quốc lộ 1) và Long Thành (quốc lộ 15). Không khí kháng chiến chống thực dân Pháp đã sôi động trong cả tỉnh. Theo chỉ đạo của Ủy ban hành chính tỉnh, phần lớn nhân dân các xã vùng lộ 15 đều sẵn sàng “tiêu thổ kháng chiến”, bất hợp tác với thực dân Pháp.
Sáng 9 tháng 2 năm 1946, quân Pháp chia làm hai cánh, một cánh quân theo quốc lộ 15 từ Long Thành tiến xuống, cánh quân thứ hai từ Xuân Lộc theo liên tỉnh lộ số 2 tiến về Bà Rịa.
Trước đó, ngày 7 tháng 2 năm 1946, đồng chí Nguyễn Minh Châu đến đàm phán với chỉ huy đơn vị Nhật còn lại trên địa bàn, đề nghị chúng trao vũ khí cho ta, thay vì để quân Đồng Minh vào giải giáp. Bọn Nhật cũng biết quân Pháp và Đồng Minh đang sắp đánh xuống Bà Rịa nên tìm cách hoãn binh, không trao vũ khí cho ta.
Nắm được kế hoạch thực dân Pháp đánh xuống Bà Rịa, Bộ đội Nam Tiến, chia đơn vị thành hai bộ phận: bộ phận thứ nhất do đồng chí Nguyễn Minh Châu chỉ huy bố trí quân trên lộ 15, chặn đánh quân Nhật từ Phú Mỹ rút về Vũng Tàu, tước được một số vũ khí, sau đó rút quân về đóng ở khu vực nhà máy nước. Mờ sáng hôm sau, bị địch tập kích một số đồng chí hy sinh, trong đó có một đồng chí phân đội trưởng mới hành quân từ Bắc vào. Đơn vị phải rút về Long Phước. Bộ phận thứ hai do Phạm Văn Tỷ chỉ huy chặn đánh địch ở Núi Đất, Sông Cầu rồi rút về Long Tân.
Một bộ phận của Cộng hòa vệ binh tỉnh (6 tiểu đội) do Đinh Công Hưng là chỉ huy trưởng, đồng chí Nguyễn Hoài Đức là Chỉ huy phó bố trí tại Phước Hòa chặn đánh địch trên lộ 15, nhưng do vũ khí thô sơ và trình độ tác chiến còn hạn chế nên không ngăn được quân địch. Đồng chí Đinh Công Hưng bị thương, được đồng bào Phước Hoà đưa về Hắc Dịch săn sóc. Phân đội của Nguyễn Hoài Đức rút quân qua Hội Bài về Bà Trao-Núi Nứa củng cố lực lượng. Lực lượng vũ trang do Tân –Hiền cầm đầu chưa đánh trận nào đã rút chạy về Bình Thuận.
Theo sự chỉ đạo của đồng chí Trần Xuân Độ, đồng chí Hồ Tri Tân huy động một bộ phận tự vệ chiến đấu quân ở Bà Rịa, Long Điền lên Phú Mỹ, Phước Hòa phối hợp với Cộng hòa Vệ binh chặn đánh địch, song do trang bị vũ khí quá thô sơ, trong tình thế lực lượng vũ trang tỉnh đánh không lại địch nên các đội tự vệ chiến đấu quân cũng đành rút lui.
Sau hàng loạt các cuộc hành quân khủng bố, thực dân Pháp đóng đồn bót tại các thị xã, thị trấn, các trục lộ giao thông. Lộ 15 là tuyến vận chuyên, tiếp tế quan trọng từ Sài Gòn, Biên Hòa về Bà Rịa và Vũng Tàu. Tại Phú Mỹ, thực dân Pháp lập lại bót kiểm, đóng đồn (cấp đại đội), khống chế toàn bộ khu vực Phú Mỹ-Hắc Dịch-Phước Hòa.
Trong các cuộc hành quân càn quét và chiếm đóng, thực dân Pháp bắt nhiều người dân tra tấn, bắn chết, thả xác trôi sông 5 người dân ấp Mỹ Xuân tại bến Gò Dầu, bắn thả xác trôi sông. Tại ấp Phú Thạnh, địch bắt bớ và tra tấn dã man hàng chục người, trong đó có các anh Lê Văn Giai, Lê Văn Đào, Lê Văn Qúi. Anh Lê Văn Qúi bị đánh bằng một khúc cây đóng 5 cây đinh vào đầu, phun óc chết tại bót, chúng đem quăng xác xuống sông Thị Vải. Ông Nguyễn Văn Đắc cũng bị ban chết tại đầu cầu Thị Vải, quăng xác xuống sông. Anh Lê Văn Đào bị tra điện, trấn nước chết đi sống lại nhiều lần rồi đưa xuống khám Bà Rịa giam cùng ông Lê Văn Giai. Tám người khác bị đưa ra bắn tại bến Gò Dầu, bỏ xác trôi sông.
Tội ác của thực dân Pháp không khuất phục được tinh thần nhân dân Phú Thạnh, Mỹ Xuân, mà trái lại, chỉ làm cho nhân dân thêm căm phẫn và quyết tâm kháng chiến. Anh Lê Văn Đào sau khi ra tù đã gia nhập lực lượng Ban công tác đặc biệt số 9 tại Bàn Thạch  do đồng chí Nguyễn Văn Kim (Ba Giảo) chỉ huy.
Thực hiện chủ trương tiêu thổ kháng chiến của Mặt trận Việt Minh và Ủy ban nhân dân tỉnh, nhiều gia đình, trong đó có bà Mười Ngọt, bà Năm Trang đã tự đốt nhà mình và vận động nhân dân rút vào rừng, tổ chức lực lượng du kích kháng chiến chống Pháp.
Để củng cố lại lực lượng, quận ủy Vũng Tàu cử đồng chí Bùi Cửu về sắp xếp lại bộ máy lãnh đạo kháng chiến của Phú Mỹ. Sau khi ông Cả Lực, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Phú Mỹ theo Pháp, đồng chí Huỳnh Văn Ngà (Tư Ngà) được chỉ định là chủ tịch, đồng chí Nguyễn Văn Của là phó chủ tịch, đồng chí Bùi Văn Chính (Chín Đỏ) là uỷ viên quân sự, đồng chí Lý Kim Đồng là chủ nhiệm Việt Minh, đồng chí Lê Văn Hồng là đội trưởng đội công tác (phụ trách công an), Nguyễn Văn Báo là ủy viên tài chính. Ngoài những cán bộ chủ chốt, nhiều cán bộ khác hăng hái tham gia các công tác chung ở xã Phú Mỹ trong thời kỳ này còn có các đồng chí Chính, Sâm, Châu, Phúc… Tổ chức Phụ nữ cứu quốc có các chị Nguyễn Văn Kiều, Tư Dần, Bảy Có, Chím Kiềm, Tám Thà, Nhang, Tới, Phán… hăng hái đảm nhận công việc chung và luôn hoàn thành nhiệm vụ.
Đội du kích Phú Mỹ được bổ sung thêm nhiều đội viên, anh Ba Ca về thành thay thế anh Bường làm đội trưởng, anh Phan Văn Châu làm chính trị viên. Đội du kích Phú Mỹ trở thành nòng cốt lực lượng du kích tập trung của huyện Vũng Tàu sau này.
Đồng chí Trương Minh Luân chủ tịch quận về sắp xếp tổ chức bộ máy chính quyền xã Hội Bài, gồm có các đồng chí Bùi Văn Dân (chủ tịch), Đặng Văn Xe (Phó chủ tịch), Huỳnh Văn Trụ (trưởng công an); Hội Phụ nữ cứu quốc có các chị Bùi Thị Ngà, Bùi Thị Vinh, Nguyễn Thị Tứ. Ở Hội Bài, xuất hiện khá sớm phong trào má chiến sĩ. Chi đội 7 (bộ đội Mai Văn Vĩnh) về đây đóng quân thường xuyên nên phong trào hoạt động ngay từ đầu khá mạnh. Ap Long Xuân thuộc xã Long Hương được nâng lên thành một xã. Đồng chí Trương Minh Luân, Chủ tịch quận Vũng Tàu đã về củng cố bộ máy kháng chiến tại đây. Ủy ban hành chính xã Long Xuân được thành lập, trụ sở đặt tại Giồng Than –Cá Liệt (Láng Cát) do ông Nguyễn Văn Phi làm Chủ tịch.
Thực dân Pháp khẩn trương khôi phục bộ máy tề nguỵ và mở rộng vùng chiếm đóng. Chúng đưa Bùi Thế Khâm làm tỉnh trưởng Bà Rịa, ráo riết lập lại hệ thống tề ngụy ở các làng xã, tổng và quận. Nhiều hương chức, tề ngụy của chính quyền cũ cũng trở lại làm tay sai cho thực dân Pháp. Chúng tăng thêm binh lực, mở nhiều cuộc hành quân lấn chiếm đóng chốt ở các đô thị đông dân, có vị trí kinh tế quân sự và các đầu mối giao thông thủy bộ, kiểm soát chặt các bến cảng cửa khẩu, dùng mọi thủ đoạn mua chuộc, dụ dỗ lôi kéo và gom dân về sống chung quanh đồn bót, càn quét mở rộng vùng chiếm đóng, lập tề ngụy, ráo tiết bắt lính. Sau khi Pháp chiếm Bà Rịa, hầu hết các cán bộ nhân viên của Quốc gia tự vệ Cuộc và cán bộ quận Vũng Tàu rút về rừng Sác, Long Hương, Bà Trao-Núi Lứa. Đồng chí Nguyễn Ngọc Bảo cùng 10 đội viên Quốc gia tự vệ Cuộc Vũng tàu rút ra Rừng Sác lập chiến khu.
Quân và dân Tân Thành củng cố lại lực lượng, bước vào cuộc kháng chiến chống Pháp trường kỳ, gian khổ và vô cùng anh dũng./.





Bài 7
Cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện, lâu dài
______________________________
Sau khi thực dân Pháp chiếm đóng Bà Rịa và các trung tâm quận lỵ, nhiều đảng viên và cán bộ trung liên rút về Long Mỹ xây dựng căn cứ kháng chiến. Lực lượng vũ trang Bà Rịa-Vũng Tàu được xây dựng lại. Trên địa bàn tỉnh Bà Rịa chỉ còn ba đội Tuyên truyền xung phong. Đội Tuyên truyền xung phong của tỉnh do đồng chí Dương Ngọc Văn (Nguyễn Văn Đường) chỉ huy đang hoạt động ở khu vực Tứ Long (Long Xuyên, Long Kiên, Long Phước, Long Tân). Ơ Long Điền và Đất Đỏ, mỗi khu vực cũng có một Đội Tuyên truyền xung phong do các đồng chí Nguyễn Đệ và Lâm Văn Sáu chỉ huy.
Đội Du kích Quang Trung là đơn vị vũ trang đầu tiên được thành lập mà nòng cốt là Đội tuyên truyền xung phong của tỉnh; Hoàng Tiêu là đội trưởng, Nguyễn Quỳ là đội phó, Dương Ngọc Văn là chính trị viên và 10 đội viên, được phiên chế thành một tiểu đội. Hoạt động vũ trang tuyên truyền của Đội Du kích Quang Trung đã cổ vũ tinh thần kháng chiến của các tầng lớp nhân dân trong tỉnh.
Ngày 6 tháng 3 năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ ta ký kết với đại diện chính phủ Pháp Hiệp định sơ bộ. Nhân cơ hội này, Mặt trận Việt Minh tỉnh đã đẩy mạnh việc tuyên truyền, xây dựng cơ sở kháng chiến. Tại hầu hết các xã dọc trục lộ 15, nhân dân đã treo cờ Tổ quốc để chào mừng Hiệp định sơ bộ.
Hội nghị cán bộ tỉnh Bà Rịa được tổ chức tại Long Mỹ tháng 3 năm 1946, củng cố một bước bộ máy lãnh đạo của tỉnh: đồng chí Trần Xuân Độ được tín nhiệm đứng đầu Ban lãnh đạo kháng chiến ở Bà Rịa-Vũng Tàu; đồng chí Nguyễn Tấn Phúc làm Chủ tịch Ủy ban hành chính tỉnh; đồng chí Bùi Công Minh là Chủ nhiệm Ủy ban Mặt trận Việt Minh tỉnh với nhiệm vụ cùng các đồng chí Võ Văn Thiết, Trương Văn Tân, Nguyễn Tấn Cách củng cố hệ thống Mặt trận Việt Minh trong toàn tỉnh; đồng chí Nguyễn Quỳ phụ trách quân sự tại khu Đông Bà Rịa với nhiệm vụ tổ chức lại tự vệ chiến đấu quân; Hoàng Tiêu phụ trách Công an Khu Đông và Ban Trinh sát.
Cuối tháng 3 năm 1946, đồng chí Trần Xuân Độ về nhận nhiệm vụ Chủ nhiệm chính trị bộ Khu 7, đồng chí Nguyễn Tấn Phúc bị thổ huyết nặng, sau đó được tổ chức bố trí cho về miền Bắc chữa bệnh, số cán bộ chủ chốt của các ngành quân dân chính Đảng lúc đó chỉ đếm trên đầu ngón tay. Việc liên lạc giữa Khu Tây (khu vực lộ 15) và Khu Đông (Chiến khu Long Mỹ) bị gián đoạn. Các xã vùng lộ 15 không nhận được sự chỉ đạo của trên, vẫn chủ động lãnh đạo nhân dân tản cư tránh giặc, và tổ chức lại lực lượng kháng chiến.
Khi thực dân Pháp chiếm Bà Rịa, Quốc gia tự vệ cuộc (tiền thân của công an nhân dân) tỉnh đã xây dựng căn cứ trên Núi Dinh, sau đó cử nhân viên liên lạc với xã Hắc Dịch, củng cố bộ máy chính quyền ở xã Hắc Dịch và khảo sát địa điểm xây dựng căn cứ. Sau đó vì liên lạc và tiếp tế lương thực thực phẩm khó khăn nên Quốc gia tự vệ cuộc đã rút về Phước Hòa. Ông Kiểm Lượng, Trưởng trạm kiểm lâm Phước Hòa mổ trâu khao quân và giúp tìm địa điểm đặt căn cứ. Phía Nam lộ 15, giáp Phước Hòa có ấp Tắc Moi trước thuộc xã Long Hương. Sau khi thực dân Pháp tái chiếm, nhiều người dân bất hợp tác với địch đã quần tụ quanh Tắc Moi. Quận Vũng Tàu cử đồng chí Trương Minh Luân về thành lập xã Long Hòa trực thuộc quận Vũng Tàu. Quốc gia tự vệ Cuộc đã chọn Tắc Moi đặt căn cứ. Dân Long Hòa, Phước Hoà, Hội Bài và các lân vùng Rừng Sác, sinh sống bằng nghề chài lưới, cắm đăng, đốn củi đước, bán muối, đã phục vụ cho công an tỉnh nắm tình hình địch.
Đầu tháng 5 năm 1946, được sự hỗ trợ của du kích xã Phú Mỹ và xã Hội Bài, một phân đội của Chi đội 7 do đồng chí Nguyễn Văn Soái và Bảy Ngữ chỉ huy đã tổ chức đánh phục kích trên lộ 15 đoạn từ núi Thị Vãi đến núi Ông Trịnh. Khoảng 9 giờ 30 sáng, đoàn xe địch đến 4 chiếc từ Vũng Tàu về Sài Gòn lọt vào trận địa. Quân ta nổ súng và xung phong, diệt nhiều tên, đốt cháy 3 xe quân sự, thu 25 súng, bắt sống 2 tù binh.
Trong số sỹ quan Pháp bị tiêu diệt trong trận này, có trung úy Jacqee Le Guyader, sỹ quan tham mưu của thực dân Pháp ở miền Đông Nam Bộ. Cuốn nhật ký của Trung úy Pháp Jacqee Le Guyader mà ta thu được, trong đó có những dòng hắn viết trước khi chết cho biết, hắn vừa tốt nghiệp trường Đại học quân sự Saint Cyrn, được điều động đến làm việc tại Bộ tham mưu quân Pháp ở miền Đông Nam bộ. Hắn có nhiệm vụ đi tìm hiểu thực tế tình hình chiến trường Bà Rịa-Cấp. Đoàn xe chở hắn bị phục kích trên quốc lộ 15, đoạn gần núi Ông Trịnh, phía Nam làng Phú Mỹ, phía Bắc làng Phước Hoà.
Để đáp ứng yêu cầu mới của sự phát triển Mặt trận dân tộc thống nhất, Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trương vận động thành lập Hội Liên hiệp quốc dân Việt Nam (gọi tắt là Hội Liên Việt) vào ngày 2 tháng 5 năm 1946. Bốn tháng sau, Hội Liên Việt Bà Rịa được thành lập (9/1946), Mặt trận Việt Minh là nòng cốt của Liên Việt, tập hợp, đoàn kết tất cả các tầng lớp nhân dân tham gia kháng chiến.
Từ giữa năm 1946, thực dân Pháp điều một bộ phận binh lực ra miền Bắc, chuẩn bị thay thế quân đội Tưởng Giới Thạch. Ở Nam Bộ, chúng rút các đồn bót lẻ về cố thủ các cứ điểm lớn. Chúng lập chính phủ bù nhìn Nam Kỳ tự trị do tên Nguyễn Văn Thinh làm chủ tướng, khôi phục hội tề ở cơ sở, chia rẽ lương giáo, chia rẽ Bắc Nam. Trong tình hình đó, quân khu 7 chủ trương tăng cường xây dựng lực lượng, thành lập các Chi đội Vệ Quốc đoàn trong từng tỉnh; lập thêm các công binh xưởng; phát triển và mở rộng lực lượng dân quân ở cơ sở; tích cực chống địch càn quét khủng bố; đẩy mạnh công tác địch vận, lôi kéo ngụy binh. Trên chiến trường Bà Rịa, ta vẫn làm chủ nhiều vùng nông thôn. Ngay cả một số nơi tuy địch đã lập tề xã, chúng cũng không kiểm soát nổi.
Ban vận động thành lập Mặt trận Việt Minh tỉnh đã mở lớp huấn luyện đầu tiên trong tháng 6 và tháng 7 năm 1946 tại Long Mỹ và Phước Hải. Một số cán bộ và quần chúng tích cực ở các huyện xã địa bàn nam-bắc lộ 15 đã tham dự đợt huấn luyện này. Nội dung huấn luyện gồm tôn chỉ mục đích, cương lĩnh, điều lệ Việt Minh; cách tuyên truyền, tổ chức và hoạt động của Việt Minh cơ sở. Hai lớp học này đã nâng cao trình độ cán bộ Việt Minh các cấp, mở rộng phong trào vận động nhân dân ở các xã. Tổ chức Việt Minh các quận được thành lập.
Sau các lớp huấn luyện Việt Minh, hệ thống chính quyền, Mặt trận Việt Minh và các đoàn thể cứu quốc ở hầu khắp các quận, xã đã được củng cố, tạo điều kiện đẩy mạnh cuộc kháng chiến. Tháng 8 năm 1946, Ban vận động thành lập Mặt trận Việt Minh tỉnh tổ chức hội nghị tại Long Mỹ, tuyên bố thành lập Ủy ban Mặt trận Việt Minh tỉnh Bà Rịa. Đồng chí Bùi Công Minh được bầu làm chủ nhiệm. Hội nghị quyết định các chủ trương: củng cố tổ chức cơ sở Việt Minh trong toàn tỉnh; huy động nhân tài vật lực phục vụ cho kháng chiến; phá hoại giao thông, ngăn chặn địch mở rộng lấn chiếm; diệt tề trừ gian.
Địa bàn Rừng Sác – lộ 15 khi đó trở thành căn cứ của nhiều đơn vị trong lực lượng vũ trang miền Đông Nam Bộ như bộ đội Mai Văn Vĩnh, bộ đội Trần Văn Soái (sau tổ chức thành Chi đội 2), Bộ đội Trần Văn Lực (sau tổ chức thành chi đội 9). Trung đội 2 Bình Xuyên do Mai Văn Vĩnh (con rể ông Tám Mạnh) chỉ huy rút về đây sau khi mặt trận Sài Gòn vỡ, quân số lúc đầu có hơn 40 người, trang bị 17 súng. Được sự giúp đỡ của nhân dân Bà Trao – Núi Nứa và các xã dọc lộ 15, bộ đội Mai Văn Vĩnh khắc phục nhiều khó khăn và ngày càng lớn mạnh. Nhân dân các xã vùng lộ 15 đã có mối quan hệ gắn bó với bộ đội Mai Văn Vĩnh ngay từ những ngày đầu đơn vị về đóng quân trên địa bàn, từng nhường cơm, sẻ áo, hợp tác phá kho súng của Nhật lấy súng đạn tự trang bị và đưa con em mình vào xây dựng lực lượng vũ trang.
Thực hiện Nghị quyết của Bộ Tư lệnh Khu 7 về việc thành lập các Chi đội Vệ quốc đoàn trên địa bàn từng tỉnh, tháng 8 năm 1946, bộ đội Mai Văn Vĩnh được tổ chức thành Chi đội 7, bổ sung thêm quân số, trang bị vũ khí khá mạnh. Ban chỉ huy gồm các đồng chí: Mai Văn Vĩnh (Chi đội trưởng), Nguyễn Đăng Khoa (chính trị viên), Trịnh Văn Tài (Chi đội phó). Chi đội 7 thường xuyên hoạt động ở khu Tây Bà Rịa, khống chế lộ 15, phối hợp với du kích các xã chống càn quét, trên tuyến Phước Hòa-Phú Mỹ-Phước Thái, góp phần  nâng cao sức chiến đấu chung cho lực lượng vũ trang tỉnh và huyện trong những năm đầu kháng chiến. Du kích Phú Mỹ đưa bộ đội Mai Văn Vĩnh đột nhập vào sân bay tháo gỡ máy móc và nguyên vật liệu đưa về trang bị cho Công binh xưởng.
Ngày 14 tháng 9 năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Chính phủ Pháp bản Tạm ước gồm 11 điều khoản, tạo điều kiện cho nhân dân ta có thêm thời gian chuẩn bị lực lượng bước vào cuộc kháng chiến trên cả nước. Mặt trận Việt Minh tỉnh chỉ đạo một đợt vũ trang tuyên truyền, kêu gọi nhân dân ủng hộ kháng chiến. Cờ đỏ sao vàng, và khẩu hiệu hoan nghênh Tạm ước được treo ở tất cả các xã. Thực dân Pháo cho lính xuống từng xã để gỡ cờ, khủng bố nhân dân. Ủy ban Việt Minh quận, xã đã lãnh đạo nhân dân đấu tranh quyết liệt với địch, chặn bàn tay khủng bố của chúng. Ty công an phối hợp với các lực lượng vũ trang và các đội tự vệ chiến đấu ở các làng diệt trừ gian, tịch thu toàn bộ sổ sách giấy tờ, giải tán nhiều ban tề ngụy ấp, xã trong toàn tỉnh.
Hưởng ứng đợt phát động của Mặt trận Việt Minh, nhân dân các xã đã huy động lực lượng, phá hoại nhiều đoạn trên quốc lộ 15. các cuộc diệt ác phá kềm và phá hoại giao thông địch đã có kế hoạch chuẩn bị trước, có sự phối hợp chặt chẽ nhịp nhàng giữa các địa phương trong toàn tỉnh có tác dụng quan trọng tích cực cổ vũ tinh thần nhân dân, binh sĩ trong các đô thị và vùng nông thôn tin tưởng và tham gia ủng hộ kháng chiến, đồng thời tác động mạnh trong tinh thần bọn tay sai của thực dân Pháp.
Đầu tháng 10 năm 1946, trong cương vị Chủ nhiệm chính trị bộ Khu 7, đồng chí Trần Xuân Độ về Long Mỹ trực tiếp chỉ đạo củng cố chính quyền và các đoàn thể trong tỉnh. Hội nghị Mặt trận Việt Minh tỉnh do đồng chí Trần Xuân Độ chủ trì vào trung tuần tháng 10 năm 1946 tại Long Mỹ, có hơn 70 đại biểu, đại diện đủ các ngành, các giới trong tỉnh tham dự. Tại hội nghị này, đồng chí Lâm Văn Võ được cử làm chủ tịch Ủy ban hành chính thay ông Huỳnh Thừa Tuyên vừa bị Pháp bắn chết trong một trận càn; đồng chí Lưu Văn Qui là uỷ viên xã hội. Ủy ban hành chính các xã cũng được củng cố.
Ông Trương Văn Tới là Chủ tịch Ủy ban hành chính xã Hội Bài A, ông Bùi Văn Đâu là chủ tịch Ủy ban hành chính xã Hội Thạnh, Ông Lê Văn Cúc là chủ tịch Ủy ban hành chính xã Phú Mỹ. Theo sự chỉ đạo của Mặt trận Việt Minh huyện, các xã đều tổ chức được các đoàn thể Thanh niên Cứu quốc, Phụ nữ Cứu quốc, Nông dân Cứu quốc, Công nhân Cứu quốc và các đoàn thể cứu quốc khác trong Ủy ban Mặt trận Việt Minh. Cũng vào thời điểm này, Chi đội 16 đã được thành lập. Chi đội 16 coi trọng nhiệm vụ giúp đỡ phong trào du kích chiến tranh tại các xã ấp, huấn luyện các lực lượng tự vệ và phối hợp chống càn quét lấn chiếm của địch. Tự vệ chiến đấu các xã dọc quốc lộ 15 đã hăng hái tham gia cùng nhân dân đào phá lộ, dựng chướng ngại vật, ngăn chặn giao thông địch.Xưởng có nhiều máy tiện và máy công cụ sản xuất cơ khí khác; phần lớn được chuyển từ Sài Gòn về. Công nhân viên Xưởng quân giới phần lớn có tay nghề khá, từng là thợ xưởng Ba Son tình nguyện tham gia kháng chiến. Nhờ tổ chức tốt công tác binh vận, xây dựng được nhiều cơ sở mật tại nội thành nên việc tiếp tế cung ứng nguyên vật liệu, hóa chất, đảm bảo đủ cho xưởng sản xuất một số súng phóng lựu, tiểu liên, thompson trang bị cho Chi đội, đồng thời hỗ trợ các đơn vị và du lích các xã dọc lộ 15. Trước dã tâm xâm lược ngày càng trắng trợn của thực dân Pháp, Trung ương Đảng và Chủ Tịch Hồ Chí Minh đã phát động toàn quốc kháng chiến. Ngày 19 tháng 12 năm 1946, Chủ Tịch Hồ Chí Minh đã ra lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến với quyết tâm: “Thà hy sinh tất cả chứ không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ”. Hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Mặt trận Việt Minh tỉnh Bà Rịa đã phát động quân và dân toàn tỉnh bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược./.





Bài 8
Xây dựng Đảng bộ, phát triển du kích chiến tranh, giải phóng lộ 15 năm 1947
____________________________________
Năm 1947, thực dân Pháp đã xây dựng xong bộ máy hội tề và đóng đồn bót dọc lộ 15, hình thành hệ thống phòng thủ liên hoàn từ Phú Mỹ đến Ông Trịnh, Rạch Tre, Rạch Váng, Long Hương. Để đối phó với những thủ đoạn mới của địch, các lực lượng kháng chiến trong tỉnh cũng nỗ lực củng cố hệ thống tổ chức Đảng, chính quyền và Mặt trận Việt Minh, đẩy mạnh cuộc kháng chiến.
Đầu năm 1947, Mặt trận Việt Minh quân Vũng Tàu được thành lập, chủ nhiệm là đồng chí Võ Minh Quân (tức Võ Văn Nhân), phó chủ nhiệm là chị Công Tôn Nữ Phượng Trâm (tên thật là Thu), đồng chí Võ Văn Ấn làm thư ký.
Đồng chí Lương Văn Trọng được Tư lệnh Khu 7 cử về  làm ủy viên quân sự tỉnh Bà Rịa đã đặt cơ quan tại Bàn Thạch. Cũng trong dịp này, đồng chí Nguyễn Văn Kim (tức Ba Kim, Ba Giảo) được cử về xây dựng Ban công tác đặc biệt số 9. Nhiều thanh niên Phú Thạnh, Mỹ Xuân đã tham gia lực lượng Ban công tác đặc biệt số 9. Tháng 3 năm 1947, Ban công tác đặc biệt số 9 chính thức được thành lập với 14 đội viên, đồng chí Huỳnh Văn Sổ làm đội trưởng, đồng chí Nguyễn Văn Của làm đội phó dưới sự chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Văn Kim.
Ban công tác đặc biệt số 9 đặt căn cứ Bàn Thạch (Phú Mỹ) xây dựng căn cứ bàn đạp Bà Trao-Núi Nứa, từ đó phát triển cơ sở về Thị xã Cấp và Bà Rịa, nắm tin tức, địch tình, cung cấp cho quân khu, đồng thời tham gia diệt ác, trừ gian tại địa phương. Nhân dân Phú Mỹ, Hội Bài đã cung cấp lương thực thực phẩm và tạo điều kiện cho cơ quan quân sự tỉnh và Ban công tác đặc biệt số 9 đã trừng trị tên Lê Văn Hoa (Sáu Hoa), một tên chỉ điểm có nhiều nợ máu với nhân dân. Y đã dẫn đường cho thực dân Pháp càn quét vào làng, bắn chết nhiều cán bộ kháng chiến và đàn áp nhân dân. Đồng chí Sổ, đội trưởng đội công tác, cùng 2 đội viên đã đến tiệm Sáu Hoa mua rượu, đồ nhậu và đã dùng súng bắn chết Sáu Hoa tại nhà y ở Phú Mỹ.
Từ năm 1947, các phong trào Hũ gạo nuôi quân, Hội mẹ chiến sĩ đỡ đầu chiến sĩ, Mùa đông binh sĩ, Cứu trợ thương binh được các đoàn thể cứu quốc vận động đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia. Hội phụ nữ, Hội mẹ chiến sĩ đã vận động nhân dân trong xã, mỗi gia đình dành một hũ gạo nuôi quân, tổ chức kết nghĩa giữa hội phụ nữ với các đơn vị vũ trang đóng ở địa bàn. Hội mẹ chiến sĩ đóng vai trò trọng yếu trong các công cuộc vận động, chăm lo cán bộ chiến sĩ trong các đơn vị bộ đội tỉnh, chi đội 7, chi đội 2.
Tình hình tài chính lúc đó rất khó khăn, thực hiện chủ trương của tỉnh, Ủy ban Kháng chiến Hành chính quận và các làng đều tích cực thu ngân sách, đẩy mạnh phát triển kinh tế tự túc. Tháng 2 năm 1947, Ủy ban hành chính tỉnh phát hành 200.000 đồng tín phiếu kháng chiến loại 50 đồng và 100 đồng. Mặc dù đời sống kinh tế vùng lộ 15 rất thiếu đói, nhân dân các xã vẫn tích cực mua tín phiếu kháng chiến. Thực hiện chủ trương “tiêu dùng bạc Việt Nam, tiêu dùng hàng Việt Nam, tẩy chay hàng hóa địch” của Chính phủ kháng chiến, lực lượng công an, du kích và ban thuế các xã đã tổ chức các trạm trên lộ 15, kiểm soát chặt chẽ hàng hóa như nhu yếu phẩm, gạo, thịt heo gà, và vận động nhân dân tiêu dùng bạc Việt Nam của Cụ Hồ. Ủy ban hành chính xã tổ chức Hợp tác xã mua bán cá khô mắm, thuốc, đường khối, thuốc rê, cung cấp cho quận, đồng thời giúp bộ phận quân nhu tỉnh mua lúa gạo từ  Cần Giờ, Gò Công về cung cấp cho lực lượng vũ trang và bán lại cho dân.
Thực hiện chỉ thị của Xứ ủy và sự chỉ đạo của Liên Tỉnh ủy, đồng chí Trần Xuân Độ, Chủ nhiệm Chính trị bộ Khu 7 về Bà Rịa, cùng các đồng chí Nguyễn Tấn Cách, Bùi Công Minh chuẩn bị điều kiện cần thiết để thành lập Đảng bộ. Nhờ sự nỗ lực của các cán bộ chủ chốt trong Hội nghiên cứu Mácxít, cùng với sự chỉ đạo và cán bộ tăng cường của Liên Tỉnh ủy Miền Đông Nam Bộ, Tỉnh ủy Lâm thời tỉnh Bà Rịa được thành lập tại căn cứ Long Mỹ tháng 4 năm 1947. Tỉnh ủy lâm thời chủ trương đẩy mạnh công tác phát triển Đảng, thành lập các chi bộ xã để tiến tới thành lập cấp ủy ở các quận; phát triển và xây dựng tổ chức Đảng trong quân đội, chính quyền và các ban ngành của tỉnh; tuyên truyền rộng rãi chủ nghĩa cộng sản; đẩy mạnh công tác đào tạo cán bộ; xây dựng căn cứ kháng chiến.
Theo sự chỉ đạo của tỉnh, tháng 4 năm 1947, quận Vũng Tàu tổ chức bầu cử Ủy ban hành chính quận, đồng chí Dương Ngọc Văn, Phó Chủ tịch Ủy ban hành chính tỉnh về dự và chỉ đạo. Đồng chí Nguyễn Đăng Khoa đắc cử Chủ tịch quận. Xã Phú Mỹ cũng tổ chức bầu cử, ông Lê Văn Cúc là chủ tịch, ông Bùi Văn Chính (tức Chín Đỏ) là Ủy viên quân sự. Trụ sở Ủy ban xã Phú Mỹ đóng ở Rẫy Thơm (Suối Cả).
Song song với công tác thu đảm phụ quốc phòng, vận động ủng hộ nuôi quân, từ năm 1947, các xã vùng lộ 15 đã tổ chức thu thuế nông nghiệp. Dân lộ 15 ít ruộng, chỉ tập trung ở Phú Mỹ, còn lại là đất trồng màu. Một phần lớn đồng bào sinh sống ở các lân Rừng Sác, Rừng Giồng làm nghề lưới, câu, đốn củi, múc dầu chai bán vào thành thị. Các xã tổ chức hệ thống trạm thủy lâm thu thuế ở các cửa ngõ sông rạch, để vừa thu thuế thủy lâm, đồng thời làm nhiệm vụ canh phòng cho nông dân sản xuất, kịp thời báo tin cho nhân dân mỗi khi có giặc càn, hạn chế tổn thất.
Tỉnh ủy chỉ định đồng chí Lê Đình Y là Bí thư Quận ủy Vũng Tàu. Quận ủy mở lớp huấn luyện về Chủ nghĩa Mác-Lênin. Nhiều cán bộ chủ chốt của các xã đã được tham dự lớp huấn luyện và sau đó được kết nạp vào Đảng cộng sản . Chi bộ các xã được thành lập. Chi bộ xã Phú Mỹ mang bí số là 72, đồng chí Võ Văn Khuê là Bí thư. Chi bộ xã Phước Hòa mang bí số 78. Tháng 10 năm 1947, quận ủy Vũng Tàu được thành lập, đồng chí Lê Đình Y là bí thư Quận ủy; đồng chí Trương Minh Luân là Phó Bí thư kiêm Chủ tịch Ủy ban kháng chiến quận.
Nhân dịp thực dân Pháp tập trung quân ra chiến trường Việt Bắc với ý đồ tiêu diệt quân chủ lực và cơ quan lãnh đạo Trung ương. Bộ tư lệnh và Khu ủy quân khu 7 chủ trương đẩy mạnh chiến tranh du kích nhằm tiêu hao sinh lực địch, phối hợp chiến trường cả nước, củng cố và mở rộng vùng giải phóng. Các lực lượng vũ trang trong tỉnh đã tận dụng thời cơ, đẩy mạnh hoạt động. Tháng 4 năm 1947, Chi đội 16 phá sập Cầu Trọng, bức rút Chi khu Xuyên Mộc, mở rộng vùng giải phóng của tỉnh. Tháng 6 năm 1947, Quốc vệ đội tỉnh Bà Rịa đã hạ ở đồn Bến Đá, giải phóng Bà Trao-Núi Nứa, tạo điều kiện cho phong trào cách mạng khu vực nam-bắc lộ 15 phát triển.
Trên hướng lộ 15, được sự hỗ trợ của lực lượng vũ trang đóng trên địa bàn (Chi đội 7, Chi đội 2, bộ đội Hoàng Thọ), quân và dân các xã trong quận đã tích cực vây ép đồn địch, hỗ trợ cho nhân dân các xã đào đường, phá cầu, chặt cây, đắp mô, chặn địch. Tỉnh ủy chỉ đạo quận Vũng Tàu phải bằng mọi cách phải “phá quốc lộ 15, chặt đứt giao thông địch”. Khẩu hiệu của chiến dịch phá lộ là “người dân nào đào được một hố trên lộ 15 coi như giết được một tên giặc”, “đơn vị nào phá được một quãng đường dài 100 mét coi như đánh thắng một trận”.
Quận ủy chỉ đạo lấy cấp xã làm đơn vị, mỗi xã tuỳ theo số lượng người chia thành nhiều tổ, mỗi tổ từ 6 đến 10 người để đào và phá đường. Lúc đầu do lực lượng ít, tổ chức phân tán nên hiệu quả không cao. Đêm ta phá, ngày địch cho quân san ủi, xe địch vẫn lưu thông được. Quận ủy chỉ đạo rút kinh nghiệm, tập trung lực lượng, đào từ lề đường, móc hàm ếch vào lòng đường thật sâu rồi đánh sập từng mảnh lớn, cắt đứt từng đoạn đường. Phương thức này nhanh chóng đem lại hiệu quả cao, khiến địch không thể khắc phục ngay được. Quận phát động phong trào thi đua phá lộ và đặt giải thưởng một khẩu súng trường cho đơn vị nào đạt hiệu quả cao nhất. Quận ủy và Ủy ban Kháng chiến Hành chính quận tổ chức đoàn kiểm tra của quân – dân – chính quận, có đại biểu ở các xã để nghiệm thu và phát thưởng. Các xã đều động viên đồng bào phấn khởi thi đua lập thành tích, tranh giải thưởng với tinh thần tự giác rất cao.
Theo chỉ tiêu ấn định, mỗi đêm, mỗi xã huy động từ 100 đến 200 người phá đường, gồm cả thanh niên nam nữ, nông dân và hội mẹ. Dân quân du kích tổ chức canh gác cho nhân dân phá cầu, đào đường, đắp ụ. Ban ngày giặc sửa chữa, san lấp, đến đêm đồng bào tiếp tục phá. Thanh niên, phụ nữ đào đường, đắp ụ, các cụ lão cứu quốc cũng tham gia nêm cuốc, sửa xẻng, Hội mẹ chiến sĩ mang cơm nước quà bánh đến cho dân quân. Phong trào phá hoại giao thông địch trên lộ 15 thể hiện rõ hình ảnh cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện, trường kỳ.
Nhân dân các xã đã sáng tạo nhiều cách phá đường. Hố được đào nhiều kiểu: hố chữ U, chữ I, chữ V, chữ Z, có nơi cả một đoạn đường bị cắt đứt làm đôi, sâu đến 2 mét. Vừa làm, các xã vừa tổ chức rút kinh nghiệm và phổ biến những sáng kiến có hiệu quả cao. Xã Phú Mỹ có cách đào hầm ếch rồi đánh sập mặt đường xuống. Xã Hội Bài có kinh nghiệm đào xuyên sườn móc đất sâu vào trong rồi cũng đánh sập mặt đường. Lúc đầu, địch phản kích lại bằng càn quét, cho bộ binh đi sửa cầu, lấp hố, nhưng cố gắng của giặc không bù lại nỗ lực phá đường của nhân dân các xã trên lộ 15.
Từ tháng 9 năm 1947, nhân dân xã Hội Bài, Phú Mỹ, Phước Hoà, Xuân Hòa, Long Hương, với sự hỗ trợ của bộ đội, dân công của tỉnh và quận đã phá sập hàng loạt các cây cầu trên lộ 15 (cầu Bà Bao, cầu Nước Ngọt, cầu Rạch Chanh, cầu Cây Sao, cầu Thị Vải). Thiếu mìn và thuốc nổ, đồng bào đã sáng tạo ra cách phá cầu bằng cách chất đá lên mặt cầu rồi dùng hàng chục thước khối củi chất dưới gầm cầu, đổ dầu lên đốt; lửa cháy nung đỏ các thanh sắt và dưới sức nặng của đá, cầu sập. Đồng chí Chín Đỏ (Nguyễn Văn Chính) xã đội trưởng Phú Mỹ là người rất xông xáo, ngày đêm túc trực chỉ đạo trong chiến dịch phá đường.
Hôi phụ nữ cứu quốc các xã Phú Mỹ, Hội Bài, Bà Trao-Núi Nứa đã tổ chức quyên góp nếp, gạo, chuối, cua luộc, tôm rang gởi lên mặt trận lộ 15, động viên kịp thời, nhất là những đợt tập trung lực lượng đột phá, có bộ đội tham gia. Đêm trên lộ 15 trong chiến dịch phá lộ vui như ngày hội, anh em quên cả mệt nhọc. Nhiều anh em cầm búa, cuốc xẻng phá đường suốt đêm, bàn tay rướm máu nhưng vẫn vui cười vì cán bộ cấp trên luôn đi sát, lại có các mẹ, các chị đến tận tuyến đường động viên, ủng hộ. Nhiều bài ca, bài hò vè được sáng tác tại chỗ để cổ vũ tinh thần cán bộ chiến sĩ và nhân dân. Không khí sôi nổi trong những ngày phá lộ 15 còn âm vang trong những câu ca dao, hò vè:
Ai qua Phú Mỹ, Hội Bài,
Phá đường hỏi được bao dài hỡi em
Phá ngày rồi lại phá đêm
Bàn tay rướm máu, hỏi em vẫn cười.
Phong trào phá lộ 15 trong thời kỳ này thực sự trở thành một mặt trận kháng chiến của toàn dân. Chấp hành sự chỉ đạo của tỉnh, quận Vũng Tàu đã huy động cả lực lượng tiếp tục băm nát lộ 15.  Tỉnh ủy và Ủy ban kháng chiến hành chính tỉnh chỉ đạo quận Long Điền huy động thêm dân công các xã Long Xuyên, Long Kiên, Long Phước tham gia mặt trận phá lộ 15. Từ Long Kiên, Long Xuyên đến Phú Mỹ phải vượt qua các cánh đồng ruộng sình lầy, xuyên qua rừng rậm Châu Pha trên khoảng đường dài hơn hai chục cây số nhưng với tinh thần quyết tâm kháng chiến, lực lượng dân công vùng Tứ Long huy động luôn đủ số lượng và hoàn thành tốt nhiệm vụ, chỉ tiêu kế hoạch được giao. Hội Phụ nữ  Cứu quốc, Hội mẹ chiến sĩ các xã vùng Tứ Long còn tổ chức từng đoàn đem quà bánh đến thăm, cổ vũ mặt trận phá đường. Tình đoàn kết chiến đấu của quân dân các xã còn lưu lại trong những câu ca lưu luyến:
Ai qua Phú Mỹ, Hội Bài,
Đừng quên Long Phước chuối xoài mẹ cho.
Từ tháng 9 năm 1947, quốc lộ 15 từ  Sài Gòn đi Vũng Tàu bị ta cắt đứt, xe địch không còn lưu thông được nữa. Quân Pháp buộc phải rút khỏi đồn Phú Mỹ. Toàn bộ vùng đất rộng lớn từ phía Nam-Bắc lộ 15, hoàn toàn được giải phóng. Một dải Rừng Sác rộng hàng trăm cây số vuông từ Phú Mỹ, Hội Bài ra Bà Trao-Núi Nứa đến Thạnh An, áp sát cửa sông Lòng Tàu, từ Rừng Sác nối với vùng Rừng Giồng qua lộ 15, vào đến núi Ông Trịnh, Thị Vải và khu rừng già bạt ngàn Phú Mỹ –Hắc Dịch, Châu Pha, hình thành khu giải phóng rộng lớn, có thể xây dựng căn cứ địa của quận và của tỉnh. Phú Mỹ –Hắc Dịch trở thành địa bàn đứng chân của lực lượng vũ trang, xây dựng và rèn luyện, lực lượng, là bàn đạp để hoạt động, tấn công địch. Thực dân Pháp phải tiếp tế cho Bà Rịa qua lộ 2 theo từng chuyến công và có hộ tống, trở thành mục tiêu cho những trận đánh giao thông của bộ đội.
Sau khi đánh sập các cây cầu, quận ủy chỉ đạo các xã huy động lực lượng và nhân dân hàn các cửa sông rạch tại những nơi hiểm yếu trên các tuyến sông Rừng Sác, cắm cọc, gài chông, đặt mìn, thủy lôi bịt kín các đầu vàm không cho các cánh quân địch theo đường thủy đổ bộ đánh và sửa đường. Kế hoạch “cắm cản” được xây dựng và giao chỉ tiêu cho các xã vùng Rừng Sác. Đồng bào dùng cây đước to cắm thành từng hàng xuống lòng sông ở vàm Bàn Thạch, vàm Giồng Muối. Cây đước vùng Rừng Sác không thiếu, song khó khăn chính đặt ra là dân số Hội Bài, Phú Mỹ quá ít, thiếu nhân công chặt đước, vận chuyển đước và kỹ thuật cắm cọc.
Quận ủy đã cử cán bộ về các xã bàn bạc cùng dân, huy động thêm dân công các xã, chặt và vận chuyển về gần 5.000 cây đước. Giữa tháng 9 năm 1947, việc “cắm cản” các lòng sông đã hoàn thành. Chi đội 7, chi đội 2 đã xây dựng phương án chặn đánh các loại tàu và bọn lính thủy đánh bộ Pháp càn quét bằng đường thủy. Không khí sôi nổi của thời kỳ phá đường, hàn sông, xây dựng làng chiến đấu được ghi lại đậm nét trong ca dao kháng chiến của địa phương thời ấy:
Trên thì hào rộng chặn xe,
Dưới thì đắp cản phòng khi ngăn tàu.
Trong làng bất cứ chỗ nào,
Đào hầm chông nhọn giặc vào phải tiêu.
Địa lôi với lựu đạn gài,
Sẵn sàng bố trí trong ngoài dưới trên.
Tây vô mìn giật nổ rền,
Trăm thằng đi bố mười tên trở về…
Các phương án đánh địch lấn chiếm trên lộ 15 và phương án chống giặc nhảy dù đã được lực lượng vũ trang quận và tỉnh bố trí chặt chẽ. Nhân dân Phú Mỹ, Hội Bài, Phước Hòa đã chặt hàng vạn cây cọc vạt nhọn hai đầu, cắm xuống đất, mũi nhọn chọc lên trời tua tủa như những cánh rừng chông khắp Sân bay Phú Mỹ và các bãi trống bên rìa núi, cánh đồng Hội Bài. Du kích và lực lượng vũ trang trên địa bàn sẵn sàng các phương án phối hợp chống càn./.





Bài 9
Củng cố chính quyền, xây dựng căn cứ địa cách mạng
______________________________
Năm 1948, thực dân Pháp tăng cường bình định đồng bằng Nam bộ. Chúng tiếp tục bắt lính xây dựng ngụy quân, xúc tiến tổ chức lực lượng vũ trang giáo phái Cao Đài, Hòa Hảo, tăng cường bắt lính, mở rộng nhiều cuộc hành quân lớn đánh vào căn cứ ta, củng cố vùng chiếm đóng với chiến “Tháp Canh” De Latour và tăng cường bộ máy hội tề, chú trọng đánh vào hạ tầng cơ sở của cách mạng, đánh vào lực lượng chính trị, cơ sở kinh tế, đánh vào kinh tế dự trữ và hậu cứ của ta.
Ngay trong những ngày đầu năm, thực dân Pháp mở một trận càn từ hướng Rừng Sác. Tàu giặc tiến vào sông Bàn Thạch, ngược lên xã Phú Mỹ càn quét thăm dò hòng từng bước chiếm lại lộ 15. Đoàn tàu giặc bị chặn đứng trước những hàng cây đước ken dày đặc lòng sông. Hai chiếc tàu đổ bộ hiệu LCT, LCI mũi bằng, tăng tốc độ xông vào phá hàng cọc. Chiếc tàu thứ nhất bị trúng thủy lôi đặt giữa hàng cọc, lửa bùng lên, khói mịt mù trùm lên buồng lái. Chiếc thứ hai quay lại định trốn chạy đụng thủy lôi du kích Phú Mỹ gài. Tàu giặc phía sau nổ súng bắn loạn xạ, nhưng tổ đánh thủy lôi của ta đã rút lui an toàn.
Đầu năm 1948, các đồng chí Võ Văn Ấn, Kiều Nguyên Nhung, Kiều Thanh Cỏn, Nguyễn Văn Tình trong Ban thông tin tuyên truyền quận Vũng Tàu đã tổ chức hai lớp huấn luyện Việt Minh cho cán bộ chủ chốt của quận và các xã tại chùa Chân núi Thị Vải, có 35 học viên tham gia. Các chùa trên núi Thị Vải đều đóng góp lương thực thực phẩm và phục vụ cho lớp học. Nhân dịp có lớp huấn luyện, đồng chí Nguyễn Văn Hồng, Chủ nhiệm Mặt trận Việt Minh xã Phú Mỹ đề nghị Ban thông tin tuyên truyền huyện phối hợp vận động tăng ni phật tử tham gia kháng chiến. Thầy Hay trụ trì chùa Chân đã xuống núi tham gia công tác trong Hội Phật giáo cứu quốc.
Trên núi Thị Vải còn có một gia đình ở Sài Gòn về đây tu hành. Ông Lê Nghi Bình là một trí thức, cùng vợ là bà Kim Anh (người Hoa) nguyên là Giám đốc Nữ công gia chánh Học đường đã từ bỏ cõi tục về đây lập chùa tu hành từ trước năm 1945, dựng nên ngôi Chùa Giữa. Bà đem theo một đệ tử là học trò của bà. Hưởng ứng đợt vận động của Mặt trận Việt Minh, cả nhà bà đều tình nguyện theo kháng chiến. Ông Lê Nghi Bình tham gia Chi đội 16. Bà Kim Anh và cô học trò dạy bình dân học vụ tại Phú Mỹ. Bà Kim Anh khéo tay, làm ra nhiều loại bánh trái ngon, tặng cho cán bộ, bộ đội, trong đó có loại bánh trái cây mà anh em đã công tác ở vùng này đều được thưởng thức, hương vị khó quên. Bộ trang phục màu lam mà bà Kim Anh và đệ tử mặc lúc tu hành ở Chùa Giữa vẫn lưu lại trong giới tăng ni phật tử ở Thị Vải cho đến bây giờ.
Phấn khởi trước bước phát triển của cách mạng, đồng bào các xã khu vực lộ 15 đã hăng hái tham gia các phong trào chống giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm; xài giấy bạc Cụ Hồ; thực hiện đời sống mơí, chống mê tín dị đoan. Các đoàn thể cứu quốc ở mỗi xã đều phối hợp chặt chẽ trong phong trào bình dân học vụ, tổ chức ra từ một đến hai lớp “Bình dân học vụ” để góp phần xóa nạn mù chữ và từng bước mở mang dân trí. Các lớp học chủ yếu học về ban đêm. Không ít gia đình đã nhiều đời mù chữ, lần đầu tiên được Đảng tổ chức cho học chữ, đồng bào càng tin tưởng, phấn khởi, tự giác học tập. Đến cuối năm 1948, đại bộ phận nhân dân trong các xã đều biết đọc, biết viết.
Mặc dù đời sống của nhân dân vùng lộ 15 rất chật vật khó khăn, nhưng đồng bào hết sức tự giác tham gia phong trào hũ gạo nuôi quân, trước mỗi bữa ăn, mỗi gia đình đều dành một vốc hoặc một lon sữa bò (gạo, mì, bắp…) vào hũ gạo nuôi quân để đáp ứng kịp thời mỗi khi có cán bộ, lực lượng vũ trang về xã để công tác và chiến đấu. Hội phụ nữ, hội mẹ chiến sĩ đã tổ chức kết nghĩa giữa hội phụ nữ với các đơn vị vũ trang đóng tại địa bàn. Hội phụ nữ, hội mẹ chiến sĩ thực sự là tổ ấm cho cán bộ và chiến sĩ sau mỗi đợt công tác và chiến đấu. Phong trào xây dựng nếp sống mới được phát động, đội văn nghệ các xã với nhiều chương trình phong phú, thường xuyên phục vụ nhân dân. Các đội tuyên truyền xung phong của tỉnh về tận làng xã tuyên truyền vận động đồng bào, tổ chức lễ cưới theo nếp sống mới, tổ chức khám bệnh cho đồng bào, thay cho các hủ tục lên đồng, bói quẻ.
Phong trào thiếu nhi cứu quốc phát triển. Nhiều em thiếu nhi được cử đi học trường Thiếu sinh quân của tỉnh mở tại Long Mỹ và được phân công trở về địa phương, đảm nhiệm công tác liên lạc, quân báo, nắm tình hình địch, rải truyền đơn. Các em hăng hái tham gia phong trào xóa mù chữ, đa số thiếu nhi đều biết chữ. Đồng bào dân tộc Châu Ro ở Hắc Dịch cũng tích cực hưởng ứng phong trào xóa mù chữ. Cuối năm 1948, theo báo cáo của Ủy ban Kháng chiến Hành chính tỉnh, hơn 80% đã thoát nạn mù chữ, đồng bào tích cực tăng gia sản xuất, nhưng cuộc sống vô cùng khó khăn vì giặc Pháp khủng bố ráo riết.
Cùng với bước phát triển chung của phong trào kháng chiến toàn tỉnh, hệ thống chính quyền từ quận đến các xã từng bước được củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động. Ủy ban Hành chính tỉnh Bà Rịa được cải tổ thành Ủy ban Kháng chiến Hành chính từ ngày 13 tháng 4 năm 1948. Ngay sau đó, Ủy ban Kháng chiến Hành chính các quận và làng lần lượt thành lập. Tỉnh Bà Rịa khi ấy có 49 làng, 67.039 dân, trong đó quận Vũng Tàu có 19 làng, 14.359 dân.
Ủy ban Kháng chiến Hành chính tỉnh Bà Rịa quyết định điều chỉnh lại địa giới cho phù hợp với tình hình và yêu cầu kháng chiến. Sau những trận càn quét và khủng bố dã man của thực dân Pháp tại khu vực lộ 2, đồng bào các làng Quảng Giao, La Vân, Bình Giã phải tản cư triệt để, phần lớn đồng bào dân tộc Châu Ro ở La Vân tản cư về Hắc Dịch. Ủy ban Kháng chiến Hành chính tỉnh quyết định sáp nhập làng La Vân vào làng Hắc Dịch (theo Quyết định số 36/TV ngày 6/6/1948 của Ủy ban Kháng chiến Hành chính tỉnh).
Theo đề nghị của Ủy ban Kháng chiến Hành chính tỉnh, Ủy ban Kháng chiến Hành chính Nam Bộ đã ra Nghị định số 302/ND-NB ngày 11 tháng 9 năm 1948 chuẩn y thành phần Ủy ban Kháng chiến Hành chính các quận. Ông Nguyễn Đăng Khoa được phê chuẩn là Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Hành chính Quận Vũng Tàu; ông Trương Minh Luân là Phó Chủ tịch; ông Nguyễn Ngọc Châu là Tổng Thư ký; ông Lê Xuân Phương là Ủy viên phụ trách Kinh tế-tài chính; ông Châu Kim Thời là Ủy viên phụ trách dân quân.
Quận củng cố bộ máy Ủy ban Kháng chiến Hành chính các xã, chỉnh đốn đội ngũ cán bộ các ngành, phát triển lực lượng vũ trang, động viên toàn dân tham gia kháng chiến. Ngày 2 tháng 9 năm 1948 tại căn cứ Bà Trao-Núi Nứa, Quận ủy tổ chức buổi lễ kỷ niệm ngày Quốc khánh, có triển lãm vũ khí, đạn dược thu được của địch và biểu diễn văn nghệ, phát động phong trào thi đua yêu nước, giết giặc lập công. Nhân dân các xã Phú Mỹ, Hội Bài, Phước Hòa về tham dự rất đông. Cũng trong dịp này, Quận ủy đã chỉ đạo mở hội nghị tổng kết công tác đoàn thể, rút kinh nghiệm về tổ chức lực lượng dân quân tự vệ các xã và cơ sở. Hầu hết các xã trong quận đều lập được dân quân tự vệ, đoàn thể thanh niên cứu quốc, phụ nữ cứu quốc, với hình thức hoạt động ngày càng phong phú.
Theo đề nghị của Ủy ban Kháng chiến Hành chính tỉnh, nhiều cán bộ và quần chúng có đóng góp trong những năm đầu kháng chiến đã được Ủy ban Kháng chiến Hành chính Nam Bộ khen thưởng dưới nhiều hình thức. Nghị định 240/NB-NĐ ngày 21 tháng 8 năm 1948 đã quyết định thưởng Huy hiệu kháng chiến cho nhiều cán bộ nhân viên, trong đó có Bùi Văn Chính (tức Chín Đỏ), Ủy viên quân sự làng Phú Mỹ. Nhiều người được tặng Bằng khen của Ủy ban Kháng chiến Hành chính Nam Bộ, trong đó có Nguyễn Hào Cường, Trưởng trạm C Thủy lâm lưu động làng Phú Mỹ; Nguyễn Văn Tâm, trưởng trạm giao thông liên lạc Phú Mỹ; Nguyễn Công Thám, nhân viên trạm giao thông liên lạc Phú Mỹ.
Phong trào du kích chiến tranh ở quận từ giữa năm 1948 cũng có bước phát triển mới. Ban chỉ huy quận đội dân quân Vũng Tàu được thành lập do ông Châu Kim Thời phụ trách. Quận đội dân quân tích cực đẩy mạnh chiến tranh du kích, chống càn, bảo vệ làng xóm, bảo vệ mùa màng. Hưởng ứng chủ trương của Tỉnh đội dân quân các Ủy viên Dân quân quận và xã đã phát động phong trào luyện tập võ thuật, sử dụng các loại vũ khí thô sơ, được dân quân mở 10 lớp huấn luyện, trong đó có một lớp mở tại Phú Mỹ, 2 lớp ở quận Vũng Tàu, đào tạo 40 cán bộ Thôn đội trưởng và một lớp bổ túc 40 người, đào tạo cán bộ Thôn đội trưởng cho tất cả các xã.
Lực lượng du kích xã phát triển nhanh, mỗi xã đều có hai trung đội đến một đại đội dân quân, từ một đến hai tiểu đội du kích tập trung. Các Ủy viên Ban chấp hành đoàn thể cứu quốc đều tham gia Ban chỉ huy dân quân. Đoàn trưởng Thanh niên Cứu quốc xã là chính trị viên xã đội dân quân. Du kích tập trung mỗi xã từ một đến hai tiểu đội, trang bị vũ khí. Phong trào du kích chiến tranh được phát động rộng khắp, với tinh thần “tĩnh là dân, động là quân”. Các xã đều thành lập Ban chỉ huy xã đội; quận có Ban chỉ huy quận đội.
Nhằm đẩy mạnh phong trào du kích chiến tranh, Trung đoàn 307 chọn đồn Xà Bang làm mục tiêu ra quân trận đầu. Đồng thời với mũi tiến công của bộ đội, các gia đình công nhân trong sở đã nổi dậy đốt toàn bộ nhà xưởng. Hơn 500 gia đình công nhân trong sỏ đã chuẩn bị sẵn phương tiện xe bò và gồng gánh, được bộ đội bảo vệ đưa ra vùng căn cứ kháng chiến. Một phần lớn thanh niên công nhân cao su đã tham gia lực lượng vũ trang. Nhiều người lớn tuổi, có tay nghề cũng xin vào quân giới. Hơn 50 công nhân có tay nghề người được đưa về Trường Quân chính Khu 7, khi đó cũng vừa chuyển về Phú Mỹ.
Quận Vũng Tàu tập trung xây dựng bộ đội quận, bước đầu rút du kích các xã, được 14 chiến sĩ, do đồng chí Kim chỉ huy, trang bị 9 khẩu súng (6 súng trường, 3 súng ngắn), chủ yếu làm nhiệm vụ diệt tề trừ gian và vũ trang tuyên truyền). Mặc dù vũ khí ít và cán bộ chỉ huy còn thiếu kinh nghiệm, song bộ đội địa phương Vũng Tàu đã phối hợp với bộ đội chủ lực liên tục chống địch càn quét lộ 15, bảo vệ vùng giải phóng Phú Mỹ.
Tháng 10 năm 1948, tại căn cứ khu Tây, các Chi đội 2, Chi đội 3, Chi đội 9 và một phần Chi đội 21 được tổ chức lại thành Trung đoàn 309, theo hướng củng cố và xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh, đặt dưới sự lãnh đạo chặt chẽ của Đảng. Sau khi thành lập, Trung đoàn ra quân diệt đồn Phước Lý và liên tục đánh giao thông địch, làm chủ lộ 15, hỗ trợ cho phong trào du kích chiến tranh của địa phương.
Tháng 10 năm 1948, hội nghị đại biểu Đảng bộ tỉnh Bà Rịa chủ trương tiếp tục đẩy mạnh công tác phát triển đảng; củng cố các đoàn thể quần chúng, xây dựng lực lượng vũ trang, đánh địch bảo vệ căn cứ; xây dựng cơ sở trong vùng địch, vận động các tầng lớp nhân dân phối hợp phá tế, trừ gian. Các Quận ủy cũng được củng cố, đồng chí Lê Đình Y làm Bí thư quận Vũng Tàu.
Do khó khăn về tài chính, thiếu hụt ngân sách, năm 1948, Ủy ban Kháng chiến Hành chính tỉnh chủ trương đóng dấu ký tên vào giấy bạc đỏ, để cho phép lưu hành trong vùng giải phóng, không cho giấy bạc đỏ của vùng giặc kiểm soát tràn vào vùng ta. Đồng chí Dương Ngọc Văn, Phó Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Hành chính tỉnh về huyện Vũng Tàu ký tên và đóng dấu vào giấy bạc đỏ lưu hàng trong huyện. Mặt trận Việt Minh quận, xã và các đoàn thể đã tích cực vận động các tầng lớp nhân dân sử dụng giấy bạc đỏ có đóng dấu của Ủy ban, ủng hộ quỹ nuôi quân, vận động nhân dân trong vùng căn cứ khai hoang tăng gia sản xuất để có lương thực tại chỗ. Địa bàn lộ 15 trở thành căn cứ khu Tây, là chỗ vựa tin cậy cho phong trào kháng chiến của toàn tỉnh, của Khu 7 và cả Nam Bộ.
Công binh xưởng của Chi đội 7 được chuyển giao cho Phòng quân giới Nam bộ từ tháng 2 năm 1948/ trưởng phòng quân giới Kiều Đắc Thắng đã tăng cường thêm máy móc, đưa cán bộ chuyên môn về, xây dựng Công binh xưởng Nam bộ tại Phú Mỹ (mật danh là tiểu đoàn 1192), các xưởng được bố trí trên địa bàn từ núi Ông Trịnh qua Tóc Tiên, Eo Ông tới Đá Bàn. Phòng quân giới Nam bộ tổ chức lại thành 6 phân xưởng mang phiên hiệu A-B-C-D-E-F:
·     Phân xưởng A: Tiện, phay, bào; đóng ở bưng Cây Sổ;
·     Phân xưởng B: đúc vỏ lựu đạn, đóng ở Suối Cả (Phú Mỹ);
·     Phân xưởng C: chế ngòi nổ;
·     Phân xưởng D: lắp ráp; cả 2 Phân xưởng này đóng ở núi Ông Trịnh;
·     Phân xưởng E: làm khuôn đúc;
·     Phân xưởng F: lò rèn; cả hai đóng ở Trảng Lớn (Phú Mỹ);
·     Văn phòng Phòng quân giới Nam bộ đóng ở Đồng Lim (nay là ấp Việt Kiều, Phú Mỹ).
Ngay từ những ngày đầu về Phú Mỹ, Phòng quân giới Nam bộ đã nhận được sự giúp đỡ của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phương, với những sản phẩm của một vùng quê còn nghèo khó: bắp, khoai, mì, tôm, cá. Hơn 30 người thợ rèn, thợ thủ công, ở Phú Mỹ, Phước Hòa, Hội Bài đã gia nhập Công binh xưởng Nam bộ. Nhân dân Phú Mỹ, Hội Bài giúp Phòng quân giới Nam bộ huy động ghe qua Vàm Láng (Gò Công) mua gạo, mắm. Dân quân, du kích các xã còn lượm đầu đạn, sắt vụn làm lựu đạn, thép chữ L góp cho Phòng quân giới làm đế súng DKZ.
Cũng trong thời gian này, theo chỉ thị của Xứ ủy, Bộ tư lệnh Khu 7 quyết định đưa Trường quân Khu 7 chuyển về Phú Mỹ nhằm kết hợp đào tạo cán bộ cho các tỉnh Cực Nam Trung bộ, giúp Cực Nam Trung bộ mở Trường quân chính khóa I tại tỉnh Bình Thuận.
Khóa học mới mang tên Khóa Phan Chu Trinh, huấn luyện bổ túc chính trị và quân sự cho cán bộ trung đội, đại đội, tiểu đoàn và một bộ phận đào tạo cán bộ cấp quận đội. Lượng lực học viên chiêu sinh cho khóa Phan Chu Trinh gần 300 người, cán bộ, nhân viên của trường 200 người. Công tác bảo đảm cho vài trăm con người trong buổi đầu xây dựng là hết sức khó khăn, nhất là ở một địa bàn thường xuyên thiếu lương thực thực phẩm.
Trường được xây dựng tại suối Bến Tàu (Phú Mỹ), bên một trảng lớn, cách lộ 15 khoảng hai cây số, trong một cánh rừng già, có suối lớn để làm bến tắm, gần đó có một trảng rộng làm thao trường luyện tập. Để có cơ sở đào tạo, Ủy ban Kháng chiến Hành chính tỉnh huy động dân công để xây dựng nhà trường. Hơn 200 dân công xã Phú Mỹ và các xã Nam-Bắc lộ 15 đã được huy động trong gần hai tháng. Đồng bào góp hơn một vạn ngày công , đem theo lương thực thực phẩm đủ ăn, dựng lán ở tạm để xây dựng doanh trại cho nhà trường với cơ sở cho hơn 200 cán bộ khung nhà trường cùng nơi ăn ở, học tập cho gần 300 học viên.
Học viên khóa Phan Chu Trinh chiêu sinh từ các đơn vị trong tỉnh, các đơn vị vùng Duyên Hải, các đơn vị Bình Xuyên, gần hai mươi học viên của Trung đoàn 81-82 từ Cực Nam Trung bộ cử vào theo chỉ đạo của đồng chí Lê Duẩn. Đây là số cán bộ cốt cán để xây dựng Trường Quân chính Cực Nam Trung bộ.
Bên cạnh việc đào tạo, Trường Quân chính Khu 7 còn tổ chức thu nhận công nhân viên vào sản xuất tự túc và góp phần phát triển kinh tế ở vùng căn cứ khu Tây. Trường mở xưởng dệt do đồng chí Lê Du phụ trách, tổ chức thu mua bông từ Bằng La, Phước Chí về, dệt vải tự túc. Hội Phụ nữ cứu quốc Phú Mỹ và nhiều ni cô trong các chùa trên núi Thị Vải cũng tham gia sản xuất. Ngoài ra trường còn tiếp nhận 30 công nhân cao su tình nguyện đến trường xin đầu quân. Họ được bố trí vào bộ phận làm kinh tế tự túc. Trên cơ sở đội ngũ công nhân này, trường đã lập một xưởng dệt vải phục vụ nhu cầu mặc của cán bộ, nhân viên nhà trường. Sau khi trường chuyển về Chiến khu Đ, xưởng dệt và các cơ sở sản xuất được chuyển giao cho tỉnh quản lý.
Tham gia xây dựng, bảo vệ và góp phần vào hoạt động của Trường Quân chính Khu 7 cũng như đối với Phòng quân giới Nam bộ, nhân dân vùng căn cứ khu Tây đã góp một phần công sức vào cuộc kháng chiến chống Pháp của khu vực Miền Đông Nam bộ cũng như đối với toàn miền.
Phú Mỹ khi đó là một đầu mối giao thông liên lạc quan trọng của tỉnh. Đây là cửa ngõ đón tiếp các đoàn cán bộ từ Trung ương và miền Trung vào tăng cường chỉ đạo Nam bộ; Đoàn của Xứ ủy và các Đại biểu Nam bộ ra Bắc dự hội nghị; đoàn của Ban cán sự Cực Nam Trung bộ công tác… Trong điều kiện thiếu nhân viên, đời sống rất thiếu thốn, cán bộ nhân viên Trạm giao liên Phú Mỹ vẫn hoàn thành tốt nhiệm vụ, đón tiếp khách chu đáo, bảo đảm an toàn lộ trình đưa đón khách.
Trong điều kiện thiếu thốn nhiều mặt ở căn cứ khu Tây, đồng bào dân tộc Châu Ro ở Hắc Dịch đã cung cấp cho Phòng bào chế Đông y của tỉnh nhiều loại dược liệu, mỗi tháng sản xuất được: 5.500 viên thuốc xổ, 2 lít thuốc kiết lỵ, 2 lít thuốc ho và 35.000 viên Kinita (một dạng Quinine làm bằng dây thần thông) để cung cấp cho các trạm cứu thương. Nhân dân Phú Mỹ –Hắc Dịch còn đóng góp hàng chục ngàn ngày công, cưa cây mở 2 cây số đường căn cứ từ Phú Mỹ qua Hắc Dịch đi Long Kiên (nay là Hòa Long thuộc thị xã Bà Rịa) để đảm bảo yêu cầu vận chuyển phục vụ hoạt động trong vùng căn cứ.
Theo yêu cầu của tỉnh và của quận, Đảng bộ, chính quyền và các đoàn thể cách mạng các xã còn tổ chức và huy động lực lượng dân quân du kích và nhân dân đi dân công, tiếp lương, tiếp đạn, tải thương khu Đông (căn cứ Xuyên Phước Cơ) hoặc về chiến khu D, và làm liên lạc dẫn đường cho các đơn vị chủ lực chuyển quân, chiến đấu. Nhiều giao liên người dân tộc Châu Ro ở xã Hắc Dịch hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đưa đón cán bộ, chiến sĩ giữa khu đông và khu Tây được nhiều cán bộ chiến sĩ quý mến như các ông Dương Văn Giám, Dương Văn Trọc người dân Châu Ro ở Hắc Dịch./.





Bài 10
Ủy ban Kháng chiến Hành chính tỉnh điều chỉnh lại địa giới các xã, trên địa bàn huyện Vũng Tàu
____________________________
Từ năm 1949, hệ thống chính quyền các xã trong huyện có sự điều chỉnh lớn, các quận đều đổi thành huyện. Tháng 6 năm 1949, nhiều cán bộ chủ chốt của các xã được cử tham dự lớp huấn luyện nghiệp vụ hành chính do tỉnh tổ chức, nâng cao trách nhiệm và năng lực quản lý chính quyền. Giữa năm 1949, Ủy ban Kháng chiến Hành chính tỉnh điều chỉnh lại địa giới các xã, trên địa bàn huyện Vũng Tàu, tỉnh quyết định sáp nhập các xã Sơn Long, Sơn Hòa, Sơn Hiệp thành xã Thống Nhất; nhập các xã Hội Thạnh, Hội Bài A, Hội Bài B thành xã Đoàn Kết; nhập các xã Bàn Thạch, Phước Tấn Và Phước Long thành xã Tân Thành; nhập hai xã Long Xuân và Phước Hòa thành Xuân Hòa. Sau khi sáp nhập, Huyện Vũng Tàu gồm 11 xã, trong đó có 4 xã thuộc huyện Tân Thành ngày nay là: Tân Thành, Đoàn Kết, Xuân Hòa, Phú Mỹ. Xã Hắc Dịch thuộc huyện Long Điền. Căn cứ Huyện Vũng Tàu đặt tại xã Đoàn Kết (suối Nước Ngọt).
Địa giới xã Xuân Hòa từ ấp Hội Bài hiện nay đến cầu Rạch Váng (trong đó có Cá Liệt, Dòng Than, Láng Cát). Dân số xã khoảng 70 hộ, khoảng 300 khẩu, diện tích canh tác hẹp, chủ yếu trồng màu. Dân sống chủ yếu bằng nghề đốn củi, bắt tôm, cua, cá, múc dầu chai, hầm than… Ông Nguyễn Văn Thanh là Chủ tịch Mặt trận Liên Việt xã Xuân Hòa.
Xã Đoàn Kết gồm các ấp: Hội Bài A (ngã tư Hội Bài), Hội Bài B (Đá Văng, xóm cũ), Hội Thạnh (ấp cù lao), dân số khoảng 100 hộ, 400 khẩu, nghề chính của đồng bào là đốn củi, hầm than, múc dầu chai, đánh bắt tôm, cua, cá, diện tích canh tác không nhiều, khoảng 30 ha, chủ yếu trồng màu, xen kẽ từng khoảnh (không liền canh). Trụ sở Ủy ban Kháng chiến Hành chính xã Đoàn Kết đặt tại mé Rừng Sác, (nay là ấp Hải Sơn). Chi bộ xã Đoàn Kết có 20 đảng viên, Chi ủy có các đồng chí: Phạm Văn Tui (Tư Tui), Bí thư Chi bộ; Trương Văn Tới, Phó bí thư Chi bộ; Nguyễn Văn Tý, Thư ký; Bùi Văn Xuyên, Ủy viên; Trương Văn Dụ (Tư Dụ), Ủy viên; Bùi Văn Thường, Ủy viên. Đồng chí Bùi Văn Thường là đảng viên được kết nạp đầu tiên của xã Đoàn Kết. Ủy ban Kháng chiến Hành chính xã Đoàn Kết gồm: Ông Phạm Văn Di (Sáu Di) là Chủ tịch; Ông Nguyễn Văn Nguyệt là Phó chủ tịch; Ông Phạm Văn Tui (Tư Tui) là Tổng thư ký; Ông Huỳnh Văn Trụ (Tư Trụ) là Ủy viên quân sự; Ông Bùi Ngọc Bực là Phó ủy viên quân sự; Ông Bùi Văn Kiệp (Sáu Kiệp) là Trưởng công an. Ông Nguyễn Văn Màng (Hai Màng) là Chủ tịch Mặt trận Việt Minh. Ông Bùi Văn Hai là Xã đội trưởng, ông Phạm Văn Sỏi là Chủ tịch Mặt trận Liên Việt.
Xã Tân Thành gồm các ấp: Ông Trịnh, Phước Tân (Bàn Thạch), Phước Long (gần ngã tư Hội Bài), dân số khoảng 60 hộ, trên dưới 200 khẩu, nghề chính đốn củi, hầm than, múc dầu chai, đánh bắt tôm, cua, cá để sinh sống. Trụ sở Ủy ban Kháng chiến Hành chính xã Tân Thành đặt tại Cây Lim-Bến Ván thuộc Ông Trịnh. Ủy ban Kháng chiến Hành chính xã Tân Thành gồm các đồng chí Nguyễn Văn Nhọ là Chủ tịch kim Bí thư Chi bộ; Phạm Văn Nghĩa (Sáu Nghĩa) là Phó Chủ tịch; anh Hồng là Thư ký; Ông Văn Hòa (Hai Quạ) là Trưởng công an; Đặng Văn Hiếu là Xã đội trưởng; Nguyễn Văn Quốc (Tám Quốc) là Xã đội phó. Xã Tân Thành có một bãi thao trường rộng lớn để các đơn vị chủ lực, dân quân du kích trong tỉnh và huyện thường xuyên về luyện quân, thao diễn hợp đồng kỹ chiến thuật chiến đấu và bắn súng. Xã Tân Thành còn có một trảng lớn ở khu vực ấp Ông Trịnh, làm nơi bộ đội luyện quân. Đồng Lớn Phú Mỹ là nơi tổ chức mít tinh, biểu diễn văn nghệ và triển lãm, trưng bày vũ khí do ta tự chế tạo và chiến lợi phẩm của địch ta chiếm được trong các trận đánh. Đây cũng là nơi diễn ra lễ thành lập Trung đoàn 397, tiểu đoàn 300.
Xã Hắc Dịch và xã Phú Mỹ vẫn giữa nguyên địa giới. Xã Phú Mỹ có các ấp Mỹ Xuân, ấp Bào Rong (nay là ấp Phú Hòa) và Phú Thạnh. Dân số hơn một ngàn người. Chi bộ Phú Mỹ là một trong những chi bộ mạnh của huyện, năm 1948 có tới 52 đảng viên. Ban Quân nhu của tỉnh đưa lực lượng về tổ chức đầu mối thu mua gạo từ Gò Công về Phú Mỹ. Xã Hội Thạnh, khi đó là ấp Hội Thạnh (xóm Cù Lao) xã Đoàn Kết là đầu mối giao thông liên lạc của tỉnh và của huyện Vũng Tàu về Vàm Láng (Gò Công) mua lúa. Đi ghe chỉ một đêm là tới. Dân Hội Thạnh lúc nào cũng có sẵn ghe, thường trực vài chục người, sẵn sàng nhận lệnh đưa đón cán bộ, bộ đội đi công tác.
Trụ sở Ban quân nhu đóng ở bến Bà Phóng. Ban quân nhu tổ chức lực lượng xay lúa tại đình Phú Thạnh, cung cấp gạo cho lực lượng vũ trang. Phú Mỹ khi đó là một “nhà máy xay” lớn , cung cấp cho cả vùng căn cứ khu Tây. Gọi là “nhà máy xay” nhưng toàn bộ công việc đều làm thủ công. Ngoài lực lượng chủ lực của Phú Mỹ, Hội Phụ nữ cứu quốc các xã Tân Thành, Đoàn Kết huy động các má, các chị đến tham gia xay giã, sàng sảy lúa gạo phục vụ kháng chiến.
Phụ nữ xã Phú Mỹ vừa đảm đang việc nhà, vừa hăng hái tham gia việc nước. Mỗi ngày có hàng trăm chị em tham gia công việc xay giã gạo. Nhiều chị em phụ nữ ở Phú Mỹ hoạt động tích cực trong Ủy ban Kháng chiến Hành chính và các đoàn thể cách mạng xã như các chị Hứa Thị Tới (ủy viên xã hội), Nguyễn Thị Kiềm (ủy viên quân sự); Lê Thị On (ủy viên tài chính xã), chị Trần Thị Yến (Hội trưởng Hội phụ nữ đỡ đầu chiến sĩ), chị Huỳnh Thị Hai Hội phó Hội phụ nữ cứu quốc xã; Chị Lê Thị Nhung (ủy viên Ban chấp hành Hội Phụ nữ cứu quốc xã), chị Phan Thị Năm (thư ký Phụ nữ cứu quốc), bà Nguyễn Thị Tình (Hội trưởng Hội mẹ chiến sĩ)…
Xã Hắc Dịch vẫn trực thuộc sự chỉ đạo của huyện Long Điền. Đồng chí Đặng Trung Tín, Bí thư chi bộ xã Hắc Dịch; đồng chí Dương Văn Khuê người dân tộc Châu Ro là Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến xã; đồng chí Dương Văn Dễ (dân tộc Châu Ro) là Phó chủ tịch Ủy ban Kháng chiến xã; đồng chí Nguyễn Văn Vận (Tám Vận) là Chủ tịch Mặt trận Liên Việt xã, đồng chí Nguyễn Văn Quế (Tư Quế) là xã đội trưởng; đồng chí Nguyễn Văn Đặng là xã đội phó (1952-1954); đồng chí Dương Văn Bê (dân tộc Châu Ro) là xã đội phó; đồng chí Dương Văn Thạng (dân tộc Châu Ro): Xã đội phó; đồng chí Nguyễn Văn Điệp: Trưởng công an xã; đồng chí Phạm Văn Đường (Tư Đường) là Trưởng Ban thông tin tuyên truyền xã.
Xã Hắc Dịch có 4 ấp: Cây Dầu (nay là trụ sở Ủy ban nhân dân xã), Thống Nhất (nay là ấp 2, vị trí nông trường), Châu Pha và ấp Lò. Ấp Lò nằm ở phía Châu Pha, cách ấp Thống Nhất hơn một cây số, có lò rèn cung cấp công cụ xuất sắc cho đồng bào và là nơi sản xuất vũ khí thô sơ, cung cấp cho các lực lượng kháng chiến. Dân Hắc Dịch sinh sống tập trung ở ấp Thống Nhất. Bộ đội, cơ quan tỉnh về sản xuất đều đóng ở đây. Ấp Thống Nhất được xem là thủ đô của Hắc Dịch khi đó.
Trong xã Hắc Dịch, hàng rào chiến đấu được xây dựng ở tất cả các ấp, bao quanh xã, bao đến đồng Don, đồng Dầu, đồng Châu Pha để bảo vệ sản xuất, có bàn chông, hố chông, gài lựu đạn, địa lôi. Tới vụ thu hoạch, Bọn OR (Đội Ngay, Đội Cẩn, thay Một Mun) từ Bà Rịa thường đột kích lên Châu Pha. Bộ đội địa phương và dân quân du kích đều huy động ra đồng, bảo vệ sản xuất, bố trí đánh địch cho đồng bào thu hoạch. Tiểu đoàn 300 cũng đưa lực lượng về bảo vệ sản xuất. Đồng Châu Pha lúa rất tốt. Nhân dân Hắc Dịch chí cố cách mạng, gặt xong, chỉ chở lúa về đủ ăn, còn lại để đó cho bộ đội chuyển về vùng căn cứ.
Đội du kích xã Hắc Dịch hoạt động mạnh, là lực lượng chủ lực xây dựng làng chiến đấu, giao liên đưa đường cho cán bộ, bộ đội. Nhiều thanh niên dân tộc Châu Ro ở xã Hắc Dịch đã tham gia tích cực trong Đội võ trang tuyên truyền vùng lộ 2 của tỉnh do đồng chí Nguyễn Văn Thanh (người Long Phước) chỉ huy. Đội võ trang tuyên truyền có trang bị nhẹ, chủ yếu là súng trường và tiểu liên. Nhiệm vụ chính của đội võ trang tuyên truyền là luồn sâu vào vùng tạm chiếm (công nhân cao su) để tuyên truyền, phổ biến đường lối cách mạng của Đảng, của chính quyền kháng chiến trong giai cấp công nhân; thu thập tình hình quân sự của địch, tin tức tình báo cung cấp cho cấp trên.
Sau khi cắt đứt lộ 15, Tỉnh ủy chỉ đạo tiếp tục phá hoại giao thông địch trên lộ 2. Đồng chí Hứa Văn Đạt (tức thầy giáo Đạt), ủy viên Ủy ban Kháng chiến Hành chính huyện Long Điền và đồng chí Lê Văn Thâm, huyện đội phó dân quân Long Điền được cử về Hắc Dịch vận động đồng bào đi phá lộ. Đồng bào dân tộc Châu Ro xã Hắc Dịch ở phân tán, làm rẫy, lội rừng lấy mật ong, múc dầu chai. Khi được giác ngộ thông suốt, đồng bào tập hợp lại rất đông, tổ chức thành các đội quân phá lộ rất quyết liệt, ngày đi làm rẫy, đêm phá lộ. Đồng bào còn tham gia giao liên, cắt rừng rất giỏi. Liên lạc giữa căn cứ khu Đông và căn cứ khu Tây, từ căn cứ khu Tây về Chiến khu Đ thông suốt.
Tổ chức của Mặt trận Liên Việt và các đoàn thể cứu quốc đã phát triển ngày càng lớn mạnh. Được sự lãnh đạo chặt chẽ của cấp ủy, Mặt trận Liên Việt chỉ đạo các đoàn thể cứu quốc phối hợp chặt chẽ trong mọi công tác dân vận, đã gây được phong trào thi đua mạnh mẽ./.




Bài 11
Thành lập bộ đội địa phương bảo vệ khu căn cứ
___________________________
Sự phát triển của phong trào kháng chiến ở căn cứ khu Tây khiến cho thực dân Pháp hết sức lo ngại. Theo báo cáo chung niên của Ủy ban Kháng chiến Hành chính tỉnh Bà Rịa, trong năm 1949, thực dân Pháp đã gia tăng các cuộc hành quân càn quét từ 30 cuộc trong tháng 1 năm 1949 lên 80 cuộc trong tháng 5 năm 1949. đáng chú ý là cuộc đột kích bằng không quân và hải quân vào Phú Mỹ trong tháng 3 và tháng 4 năm 1949; cuộc càn quét khủng bố lớn vào Phước Thiện-Phú Mỹ tháng 10 năm 1949 và cuộc càn quét quy mô lớn từ ngày 16 đến ngày 19 tháng 11 năm 1949 vào vùng căn cứ Bà Trao-Phú Mỹ. Chúng tổ chức nhiều đội biệt kích ác ôn gồm những tên đầu hàng phản bội, có thâm thù kháng chiến kết hợp với bọn biệt kích commandos ở Long Thành đột kích sâu vào vùng căn cứ, đốt phá nhà cửa, hoa màu và gia súc.
Theo quyết định của Khu 7, Trung đoàn 307 và Trung đoàn 309 được sáp nhập thành Trung đoàn 397. Trung đoàn bộ và phần lớn các đơn vị đóng tại căn cứ khu Tây. Trung đoàn 397 củng cố Binh công xưởng (mật danh là “Bộ đội Lý Chính Thắng”). Binh công xưởng Trung đoàn có ba trung đội sản xuất chuyên ngành mang bí danh A, B, C làm nhiệm vụ sửa chữa súng ống, làm được vỏ đạn, đúc mìn và lựu đạn, chế tạo hoàn chỉnh mìn và lựu đạn.
Để áp ứng nhiệm vụ bảo vệ Công binh xưởng và Phòng quân giới Nam bộ, huyện đã rút du kích các xã thành lập một trung đội du kích tập trung mang tên Hoàng Hoa Thám, quân số 40 đồng chí, với nhiệm vụ chủ yếu là bảo vệ Phòng quân giới Nam bộ, bảo vệ vùng căn cứ, kết hợp làm công tác phong trào. Du kích Phú Mỹ là nòng cốt trong đội du kích tập trung Hoàng Hoa Thám. Đây là lực lượng tiền thân của bộ đội địa phương huyện Vũng Tàu.
Đội du kích tập trung đã phối hợp với các lực lượng vũ trang đóng trên địa bàn đánh địch, chống càn. Ngày 22 tháng 3 năm 1949, thực dân Pháp cho 8 chiếc máy bay đacôta đổ quân nhảy dù xuống các trảng trống, đồng thời tàu chiến địch đổ quân lên các bến ghe, đốt phá nhà cửa và cướp bóc heo gà và đồ đạc của dân.
Đội du kích tập trung cùng du kích Phú Mỹ và chi đội 25, bộ đội Hoàng Thọ phục kích tại các điểm xung yếu, từ 8 giờ sáng đến 16 giờ chiều, đánh bật cả quân dù lẫn quân bộ ra khỏi xã. Thực dân Pháp phải thu quân xuống tàu rút về Bà Rịa.
Thực hiện chủ trương xây dựng làng chiến đấu, huyện Vũng Tàu phát động các xã vót thêm nhiều chông tre dài, cắm dày đặc trên các trảng lớn, chống quân Pháp nhảy dù. Các cửa sông lớn đều được tăng thêm cọc cắm, làm rào cản vững  chắc, có gài thủy lôi ngăn tàu giặc đổ bộ. Nhân dân Phú Mỹ, Hội Bài chặt hàng vạn cây cọc lớn chặn tất cả các cửa sông. Các trảng lớn ở Phú Mỹ, nhân dân đã đốn cây vạt nhọn 2 đầu cắm chông để chống địch nhảy dù.
Tháng 4 năm 1949 thực dân Pháp tập trung tàu chiến càn vào Phú Mỹ. Chúng đổ quân lên các cửa sông, bến ghe, bến đình Phú Thạnh, bến cây Cui Mỹ Xuân, bến cây me ấp Bào Rong (nay là ấp Phú Hà), với sự yểm trợ của 4 máy bay khu trục ném bom dọc trục lộ 15 và đổ quân càn quét. Du kích xã Tân Thành phối hợp với du kích tập trung của huyện và lực lượng vũ trang tỉnh đánh chìm 2 tàu của địch tại Giếng Muối Ông Kiến (nay là ấp Phước Lộc).
Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ 2 được tiến hành tại Bưng Riềng (Xuyên Mộc) tháng 12 năm 1949 đã chủ trương xây dựng căn cứ địa toàn diện; đẩy mạnh chiến tranh du kích, công tác binh địch vận; xây dựng lực lượng vũ trang, mở rộng hậu phương tại chỗ cho kháng chiến, chuẩn bị chuyển mạnh sang tổng phản công.
Bước sang năm 1950, “Chiến thuật Đờ La Tua” của địch bắt đầu có tác dụng. Vùng du kích của ta bị thu hẹp và bị ngăn cách với vùng bị địch tạm chiếm. Thực dân Pháp tăng cường kiểm soát những vùng đông dân, kinh tế trù phú trong tỉnh. Những chuyển biến hết sức bất ngờ về chiến lược, chiến thuật chiến tranh và hình thái chiến trường của địch khiến cho các lực lượng cách mạng của tỉnh không tránh khỏi lúng túng trong phương hướng phát triển lực lượng.
Trong lúc địch thay đổi về chiến lược, chiến thuật thì ta chưa có những chuyển biến mới và tiến kịp theo yêu cầu của chiến trường để đối phó tình hình; chưa phát động được chiến tranh du kích rộng rãi để phá thế bao vây chia cắt chiến trường của địch, chưa xây dựng được chủ lực đủ mạnh để đánh những trận vận động chiến đấu tiêu diệt lớn. Để khắc phục được những nhược điểm, chuyển biến kịp với tình hình, thay đổi tương quan, giành lại thế chủ động, đòi hỏi nỗ lực phấn đấu và cần phải có thời gian.
Theo sự chỉ đạo của Quân khu 7, tháng 8 năm 1950, bộ đội địa phương huyện Vũng Tàu đã huy động toàn bộ lực lượng, tổ chức phá hủy tất cả các cây cầu còn lại trên lộ 15. các đơn vị được phân công phụ trách từng địa điểm cụ thể. Tại mặt trận cầu Cây Khế, một tiểu đội bộ binh dưới sự chỉ huy của đồng chí Đằng và đồng chí Ban yểm trợ cho tổ  công binh huyện phá cầu. Hướng cầu Rạch Bà, tiểu đội công binh huyện do đồng chí Trần Văn Chuốt chỉ huy được sự yểm trợ của trung đội 12 bộ đội huyện. Trung đội trưởng Nguyễn Thanh Hồng trực tiếp chỉ huy một tiểu đội chặn đánh địch từ hướng Vũng Tàu lên, hai tiểu đội còn lại được bố trí đánh địch tại tua gác cầu phía Bắc ngay sau khi công binh điểm hỏa, tiêu diệt sinh lực địch và yểm trợ cho lực lượng ta rút quân.
Cầu Cỏ May là trọng điểm chỉ đạo của đợt, là nơi đánh mở màn, đồng thời phát lệnh cho các mũi, Huyện đội trưởng Nguyễn Tấn Thời trực tiếp chỉ huy Mặt trận này. Đại đội trưởng Nguyễn Văn Phải bố trí hai tiểu đội gần cầu Rạch Hào, chặn địch từ hướng Bà Rịa đánh xuống, đồng thời bố trí tiểu đội của đồng chí Nguyễn Văn Hoa làm nhiệm vụ nắm địch và bảo vệ cho tổ công binh quân khu phá cầu.
Cầu Cỏ May do một trung đội Pạctidăng đóng giữ canh phòng rất nghiêm ngặt. Huyện đội trưởng Nguyễn Tấn Thời có sáng kiến đặt quả mìn 45 kg vào trong 2 cái thúng úp lại, dùng dầu chai phết bên ngoài không cho nước rỉ vào và neo dây, thả trôi theo dòng nước, khi mìn trôi đến chân cầu, tổ công binh châm điện đánh sập cầu vào lúc 23 giờ 30 đêm 23 tháng 8 năm 1950. bọn lính trong đồn chưa kịp hoàn hồn, lực lượng ta đã nổ súng mãnh liệt và rút lui an toàn.
Ngay khi trái mìn tại cầu Cỏ May phát lệnh, các mặt trận Rạch Bà, Cây Khế, Rạch Bồng, Rạch Hào đồng loạt châm điện và nổ súng. Cầu Cỏ May và cầu Cây Khế bị đánh sập nhịp giữa. Cầu Rạch Bà sập nhịp phía Vũng Tàu. Hai cây cầu Rạch Bồng, Rạch Hào nhỏ hơn bị đánh sập hoàn toàn, nằm bẹp dưới mép nước. Đây là trận hiệp đồng chiến đấu rất hiệu quả giữa bộ đội địa phương huyện Vũng Tàu và lực lượng công binh quân khu, đánh sập toàn bộ các cây cầu của địch trên lộ 15, đoạn Bà Rịa đi Vũng Tàu, ngay trước thời điểm tướng Nava đi thị sát phòng thủ tại Vũng Tàu.
Trong khi phong trào cách mạng của toàn huyện đang trên đà phát triển thì nội bộ Công an huyện Vũng Tàu lại bị chia rẽ nghiêm trọng. Theo báo cáo của Ủy ban Kháng chiến Hành chính tỉnh, thực dân Pháp ráo riết củng cố bộ máy kềm kẹp, ra sức tuyên truyền cho Bảo Đại, sử dụng Cao Đài phản động để khống chế quần chúng trong vùng bị địch tạm chiếm, tổ chức nhiều hoạt động do thám gián điệp vào vùng độc lập của ta.
Huyện Vũng Tàu là một điểm nóng. Nhiều tổ chức gián điệp của địch đã tổ chức mạng lưới gián điệp đánh vào Phú Mỹ. Ngoài mạng lưới của Phòng nhì, O.R, Mật thám miền Đông Nam Bộ, Bảy Viễn cho tay chân về tuyên truyền, phát loa, tìm mọi cách lôi kéo ông Tám Mạnh (khi đó là cố vấn Trung đoàn 397) và Mười Lực (nguyên là bộ đội Bình Xuyên, được bổ nhiệm là Trung đoàn trưởng trung đoàn 397); mật vụ của Cơ mật viện Cao Đài đưa Lý Đức Lung (quan hai Cao Đài) về Vũng Tàu tổ chức nội gián. Chúng âm mưu lôi kéo đồng chí Lê Tân, quyền Trưởng công an huyện và tung tin ly gián trong công an huyện Vũng Tàu. Văn phòng ty giao liên của tỉnh đóng tại Rẫy Thơm xã Phú Mỹ và nhiều cơ quan đã bị oanh tạc bằng bom Naban do bọn gián điệp chỉ điểm, để ám hiệu trên ngọn cây.
Công an tỉnh phá án, bắt tên Lý Đức Lung, gián điệp của Cơ mật viện Cao Đài được cài vào Công an huyện Vũng Tàu; bắt được tên Lễ, nhân viên Quốc gia tự vệ Cuộc phản bội và phát hiện được nhiều âm mưu nội gián của địch. Ty Công an tiến hành cải tổ: Phòng Trinh sát đổi thành Ban Chính trị Tư pháp; Phòng Cảnh sát đặt lại là Ban Trật tự; Phòng Quốc vệ đội đổi thành Ban Cảnh vệ. Trong chương trình cải tổ, Ty Công an có dự án hình thành bộ phận Trinh sát nội bộ (mật danh là TBĐ, tức tình báo đỏ) đệ trình cấp trên./.




                                                             Bài 12
Chấn chỉnh bộ máy quân-dân-chính, bảo vệ vững chắc căn cứ khu Tây
_______________________________
Cùng trong thời gian này, một số phần tử xấu ở Phú Mỹ, Hội Bài dựng lên chuyện có biệt kích Pháp giả cọp lọt vào căn cứ của ta để bắt cóc ám sát cán bộ. Tin biệt kích Pháp giả cọp hoạt động trong vùng căn cứ của ta lan truyền khắp nơi, làm cho nhân dân Vũng Tàu hoang mang lo sợ. Trong tình hình đó, được sự nhất trí của Hội nghị Quân-Dân-Chính toàn tỉnh, Ty công an đã điều Trưởng phòng trinh sát Công an tỉnh Nguyễn Bá Cẩn về phụ trách Công an huyện Vũng Tàu thay Lê Tân, để điều tra làm rõ vụ này.
Do hậu quả của việc thực hiện chủ trương không đúng về tổ chức “mật vụ đỏ” trong nội bô, Nguyễn Bá Cẩn đã dựng lên “vụ án Cọp giả” làm trầm trọng thêm tình trạng nghi kỵ nhau trong nội bộ, gây mất đoàn kết nội bộ và kết hợp nhiều nguyên nhân đã trở thành một vụ bắt bớ trấn áp trong nội bộ.
Vụ Cọp giả xuất phát từ huyện Long Thành (Biên Hòa), huyện giáp ranh với Vũng Tàu. Nguyễn Bá Cẩn quan hệ với công an Long Thành, được thông tin những lời khai có liên quan đến công an và cán bộ Vũng Tàu. Trong khi tỉnh ủy Biên Hòa đã kịp thời ngăn chặn và giải quyết vụ Cọp giả thì Nguyễn Bá Cẩn lại áp dụng những sai lầm về huyện Vũng Tàu. Với động cơ không lành mạnh, Nguyễn Bá Cẩn dựng thành vụ án chính trị: “Đảng Việt Nam phục quốc”, thuyết phục bí thư Huyện ủy Lê Đình Y cho bắt giam nhiều cán bộ nòng cốt, khai thác bằng phương pháp tra tấn, bức cung, gây ra việc khai báo sai lệch, bắt bớ tràn lan, làm náo động lớn ở Đảng bộ huyện Vũng Tàu. Hàng loạt cán bộ cốt cán và quần chúng tích cực ở các cơ quan ban, ngành, quân dân chính đảng của huyện Vũng Tàu bị bắt giữ, bị tra tấn, ép cung. Không khí căng thẳng, hoang mang bao trùm nhiều cơ sở ở huyện Vũng Tàu, có một số nơi tê liệt hẳn các hoạt động.
Để thực hiện những ý đồ đen tối, Nguyễn Bá Cẩn bỏ qua vai trò tập thể của huyện ủy, Ủy ban, chỉ tranh thủ ý kiến riêng của Bí thư Lê Đình Y, dùng bộ máy công an phục vụ cho ý đồ cá nhân, bắt giam đồng chí Nhật chủ tịch xã Đoàn Kết, đồng chí Ký cán bộ phụ trách mặt trận Liên Việt và đồng chí Nguyễn Văn Cúc, Chủ tịch Ủy ban kháng chiến hành chính xã Phú Mỹ. Nguyễn Bá Cẩn lập phòng khai thác, tra tấn, bức cung để xây dựng một danh sách “gián điệp Liên Bang (EMS), gián điệp OR, Đại Việt, Cao Đài”… Hầu hết những cán bộ, đảng viên, quần chúng chủ chốt ở huyện và các xã đều có tên trong danh sách gián điệp, phản động của Nguyễn Bá Cẩn; kể cả phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban kháng chiến huyện Nguyễn Đăng Khoa cũng bị vu cáo là “lãnh tụ Việt Quốc” phản động ở Vũng Tàu.
Không khí khủng bố do Nguyễn Bá Cẩn tạo ra làm cho cán bộ, đảng viên và đồng bào vô cùng hoang mang. Nhận được tin báo của các đảng viên trung kiên, Bí thư Tỉnh ủy Vũ Tấn đã triệu tập họp Ban Thường vụ huyện ủy Vũng Tàu, chỉ thị đình chỉ ngay việc bắt bớ các cán bộ, đảng viên và quần chúng trong vụ “phát hiện tổ chức phản động”. Tất cả những người đã bị bắt, kể cả khai thác và chưa khai thác đều phải chờ chỉ thị của tỉnh ủy, đưa về Ty Công an xử lý. Cuộc họp bất thường của Ban thường vụ tỉnh ủy sau đó tại căn cứ khu Đông đã đi đến một số quyết định cấp bách:
-         Chỉ thị (bằng văn bản) cho huyện ủy Vũng Tàu, đình chỉ việc triển khai bắt bớ, đưa các đồng chí đã bị bắt, bị giam về công an tỉnh giải quyết;
-         Chỉ thị cho công an tỉnh trực tiếp xuống Vũng Tàu nắm rõ tình hình, tiếp quản hồ sơ và đưa tất cả tất đồng chí bị bắt bị giam về tỉnh để làm công tác tư tưởng;
-         Cử đồng chí Hồ Sỹ Nam và một số cán bộ của tỉnh về Vũng Tàu, tìm hiểu kết quả tình hình diễn biến và bàn biện pháp ổn định tư tưởng và tổ chức
Trong khi đó, Nguyễn Bá Cẩn vẫn tiếp tục lũng đoạn bộ máy lãnh đạo ở Vũng Tàu. Khi đồng chí Nguyễn Vệ Quốc được Sở Công an Nam Bộ điều về làm Trưởng ty công an thay đồng chí Đặng Văn Thiên (10/7/1950). Nguyễn Vệ Quốc có một số biểu hiện tiêu cực, sử dụng công quỹ không đúng nguyên tắc, biển thủ tiền, tang vật, hủ hóa gây mất đoàn kết và chia rẽ nội bộ kéo dài. Nguyễn Bá Cẩn đã dùng gái và tiền tranh thủ Trưởng ty Nguyễn Vệ Quốc, Bí thư Huyện ủy Lê Đình Y, tạo vây cánh thâu tóm tất cả quyền lực trong tay, tiếp tục bắt giam những người không ăn cánh. Hai cán bộ chủ chốt của công an huyện bấy giờ là Lê Tân và Cao Quang Sản bị Nguyễn Bá Cẩn bắt giam, ghép vào tội làm gián điệp.
Tỉnh ủy đã kịp thời chấn chỉnh, điều Bí thư Huyện ủy Lê Đình Y và Trưởng Công an huyện Nguyễn Bá Cẩn về tỉnh để kiểm điểm và điều động một số cán bộ trung kiên về huyện Vũng Tàu để ổn định tình hình. Sau khi kiểm điểm nghiêm túc, thấy rõ tính chất nghiêm trọng của vụ việc, tỉnh ủy đã thi hành kỷ luật:
1.     Cảnh cáo đối với Bí thư Huyện ủy Lê Đình Y, thôi giữ chức Bí thư Huyện ủy;
2.     Khai trừ khỏi Đảng đối với Trưởng Công an huyện Nguyễn Bá Cẩn, thôi giữ chức Trưởng Công an huyện, rút về tỉnh chờ xử lý.
Tỉnh ủy đã báo cáo xin ý kiến chỉ đạo của khu. Đoàn thanh tra của Khu miền Đông do đồng chí Tạ Nhất Tứ phụ trách và đoàn công tác của Công an miền Đông do đồng chí Hồ Văn Nâu phụ trách đã kiểm tra và kết luận, nhất trí với nhận định và đánh giá của tỉnh ủy. Sau khi kết luận, Công an Nam Bộ quyết định đưa Nguyễn Bá Cẩn về khu xử lý. Trưởng ty Nguyễn Vệ Quốc cũng bị đình chỉ công tác và được điều về Sở công an Nam Bộ kiểm điểm làm rõ trách nhiệm.
Tỉnh ủy tăng cường một số cán bộ cốt cán, đưa đồng chí Bùi Cửu, cán bộ Ty công an Bà Rịa về làm Trưởng công an Vũng Tàu. Đồng chí Nguyễn Tấn Cách được cử làm bí thư Vũng Tàu. Đối với số cán bộ bị Nguyễn Bá Cẩn bắt giam, sau khi làm công tác tư tưởng, phục hồi sức khỏe đã được đưa trở về địa phương, phục hồi lại chức danh.
Tỉnh đội dân quân quyết định cử đồng chí Trần Quang Bôn làm Chính trị viên đại đội, đưa Trung đội 2, đại đội độc lập 3569 bộ đội chủ lực tỉnh từ Láng Xiêm (Phước Bửu) về Phú Mỹ thành lập đại đội độc lập 3566, tăng cường lực lượng bảo vệ căn cứ, ổn định tình hình. Lúc đầu chưa có Ban chỉ huy đại đội, mới có Chính trị viên Trần Quang Bôn và trung đội trưởng là anh Liễn. Quân số đại đội là 63 đồng chí (giữ nguyên quân số của trung đội 2 của đại đội độc lập 3569).
Khi ấy mới xảy ra vụ Nguyễn Bá Cẩn, đồng bào rất hoang mang. Đại đội 3566 tiến hành công tác chính trị, tuyên truyền vận động đồng bào các xã vùng Rừng Sác (lộ 15), ổn định tình hình trong tháng 4/1950. đơn vị đã tổ chức nhiều buổi biểu diễn văn nghệ phục vụ đồng bào.
Trước tình hình đội du kích tập trung huyện Vũng Tàu đã hao hụt khá nhiều quân số trong những cuộc chống càn liên tiếp cuối năm 1949, đầu năm 1950, huyện không có khả năng bổ sung, tỉnh quyết định giải thể đội du kích tập trung Hoàng Hoa Thám của huyện Vũng Tàu, bổ sung quân số cho đại đội 3566. Tỉnh điều đồng chí Vũ Văn Hiệp về làm đại đội trưởng, đồng chí Tám Cỏi làm đại đội phó, đồng chí Trần Quang Bôn vẫn là Chính trị viên. Từ khi đó, đại đội 3566 trở thành bộ đội địa phương huyện Vũng Tàu, liên tục tác chiến trên mặt trận lộ 15, lộ 2, bảo vệ căn cứ khu Tây. Sau trận đánh xe chở bạc tại Euo Ông Từ về (12/1950), đồng chí Vũ Văn Hiệp bị sốt rét rồi hy sinh tại bệnh xá Rạch Nghệ vì thiếu thuốc điều trị. Tỉnh đội điều đồng chí Nguyễn Văn Phải, chính trị viên đại đội 3569 về làm đại đội trưởng Đại đội 3566. Đồng chí Tám Lên là đại đội phó, đồng chí Lương Công Năng thay đồng chí Trần Quang Bôn làm Chính trị viên. Một thời gian sau, trên điều đồng chí Chín Phải đi, đồng chí Trần Văn Lý (quê Long Điền) về làm đại đội trưởng.
Do tương quan lực lượng và vũ khí lúc đó khá chênh lệch, địch thường xuyên hành quân càn quét với đội hình cấp tiểu đoàn, với tàu chiến và máy bay yểm trợ, bộ đội địa phương huyện Vũng Tàu phải chống càn liên tục. Phương thức tác chiến của bộ đội địa phương huyện nặng về bảo vệ, phòng thủ, không có khả năng tiến công. Lực lượng tiếp tục bị tiêu hao mỗi lần địch càn quét.
Tháng 10 năm 1950, đồng chí Võ Văn Khánh được khu ủy điều về thay đồng chí Vũ Tấn làm bí thư Tỉnh ủy kiêm trưởng ty công an. Sự lãnh đạo của Đảng bộ được tăng cường đối với lực lượng công an các cấp. Những nghi vấn trong nội bộ Đảng và trong công an căn bản được giải quyết, nội bộ công an được củng cố, tư tưởng cán bộ và nhân dân huyện Vũng Tàu được yên tâm.
Tháng 10 năm 1950, trung đoàn 397 và Tỉnh đội dân quân được sáp nhập thành tỉnh đội Bà Rịa. Đây là một bước tiến trong việc thống nhất lực lượng, chỉ đạo chiến tranh. Tỉnh đội chỉ huy lực lượng vũ trang ba cấp trong tỉnh: bộ đội tỉnh, bộ đội huyện và dân quân du kích. Tỉnh đội xây dựng căn cứ tại Phú Mỹ (Trảng Lớn), mở ra một giai đoạn phát triển mạnh mẽ phong trào cách mạng ở vùng căn cứ khu Tây.
Nhân dịp lễ “Toàn quốc kháng chiến” (19/12/1946 đến 19/12/1950), Ủy ban Kháng chiến Hành chính Nam Bộ đã thưởng bằng khen tặng cho các anh Nguyễn Văn Xiêm, Lê Thành Ngần, Công an xung phong huyện Vũng Tàu, rất trung kiên, can đảm và tận tuỵ với nhiệm vụ, đoạt được nhiều thành tích vẻ vang; thưởng bằng truy tặng cho anh Hoàng Đu, nhân viên công an huyện, rất trung kiên, tận tụy, xung phong công tác, bị giặc phục kích bắn chết. Đồng chí Hoàng Đu người Việt lai Pháp, quê ở Vũng Tàu, từng là học sinh trường thiếu sinh quân của Pháp, theo cách mạng từ tháng 8 năm 1945, là chỉ huy phó Quốc vệ đội, rất trung thành với cách mạng.
Mặc dù còn nhiều vấp váp, khuyết điểm, sau năm năm kháng chiến, Đảng bộ chính quyền và các đoàn thể cứu quốc của huyện và các xã đã lớn mạnh và trưởng thành, từng bước vươn tới lãnh đạo toàn diện cuộc kháng chiến chống Pháp. Những nỗ lực của Đảng bộ, quân và dân trong huyện xây dựng nên căn cứ địa khu Tây đã góp phần tạo ra bước phát triển mới trong phong trào kháng chiến của huyện và của tỉnh trong thời kỳ mới./.


Bài 13
Xây dựng vùng căn cứ địa khu Tây của tỉnh
___________________________
Thất bại nặng nề trong chiến dịch Biên Giới (thu đông 1950) đã buộc thực dân Pháp phải thay đổi chiến thuật. Biết khó thắng ta ở vùng đồng bằng và trung du Bắc Bộ, chúng tập trung binh lực bình định vùng đồng bằng Nam Bộ, vùng đông dân, nhiều của, mà các tướng lĩnh Pháp đã quen thuộc chiến trường. Tướng Đờ Cát đờ Tatxinhi được cử sang Đông Dương thay Bôlae; Mỹ tăng viện trợ cho cuộc chiến tranh Đông Dương.
Trên chiến trường Miền Đông Nam bộ , thực dân Pháp gia tăng áp lực quân sự và phương thức tác chiến, chúng tập trung lực lượng càn quét từng vùng, chiếm đóng từng khu vực, sử dụng biệt kích thọc sâu vào căn cứ ta, chà đi sát lại dài ngày, giết người, cướp của, triệt phá kinh tế. Vùng căn cứ từ Hắc Dịch –Phú Mỹ đến Bà Trao-Núi Nứa liên tục bị càn quét.
Về phía ta, từ cuối năm 1950, lực lượng vũ trang được tổ chức lại theo hướng xây dựng các tiểu đoàn chủ lực của khu, tiểu đoàn tập trung của tỉnh và đại đội độc lập tăng cường cho huyện, phát triển các đội binh chủng, đảm bảo cho cấp tỉnh và huyện có đủ lực lượng bảo vệ địa bàn, đẩy mạnh chiến tranh du kích. Trong khi các đơn vị chủ lực đang tập kết lực lượng về Phú Mỹ để chuẩn bị thành lập tiểu đoàn 300, thực dân Pháp đã mở một cuộc càn qui mô vào Phước Thiện, Phú Mỹ. Các đơn vị kịp thời triển khai lực lượng, phối hợp với bộ đội địa phương huyện Vũng Tàu và du kích Phú Mỹ chống càn, tiêu hao hai trung đội địch.
Sau ba tháng luyện quân, Tiểu đoàn 300 làm lễ ra mắt tại Đồng Lớn, xã Phú Mỹ tháng 3 năm 1951. nhiệm vụ của Tiểu đoàn là tác chiến trên chiến trường Bà Chợ và đảm nhiệm công tác X, bao gồm nhiệm vụ bảo vệ Công binh xưởng và Phòng quân giới Nam bộ, ủng hộ vận tải vũ khí từ Công binh xưởng ở Phú Mỹ về Bộ tư lệnh Nam bộ để phân phối đi các tỉnh. Tiểu đoàn 300 bố trí lực lượng, phối hợp với bộ đội địa phương huyện Vũng Tàu và tự vệ Công binh xưởng đánh địch, bẻ gãy nhiều trận càn quét của thực dân Pháp, bảo vệ an toàn xưởng quân giới.
Tháng 5 năm 1951, quân Pháp sử dụng lực lượng hỗn hợp gồm hải quân, bộ binh, biệt kích mở một trận càn quét lớn, dài ngày, vào Phú Mỹ, Hắc Dịch, Phước Hòa, Tân Thành nhằm mục tiêu đánh phá xưởng quân giới, giải tỏa lộ 15. tự vệ xưởng quân giới Nam Bộ dùng mìn và lựu đạn tự tạo, chống càn có hiệu quả, bảo vệ xưởng. Đại đội 2, tiểu đoàn 300 chủ động tiến công địch tại Bưng Trục, loại khỏi vòng chiến đấu 2 đại đội địch, thu 80 súng.
Biết rõ tình hình khó khăn về lương thực của ta, thực dân Pháp thường xuyên dùng máy bay phá ác liệt phá hủy các rẫy mì, hoa màu trong vùng căn cứ. Địch còn cho cả máy bay phun xăng đặc, dùng đạn lửa bắn xuống đốt cháy rẫy. Nhiều rẫy lúa, rẫy bắp bị cháy thành tro, chỉ còn lại các rẫy mì dù bị cháy, bị gẫy, vẫn có thể mọc lại, củ mì nằm dưới mặt đất ít bị hư. Củ mì trở thành nguồn lương thực chủ yếu trong căn cứ. Cán bộ, chiến sĩ ăn củ mì, rau rừng lâu ngày cơ thể bị suy nhược, hầu như ai nước da cũng xanh mét. Nhưng mì cũng không đủ ăn cho số lượng người quá đông trong căn cứ. Bộ đội phải vào rừng đào thêm củ nần, khoai chụp quanh suối Châu Pha và Hắc Dịch. Đó là chưa kể khó khăn do muỗi độc gây ra, nhiều đồng chí bị bệnh sốt rét. Đồng chí Vũ Văn Hiệp, đại đội trưởng bộ đội địa phương huyện Vũng Tàu bị sốt rét, không đủ thuốc điều trị, sau 7 ngày đã qua đời.
Tỉnh điều đồng chí Nguyễn Văn Phải về làm đại đội trưởng bộ đội địa phương huyện Vũng Tàu. Tháng 4 năm 1951, bộ đội địa phương huyện Vũng Tàu phối hợp với đại đội 3569, bộ đội chủ lực tỉnh tổ chức trận đánh phục kích giao thông tại Sông Cầu (dốc Bò Đuối). Chín giờ sáng, một đại đội binh địch hành quân mở đường trên lộ 2 lọt vào trận địa phục kích. Bộ đội địa phương huyện Vũng Tàu và tiểu đoàn 300 đồng loạt nổ súng. Địch chống trả ác liệt. Ta diệt được 2 xe, bắt sống 4 tù binh, tiêu hao đại đội này. Đồng chí Võ Chín đại đội trưởng 3569 đã hy sinh anh dũng trong trận đánh này. Hội nghị Trung ương Cục miền Nam tháng 5 năm 1951 quyết định chia lại chiến trường Nam Bộ thành hai Phân liên khu: Phân liên khu Miền Đông và Phân liên khu Miền Tây, lấy sông Tiền làm ranh giới. Tỉnh Bà Rịa –Chợ Lớn được thành lập, trực thuộc Phân Liên khu Miền Đông gồm toàn bộ tỉnh Bà Rịa và một phần của 3 tỉnh Chợ Lớn, Biên Hòa, Gia Định, được tổ chức thành hai thị xã (Cấp và Bà Rịa) và 6 huyện: Long Điền-Đất Đỏ, Vũng Tàu, Cần Đước, Cần Giuộc, Nhà Bè, Long Thành. Đồng chí Võ Văn Khánh, Phân liên khu ủy viên Miền Đông Nam Bộ được chỉ định là Bí thư Tỉnh ủy.
Hai huyện Long Điền và Đất Đỏ được sáp nhập thành huyện Long Điền-Đất Đỏ. Các xã Cộng Hòa, Long Phước, Hắc Dịch của huyện Long Điền trước đó nay đặt thuộc huyện Vũng Tàu. Huyện Vũng Tàu có 12 xã trong đó có 3 thị xã bị tạm chiếm là Hòa Long, Long Phước, Thạnh An, các xã còn lại là vùng độc lập gồm: Bà Trao, Thống Nhất, Long Hương, Long Hòa, Xuân Hòa, Đoàn Kết, Tân Thành, Phú Mỹ, Hắc Dịch. Toàn huyện có 793 đảng viên, trong đó có 586 đảng viên chính thức và 207 dự bị. Con số đảng viên dự bị cho thấy trong năm 1951, Huyện ủy Vũng Tàu phát triển Đảng rất nhanh, đạt chỉ số 35,32%.
Thực hiện chủ trương của Trung ương Cục miền Nam, Ủy ban Kháng chiến Hành chính Nam Bộ đã ra nghị định số 172/NB-51, ngày 27 tháng 6 năm 1951 thành lập tỉnh Bà Rịa –Chợ Lớn; Nghị định số 175/NB/51 (cùng ngày) chỉ định thành phần Ủy ban Kháng chiến Hành chính tỉnh. Ủy ban Kháng chiến Hành chính huyện Vũng Tàu gồm các ông Trần Đình Chi (Chủ tịch), Trần Khánh Dư (Phó chủ tịch), Nguyễn Văn Dơn (tức Ngươn, Ủy viên quân sự), Hứa Văn Đạt (Ủy viên), Lê Hữu Phúc (Ủy viên).
Tỉnh quyết định chuyển các cơ quan của tỉnh từ căn cứ Xuyên Phước Cơ về Phú Mỹ-Hắc Dịch. Ủy ban Kháng chiến Hành chính tỉnh đặt tại Đồng Lớn Phú Mỹ. Nhân dân các xã vùng căn cứ khu Tây rất phấn khởi và hết lòng ủng hộ kháng chiến, giúp các cơ quan của tỉnh xây dựng lán trại, ổn định sinh hoạt trên địa bàn. Bước sang năm 1951, Tỉnh ủy đã được củng cố về tổ chức và trưởng thành trên các mặt chính trị tư tưởng cũng như kinh nghiệm lãnh đạo kháng chiến. Nhiều đợt thanh tra của các ban ngành đã góp phần chấn chỉnh lề lối làm việc và làm trong sạch bộ máy kháng chiến của tỉnh cũng như ở huyện. Căn cứ vào kết luận của đoàn thanh tra tại huyện Vũng Tàu, Ủy ban Kháng chiến Hành chính tỉnh đã quyết định cách chức ông Châu Thành Long, Ủy viên Ủy ban Kháng chiến Hành chính huyện Vũng Tàu và truy tố trước tòa án quân sự tỉnh, phạt tù 5 năm về tội lạm dụng của công làm của tư. Ban chỉ huy Tỉnh đội Bà Rịa-Chợ Lớn được củng cố. Hệ thống Đảng trong quân đội chịu sự lãnh đạo trực tiếp của Tỉnh ủy. Đồng chí Võ Văn Khánh, Bí thư Tỉnh ủy kiêm Bí Thư Đảng ủy quân sự, kiêm trưởng Ty Công an. Những vấn đề nội bộ ở huyện Vũng Tàu được chấn chỉnh và từng bước ổn định. Với quyết định chuyển các cơ quan của tỉnh về Căn cứ khu Tây, Phú Mỹ-Hắc Dịch đã trở thành trung tâm lãnh đạo cuộc kháng chiến. Căn cứ Phú Mỹ-Hắc Dịch hình thành từ năm 1947 đã trở thành chỗ dựa và hậu phương tại chỗ quan trọng của cuộc kháng chiến của tỉnh và của miền. Phòng quân giới Nam Bộ và Công binh xưởng Nam bộ đã hoạt động tại Phú Mỹ, mở rộng sản xuất, cung cấp vũ khí cho cả chiến trường Nam bộ. Căn cứ khu Tây nối liền với Chiến khu Rừng Sác rộng khoảng 60.000 hécta, cửa ngõ của Sài Gòn, là một địa bàn chiến lược, nếu tiến có nhiều thuận lợi đánh vào Sài Gòn, lui có điều kiện tốt để bảo tồn lực lượng. Với bờ biển dài và hệ thống sông rạch chằng chịt của rừng Sác, rất thuận tiện cho việc trực tiếp nhận viện trợ của Trung ương và vận chuyển lương thực từ miền Đông, qua sông Lòng Tàu. Tuy nhiên, việc vận chuyển rất khó khăn, vì địch thường xuyên phục kích, đánh phá./.                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                





Bài 14
Những khó khăn của quân và dân vùng căn cứ khu Tây
____________________________

Trước khó khăn về lương thực thực phẩm, tỉnh ủy chỉ đạo các cơ quan, đơn vị phải tổ chức phát rẫy, sản xuất lương thực, thực phẩm. Bộ đội mỗi năm phải tự túc 4 tháng lương thực. Cán bộ mỗi năm phải tự túc 6 tháng lương thực. Trong lúc chưa kịp tổ chức mạng lưới cung cấp lương thực thực phẩm về căn cứ khu Tây, nhiều đơn vị, bộ đội phải ăn bắp, ăn củ thay cơm. Các đội binh chủng của tỉnh bám rừng Sác Hội Bài, phải dựa vào các ghe bán củi nhờ mua gạo. Bộ đội binh chủng đóng ở rừng Sác do đồng chí Đức, Hoàng Tùng chỉ huy chặt cây chà là luộc ăn đánh giặc. Trận Rau Râm, trận chống càn Bàu Lùng, giặc thua chạy nhưng bộ đội bụng đói không còn sức để truy kích.
Ngày 26 tháng 5 năm 1951, du kích xã Đoàn Kết đã đưa đội binh chủng (tiểu đoàn 300) ra bám tại Vàm Bà Nghĩa trên sông Lòng Tàu, đánh hỏng nặng chiếc tàu Saint Louberbier trọng tải 10 nghìn tấn. Đây là trận đánh chìm tàu lớn nhất trên sông Lòng Tàu, là chiến công phối hợp với chiến trường phía Bắc. Hội Phụ nữ cứu quốc các xã đã vận động nhân dân mang lúa, gạo, thịt, trái cây vào căn cứ của tiểu đoàn 300 tại cánh đồng Don mừng thắng lợi.
Sau nhiều trận càn vào đánh Phú Mỹ bị thất bại, bộ binh không dám càn vào thì chúng cho máy bay đánh phá. Toàn bộ nhà dân vùng Phú Mỹ đều bị phá hủy, có gia đình phải làm đi làm lại 4-5 lần. Hội nghị cán bộ toàn tỉnh tháng 6 năm 1951 đã chủ trương đẩy mạnh công tác 3 vùng chiến lược, xây dựng phương thức tác chiến của các lực lượng vũ trang và hoạt động của các đoàn thể cách mạng; chú trọng xây dựng cơ sở ở các vùng bị địch tạm chiếm. Hội nghị có đại biểu quân dân chính Đảng từ tỉnh, đến các huyện xã về dự, thảo luận những biện pháp cấp bách nhằm làm chuyển biến tình hình, đưa phong trào cách mạng vượt qua bước khó khăn. Chuyển biến vùng du kích và căn cứ, gắn nhiệm vụ hoạt động vũ trang với nhiệm vụ xây dựng cơ sở cách mạng; bảo vệ căn cứ, sản xuất, bảo vệ cơ sở cách mạng.
Tháng 7 năm 1951, Tỉnh ủy điều đồng chí Huỳnh Công Thức về làm Bí thư Huyện ủy thay thế đồng chí Nguyễn Tấn Cách. Đồng chí Dương Ngọc Văn (Nguyễn Văn Đường) được Ủy ban Kháng chiến Hành chính tỉnh điều về thay thế đồng chí Nguyễn Đăng Khoa làm chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Hành chính huyện. Đồng chí Trần Văn Lý về làm đại đội trưởng bộ đội địa phương huyện thay đồng chí Nguyễn Văn Phải.
Huyện Vũng Tàu tập trung lực lượng nhằm phục vụ cho vùng căn cứ theo sự chỉ đạo của tỉnh. Thực hiện chỉ thị của Tỉnh ủy, Huyện ủy Vũng Tàu đã đặt công tác tư tưởng lên hàng đầu, phân công các cấp ủy viên về nắm các xã bám sát dân, các cán bộ đại đội phải đi sát từng tiểu đội, từng chiến sĩ, giải quyết cụ thể từng vấn đề, tháo gỡ khó khăn, lập tổ săn bắn trên rừng giồng, tổ chức chài lưới dưới rừng Sác, đánh cá, bắt cua, tôm, chăm sóc sức khoẻ cho cán bộ, bộ đội.
Huyện huy động lực lượng các xã  phối hợp với quân nhu của tỉnh tổ chức thu mua lúa từ Liên Huyện và Gò Công chở về Bà Trao. Lực lượng dân quân du kích xã Đoàn Kết do xã đội trưởng Huỳnh Công Trụ tổ chức vận chuyển từ Bà Trao về bến Bà Phóng, Bàn Thạch. Bốn chiếc xuồng hoạt động liên tục suốt ngày đêm. Hầu hết nhân dân xã Phú Mỹ đều tham gia vào đội ngũ công nhân “nhà máy xay”. Gọi là nhà máy, nhưng tất cả đều xay giã bằng tay. Khi có lúa về, chị em phụ nữ Phú Mỹ phải xay giã trên 10 tấn, trung bình mỗi người dân phải xay giã sàng sảy từ hai đến ba tạ lúa.
Ngày 30 tháng 7 năm 1951, được bọn đầu hàng phản bội dẫn dường, một Tiểu đoàn địch có hải lục, không quân yểm trợ, đã mở trận càn quét vào khu căn cứ Phú Mỹ với âm mưu vây bắt cơ quan lãnh đạo, triệt hạ căn cứ kháng chiến, trọng tâm của trận càn này nhằm căm cứ của Ty công an. Dưới sự lãnh đạo của tỉnh ủy, các lực lượng bảo vệ căn cứ đã tổ chức chống càn. Cuộc chiến đấu diễn ra ác liệt. Ta đã tiêu diệt một trung đội giặc, thu nhiều vũ khí. Tuy nhiên, do tương quan lực lượng quá chênh lêch, các lực lượng bảo vệ phải chặn địch để các cơ quan hậu cứ của tỉnh và Văn phòng Ty công an di chuyển về Rừng Sác. Địch tổ chức nhiều cuộc càn quét chà đi sát lại vùng Bàn Thạch, Tân Thành. Sau bốn ngày càn quét, chiều ngày 2 tháng 8 năm 1951 chúng mới rút quân. Căn cứ của Ty Công an bị tổn thất nặng.
Vừa phải đối phó với các cuộc hành quân càn quét liên miên của địch, quân và dân trong huyện cũng như cán bộ chiến sĩ trong vùng căn cứ vừa phải đối mặt thường xuyên với khó khăn về lương thực thực phẩm, về kinh tế tài chính. Dân cư vùng căn cứ khu Tây thưa thớt, sống rải rác ở hai vùng: Rừng Sác và Rừng Giồng, sản xuất nông nghiệp hầu như không đáng kể. Dân ở Rừng Sác đông hơn và tập trung ở Bà Trao, Hội Bài. Trên Rừng Giồng chỉ có Phú Mỹ và Hắc Dịch là hai xã có dân sống tập trung. Ruộng ở Phú Mỹ ít, lại giáp với Long Thành, là địa bàn bọn biệt kích thường xuyên đánh phá. Đất sản xuất nông nghiệp thuận lợi chỉ có Hắc Dịch là khá hơn cả, trồng được mì, bắp và lúa. Dân Hắc Dịch không đông, phần lớn là đồng bào dân tộc. Hắc Dịch có đồng Châu Pha, đồng Xoài, tiếp giáp với đồng Don, đồng Dầu (Hòa Long) có thể làm ruộng nước. Bộ đội và các cơ quan tỉnh đầu tư nhiều công phát rẫy, trồng mì, giải quyết vấn đề hậu cần tại chỗ.
Theo báo cáo tình hình Kinh tế-Tài chính của Tỉnh ủy Bà Rịa-Chợ Lớn năm 1951, do hạn hán, mất mùa, do vùng giải phóng bị thu hẹp, lương thực thiếu trầm trọng. Báo cáo cho biết, tại căn cứ khu Tây (huyện Vũng Tàu) có 9.733 người, dự trù mỗi người ăn hết 15 giạ lúa/năm thì mỗi năm cần 145.995 giạ; trong khi sản xuất và huy động chỉ được 102.464 giạ, thiếu 43.036 giạ.
Để phát triển kinh tế vùng căn cứ, Ty Canh nông đặt thêm một Trại canh cửi ở khu Tây, truyền huấn nghề kéo chỉ và dệt vải cho đồng bào, chủ yếu là phụ nữ. Cán bộ nhân viên Ty Canh nông đưa khung cửi và nguyên liệu (bông) đến tận từng ấp, hướng dẫn đồng bào kéo chỉ, cứ kéo được một kilô bông thì đổi cho đồng bào 4 mét vải. Ty Canh nông tổ chức được 5 lớp, huấn luyện được 138 học viên, sau một thời gian ngắn, đã có 120 người kéo sợi lành nghề. Một số người có năng khiếu, được tuyển chọn trong số học viên, huấn luyện thêm rồi tiếp tục đưa đi tham gia dệt vải, góp phần giải quyết khó khăn cho vùng căn cứ.
Cuối năm 1951, đồng chí Võ Văn Khánh chủ trì Hội nghị quân-dân-chính-đảng tại Bàn Thạch, có cán bộ cốt cán của tỉnh và các huyện tham dự, quán triệt tư tưởng chỉ đạo của Trung ương Cục, đặc biệt là ý kiến của đồng chí Lê Duẩn phê phán các địa phương chưa quan tâm chỉ đạo du kích chiến tranh, chưa thực hiện đúng phương châm ba vùng. Quán triệt chủ trương của Trung ương Cục. Tỉnh ủy chỉ đạo thực hiện phương châm ba vùng, chú trọng vùng du kích và vùng bị địch tạm chiếm để khôi phục phong trào. Hội nghị đã quyết định một số chủ trương và giải pháp thiết thực để khắc phục những khó khăn trước mắt:
1. Chấn chỉnh lại tổ chức Đảng trong các cơ quan Quân-Dân-Chính, xây dựng tư tưởng cho cán bộ đảng viên, đặt kế hoạch cho cán bộ ly hương trở về xã;
2. Tỉnh ủy mời các Bí thư chi bộ vùng bị địch tạm chiếm về thảo luận, đặt kế hoạch chấn chỉnh cán bộ vùng bị địch tạm chiếm;
                   3.  Đẩy mạnh phê bình và tự phê bình đảng viên;
          4.  Phân công các huyện ủy viên và cán bộ các ngành quân-dân-chính bám cơ sở vùng bị địch chiếm để chỉ đạo.
Từ khi các cơ quan tỉnh chuyển về căn cứ khu Tây, công tác học tập lý luận của Đảng bộ huyện và các xã có bước tiến bộ rõ rệt. Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy đã biên soạn nhiều tài liệu học tập thiết thực gửi đến chi bộ các xã như: Mấy điều người cộng sản phải biết, phải làm; Tuyên ngôn, Chánh cương Đảng Lao động Việt Nam; Trường kỳ kháng chiến nhất định thắng lợi… Cùng với các tài liệu được biên soạn phù hợp với trình độ cán bộ cơ sở, Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy có hướng dẫn cụ thể kế hoạch học tập; kết hợp học tập với phê bình và tự phê bình; gắn học lý luận với thực tiễn ở cơ sở; mở nhiều lớp học ngắn hạn; coi trọng việc xây dựng tư tưởng cho cán bộ đảng viên.
Tháng 12 năm 1951, thực dân Pháp sử dụng một đoàn giang thuyền 13 chiếc đánh sâu vào căn cứ của cố vấn Nguyễn Văn Mạnh (Tám Mạnh) ở Rạch Chanh. Trung đội bảo vệ căn cứ do đồng chí Nguyễn Văn Thanh (Hai Thanh) chỉ huy đã kiên cường đánh địch bảo vệ căn cứ. Trung đội 12 bộ đội địa phương huyện Vũng Tàu đóng quân gần đó, nghe tiếng súng nổ đã triển khai lực lượng ra phục kích đầu vàm, đón đánh lúc chúng rút về. Do tương quan lực lượng quá chênh lệch, trung đội phó Trần Văn Giỏi (Giỏi Đen) chỉ đạo để cho phần lớn đoàn giang thuyền vượt qua, chặn đánh khúc đuôi, bắn chìm hai giang thuyền đi cuối. Ta thu 2 súng trường Đức và 2 tạ gạo. Cố vấn Nguyễn Văn Mạnh chia cho trung đội 12 một tạ gạo về khao quân./.






BÀI 15
Địch tăng cường càn quét vào các vùng căn cứ
_______________________________

Trong năm 1952, tiểu đoàn ngụy binh 65 kết hợp với lực lượng ngụy binh Cao Đài thường xuyên càn quét vào vùng căn cứ phía Tây lộ 2, thọc sâu vào Châu Pha, Hắc Dịch. Thực dân Pháp sử dụng lực lượng biệt kích đánh vào các cơ quan xã, huyện, phục vụ việc dồn dân ra hai bên lộ, lập các khu tập trung, tách nhân dân ra khỏi cách mạng. Trong khu tập trung, địch khủng bố các gia đình cách mạng, rà soát, bắt bớ cơ sở kháng chiến. Chúng kiểm soát gắt gao sản xuất, đời sống, hạn chế việc tiếp tế của đồng bào cho kháng chiến. Vùng du kích và vùng giải phóng ngày càng bị thu hẹp. Cơ sở trong vùng bị địch tạm chiếm bị tiêu hao nặng. Bộ đội, cán bộ bị tách khỏi dân, rơi vào tình trạng thiếu đói và rất khó khăn trong tác chiến.
Theo sự chỉ đạo của Tỉnh ủy Huyện ủy Vũng Tàu tiếp tục thực hiện phương châm ba vùng, đưa cán bộ bám dân, bám địa bàn, xây dựng lại cơ sở vùng bị địch tạm chiếm làm nhiệm vụ cung cấp tin tức quân báo và tiếp tế lương thực thực phẩm. Huyện thực hiện tinh giản bộ máy, chọn lọc số cán bộ có năng lực, có khả năng xây dựng phong trào đưa về chỉ đạo và phát động quần chúng các xã vùng bị địch tạm chiếm hoặc tăng cường cho các đơn vị chiến đấu, số còn lại bố trí về sản xuất, làm ruộng rẫy. Đồng chí Ngô Tiến được cử về làm Bí thư Huyện ủy thay đồng chí Huỳnh Công Thức.
Đầu năm 1952, du kích các xã Phú Mỹ, Tân Thành, Đoàn Kết đưa tiểu đoàn 300 vượt sông Lòng Tàu tiến công Chi khu Cần Giờ. Chi khu Cần Giờ do hai đại đội Pạctidăng đóng giữ, tên quan hai quận trưởng trực tiếp chỉ huy. Nửa đêm 29 tháng 1 năm 1952 (mồng 3 tết Nhâm Thìn), kết hợp với cơ sở nội tuyến trong chi khu mở rộng cửa đồn, quân ta bất ngờ tập kích từ phía biển vào, diệt gọn một đại đội địch, thu toàn bộ vũ khí.
Rạng sáng mồng 4 tết, chiến trường vừa thu dọn xong thì địch huy động 30 tàu chiến lớn nhỏ, chặn đường rút lui của ta. Mười ngày đêm ròng rã thiếu nước ngọt và lương thực, mang theo 12 thương binh, các chiến sĩ ta phải ăn cua sống, bần chua cầm hơi và tìm cách thoát khỏi vòng vây. Hai cha con một gia đình ngư dân sinh sống bằng nghề bắt cua ở Rừng Sác đã dùng chiếc ghe nhỏ luồn lách trong những con rạch nhỏ, đi về 25 chuyến, chuyển hết đại đội 2 vượt qua vòng vây dày đặc của địch, qua sông Đồng Tranh về căn cứ khu Tây an toàn. Cánh quân làm nhiệm vụ chặn hậu hướng Nhà Bè cũng được một ông già chở dưa hấu từ một cù lao Rừng Sác qua dẫn đường, thoát khỏi vòng vây về đến căn cứ.
Trận đánh chi khu Cần Giờ là trận tiêu diệt cấp chi khu đầu tiên của Nam Bộ vào thời điểm đó. Thắng lợi của trận đánh thể hiện quyết tâm rất cao của cán bộ, chiến sĩ, thể hiện trình độ tổ chức chỉ huy và hiệp đồng tác chiến tốt. Đó cũng là kết quả luyện tập nhiều ngày về đánh công kiên của Tiểu đoàn 300, là thắng lợi của tinh thần chiến đấu dũng cảm, chịu đựng gian khổ ác liệt trong những ngày bị địch bao vây, sự hiệp đồng tác chiến giữa bộ đội chủ lực và bộ đội địa phương, giữa quân và dân, đặc biệt là tinh thần cách mạng của những người dân sinh sống tại Rừng Sác, Cần Giờ, đã hết lòng giải thoát cho bộ đội khi lâm vào cảnh hiểm nghèo, bị tàu địch bao vây bốn phía giữa sình lầy, sông nước và đói rét.
Năm ngày sau, ngày 4 tháng 2 năm 1952, tiểu đoàn 300 lại triển khai lực lượng, cùng bộ đội địa phương huyện và du kích các xã Phú Mỹ, Hắc Dịch chặn đánh hai đại đội địch càn quét tại Phước Thái, diệt 2 trung đội.
Trong năm 1952, cán bộ xã đội các xã và cán bộ phụ trách dân quân huyện đã được tham dự 5 lớp huấn luyện tại Phú Mỹ, trong đó có 3 lớp cho cán bộ xã đội, một lớp địch vận, một lớp quân báo với tổng số học viên là 95 người. Du kích xã học kỹ thuật xạ kích, lựu đạn và địa lôi. Du kích mật học nghiệp vụ thông tin, lấy tin; gài lựu đạn, địa lôi, bàn chông, hố chông. Qua các lớp huấn luyện, du kích các xã đã có nhiều tiến bộ trong việc sử dụng súng trường với địa lôi, độc lập hoặc phối hợp với bộ đội địa phương tiêu hao sinh lực và cơ giới địch trên đường giao thông; dùng lựu đạn gài để chống bọn biệt kích bảo vệ địa bàn; dùng mìn phối hợp với lựu đạn gài chống khủng bố và tuần tiễu.
Tiểu đoàn 300 liên tục chống càn trên lộ 15, bảo vệ địa bàn và hỗ trợ cho phong trào du kích chiến tranh. Ngày 21 tháng 4 năm 1952, tiểu đoàn 300 đã chặn đánh một đại đội Commandos do tên quan ba Souarcot chỉ huy càn vào Phú Mỹ, diệt trên 40 tên.
Trong bốn tháng đầu năm 1952, thực dân Pháp thường xuyên sử dụng lực lượng cấp đại đội đến cấp tiểu đoàn đột kích đánh phá đánh sâu vào các căn cứ của ta. Trong các cuộc càn quét lấn chiếm căn cứ địa, địch chú trọng đánh phá về kinh tế, bắn giết trâu bò, làm ngưng trệ hoặc phá hoại mùa màng, dùng bọn đầu hàng đột kích phá vụ làm mùa ở rìa căn cứ, tạo vành đai trắng buộc đồng bào phải bỏ hoang ruộng chung quanh căn cứ như ruộng đồng Đồng Don (căn cứ khu Tây). Giặc tăng cường phong tỏa đường vận tải rút lúa của ta nhất là từ Liên-Huyện, Long Thành về Phú Mỹ, chú trọng phá hoại và cướp lấy ghe xuồng. Trong 6 tháng đầu năm 1952, cơ quan của tỉnh và đồng bào các xã Tân Thành, Đoàn Kết và Xuân Hòa đã bị thiệt hại 18 ghe, 10 xuồng.
Do mức độ đánh phá của địch ngày càng ác liệt, việc vận chuyển vũ khí về Nam bộ rất khó khăn, vì thế, Trung ương Cục quyết định chuyển toàn bộ Xưởng quân giới từ Phú Mỹ về Đất Cuốc (Chiến khu Đ). Nhiệm vụ quan trọng này được giao cho Tỉnh ủy Bà Chợ với mật khẩu là “Kế hoạch X”.
Công binh xưởng quy mô rất lớn, công nhân viên đến 500 người, máy móc thiết bị hàng trăm tấn, có những cỗ máy 20 người luân phiên nhau khiêng. Quân khu điều 300 dân công tỉnh Thủ Biên (xã Đại An, Lạc An) cùng đại đội 2 của tiểu đoàn 303 quân khu do đại đội trưởng Lâm Văn Thê chỉ huy xuống phối hợp với tiểu đoàn 300 và dân công Bà Chợ làm nhiệm vụ di chuyển. Tỉnh đội Bà Chợ huy động lực lượng dân quân các xã tương đương một tiểu đoàn do đồng chí Đào phụ trách, tham gia công tác vận chuyển. Việc di chuyển phải cắt rừng, mở đường mới để tránh địch phát hiện và đánh phá. Lực lượng công an tỉnh, công an huyện Vũng Tàu làm nhiệm vụ bảo vệ địa bàn; Tiểu đoàn 300 trực tiếp bảo vệ đoàn vận tải. Bộ đội địa phương huyện làm nhiệm vụ bảo vệ căn cứ.
Công tác bảo vệ bí mật, an toàn việc thực hiện “Kế hoạch X” rất quan trọng. Tình hình hết sức khó khăn, lương thực thiếu, cán bộ chiến sĩ vừa đói, lại phải vác nặng, phải băng rừng, vượt sông suối, công việc nặng nhọc hết ngày này sang ngày khác. Địch tung quân chặn nhiều nơi, nhưng ta liên tục mở đường mới di chuyển an toàn. Sau cuộc tổ chức vận chuyển quy mô của tỉnh không thành công, Ban chỉ huy Tiểu đoàn 300 giao nhiệm vụ cho đại đội 3 kết hợp với công binh xưởng tổ chức lại lực lượng theo hướng vận chuyển gọn, nhẹ, nhanh, an toàn, bảo đảm bí mật.
Ngày 26 tháng 6 năm 1952, đoàn vận tải bắt đầu xuất phát từ Phú Mỹ, theo lộ trình vượt sở cao su Long Thành đi Ông Quế lên An Viễn, qua Sông Buông, vượt lộ 1, cắt qua Hố Nai, Trảng Bom rồi vượt sông Đồng Nai về Chiến khu Đ. Tiểu đoàn 300 đã rải quân trinh sát và bảo vệ dọc đường đi. Địch đánh hơi và rải quân càn quét, nhiều lần đoàn vận tải phải thay đổi lộ trình, Tiểu đoàn 300 vừa đánh địch, vừa bảo vệ an toàn và bí mật cho cuộc di chuyển. Từ tháng 6 đến tháng 8 năm 1952, Tiểu đoàn 300 cùng quân và dân các xã vùng lộ 15 và các lực lượng cách mạng đóng quân trên địa bàn Phú Mỹ-Hắc Dịch đã hoàn thành tốt nhiệm vụ, sau 5 chuyến vận chuyển đã đưa hàng trăm tấn máy móc, thiết bị, dụng cụ, nguyên liệu vượt qua đoạn đường dài hàng trăm cây số về Chiến khu Đ an toàn./.

















Bài 16
Chiến khu Đ gặp khó khăn về lương thực thực phẩm, vũ khí và quân dân
_______________________________
Sau trận tập kích Trung tâm an dưỡng sĩ quan Pháp tháng 7 năm 1952 của lực lượng vũ trang Thị xã Cấp, giặc Pháp mở nhiều cuộc hành quân càn quét. Chúng sử dụng giang thuyền đổ quân từ Cửa Lấp qua Bà Trao-Núi Nứa, đến Xuân Hòa, Đoàn Kết, Tân Thành, Phú Mỹ, Hắc Dịch. Đội binh chủng của Tỉnh bám địa bàn ven rừng Sác, phối hợp với du kích các xã Phú Mỹ đến Tân Thành, Đoàn Kết, Xuân Hòa đánh địch trên sông rạch.
Tháng 10 năm 1952, một cơn bão với sức gió dữ dội tràn vào kèm theo lũ lớn dọc các triền sông cuốn trôi nhiều hoa màu, lương thực, nhà cửa của nhân dân. Ghe xuồng vùng sông rạch Rừng Sác nhiều chiếc bị lật chìm, khắp trong vùng đều bị ngập lụt. Trận bão tàn phá nặng nề cả miền Đông Nam Bộ. Toàn bộ ruộng rẫy, kho tàng vùng căn cứ tỉnh đều bị ngập lụt, hư hại. Lương thực thực phẩm, vũ khí và quân trang quân dụng thiếu hụt trầm trọng.
Quân và dân trong tỉnh phải đương đầu với cả thiên tai và địch họa. Tình hình kinh tế của ta gặp rất nhiều khó khăn. Lợi dụng thiên tai, địch tăng cường lấn chiếm, sử dụng từng toán biệt kích nhỏ đánh vào vùng căn cứ. Đi đôi với càn quét vùng lấn chiếm, địch tăng cường bắt lính đôn quân, phát triển lực lượng ngụy binh. Cán bộ cơ sở bị bắt, bị giết rất nhiều. Một số khác bị đánh bật ra hoặc ra đầu hàng giặc làm cho đồng bào vùng bị địch tạm chiếm và du kích thêm hoang mang, dao động. Tình hình căng thẳng này ảnh hưởng đến mọi công tác địch hậu như xây dựng cơ sở quần chúng, phát triển du kích chiến tranh, chống bắt lính, địch ngụy vận.
Ngoài các thủ đoạn giặc đã áp dụng có kết quả để củng cố vùng bị địch tạm chiếm, còn có những nguyên nhân chủ quan của ta tạo nên làm cho các công tác địch hậu chưa phát triển. Tỉnh ủy chưa rút được kinh nghiệm công tác vùng bị địch tạm chiếm và du kích để đặt kế hoạch thích hợp cho từng vùng cũng như chưa có kế hoạch cụ thể để đào tạo cán bộ địa phương làm nòng cốt; kế hoạch đưa bộ máy Quân-Dân-Chính ly hương về bám xã; các cấp quân-dân-chính-đảng ở huyện và xã chưa lãnh đạo đúng mức phong trào du kích chiến tranh, nhiều nơi còn xem đó là việc của các xã hội.
Trong tình hình địch càn quét mạnh, cán bộ ở các xã bị tiêu hao, có nơi bị đánh bật ra, du kích xã phần nhiều thoát ly địa phương, lực lượng bị giảm sút, có nơi tan rã. Báo cáo của Tỉnh ủy năm 1952 cho biết, nguyên nhân chủ yếu là do thiếu nòng cốt và thiếu sự hướng dẫn chặt chẽ của bộ đội địa phương; các cấp quân-dân-chính-đảng thiếu kế hoạch cấp dưỡng, giáo dục chu đáo; lực lượng ta bị tiêu hao khi đột nhập công tác xã; bị tiêu hao và tan vỡ sau những cuộc càn quét mạnh của địch; lãnh đạo của quân-dân-chính-đảng còn yếu; chưa phát triển được phong trào thanh niên. Sự phát triển của du kích xã chưa theo kịp nhu cầu chiến trường.
Trước tình hình khó khăn thiếu hụt về lương thực, Tỉnh ủy phát động trong toàn tỉnh một phong trào tăng gia sản xuất. Các đơn vị bộ đội, công an và các ban ngành phải bố trí 30% lực lượng tăng gia sản xuất tự túc nuôi quan, đồng thời giúp nhân dân giảm bớt những khó khăn do thiên tai gây ra. Mặt trận Liên Việt đã vận động đồng bào trong vùng bị địch tạm chiếm ủng hộ kháng chiến. Nhân dân các xã Cộng Hòa, Long Phước quyên góp nhiều thóc gạo ủng hộ cho huyện. Nhân dân các xã Đoàn Kết, Tân Thành và Xuân Hòa góp nhiều thực phẩm và giúp các tổ chài lưới của huyện, của tỉnh bám sông rạch, đánh bắt tôm cá, chống đói.
Huyện ủy tăng cường cán bộ chủ chốt về các xã Long Phước, Cộng Hòa bám địa bàn, bám dân để móc nối và xây dựng lại cơ sở, vận động dân về đất cũ làm ăn, giáo dục và cảnh cáo các phần tử làm tay sai cho giặc, tạo thế cho quần chúng vươn lên đấu tranh dân chủ phát triển, phá lỏng sự kìm kẹp của địch. Đồng bào đấu tranh bung ra đồng sản xuất ngày càng đông, nhờ đó mà tiếp tế cho bộ đội, cán bộ, du kích ngày càng nhiều, đời sống của nhân dân đỡ vất vả hơn, sự ra vào khu tập trung bớt khó khăn.
Theo báo cáo tình hình 10 tháng đầu năm của Ủy ban Kháng chiến Hành chính tỉnh Bà Rịa-Chợ Lớn, bộ đội địa phương huyện Vũng Tàu và du kích các xã đã phối hợp với lực lượng của tiểu đoàn 300 liên tục chống càn, bảo vệ căn cứ, đáng chú ý là trận đánh tàu địch càn vào Phú Mỹ ngày 1 tháng 7 năm 1952, diệt một đại đội địch; trận diệt 2 tiểu đội DSAV 203 ở bốt Bộng Giếng; diệt một trung đội trên chiếc LCM bị đánh chìm tại vàm Bà Nghĩa; diệt được 18 tên của Liên đội Commandos 31-53 và đơn vị này phải phân tán và đổi tên.
Trong năm 1952, địch càn vào căn cứ khu Tây 21 lần, có lúc chúng huy động lực lượng tương đương cấp trung đoàn, kết hợp với các phân đội biệt kích nhỏ đánh phá. Có thời kỳ, bộ đội địa phương huyện và du kích phải đánh địch càn quét, một ngày tới 7 trận, nhất là trong vụ mùa 1952, thực dân Pháp liên tục càn vào cùng Châu Pha, Hắc Dịch và Bà Trao-Núi Nứa để cướp lúa.
Cuối năm 1952, quân Pháp triển khai một kế hoạch chiến dịch lớn, tập trung lực lượng thủy lục, không quân, chia làm nhiều đợt càn quét, đánh vào căn cứ Phú Mỹ. Suốt một vùng từ Bà Rịa đến Long Thành, từ rừng Sác đến Hắc Dịch trở thành vùng chiến trận diễn ra gay gắt. Địch tăng cường một đại đội commandos do Souarcot chỉ huy từ khu Long Thành đánh xuống, kết hợp với tiểu đoàn BVN 65 ngụy binh tổ chức càn quét dọc lộ 2 vào Suối Nghệ, Châu Pha, Sông Xoài, Hắc Dịch.
Tình hình huyện Vũng Tàu chiến sự diễn ra căng thẳng. Tỉnh ủy và Ban chỉ huy quân sự nhận định có âm mưu chiếm lại lộ 15 và chỉ thị cho bộ đội có kế hoạch đối phó với tình hình mới. Tỉnh điều đồng chí Lê Văn Phỉ, Bí thư Huyện ủy Long Đất về làm Bí thư Huyện ủy Vũng Tàu thay đồng chí Ngô Tiến. Huyện ủy Vũng Tàu ra Nghị quyết củng cố tổ chức, Nghị quyết về công tác trước mắt, nhấn mạnh việc bám đất, bám dân, sản xuất tự túc và đánh địch càn quét, chống lấn chiếm.
Ngày 23 tháng 11 năm 1952, cuộc càn lớn của thực dân Pháp diễn ra trên địa bàn rừng Sác. Lực lượng địch có 2 tiểu đoàn lính thủy đánh bộ, 5 máy bay và 2 tàu chiến hỗ trợ. Suốt một dải từ Lý Nhơn, Thạnh An, An Thít đến vùng Núi Nứa-Bà Trao, Phú Mỹ, Tân Thành, Đoàn Kết trở thành những mục tiêu đánh phá của địch. Nhờ trinh sát nắm chắc tình hình địch, biết rõ vị trí đóng quân của địch, 4 giờ sáng  ngày 24 tháng 11 năm 1952, đại đội 2 tiểu đoàn 300 tổ chức trận tập kích vào một đại đội của địch đóng quân dã ngoại tại cầu Thị Vải. Trận đánh diễn ra được 5 phút thì các khẩu pháo ở dưới tàu bắn lên chi viện, quân ta rút. Trận này địch chết 20 tên, ta thu 4 súng. Bên ta có 3 đồng chí hy sinh. Ngày thứ 3 địch rút quân, cuộc càn chấm dứt.
Công tác sản xuất tự túc ở huyện và các cơ quan của tỉnh vẫn được đẩy mạnh. Vụ mùa năm 1952-1953 ở Căn cứ khu Tây, đồng bào làm được 899,50 mẫu ruộng (tăng 46,71 mẫu so với vụ mùa năm trước) và 421 mẫu rẫy (sụt 40 mẫu). Ước tính trong trận bão lụt năm 1952, hoa màu ở căn cứ khu Tây có thể bị thiệt hại 30%, đồng bào khu Tây có thể tự túc được 50% lương thực thực phẩm. Riêng các cơ quan quân-dân-chính làm được 154 mẫu 65 ruộng và 302,58 mẫu rẫy. Theo dự tính của Ủy ban Kháng chiến Hành chính tỉnh, trong vụ mùa 1952-1953 này, khả năng tự túc ở căn cứ khu Tây là: Cơ quan cấp tỉnh 49% (quân sự 44%, dân chính 60%); cơ quan các huyện: 31%. Tỷ lệ tự túc chung của các cơ quan quân-dân-chính tỉnh và huyện Vũng Tàu là 43%.
Tỉnh ủy đã chỉ đạo Ủy ban Kháng chiến Hành chính tỉnh cấp tín dụng cho vay hỗ trợ sản xuất với khả năng cao nhất, cho các cơ quan Quân-dân-chính tỉnh vay 154.974 đô Đông Dương, cho đồng bào vùng căn cứ địa vay 100.000 đô Đông Dương. Nhờ tín dụng sản xuất, các cơ quan đã thực hiện được 2/3 dự án sản xuất, tự túc được 43%. Tỉnh ủy thành lập Ban Kinh tài do một đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy làm Trưởng ban cùng các Ủy viên đại diện cho Ủy ban Kháng chiến Hành chính tỉnh, Tỉnh đội, Ty Kinh tế, Ty Canh nông làm nhiệm vụ rút lúa gạo từ các vùng bị địch tạm chiếm về căn cứ. Hai xã Cộng Hòa và Long Phước là nguồn cung cấp lúa chủ yếu cho huyện Vũng Tàu và bộ đội ở căn cứ khu Tây.
Cuối năm 1952, tình hình lương thực thực phẩm vẫn hết sức khó khăn, cán bộ chiến sĩ và nhân dân trong vùng căn cứ rất thiếu đói. Bộ đội địa phương huyện cùng du kích các xã nam-bắc lộ 15 đã giúp Tiểu đoàn 300 nghiên cứu chiến trường, phối hợp tổ chức một trận phục kích trên sông Lòng Tàu thắng lợi, diệt một đại đội Au Phi áp tải chuyến tàu tiếp tế của địch, thu được 100 tấn bột mì, 50 tấn thịt heo, 2 ngàn xe đạp, 20 ngàn chai bia, góp phần bớt khó khăn, căng thẳng về lương thực, cải thiện được đời sống của đơn vị và cán bộ trong căn cứ.
Tỉnh ủy tiếp tục chỉ đạo củng cố căn cứ Hắc Dịch. Đồng bào dân tộc Châu Ro ở Hắc Dịch nghèo khổ và thất học nhưng tuyệt đối trung thành với sự nghiệp cách mạng, đã đóng góp những thành tích đặc biệt cho kháng chiến. Hắc Dịch là hình ảnh tiêu biểu của toàn dân kháng chiến. Thanh niên tham gia bộ đội, dân công; thiếu niên tham gia các các đội văn nghệ, giao liên, canh gác; phụ nữ nấu cơm, dệt vải; người già vót chông, dập bàn đinh… Tất cả mọi người đều sản xuất, nuôi quân, tất cả đều tham gia kháng chiến.
Hắc Dịch có kinh nghiệm đánh địch bằng chông tre, tên ná, bàn đinh. Hàng chục tên xâm lược Pháp đã phải đền tội bởi những vũ khí mà nhân dân Hắc Dịch tự tạo. Địch đến là đánh, địch đi lại sản xuất, nuôi quân. Hắc Dịch tiêu biểu cho cuộc kháng chiến toàn dân-toàn diện- trường kỳ- tự lực của quân và dân Bà Rịa-Vũng Tàu. Đó là xã duy nhất không có người dân nào theo giặc, không một người nào trong đội ngũ kháng chiến lại nản chí, bỏ ngũ, ngay cả trong thời kỳ khó khăn, ác liệt nhất.
Với lực lượng tăng cường của Ban quân báo tỉnh, Biệt động đội Thị xã Cấp nghiên cứu diệt đồn Thạnh An do một trung đội lính Cao Đài đóng giữ, vừa kìm kẹp nhân dân vừa bảo vệ đường sông Lòng Tàu. Đêm 14 tháng 12 năm 1952, dân quân các xã vùng lộ 15 đã Biệt động đội Thị xã Cấp vượt sông tập kích diệt đồn Thạnh An. Lực lượng tham gia tương đương một trung đội do đồng chí Sáng và đồng chí Trị chỉ huy, hóa trang như dân đi làm củi, đánh cá, đột nhập vào đồn lúc 9 giờ 40 phút ngày 15 tháng 12 năm 1952, bọn lính trong đồn đi uống cà phê, chỉ còn một tên lính gác. Đúng vào lúc đó, lực lượng ta cặp ghe, nổ súng, bắt sống tên lính gác, chiếm đồn.
Địch hoàn toàn bị bất ngờ, một số tên chạy về đồn bị ta bắt sống. Ta bắt 6 tù binh, thu toàn bộ vũ khí (hơn 30 súng và nhiều đạn dược), 100 tạ gạo, phá rã bộ máy tề ngụy và khu gom dân Thạnh An của địch, khai thông tuyến giao thông đường thủy tiếp tế chở lúa gạo từ Cần Giuộc và Gò Công về căn cứ Khu Tây. Chị Bùi Thị Nga, Hội trưởng Hội phụ nữ cứu quốc xã Hội Bài cùng chị Vinh, chị Tư, má Tám Cơ, má Hai Nghệ… đã vận động bà con cho cá, tôm đến lúa gạo để tổ chức bữa cơm mừng chiến thắng. Trận đánh đồn Thạnh An đã giải quyết được một phần khó khăn về lương thực. Tuyến vận chuyển tiếp tế từ Liên Huyện về Phú Mỹ bớt tổn thất về người và của./.





Bài 17
Quân và dân vượt qua mọi khó khăn thử thách
______________________________
Đầu năm 1953, thực dân Pháp tập trung mọi nỗ lực nhằm chiếm lại lộ 15. ngày 19 tháng 1 năm 1953, địch tổ chức cuộc càn lớn gồm một tiểu đoàn lê dương, một tiểu đoàn ngụy binh và Âu Phi từ Bà Rịa đánh lên và từ Phú Mỹ đánh xuống. Lực lượng biệt kích của Souarcot tổ chức các cuộc càn đánh sâu vào các vùng sông Buông, Hắc Dịch, Bàu Lùng.
 Bộ đội địa phương huyện Vũng Tàu triển khai đội hình phục kích tại cầu Rạch Chanh. Đúng 7 giờ sáng, ta phát hiện địch và nổ súng, chặn đánh địch được hơn nửa giờ. Địch đông gấp nhiều lần, đồng chí Nguyễn Văn Tô hy sinh tại trận địa, đồng chí Riệm (tiểu đội phó) bị thương, đồng chí Tạ Tấn Lực bị thương và bị bắt. Đơn vị phải rút sâu vào núi Thị Vải.
Địch tiếp tục càn quét và hỗ trợ cho công binh sửa đường. Ngày 25 tháng 2 năm 1953, thực dân Pháp chiếm xã Phú Mỹ, đóng đồn và lập lại Chi khu Phú Mỹ, giải tỏa lộ 15 sau gần 5 năm bị ta cắt đứt. Tháng 4 năm 1953, địch đưa tiểu đoàn 6 Bình Xuyên do Lê Văn Pôn (con trai Bảy Viễn) chỉ huy về đóng đồn án ngữ lộ 15, tiểu đoàn bộ và một đại đội binh đóng tại Phú Mỹ; một đại đội đóng ở Bàn Thạch (Tân Thành), một đại đội đóng tại xã Đoàn Kết.
Nhân dân các xã Phú Mỹ, Xuân Hòa, Đoàn Kết, Tân Thành bị đưa ra các khu dồn ven lộ 15, một số gia đình chạy qua Thạnh An hoặc vào sâu trong căn cứ. Chi bộ Đảng không bám được trong dân. Bảy ngày sau khi giặc tái chiếm đường 15, công binh địch đã khắc phục toàn bộ cầu cống và san lấp các đoạn đường bị phá, xe quân sự đã bắt đầu chạy từ Bà Rịa đến Long Thành; hai mươi ngày sau đó, xe tải, xe hành khách từ Bà Rịa, Vũng Tàu về Sài Gòn bắt đầu chạy. Chúng đã khôi phục được quốc lộ 15 sau gần 6 năm bị quân ta cắt đứt, kể từ tháng 8 năm 1947 đến tháng 3 năm 1953.
Toàn bộ huyện Vũng Tàu lúc này chỉ còn Hắc Dịch là vùng độc lập. Các xã Xuân Hòa, Đoàn Kết, Tân Thành, Phú Mỹ đã bị địch chiếm lại, dân bị đưa ra các khu dồn, cán bộ đảng viên và du kích cũng ly hương, dạt ra ngoài. Các cơ quan của tỉnh và huyện Vũng Tàu phải chuyển sâu vào rừng Phú Mỹ, giáp Hắc Dịch. Giữa năm 1953, có đến 96 trong số 103 xã trong toàn tỉnh nằm trong vùng bị địch tạm chiếm và vùng du kích bị uy hiếp nặng; chỉ còn 4 xã trong vùng căn cứ có chi bộ Đảng bám được trong dân là Hắc Dịch, Phước Lộc (Phước Bửu-Lộc An), Xuyên Mộc và Cơ Trạch.
Hắc Dịch là một trong bốn xã vững vàng nhất. Chi bộ xã có 25 đảng viên (5 chi ủy). Toàn xã có 229 người dân. Trong khi đó, lực lượng quân-dân-chính Đảng của tỉnh và của huyện đóng tại căn cứ lên đến 2000 người. Lương thực thực phẩm do cán bộ, bộ đội tự túc và huy động từ các nguồn khác chiếm 60%, còn 40% do dân Hắc Dịch đóng góp. Trung bình, mỗi người dân Hắc Dịch nuôi 3 chiến sĩ. Đồng bào các xã lân cận trong vùng bị địch tạm chiếm cũng bất hợp tác với giặc, đưa gia đình về đây sinh sống.
Việc bảo vệ sản xuất và bảo vệ căn cứ là mối quan tâm thường trực lúc này. Vùng căn cứ khu Tây, từ khi thực dân Pháp chiếm lộ 15 và thường xuyên càn quét, đột kích đánh phá mùa màng, đồng bào phân tán vào sâu trong rừng, không dám ra rẫy sản xuất. Tỉnh ủy chỉ đạo các cơ quan, bộ đội phải đi đầu, đào hầm tại rẫy, vừa sản xuất, vừa đánh địch, làm nòng cốt vận động đồng bào trở về ruộng rẫy, phục hồi sản xuất. Bộ đội cùng đồng bào tổ chức canh gác, làm thêm bàn chông, hố đinh bảo vệ rẫy, nhất là khi mùa lúa, mùa bắp vào vụ thu hoạch, việc bố trí lực lượng chống càn, bảo vệ đồng bào thu hoạch mùa vụ được tổ chức chặt chẽ.
Mùa hè năm 1953, Phân liên Khu ủy Miền Đông Nam bộ mở hội nghị 7 ngày, bàn về phương châm công tác ba vùng tại Bà Đã (Chiến khu Đ). Tiếp thu tinh thần và kinh nghiệm của các địa phương trong Phân Liên khu Miền Đông, từ ngày 25 đến ngày 27 tháng 5 năm 1953, Tỉnh ủy mở Hội nghị cán bộ tại căn cứ khu Tây nhằm đánh giá lại thực trạng, tìm ra biện pháp khắc phục khó khăn, phục hồi và phát triển phong trào. Hội nghị đã quán triệt lại phương châm công tác ba vùng (vùng căn cứ, vùng du kích và vùng bị địch tạm chiếm), đánh giá đúng thực chất để phân loại vùng, tăng cường lực lượng vũ trang về hoạt động ở vùng du kích và vùng bị địch tạm chiếm để hỗ trợ cho phong trào.
Nhờ làm tốt công tác vận động quần chúng, xây dựng lại cơ sở vùng bị tạm chiếm, thanh niên các xã Cộng Hòa, Long Phước tòng quân rất đông, cuối năm 1953 có 160 thanh niên nhập ngũ. Bộ đội địa phương Vũng Tàu được bổ sung quân số hao hụt, phiên chế 3 trung đội bộ binh và 1 trung đội cối. Đồng chí Trần Văn Lý là đại đội trưởng; đồng chí Trần Văn Giỏi và đồng chí Nên là đại đội phó; đồng chí Lương Công Năng chính trị viên phó. Theo sự chỉ đạo của huyện, các đơn vị của C.3566 bộ đội địa phương huyện được bố trí trên các hướng địch thường càn quét. Trung đội 10 do đồng chí Be chỉ huy đứng chân vùng suối Châu Pha. Trung đội 12 do đồng chí Trần Văn Liễn làm trung đội trưởng, đứng chân vùng Tân Thành, hoạt động dọc lộ 15 và vùng rừng Sác, bảo vệ căn cứ của tỉnh. Trung đội 14 do đồng chí Phan Văn Nhàn làm trung đội trưởng hoạt động ở Phú Mỹ, bến Cây Dầu, giáp ranh với xã Phước Thái (huyện Long Thành). Trung đội cối do ban chỉ huy đại đội trực tiếp chỉ huy, tăng cường hỏa lực cho các trung đội bộ binh khi chiến đấu. Sau khi đồng chí Be hy sinh, đồng chí Võ Trăng đảm nhiệm cương vị trung đội trưởng đội 10. đơn vị phối hợp tác chiến với du kích các xã, hoạt động có hiệu quả.
Tỉnh ủy kiên quyết thực hiện việc giản chính theo hướng tinh gọn, tăng cường chất lượng, sử dụng lực lượng dôi ra làm nhiệm vụ sản xuất ở căn cứ và tổ chức thành các tổ vũ trang tuyên truyền đi vào vùng bị địch tạm chiếm xây dựng lại cơ sở. Một phần lớn cơ quan tỉnh chuyển trở lại căn cứ Xuyên Phước Cơ, chỉ để lại một bộ phận tiền phương trong đó có đại diện các cơ quan tỉnh do đồng chí Lương Văn Nho phụ trách. Lực lượng vũ trang chỉ còn đại đội 2 của Tiểu đoàn  300 cùng với đại đội binh chủng ở Rừng Sác và đại đội bộ đội địa phương huyện Vũng Tàu đứng chân tại Hắc Dịch, mở rộng hoạt động trên lộ 15.
Bộ máy quân-dân-chính-đảng ở huyện cũng giản chính theo phương hướng của tỉnh. Huyện phân công các cấp ủy viên phụ trách các đoàn quân-dân-chính-đảng về bám dân chỉ đạo củng cố các cơ sở Đảng, các đoàn thể cách mạng ở từng vùng, tổ chức lại lực lượng dân quân du kích. Bộ đội địa phương Vũng Tàu bám chắc địa bàn, cùng các xã phát động mạnh mẽ phong trào du kích chiến tranh. Trung đội 14 phối hợp cùng du kích Phú Mỹ thường xuyên đánh biệt kích đột nhập vào Hắc Dịch, Phú Mỹ từ hướng Phước Thái, Phước Thiện. Đồng chí Trần Văn Liễn, trung đội trưởng trung đội 12, đại đội 3566 bộ đội địa phương huyện Vũng Tàu dũng cảm truy kích địch tại Sông Xoài, đánh tan một trung đội biệt kích OR.
Đây là thời kỳ khó khăn nhất của quân và dân các xã khu vực lộ 15. Đại bộ phận dân cư nằm trong vùng bị tạm chiếm, ta không nắm được. Vùng căn cứ bị thu hẹp, chỉ còn rừng Hắc Dịch-Châu Pha. Sau hàng loạt trận chống càn liên miên, bộ đội địa phương huyện hao hụt quân số và vũ khí, mỗi cây súng, còn không quá 10 viên đạn. Lương thực thực phẩm hết, chưa có đường tiếp tế.
Với lực lượng của Tiểu đoàn ngụy binh BVN 65 tăng cường, tiểu đoàn Bình Xuyên hàng ngày tổ chức hành quân càn quét sâu vào hai bên lộ 15, đánh phá vùng căn cứ. Những tên chỉ huy của lực lượng biên soạn phản động hầu hết là những tên ác ôn, dã man khét tiếng như thiếu tá Tư Bụng, trung úy Búa, thiếu úy Ngân, trung úy FM, thiếu tá Tư Cúc, song chúng có điểm yếu căn bản, vốn là những tay lưu mạnh giang hồ, ham ăn ham chơi, ham tiền, ham gái, cầu an, hưởng lạc. Đối với bọn này, lực lượng địch vận của Tỉnh đội và Huyện đội thỏa thuận không đụng tới chúng với điều kiện hàng tháng phải chuyển cho ta một ít đạn, ta trả bằng tiền và yêu cầu chúng không được bắt bớ đánh đập dân. Đám sĩ quan Bình Xuyên nhận lời ngay và sẵn sàng thực hiện cam kết để có tiền tiêu xài.
Từng hoạt động trong bộ đội Bình Xuyên trước đay, đồng chí Trần Văn Liễn đã vận động được đại úy Võ Văn Môn (Bảy Môn), tiểu đoàn phó kiêm tham mưu trưởng tiểu đoàn 6 Bình Xuyên và một số sĩ quan trong đại đội 2 Bình Xuyên. Các đồng chí Trần Văn Liễn, Nguyễn Văn Kiềm đã trực tiếp gặp Bảy Môn bàn bạc, phân ranh giới hoạt động. Ta thỏa thuận cho phía Bình Xuyên được hành quân trên tuyến hành lang một cây số, tính từ mép lộ vào bìa rừng. Ngoài phạm vi đó là vùng kiểm soát của ta. Nếu địch hành quân vượt quá ranh giới, ta sẽ nổ súng. Bảy Môn đồng ý và thực hiện đúng cam kết. Ngoài ra Bảy Môn còn cung cấp cho ta đạn và khí tài. Từ đó, ta và lực lượng Bình Xuyên không chạm súng. Bộ đội địa phương huyện tập trung về Châu Pha, Hắc Dịch đối phó với bọn biệt kích ở tiểu khu và bọn biệt kích Souarcot ở Long Thành đánh vào.
Từ giữa năm 1953 địch phải rút quân ồ ạt từ Nam Bộ ra chi viện cho Trung Bộ và Lào. Địch gấp rút xây dựng thêm ngụy quân, chi phối các lực lượng vũ trang giáo phái. Số quân ngụy tăng lên cao nhất từ trước đến lúc đó. Địch sử dụng ngụy binh liên tục càn quét đánh phá vùng căn cứ kháng chiến.
Các cơ quan của tỉnh từ Phú Mỹ chuyển về căn cứ khu Đông. Tiểu đoàn 300 cũng chuyển về khu Đông hai đại đội. Căn cứ Phú Mỹ còn một đại đội bộ binh, ba đội binh chủng hoạt động vùng rừng Sác. Bộ phận chỉ huy tiền phương do đồng chí Lương Văn Nho phụ trách, đứng chân ở Hắc Dịch chỉ huy lực lượng của tỉnh và huyện Vũng Tàu ở căn cứ khu Tây. Tham gia trong Bộ chỉ huy tiền phương còn có các đồng chí Hồ Sĩ Nam chủ tịch Mặt trận Liên Việt tỉnh, đồng chí Nguyễn Thị Bạch Tuyết, Hội trưởng Hội phụ nữ cứu quốc tỉnh, và một số đồng chí trong tỉnh ủy.
Sau khi chuyển về căn cứ khu Đông, Tiểu đoàn 300 đã bám lộ 23, đánh thắng một trận vang dội, diệt một đại đội ứng chiến trên lộ 23, bắt sống tên đại úy Fardel chỉ huy trưởng chi khu Đất Đỏ. Nhân dân Hắc Dịch và các lực lượng ở căn cứ khu Tây hết sức phấn khởi. Trong khi đó, thực dân Pháp tìm mọi cách cứu tên Fardel. Phòng nhì tiểu Khu Bà Rịa cử tên Lắm liên lạc với Ban chỉ huy tỉnh đội để thảo luận điều kiện trao trả tù binh. Từng làm đại đội phó ở tiểu đoàn 300, sau về đầu hàng địch, tên Lắm rành địa bàn căn cứ khu Tây, tìm đến Phú Mỹ. Tháng 7 năm 1953, Lắm viết thư xin gặp đồng chí Lương Văn Nho nhờ du kích Phú Mỹ chuyển. Được sự đồng ý của Tỉnh ủy và Tỉnh đội, đồng chí Lương Văn Nho bố trí cho hắn gặp, nhưng không phải là để bàn việc trao đổi tù binh mà là đưa tên Lắm ra tòa án binh, kết tội về sự đầu hàng phản bội của hắn. Tháng 8 năm 1953, đồng chí Đặng Sương Mai về thay đồng chí Nguyễn Ngọc Hít làm huyện đội trưởng Vũng Tàu. Vào khoảng thời gian này việc sản xuất tự túc đã thu hoạch đáng kể, chưa có gạo, nhưng bắp ăn đủ no, sức khoẻ bộ đội bình phục. Công binh xưởng huyện Vũng Tàu đào hầm tại căn cứ suối Châu Pha sản xuất vũ khí suốt ngày đêm. Công việc chủ yếu là làm đạn rờ sạc, mìn và sửa chữa súng. Trong tháng 9 và tháng 10 năm 1953, bộ đội địa phương huyện Vũng Tàu đã có đủ đạn để chiến đấu. Ngày 19 tháng 8 năm 1953, theo sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, Huyện ủy Vũng Tàu tham gia hội nghị do Tỉnh đội và Liên chi ủy Tiểu đoàn 300 uốn nắn những lệch lạc trong việc thực hiện phương châm công tác ba vùng, chỉ đạo các đơn vị đi sâu vào vùng bị địch tạm chiếm, kết hợp tác chiến với công tác dân vận, địch ngụy vận và phát động quần chúng. Dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, các cơ quan, đoàn thể và các huyện đã nghiêm khắc sửa chữa những yếu kém và lệch lạc, nhất là công tác trong vùng bị địch tạm chiếm và vùng du kích, từng bước khôi phục lại phong trào./.





Bài 18
Củng cố lực lượng, khôi phục lại phong trào
__________________________

Hội nghị Tỉnh ủy tháng 9 năm 1953 đã sơ kết việc thực hiện phương châm ba vùng và triển khai học tập tài liệu quan trọng của đồng chí Lê Duẩn, Bí thư Trung ương Cục: “Mấy sai lầm căn bản cần sửa chữa gấp trong sự chỉ huy, lãnh đạo thực hiện chiến tranh nhân dân ở Nam Bộ”. Cùng với việc chỉ đạo học tập sửa chữa sai lầm khuyết điểm, Tỉnh ủy phát động hưởng ứng phong trào “thi đua sản xuất giết giặc lập công” với các nội dung cụ thể: thi đua phát triển sản xuất, thu hoạch vụ mùa 1953, thu thuế nông nghiệp, tiêu hao tiêu diệt sinh lực địch…
Tháng 12 năm 1953, từ hướng Bà Rịa, một đại đội biệt kích Commandos đột kích vào căn cứ của trung đội 14 tại suối Châu Pha. Nghe tiếng súng nổ, đại đội trưởng Trần Văn Lý đã lập tức triển khai đội hình đánh địch, chi viện, nhưng địch đã rút chạy, ta truy kích theo dấu máu. Lúc 11 giờ 30 phút, trinh sát phát hiện địch hội quân ăn cơm bên bờ Sông Xoài, đại đội phó Tám Cỏi lập tức đưa lực lượng vượt sông, vận động tập kích bất ngờ. Địch tháo chạy hỗn loạn, ta xung phong truy kích, thu 20 súng. Tên chỉ huy cùng với một tốp lính lẩn vào rừng chạy về Sở cao su Cuộctơnay thoát chết. Bộ đội ta chỉ có một đồng chí bị thương nhẹ.
Cuối tháng 12 năm 1953, Đại đội phó Nguyễn Văn Lên đưa một tiểu đội của trung đội 12 do đồng chí Nguyễn Văn Kiềm phụ trách về Long Phước tổ chức diệt tên ác ôn Một Mun. Đơn vị phục kích tại cầu Ông Địa, đón đánh Một Mun vào sáng thứ hai, khi hắn về tiểu khu họp. Sáng 25 tháng 12 năm 1953, chiếc xe Jeep từ đồn Long Phước chạy ra, đại đội phó Tám Lên quan sát trên cây mít ra hiệu lệnh cho tiểu đội Nguyễn Văn Kiềm nổ súng. Hôm ấy Một Mun không đi mà cử đội Đê và Đội Được họp thay. Đội Được bị thương, hai tên quăng súng, chạy tháo thân. Ta thu được 2 khẩu súng.
Bộ chính trị Trung ương Đảng quyết định mở chiến dịch Đông Xuân 1953-1954. Để phối hợp chiến trường, bộ tư lệnh Phân Liên khu Miền Đông chủ trương giũ vững và phát triển rộng khắp du kích chiến tranh, đẩy mạnh công tác địch ngụy vận, củng cố và mở rộng căn cứ địa, vận động nhân dân kết hợp tác chiến phá khu gom dân của địch.
Từ cuối năm 1953 trở đi, thế kìm kẹp của địch giảm dần. Thực dân Pháp phải rút một phần lớn lực lượng ở Nam Bộ ra tăng cường cho chiến trường Điện Biên Phủ. Tận dụng điều kiện thuận lợi, Huyện ủy Vũng Tàu chú trọng phát triển phong trào du kích chiến tranh. Đêm 4 tháng 1 năm 1954, đại đội trưởng Trần Văn Lý đưa bộ đội địa phương huyện Vũng Tàu hành quân từ Châu Pha vượt lộ 15 (khu vực Hầm Đá Long Hương), phục kích địch tại bến Ông Trăng (Long Hương) diệt một trung đội Cao Đài, thu 2 súng trung liên FM, 17 súng trường, súng phóng lựu đạn và tiểu liên. Trận đánh ngay sát nách tỉnh lỵ và tiểu khu của địch đã cổ vũ mạnh tinh thần kháng chiến của quân và dân toàn tỉnh. Bộ đội địa phương huyện toàn thắng, không có đồng chí nào thương vong.
Những thắng lợi của quân dân ta trên khắp các chiến trường đầu năm 1954 có tác động ảnh hưởng đến phong trào kháng chiến của tỉnh và của huyện. Song song với hoạt động vũ trang, Huyện ủy đẩy mạnh công tác địch ngụy vận. Tề ngụy hoang mang, lính ngụy co lại trong các đồn bót, giảm các hoạt động càn quét. Do chú trọng phương châm công tác ba vùng, nhất là trong vùng bị địch tạm chiếm và vùng du kích, phong trào đấu tranh của quần chúng trong vùng bị tạm chiếm từng bước hồi phục và phát triển.
Tháng 3 năm 1954, đại đội 3 tiểu đoàn 300 từ Phước Bửu được lệnh hành quân về Hắc Dịch thay thế nhiệm vụ của đại đội 2. Bộ đội địa phương huyện Vũng Tàu vừa đánh địch ở cầu Rạch Bà rút qua Phước Tỉnh về Phước Bửu cũng được lệnh hành quân về Hắc Dịch. Hai đại đội vừa dừng chân ở khu vực Suối Gùi (một nhánh của Suối Châu Pha) thì lực lượng biệt kích do tên trung úy ác ôn Souarcot chỉ huy đột kích thẳng vào đội hình trung đội 2 của đại đội 3. ngay lập tức, bộ đội ta dựa vào bờ suối, triển khai đội hình đánh phản kích. Khẩu trung liên của xạ thru Muôn nhả liên tiếp hai băng đạn, hạ gục nhiều tên trong toán đi đầu. Bộ đội địa phương huyện Vũng Tàu cùng hai trung đội của đại đội 3 vận động bao vây, nổ súng buộc địch phải rút lui.
Bọn biệt kích bu lại khiêng mấy xác chết và tên chỉ huy bị thương nặng về Long Thành. Trên đường về, tên chỉ huy đã chết tại dốc Bà Ký. Hắn chính là Souarcot, trung úy chỉ huy tiểu đoàn biệt kích ác ôn khét tiếng, đã gây nhiều tội ác với đồng bào, đồng chí của ta ở căn cứ khu Tây và đồng bào huyện Long Thành (Biên Hòa). Tin tiểu đoàn 300 diệt được Souarcot loan đi rất nhanh. Cả huyện Long Thành, huyện Vũng Tàu và lực lượng kháng chiến trong toàn tỉnh rất đỗi vui mừng. Sau khi Souarcot chết hoạt động biệt kích giảm hẳn. Đồng bào Long Thành và Vũng Tàu đã gửi nhiều thư khen và cảm ơn cán bộ chiến sĩ Tiểu đoàn 300. đồng bào vùng căn cứ khu Tây yên tâm và hăng hái tăng gia sản xuất.
Tin chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954) làm nức lòng nhân dân cả nước. Các lực lượng vũ trang trong tỉnh đều xây dựng phương án đánh địch. Ngày 7 tháng 5 năm 1954 quân và dân huyện Vũng Tàu vô cùng phấn khởi đón nhận tin chiến thắng vang dội trên chiến trường Điện Biên Phủ. Phối hợp và phát huy thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ, các lực lượng vũ trang tỉnh và huyện đều xây dựng phương án tác chiến tiến công đồn bót địch. Tiểu đoàn 300 cùng bộ đội địa phương Long Điền-Đất Đỏ tiến công đồn Long Tân đêm 21 tháng 8 năm 1954 nhưng dứt điểm được.
Bộ đội địa phương huyện Vũng Tàu nghiên cứu đánh đồn Long Phước. Lực lượng địch đóng tại đây có từ một đến hai trung đội, do tên Một Mun chỉ huy. Bọn lính thường xuyên lùng sục vào vùng làng bắt gà vịt, bẻ trái cây của dân ăn không trả tiền. Một Mun ham gái, thích ai là tìm cách vu khống bắt vào hãm hiếp. Nhân dân lo sợ. Huyện ủy Vũng Tàu chỉ đạo bộ đội địa phương huyện nghiên cứu quyết tiêu diệt bọn này.
Đại đội trưởng Trần Văn Lý, đại đội phó Tám Cỏi cùng tiểu đội trinh sát về Long Phước ở dưới hầm bí mật, ban đêm tung lên bò sát vào hàng rào địch nghiên cứu 6, 7 đêm liền. Kế hoạch tác chiến như sau: tổ đặc công và trinh sát có nhiệm vụ đem trái mìn FT 15 kg đặt vào lô cốt mẹ, chờ lệnh châm điện. Trung đội 10 có nhiệm vụ đem trái FT 10 kg áp sát lô cốt số 2. Trung đội 12 do đồng chí Trần Văn Liễn chỉ huy có nhiệm vụ bí mật cắt hàng rào, chuẩn bị tư thế xung phong sau khi có tiếng súng nổ làm lệnh đánh sập các lô cốt. Trung đội 14 làm đội dự bị. Mọi kế hoạch phải làm xong trước 24 giờ đêm 21 tháng 7 năm 1954.
Đơn vị hành quân lúc 19 giờ từ căn cứ Hắc Dịch. Đội hình vừa rời khỏi căn cứ 1 km, thì có lệnh hỏa tốc của huyện đội Vũng Tàu đưa xuống. Kèm theo lệnh của huyện đội, còn có một lệnh chung của Ban chỉ huy tỉnh Bà Rịa-Chợ Lớn do tham mưu trưởng Lương Văn Nho ký với nội dung: “… Pháp đã thua, Hiệp định Giơnevơ đã ký kết. Ban chỉ huy ra lệnh ngưng các cuộc hành quân chiến đấu…” Trận đánh cuối cùng đã chuẩn bị xong đành phải ngưng lại.
Hiệp định Giơnevơ được ký kết trong đêm 20 tháng 7 năm 1954, thực dân Pháp buộc phải ký kết thúc chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam. Các lực lượng vũ trang và công an, dân chính Đảng của tỉnh và huyện Vũng Tàu đều tập kết về Xuyên Mộc – Hàm Tân rồi xuống tàu nhỏ tại bến Gò Dầu (Phú Mỹ) để ra cửa Rạch Dừa (Vũng Tàu) chuyển lên tàu lớn tập kết./.







Bài 19
Tổ chức lại lực lượng
_____________________________

Hiệp định Giơnevơ được ký kết ngày 20 tháng 7 năm 1954, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân ta kết thúc thắng lợi. Miền Bắc được hoàn toàn giải phóng, miền Nam còn tạm thời do đối phương kiểm soát. Tuyên bố cuối cùng của Hiệp định ghi rõ: “Các bên tham gia Hội nghị thừa nhận về nguyên tắc sự độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam; trong hai năm (tức tháng 7 năm 1956), hai miền sẽ hiệp thương tổng tuyển cử thống nhất cả nước; quyết định lấy vĩ tuyến 17 là giới tuyến quân sự tạm thời ở Việt Nam”.
Hiệp định Giơnevơ là một thắng lợi to lớn của nhân dân ta trong suốt 9 năm kháng chiến, đồng thời là pháp lý để nhân dân miền Nam tiếp tục cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc. Song, cách mạng miền Nam lại phải đối phó với một kẻ thù nguy hiểm là đế quốc Mỹ, như Nghị quyết Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng lần thứ VI (15/7/1954) đã xác định rõ: Mỹ là kẻ thù chính của nhân dân thế giới và “hiện đang trở thành kẻ thù chính và trực tiếp của nhân dân Đông Dương”.
Trước khi Hiệp định Giơnevơ được ký kết, đế quốc Mỹ đã sắp đặt một kế hoạch phá hoại hiệp định, phá hoại hòa bình. Âm mưu chiến lược của đế quốc Mỹ đối với Việt Nam là: “Thay chân Pháp, phá hoại Hiệp định Giơnevơ, tiêu diệt cơ sở Đảng và phong trào cách mạng của nhân dân ta, biến miền Nam Việt Nam thành thuộc địa kiểu mới và căn cứ quân sự của chúng; cùng với Lào và Thái Lan hình thành phòng tuyến ngăn chặn chủ nghĩa xã hội tràn xuống Đông Nam Á, tiếp đó lấy Nam Việt Nam làm bàn đạp uy hiếp tiến tới thôn tính Bắc Việt Nam, hòng bao vây uy hiếp các nước xã hội chủ nghĩa từ phía Nam”.
Ngày 7 tháng 7 năm 1954 đế quốc Mỹ đưa Ngô Đình Diệm (vốn là tay sai Pháp, Nhật được Mỹ nuôi dưỡng đào tạo ở Mỹ) về miền Nam làm Thủ tướng, lập chính phủ bù nhìn. Tháng 9 năm 1954, Mỹ thành lập khối liên minh phòng thủ Đông Nam Á gồm 3 nước Đông Dương: Việt Nam, Lào, Campuchia nhằm mục đích chống cộng. Tháng 11 năm 1954 chúng cử tướng Côlin sang miền Nam làm đại sứ và thực hiện kế hoạch 6 điểm của chính quyền Aixenhao nhằm áp đặt chủ nghĩa thực dân mới của Mỹ, âm mưu chia cắt lâu dài đất nước ta, biến miền Nam Việt Nam thành thuộc địa kiểu mới và căn cứ quân sự của chúng ở vùng Đông Nam Á. Ngày 1 tháng 1 năm 1955 phái đoàn cố vấn quân sự Mỹ MAAG ở Sài Gòn bắt đầu đảm nhiệm việc “huấn luyện, trang bị” cho quân ngụy, thực chất là giành quyền chỉ huy trực tiếp quân ngụy, nắm và từng bước cải tổ xây dựng bộ máy quân sự của chúng ở miền Nam.
Phục vụ cho âm mưu chiến lược đó, đế quốc Mỹ ráo riết tập trung đầu tư nâng cấp, xây dựng mới hàng loạt sân bay, bến cảng, kho tàng trong đó có sân bay Vũng Tàu… Hệ thống đường giao thông thủy bộ cũng được mở rộng để phục vụ cho các hoạt động quân sự. Đặc biệt là tuyến đường xa lộ Sài Gòn – Biên Hòa (30 km) nối với quốc lộ 15 đi Vũng Tàu và tuyến đường Sài Gòn – Vũng Tàu.
Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược trước đây Tân Thành đã là một địa bàn chiến lược quan trọng, bước sang thời chống Mỹ vị trí chiến lược của Tân Thành lại càng trọng yếu hơn, với vị trí án ngữ cửa ngõ vào Sài Gòn, “thủ phủ” của chế độ bù nhìn ở miền Nam, nơi tập trung hầu hết các cơ quan đầu não chỉ đạo cuộc chiến tranh xâm lược. Do tính chất chiến lược của địa bàn, Mỹ-Diệm đã tổ chức Sài Gòn thành một yếu khu, miền Đông Nam Bộ thành vùng 3 chiến thuật, căn cứ đặt tại xã Biên Hòa với một hệ thống cứ điểm quân sự đặt dưới sự yểm trợ của vùng 3 chiến thuật Biên Hòa.
Mỹ – Diệm gấp rút đào tạo một đội ngũ tay sai mới, sử dụng các tên ác ôn có nhiều nợ máu với nhân dân đưa về các địa phương nắm lấy những chức vụ chủ chốt trong bộ máy tề ngụy cơ sở. Chúng ra sức xây dựng bộ máy tề nghụy các cấp từ trung ương đến cơ sở xã ấp. Đặc biệt là tập trung mọi nỗ lực để cải tổ, phát triển lực lượng quân sự, tổ chức quân ngụy, đóng đồn bót, xây dựng và mở rộng căn cứ, hậu cứ quân sự. Ở Bà Rịa – Vũng Tàu, đã xây dựng nhiều căn cứ quân sự, hải cảng, Trung tâm huấn luyện, và hậu cứ cho các đơn vị chủ lực. Chúng củng cố vành đai yết hầu này thành một hậu cứ, “sân sau” của “thủ phủ”, tạo một vành đai an toàn, tạo thế mở rộng cuộc chiến tranh xâm lược.
Cuối năm 1954 đầu năm 1955, Mỹ ngụy lừa gạt và cưỡng ép, đưa gần một triệu đồng bào Thiên chúa giáo ở miền Bắc di cư vào miền Nam. Phần lớn đồng bào được bố trí định cư ở các tỉnh miền Đông Nam Bộ, tập trung trên các tuyến giao thông chiến lược, quanh các căn cứ quân sự quan trọng của địch và cắm sâu vào các vùng căn cứ kháng chiến của ta trước đây. Gần 2 vạn đồng bào Thiên chúa giáo di cư được đưa về Bà Rịa và Vũng Tàu, cắm dọc theo trục lộ 15, lộ 2 và lộ 23. Trên tuyến lộ 15, đế quốc Mỹ và tay sai đã bố trí hàng rào dân di cư từ ấp Phước Lộc (Phước Hòa) đến Kim Hải, nối với cụm dân di cư Long Hương, Phước Lễ, trải dài đến tận Phước Tỉnh, Hải Đăng, Phước Thắng, Thắng Nhất, Bến Đá, Sao Mai (Vũng Tàu) để án ngữ các tuyến hành lang chiến lược này. toàn bộ cụm dân di cư ven lộ 15 đều được bố trí trên tuyến phía bắc con lộ này, án ngữ cửa ngõ vào khu căn cứ Núi Dinh – Thị Vải.
Năm 1955, chính quyền Ngô Đình Diệm đã xây dựng xong bộ máy hương thôn, chiếm đóng các đồn bót khắp xã, huyện. Ở các xã có Hội đồng xã, ban đại diện ấp, các tổng đoàn, xã đoàn dân vệ, tổ chức mạng lưới cảnh sát mật vụ chìm, nổi khắp nơi. Chúng tung bọn “công dân vụ”, “dân ý vụ” vào các xã ấp, nắm tình hình nhân sự, lập danh sách cán bộ, đảng viên và những người kháng chiến cũ, xuyên tạc cách mạng, gây nghi ngờ chia rẽ trong nhân dân. Với chiêu bài “quốc gia độc lập” giả hiệu, chính quyền Ngô Đình Diệm đã ra sức tuyên truyền tư tưởng phản động của Đảng Cần lao Nhân vị, ép buộc nhân dân vào các tổ chức: Phong trào cách mạng quốc gia, Hiệp hội nông dân, Thanh niên cộng hòa, Phụ nữ cộng hòa, nhất là lôi kéo số cán bộ kháng chiến thoái hóa, biến chất làm tay sai cho chúng để đánh phá phong trào cách mạng ở các xã trong tỉnh.
Ngô Đình Diệm ban hành đạo vụ số 1 bắt nông dân đóng tô cho địa chủ, khôi phục giai cấp địa chủ, làm nền cho chế độ bù nhìn của chúng. Đạo dụ số 2 được Ngô Đình Diệm ban hành ngày 8 tháng 1 năm 1955 buộc nông dân phải lập khế ước tá điền loại A đối với ruộng đang canh tác, thời hạn khế ước là 5 năm. Mức đóng tô mới được quy định từ 15 đến 20%. Bãi bỏ “ ủy ban điền giải” để thành lập “Ủy ban nông vụ” ở các cấp do cai tổng, quận trưởng và tỉnh trưởng làm chủ tịch để giải quyết tranh chấp ruộng đất giữa nông dân và địa chủ. Thực chất của chỉ dụ số 2 và lập khế ước loại A là tái xác nhận quyền sở hữu ruộng đất của địa chủ, phủ nhận quyền sở hữu của nông dân trên những mảnh ruộng mà chính quyền cách mạng đã cấp cho họ trong kháng chiến chống Pháp. Mức tô nộp của địa chủ đã bị tịch thu và tính cả thời gian mà chúng bỏ chạy không trực tiếp quản lý. Chỉ dụ số 2 làm cho nhiều nông dân trở thành trắng tay, giai cấp địa chủ sống lại ở nông thôn.
Ngoài bộ máy tề ngụy các cấp, chúng còn tổ chức đưa bọn công dân vụ, công an chìm, nổi, bọn tình báo trá hình trong các đoàn “xây dựng hương thôn”, “diệt trừ sốt rét”… luồn về các xóm ấp, vào sâu các vùng đồng bào dân tộc, các sở cao su… điều tra thăm dò tình hình, lập danh sách những người kháng chiến, những gia đình có liên hệ với cách mạng, phân loại dân chuẩn bị cho các chiến dịch “tố cộng”, “diệt cộng” sau này. Mặt khác chúng tuyên truyền lừa mị dân chúng bằng cách tổ chức các đảng phái, đoàn thể phản động như “Đảng cần lao nhân vị”, “Phong trào cách mạng quốc gia”, các tổ chức “Công đoàn vàng”, các đoàn thể “Thanh niên cộng hòa”, “Phụ nữ liên đới”. Thâm độc hơn, địch thiết lập hệ thống kìm kẹp nhân dân rất chặt chẽ bằng cách cứ 5 hộ gia đình lập ra “ngũ gia liên bảo” để kiểm soát mọi hoạt động, sinh hoạt của mỗi người dân, gây nghi ngờ chia rẽ nhân dân, khống chế, theo dõi những đảng viên Cộng sản được cách mạng bố trí lại. Mục tiêu trọng tâm của Mỹ Diệm là tạo thực lực cả về quân sự và chính trị xã hội để đánh phá cách mạng, triệt hạ mọi cơ sở hạ tầng của Đảng.
Sau ngày đình chiến, huyện Vũng Tàu bố trí cho các đồng chí thuộc lực lượng vũ trang về khu tập kết 80 ngày ở Hàm Tân – Xuyên Mộc, phiên chế vào trung đoàn Bà Chợ. Các cán bộ Huyện ủy đã được dự lớp huấn luyện của Tỉnh ủy dành cho các đồng chí ở lại, quán triệt thắng lợi của Hiệp định Giơnevơ (1954), xác định tình hình nhiệm vụ mới.
Các cán bộ thuộc diện ở lại được bố trí theo từng cụm dân cư từ vùng căn cứ về vùng địch kiểm soát, sinh sống hợp pháp, chuẩn bị cho một giai đoạn đấu tranh mới. Nhiệm vụ chung của cán bộ, đảng viên ở lại là xây dựng cơ sở chính trị rộng rãi trong các tầng lớp nhân dân, lãnh đạo quần chúng đấu tranh dân sinh dân chủ theo tinh thần của Hiệp định Giơnevơ (1954), chống khủng bố những người kháng chiến (Điều 14C). Đây là một giai đoạn vô cùng khó khăn, khi phải chuyển từ phương thức đấu tranh vũ trang sang phương thức đấu tranh chính trị; ta không còn lực lượng vũ trang mà đấu tranh với địch chỉ bằng lực lượng chính trị của quần chúng trên cơ sở pháp lý Hiệp định Giơnevơ.
Lòng tin vào sự nghiệp cách mạng của Đảng, tin tưởng vào Bác Hồ kính yêu và tin vào sự thắng lợi tất yếu của nhân dân Bà Rịa-Vũng Tàu nói chung, của nhân dân Tân Thành nói riêng vẫn trước sau như một. Tuy vậy đồng bào vẫn không khỏi băn khoăn lo lắng khi chính quyền cách mạng không còn, lực lượng vũ trang và phần lớn cán bộ, đảng viên xuống tàu tập kết ra Bắc./.






Bài 20
Chuyển phương châm đấu tranh chính trị
________________________________

Ngày 22 tháng 7 năm 1954, trong thư gửi đồng bào miền Nam ngay sau khi Hiệp định Giơnevơ được ký kết, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi đồng bào cả nước. Người nói rõ: “Đồng bào miền Nam kháng chiến trước hết giác ngộ rất cao. Tôi tin chắc rằng đồng bào sẽ đặt lợi ích của cả nước lên trên lợi ích của địa phương, lợi ích lâu dài lên trên lợi ích trước mắt mà ra sức cùng đồng bào toàn quốc phấn đấu để củng cố hòa bình, thực hiện thống nhất, hoàn thành độc lập dân chủ trong toàn quốc. Đảng, chính phủ và tôi luôn luôn theo dõi sự cố gắng của đồng bào. Tôi tin chắc đồng bào sẽ thắng lợi…”
Ngày 23 tháng 7 năm 1954, Trung ương Cục miền Nam ra Chỉ thị chỉ đạo các địa phương tiến hành giáo dục cán bộ, chiến sĩ và nhân dân nhận rõ thắng lợi của Hiệp định và không được mơ hồ mất cảnh giác với âm mưu đế quốc, nắm vững điều thứ 14C của Hiệp định để làm cơ sở pháp lý đấu tranh chính trị: “Mỗi bên cam kết không dùng cách trả thù hay phân biệt đối xử nào đối với cá nhân hoặc tổ chức vì lý do hoạt động của họ trong lúc chiến tranh, và cam kết bảo đảm những quyền tự do dân chủ của họ”.
Tháng 9 năm 1954, Bộ Chính trị Ban chấp hành Trung ương Đảng ra nghị quyết về tình hình nhiệm vụ mới, quyết định giải thể Trung ương Cục miền Nam và thành lập Xứ ủy Nam Bộ. Xứ ủy giải thể các Phân liên khu trong kháng chiến chống Pháp, tổ chức lại thành 3 Liên tỉnh ủy: Miền Đông, miền Trung, miền Tây và lập Thành ủy thành phố Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định. Liên tỉnh miền Đông được thành lập, đồng chí Phan Đức, Xứ ủy viên là Bí thư Liên tỉnh ủy.
Xứ ủy quyết định giải thể tỉnh Bà Chơ, thành lập Tỉnh ủy Bà Rịa do đồng chí Nguyễn Kế Hoa là Bí thư. Tỉnh ủy chủ trương phát triển cơ sở trong quần chúng, tập hợp mọi lực lượng vào các tổ chức hợp pháp, bán hợp hợp pháp. Lấy đấu tranh dân sinh dân chủ, đòi hiệp thương tổng tuyển cử thống nhất đất nước, chủ động xây dựng lực lượng kể cả đảng viên, đoàn viên, cốt cán cảm tình cách mạng đưa vào lực lượng tề xã, ngụy quân các loại làm cơ sở nội tuyến để hỗ trợ phong trào đấu tranh và để sử dụng tiến công địch khi có thời cơ.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ các cấp, phong trào đấu tranh chính trị của các tầng lớp nhân dân trong tỉnh đã dấy lên mạnh mẽ rộng khắp. Những cuộc đấu tranh trên quy mô lớn của công nhân cao su và nông dân vùng lộ 2, đấu tranh của các tầng lớp nhân dân Thị xã Cấp, thị xã Bà Rịa và các huyện Long Điền, Đất Đỏ đã diễn ra rất sôi nổi từ cuối năm 1954 đến năm 1955.
Tuy nhiên, do những nét đặc thù, phong trào đấu tranh chính trị trên địa bàn Tân Thành trong thời kỳ này có những hạn chế nhất định. Trong những năm 1952-1954, do địch đánh phá ác liệt, một phần lớn nhân dân các xã vùng lộ 15 và vùng Rừng Sác đã ly hương. Chi bộ xã cũng không bám được dân, các đảng viên theo nhân dân ly hương  cũng không liên lạc được với tổ chức. Sau ngày đình chiến, từ cuối năm 1954 qua năm 1955, đồng bào mới từ Thạnh An, Cần Giờ, Bà Trao-Núi Nứa trở về định cư. Các xã hầu như chưa xây dựng lại được chi bộ. Vì thế, trong khi phong trào đấu tranh chính trị trong tỉnh diễn ra khá sôi nổi trên các địa bàn thì hầu như phong trào vùng lộ 15 vẫn còn trầm lắng.
Về mặt tổ chức, địa bàn lộ 15 trong kháng chiến chống Pháp thuộc huyện Vũng Tàu. Từ tháng 10 năm 1954, tỉnh Bà Rịa được thành lập lại, Huyện ủy Vũng Tàu mới củng cố các cơ sở Đảng ở Thị xã Cấp (Vũng Tàu) và Bà Trao-Núi Nứa mà chưa với tới vùng lộ 15. Đồng chí Nguyễn Đăng Khoa (Huyện ủy viên Vũng Tàu) đã qua vùng rừng Sác Hội Bài, Bà Trao-Núi Nứa xây dựng cơ sở rồi bị địch bắt ở Cần Giờ. Đồng chí Nguyễn Ân Thưởng (Thị ủy viên Bà Rịa) được chỉ định phụ trách địa bàn lộ 15 cũng bị địch bắt. Cán bộ, đảng viên và cơ sở cách mạng trên địa bàn Tân Thành chưa được tổ chức lại. Cho đến khi Tỉnh ủy quyết định thành lập Huyện ủy Châu Thành (giữa năm 1957), cơ sở Đảng vùng lộ 15 vẫn chưa được khôi phục. Một số đảng viên và quần chúng cách mạng trên địa bàn chủ động làm công tác vận động quần chúng, xây dựng cơ sở cách mạng và tuyên truyền các chủ trương của Đảng trong thời kỳ này, trong đó có đồng chí Nguyễn Văn Kia ở Phước Tấn (Phước Hòa), Năm Thâm, Chín Kiềm, Sáu Tới ở Phú Mỹ…
Theo phương châm hoạt động lúc đó, các đảng viên hình thành “tổ nòng cốt rễ chuỗi”. Mỗi cán bộ, đảng viên quan hệ chặt chẽ bí mật với một số cốt cán cơ sở. Mỗi cốt cán lại quan hệ nắm một số quần chúng tích cực. Mỗi quần chúng tích cực lại quan hệ xây dựng một số quần chúng khác từ đó mà xây dựng các “lõm chính trị” trong nhân dân.
Ngày 4 tháng 3 năm 1955, Mỹ Diệm tiến hành bầu cử quốc hội Việt Nam Cộng Hòa. Đây là hành động trắng trợn vi phạm hiệp định Giơnevơ, đi ngược lại nguyện vọng thiết tha của đồng bào ta là hiệp thương tổng tuyển cử thống nhất đất nước. Bộ mặt quốc gia giả hiệu của Diệm ngày càng lộ rõ. Tháng 10 năm 1955, Mỹ –Diệm tổ chức “Trưng cầu dân ý”, truất phế Bảo Đại đưa Ngô Đình Diệm lên làm tổng thống. Phong trào đấu tranh chống “Trưng cầu dân ý” diễn ra sôi nổi, nhân dân tìm cách né tránh, không đi bầu, nếu buộc phải đi bầu thì tìm cách xé phiếu hoặc bôi lem rồi bỏ vào thùng. Cũng trong tháng 10 năm 1955, Ngô Đình Diệm ra dụ số 2 tước quyền sở hữu ruộng đất của nông dân, buộc nông dân phải làm khế ước ruộng đất với bọn địa chủ, truy nộp đủ thuế trong những năm kháng chiến, thu hồi số ruộng đất cách mạng cấp phát cho nông dân.
Giữa năm 1957, Tỉnh ủy Quyết định thành lập Huyện ủy Châu Thành, đồng chí Nguyễn Văn Nghiệp (tức Tư Hoàng Sào) làm Bí thư, đồng chí Trần Văn Nhượng (tức Tư Quy) là Phó Bí thư. Ban cán sự cao su cùng chi bộ các xã Nam-Bắc lộ 15, Hòa Long, Long Phước trực thuộc Huyện ủy Châu Thành. Theo chỉ đạo chung, Huyện ủy Châu Thành bố trí một số đảng viên, đoàn viên vào lực lượng tề ngụy ở xã ấp, xây dựng cơ sở nội tuyến trong lòng địch với phương châm “xanh vỏ đỏ lòng”. Các đồng chí Nguyễn Văn Nghiệp (Bí tư Huyện ủy), Trần Văn Nhượng (Phó Bí thư Huyện ủy) đã về tổ chức cơ sở vùng lộ 15, bố trí anh Tám Chốn (tức Hứa Văn Chốn) vào lực lượng dân vệ xã Phú Mỹ.
Song song với các chiến dịch thanh toán các phe phái đối lập, ngụy quyền Sài Gòn triển khai chiến dịch “tố cộng”, “diệt cộng”, khủng bố những người kháng chiến. Bước một của chiến dịch tố cộng, chúng tiến hành đổi thẻ căn cước nhằm phân loại dân cư. Loại A gồm những đảng viên, cán bộ và người kháng chiến bị chúng liệt vào loại “công dân bất hợp pháp”; Loại B gồm những người có dính líu đến kháng chiến như cha, mẹ, vợ, chồng, anh em, con cái của đảng viên, cán bộ, du kích… bị chúng liệt vào loại “công dân nửa hợp pháp”. Loại C gồm những người gọi là “Không liên quân với cách mạng”. Thủ đoạn của địch là dựa vào loại C, đánh vào loại A và phân hóa loại B; buộc những người kháng chiến cũ phải ra trình diện, nhận giấy chứng nhận “cán bộ hồi cư” để quản thúc, khi có lệnh của chúng phải ra đồn bót hoặc trụ sở tề ngủ đêm, đến sáng mới được về nhà.
Bước hai “Tố cộng” được mở màn bằng một chiến dịch tuyên truyền qui mô rộng lớn trên tất cả các phương tiện thông tin đại chúng, bằng nhiều hình thức, nhằm xuyên tạc kháng chiến, bôi nhọ cách mạng, phủ nhận công lao của Đảng Cộng sản trong kháng chiến chống thực dân Pháp, tô son trát phấn cho chế độ tay sai ở Sài Gòn với các chiêu bài “đả thực, bài phong, diệt cộng” tạo uy thế chính trị và cơ sở xã hội cho chính quyền các cấp của Mỹ Diệm.
Trước tình hình đó, nhân dân các xã đã bằng nhiều hình thức đấu tranh với địch để giữ gìn lực lượng nhằm chống lại kế hoạch phân loại để phát hiện cộng sản của địch. Nhân dân ta đã nêu cao pháp lý của hiệp định nhất là điều 14C cấm bắt bớ trả thù những người kháng chiến cũ, tận dụng cả 3 thế hợp pháp, nửa hợp pháp, bất hợp pháp để đấu tranh. Nói xấu cộng sản, nói xấu kháng chiến, giặc đã xúc phạm đến tình cảm thiêng liêng của đồng bào. Lòng tin đối với Đảng với Bác Hồ và bao chiến sĩ cách mạng đã tạo thành sức mạnh và ý chí quyết tâm, đồng thời nảy sinh trong quần chúng nhân dân trăm phương nghìn kế để chống trả cuộc tiến công kẻ thù./.





Bài 21
Hình thành các đội vũ trang tuyên truyền, hỗ trợ đấu tranh chính trị
______________________________
 Trong thời kỳ đấu tranh chính trị, nhiều cơ sở Đảng tiếp tục bị tổn thất. Mặc dù tổ chức bí mật, song hoạt động công khai và đấu tranh công khai khiến các cán bộ đảng viên trung kiên, hăng hái sớm bị lộ; khi địch khủng bố thì những nơi có phong trào đấu tranh mạnh đều bị tổn thất nặng. Tâm tư tình cảm của cán bộ, đảng viên và cơ sở cách mạng xuất hiện những băn khoăn lo lắng trước tổn thất ngày càng to lớn của phong trào. Nhiều đồng chí không thể hoạt động hợp pháp trong dân, phải tạm lánh ra rừng sống bất hợp pháp ở khu tây lộ 2, núi Thị Vải, Hắc Dịch để tiếp tục gây dựng phong trào.
Từ cuối năm 1955, sau nhiều trận đọ súng với quân đội Sài Gòn, lực lượng Bình Xuyên bại trận chạy về đóng quân rải rác từ Rừng Sác, núi Thị Vải, Rừng Giồng Châu Pha, Cẩm Mỹ, Bình Ba Cây Táo… Liên tỉnh ủy Miền Đông Nam Bộ đã cử một phái đoàn vào gặp lực lượng Bình Xuyên (5/1955) để bàn việc liên hiệp với cách mạng chống chế độ Mỹ - Diệm. Cuộc thảo luận thứ hai (tháng 9 năm 1955) ở cấp cao hơn gồm các đồng chí Võ Văn Khánh, Bí thư Liên tỉnh ủy Miền Đông Nam Bộ, Hoàng Đạo, Phó Ban binh vận Xứ ủy và Nguyễn Trọng Tâm, cán bộ binh vận Liên tỉnh ủy. Phái đoàn ta đã thuyết phục được Trung tá Võ Văn Môn, chỉ huy một tiểu đoàn Bình Xuyên ly khai, đưa về Chiến khu Đ, xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng.
Tỉnh ủy đã giao nhiệm vụ cho đồng chí Võ Văn Thiết về khu vực Rừng Giồng lộ 15 vận động các toán tàn quân Bình Xuyên đi theo cách mạng, cải biến thành đội vũ trang tuyên truyền. Đại úy Nguyễn Văn Đây và 12 lính Bình Xuyên đang náu tại Rẫy Thơm (Phú Mỹ) đã giác ngộ, mang theo 13 khẩu súng (có một trung liên) đưa về căn cứ bí mật ở Thị Vải.
Tháng 12 năm 1956, gần 500 tù chính trị đã phá khám Biên Hòa, vượt ngục thắng lợi. Cán bộ đảng viên vượt ngục tập hợp thành từng đoàn, cắt rừng trở về các địa phương tiếp tục công tác. Đoàn tù chính trị tỉnh Bà Rịa (gần 20 đồng chí) do đồng chí Trần Văn Bửu (tức Sáu Tâm) phụ trách trở về vùng căn cứ Hắc Dịch tháng 1 năm 1957. Đồng chí Lê Minh Hà đã thay mặt Tỉnh ủy giao nhiệm vụ cho đồng chí Trần Văn Bửu tổ chức cho anh em học tập chính trị, kiểm điểm tại Hắc Dịch và tổ chức lại dưới hình thức vũ trang tuyên truyền.
Đoàn tù chính trị thứ hai gồm hơn 100 đồng chí thuộc các tỉnh Sài Gòn – Gia Định và miền Tây Nam Bộ do đồng chí Sáu Chuộng phụ trách cũng cắt rừng về Hắc Dịch để tìm đường trở về địa phương. Cùng thời gian này, đơn vị vũ trang do Nguyễn Quốc Thanh phụ trách được Liên Tỉnh ủy miền Đông Nam Bộ điều từ Rừng Sác (Nhơn Trạch) về Rừng Giồng, hoạt động từ suối Tà Ngân (một nhánh của Suối Cả) đến Hắc Dịch với nhiệm vụ xây dựng căn cứ, đón và bảo vệ các đoàn tù chính trị vượt ngục, tạo điều kiện giúp các đoàn tù chính trị trở về địa phương.
Sau khi bảo vệ đoàn tù chính trị miền Tây Nam Bộ và Sài Gòn – Gia Định vượt Rừng Sác về địa phương, đơn vị của Nguyễn Quốc Thanh đã được lệnh trở lại xây dựng căn cứ Hắc Dịch, từ tháng 5 năm 1957. Trên địa bàn Bà Rịa-Vũng Tàu đã hình thành hai đội vũ trang tuyên truyền, một đội của tỉnh đóng ở Hắc Dịch do hai đồng chí Trần Văn Bửu và Đỗ Văn Chương (tức Ba Liên) phụ trách và đội thứ hai của miền đóng ở khu vực Phước Thái do đồng chí Nguyễn Quốc Thanh phụ trách. Đó là những đơn vị tiền thân của lực lượng vũ trang Bà Rịa-Vũng Tàu.
Trước tình hình Mỹ-Diệm trắng trợn phá hoại Hiệp định Giơnevơ thẳng tay đàn áp bắn giết, bắt bớ giam cầm hàng vạn cán bộ, đảng viên quần chúng yêu nước ở miền Nam, nhiều nơi nhân dân thiết tha đề nghị với Đảng dùng vũ khí diệt ác ôn. Xứ ủy Nam Bộ đã chủ trương vũ trang tự vệ và vũ trang tuyên truyền trong một chừng mực để hỗ trợ cho đấu tranh chính trị. Nhằm hỗ trợ cho phong trào đấu tranh chính trị, đội vũ trang tuyên truyền của tỉnh do đồng chí Trần Văn Bửu (tức Vũ Tâm) chỉ huy từ căn cứ Hắc Dịch đã triển khai đội hình tiến công dinh điền Thanh Tóa (Xuyên Mộc), dưới danh nghĩa lực lượng vũ trang giáo phái. Trận đánh này ta còn thu được một số tiền để giải quyết vấn đề hậu cần trong căn cứ.
Sau trận tiến công dinh điền Thanh Tóa, Đội Vũ trang tuyên truyền tiếp tục hỗ trợ cho chi bộ xã Hòa Long tổ chức diệt tên Cỏn, công an xã Hòa Long, một tên phản bội nguy hiểm, khiến bọn ác ôn ở khu vực Tam Long co lại. Sau trận này, đơn vị được lệnh ngưng các hoạt động vũ trang, diệt ác, rút toàn bộ lực lượng về Rạch Chanh. Chủ trương của Đảng chưa cho phép phát triển lực lượng vũ trang và đấu tranh vũ trang.
Đầu năm 1958, Ban quân sự Miền đã cử đồng chí Lê Minh Thịnh (tức Sáu Thịnh) đưa một tiểu đội và một máy VTĐ về Bà Rịa tổ chức lực lượng vũ trang. Giữa năm 1958, tại Suối Quýt, đơn vị C.40 được thành lập, đồng chí Lê Minh Thịnh làm Chỉ huy trưởng, đồng chí Nguyễn Quốc Thanh là chỉ huy phó. Đơn vị có hơn 40 cán bộ chiến sĩ, phiên chế thành hai trung đội, vũ khí mới đủ trang bị cho một trung đội. Đơn vị có một chi bộ Đảng và một chi đoàn Thanh niên lao động. Căn cứ của đơn vị đóng ở khu vực Hắc Dịch. Nhiệm vụ trước mắt là củng cố lực lượng, vũ trang tuyên truyền hỗ trợ cho đấu tranh chính trị dưới danh nghĩa lực lượng vũ trang giáo phái. Các đồng chí Lê Minh Hà (Tỉnh ủy viên), Đỗ Văn Chương (Chi ủy viên C.40), biên soạn các tài liệu “Chiến đấu vì ai”, “Khó khăn khắc phục” huấn luyện cho đơn vị.
Đơn vị tổ chức huấn luyện những bài quân sự cơ bản, dành phần lớn thời gian học chính trị, xây dựng căn cứ và sản xuất tự túc, làm rẫy, trồng lúa, bắp, mì, lấy mật ong, lượm trái ươi, bứt mây, đẽo cột chèo rồi nhờ các cơ sở ở Hắc Dịch đưa đi bán lấy tiền mua nhu yếu phẩm tự túc hậu cần. Có lúc thiếu gạo, phải đào củ rừng ăn đỡ đói, thiếu muối, anh em phải đốt tre nứa ăn thay vị mặn. Hoạt động của đơn vị đều giữ bí mật tuyệt đối, kể cả với đồng bào. Căn cứ của đơn vị đóng ở khu vực Hắc Dịch (Bưng Lùng). Sự thành lập đơn vị 40 là một sự kiện quan trọng đánh dấu nước khởi đầu hình thành và phát triển lực lượng vũ trang ở Bà Rịa-Vũng Tàu trong kháng chiến chống Mỹ./.





Bài 22
Tham gia đồng khởi và chuyển lên đấu tranh vũ trang
_______________________________
Từ cuối năm 1959, do địch khủng bố ngày càng phát xít, nhiều cán bộ đảng viên không còn điều kiện hoạt động hợp pháp đã buộc phải chuyển phương châm bất hợp pháp, hình thành các lõm căn cứ bí mật tại Châu Pha (Hắc Dịch), Thị Vải (Châu Thành). Nhiều cán bộ bị lộ cũng rút vào rừng, chuyển phương châm hoạt động, chuẩn bị cho bước phát triển của cách mạng. Mặc dù chưa chính thức xây dựng căn cứ địa cách mạng, song vùng rừng núi Tân Thành đã trở thành nơi tập trung lực lượng, chuẩn bị cho bước phát triển mới của phong trào cách mạng.
Tháng 10 năm 1959, do Nguyễn Triệu Khải phản bội, địch phá được văn phòng Tỉnh ủy tại Vũng Tàu, bắt nhiều cán bộ và cơ sở cách mạng. Sau một thời gian khắc phục hậu quả tổn thất trong các đợt vây ráp, khủng bố của địch, đại bộ phận cán bộ của văn phòng Tỉnh ủy và các cơ quan trực thuộc đã rút khỏi Vũng Tàu. Tỉnh ủy dựa vào Huyện ủy Châu Thành xây dựng căn cứ bí mật vùng Núi Nghệ (Hòa Long), sau đó mở căn cứ Châu Pha-Hắc Dịch.
Nghị quyết Hội nghị lần thứ 15 của Ban chấp hành Trung ương Đảng (1/1959) đã xác định con đường phát triển cơ bản của cách mạng miền Nam là khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân. Nghị quyết 15 đã mở ra một bước ngoặt lớn cho cách mạng miền Nam nói chung cũng như cho phong trào cách mạng của tỉnh và huyện. Được Đảng chủ trương cho cầm vũ khí đánh giặc, cán bộ, chiến sĩ và nhân dân Bà Rịa-Vũng Tàu vô cùng phấn khởi.
Tỉnh ủy tổ chức quán triệt Nghị quyết 15 tại căn cứ suối Đá Đen tháng 2 năm 1960, phát động nhân dân trong toàn tỉnh nổi dậy diệt ác, phá kềm giành quyền làm chủ xã ấp. Nghị quyết 15 được triển khai làm nhiều đợt, cho cán bộ chủ chốt của tỉnh và huyện. Tỉnh ủy chỉ đạo lực lượng vũ trang phải ra quân đánh thắng trận đầu để tạo khí thế cho phong trào nổi dậy và kết hợp đấu tranh vũ trang trong toàn tỉnh. Ngay trong thời gian đang triển khai nghị quyết 15 tại Hội nghị mở rộng, đồng chí Phạm Văn Hy, Bí thư Ban cán sự cao su đã được lệnh phát động quần chúng, tự vệ mật phối hợp cùng C.40 tiến công đồn Bình Ba, mở màn cho phong trào vũ trang khởi nghĩa nổi dậy trong toàn tỉnh.
Đêm 12 tháng 3 năm 1960, với sự phối hợp của lực lượng tự vệ mật công nhân cao su, C.40 đồng loạt tiến công các bót hiến binh, bảo an và dân vệ ở trung tâm đồn điền, diệt tên trưởng bót hiến binh, bắn bị thương nhiều tên khác, thu 8 khẩu súng trong đó có một trung liên. Công nhân cao su đốt đuốc, nổi trống, mõ vang động khắp vùng, trấn áp bọn tề ngụy, diệt tên xu Nuôi ác ôn khét tiếng ở Bình Ba làng. Chiến thắng Bình Ba tác động mạnh mẽ đến hành động cách mạng của quần chúng.
Tháng 4 năm 1960, Tỉnh ủy củng cố Ban quân sự, đồng chí Lê Minh Thịnh được cử là Trưởng ban; đồng chí Nguyễn Quốc Thanh và đồng chí Nguyễn Văn Đại là Phó ban. Ban quân sự tỉnh tách cán bộ khung từ C.40, tuyển tân binh, thành lập C.45 bộ đội tỉnh do đồng chí Nguyễn Quốc Thanh phụ trách, đứng chân ở Hắc Dịch, xây dựng lực lượng và tổ chức huấn luyện. Tháng 5 năm 1960, từ căn cứ Hắc Dịch, C.45 tổ chức đánh vào đồn điền Xà Bang thu 120 ngàn đồng (tiền ngụy).
Phong trào cách mạng vùng lộ 15 còn yếu. Tỉnh ủy cử đồng chí Trần Ngọc Bửu phụ trách một đội công tác, vũ trang tuyên truyền dọc lộ 15 để xây dựng cơ sở. Nhờ có các cơ sở ở Phú Mỹ – Hắc Dịch cung cấp tình hình, C.45 đã ra quân đánh thắng một trận giòn giã tại Hắc Dịch. Từ nguồn tin của các cơ sở binh vận ở Hắc Dịch, ta nắm được quy luật của địch, mỗi tuần chúng đưa quân từ Phú Mỹ vào thay một lần vào ngày thứ sáu. Phương thức tác chiến là phục kích, địa điểm được chọn là khu vực Bến Tàu, phía trên là Rừng Giồng, phía dưới là mé bưng. Đồng chí Nguyễn Quốc Thanh chỉ huy trưởng, các đồng chí Lê Thành Ba, Trần Văn Bửu và Nguyễn Văn Thuận (tức Hai Súng) là chỉ huy phó.
Theo nguồn tin của cơ sở báo ra, bót Hắc Dịch có 55 tên địch (hai trung đội), định kỳ hàng tháng, chúng đưa một lực lượng tương đương vào đổi quân. C.45 lúc đó mới có hai tiểu đội được trang bị vũ khí, trong đó có một cây FM. Ban quân sự tỉnh điều lực lượng tăng cường từ các huyện và đội bảo vệ của Tỉnh ủy, tổng cộng 41 tay súng. Huyện Long Đất tăng cường một tổ (3 đồng chí) do đồng chí Lê Văn Việt chỉ huy; huyện Châu Thành cử 3 đồng chí do Trần Lương chỉ huy, ban cán sự Cao su cử 3 đồng chí do Nguyễn Văn Cao chỉ huy; đội bảo vệ Tỉnh ủy góp 3 tay súng do Trần Văn Cường chỉ huy. Quân giới của tỉnh chế tạo được Moọcchê giật đưa ra sử dụng trong trận này. đồng chí Nguyễn Quốc Thanh bị thương ở chân trong trận đánh Xà Bang, phải nhờ anh em cáng ra trận, với quyết tâm chỉ huy đơn vị đánh thắng trận đầu.
Trận đánh diễn ra với những tình huống phát sinh không lường trước được. Trước đó, địch đưa về Phú Mỹ một đại đội biệt kích, chúng bố trí thêm một trung đội biệt kích tham gia cuộc đổi quân ở Hắc Dịch. Lực lượng ta chỉ có một đại đội thiếu đã phải đương đầu với một đại đội tăng cường của địch.
Địch hành quân đến đúng trận địa phục kích của ta thì chúng dừng lại để đổi quân. Phương án của trận đánh là đợi cho địch thay quân xong, sẽ nổ súng diệt bộ phận trở về bót, nhưng một tình huống đột xuất khác đã xảy ra. Một tên lính đi ra rừng, đụng trận địa phục kích. Ban chỉ huy quyết định nổ súng, đánh luôn cả đại đội địch. Bị đánh bất ngờ ở một cự ly gần, với hỏa lực áp đảo từ bãi mìn, súng ngựa trời và các loại súng bộ binh, địch bị tiêu diệt một phần lớn. Ta bắt sống 10 tên, thu trên 50 khẩu súng, trong đó có 3 trung liên FM, những tên sống sót hoảng loạn chạy thục mạng vào rừng. Các cơ sở nội tuyến ở Hắc Dịch đã đưa toàn bộ lực lượng dân vệ xã quay súng trở về tham gia lực lượng vũ trang cách mạng. Xã Hắc Dịch được hoàn toàn giải phóng. Vũ khí thu được trong trận đánh được phân chia cho các huyện để xây dựng bộ đội địa phương huyện.
Đây là một trận thắng lớn, diệt gọn một đại đội tăng cường, thu nhiều vũ khí, giải phóng hoàn toàn một xã đầu tiên trong tỉnh, thu nhiều vũ khí, góp phần phát triển lực lượng vũ trang và củng cố căn cứ cách mạng của huyện và của tỉnh. Hắc Dịch trở thành căn cứ địa của Tỉnh ủy Bà Rịa, Huyện ủy Châu Thành (sau đó là huyện Châu Đức) trong suốt những năm kháng chiến chống Mỹ sau này. Nhân dân Hắc Dịch phấn khởi xây dựng căn cứ kháng chiến.
Giữa năm 1960, Tỉnh ủy đã triển khai tinh thần Nghị quyết 15 của Ban chấp hành Trung ương Đảng cùng những kinh nghiệm đồng khởi của Bến Tre cho các Huyện ủy và cơ sở. Tại khu vực lộ 15, Xã đội trưởng Phú Mỹ Nguyễn Văn Thâm diệt tên Khá, dân vệ ác ôn trưởng đồn Mỹ Xuân và sau đó tổ chức phục kích lần thứ hai, diệt tên Thành đồn trưởng mới về nhậm chức. Dân vệ đồn Mỹ Xuân mang súng ra vùng giải phóng ngày càng nhiều.
Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam ra đời ngày 20 tháng 12 năm 1960 đánh dấu một bước phát triển quan trọng của cách mạng miền Nam, tập hợp rộng rãi các tầng lớp nhân dân chống chế độ Mỹ – Diệm. Các tầng lớp nhân dân Bà Rịa -Vũng Tàu vô cùng phấn khởi, bước vào giai đoạn mới, phát triển cuộc đấu tranh từ chính trị chuyển lên đấu tranh vũ trang, dưới ngọn cờ của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam. Từ Hắc Dịch, Ban tuyên huấn đã biên soạn, in ấn hàng vạn bản cương lĩnh Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam đã được phân phát cho các cơ sở cách mạng trên địa bàn tỉnh.
Trước khí thế của phong trào Đồng khởi, ngụy quân, ngụy quyền hoang mang, đồng bào đi lại làm ăn được dễ dàng và tích cực ủng hộ cách mạng. Huyện ủy cử đồng chí Tám Phèn (tức Lê Văn Lễ, Lê Văn Phương) và một số cán bộ tăng cường từ Long Sơn như Võ Văn Vàng, Võ Văn Thay, Ba Nhớ, Nguyễn Văn Sơn, Hồng, Minh, Đồng, thành lập một đội công tác xây dựng cơ sở vùng lộ 15. đội công tác liên lạc được với các đồng chí Nguyễn Văn Kia là cơ sở cũ ở ấp Phước Tấn và một số cơ sở ấp Ông Trịnh, kịp thời bổ sung nguồn cán bộ nòng cốt cho xã, thay thế các cán bộ Long Sơn tăng cường./.






Bài 23
Phát triển lực lượng, đẩy mạnh đấu tranh chính trị kết hợp vũ trang
_________________________________

Đứng trước nguy cơ sụp đổ của ngụy quyền Sài Gòn, đế quốc Mỹ buộc phải chuyển hướng, chuyển sang chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” với biện pháp chủ yếu là tăng quân chủ lực ngụy và cố vấn Mỹ, trang bị vũ khí hiện đại, tập trung lực lượng quân sự đánh phá các căn cứ của ta, tiêu diệt lực lượng vũ trang cách mạng, bình định nông thôn, trong đó, chương trình “bình định” và lập “ấp chiến lược” được nâng lên thành “quốc sách”, với mục tiêu bình định miền Nam trong vòng 18 tháng.
Sau một năm Đồng khởi, cho đến giữa năm 1961, trên địa bàn Bà Rịa-Vũng Tàu, nhân dân đã nổi dậy giành chính quyền làm chủ nhiều xã ấp. Ta đã giải phóng hoàn toàn vùng căn cứ Hắc Dịch, Châu Pha nối liền với vùng giải phóng ấp Bắc, ấp Đông, ấp Nam (xã Long Phước), ấp Bắc, ấp Đông xã Hòa Long và các cơ sở cao su dọc theo lộ 2, Bình Ba, Ngãi Giao, Xuân Sơn, Xà Bang… nhân dân đã thực sự làm chủ, bọn địch co lại trong các đồn bót, lực lượng dân vệ hoang mang rệu rã.
Phong trào diệt ác phá kềm và nổi dậy giành chính quyền làm chủ đã làm chuyển biến tình hình trên địa bàn Tân Thành. Các cuộc diệt ác phá kềm trong thời kỳ này đều là kết quả và có sự tham gia đắc lực của các cơ sở nội tuyến. Nhiều cơ sở được cài cắm trong dân vệ, bảo an, tề xã đã phát huy tác dụng, góp phần trực tiếp vào những thắng lợi của phong trào Đồng khởi. Qua đó, ta chọn người xây dựng cơ sỏ, phát triển thực lực cách mạng, phát triển thực lực chính trị, và lực lượng vũ trang địa phương.
Anh Hứa Văn Chốn (tức Tám Chốn) là cơ sở cài vào dân vệ đồn Mỹ Xuân, khi tỉnh có chủ trương vũ trang nổi dậy, anh đã đưa một tiểu đội dân vệ mang súng ra tham gia kháng chiến. Tám Chốn và nhiều thanh niên ra trong đợt ấy trở thành những du kích gan dạ đánh địch trên lộ 15 và là những chiến sĩ binh vận tích cực ở cơ sở trên tuyến lộ 15. Anh Nguyễn Văn Đô, nguyên là cán bộ Ty giao thông liên lạc của tỉnh trong kháng chiến chống Pháp được điều về phụ trách công tác binh vận trên tuyến lộ 15 đã xây dựng được nhiều cơ sở cách mạng trong giới tăng ni phật tử khu vực Đại Tòng Lâm, Thị Vải.
Vấn đề xây dựng lực lượng vũ trang và đấu tranh vũ trang ngày càng được quan tâm. Nghị quyết Bộ chính trị ngày 31 tháng 1 năm 1961 về phương hướng và nhiệm vụ trước mắt của cách mạng miền Nam đã xác định “Đẩy mạnh hơn nữa đấu tranh chính trị, đồng thời đẩy mạnh đấu tranh vũ trang lên song song với đấu tranh chính trị, tiến công địch bằng cả hai mặt trận quân sự và chính trị”. Quán triệt Nghị quyết của Bộ chính trị, Trung ương Cục miền Nam đã xác định trong Nghị quyết tháng 4 năm 1961: “Đẩy mạnh đấu tranh chính trị, đấu tranh vũ trang lâu dài, đánh đổ địch từng bước, giành thắng lợi từng phần, tiến lên giành thắng lợi hoàn toàn”.
Trên địa bàn Tân Thành, cán bộ chiến sĩ và nhân dân ở nhiều xã, ấp phấn khởi nổi dậy diệt ác phá kềm giành quyền làm chủ. Tuy nhiên, so với tương quan chung trong toàn tỉnh, cơ sở cách mạng các xã vùng lộ 15 còn yếu. Thực hiện Nghị quyết của Bộ chính trị, Trung ương Cục miền Nam, để xây dựng và phát triển lực lượng vũ trang và đẩy mạnh đấu tranh chính trị, Huyện ủy Châu Thành thành lập Đội vũ trang lộ 15, đồng chí Tám thế giới đội trưởng, đồng chí Lê Văn Hân là chính trị viên, đồng chí Đặng Thị Phượng và đồng chí Déo là đội phó, trang bị các loại súng như: Carbine, súng trường mút và cả súng ngắn. Nhiệm vụ của đội là vũ trang tuyên truyền, xây dựng và phát triển cơ sở các xã dọc lộ 15. Ban đêm ra lộ đắp mô, chặn xe, rải truyền đơn và tuyên truyền chủ trương chính sách của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam.
Mồng 2 Tết Tân Sửu (1961), được lực lượng vũ trang của huyện hỗ trợ, du kích xã Phú Mỹ chặn xe trên lộ 15 và hướng dẫn hành khách, đồng bào tập trung ở chùa Đại Tòng Lâm tổ chức vũ trang tuyên truyền. Cán bộ Mặt trận tuyên truyền nội dung về cương lĩnh Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, ngọn cờ hiệu triệu của Mặt trận dân tộc giải phóng “nửa xanh, nửa đỏ sao vàng” đã gây ấn tượng mạnh và ảnh hưởng sâu rộng trong nhân dân và các tầng lớp trí thức. Qua đó vận động nhân dân đoàn kết xung quanh Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam đánh đổ chế độ Mỹ – Diệm, vận động binh sĩ ngụy quân, ngụy quyền quay súng về với cách mạng, vận động các gia đình binh sĩ  giáo dục con em họ đào ngũ, làm binh biến lập công với cách mạng. Hàng ngàn tờ truyền đơn được rải ở các khu vực tuyên truyền cũng như dân trên các đoàn xe về đến Sài Gòn – Biên Hòa – Bà Rịa – Vũng Tàu. Cuộc vũ trang tuyên truyền thắng lợi, đã gây được tác động mạnh mẽ trong nhân dân địa phương và các tỉnh khác.
Lực lượng thanh niên xin gia nhập bộ đội ngày càng đông, Ban Kinh tài không huy động được đủ ngân sách nuôi quân. Trước tình hình đó, Tỉnh ủy chủ trương cho kinh tài và hậu cần đi vay vàng, tiền, lúa gạo của dân ở các xã Hắc Dịch, Hòa Long, Long Phứơc để nuôi bộ đội. Trước yêu cầu cấp bách phát triển lực lượng vũ trang, hưởng ứng lời kêu gọi của Tỉnh ủy, nhân dân trong xã đã hiến tất cả tài sản quý giá để trang bị và nuôi quân. Má Bảy ở Hắc Dịch đã bán cả đàn bò, góp cho cách mạng. Bản thân má và cả 5 người con đều tham gia cách mạng, ba người đã ngã xuống trong cuộc chiến đấu bảo vệ quê hương.
Đội vũ trang tuyên truyền lộ 15 cùng du kích xã và cán bộ các xã đẩy mạnh, tuyên truyền diệt ác, phá kềm, vận động thanh niên nam nữ thoát ly tham gia kháng chiến. Trong năm 1961, Đội đã xây dựng được nhiều cơ sở ở các xã Phước Hòa, Phú Mỹ và Cầu Vạt (Phước Thái).
Xã Phú Mỹ xây dựng được một tiểu đội du kích. Tiếp tục đẩy mạnh diệt ác phá kềm, xây dựng cơ sở. Đồng chí Nguyễn Văn Thâm cùng một tổ du kích xã Phú Mỹ được cơ sở nội tuyến hỗ trợ diệt tên Khá trưởng đồn Mỹ Xuân, sau đó tên Thành về thay thế cũng bị ta tiêu diệt. Bọn tề ngụy tại các xã hoang mang lo sợ, hầu hết đều trốn vào bót ngủ. Ban đêm, ta làm chủ xã, ấp, cán bộ ra vào hoạt động dễ dàng để xây dựng cơ sở, phát động phong trào và xây dựng lực lượng.
Nhân dịp kỷ niệm 7 năm ngày ký kết Hiệp định Giơnevơ (20/7/1954 – 20/7/1961), lực lượng vũ trang huyện Châu Thành đã tổ chức một cuộc vũ trang tuyên truyền tại Phước Thái (lộ 15). Gần trăm chiếc xe trên tuyến Sài Gòn – Bà Rịa – Vũng Tàu đã dừng lại theo sự hướng dẫn của du kích và bộ đội. Hành khách xuống xe nghe cán bộ tuyên truyền về cương lĩnh của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam. Đồng bào rất phấn khởi, tặng nhiều quà cho bộ đội. Ngọn cờ hiệu triệu Mặt trận dân tộc giải phóng ngày càng ảnh hưởng sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân, thúc đẩy mạnh mẽ phong trào kháng chiến.
Ở xã Hội Bài và Phước Hòa, đồng chí Lê Văn Lễ (tức Lê Văn Phương, tức Tám Phèn) cùng một số cán bộ tăng cường của huyện đã móc nối, xây dựng lại cơ sở cách mạng, củng cố lại ban cán sự và thành lập đội du kích xã. Cuối năm 1961, du kích Phước Hòa diệt 4 tên mật báo chỉ điểm và tên Sáu Trắng trưởng đồn Long Sơn ở ấp Hội Phước. Sau đó, qua cơ sở nội tuyến của ta là đồn phó dân vệ Hội Bài, du kích và quần chúng tiếp tục tiếp công bức rút đồn Hội Bài, thu toàn bộ vũ khí, giải phóng hoàn toàn ấp Hội Phước, Hội Thạnh và Hội Bài (xã Hội Bài), được quần chúng nhiệt tình hưởng ứng, ta giải phóng luôn hai ấp Phước Tấn và Phước Long (Phước Hòa), tạo được thế đứng chân vững chắc cho cách mạng từ rừng Sác, Nam, Bắc lộ 15 lên rừng Giồng đến khu căn cứ Châu Pha, Hắc Dịch.
Hắc Dịch trở thành xã đầu tiên trong tỉnh hoàn toàn được giải phóng, căn cứ kháng chiến được củng cố. Hắc Dịch có vị trí chiến lược quan trọng trên chiến trường Bà Rịa – Long Khánh. Đây là khu rừng già nằm giữa quốc lộ 15 và tỉnh lộ 2, bao bọc Núi Dinh – Thị Vải, trải rộng từ giáp thị xã Bà Rịa lên đến Phú Mỹ, từ phía Bắc lộ 15 kéo dài lên vùng cao su lộ 2, là cầu nối giữa chiến khu rừng Sác với chiến khu Đ. Nhân dân Hắc Dịch với một lòng chí cốt với cách mạng. Đội du kích xã sớm được hình thành với 11 tay súng và lực lượng dân quân các ấp gồm 74 người. Dân quân du kích Hắc Dịch ngày đêm xây dựng xã chiến đấu, tham gia xây dựng và bảo vệ khu căn cứ kháng chiến của tỉnh.
Sau đợt tham dự hội nghị ở Củ Chi về, đồng chí Phan Tiến Ngọc Bí thư Tỉnh ủy Bà Rịa đã báo cáo kinh nghiệm đào tạo và những hiệu quả của địa đạo Củ Chi cho Tỉnh ủy Bà Rịa. Hội nghị Tỉnh ủy giữa năm 1961 đã quyết định xây dựng Hắc Dịch thành căn cứ địa kháng chiến và chỉ đạo các cơ quan đơn vị tổ chức đào địa đạo để bảo tồn lực lượng và đánh địch khi chúng càn vào.
Thực hiện sự chỉ đạo của Tỉnh ủy Bà Rịa, vào mùa khô năm 1961, các cơ quan lãnh đạo kháng chiến của tỉnh Bà Rịa đã tiến hành đào địa đạo tại khu căn cứ Hắc Dịch. Đặc trưng của các địa đạo như sau: Hệ thống địa đạo Hắc Dịch gồm 4 tuyến địa đạo của các cơ quan: Tỉnh ủy, Tỉnh đội, Mặt trận giải phóng tỉnh, và Ban Tuyên huấn tỉnh Bà Rịa. Tất cả các tuyến địa đạo và giao thông hào đều ẩn dưới tán rừng già, trên các sườn đồi thoai thoải và cách các suối nước không xa. Trên các đường xương sống địa đạo là các khu lán trại được dựng bằng cây, tre, nứa, lợp bằng lá trung quân hoặc bằng ni lông tăng bạt, dùng làm nơi làm việc, họp hội, sinh hoạt, ăn ở của các cơ quan đơn vị. Đất lấy từ địa đạo lên được sử dụng làm nền nhà, lán trại. Dọc bên hông các tuyến địa đạo là các tuyến giao thông hào và các ụ chiến đấu; cách giao thông hào từ 100 đến 200 mét là các bãi tử địa, để ngăn chặn địa càn quét từ bên ngoài. Dọc theo các tuyến giao thông hào là các ụ chiến đấu, có lối đi thông xuống địa đạo khi cần thiết.
Địa đạo Tỉnh ủy có độ sâu cách mặt đất từ 4 mét đến 5 mét, đường xương sống địa đạo chiều rộng (ngang) từ 0,7 mét đến 0,8 mét; Khi đường xương sống địa đạo xuống sâu hoặc đổi hướng thì kích thước có thay đổi lớn hơn hoặc hẹp lại khoảng 0,4 mét đến 0,6 mét. Chiều cao của đường xương sống địa đạo trung bình 1,8 mét, có nơi thấp 0,5 hoặc 1 mét, có nhiều cửa ngăn và lỗ thông hơi. Đặc biệt trong lòng địa đạo còn bố trí các trạm y tế, kho vũ khí dược, kho dự trữ lương thực nước uống, kho lưu trữ tài liệu, quân trang quân dụng. Trung bình mỗi kho rộng từ 5 đến 6 mét vuông.
Địa đạo Tỉnh đội Bà Rịa có chiều dài khoảng 200 mét, đường xương sống địa đạo có chiều sâu, chiều rộng và chiều cao, ngách ẩn nấp, hầm trú ẩn, kho, trạm và lỗ thông hơi giống như địa đạo Tỉnh ủy, nhưng có thêm các kho chứa vũ khí, hầm và trạm y tế. Chất liệu được gia cố thêm bằng xi măng cốt thép kiên cố hơn. Vũ khí đạn dược chi viện từ miền Bắc vào bằng đường biển qua bến Lộc An, bến sông Thị Vải và các nơi khác đưa về trong những năm 1963-1965 đã được tập kết trong các kho chứa này. Hầu hết vũ khí đạn dược được cất giữ ở khu căn cứ Hắc Dịch đã phục vụ và phân phát kịp thời cho chiến trường Bình Giã, và các đơn vị quân chủ lực, quân địa phương chiến đấu tại các tỉnh miền Đông Nam Bộ.
Địa đạo Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy Bà Rịa được xây dựng ở Đồi Ươi (Gia Cốp). Địa đạo có chiều dài khoảng 300 mét, đường xương sống có độ sâu cách mặt đất 4 đến 5 mét, chiều rộng trung bình 0,8 mét, chiều cao trung bình 1,80 mét. Trong đường xương sống địa đạo cũng có các hầm trú ẩn, rộng từ 4 đến 6 mét vuông. Ngoài ra còn có các hầm cất giữ tiền bạc, tài liệu hoạt động bí mật, vũ khí đạn dược, dụng cụ y tế, lương thực, thuốc men… Địa đạo Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy Bà Rịa nằm ở khu vực có hai loại cây ươi gần một ngọn suối cụt.
Địa đạo Mặt trận giải phóng miền Nam Việt Nam tỉnh Bà Rịa nằm tại khu vực ấp 1 khu nông trường Sông Xoài ngày nay, gần con suối chảy về suối Châu Pha, có độ dài khoảng 300 mét. Đường xương sống, chiều sâu, chiều rộng, chiều cao, hầm trú ẩn, lỗ thông hơi, ngách ẩn nấp đều giống như địa đạo của Tỉnh ủy Bà Rịa.
Khu vực Tỉnh ủy Bà Rịa, địa đạo Ban tuyên huấn Tỉnh ủy, địa đạo Tỉnh đội và địa đạo Mặt trận giải phóng tỉnh, được xây dựng thành và hoạt động từ năm 1961 đến 1965. sau năm 1965, hết các cơ quan lãnh đạo kháng chiến của tỉnh Bà Rịa đều chuyển về khu vực Sông Ray (Xuân Sơn thuộc huyện Châu Đức). Hệ thống địa đạo được chuyển giao lại cho Hậu cần miền Đông Nam Bộ để tiếp nhận vũ khí chi viện bằng đường biển vào Miền Đông Nam Bộ.
Cùng với việc xây dựng căn cứ địa, Tỉnh ủy chú trọng củng cố các ban chuyên môn và cơ quan giao liên, hậu cần của tỉnh. Các cơ quan tham mưu của Tỉnh ủy cũng đóng trên địa bàn xã Hắc Dịch. Trường quân sự của tỉnh được thành lập từ đầu năm 1961, tại Căn cứ Hắc Dịch, làm nhiệm vụ huấn luyện và đào tạo cán bộ xã đội và tiểu đội, đồng thời chọn tổ chức thu nhận tân binh huấn luyện cấp tốc rồi bổ sung về các đơn vị tỉnh và huyện. Năm 1961, trường mở được 2 lớp cán bộ xã và tiểu đội (mỗi lớp từ 40 đến 60 đồng chí) và một lớp huấn luyện trên 60 tân binh. Trường mở thêm lớp quân báo nhân dân và mở lớp trinh sát đặc công, bổ sung quân số và lực lượng được đào tạo bài bản cho lực lượng vũ trang các cấp, từ xã đến huyện và tỉnh. Là nơi thành lập Trường quân sự đầu tiên ở miền Đông Nam Bộ, quân khu giao cho tỉnh Bà Rịa thu nhận và huấn luyện tân binh cho nhiều địa phương.
Cũng trong năm 1961, Trường Đảng được xây dựng tại Gia Cốp, liên tục mở các lớp huấn luyện, đào tạo hàng loạt cán bộ, đáp ứng yêu cầu trước bước phát triển của cách mạng, diệt ác phá kềm, giành chính quyền làm chủ của nhân dân, mở rộng vùng giải phóng. Trường Đảng còn mở các lớp chuyên đề phục vụ cho hoạt động trong các thị xã, thị trấn, cho đồng bào dân tộc Châu Ro, cho các đồng chí bị địch bắt ở tù ra, cho các đồng chí cán bộ không đi tập kết ra Bắc, ở lại miền Nam bám trụ hoạt động và sống sót qua các chiến dịch khủng bố trắng của địch.
Ban Quân – Dân y đã xây dựng trạm xá tại Hắc Dịch, nhờ đồng bào dân tộc Châu Ro chỉ dẫn cho các loại cây thuốc trên rừng, tổ chức sản xuất được một số thuốc tây và thuốc nam. Tại căn cứ Hắc Dịch, Ban Quân – Dân y đã mở lớp đào tạo 40 y tá để bổ sung cho các huyện và các đơn vị.
Ban Thông tin và Ban giao liên của Tỉnh ủy đều đặt Văn phòng tại Hắc Dịch. Bộ phận giao liên căn cứ đã được tăng cường, hình thành Hệ thống giao liên từ tỉnh lên khu và xuống huyện thành một hành lang như sau:
·     Văn phòng Ban có mật danh là trạm Hòa Bình, đóng tại rừng Bằng Lăng ấp Lò xã Hắc Dịch, có trách nhiệm tiếp phát công văn thư từ, báo cáo cho Tỉnh ủy, tỉnh đội, các ban Ngành, tổ chức đoàn thể và Đội hỏa tốc làm nhiệm vụ chạy thư hỏa tốc của cấp ủy xuống các huyện hoặc trạm.
·     Trạm Dân Chủ là trạm đầu mối đóng tại xóm Thiều xã Hắc Dịch, có nhiệm vụ vận chuyển thư tín, đưa đón khách đi và về văn phòng Ban, đi Ban cán sự cao su, huyện Long Thành, huyện Cần Giờ và trạm Độc Lập.
·     Trạm Thống Nhất đóng tại Bàu Lươn, khu vực Đồng Don, Núi Nhạn có nhiệm vụ vận chuyển thư tín, khách đi và về huyện Long Đất, Châu Thành, Đức Thạnh, Thị xã Bà Rịa, Thị xã Vũng Tàu, và Trạm Dân Chủ.
Nhiều thanh niên người dân tộc Châu Ro của Hắc Dịch đã tham gia lực lượng giao liên của tỉnh và của huyện. Vốn thông thạo địa bàn, các đoàn công tác các đơn vị bộ đội có giao liên người Châu Ro dẫn đường là anh em yên tâm, cắt rừng không cần bản đồ, đi không bao giờ lạc. Đồng chí Dương Văn Lực người Châu Ro ở xã Hắc Dịch, là một trong số cán bộ được Quân ủy Trung ương chọn vào đoàn cán bộ đầu tiên của Đoàn 559, soi đường mòn vượt Trường Sơn đưa cán bộ, vũ khí về giải phóng quê hương. Đồng chí là một cán bộ gương mẫu, trung kiên trong suốt thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được đồng đội tin yêu và nhân dân mến phục./.




Bài 24
Phát huy thế 2 chân, 3 mũi, chống gom dân lập ấp chiến lược
______________________________
Đầu năm 1962, trên địa bàn Tân Thành địch xây dựng nhiều đồn, bót dọc lộ 15 (lộ 51) nhằm khống chế lực lượng cách mạng ở khu vực rừng núi Châu Pha-Hắc Dịch, Thị Vải và bảo vệ con đường huyết mạch lộ 15 từ Vũng Tàu về Biên Hòa – Sài Gòn. Đồng thời tăng cường lực lượng hỗ trợ cho kế hoạch gom dân lập “ấp chiến lược” của Mỹ – Ngụy như đồn pháo binh Nguyễn Văn Bé, đồn Cây Điệp và yếu khu Phước Biên. Các cụm pháo 155 ly ở Phú Mỹ và Ông Trịnh thường xuyên bắn phá vào khu căn cứ Hắc Dịch.
Đi đôi với đánh phá bên ngoài, địch còn tăng cường bắt lính, đưa lực lượng biệt động quân vào bảo an về hỗ trợ cho bọn tề ngụy ở các xã ráo riết thực hiện kế hoạch gom dân lập ấp chiến lược, cưỡng bách nhân dân phải dời nhà vào các khu tập trung như: ấp chiến lược Phú Mỹ, Hội Bài, Phước Hòa, Chu Hải, Kim Hải, Hòa Long, Long Phước, Sông Cầu, Bình Ba, Xuân Sơn, Bình Giã, án ngữ dọc lộ 15. phong trào cách mạng của huyện và ở các xã lại gặp nhiều khó khăn mới.
Ngày 20 tháng 3 năm 1962, Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam tỉnh Bà Rịa ra lời kêu gọi và nêu rõ lập trường của mình: “Nếu đế quốc Mỹ ngoan cố điên cuồng vũ trang quy mô xâm lược miền Nam Việt Nam để thực hiện mưu đồ nô dịch nhân dân ta, thì nhân dân ta quyết đoàn kết một lòng, hy sinh chiến đấu đến cùng để giữ vững nền độc lập, giành quyền sống, tự do dân chủ của mình.
Theo tinh thần nghị quyết tháng 4 năm 1962 của Trung ương Cục, Tỉnh ủy chỉ đạo đẩy mạnh đấu tranh chính trị và vũ trang lâu dài, đánh lùi địch từng bước, giành thắng lợi từng phần, tiến lên giành thắng lợi hoàn toàn. Tỉnh ủy xác định 3 công tác trọng yếu là kiên quyết phá ấp chiến lược gom dân của địch, ra sức mở rộng căn cứ địa toàn diện vững mạnh, khẩn trương xây dựng lực lượng vũ trang ba thứ quân, trong đó, nhiệm vụ phá ấp chiến lược là nhiệm vụ quan trọng nhất.
Do vị trí chiến lược hết sức quan trọng của địa bàn lộ 15, địch tập trung lực lượng, mở rộng các căn cứ quân sự, đóng nhiều đồn, bót, tăng cường bộ máy kềm kẹp. Từ giữa năm 1962, địch tiến hành thực hiện kế hoạch gom dân lập ấp chiến lược dọc lộ 15. đối với các ấp có đồng bào theo đạo Thiên chúa, địch tuyên truyền xuyên tạc, gây nghi ngờ giữa giáo dân với cách mạng. Bên cạnh đó, Mỹ – Ngụy còn tổ chức các lực lượng phản động và trang bị vũ khí như lực lượng thanh niên chiến đấu, biến ấp chiến lược thành “pháo đài chống cộng”.
Xã Phú Mỹ và Phước Hòa là một trong những trọng điểm  để địch tiến hành gom dân lập ấp chiến lược. Chúng hô hào “Dân phải vào ấp chiến lược, ngoài chặn Việt cộng về quậy phá để được yên ổn làm ăn”. Địch tiến hành gom dân lập ấp chiến lược ở xã Phú Mỹ trước. Chúng huy động các lực lượng ở xã và có cả lực lượng của tiểu khu, chi khu tham gia, dùng mọi thủ đoạn để khủng bố và đàn áp nhân dân. Bắt đồng bào ta không phân biệt già trẻ gái trai phải tham gia đào hào, đắp lũy, làm hàng rào kẽm nhiều lớp quanh ấp chiến lược. Xung quanh ấp chiến lược địch còn xây dựng 3 tua lớn, mỗi tua lớn có  3 tua nhỏ nằm rải rác các tuyến và khu vực quan trọng, thường xuyên có lính hoặc bảo an và lực lượng thanh niên chiến đấu, thanh niên hiệp sĩ “áo đen” canh gác, kiểm soát gắt gao sự đi lại của nhân dân nhằm bảo vệ trung tâm xã cũng như cắt đứt mối liên hệ nhân dân với cách mạng.
Để tiến hành rào ấp chiến lược, địch bắt mỗi gia đình phải đào hào, đắp đê và cắm chông dưới hào (đào sâu 3 mét, rộng 3 mét, đáy hào 0,5 mét, đất đào phải đắp thành bờ đê sát hàng miệng hào). Chúng phân cho những gia đình có con em theo cách mạng, hoặc gia đình có người đi tập kết ở miền Bắc phải đào 10 mét, những gia đình khác đào từ 3 đến 5 mét. Bắt dân phải đào đúng thời gian đúng quy định, gia đình nào đào chậm địch tiếp tục giao thêm hoặc gây khó dễ, bắt bớ đánh đập. Chúng còn bắt nhân dân trong xã mỗi người phải nộp 50 cây cừ cao 3 mét để làm hàng rào và 100 cây chông để cắm dưới hào ấp chiến lược. Những gia đình già yếu không có người vào rừng chặt cây cừ và chông được phải đóng tiền cho trưởng ấp. Hàng ngày chúng điều hàng trăm dân công, nhất là các gia đình cách mạng phải ra hiện trường để đào hào, đắp đê, lô cốt và rào ấp chiến lược. Sau hơn 3 tháng địch ráo riết tiến hành dồn dân huy động dân công, tăng cường lực lượng bảo an, dân vệ thúc ép dân dỡ nhà dời vào ấp chiến lược, đến đầu năm 1963, hệ thông ấp chiến lược xã Phú Mỹ đã cơ bản hoàn thành với hệ thống rất kiên cố gồm 2 lớp hàng rào kẽm gai, một bờ đê, và hào sâu dưới cắm chông tre bao xung quanh xã. Địch chỉ chừa lại 3 cổng ra vào ( 2 cổng lớn mở ra hướng lộ 15 và 1 cổng mở cho dân đi làm rừng) vì ở Phú Mỹ, lúc đó có đến 95% nhân dân sinh sống nhờ nguồn tài nguyên của rừng. Do vậy để tách rời và cắt đứt các mối liên hệ với cách mạng, chúng quy định buổi sáng 6 giờ mới mở cổng, buổi chiều đúng 18 giờ đóng cổng và địch kiểm soát rất gắt gao mỗi khi dân ra vào cổng, đắc biệt là những người dân đi làm rừng, chúng kiểm soát chặt chẽ, lục xét các túi, giỏ xách đựng lượng thực, dụng cụ và hạch sách đủ điều.
Cùng với việc gom dân lập ấp chiến lược, chúng còn tiến hành lập sổ bìa đen những gia đình có thân nhân tham gia cách mạng và theo dõi sát những người tham gia kháng chiến 9 năm chống Pháp. Trên cơ sở đó chúng phân loại từng gia đình ra làm 3 loại, thể hiện từng màu khác biệt để dễ bề kiểm soát. Chúng còn phân công mỗi tên bảo an theo dõi 3 gia đình cách mạng. Những gia đình theo quốc gia chấm màu vàng, gia đình có nhiều người đi tập kết miền Bắc màu đỏ, còn những gia đình có người tham gia cách mạng tại địa phương như cán bộ, du kích, bộ đội… chấm màu xanh. Địch còn điều về Phú Mỹ, Phước Hòa các tên tay sai ác ôn khét tiếng để đàn áp phong trào cách mạng, tăng cường bọn bảo an và củng cố tề xã, ấp, đồng thời trang bị vũ khí cho lực lượng dân vệ, thanh niên chiến đấu ngày đêm còn giữ và kiểm soát gắt gao cổng ra vào ấp chiến lược. Đặc biệt là những gia đình cách mạng, địch chấm màu xanh và ghi tên theo dõi thường xuyên, để cô lập cách mạng, chúng chủ trương dỡ nhà và dồn những gia đình “bảng đen” tập trung ở khu vực xung quanh đồn Phú Mỹ, Phước Hòa để dễ bề kiểm soát. Nham hiểm hơn, chúng còn đưa bọn biệt chính (cán bộ xây dựng nông thôn) về ăn ở trong nhà dân, thực hiện thủ đoạn nham hiểm, lừa mị dân, gây ly gián, nghi ngờ trong nhân dân và cơ sở cách mạng.
Trước sự đàn áp, bức bách và đánh phá phong trào, cơ sở cách mạng của địch, khi chúng tiến hành cơ bản xong ấp chiến lược ở Phú Mỹ, Ban cán sự xã Phú Mỹ đã quyết định chia xã làm ba khu vực (A-B-C) để phân công cán bộ theo dõi tiếp tục củng cố cơ sở và xây dựng lực lượng quần chúng. Khu A thuộc khu vực đội 7, khu B thuộc ấp Mỹ Thạnh, có số dân đông và khu C thuộc ấp Mỹ Xuân, dân cư  sống tập trung và là khu trung tâm của xã, khu dân cư nằm sát đồn địch, nên chúng kềm kẹp rất gắt gao, khu C hầu hết là dân địa phương, nên có tinh thần chí cốt với cách mạng.
Xã đội trưởng Nguyễn Văn Thâm thường xuyên bám sát phong trào, vận động nhân dân đấu tranh với địch bằng nhiều hình thức như viết đơn lên xã và quận đòi được tự do đi làm ăn, đòi được bung ra khỏi ấp chiến lược để sản xuất, đòi đi sớm về muộn. Mặc dù địch kiểm sát rất  chặt chẽ nhưng cơ sở ta đã rải nhiều truyền đơn ngay trước cổng đồn, ngay tại trụ sở Hội đồng xã của địch và rải khắp các đường hẻm trong xã, nội dung lên án bọn tay sai ác ôn và kêu gọi binh sĩ bỏ ngũ về với cách mạng. Địch tức tối lùng sục khắp xóm ấp, lục soát các gia đình chúng tình nghi nhưng cũng không phát hiện được dấu vết gì.
Lợi dụng lúc bọn tề, ngụy hoang mang dao động, nhân dân nhiều lần tổ chức từng nhóm 5 từ 7 người kéo nhau lên xã vào đồn đưa đơn đấu tranh: Đòi đi sớm về trễ, cho xe trâu được đi sớm, đem theo gạo nấu cơm trưa. Tiêu biểu phong trào đấu tranh là bà Phan Thị Năm, cùng các chị em như Trần Thị Dĩnh, Lê Thị Nghiệm, Lê Thị Khiêm… Địch bắt bớ những gia đình cách mạng và những chị em đưa đơn đấu tranh tra tấn đánh đập dã man, nhưng trước sự đấu tranh có lý lẽ của ta nên buộc địch phải trả tự do cho bà con và xoa dịu hơn không kiểm soát gắt gao khi ra vào cổng ấp chiến lược, cũng từ đây có cơ sở và cán bộ ta có điều kiện đột nhập và liên lạc thường xuyên với cách mạng.
Cơ sở và phong trào cách mạng các đoàn thể quần chúng ở xã Phú Mỹ được củng cố và phát triển mạnh, Chi bộ cũng được củng cố và tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng. Đồng chí Lê Văn Hân được rút về huyện. Chi bộ Phú Mỹ gồm có đồng chí Đặng Thị Phượng Bí thư và các đồng chí: Nguyễn Văn Giao, Nguyễn Văn Thâm, Huỳnh Văn Sen, Hứa Văn Chốn, Ba Tài… để lãnh đạo bám sát cơ sở, mỗi đảng viên được phân công từ khu vực và các đoàn thể quần chúng. Lực lượng du kích xã phát triển mạnh trên 10 đồng chí, do đồng chí Nguyễn Văn Thâm làm xã đội trưởng, Huỳnh Văn Sen xã đội phó, đồng chí Lê Văn Hồng (bí danh Mạnh Bạo) phụ trách trưởng ban thông tin. Đội du kích xã được trang bị đầy đủ vũ khí, bám sát cơ sở hỗ trợ cho phong trào đấu tranh chính trị và binh vận. Đặc biệt đội du kích đã tổ chức tốt việc diệt các tên chỉ điểm, ác ôn khét tiếng như Nguyễn Văn Đù, Nguyễn Văn Bé, Hồ Văn Bông, tên Khá là những tên tay sai vô cùng nham hiểm, đã từng khai báo chỉ điểm bắt bớ cán bộ và cơ sở ta cho địch.
Từ tháng 10 năm 1962, địch tiến hành đồng loạt gom dân lập ấp chiến lược tại các ấp còn lại như ấp Ông Trịnh, Phước Lộc, Láng Cát, Chu Hải mà trọng điểm là ấp chiến lược ở Phước Hòa. Chúng điều lực lượng hùng hậu của tỉnh Phước Tuy về gồm bảo an, công dân vụ, thanh niên chiến đấu, phụ nữ cộng hòa dùng tàu thuyền càn quét ruồng bố các ấp ở khu vực rừng Sác, trên rừng và dọc hai bên lộ 15, bọn bảo an lùng sục thúc ép từng nhà dân phải dời vào ấp chiến lược. Với lực lượng đông, địch còn dùng súng uy hiếp bắt dân dỡ nhà. Được sự lãnh đạo của cán bộ cơ sở, nhân dân đấu tranh trì hoãn đến giằng co với địch, nhưng chúng càng đàn áp uy hiếp dỡ và đốt nhà dân. Chúng dỡ cả 6 ngôi miếu, đình, trong các ấp. Trước tình hình đó, buộc dân phải dỡ nhà vào ấp chiến lược.
Địch đã gom toàn bộ dân xã Hội Bài tập trung vào một ấp chiến lược Phước Hòa, khi đó, ấp chiến lược Phước Hòa gồm: ấp Phước Hòa là trung tâm (nay là xã Hội Bài), ấp Phước Tấn, ấp Hội Phước, ấp Hội Hòa và ấp Hội Bài với trên 3 ngàn hộ, gần 20 ngàn dân. Mỗi ấp đều có trưởng và phó ấp, lực lượng dân vệ và thanh niên chiến đấu được trang bị đầy đủ vũ khí.
Nhân dân Tân Thành tích cực đấu tranh chống làm ấp chiến lược từ đầu bằng cách trì hoãn, vừa làm vừa phá, ban ngày địch bắt dân làm, đêm ta tổ chức lực lượng và nhân dân phá san lấp hào, cắt kẽm, bẻ cọc sắt… Cuộc đấu tranh chống địch gom dân lập ấp chiến lược diễn ra giằng co, có lúc quyết liệt trong suốt những tháng cuối năm 1962 và đầu năm 1963 như ở Phú Mỹ và Phước Hòa, ấp chiến lược bị ta phá từng mảng, địch bắt dân làm lại ta tiếp tục phá, bị phá nhiều lần, nhưng do tương quan lực lượng nên ta chưa phá dứt điểm được.
Phong trào cách mạng ở huyện và các xã hết sức khó khăn. Một số cán bộ, du kích phải dạt ra ngoài căn cứ, nhiều cơ sở mất liên lạc, quần chúng có phần hoang mang. Năm 1962 do hạn hán kéo dài, lúa mùa có nguy cơ mất trắng. Trước tình hình đó, Huyện ủy chủ trương tiếp tục bám cơ sở bên trong ấp chiến lược móc nối và củng cố lại cơ sở phong trào, và tập trung lực lượng cùng với nhân dân các xã đào mương, tát nước tưới cho các cánh đồng bị hạn, cứu được hàng trăm mẫu lúa. Qua đó, các tầng lớp nhân dân và cán bộ chiến sĩ càng thêm tin tưởng và nhiệt tình ủng hộ cách mạng, tham gia kháng chiến./.





Bài 25
Chống phá ấp chiến lược, góp phần vào thắng lợi của chiến dịch   Bình Giã
____________________________________________

Năm 1963 trên địa bàn Tân Thành, địch đã cơ bản hình thành hệ thống ấp chiến lược, trên dọc lộ 15 chúng đã hình thành các ấp chiến lược từ Phú Mỹ (hai ấp) Ông Trịnh, Phước Lộc, Phước Hòa (năm ấp), Láng Cát và Chu Hải.
Ngay từ đầu năm 1963, Tỉnh ủy đã xác định nhiệm vụ trọng tâm là đẩy mạnh ba mũi giáp công chống phá ấp chiến lược. Phương châm đấu tranh là kết hợp ba mũi giáp công, lấy mũi vũ trang làm đòn xeo, diệt ác, phá kềm, phá phỏng, phá rã và tiến tới phá banh ấp chiến lược của địch, coi ấp chiến lược là chiến trường tiến công địch. Tỉnh ủy cử đồng chí Lê Thành Ba làm trưởng ban chống phá ấp chiến lược của tỉnh.
Trước tình hình khó khăn, dân hầu hết bị gom vào ấp chiến lược đã gây nhiều khó khăn bất lợi cho cách mạng. Cán bộ không trực tiếp lãnh đạo được phong trào, tình hình lương thực lại thiếu thốn. Vì địch kiểm soát gắt gao, dân khó tiếp tế lương thực, thuốc men cho cách mạng. Mỗi lần ta đột ấp là tổn thất hy sinh. Việc chống phá ấp chiến lược lại diễn ra dai dẳng và hết sức quyết liệt. Lực lượng vũ trang C.45 của tỉnh và C.20 của huyện cơ động đánh địch, hỗ trợ cho các xã làm đòn xeo cùng lực lượng binh vận và quần chúng nhân dân phá ấp chiến lược. Huyện ủy chỉ đạo các xã củng cố và xây dựng lực lượng du kích lộ và du kích mật, để có đủ điều kiện đánh bại các âm mưu thủ đoạn và sự đánh phá bình định của địch.
          Từ tháng 6 năm 1963, thực hiện chỉ đạo của Tỉnh ủy Bà Rịa, Huyện ủy tiếp tục phát động các xã đồng loạt tập trung lực lượng phá ấp chiến lược. Rút kinh nghiệm các lần phá trước, lần này ta chủ trương từ phá rã, phá banh đến phá dứt điểm. Tuy tình hình khó khăn nhưng cán bộ, chiến sĩ và nhân dân Tân Thành vẫn vững vàng, kiên trì cách mạng. Nhân dân trong ấp chiến lược mỗi khi đi làm rừng vẫn tìm mọi cách qua mặt địch, đem lương thực thực phẩm, thuốc men và vật dụng sinh hoạt cần thiết tiếp tế cho cán bộ du kích. Đặc biệt đồng bào dân tộc Châu Ro ở Châu Pha và khu căn cứ Hắc Dịch, dù bị địch càn quét đàn áp, bắn phá nương rẫy, bà con vẫn kiên quyết không “ăn ở hai lòng”, không chịu để địch gom vào ấp chiến lược. Xã Hắc Dịch khi đó có các ấp Thống Nhất, Mụ Bân và Châu Pha. Sau nhiều trận càn quét, gom dân của địch, một số gia đình từ ấp Châu Pha phải chuyển về khu vực nhà máy nước Bà Rịa, một số gia đình cùng đồng bào các ấp Thống Nhất, Mụ Bân dời sâu vào rừng, không để địch gom dân, lập ấp.
Địch đánh đến đâu, dân Hắc Dịch dời sâu vào rừng tới đó, sát cánh cùng bộ đội chống càn, xây dựng căn cứ, tham gia đào địa đạo, công sự chiến đấu và các kho cất giữ vũ khí đạn dược. Nhân dân Hắc Dịch sẵn sàng nhường cả ruộng rẫy, trâu bò cho bộ đội sản xuất, nuôi quân.
Trong thời gian các cơ quan của tỉnh Bà Rịa đóng trên địa bàn Hắc Dịch (1958-1964), khu căn cứ Châu Pha-Hắc Dịch đã hình thành trung tâm chỉ đạo phong trào cách mạng, trung tâm đào tạo và bồi dưỡng cán bộ quân nhân chính đảng trong toàn tỉnh. Tỉnh ủy, trường Đảng tỉnh, Phụ nữ tỉnh, Đoàn thanh niên tỉnh và khu Đoàn miền Đông đã mở nhiều lớp huấn luyện tại đây; nhân dân Hắc Dịch phục vụ, bảo vệ an toàn cho hàng trăm cuộc họp, lớp học, đồng thời đưa đón hàng ngàn lượt cán bộ từ các nơi khác đi về an toàn.
Công tác binh vận là một trong những mũi tiến công quan trọng, được Huyện ủy chỉ đạo chặt chẽ, các xã đều tổ chức được lực lượng tham gia công tác binh vận khá tốt. Với tinh thần mưu trí và sáng tạo, lực lượng công tác binh vận các xã Phú Mỹ, Phước Hòa đã vận động nhân dân, gia đình binh lính, sĩ quan ngụy, đến các tăng ni phật tử ở các chùa… đóng góp nhiều lương thực, thực phẩm cho cách mạng. Thông qua bọn lính và sĩ quan ngụy moi được nhiều nguồn tin tức quan trọng phục vụ kịp thời cho cách mạng. Kể cả vận động bọn dân vệ làm cơ sở cho ta diệt bọn tay sai tề, ngụy, ác ôn, cũng như vận động lực lượng dân vệ đem theo súng ra căn cứ tham gia kháng chiến, làm một tuyến phối hợp với du kích, bộ đội làm binh biến tiến công đồn địch giành thắng lợi. Cơ sở binh vận xã Phú Mỹ đã tổ chức được một tiểu đội dân vệ làm binh biến cho ta tiến công đồn Phú Mỹ. Trung sĩ Thạnh Phương, Phó đồn Phú Mỹ, cơ sở nội tuyến đưa vợ con ra trước, sau đó làm nội ứng cho ta tiến công đồn.
Nhóm hạt nhân tích cực trong công tác binh vận ven lộ 15 có các đồng chí Nguyễn Văn Đô (tức Hai Đô), các chị Sáu Búp, Năm Mai, Năm Vân, Mười Biếc ở Mỹ Xuân. Được Chi bộ và cán bộ binh vận giác ngộ, nhiều tăng ni, phật tử đã nhiệt tình ủng hộ cách mạng như cô Ba và thầy Bửu Thạnh (chùa Giữa) là cơ sở binh vận nắm tình hình địch, cô Sáu (chùa Chân), cô Duyên (chùa Thị Vải), cô Ba Diệu Anh (chùa Phú Mỹ) là cơ sở giao liên, tiếp tế lương thực, cô Hai (chùa Đại Tòng Lâm) là cơ sở nuôi giấu cán bộ và tiếp tế lương thưc thực phẩm cho cách mạng nhiều năm trong suốt thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Các cơ sở trong giới tăng ni Phật tử thường lấy đạo lý của người tu hành mà khuyên răn binh sĩ ngụy, nên làm điều lành, tránh điều ác, không tiếp tay cho ngoại bang làm hại cách mạng, hại nhân dân.
Chế độ độc tài gia đình trị Ngô Đình Diệm bị lật đổ (1/11/1963). Ngụy quân Ngụy quyền tay sai lâm vào khủng hoảng trầm trọng. Để phù hợp tình hình trên chiến trường. Tháng 12 năm 1963, Trung ương Cục quyết định tách tỉnh Bà Biên thành hai tỉnh Bà Rịa và Biên Hòa. Đồng chí Nguyễn Văn Chí là Bí thư Tỉnh ủy Bà Rịa, đồng chí Nguyễn Việt Hoa (tức Mười Thà) là Tỉnh đội trưởng, Tỉnh ủy ra nghị quyết phát động đợt ra quân đồng loạt phá ấp chiến lược trên phạm vi tòan tỉnh Bà Rịa.
Thực hiện chỉ đạo của Tỉnh ủy, Huyện ủy chỉ đạo lực lượng vũ trang huyện và du kích các xã kết hợp với lực lượng chính trị và binh vận, sự hỗ trợ của lực lượng bộ đội tỉnh cũng cố lực lượng, cùng với quần chúng tiến công và nổi dậy bức rút đồn bót, phá rã đến phá banh ấp chiến lược.
Ở xã Phước Hòa Chi bộ sớm được củng cố, đồng chí Võ Văn Vàng làm Bí thư Chi bộ, đã xây dựng được cơ sở nội tuyến trong lực lượng thanh niên chiến đấu, và làm nội tuyến đưa du kích và bộ đội huyện tiến công ấp chiến lược, giải tán ban hội tề xã Phước Hòa, Chi bộ và cơ sở  binh vận lãnh đạo quần chúng phá rã từng mảng ấp chiến lược.
Trước sự tăng cường lực lượng bảo an và bọn bình định nông thôn về xã Phú Mỹ, địch ngày đêm lùng sục, đánh phá cơ sở cách mạng, gây cho ta nhiều khó khăn và tổn thất. Hầu hết cán bộ và du kích xã bị đánh dạt ra ngoài ấp chiến lược, mỗi lần ta đột ấp đều bị hy sinh và tổn thất nặng nề.
Chi bộ xã Phú Mỹ chỉ còn lại một số đồng chí như: Đồng chí Ba Tài, Nguyễn Văn Thâm, Hứa Văn Chốn, Huỳnh Văn Sen. Trước tình hình đó Huyện ủy chỉ đạo tập trung củng cố lại Chi bộ, với quyết tâm bám dân, móc nối củng cố lại các cơ sở và phát triển lực lượng du kích để có đủ lực lượng đối phó với những âm mưu thủ đoạn và đánh phá của địch. Qua công tác binh vận, nhân dân đã hết lòng ủng hộ cách mạng, nhiều gia đình hết lòng che chở đào hầm nuôi dấu cán bộ ngay trong nhà, tiêu biểu như gia đình ông Ba Là đã nuôi đến ba cán bộ cách mạng. Các ấp trong xã đều có cơ sở để cán bộ bám trụ hoạt động. Cơ sở binh vận ở Phú Mỹ hoạt động mạnh, Ban chấp hành hội phụ nữ xã do đồng chí Phạm Thị Năm làm Hội trưởng hoạt động tích cực, đã vận động được nhiều dân vệ và bảo an đem vũ khí giao nộp cho cách mạng, tham gia kháng chiến như Nguyễn Văn Khánh là bảo an đóng ở đồn Phú Mỹ đem ra căn cứ một súng Carbin và 12 trái lựu đạn. Ngoài ra cơ sở binh vận còn vận động nhân dân đóng góp, ủng hộ tiền, lương thực và thuốc men cho cách mạng. Tiêu biểu là đồng chí Năm Cân, đại diện cho anh em trong Hội nông dân ở xã đi thu thuế, vận động hội viên và nhân dân đóng góp ủng hộ tiền rồi chuyển cho Ban kinh tài. Ở Phú Mỹ và Mỹ Xuân có những cơ sở đóng xe trâu, xe bò và xe be đều tích cực ủng hộ và chuyển lương thực vào căn cứ cho cách mạng.
Sau chuyến tiếp nhận vũ khí vào bến Lộc An đêm 3 tháng 10 năm 1963, Tỉnh ủy Bà Rịa được giao nhiệm vụ tiếp tục chuẩn bị tiếp nhận ở bến Lộc An, đồng thời triển khai kế hoạch tiếp nhận hàng từ bến Thạnh Phú (Bến Tre) vào cửa Cần Giờ, qua sông Đồng Tranh về Hắc Dịch. Căn cứ Hắc Dịch được xây dựng thành Tổng kho tiếp nhận vũ khí từ Thạnh Phú chuyển về qua tuyến sông Đồng Tranh – Thị Vải. Từ tổng kho Hắc Dịch, vũ khí, quân trang, quân y được vận chuyển đến các đơn vị chủ lực và các tỉnh miền Đông Nam bộ, Khu 6, góp phần đẩy mạnh vũ trang, hỗ trợ đắc lực cho phong trào phá ấp chiến lược trên toàn miền.
Trong những tháng cuối năm 1963 đầu năm 1964, cùng với bộ đội huyện và tỉnh, du kích xã Phú Mỹ và Phước Hòa liên tục phục kích bắn tỉa, đến tiến công đồn làm tiêu hao sinh lực địch và hỗ trợ cho quần chúng nổi dậy phá rã đến phá banh các ấp chiến lược. Như tháng 10 năm 1963, du kích Phú Mỹ đặt mìn và phục kích tiêu diệt một xe Jep địch đi trên lộ 15 ở cây số 77. sau đó một tháng, được sự hỗ trợ của nhân dân, du kích xã tiếp tục phục kích và diệt một xe GMC, bắt sống 11 tên địch, thu toàn bộ vũ khí.
Đến cuối năm 1963, hầu hết các ấp chiến lược ở Nam và Bắc lộ 15 thuộc xã Phước Hòa, Phú Mỹ, đều bị phá rã đến phá banh. Những tên tay sai ác ôn số bị diệt số còn lại hoang mang không dám đàn áp mạnh như trước, bảo an co lại trong đồn bót. Nhân dân phấn khởi, càng tích cực ủng hộ cách mạng hơn, phong trào cách mạng và cơ sở phát triển mạnh, nam nữ thanh niên hăng hái tham gia di kích, bộ đội.
Tháng 3 năm 1964, Trung ương Cục miền Nam họp hội nghị Trung ương lần thứ 3. Hội nghị đã nhân định và đánh giá tình hình trong hai năm và xác định nhiệm vụ của năm 1964 là: “Giữ vững, xây dựng, mở rộng các khu căn cứ rừng núi và đồng bằng theo kịp sự phát triển của cách mạng, nhất là trên các địa bàn chiến lược, đẩy mạnh phá ấp chiến lược của địch để tạo ra vùng giải phóng rộng lớn, liên hoàn tiếp giáp với các vùng căn cứ.
Thực hiện sự chỉ đạo của Trung ương Cục, Tỉnh ủy tiếp tục chỉ đạo các huyện và lực lượng vũ trang nhanh chóng củng cố tổ chức, phát triển cơ sở quần chúng, kết hợp ba mũi vũ trang, chính trị, binh vận liên tục tiến công bức rút đồn bót địch. Kết hợp chặt chẽ cùng với chủ lực tác chiến, phát triển phong trào du kích, chiến tranh phá rã, phá banh ấp chiến lược của địch trên quy mô toàn tỉnh, tạo điều kiện mở rộng hành lang tiếp nhận vũ khí, giải phóng và mở rộng quyền làm chủ của nhân dân./.







Bài 26
Chiến dịch Bình Giã
_____________________
Được sự hỗ trợ của lực lượng như bộ đội chủ lực, bộ đội tỉnh và bộ đội huyện, các xã thực hiện chỉ đạo của Huyện ủy đã mở đợt cao điểm liên tục tiến công địch. Trên truyến lộ giao thông huyết mạch của địch từ Sài Gòn – Biên Hòa đến Bà Rịa và quân cảng Vũng Tàu. Lộ 15 thường xuyên bị lực lượng của huyện và du kích các xã Phú Mỹ, Phước Hòa phục kích, tập kích, đắp mô, đến đánh sập cầu, đến tập kích đánh địch lưu thông trên trục lộ huyết mạch này.
Tháng 4 năm 1964, thiếu tá Nguyễn Văn Phước đưa Liên đội biệt kích gồm 9 đại đội về làm nhiệm vụ giữ an ninh quốc lộ 15. Phước bố trí 2 đại đội ở xã Phước Hòa, 2 trung đội ở 2 ấp Hội Bài và Ông Trịnh, 6 đại đội rải ra đóng ở Quán Chim, Sân bay, Phú Mỹ, Láng Cát, Cầu Váng (Chu Hải), Kim Hải. Khu ủy miền Đông Nam bộ đã cử cán bộ binh vận về phối hợp với Tỉnh ủy Bà Rịa tranh thủ được thiếu tá Phước, tạo điều kiện thuận lợi cho hành lang tiếp nhận vũ khí. Ngay trong tháng 4 năm 1964, Phước đã liên hệ và giao cho anh Võ Văn Lọt, cơ sở của lữ đoàn quân báo 316 của ta 50 trái lựu đạn M.26 và 2000 viên đạn tại Hội Bài.
Tháng 11 năm 1964, thiếu tá Phước được lệnh đưa hai đại đội giải tỏa cho đồn Bờ Đập. Phước đưa quân xuống đóng tại Phước Lợi, viết thư nhờ đồng bào chuyển vào căn cứ để giữ thế hòa hoãn với cách mạng. Cán bộ binh vận huyện đã đưa Phước vào căn cứ Minh Đạm. Sau ba lần gặp gỡ, hai bên làm bản cam kết: Phước không được hành quân vào vùng cách mạng, không bắt quân địch, không làm khó dễ cho đồng bào, không nổ súng vào cách mạng, để cho lực lượng cách mạng tự do hoạt động. Phía cách mạng cam kết không bắn chim sẻ, không đặt mìn, không đào đường trên tuyến Phước phụ trách. Trong lần gặp đầu tiên, Phước đã giao cho anh Đức Thiều (Đặng Thành Đức, cán bộ binh vận huyện Long Đất) 10 khẩu súng (1 thompson, 1 colt 12, 8 carbine), 60 trái đạn cối và một số đạn nhọn đáng kể tại ấp Hội trường, xã Phước Long Hội.
Sau khi cam kết, hai bên thường gặp nhau thông báo tình hình. Phước đóng lại một tháng rồi rút về Phước Hòa. Lực lượng binh vận cử cán bộ vào ở cùng đơn vị để chỉ dẫn chính sách của cách mạng cho Phước và binh sĩ thông suốt. Cán bộ binh vận còn đưa 2 cán bộ trinh sát của tỉnh đến giới thiệu và đề nghị Phước đưa vô căn cứ Yếu khu Phước Biên (Sân bay Phú Mỹ). Phước đưa sắc phục biệt động cho các anh cải trang, dùng xe gắn máy đưa hai anh vào yếu khu điều nghiên. Anh Chín Khang, cán bộ binh vận khu, anh Đức Thiều, cán bộ binh vận huyện và chị Minh Tuyết, ủy viên Ban Binh vận huyện giữ mối liên hệ với Phước. Nhờ tranh thủ và giữ được thế hòa hoãn với thiếu tá Phước, ta hoàn toàn làm chủ Lộ 15 và vận chuyển an toàn hàng trăm tấn vũ khí từ Rừng Sác vượt lộ về Hắc Dịch. Mỗi khi các lực lượng của huyện, của tỉnh và của miền cần hoạt động ở khu vực nào, chị Minh Tuyết báo cho bọn lính của Phước là ta tự do hoạt động.
Sách lược hòa hoãn với thiếu tá Phước đã vô hiệu hóa được cả một Liên đội Biệt động quân (9 đại đội, hơn 800 tên), tạo điều kiện phát triển mạnh mẽ lực lượng cách mạng trong khu vực. Trong thời gian hòa hoãn với thiếu tá Phước, du kích Phước Hòa đêm nào cũng ra lộ đắp mô, cắm cờ, gây ách tắc giao thông, thường xuyên đột ấp, vũ trang tuyên truyền, phá lỏng ấp chiến lược Phước Lộc, Láng Cát. Trên tuyến lộ 145 chỉ còn lại ấp chiến lược Chu Hải. Ta giáo dục hầu hết Thanh niên chiến đấu ở ấp Hội Bài và ấp Ông Trịnh thuộc xã Phước Hòa, đưa trên 100 thanh niên ra Rừng Sác, Rừng Giồng, nhiều người đã tham gia kháng chiến, trong đó có các liệt sĩ Hồ Văn Nam, Phan Văn Chuông. Sau này, trong suốt thời gian chiến dịch Bình Giã nổ ra, thiếu tá Phước đã giữ đúng cam kết, cho cả tiểu đoàn án binh bất động, lấy lý do an ninh bất ổn để từ chối lệnh hành quân ứng cứu.
Tháng 6 năm 1964, để hỗ trợ cho hoạt động mở mảng, mở vùng ở tỉnh Bà Rịa, Quân khu 7 đã điều tiểu đoàn chủ lực D.800 về hoạt động trên hướng lộ 15. Được cơ sở nội tuyến của ta cung cấp nguồn tin, có đoàn xe quân sự của địch vận chuyển lương thực và vũ khí đạn dược, quân dụng. Đoàn xe gồm 25 chiếc các loại, trong đó cả một đại đội bảo an đi theo để bảo vệ. Du kích xã Phú Mỹ kết hợp với lực lượng trinh sát của huyện và tiểu đoàn 800 phục kích ở lộ 15, ngay khu vực chùa Đại Tòng Lâm chờ đoàn xe đi ngang ta tấn công địch. Trận đánh diễn biến đúng như dự kiến, qua 30 phút chiến đấu quyết liệt, ta đã phá hủy và làm hư hỏng nặng 25 xe quân sự loại GMC, tiêu diệt trên 100 tên địch, phá hủy 3 khẩu pháo 105 ly và tịch thu nhiều phương tiện chiến tranh, vũ khí đạn dược của địch.
Thế làm chủ của ta ở các xã dọc lộ 15 được mở rộng. Các xã đều phát triển được đảng viên mật, du kích và tự vệ mật đến hai tiểu đội. Xã Phước Hòa xây dựng được một đội du kích đường sông, tham gia nắm tình hình địch và diệt ác, làm nội ứng cho ta tiến công địch. Cơ sở Phạm Văn Cát là thanh niên chiến đấu xã Phước Hòa đã đưa bộ đội huyện và du kích xã tiến công ấp chiến lược, diệt một trung đội biệt chính, diệt tên Tám Giò an ninh mật báo rất nguy hiểm và giải tán Ban hội tề xã Phước Hòa, thu 4 tiểu liên Mã Lai, 3 súng ru lô, đồng thời ta hỗ trợ cùng cơ sở và quần chúng nổi dậy phá banh ấp chiến lược Phước Hòa.
Xã Phú Mỹ, tuy địch đóng đồn ngay trong khu dân cư và ấp chiến lược, lực lượng bảo an thường xuyên kiểm tra lục soát rất gắt gao, nhất là bọn cảnh sát và bình định chúng thực hiện nhiều âm mưu thủ đoạn để đánh phá cơ sở và phong trào cách mạng. Nhưng được sự hỗ trợ của quần chúng và cơ sở nội tuyến, ta đã kết hợp tốt ba mũi giáp công, đột nhập ấp chiến lược diệt tên Bê cảnh sát ác ôn, giải tán thanh niên chiến đấu, tịch thu hết súng đạn, đưa được một số thanh niên ra căn cứ tham gia kháng chiến và hỗ trợ quần chúng phá rã từng mảnh và làm vô hiệu hóa ấp chiến lược, tạo được nhiều lối ra vào ấp chiến lược Phú Mỹ.
Cuối năm 1964 hệ thống các ấp chiến lược của địch ở Nam, Bắc lộ 15 hầu hết ta đã phá lỏng, phá rã đến phá banh, ta làm chủ từng đoạn lộ 15. Thực lực cách mạng ở các xã và trên địa bàn Tân Thành phát triển mạnh. Các tuyến hành lang liên huyện đến tỉnh được thông suốt, tạo điều kiện thuận lợi cho lực lượng quân chủ lực Miền về hoạt động, nhất là tạo được đường vận chuyển vũ khí từ bờ sông Thị Vải đến khu căn cứ Hắc Dịch.
Tại các khu căn cứ Hắc Dịch, Châu Pha đồng bào dân tộc tích cực chuẩn bị lương thực thực phẩm và địa bàn cho bộ đội về tác chiến. Dân quân du kích Hắc Dịch chia ca canh giác bảo vệ các hướng vào khu căn cứ, bảo vệ kho tàng vũ khí và tiếp nhận lương thực thực phẩm các nơi chuyển về tổng kho ở Hắc Dịch.
Từ tháng 10 năm 1963, sau khi mở bến Lộc An, tiếp nhận thắng lợi 20 tấn vũ khí vận tải bằng đường biển đầu tiên vào miền Đông Nam Bộ. Bộ chỉ huy Miền đã quyết định mở tuyến Đồng Tranh – Hắc Dịch chuyển tiếp vũ khí từ Thạnh Phú (Bến Tre) về Hắc Dịch được chọn làm căn cứ của Ban chỉ huy Đoàn K10, với lực lượng vận tải lên đến một trung đoàn. Hắc Dịch là tổng kho tiếp nhận vũ khí lớn của miền Đông Nam Bộ, có lúc dự trữ đến 800 tấn vũ khí, quân nhu, quân y. Đó là nguồn vũ khí chủ yếu để xây dựng lực lượng Miền lớn mạnh, làm nên những chiến thắng lẫy lừng ở Bình Giã, Ba Gia, Phước Long, Sông Bé. Đây cũng là một trong những nguyên nhân được Bộ chỉ huy Miền chọn chiến trường Bình Giã (Bà Rịa) làm hướng chủ yếu cho chiến dịch lớn đầu tiên của chủ lực miền Đông Nam bộ.
Thực hiện chỉ đạo của Miền, đơn vị 445B do đồng chí Lê Thành Công (Sáu Thịnh) là chỉ huy trưởng (445 là mật danh của đơn vị bộ đội tập trung của tỉnh Bà Rịa lúc đó) được thành lập ở căn cứ Hắc Dịch, quân số từ 65-70 đồng chí. Nhiệm vụ của 445B là tiếp chuyển hàng (vũ khí, đạn dược) do Đoàn 340B chuyển từ sông Đồng Tranh về Thị Vải. Đơn vị 445B có nhiệm vụ chuyển hàng do đơn vị 340B giao tại bờ sông Thị Vải, vận tải bộ về Hắc Dịch. Đơn vị 445B tổ chức tiếp nhận hàng tại 3 bến: Bến Bà Phóng, bến Giữa và bến Ông Trịnh (thuộc địa bàn xã Phú Mỹ).
Để công việc vận tải được an toàn, không bị địch phục kích, khi tiếp nhận và chuyển vượt qua lộ 15, Đoàn 445B phải thường xuyên tổ chức trinh sát, và kết hợp với lực lượng du kích xã Phú Mỹ theo dõi địch ở yếu khu Phước Biên, địch ở đồn Phú Mỹ để tổ chức đánh lạc hướng và ngăn chặn địch mỗi khi ta vận chuyển vũ khí.
Để gấp rút chuẩn bị hậu cần cho hoạt động quân sự trên chiến trường Miền Đông, đặc biệt là nhu cầu vũ khí đạn dược, Bộ chỉ huy quân sự Miền rút phần lớn lực lượng Đoàn 1500 về Hắc Dịch, tăng cường cán bộ, bổ sung quân số cho hành lang vận tải này, thành lập một Trung đoàn tiếp vận mang phiên hiệu Đoàn K10. Căn cứ chính của Đoàn K10 đóng tại Hắc Dịch. Nhờ tổ chức chặt chẽ, kỷ luật nghiêm ngặt, giữ được bí mật tuyệt đối đường hành lang, điểm giao nhận nên tuyến hành lang này hoạt động rất hiệu quả, phục vụ đắc lực cho việc phát triển lực lượng vũ trang và đấu tranh vũ trang trong thời kỳ này. Tỉnh đội đã bàn giao khu căn cứ Hắc Dịch với cả hệ thống địa đạo cho Đoàn K10, phục vụ việc tổ chức tiếp nhận và bảo quản vũ khí.
Hắc Dịch trở thành căn cứ địa không chỉ của huyện, của tỉnh mà của toàn miền, có vị trí quan trọng trong việc tập kết và dự trữ vũ khí, trung chuyển cho lực lượng vũ trang miền, đặc biệt là thời kỳ trực tiếp phục vụ chiến dịch Bình Giã. Chiến trường Bình Giã đã sử dụng đến 500 tấn vũ khí trong đó có 400 tấn được cấp phát từ tổng kho K10 (Hắc Dịch). Khu căn cứ Hắc Dịch được coi là “Thánh địa” của cuộc kháng chiến trên địa bàn miền Đông Nam bộ, nơi đây đã đưa đón nhiều các cơ quan tham mưu, chính trị, hậu cần Miền về chuẩn bị chiến dịch Bình Giã, các đơn vị về tiếp nhận vũ khí, cũng như nơi đây tiếp nhận lương thực, thực phẩm các nơi trong tỉnh Bà Rịa tập kết về để phục vụ cho chiến trường Bình Giã. Ở khu căn cứ Hắc Dịch còn có Bệnh xá dân y của tỉnh, được quân khu đầu tư, nâng cấp với 180 giường bệnh để phục vụ chiến dịch, là nơi đóng quân của trung đoàn chủ lực Q 762, để chuẩn bị ra quân trong chiến dịch.
Mỗi người dân Hắc Dịch thật sự là một chiến sĩ cách mạng, chiến sĩ giao liên dẫn đường cho các đơn vị ra vào căn cứ, đưa các cánh quân đi trinh sát địa bàn, trận địa. Hắc Dịch không chỉ là khu căn cứ của tỉnh, của huyện của các giai đoạn trong kháng chiến, mà nơi đây còn là căn cứ của chiến dịch Bình Giã, góp phần quyết định vào thắng lợi chung của vùng miền Đông Nam bộ.
Để phối hợp hỗ trợ và ủng hộ cho chiến dịch Bình Giã, nhân dân Phú Mỹ, Phước Hòa và Hội Bài được Ban binh vận vận động đã tích cực đóng góp tiền, lương thực, sức người của cho chiến dịch thắng lợi, tiêu biểu các gia đình ở Phú Mỹ như: Gia đình ông Đỗ Văn On, Lê Văn Bảy, Nguyễn Văn Chứng, gia đình ông Nguyễn Văn Diễn. Trong thời gian diễn ra chiến dịch, lực lượng du kích Phú Mỹ và Phước Hòa thường xuyên cùng với nhân dân đêm đêm ra lộ đắp mô, cắm cờ làm ách tắc giao thông, ngăn chặn đường tiếp viện quân địch cho chiến trường Bình Giã. Lực lượng giao liên tỉnh và huyện mà số đông là người dân tộc Châu Ro là đội ngũ dẫn đường tin cậy cho các đơn vị về tiếp nhận vũ khí và chiếm lĩnh trận địa. Một trong những đóng góp thầm lặng mà vô cùng quan trọng của quân và dân Hắc Dịch vào trận thắng Bình Giã là giữ bí mật tuyệt đối cho chiến dịch.
Kể từ ngày Hắc Dịch trở thành căn cứ của Đoàn K10, Đoàn 84 Hậu cần miền cho đến khi chiến dịch nổ ra, cán bộ quân nhu tỉnh, cán bộ Đoàn hậu cần 84, Đoàn hậu cần khu E và hậu cần Miền về tổ chức căn cứ tiếp nhận vũ khí và phục vụ chiến dịch, có lúc đông trên trăm người. Hàng trăm tấn vũ khí, hàng ngàn dân công, bộ đội về vận tải và tiếp nhận, vậy mà kẻ địch không phát hiện được một dấu hiệu gì về một chiến dịch lớn sắp nổ ra ở khu vực này.
Quân và dân Tân Thành đã góp phần cùng bộ đội chủ lực Miền và quân dân trong tỉnh góp phần giành thắng lợi to lớn: Loại khỏi vòng chiến đấu 1.755 tên địch, trong đó có 60 tên cố vấn Mỹ, 40 sĩ quan Ngụy, bắt sống 293 tên, phá hủy 45 xe quân sự, bắn cháy và làm bị thương 55 máy bay, thu 611 súng các loại, 10 máy truyền tin và nhiều quân trang quân dụng. Lần đầu tiên trên chiến trường miền Nam ta đã tiêu diệt được cấp tiểu đoàn địch, kể cả đơn vị sừng sỏ thuộc lực lượng tổng trù bị của giặc. Đánh giá ý nghĩa của thắng lợi, đồng chí Lê Duẩn, Bí thư thứ nhất Ban chấp hành Trung ương Đảng đã nhận định: “Trong quá trình chiến tranh giải phóng miền Nam đã diễn ra những bứơc nhảy vọt như thế, với trận Ấp Bắc năm 1963 địch thấy khó thắng ta, sau chiến dịch Bình Giã địch thấy thua ta”./.





Bài 27
Trực tiếp đương đầu với quân viễn chinh Mỹ và chư hầu Úc
_____________________________
Chiến thắng Bình Giã (tháng12/1964) là một đòn đánh mạnh vào ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ, làm phá sản hoàn toàn chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”, đẩy chế độ tay sai ở Sài Gòn đứng trước nguy cơ sụp đổ. Nhưng với bản chất xâm lược, đế quốc Mỹ vẫn không từ bỏ tham vọng biến miền Nam thành thuộc địa kiểu mới. Ngày 17 tháng 7 năm 1965, tổng thống Mỹ quyết định đưa 44 tiểu đoàn quân Mỹ vào miền Nam chính thức triển khai chiến lược “Chiến tranh cục bộ” ở Việt Nam.
Mục tiêu của chiến lược “Chiến tranh cục bộ” là triển khai quân viễn chinh Mỹ, quân chư hầu tiến hành cuộc chiến tranh trên bộ ở Nam Việt Nam, dùng “phản công” tiêu diệt quân chủ lực ta, làm cho quân chủ lực cách mạng không tập trung được, mà phải phân tán, chỉ đánh du kích; Kết hợp chiến tranh phá hoại bằng không quân ở miền Bắc, buộc ta phải thương lượng theo điều kiện của Mỹ.
Ngày 5 tháng 5 năm 1965, lữ đoàn dù 173 của Mỹ đổ bộ vào Vũng Tàu, triển khai lực lượng trên chiến trường Biên Hòa, Bà Rịa, mở đầu cho cuộc chiến tranh cục bộ. Các đơn vị Hoàng gia Úc và pháo binh Tân Tây Lan tiếp tục đổ bộ vào Biên Hòa, chuẩn bị triển khai lực lượng xuống địa bàn Bà Rịa. Cùng với quân và dân toàn tỉnh, quân và dân Tân Thành đã trực tiếp đương đầu với quân xâm lược Mỹ và quân chư hầu Úc.
            Chiến thắng Bình Giã (1964-1965) đã làm phá sản về cơ bản chiến lược chiến tranh đặc biệt của đế quốc Mỹ và tay sai. Phát huy thắng lợi của chiến dịch Bình Giã, đầu năm 1965, Tỉnh ủy chỉ đạo đẩy mạnh phong trào ba mũi giáp công đánh địch, phá rã hầu hết các ấp chiến lược và bộ máy kềm kẹp của địch.
Thực hiện chỉ đạo của Huyện ủy, Chi bộ chỉ đạo các cơ sở và binh vận phối hợp tác chiến. Ở Phú Mỹ, tổ tự vệ mật do đồng chí Hứa Văn Chốn chỉ huy (tổ gồm 8 đồng chí: Nhi, Nhớ, Cẩm, Lài, Giang…) kết hợp với du kích tiến công diệt và làm tan rã một trung đội nghĩa quân của địch, thu 10 súng các loại và hàng chục lựu đạn, phá rã bộ máy tề ngụy ở xã và các ấp.
Bị tấn công liên tục, bọn bảo an ở đồn Phước Hòa co lại, tề ngụy hoang mang tối không dám ở nhà, phải vào đồn ngủ, ấp chiến lược xã Phước Hòa không còn là nơi an toàn của địch nữa. Về phía ta, sau mỗi trận đánh, quần chúng rất phấn khởi bung ra sản xuất, nhất là các cơ sở được nối lại liên lạc để hoạt động. Qua công tác vận động quần chúng, có 9 thanh niên hăng hái thoát ly, được bổ sung vào du kích xã và lực lượng huyện.
Từ đầu năm 1965, được sự hỗ trợ của bộ đội vũ trang C20 và trinh sát cùng với lực lượng du kích Phước Hòa liên tục hoạt động bắn phá, đánh cống, đắp mô và chặn xe thu thuế trên đường 15 kể cả ban ngày. Các ấp chiến lược được coi là kiên cố của địch trên lộ 15 như Phước Lộc, Láng Cát, Kim Hải đều bị phá rã. Du kích Phước Hòa bắt các tên trưởng ấp cảnh cáo trước quần chúng nhân dân, sau đó ta giáo dục và khoan hồng cho về nhà, những tên này đã hứa nghỉ việc không tham gia tề ngụy nữa. Ngay sau đó ta phá đường dây và trụ dây thép bưu điện trên lộ 15 đoạn từ ấp Lam Sơn đến ấp Phước Lộc dài trên 3 km. Qua phong trào diệt ác phá kềm, ta đã xây dựng ở Phước Hòa được 7 cơ sở người di cư công giáo phục vụ đắc lực cho cách mạng như: liên lạc, rải truyền đơn trong các ấp và quanh đồn bót địch.
Tính đến tháng 8 năm 1965, thế lực và phong trào cách mạng ta phát triển mạnh, bọn địch ở các đồn bót co lại, tề ngụy hoang mang rệu rã. Được cơ sở nội tuyến ta nắm chắc tình hình bố phòng của địch, Chi bộ Phước Hòa trực tiếp cùng lực lượng du kích đột nhập vào trung tâm xã Phước Hòa, chúng chống cự yếu ớt và hốt hoảng bỏ chạy tán loạn, ta hoàn toàn làm chủ tình hình. Sau đó ta phát động quần chúng phá banh hệ thống ấp chiến lược qui mô của xã Phước Hòa. Hầu hết các ấp chiến lược trên địa bàn Tân Thành đều bị phá rã đến phá banh, tạo điều kiện cho phong trào cách mạng ngày càng phát triển. Lực lượng vũ trang từ tỉnh đến huyện và du kích các xã đều có bước trưởng thành. Ngày 19 tháng 5 năm 1965, tiểu đoàn 445 bộ đội tỉnh Bà Rịa được thành lập. Bộ đội địa phương huyện và du kích xã cũng được tăng cường cả quân số và vũ khí.
Giữa năm 1965, trung ương Cục và Quân ủy miền quyết định điều Đoàn 10 đặc công Rừng Sác về chiến trường Bà Rịa và thành lập Đặc khu Rừng Sác. Quân và dân Phú Mỹ, Phước Hòa đã hỗ trợ cho Đoàn 10 tổ chức thu mua lương thực thực phẩm, cung cấp nước ngọt và xây dựng căn cứ tại Rừng Sác.
Bằng phương tiện chiến tranh hiện đại, đế quốc Mỹ quyết tâm hủy diệt khu căn cứ Hắc Dịch và đàn áp các lực lượng cách mạng trên địa bàn Tân Thành. Được quân Mỹ án ngữ bên ngoài, ngụy quân, ngụy quyền ra sức bình định, lập ấp tân sinh (tức ấp chiến lược được đổi tên) nhằm tìm và đánh phá cơ sở cách mạng. Dọc trục lộ 15, địch xây dựng thêm đồn pháo binh ở ấp Ông Trịnh (xã Phước Hòa) và xây dựng thêm yếu khu Phước Biên (khu vực ấp Phước Lập, xã Phú Mỹ). Chúng tăng cường lực lượng bảo an ở các đồn như Phú Mỹ, Phước Hòa và củng cố tăng quân ở tua cầu Rạch Váng. Ngoài ra chúng còn đưa các tên tay sai ác ôn khét tiếng về bố trí củng cố tề xã đến các ấp, nhằm kiểm soát chặt chẽ các hoạt động, tổ chức cơ sở cách mạng.
Tháng 1 năm 1966, quân Mỹ bắt đầu mở đợt phản công chiến lược mùa khô lần thứ nhất. Mục tiêu của chúng là tiêu diệt lực lượng cách mạng, đẩy lực lượng cách mạng ra khỏi những vùng giải phóng, hỗ trợ đắc lực cho việc bình định lập ấp tân sinh trong xã, ấp, mở rộng vùng kiểm soát, đánh vào cơ sở cách mạng để cắt nguồn hậu cần tại chổ của ta.
Tháng 3 năm 1966, xã Phước Hòa nhận thêm ấp Kim Hải (trước đây thuộc thị  xã Bà Rịa). Lực lượng và cơ sở xã cũng được củng cố và phát triển mạnh, nhằm đáp ứng với cuộc chiến đấu ác liệt hơn. Lực lượng du kích các xã cũng phát triển từ một tiểu đội đến hai tiểu đội, du kích mật ở các xã lộ 15 phát triển mạnh. Đồng chí  Đặng Văn Phó, huyện ủy viên được phân công về xã Phước Hòa trực tiếp làm Bí thư Chi bộ thay đồng chí Võ Văn Vàng. Đồng chí Ba Khởi là xã đội trưởng, đồng chí Nguyễn Văn Sơn (tức Ba Sơn) là xã đội phó, đồng chí Nguyễn Văn Lâm là chính trị viên. Lực lượng và Chi bộ Phước Hòa vừa được củng cố xong, đóng căn cứ ở núi Đá Rạng, giữa hai dãy núi Dinh và Tóc Tiên – Thị Vải, thì tháng 4 năm 1966, lữ đoàn dù 173 của Mỹ và lực lượng Úc càn vào căn cứ, sau đó địch cho pháo bắn cấp tập vào hai sườn núi, ta chiến đấu quyết liệt, sau đó phải rút lui để bảo toàn lực lượng. Trong trận này ta bị mất tích đồng chí Võ Văn Tư trên đường đi liên lạc về huyện. Sau trận càn lực lượng của xã không còn lương thực phải nhịn đói ăn chuối rừng 6 ngày.
Ngày 29 tháng 5 năm 1966, chiến đấu đoàn số 1 lính Hoàng gia Úc gồm 880 tên và một đại đội pháo Tân Tây Lan (20 khẩu pháo, 16,7 ly) do tên thiếu tướng Henderson chỉ huy kéo quân về đóng căn cứ tại Núi Đất (Hòa Long). Ngoài lính Mỹ và Úc lực lượng địch trên địa bàn tỉnh Phước Tuy (Bà Rịa) lúc đó còn có nhiều sư đoàn, lữ đoàn, chiến đoàn Mỹ, sư đoàn 18 chủ lực Ngụy thường xuyên hành quân càn quét trên chiến trường Bà Rịa. Quân và dân Bà Rịa nói chung, quân dân Tân Thành một lần nữa thể hiện ý chí kiên cường và quyết tâm đánh giặc ngoại xâm.
Mỹ-ngụy biết rõ Hắc Dịch là khu căn cứ cách mạng quan trọng của ta, căn cứ của cơ quan đầu não của tỉnh Bà Rịa và Tân Thành có vị trí chiến lược của con đường huyết mạch lộ 15, cũng như Phú Mỹ, là cửa ngõ vào khu căn cứ Hắc Dịch, nên địch tăng cường lực lượng, đóng các đồn bót dầy đặc, kềm kẹp và đánh phá liên tục Phú Mỹ-Hắc Dịch với ý đồ hủy diệt vùng căn cứ, cưỡng bách đồng bào dân tộc Châu Ro ở Hắc Dịch ra lộ 15. Nhân dân Hắc Dịch đã cùng bộ đội chiến đấu quyết liệt để bảo vệ căn cứ, hầu hết đồng bào dân tộc Châu Ro đã cùng lực lượng rút vào rừng sâu, kiên quyết không sống ở vùng địch kiểm soát.
Ngày 30 tháng 6 năm 1966, quân Úc huy động lực lượng một tiểu đoàn mở trận càn quét vào vùng giải phóng của ta ở Châu Pha. Lực lượng huyện bố trí tại căn cứ Đồng Nghệ diệt và làm bị thương hàng chục tên giặc, thu vũ khí. Địch phải sử dụng 4 máy bay lên thẳng chuyển hướng về Núi Đất. Quân Mỹ, Úc phối hợp với ngụy quân ngụy quyền mở hàng loạt cuộc hành quân, chà đi xát lại , đánh vào vùng giải phóng, càn quét, đưa dân ở các vùng giải phóng gom vào các ấp chiến lược. Liên tiếp nhiều ngày đêm liền Mỹ ngụy cho máy bay quần đảo, phát loa buộc nhân dân phải rời làng, di tản đi nơi khác. Huyện ủy dời về căn cứ núi Dinh củng cố lực lượng, chuẩn bị đánh càn. Du kích các xã hầu như không bám được dân phải rút ra ngoài củng cố các lõm căn cứ. Tâm tư tình cảm của cán bộ, đảng viên, chiến sĩ nhất là bà con cơ sở có phần băn khoăn lo lắng trước sự càn quét đánh phá ngày càng tăng của địch nhất là bọn lính chư hầu Úc.
Trước tình hình đánh phá ác liệt của Mỹ-Ngụy, ngày 17 tháng 7 năm 1966, từ thủ đô Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra lời kêu gọi lịch sử, khẳng định ý chí quyết tâm giải phóng miền Nam của dân tộc ta: “Chiến tranh có thể kéo dài 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa. Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, xí nghiệp có thể bị tàn phá, song nhân dân Việt Nam quyết không sợ! Không có gì quý hơn độc lập tự do”. Lời kêu gọi của Bác là lời động viên cán bộ, đảng viên và nhân dân cả nước nói chung, quân dân Tân Thành nói riêng kiên quyết bám trụ địa bàn chiến đấu.
Cuối năm 1966, địch đánh phá ác liệt, cán bộ, du kích đến Chi bộ hầu hết phải dạt ra ngoài, về căn cứ để củng cố lực lượng. Việc liên lạc giữa cán bộ bên trong và bên ngoài hết sức khó khăn. Căn cứ xã Phước Hòa phải dời từ rừng Giồng, về rừng Sác để có điều kiện bám dân, củng cố cơ sở và tìm nguồn lương thực. Được cơ sở nội tuyến hỗ trợ, đội du kích xã mai phục địch ở Gò Hào gần bến Hội Bài, cách ấp chiến lược 30 mét, bắt sống hai tên tề ấp đưa về căn cứ. Ta giáo dục chủ trương, chính sách của Đảng, giáo dục ý thức dân tộc, cảnh cáo những hành động phản nước hại dân của chúng rồi giao về cho gia đình quản lý. Cả hai tên đều hứa sẽ lãng công, trốn việc, không làm tay sai cho giặc nữa.
Thời gian ở căn cứ rừng Sác, do địch kiểm soát quá gắt gao, dân không tiếp tế được, hàng tháng trời, cán bộ và du kích phải ăn ốc, cua, đọt chà là thay cơm, khó khăn nhất là thiếu nước ngọt. Lợi dụng thời gian đội giang thuyền của địch kiểm tra không thường xuyen, đồng bào làm nghề chài lưới có điều kiện tiếp tế cho lực lượng của xã. Trong khi đó, các đơn vị của huyện ở rừng Giồng lại khó khăn, do địch đánh phá ác liệt, phải dời căn cứ liên tục, do đó lực lượng rất khó khăn. Xã Phước Hoà phải tổ chức cơ sở trong số dân đi chài lưới để qua xã Long Sơn mua khoai mì, gạo, thuốc men, vượt qua đội giang thuyền của địch để tiếp tế lương thực cho lực lượng của huyện đang thiếu đói trầm trọng.
Từ tháng 9 năm 1966, Mỹ đưa trung đoàn kỵ binh số 11 (E11) với hàng trăm xe tăng, thiết giáp về đóng căn cứ tại Suối Râm cùng với quân chư hầu Úc, chúng thường xuyên càn quét vào vùng giải phóng huyện Châu Đức, nhất là đánh sâu vào vùng căn cứ Châu Pha, Hắc Dịch. Kể cả trận địa pháo ở Cây Cầy cán bộ chiến sĩ và nhân dân thường gọi là “dàn nhạc Tân Tây Lan” thường xuyên bắn phá vào khu căn cứ Châu Pha, Hắc Dịch, gây cho ta nhiều tổn thất và khó khăn.
Địch ngày càng tăng cường đánh phá, phản kích quyết liệt, chúng quyết tâm lấn chiếm vùng giải phóng và khu căn cứ của ta. Từ đầu năm 1967, bọn Úc tập trung đánh phá khu căn cứ Hắc Dịch, Châu Pha. Địch sử dụng dàn pháo Tân Tây Lan, kết hợp với máy bay B.52 rải thảm, ném bom phát quang, bom Napan, chất độc hóa học để hủy diệt rừng núi, khu căn cứ cách mạng. Chúng khoanh khu vực Hắc Dịch là “mật khu Việt cộng”, xem tất cả dân Hắc Dịch đều là “Việt cộng” nên thường xuyên oanh kích không hạn chế, khi càn quét chúng bắn giết tất cả, không phân biệt già trẻ gái trai.
Trước tình thế vô cùng ác liệt, để bảo vệ đồng bào, Huyện ủy Châu Đức chủ trương đưa dân Hắc Dịch ra khu vực Cầu Vạt (Phước Thái) để tạo thế hợp pháp, bảo vệ dân, đồng thời tạo cơ sở hợp pháp để cung cấp nguồn lương thực, thực phẩm cho hậu cần của huyện. Đồng bào dân tộc Châu Ro kiên quyết xin ở lại, sống chết cùng bộ đội. Ban Thường vụ Huyện ủy cử đồng chí Nguyễn Văn Kiềm xuống cùng Chi bộ Hắc Dịch lãnh đạo đồng bào, và quyết định đưa cả chi bộ ra làng Cầu Vạt, chỉ để lại đồng chí Bí thư và đội du kích ở lại chiến đấu. Chi bộ xã cử đồng chí Anh phó Bí thư Chi bộ và một số cán bộ cơ sở, binh vận cùng đi theo để tiếp tục củng cố, bám địa bàn và làm cầu nối cho liên lạc, nhất là tạo được cửa khẩu hậu cần lớn để tiếp tế lương thực cho huyện và các đơn vị tỉnh, quân khu đang khó khăn thiếu lương thực trầm trọng.
Chi bộ Hắc Dịch tiếp tục xây dựng đội du kích mật ở Cầu Vạt, thường xuyên đánh địch phá thế kềm kẹp của chúng. Các em thiếu nhi người Châu Ro trở thành lực lượng giao liên đắc lực, hàng ngày vượt suối, cung cấp tin tức và đưa bộ đội, cán bộ vào làng lấy gạo. Làng Cầu Vạt được xây dựng thành làng du kích. Hơn mười gia đình người dân tộc Châu Ro từ Hắc Dịch chuyển về sống ở khu vực Nhà máy nước Bà Rịa đã trở thành những cơ sở cách mạng tin cậy của Thị ủy Bà Rịa trong những năm sau đó.
Ở khu vực rừng Sác và dọc lộ 15, địch tiếp tục tăng cường lực lượng chốt chặn bảo vệ tuyến đường huyết mạch từ Sài Gòn – Biên Hòa về Bà Rịa, Vũng Tàu. Địch cho lực lượng quân Úc và một số cụm pháo 105 ly về đóng chốt tại khu vực ấp Láng Cát (Phước Hoà) nhằm đánh phá các xã dọc lộ 15 và các căn cứ của ta ở rừng Sác. Quân ngụy xây dựng thêm đồn bảo an ở Rạch Tre (nay thuộc ấp Phước Hiệp, xã Hội Bài), xây thêm tua cho một trung đội bảo an chốt giữ cầu Rạch Váng. Trên các sông rạch, địch cho bọn giang thuyền Hắc Long ngày đêm kiểm tra liên tục, bất kể gặp ghe đi chài lưới, giết hại cả chục thường dân đi làm ăn trên sông Hội Bài.
Mặc dù địch tăng cường bảo vệ lộ 15 rất chặt chẽ, nhưng được các cơ sở nội tuyến và du kích mật hoạt động tích cực, ngày 1 tháng 11 năm 1966, được cơ sở cung cấp tình hình, du kích xã Phước Hòa kết hợp với Trung đoàn 4 phục kích trên lộ 15, bắn cháy 6 xe GMC, diệt và làm tan rã một đại đội địch.
Do địch đánh phá ngày càng ác liệt, tình hình các xã cũng hết sức khó khăn, Huyện ủy tăng cường cán bộ về hỗ trợ cho các xã. Giữa tháng 7 năm 1966 đồng chí Nguyễn Văn Phúc (tức Hai Phúc), Trưởng Ban Binh vận huyện về làm Bí thư chi bộ Phước Hòa, thay đồng chí Đặng Văn Phó (rút về huyện). Đồng chí Nguyễn Thị Hạnh, cán bộ văn phòng Huyện ủy được điều về làm Hội trưởng Hội phụ nữ xã Phước Hòa. Đồng chí Nguyễn Văn Soạn thay đồng chí Khởi làm Xã đội trưởng.
Được tăng cường số cán bộ phong trào ở huyện, lực lượng xã Phước Hòa chia làm 3 cánh để hoạt động cho phù hợp với địa bàn. Một cánh do đồng chí Hai Phúc trực tiếp chỉ đạo, tập trung vào công tác binh vận và vận động đồng bào công giáo, bám địa bàn ấp Chu Hải và Kim Hải hoạt động. Hai cánh còn lại sử dụng ghe thuyền hoạt động trên các sông rạch để liên lạc với đồng bào chài lưới, móc nối củng cố lại cơ sở, hàng đêm đột ấp phát động quần chúng đấu tranh chống địch bắn pháo trên sông rạch để đồng bào làm ăn, vận động thanh niên tòng quân giết giặc, vận động nhân dân ủng hộ cách mạng. Qua tiếp xúc với đồng bào làm ăn trên các sông rạch, ta đã vận động được số bảo an, dân vệ, số thanh niên trốn lính ra các cù lao làm ăn thoát khỏi sự kềm kẹp của địch. Đội du kích đường sông được củng cố, vừa theo dõi nắm tình hình địch, vừa vận chuyển lương thực, đưa đón và bảo vệ các đoàn cán bộ, bộ đội đột ấp hoạt động.
Trên địa bàn xã Phú Mỹ, do địch tăng cường lực lượng mạnh ở đồn, cũng như bọn bình định kiểm soát, lục soát gắt gao nên phong trào và cơ sở cách mạng lắng xuống. Một vài cơ sở tích cực hoạt động liên lạc được với cách mạng, nhưng không lọt qua được vòng kiểm soát của địch nên đã bị bắt và tù đày như đồng chí Phan Thị Năm. Lực lượng du kích phải liên tục chống trả, đối phó với các cuộc càn quét qui mô của quân Úc và Ngụy, nhiều đồng chí đã chiến đấu dũng cảm để bảo vệ căn cứ và đã anh dũng hy sinh như các đồng chí Hùng, Nhỏ, Thu, Qùi, Diệp và Vân. Để trả thù cho những đồng chí, đồng đội đã anh dũng hy sinh, đồng chí Nguyễn Văn Thâm, xã đội trưởng Phú Mỹ đã dũng cảm phục kích và tiêu diệt được một xe tăng thuộc lữ đoàn 173 của Mỹ đóng quân ở Bàu Ao, gần cây số 78 sát lộ 15.
Mặc dù bị địch đánh phá, đàn áp phong trào, bắt bớ cơ sở nhưng nhân dân Tân Thành vẫn một lòng sắt son với cách mạng. Đồng bào Hắc Dịch tuy phải sống tạm vùng địch kiểm soát ở Cầu Vạt (Phước Thái) nhưng vẫn một lòng thủy chung với cách mạng. Được chi bộ Hắc Dịch tổ chức và lãnh đạo, đồng bào ở Cầu Vạt xây dựng được một đội du kích mật trên 10 đồng chí, thường xuyên đánh phá, nới lỏng kềm kẹp của địch.
Ở Phú Mỹ, dân đi làm củi, hái măng, múc dầu chai đã chắt chiu từng lon gạo, viên thuốc len lỏi vào rừng, không quân đạn pháo, bất chấp sự bắt bớ tù đày tiếp tế cho cách mạng, tiêu biểu như ông Chín Dậu (tức Chín xào xạc). Các cơ sở đi làm cây, xe be như ông Năm Huấn (tức Năm Quang), bà Hai Miên, gia đình ông Bảy Quế là những cơ sở tiếp tế lương thực, thực phẩm, vải vóc cho cách mạng phục vụ cho cả các đơn vị bộ đội Đoàn 10 trong nhừng giai đoạn khó khăn ác liệt và suốt trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ.
Dù phải đối đầu với lực lượng của địch đông và mạnh gấp 10 lần, cán bộ chiến sĩ ta được sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, được nhân dân hết lòng ủng hộ, ta đã vượt qua nhiều khó khăn ác liệt cơ sở được củng cố và phát triển, nhân dân và bộ đội ta vẫn kiên cường bám trụ, đoàn kết một lòng đứng lên đánh giặc xâm lược, giải phóng quê hương đất nước./.





Bài 28
Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968
____________________________
Tháng 12 năm 1967, Bộ Chính trị Trung ương Đảng họp hội nghị đánh giá tình hình và xác định nhiệm vụ trọng đại cấp bách của ta là: “Động viên nỗ lực toàn quân, toàn dân ở hai miền đưa cuộc chiến tranh cách mạng lên bước phát triển cao nhất bằng phương pháp tổng công kích, tổng khởi nghĩa để giành thắng lợi quyết định đạt những mục tiêu sau đây: Tiêu diệt và làm tan rã tuyệt đại bộ phận ngụy đánh đổ ngụy quyền các cấp, giành toàn bộ chính quyền về tay nhân dân, tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực và phương tiện chiến tranh của Mỹ, buộc Mỹ phải chịu thua Việt Nam, chấm dứt mọi hành động chiến tranh đối với miền Bắc, và ta đạt mục tiêu trước mắt của cách mạng là độc lập, dân chủ, hòa bình, trung lập ở miền Nam tiến tới thống nhất nước nhà”.
Quán triệt sự chỉ đạo của Trung ương Cục, Tỉnh ủy đã xác định nhiệm vụ và kế hoạch tổng tiến công và nổi dậy trên địa bàn tỉnh, chủ yếu là tiến công và nổi dậy ở hai thị xã Bà Rịa và Long Khánh. Từ tháng 11 năm 1967, Tỉnh ủy chỉ đạo các huyện tăng cường lực lượng cơ sở vật chất, tập luyện, ra sức củng cố cơ sở, đẩy mạnh công tác binh vận, xây dựng nội tuyến bí mật chuẩn bị cho một cuộc tổng tiến công toàn diện mở mảng, mở vùng, giải phóng xã ấp. Huyện ủy rút đồng chí Nguyễn Văn Phúc về củng cố Ban Binh vận huyện, điều đồng chí Nguyễn Văn Giang làm bí thư chi bộ xã Phước Hòa.
Chuẩn bị tập dợt trước khi vào đợt, thực hiện sự chỉ đạo của tỉnh và của miền, các lực lượng vũ trang huyện và xã tham gia đợt cao điểm “đại náo” mùa khô, đánh vào sào huyệt của địch. Đêm 29 tháng 11 năm 1967, du kích Phước Hòa tham gia cùng bộ đội huyện Châu Đức đánh vào ấp Kim Hải, phát động quần chúng, làm chủ tình hình trong đêm, đến sáng 30 tháng 11 mới rút ra căn cứ.
Trên địa bàn Tân Thành từ cuối năm 1967, phong trào cách mạng có những bước chuyển biến mới, khó khăn dần được khắc phục, lực lượng cách mạng bắt đầu phát triển cả bên trong lẫn bên ngoài. Các cơ sở cách mạng được củng cố và có nhiều hoạt động tích cực, các tăng ni phật tử ở chùa Đại Tòng Lâm và các chùa ở khu vực núi Thị Vải đã đóng góp nhiều lương thực, thực phẩm cho cách mạng. Tiêu biểu như thầy Bảy, thầy Thiện (chùa Đại Tòng Lâm), cô Duyên (chùa Bửu Thiện) hàng tuần các tăng ni phật tử lợi dụng khi đi chùa, đã qua mắt địch đem lương thực, thuốc men, bột ngọt tiếp tế cho ta. Cô Duyên là cơ sở tích cực ủng hộ cho cách mạng, khi rang muối chuẩn bị cho bộ đội xuống đường xuân Mậu Thân 1968, bị muối nổ văng hư một con mắt. Sau này cô được chính phủ tặng Huân chương kháng chiến hạng Ba.
Bước vào chiến dịch, thực hiện chỉ đạo của tỉnh và của huyện ủy, các xã Phước Hòa và Phú Mỹ chuẩn bị kế hoạch và kết hợp sử dụng lực lượng tại chỗ như du kích lộ và mật, cơ sở nội tuyến cùng với nhân dân nổi dậy bao vây đồn bót, phá tề ngụy, giải tán lực lượng phòng vệ dân sự giành chính quyền làm chủ và xây dựng các lõm chính trị.
Theo kế hoạch đã triển khai, đúng ngày 2 tháng 2 năm 1968, khi tiếng súng của tiểu đoàn 445 đánh vào thị xã Bà Rịa, lực lượng xã Phước Hòa tổ chức thành 3 mũi tiến công vào các mục tiêu: ấp Kim Hải, ấp Láng Cát và điểm quan trọng là trung tâm xã Phước Hòa, ta diệt và làm tan rã một trung đội nghĩa quân, truy lùng bọn tề ấp, tề xã, do thám, mật vụ, cảnh sát và yêu cầu tất cả anh em binh sĩ, sĩ quan về nhà ăn tết phải hạ và giao nộp vũ khí cho cách mạng. Lực lượng cách mạng cắm cờ Mặt trận và làm chủ hoàn toàn suốt đêm ở ngay trung tâm xã Phước Hòa. Bọn bảo an và tề xã tan rã trốn sạch, nhân dân rất phấn khởi càng tin tưởng và ủng hộ cách mạng.
Ban ngày địch củng cố lực lượng chiếm lại trụ sở xã, ban đêm du kích lại đánh chiếm, cắm cờ, giằng co trong suốt một tuần. Cho đến khi lực lượng của địch ở tiểu khu điều về tăng cường giải tỏa, ta mới chịu rút ra căn cứ. Đồng chí Nguyễn Thị Hạnh, Hội trưởng Hội phụ nữ xã Phước Hòa đảm nhiệm một mũi, trực tiếp phát động quần chúng, thường xuyên tham gia cùng du kích trong các đợt công đồn, đột ấp. Đồng chí bị địch phục kích bắn chết trong một đêm phát động quần chúng, để lại niềm tiếc thương cho đồng chí, đồng bào.
Lực lượng C.3 của D445 bộ đội tỉnh sau khi rút ra khỏi thị xã Bà Rịa lui về căn cứ M, sau đó triển khai hoạt động trên tuyến lộ 15, tấn công đánh sập tua Rạch Váng, tiêu diệt một tiểu đội nghĩa quân, trong đó có tên ác ôn Sáu Chích, ta thu toàn bộ vũ khí.
Ở xã Phú Mỹ, để chuẩn bị tham gia tổng tiến công và nổi dậy, từ cuối năm 1967, tình hình tổ chức và lực lượng đã được củng cố một bước khá mạnh. Nhất là các cơ sở binh vận rất tích cực vận động nhân dân đi xe be, làm công cũng như tăng ni phật tử ở các chùa đã nhiệt tình ủng hộ tiếp tế lương thực, thuốc men cho cán bộ, bộ đội chuẩn bị xuống đường, lực lượng du kích xã Phú Mỹ phát triển được 10 đồng chí. Đồng chí Huỳnh Văn Sen là xã đội trưởng.
Thực hiện sự chỉ đạo của tỉnh và huyện, chi bộ Phú Mỹ đã vận động nhân dân, lực lượng du kích mật và cơ sở với khí thế xuống đường, liên tục từ đêm 2 tháng 2 năm 1968, với cuốc, xà beng, cúp, xẻng, tập trung đào phá đường, đắp mô, ngăn chặn giao thông địch. Cuộc phá đường này được nhân dân các ấp Mỹ Xuân, Ông Trịnh, và Hội Bài tham gia tích cực cùng với lực lượng du kích đào phá đường, tạo được một phong trào sôi nổi từ lộ 15 đến lộ 2. Lực lượng du kích xã vừa bố trí chặn đánh địch vừa cùng đồng bào tích cực đào phá đường.
Qua tiến công đợt I xuân Mậu Thân, xã Phước Hòa đã giành được nhiều thắng lợi, đã có 5 thanh niên hăng hái thoát ly tham gia du kích xã và bộ đội huyện, đồng chí Nguyễn Trung Hiếu, Trưởng Ban chính trị huyện đội về xã Phước Hòa tiếp tục củng cố lực lượng và đề ra kế hoạch bám và trụ lại để chuẩn bị cho tiến công đợt II, xã Phước Hòa đã phát triển được 5 đảng viên lớp Hồ Chí Minh.
Du kích Phước Hòa tích cực sưu tầm pháo lép (đầu đạn 105 ly) của địch về chế thành mìn tự tạo đánh địch. Xã đội trưởng Nguyễn Văn Soạn có kinh nghiệm gài trái, diệt nhiều xe địch trên lộ 15. được tin của cơ sở nội tuyến cho hay, tháng 3 năm 1968 sẽ có đoàn xe khoảng 100 chiếc các loại của Mỹ di chuyển từ quân cảng Vũng Tàu về Biên Hòa, du kích xã Phước Hòa kết hợp với lực lượng công binh huyện và công binh Miền gài một trái bom 250kg tại cống Nước ngọt (thuộc ấp Hải Sơn hiện nay). Đúng 8 giờ sáng, chiếc xe đi đầu đến ngay địa điểm đặt bom, một tiếng nổ lớn và cột khói bốc cao làm chiếc xe tan xác, 3 tên địch đi trên xe đầu chết tại chỗ, đoàn xe địch ách tắc đậu dài từ ấp Hải Sơn đến cầu Rạch Váng (khoảng 5km). bọn địch trên đoàn xe tràn xuống ấp chiến lược Hội Bài bung ra tìm kiếm lực lượng ta, chúng dùng cả cây sắt chọc kiếm hầm bí mật, nhưng chẳng bắt được tên “Việt cộng” nào. Lực lượng ta được đồng bào che chở, tạo điều kiện rút nhanh về bến cầu Quan ra căn cứ rừng Sác an toàn.
Để chuẩn bị tiến công đợt II, huyện còn tăng cường cho Phước Hòa một số cán bộ phong trào về bám trụ cơ sở. Du kích Phước Hòa cùng bộ đội địa phương huyện Châu Đức đã bám sát mục tiêu, nắm chính xác địa thế bố phòng, đóng quân của trung đội bảo an địch ở Đình Thần, ngay từ loạt đầu tiên, một số tên chết tại chỗ, số ít còn lại chống cự yếu ớt rồi rút chạy từ bến Bà Phóng, ở đây chúng bị một cánh quân ta phục kích trước đánh cho tơi tả, kết quả tên thiếu úy Điểm, đại đội phó đại đội bảo an ở đồn Rạch Tre và 10 tên khác chết tại trận, bắt sống 2 tên, thu 11 súng các loại.
Địch liên tiếp bị thất bại và tiêu hao lực lượng nên chúng co lại trong đồn chờ củng cố bổ sung lực lượng. Ta làm chủ tình hình ban đêm ở trung tâm xã Phước Hòa. Tiếp theo đó, lực lượng D 445 của tỉnh và du kích xã Phước Hòa tổ chức pháo DKZ làm bể nóc đồn, diệt 4 tên, cùng lúc một cánh quân ta tiến công ấp chiến lược Phước Hòa, truy lùng và diệt một tên tề làm an ninh ấp sau đó ta vận động nhân dân tập trung làm mít tinh biểu dương chiến thắng đợt tiến công Mậu Thân, đồng thời lên án tội ác và cảnh cáo các tên tay sai ác ôn.
Phát huy thắng lợi xuân Mậu Thân 1968, quần chúng rất phấn khởi bung ra tự do sản xuất, ủng hộ cách mạng. Số cán bộ huyện tăng cường và lực lượng binh vận huyện cùng cán bộ xã bám trụ lại trong dân, được dân nuôi dấu dưới hầm bí mật trong nhà cho cán bộ bám trụ. Cơ sở và phong trào cách mạng phát triển mạnh, lực lượng du kích lộ và mật thường xuyên phối hợp tổ chức bắn tỉa, đắp mô, kết hợp với công binh huyện đánh sập cầu Rạch Chanh gây ách tách giao thông thường xuyên trên lộ 15 và rải nhiều truyền đơn tác động tinh thần ngụy quân ngụy quyền.
Trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968, quân dân Tân Thành đã thực hiện nghiêm chỉ đạo của Tỉnh ủy, đã chiến đấu trên địa bàn cực kỳ khó khăn, những đợt tiến công liên tiêp đã thể hiện quyết tâm rất cao của Đảng bộ và nhân dân toàn huyện, giành được nhiều thắng lợi to lớn, góp phần trong việc buộc Mỹ phải xuống thang chiến tranh và chuyển hướng chiến lược một cách bị động.
Qua tiến công và nổi dậy, một số cơ sở đơn vị du kích, bộ đội địa phương bị tổn thất, một số cán bộ và chiến sĩ hy sinh nhưng với quyết tam và tinh thần chiến đấu dũng cảm và kiên trì của cán bộ chiến sĩ, sự nhiệt tình ủng hộ cách mạng của nhân dân Tân Thành, thực lực cách mạng vẫn ngày một phát triển. Hàng trăm thanh niên nam nữ trong huyện hăng hái thoát ly tham gia du kích, bộ đội. Mạng lưới cơ sở, lực lượng du kích mật được củng cố và phát triển, hàng loạt các ấp chiếc lược kiên cố của địch bị phá banh, bọn tề tay sai và ngụy quân hoang mang rệu rã. Các xã Phước Hòa, Phú Mỹ ta làm chủ tình hình ban đêm. Quần chúng nhân dân phấn khởi, bung ra sản xuất, và càng tin tưởng vào cách mạng./.





Bài 29
Chống phá chương trình bình định cấp tốc của My - Ngụy
________________________________
          Cuộc tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 đã đánh dấu sự phá sản của chiến lược chiến tranh cục bộ, đẩy đế quốc Mỹ và tay sai vào một cuộc khủng hoảng mới. Tổng thống Giônxơn buộc phải tuyên bố ngừng ném bom miền Bắc, ngồi đàm phán với ta ở Hội nghị Pari, không ra tranh cử nữa. Tổng thống Nichxơn lên nhậm chức vào đầu năm 1969 đã đề ra chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”, với âm mưu “dùng người Việt đánh người Việt”, bằng viện trợ Mỹ, cố vấn Mỹ, phương tiện chiến tranh của Mỹ. Để phục vụ chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”, từ tháng 4 năm 1969 đến tháng 6 năm 1970, địch triển khai chương trình “bình định đặc biệt” trên toàn miền Nam.
Đầu năm 1969, Thường vụ Trung ương Cục ra chỉ thị 71 chỉ đạo toàn Đảng, toàn quân, toàn dân tiếp tục “xốc tới đẩy mạnh tổng công kích, tổng khởi nghĩa trên cả vùng”. Nhiệm vụ của đợt là: tiêu diệt, tiêu hao sinh lực địch, phương tiện của Mỹ, cơ sở hậu cần, làm tan rã một phần quân ngụy, đẩy mạnh hoạt động nông thôn, diệt ác phá kềm, phá thế chia cắt bao vây, đánh âm mưu bình định, mở rộng vùng làm chủ, đưa phong trào đấu tranh chính trị, binh vận ở đô thị lên một bước, đẩy mạnh công tác binh vận và xây dựng lực lượng mật. Phương châm chỉ đạo đợt tiến công xuân Kỷ Dậu 1969 là tích cực, kiên quyết, linh hoạt, táo bạo, vững chắc, kết hợp ba mũi giáp công.
Bà Rịa-Vũng Tàu là tuyến “chân thang” bảo vệ các cuộc rút quân của các đơn vị viễn chinh Mỹ. Do vậy chiến trường trên địa bàn Bà Rịa nói chung, Tân Thành nói riêng diễn ra vô cùng gay go và ác liệt. Nên từ giữa năm 1969, để ngăn ngừa và đối phó với các đợt tiến công của ta, bọn Mỹ huy động cả lực lượng quân Úc và ngụy, mở nhiều đợt càn quét, “chà đi xát lại” khu căn cứ Châu Pha – Hắc Dịch bắn phá liên tục, kể cả khu vực rừng Sác. Chúng sử dụng đội giang thuyền với 20 chiếc bo bo ngày đêm tuần tra len lỏi trên các sông rạch từ Long Hương đến Phước Hải, phối hợp bắn phá dọc khu rừng Sác. Bên trong bọn bảo an, bình định kiểm sát gắt gao, gây cho lực lượng cách mạng rất nhiều khó khăn. Các đơn vị đóng căn cứ ở rừng Sác, thiếu lương thực, thuốc men, đặc biệt là nước ngọt. Nhiều ngày cán bộ chiến sĩ ta phải tắm rửa bằng nước mặn ở sông rạch. Mỗi chuyến tổ chức về Phước Hòa lấy nước là mỗi lần chịu tổn thất, hy sinh.
Ngoài việc dùng bom đạn phát quang, địch còn sử dụng chất độc hóa học hủy diệt toàn bộ cánh rừng, dùng xe ủi, ủi phá hai bên trục lộ giao thông phía Bắc lộ 15 và ủi sâu vào khu căn cứ Hắc Dịch. Nhất là từ giữa năm 1969, chuẩn bị cho việc Mỹ rút quân, địa bàn Tân Thành trở thành “chân thang” của chúng. Các loại máy bay Mỹ, Úc trút hàng ngàn tấn bom đạn, bom napan, bom bi, chất độc hóa học xuống vùng rừng núi Châu Pha, núi Thị Vải và căn cứ Hắc Dịch, nhằm hủy diệt toàn bộ mầm sống vùng này. Bọn biệt kích ngày đêm lùng sục, phát hiện dấu vết, đánh phá ác liệt khu căn cứ của huyện. Căn cứ của huyện phải di chuyển liên tục. Xã mất liên lạc với huyện, huyện mất liên lạc với tỉnh. Hầu hết các xã đều bị đánh bật ra ngoài, không bám được dân, tình trạng thiếu đói rất trầm trọng, cán bộ chiến sĩ ta phải đào củ nần, củ chụp, hái rau rừng để sống.
Để thực hiện kế hoạch “bình định cấp tốc”, địch tập trung mọi lực lượng đánh phá ta từ bên ngoài lẫn bên trong vùng địch tạm chiếm. Bên trong, kết hợp với bon ác ôn, bọn tề, bảo an và bình định ngày đêm lùng sục đánh phá phong trào cách mạng cơ sở trong các xã, ấp. Địch không chừa một âm mưu thủ đoạn nào, từ lừa mị dân, đến các thủ đoạn tâm lý tinh vi đối với đồng bào ta. Thâm độc hơn, chúng thực hiện chính sách “bao vây sự sống”, chúng cấm không cho dân dự trữ nhiều gạo trong nhà, chỉ cho xay lúa theo quy định và số lượng chúng cho phép, ngăn chặn mọi khả năng cung cấp lương thực cho cách mạng.
Tại các xã Phú Mỹ và Phước Hòa, địch tăng cường củng cố lại tề xã, ấp, củng cố và trang bị vũ khí cho lực lượng bảo an và nhân dân tự vệ, chúng còn tung bọn an ninh, mật vụ và bình định đến tận các ấp, bọn này ăn ở ngay trong nhà dân để dễ bề kiểm soát và thực hiện các thủ đoạn ly gián quần chúng với cách mạng. Nhất là bọn Úc và bọn bảo an, chúng bắt dân ra tập trung từng khóm ấp để tìm diệt cán bộ và cơ sở, bắt bớ hàng trăm đồng bào vô tội. Bọn bảo an còn lợi dụng khi lùa dân ra khu tập trung để vơ vét tài sản của nhân dân.
Chi bộ và du kích các xã bị chúng đánh dạt ra ngoài không bám và bảo vệ lãnh đạo được quần chúng. Chi bộ xã Phước Hòa do địch đánh phá ác liệt không liên lạc được với huyện, phải dời về bám trụ ở rừng Sác. Giang thuyền địch tuần tra dày đặc trên sông rạch, cán bộ và du kích Phước Hòa phải len lỏi sống trên các cù lao và rừng chà là, không bám được dân nên cả tháng trời phải ăn uống bằng nước sông, ăn cua, ốc, đọt chà là thay cơm. Trong lúc khó khăn ác liệt như vậy, số đồng bào là cơ sở phải vượt qua bao khó khăn, bất chấp bom đạn và tù đày, bằng nhiều hình thức che mắt địch chắt chiu từng lon gạo, hạt muối, viên thuốc, quần áo, nhất là nước ngọt để tiếp tế cho cách mạng.
Ở Phú Mỹ, chi bộ và cơ sở binh vận đã vận động được các tăng ni phật tử ở các chùa đóng góp giúp nhiều lực lượng, thực phẩm thuốc men và các vật dụng khác cần thiết cho cán bộ, bộ đội huyện, tiêu biểu là tăng ni phật tử ở các chùa Đại Tòng Lâm, chùa Vạn Hạnh, chùa Ông Sáu. Chi bộ Phú Mỹ xây dựng được nhiều cơ sở ở ấp Lò Than, ấp Vạn Hạnh, khu vực Đại Tòng Lâm. Lực lượng huyện và xã bám địa bàn này để nhận đồ tiếp tế và nắm tình hình địch. Đồng bào Hắc Dịch sinh sống ở Phước Thái là một trong những chỗ dựa về hậu cần cho lực lượng huyện trong thời kỳ này.
Trong những năm tháng địch tăng cường đánh phá ta ác liệt, lực lượng huyện tiêu hao nhiều, du kích các xã cũng tổn thất nặng nề, cơ sở và nhân dân bị địch đàn áp bắt bớ tù đày, tình hình chung của huyện gặp rất nhiều khó khăn; Nhưng được Huyện ủy lãnh đạo với tinh thần quyết tâm “bám đất bám dân” kiên trì khắc phục những khó khăn trước mắt để vượt qua. Nhân dân cũng một lòng tin Đảng và ủng hộ cách mạng.
Đầu năm 1969, Tỉnh ủy triển khai Nghị quyết 71 của Trung ương Cục cho các Huyện ủy, đẩy mạnh ba mũi giáp công, đánh phá một bước âm mưu bình định của Mỹ-ngụy. Phối hợp với hoạt động của lực lượng vũ trang, công tác vũ trang tuyên truyền ở khu vực lộ 15 cũng được đẩy mạnh.
Từ tháng 3 năm 1969, Thị ủy, Thị đội Vũng Tàu chuyển về xây dựng căn cứ ở Núi Dinh, tiếp nhận xã Long Sơn (thuộc thị xã Bà Rịa), bám địa bàn rừng Sác ven lộ 15 để làm bàn đạp tiến công vào nội ô thị xã. Trước đó, miền tăng cường cho đội Vũng Tàu một đại đội đặc công thủy (A.32) quân số 65 đồng chí, vừa được huấn luyện chính quy từ miền Bắc vào, triển khai xây dựng căn cứ tại rừng Sác, sử dụng kỹ thuật đặc công thủy để đánh vào các căn cứ quân sự của địch của Vũng Tàu. Đơn vị A32 đặc công thủy đóng tại căn cứ Bàn Thạch, huấn luyện kỹ chiến thuật đánh tàu thuyền. Ngày 23 tháng 5 năm 1969, từ căn cứ Bàn Thạch, A32 chia làm 2 mũi, đánh chìm 2 tàu giặc trọng tải 10 ngàn tấn tại bến cảng Cát Lở. Quân và dân Phú Mỹ, Phước Hòa đã giúp cho A32 xây dựng căn cứ, tổ chức hậu cần và huấn luyện tác chiến trên vùng Rừng Sác quê hương.
Tháng 6 năm 1969, Tổng thống Mỹ Nichxơn xuống thang chiến tranh, tuyên bố rút 25 ngàn quân viễn chinh Mỹ. Để bảo vệ vùng chân thang Bà Rịa-Vũng Tàu, địch tổ chức hàng loạt cuộc hành quân càn quét chà đi xát lại trên tuyến lộ 15, đánh phá ác liệt khu tam giác sắt Phú Mỹ-Hắc Dịch-Châu Pha. Thực hiện chiến lược “Việt Nam hoá chiến tranh”, Mỹ-ngụy ráo riết tiến hành chương Bình Định cấp tốc các vùng nông thôn. Địa bàn lộ 15 là một trong những trọng điểm bình định của địch, nhằm bảo vệ tuyến “chân thang” rút quân của các đơn vị quân viễn chinh Mỹ. Cuộc đọ sức giữa ta và địch diễn ra vô cùng quyết liệt.
Máy bay Mỹ trút hàng ngàn tấn bom đạn và chất độc hóa học xuống Núi Dinh, núi Thị Vải, huỷ diệt toàn bộ sự sống vùng này. Vùng rừng Giồng, rừng Sác phía tây lộ 15 hầu như trở thành bình địa. Chúng dùng máy ủi, xe tăng, ủi nát địa hình các khu rừng trong huyện, dùng mìn đánh sập các hang hốc, khe đá. Máy bay trinh sát, bọn biệt kích ngày đêm lùng sục, tìm diệt lực lượng ta. Hải thuyền, giang thuyền, bo bo của hải quân, biệt kích, thám báo tuần tra ngày đêm trên các sông rạch ở rừng Sác, truy tìm từng dấu chân, từng tiếng động, đánh phá tất cả những lùm cây, bụi cỏ trên đất liền cũng như dưới những bờ kênh.
Chiến trường Bà Rịa nói chung và Tân Thành nói riêng trong thời kỳ này đặc biệt căng thẳng và ác liệt, vùng căn cứ bị thu hẹp và bị địch đánh phá thường xuyên, hậu cần quân nhu thiếu thốn, căn cứ không ổn định, thông tin liên lạc bị gián đoạn, giữa xã huyện tỉnh không còn liên lạc được, các ngả đường giao thông đều bị cắt đứt. Các xã Phú Mỹ, Phước Hòa phải di dời căn cứ liên tục, khi xuống rừng Sác, khi lên rừng Giồng, có khi 6 tháng liền không liên lạc được với huyện. Đói kém và bệnh tật triền miên. Có lúc gạo ít chỉ dành nấu cháo cho thương bệnh binh, còn bộ đội, cán bộ phải ăn chuối rừng, rau rừng. Nhiều đồng chí vết thương cũ chưa lành đã bị thêm vết thương mới, không ít thương binh nặng đã hy sinh vì thiếu thuốc.
Từ giữa năm 1969, địch phản kích trên toàn địa bàn. Quân chủ lực Mỹ, ngụy, chư hầu càn quét đánh phá vòng ngoài; bảo an, dân vệ lùng sục vùng trung tuyến; cảnh sát, tề điệp “phượng hoàng” đánh phá và bình định bên trong. Ngoài các hoạt động quân sự với lực lượng tổng hợp Mỹ-ngụy-chư hầu, đánh phá ác liệt bên ngoài, địch còn tiến hành gấp rút âm mưu bình định bên trong, tăng cường kềm kẹp, ly gián nội bộ quần chúng và quần chúng với cách mạng bằng lực lượng biệt động và chiến tranh tâm lý và bằng thủ đoạn “bao vây sự sống”, phong tỏa ngăn chặn phong trào quần chúng tiếp tế cho ta. Ngoài ra chúng còn kết hợp với quân chư hầu Úc thường xuyên rình rập, tuần tra, xăm hầm để tác động, hù dọa quần chúng phục vụ cho âm mưu bình định của chúng.
Tại các vùng căc cứ Núi Dinh-Thị Vải, biệt kích Úc phối hợp với ngụy quân chia thành từng toán nhỏ lùng sục trong rừng. Hầu hết các con đường mòn đều có địch phục kích. Các loại máy thu phát tiếng động được rải khắp nơi phục vụ cho pháo binh và máy bay bắn phá. Bọn tâm lý chiến, bọn đầu hàng từ trên máy bay dùng loa phóng thanh ngày đêm ra rả gọi tên cán bộ, chiến sĩ ta, tác động tâm lý, tinh thần anh chị em. Từ ngày 30 tháng 8 đến ngày 5 tháng 9 năm 1969, Tỉnh ủy tổ chức Hội nghị học tập nghị quyết bổ sung về chống phá ấp chiến lược và chống phá bình định cấp tốc. Đồng chí Phạm Văn Hy được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy thay đồng chí Lê Đình Nhơn (được rút về khu). Được tin Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu vừa qua đời, Tỉnh ủy đã cử hành lễ truy điệu Người và phát động một phong trào biến đau thương thành hành động cách mạng, đánh mạnh vào chương trình bình định cấp tốc và hệ thống ô ụ ngầm của địch. Sau hội nghị tháng 9 năm 1969, Tỉnh ủy cử đồng chí Nguyễn Văn Kiềm về làm Phó bí thư huyện ủy kiêm huyện đội trưởng huyện Châu Đức.
Từ ngày 20 tháng 9 năm 1969, huyện ủy triển khai tinh thần Nghị quyết bổ sung về chống phá ấp chiến lược và chống phá bình định cấp tốc của tỉnh cho các xã, tổ chức lễ truy điệu Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu và phát động phong trào biến đau thương thành hành động cách mạng, đánh mạnh vào chương trình bình định cấp tốc của địch. Mặc dù sống trong vùng địch kềm kẹp, nhân dân Tân Thành vẫn để tang Bác dưới nhiều hình thức và tổ chức học tập lời Di chúc và gương chiến đấu hy sinh trọn đời của Người cho độc lập tự do của tổ quốc. Các đơn vị trong toàn huyện ra sức khắc phục khó khăn quyết tâm bám địa bàn, bám dân, củng cố lực lượng xây dựng lại cơ sở và phát động quần chúng nhân dân đấu tranh đánh bại kế hoạch “bình định cấp tốc” của địch.
Huyện ủy chủ trương thực hiện 3 bám: bám xã, bám dân, bám địa bàn để hoạt động. Lực lượng vũ trang huyện cũng phân tán thành từng tiểu đội về cùng với lực lượng các xã bám dân, bám địa bàn hoạt động. Căn cứ Huyện ủy vẫn bám vùng tam giác Châu Pha, Hắc Dịch củng cố lực lượng sẵn sàng chiến đấu chống địch càn quét. Do đó đã tạo được thế chủ động xây dựng ổn định cơ sở bên trong và tiếp tục lãnh đạo được phong trào cách mạng của quần chúng, củng cố được hoạt động các tổ chức Đảng, các chi bộ B (chi bộ mật), lực lượng của huyện, tạo thế bám trụ ngày càng vững chắc.
Khu vực Phú Mỹ-Phước Hòa và Hắc Dịch-Châu Pha được Mỹ ngụy coi là vùng “Tam giác sắt” án ngữ lộ 15, nối liền các khu căn cứ trong tỉnh, nên chúng không loại trừ  một âm mưu, thủ đoạn nào để đánh phá và tiêu diệt. Trên địa bàn lộ 15, địch còn tiến hành cho xây dựng các nông trường như Song Vĩnh, Phước Lập, đưa Việt kiều Campuchia về khai khẩn lập thêm ấp Mỹ Thạnh và nông trường Lam Sơn (ấp Lam Sơn), ấp Hải Sơn, hình thành thế bao vây các căn cứ cách mạng và làm bàn đạp tấn công các căn cứ cơ quan đầu não của huyện, tỉnh và hậu cần.
Đây là thời kỳ gian khổ ác liệt nhất của huyện và của tỉnh trong giai đoạn chống Mỹ cứu nước. Căn cứ liên tục bị vây ép, đánh phá, lực lượng cách mạng bị tổn thất nặng nề, cán bộ chiến sĩ phải ăn rau rừng, củ nần để cầm sức, lương thực, thuốc men, đạn dược thiếu trầm trọng. Trước muôn vàn khó khăn tưởng chừng không vượt qua nổi, trong tình hình đó, Huyện ủy xác định: nhân dân còn, thì Đảng bộ vẫn tồn tại. Từ đó Huyện ủy chỉ đạo tăng cường công tác tư tưởng chính trị, củng cố cơ sở và lực lượng, chống lại những âm mưu chiến tranh tâm lý của địch, đánh bại kế hoạch lấn chiếm và tiêu diệt căn cứ của địch.





Bài 30
Mỹ-Ngụy thực hiện chiến dịch càn quét “khu tam giác sắt”
________________________

Năm 1970, địch liên tục bắn phá và tổ chức càn quét đánh phá các căn cứ của huyện ở khu vực rừng núi Châu Pha, Thị Vải và Hắc Dịch. Tháng 4 năm 1970, quân Úc mở cuộc càn lớn vào khu vực núi Dinh, sau đó đem bộ binh và pháo 105 ly đóng chốt trên núi ông Hựu, không chế các hoạt động của ta ở vùng tam giác sắt.
Mỹ-ngụy liên tiếp mở hàng loạt trận càn quét đánh phá vùng căn cứ. Ngày 15 tháng 5 năm 1970, pháo địch bắn tấp nập vào căn cứ của huyện, sau đó biệt kích Úc đổ quân càn quét sâu vào vùng căn cứ. Bọn biệt kích lùng sục và phát hiện căn cứ giao bưu huyện. Chúng điều một tiểu đoàn Úc đến bao vây chặt xung quanh khu vực miệng hang, dùng thuốc nổ, lựu đạn cay bắn xuống hang. 12 chiến sĩ giao liên đ chịu đựng suốt cả một ngày, chờ đến đến đêm bí mật rút khỏi hang, tìm về được căn cứ Huyện ủy. Cịn lại 3 đồng chí nữ kẹt trong hang một tuần lễ. Khi bọn Úc đành rút đi, bộ phận trinh sát huyện bám trở lại hang, tìm được 3 đồng chí trong tình trạng hấp hối, đưa về cấp cứu.
Tháng 7 năm 1970, theo sự chỉ đạo của Thường vụ Tỉnh Ủy, Huyện ủy Châu Đức tổ chức đại hội đại biểu, đồng chí Nguyễn Văn Kiền được bầu làm Bí thư huyện ủy. Ban thường vụ có các đồng chí: Nguyễn Trung Hiếu, Nguyễn Đình Bất, Cp Thị Thảo, Trần Văn Vân, Nguyễn Văn Cần; trong Ban chấp hành cịn cĩ cc đồng chí Lê Thị Minh Loan, Trần Văn Hải, Phạm Thị Sơn. Đồng chí Nguyễn Văn Tâm và đồng chí Nguyễn Văn Giang (là ủy viên dự khuyết). Sau khi củng cố, tình hình Chu Đức vẫn gặp khó khăn lớn. Huyện ủy xác định nhân dân cịn, thì Đảng bộ Châu Đức vẫn tồn tại.
Sau nhiều trận chống càn “cù xoay” với địch ở vùng “tam giác sắt”, để thực hiện trọng tâm công tác bám đất, bám dân, chống phá chương trình bình định của địch, Huyện ủy chủ trương phân công cán bộ chủ chốt về các x để lnh đạo và củng cố phong trào, giải quyết vấn đề lương thực. Cơ quan huyện đội và Huyện ủy đóng ở căn cứ Châu Pha. Bọn biệt kích Úc ngày đêm lùng sục, theo sát dấu vết của ta. Nhiều khi ta ở dưới hang, chúng phục kích trên miệng hang nhiều trận chống càn, ta và biệt kích Úc giành nhau từng hang đá. Có khi hàng tháng trời, lực lượng của Huyện hết lương thực, phải tìm cc loại rau rừng, l rừng, cua, ốc ni, để ăn cầm hơi.  Rau rừng ven căn cứ cạn kiệt, bộ đội, cán bộ phát hiện các loại rau rừng, cây trái mà chim ăn được là hái về ăn. Có một loại thân cây dài có trái giống trái dưa hường, cả đơn vị phải ăn nhiều ngày thay cơm . Do không biết đó là loại cây gì nn anh em đặt tên là trái “Sơn Bí”. Cơ quan huyện cũng được đặt tên là căn cứ “Sơn bí”.         
Giữa năm 1970, khi huyện được tăng cường cán bộ chủ chốt về củng cố và lnh đạo phong trào x Ph Mỹ v Phước Hịa. Huyện ủy cử đồng chí Nguyễn Đình Bất, ủy vin Ban thường vụ Huyện ủy về chỉ đạo trực tiếp cc x lộ 15. Huyện ủy tổ chức một tổ cơng binh hoạt động tại địa bàn x Ph Mỹ, kết hợp với du kích ph kế hoạch khai hoang lập ấp của địch, ngăn chặn chúng lấn sâu vào vùng căn cứ.
Sau đợt công tác chỉnh huấn, x Phước Hịa được Huyện quyết định tách một bộ phận thành lập Đội công tác di cư. Lúc đầu gồm 6 đồng chí, trong đó có 4 đồng chí của huyện tăng cường . Đơn vị công tác di cư và x Phước Hịa tuy tch ring, nhưng cùng hoạt động chung một địa bàn và cùng làm nhiệm vụ chính trị chung dưới sự lnh đạo của Huyện ủy. Nhiệm vụ chủ yếu của Đội là tuyên truyền giáo dục quần chúng (số dân di cư) và xây dựng cơ sở, các lm chính trị. Địa bàn hoạt động lúc đầu chuyển qua phía rừng Sác, dùng ghe thuyền len li qua cc sơng rạch cơng tc, lc đầu đội lấy ấp Kim Hải xây dựng cơ sở. Nhưng trong đội nhiều đồng chí không am hiểu địa bàn sông rạch và không biết lội, qua hai tháng hoạt động không  hiệu quả, nên Đội chuyển qua phía Bắc lộ 15 (thuộc khu vực Rừng Giồng) để hoạt động.
Tháng 11 năm 1970, Huyện ủy chia lực lượng làm 3 cánh, về Ngi Giao, Hịa Long, Ph Mỹ để bám địa bàn củng cố, chú trọng tổ chức lực lượng công binh. Đánh địch trên lộ 15 để phá âm mưu đánh phá lấn chiếm vùng căn cứ địa của huyện ủy.
Từ cuối năm 1970, địch chủ trương khai hoang lập ấp, lấn chiếm vùng căn cứ cách mạng. Dọc ven lộ 15 chúng tiến hành ủi phá rừng từ lộ vào 200 mét đến 1.500 mét nhằm tạo vành đai trắng, cách ly lực lượng cách mạng với nhân dân. Thực hiện ý đồ ny, linh mục Thanh khai ph ấp Ph H, Linh mục Khoa lập ấp Ngọc H, (Vũ Hồng Khanh, lúc đó là Bí thư Việt nam quốc dân Đảng núp dưới bóng Phật giáo, cùng Phan Vĩ, Nguyễn Văn Cầu lập ấp Nông Trường Sông Vĩnh I ở ấp Ông Trịnh); Huỳnh Vĩ Hùng lập ấp Phước Lập; Phan Thông (nghị viên) khai khẩn Bàu Sình , đưa dân về lập ấp.
Tại x Phước Hịa, Phan Quang Đán, liên kết với linh mục Hoàng Quỳnh chiếm hàng trăm hec ta từ suối nước Ngọt đến đồn Rạch Tre, ủi phá rừng, phân lô dựng nhà ở, nhà thờ, lập nông trường Lam Sơn (làng cựu chiến binh Ngụy), lập ấp Hải Sơn, đưa Đỗ Văn Tài làm chủ tịch. Tổng số dân hai làng này lúc đó có đến trên 3.000 người, mỗi ấp đều có trưởng và phó an ninh. Chúng cịn xy dựng 2 trung đội nhân dân tự vệ, trang bị đầy đủ vũ khí các loại, có cả trung liên 30 ly.
Thời gian mới lập hai ấp ny, dn ph rừng, lm rẫy với tốc độ khá nhanh, mỗi ngày trung bình từ 5 đến 10ha, lúc đó ta chưa xây dựng được cơ sở, do đó không thể ngăn chặn được việc phá rừng. Huyện ủy Châu Đức đ chỉ đạo các chi bộ x kết hợp với lực lượng binh vận, an ninh và du kích giáo dục, cảnh cáo và thu giữ phương tiện, không cho chúng ủi sâu vào căn cứ.
Để kịp thời ngăn chặn tốc độ phá rừng nhanh, Đội công tác di cư chuyển hướng hoạt động về Lam Sơn và Hải Sơn bám dân xây dựng cơ sở, đầu tiên ta liên lạc được ông Trần Văn Tước và ông Phạm Văn Tình, qua vận động hai ông đ lm cơ sở hoạt động tích cực cho ta như báo cáo tình hình tin tức của địch, của nông trường, giúp ta về lương thực và các thứ cần dùng cho cách mạng. Không bao lâu, hai cơ sở này đ lin lạc được với ông Đỗ Văn Tài, chủ tịch nông trường Lam sơn và chịu thống nhất đề nghị của ta là không cho dân phá ủi rừng nữa, nơi nào phá dỡ rồi thi cho dân canh tác và phải chịu sự kiểm soát của cách mạng. Ông Tài đồng ý gip cho cch mạng về lương thực, dây điện, máy chữ, pin đèn.
Đội công tác di cư tích cực bám và vận động dân ở khu vực Lam Sơn và Hải Sơn, giác ngộ được nhiều gia đình đồng bào di cư công giáo, giúp họ hiểu r hơn về cách mạng và đường lối giải phóng dân tộc của Đảng ta, vận động đồng bào ủng hộ cách mạng. Nhân dân cịn bo cho ta biết và cảnh báo một số tên mật báo, tay sai của địch ở ấp Hải Sơn. Ngoài công tác vận động quần chúng di cư công giáo, Đội cịn phối hợp với du kích x Phước Hịa v quần chng đắp mô, rải truyền đơn, cắm cờ Mặt trận trên địa bàn x dọc lộ 15.
 Sau đợt học tập chỉnh huấn, Chi bộ, các lực lượng, cơ sở và phong trào cách mạng ở x Phước Hịa được củng cố nhanh, quần chúng có phần an tâm hơn. Biết được tình hình ta đang gặp khó khăn, nhân dân càng thương và giúp đỡ, ủng hộ cách mạng nhiều hơn. Điển hình l ơng Hai Bường và ông Bảy Lọt, cơ sở của Đoàn 10 đặc công rừng Sác. Hai ông đ tích cực ủng hộ lực lượng cách mạng x Phước Hịa trong những giai đoạn khó khăn ác liệt nhất, và cịn vận động nhân dân trong x tiếp tế cho ta, từ đó các cơ sở ở Phước Hịa ngy cng phát triển rộng. Đảng bộ Đoàn 10 đ kết nạp hai ơng vo hng ngũ của Đảng.
Chi bộ cịn tổ chức số dn đi làm củi, chủ xe be và dân đi gài bẫy trong rừng làm đầu mối tiếp tế lương thực, thực phẩm cho cách mạng, tiêu biểu là bà Hồ Thị Bé và Hồ Thị Ân lợi dụng xe chở củi, đ tìm mọi cch qua mặt địch chở bằng xe máy cày, xe be mỗi lần từ 50 đến 100 kg, trung bình mỗi tuần đi từ 1 đến 2 lần. Hai bà cịn tiếp tế cả thuốc Ty, vải, giấy, đèn pin…Bọn mật vụ theo di nhiều lần, b Hồ Thị n bị bắt năm 1972, và giam ở Bà Rịa 18 tháng. Năm 1974 ra tù, bà Ân tiếp tục nghề làm củi, và tiếp tế lương thực cho x Ph Mỹ v huyện. Cĩ lần b chuyển nguyn 1 xe gạo vo rừng, địch theo di, b bị bắt thng 6 năm 1974, lần này bà bị tù đày cho đến ngày miền Nam hồn tồn giải phĩng.
Cuối năm 1970, địch lại dùng lực lượng Mỹ-Úc tiếp tục càn quét dài ngày ở khu vực Hắc Dịch-Châu Pha-Phú Mỹ với thủ đoạn mới, chúng chia cắt địa bàn thnh từng ơ mỏng, trong vịng 4 hécta, để quân Úc càn quét, dùng xe ủi từng ô, Phối hợp với chiến tranh tm lý: Dng my bay bay lin tục trn bầu trời vng tam gic sắt nhằm tiếp tục truy diệt cơ quan huyện ủy và lực lượng vũ trang, gây cho ta nhiều tổn thất về người và vũ khí, phương tiện, hậu cần.
Đây là thời kỳ gian khổ ác liệt của quân và dân Tân Thành, căn cứ trên địa bàn tiếp tục bị vây ép, đánh phá, nơi đứng chân của cơ quan lnh đạo liên tục phải di chuyển. Địch tiếp tục hành quân càn quét, tiếp tục thực hiện ý đồ tìm v diệt cơ quan lnh đạo của ta ở khu vực này.  Đối phó với tình hình ny, huyện ủy tăng cường công tác chính trị tư tưởng, chống lại chiến tranh tâm lý của địch, liên tục củng cố lực lượng, di chuyển căn cứ và đánh trả địch, bảo tồn lực lượng.






Bài 31
Nhân dân Tân Thành ra sức chiến đấu, bảo vệ địa bàn
_______________________________

Biết r căn cứ Huyện ủy nằm trên núi, Quân Úc liên tục càn quét đánh phá khu vực núi Dinh-Thị Vải, bao vây căn cứ Sơn Bí. Lực lượng ta ngày càng mỏng, thiếu lương thực và đạn dược trầm trọng, thường xuyên nằm trong vịng vy của biệt kích c. Đói, khát, sức khỏe suy kiệt. Trước tình hình đó, Huyện ủy chủ trương chia lực lượng cả huyện làm 3 cánh quân, phân tán về bám các x, nhằm giải quyết vấn đề lương thực, đồng thời giảm bớt tổn thất trong trường hợp biệt kích Úc phát hiện và đánh tới.
Đồng chí Nguyễn Đình Bất, Thường vụ huyện ủy phụ trách một cánh quân di chuyển về Ngi Giao, hai đồng chí Nguyễn Văn Tâm (huyện ủy viên dự khuyết, tham mưu huyện đội), và Nguyễn Văn Giang (Huyện ủy viên dự khuyết, Trưởng ban Kinh tài của huyện) phụ trách 45 đồng chí cắt rừng về Phú Mỹ. Trước khi hành quân, đồng chí Bí thư Huyện Ủy chia đều những lon gạo và hạt muối cuối cùng cho hai đoàn. Mọi người đều không cầm được nước mắt. Huyện ủy bố trí một lực lượng bám trụ tại căn cứ chờ đại đội bộ đội địa phương tải gạo ở Hịa Long về, với một tinh thần quyết tm chiến đấu đến viên đạn cuối cùng, nếu quân Úc càn đến.
Trong những tháng đầu năm 1971, tình hình của Huyện v cc x vẫn cịn tiếp tục khó khăn. Vì địch sử dụng dàn pháo ở Núi Đất, Ông Trịnh, Suối Râm, bắn liên tục ngày đêm vào căn cứ Châu Pha-Hắc Dịch, vì địch coi “Khu tam giác sắt” này là vùng tự do oanh kích và bắn pháo. Tháng 1 năm 1971, tỉnh điều đồng chí Nguyễn Văn Kiềm về trực tỉnh đội, điều đồng chí Lê Minh Nguyệt về phụ trách Bí thư Huyện ủy, điều đồng chí Bé cịn gọi l (B Giị) lm Huyện đội trưởng thay đồng chí Nguyễn Văn Kiềm.
Từ khi được đoàn cán bộ của huyện về bám các x, lực lượng các x được tăng cường mạnh, từ đó cán bộ ta có điều kiện xuống tận các ấp và cơ sở củng cố phong trào, phát triển du kích mật, đảng viên mật. Từ đó các lực lượng lộ và mật đều có chuyển biến mạnh, cán bộ thực hiện chủ trương của huyện “Quyết tâm bám địa bàn, bám kế hoạch hoạt động trong quần chúng”. Qua đó, lnh đạo phong trào từng bước mở rộng quyền làm chủ của nhân dân.
Đến cuối năm 1971, các x Phước Hịa, Ph Mỹ, từ chi bộ, du kích, đến các lực lượng binh vận, vũ trang đều được củng cố và phát triển nhất là các tuyến vận chuyển tiếp tế lương thực, thực phẩm vào khu căn cứ cho lực lượng cách mạng của huyện, tỉnh và của miền. Ta đ ph lỏng, ph r thế kềm kẹp của địch, tạo được các lm giải phĩng, ginh quyền lm chủ ở một số x ấp như Phước Thái, Ngọc Hà, Vạn Hạnh, thực lực cách mạng từng bước được củng cố và phát triển.
Đội công tác di cư và x Phước Hịa tiếp tục mở rộng xy dựng cc cơ sở phía đông lộ khu ấp Ông Trịnh (x Phước Hịa) gồm những quần chng đi làm củi, gài bẫy, như ông V Văn Riệt tức (Tư máy cày), lúc đầu ông đi gài bẫy làm liên lạc cho ta, sau đó ông đi làm củi, lợi dụng xe máy cày mỗi lần vào rừng che mắt địch vận chuyển cho ta từ 50 đến 100kg gạo, thuốc men, vải, đèn pin… Ngoài ra, cịn cĩ cc cơ sở như cơ sở bà Nguyễn Thị Chín cịn gọi l (Chín Lng) cũng đi làm củi, và tiếp tế cho cách mạng. Bà Hứa Thị Kim, ông Nguyễn Văn Biết, chị Lê Thị Đẹp, anh Huỳnh Văn Lục là những cơ sở nuôi quân, tiếp tế cho lực lượng cách mạng x v huyện trong suốt những năm đánh Mỹ gay go ác liệt.
Để đối phó phong trào đánh phá bình định của ta từ bên trong, địch đ đẩy mạnh hoạt động quân sự bên ngoài và củng cố lực lượng kềm kẹp bên trong. Thủ đoạn hoạt động của địch trong thời kỳ này là tăng cường đánh phá ven ấp, x,  bằng lực lượng tại chỗ, có bọn đầu hàng phản bội phối hợp nhằm ngăn chặn ta đột nhập tấn công, đẩy ta ra khỏi quần chúng, phá thế bám trụ của ta với cơ sở. Địch rải chất độc hóa học vùng “tam giác sắt” Phú Mỹ-Phước Hịa-Hắc Dịch, lm trụi sạch l rừng, rồi cho bọn tay sai cắt tỉa cy, ủi đất để chia cắt địa hình, lấn chiếm đất đai, mở rộng địa bàn di cư, thu hẹp vùng căn cứ của ta để bao vây tiêu diệt.
Trên địa bàn x Ph Mỹ, những thng cuối năm 1971, địch ráo riết thực hiện kế hoạch “ Khai hoang lập ấp”, lập vành đai cách ly quần chúng với cách mạng và đánh phá khu căn cứ Hắc Dịch, Núi Dinh-Thị Vải. Địch lập thêm hàng loạt các ấp mới như: ấp Phước Lập, Ngọc Hà, Quảng Phú, Phú Hà, Vạn Hạnh, Song Vĩnh, Mỹ Thạnh. Các tên cầm đầu xây dựng các ấp mới như: Vũ Hồng Khanh đưa dân lập ấp Nông trường Song Vĩnh II, vợ Vũ Hồng Khanh về khai hoang giữa khu vực ấp Ơng Trịnh v x Ph Mỹ thnh lập ấp Nơng Trường Song Vĩnh; Linh mục Thanh và vợ trung tướng Lễ đưa dân lập ấp Phú Hà; Huỳnh Vĩ Hùng và Phan Thông đưa dân lập ấp Phước Lập; Linh mục Nguyễn Văn Đạo đưa dân Việt Kiều Campuchia về ấp Mỹ Thạnh, lập thêm 4 khu nữa; linh mục Khoa đưa dân lập ấp Ngọc Hà, Trịnh Thanh Ba và Nguyễn Văn Thuật đưa dân lập ấp Quảng Phú, Thượng tọa Thích Đồng Huy đưa dân về khai hoang lập ấp Vạn Hạnh.
Trước năm 1970, x Ph Mỹ chỉ cĩ 3 ấp l: Mỹ Thạnh, Mỹ Xun, v ấp Lị Than, dân số khoảng 4.000 người, đến cuối năm 1971 x Ph Mỹ cĩ tổng cộng l 9 ấp với trn 24.000 dn. Với tình hình địa bàn rộng, dân số đông, mà hầu hết dân các nơi đến, nên công tác lnh đạo, nắm bắt quần chúng để vận động rất khó khăn. Có những ấp chúng tự xây dựng lực lượng dân vệ chiến đấu riêng như ấp Phước Lộc và ấp Mỹ Thạnh tập trung hầu hết là những gia đình thương phế binh ngụy.
Để tăng cường cho x củng cố lực lượng, xây dựng các cơ sở phong trào; từ tháng 9 năm 1971, huyện ủy cử đồng chí Lê Dũng là đại đội phó đại đội 20 của huyện về Phú Mỹ làm phó bí thư kiêm x đội trưởng, đồng chí Hai Hoàng thay đồng chí Hai Thuận làm Bí thư chi bộ, đồng chí Sáu Búp phụ trách công tác binh vận, đồng chí Cảnh phụ trách công an x. Lực lượng du kích x được củng cố và tăng cường mạnh quân số trên 10 đồng chí. Với lực lượng cơ sở phong trào được củng cố x Ph Mỹ lin tục tổ chức tuyn truyền v trang, đắp mộ, rải truyền đơn và tập kích đánh địch tuần tra trên lộ 15, đánh phá kế hoạch ủi phá rừng, lập ấp mới của địch. Huyện ủy thnh lập ấp Trảng Lớn thuộc x Ph Mỹ lm căn cứ bàn đạp để đánh địch tại Phú Mỹ, đồng thời liên hệ, chỉ đạo các cơ sở trong đồng bào Hắc Dịch đang sinh sống ở Cầu Vạt.
Sau khi cơ bản lập xong các ấp mới, địch tiếp tục đánh phá căn cứ Hắc Dịch-Thị vải, chúng cho xe ủi phá rừng sâu vào khu căn cứ . Để ngăn chặn kế hoạch đánh phá của địch, lực lượng binh vận và du kích x ngăn chặn xe ủi, phát loa kêu gọi và yêu cầu quần chúng ngưng ủi, phải quay xe ra. Bọn ngoan cố bị cảnh cáo và trừng trị. Ta đ bắt 2 tên lái máy ủi, đốt cháy 1 xe ủi, và 1 xe máy cày. Ngoài ra, du kích x Ph Mỹ cịn thường xuyên kết hợp và hướng dẫn các lực lượng huyện và tỉnh, công binh T7, Đoàn 10 và Phân khu 4 tổ chức đánh địch trên lộ 15 và ở rừng Sác.
Tại khu căn cứ Hắc Dịch-Châu Pha và Thị Vải, địch vẫn càn quét liên tục trong nhiều tháng với lực lượng hỗn hợp Mỹ và biệt kích Úc. Vùng ven chân núi, chúng ủi phá, phân lô, để cô lập các căn cứ cách mạng. Huyện ủy và các cơ quan của huyện gặp khó khăn, phải di dời căn cứ liên tục. Song tình hình cục diện chiến trường đang chuyển biến hết sức thuận lợi, đem lại thế và lực mới cho phong trào cách mạng chung của tỉnh trong đó có quân và dân Tân Thành.
Những năm tháng từ 1969 đến cuối năm 1971 là thời gian cực kỳ gian khổ và ác liệt đầy thử thách của Đảng bộ và nhân dân Tân Thành. Tuy bị tổn thất, thiệt hại nặng nề, trải qua những khó khăn “Tưởng chừng như không vượt qua nổi” nhưng quân và dân Tân Thành vẫn quyết tâm với phương châm “dân cịn thì Đảng bộ cịn tồn tại”. Đội ngũ cán bộ, Đảng viên, chiến sĩ và nhân dân huyện được tôi luyện càng thêm vững vàng, kiên định.
Sau hơn 7 năm cầm súng đánh thuê cho chủ Mỹ, đến tháng 11 năm 1971, chiến đoàn Hoàng gia Úc và đại đội pháo Tân Tây Lan buộc phải rút quân về nước. Những năm đánh thuê ở Việt Nam, bọn lính Úc đ gy bao tội c cho qun v dn ta, gy khĩ khăn cho phong trào cách mạng.
Trung Ương Cục và Bộ chỉ Huy miền quyết định giải thể tỉnh Bà Rịa-Long Khánh, thành lập phân khu Bà Rịa vào tháng 5 năm 1971. Phân khu phân công đồng chí Trần Văn Cường tức (Tám Cường) thay đồng chí Lê Minh Nguyện phụ trách bí thư Huyện ủy Châu Đức, Huyện ủy chuyển căn cứ về vùng Bảo Bình (Xun Lộc) củng cố lực lượng, chủ trương đưa cán bộ chiến sĩ về bám trụ địa bàn, bám dân để xây dựng lực lượng bên trong, xây dựng cơ sở Đảng, các Đoàn thể quần chúng, tự vệ mật, cơ sở nội tuyến. Chuẩn bị lực lượng từng bước phá lỏng, phá r ấp chiến lược của địch.
Sau nhiều năm đánh phá quyết liệt cuả địch, mặc dù đ cĩ nhiều nỗ lực xy dựng v củng cố lại, song Huyện Châu Đức vẫn gặp nhiều khó khăn. Cán bộ, chiến sĩ của huyện sau Tết Mậu Thân 1968 có hơn 200 đồng chí, nay chỉ cịn lại hơn 50, phần lớn đau yếu, bệnh tật. Các x vng lộ 15 bị địch càn quét liên miên, lúc bám rừng Sác, lúc về rừng Giồng.
Trước tình hình khĩ khăn của huyện Châu Đức,  Phân khu ủy đ tăng cường thêm cán bộ huyện. Đồng chí Nguyễn Đức Thu, tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 445 được điều về làm Huyện đội trưởng. Đồng chí Lê Minh Việt, được điều về làm Chính trị viên huyện đội, cùng nhiều cán bộ chủ chốt khác như: Lê Hữu Ân (tức Sáu Phệ), trưởng Ban kinh tài huyện, Nguyễn Đức Thiều cán bộ Binh vận Tỉnh, về phụ trách binh vận huyện, cùng các đồng chí Nguyễn Thị Thanh, Bùi Thị Xây (tức Út Mười Ba). Đồng Chí Nguyễn Trung Hiếu vẫn là Phó bí thư kiêm phó chính trị viên huyện đội.
Theo sự chỉ đạo của Phân khu ủy, Huyện ủy đ r sốt lại cc cơ sở Đảng tuyến lộ 15 và tuyến lộ 2 để tập trung lực lượng củng cố và xây dựng cơ sở. Sau khi rà soát lại, Huyện ủy sáp nhập x Hắc Dịch với x Phước Thái, cử đồng chí Phạm Thị Sơn huyện ủy viên phụ trách Bí Thư.  Căn cứ của Huyện dời về suối Đá vàng, Phía tây lộ 2, vùng ranh giới hoạt động giữa bọn Úc và Thái Lan, tạo thế bám trụ, đồng thời dựa vào cơ sở hậu cần ở x Phước Thái, Mở đường dây liên lạc với x  khc. Đây chính là địa bàn mà sự kiểm soát của địch khá sơ hở giữa lực lượng Hoàng Gia Úc với lực lượng Thái Lan.
Ban thường vụ huyện ủy phân công các đồng chí ủy viên Ban thường vụ và Huyện ủy viên về trực tiếp chỉ đạo các x vng trọng điểm. Đồng chí Nguyễn Đình Bất, ủy viên Ban thường vụ được phân công chỉ đạo x Phước Hịa; đồng chí Lê Hữu Ân ủy viên Ban thường vụ, trưởng ban kinh tài chỉ đạo x Ph Mỹ v Phước Thái. Đối với mũi binh vận, Ban thường vụ huyện ủy giao cho đồng chí Nguyễn Đức Thiều thẩm tra và trực tiếp chỉ đạo các cơ sở trong phịng vệ xung kích. Chi bộ x Phước Thái-Hắc Dịch xây dựng được một tiểu đội phịng vệ xung kích cĩ cơ sở nịng cốt l Đoàn viên thanh niên nhân dân cách mạng miền Nam. Có khả năng chuyển lên xây dựng được một đại đội sẵn sàng lm nội ứng cho cch mạng.
Công tác trọng tâm hàng đầu của Huyện ủy trong thời kỳ này là củng cố và xây dựng lực lượng bên trong, xây dựng cơ sở Đảng, các đoàn thể quần chúng , tự vệ mật, cơ sở nội tuyến, chuẩn bị lực lượng từng bước phá lỏng, phá r ấp chiến lược của địch. Lực lượng Huyện chia làm 2 bộ phận : Số sức khỏe yếu gồm 25 đồng chí ở lại căn cứ sản xuất, Hầu hết các đồng chí trong huyện ủy và cán bộ chủ chốt đều bố trí về các x bm dn, củng cố v xy dựng cơ sở.
Huyện ủy Châu Đức cử đồng chí Nguyễn Đình Bất (tức hai Bất), thường vụ Huyện ủy về chỉ đạo các x dọc lộ 15, củng cố Đội công tác di cư Thiên chúa giáo đẩy mạnh công tác vũ trang tuyên truyền trong vùng Thiên chúa giáo di cư lộ 15. Đội công tác đ xy dựng được hai cơ sở là Trần Văn Tước và Phạm Văn Tình (Phước Hịa) trong đồng bào di cư Thiên chúa giáo. Thông qua 2 cơ sở này, ta đ gio dục v khống chế được Phạm văn Tài, chủ tịch Nông trường Lam Sơn và Nguyễn Văn Chín, ấp phó phụ trách an ninh, không cho chúng tiếp tục ủi phá rừng, những nơi đ ủi ph thì cho php canh tc dưới sự kiểm soát của lực lượng cách mạng. Ban đêm, Đội công tác vào ấp vũ trang tuyên truyền, quyên góp lương thực, thực phẩm và nhờ mua vải, nhu yếu phẩm, máy đánh chữ, pin đèn, thuốc Tây cho huyện. Khi có nhiệm vụ đột xuất, cần đột nhập ấp ban ngày, Đội công tác thông báo cho Tài và Chín để họ bố trí canh phịng chiếu lệ cho ta hoạt động.
Đồng chí Trần thị Mai, Bí thư chi bộ x Ph Mỹ cng cn bộ binh vận v du kích x bm st địa bàn, chống địch phá ủi rừng, đốt cháy 4 chiếc và bắt 8/14 chiếc máy cày, bắt thợ lái đưa về căn cứ, kêu chủ xe và thân nhân vào căn cứ giáo dục, nộp phạt và cam kết đình chỉ ủi ph rừng. Lực lượng binh vận Phú Mỹ giáo dục được trung sỹ Nguyễn Văn Hai ở đồn Cây Điệp, tổ chức nội tuyến, làm nhiệm vụ hạn chế các cuộc ruồng bố vào sâu trong căn cứ, không xét hỏi các xe lam chở đồ từ Bà Rịa vào chùa Vạn hạnh, mở tuyến vận chuyển tiếp tế vào căn cứ Thị Vải cho lực lượng cách mạng của huyện, của tỉnh, của miền.
Lực lượng binh vận đ kết hợp với cc cơ sở cha Vạn Hạnh v du kích x Ph Mỹ cải trang đánh địch nhiều trận, bắt sống một trung tá thủy quân lục chiến ngụy, một thiếu tá và một đại úy cố vấn Mỹ, đưa về căn cứ khai thác tin tức. Sau trận ấy, vợ thiếu tá thủy quân lục chiến nhờ thầy chùa Thích Đồng Hy giúp chị liên hệ với cách mạng để biết tin tức chồng. Được Tỉnh ủy đồng ý, Ban binh vận Tỉnh đ bố trí cho vo căn cứ gặp chồng, chị động viên chồng khai báo thành khẩn và hứa khi trở về sẽ vận động binh sĩ và các gia đình binh sĩ trong khu gia binh, không tiếp tay cho ngoại bang chống lại cách mạng, không dại đột tiến công vào căn cứ.
Với những hoạt động tích cực của ba mũi giáp công, đến cuối 1971 ta đ ph lỏng, ph r thế kềm kẹp của địch, tạo được các lm giải phĩng trn địa bàn Tân Thành lúc đó, như ở ấp Phước Thái, ấp Trảng Lớn (Phú Mỹ). Cửa khẩu Phước Thái được mở ra, tạo điều kiện cho các lực lượng cách mạng của tỉnh và của huyện đứng chân hoạt động. Thực hiện cách mạng của huyện từng bước được củng cố và phát triển trở lại. Căn cứ của huyện lại được chuyển về địa bàn Tân Thành, đóng ở Suối Châu Pha để chỉ đạo phong trào các x.





Bài 32
Nhân dân Tân Thành cùng với nhân dân trong cả nước làm nên thắng lợi buộc Mỹ phải ký hiệp định Paris.
___________________________________

Đầu năm 1972, hưởng ứng chiến dịch Nguyễn Huệ, Phân khu ủy Bà Rịa đ chủ trương “Tập trung quân chủ lực phối hợp với bộ đội địa phương, dân quân du kích đánh mạnh quân địch trên các địa bàn trọng điểm, tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực địch và phương tiện chiến tranh của chúng, mở mảng, mở rộng vng giải phĩng một số x ấp”.
Từ đầu năm 1972, hầu hết các cn bộ của huyện v x đều được phân công về bám trụ ở trong dân củng cố và xây dựng các lực lượng chi bộ  mật, du kích mật, và các đoàn thể quần chúng bên trong để làm nịng cốt cho phong trào đấu tranh ở địa phương. Các x dọc lộ 15 như Phước Hịa, Ph Mỹ, Phước Thái đ kết nạp được Đảng viên, tổ chức được các tổ Đảng bên trong. Ta đ ci được nhiều cơ sở nội tuyến vào đội phịng vệ dn dự, xy dựng nội tuyến trong lực lượng bảo vệ ở các đồn bót địch, phục vụ cho du kích và bộ đội tổ chức tiến công địch.
Ở đồn Cây Điệp, ta vận động được trung sĩ nhất Nguyễn Văn Hải làm cơ sở nội tuyến, ấp Mỹ xuân có trung sĩ nhất Nguyễn Văn Phương, ở đồn Phước Biên ta tổ chức được thượng sĩ nhất Trần Văn Thâu (tự là Hai Sài Gịn) đ bo co cho ta biết mỗi khi cĩ lệnh địch đi ruồng bố, bằng hộp thu liên lạc bí mật, cũng như chỉ huy lính thuộc quyền không ruồng bố, không kiểm soát gắt gao, hay làm khó dễ trong nhân dân. Trong bộ máy Ngụy quyền, ta đưa anh Nguyễn Văn Độ, và Nguyễn Văn An ra  làm x trưởng và Phó x trưởng x Ph Mỹ. Qua các cơ sở này, binh vận ta nắm được tình hình tin tức hnh qun của địch và vận động bỏ ngũ quay về với cách mạng.
Công tác binh vận ở Phú Mỹ hoạt động tích cực, góp phần cùng chi bộ và các lực lượng làm chuyển biến tình hình, như tổ chức binh vận số I ấp Mỹ Thạnh, đ mua v vận chuyển lương thực, thuốc men cho Ban kinh tài và đ ku gọi được 8 binh sĩ điạ phương quân, nghĩa quân bỏ súng vào rừng làm rẫy.
`Tổ II, các đồng chí cũng mua và tiếp tế lương thực, thực phẩm cho chi bộ du kích x, vận động một số binh sĩ bỏ ngũ đem về nộp cho ta một cy sng M79.
Tổ III, vận động được 4 binh sĩ địa phương quân ở đồn Đập Nước, đem súng về nộp cho cách mạng, ta vận động về nhà làm ăn. Tổ binh vận cịn nắm tình hình cc tn tề, c ở Ph Mỹ bo co cho ta về diệt, trong đó có tên Đằng trưởng ban ấp. Ngoài ra, chùa Đại Tịng Lm vừa l cơ sở mua và cung cấp lương thực thực phẩm cho du kích bộ đội ta đêm đêm về tải vo rừng. Được các tăng ni, phật tử ở chùa là những người yêu nước. Đ bao che cho những thanh nin trốn qun dịch trú ở chùa, sau đó được giác ngộ hầu hết các thanh niên này đều tham gia vào lực lượng du kích x, bộ đội huyện và tỉnh. Đ cĩ nhiều thanh nin tham gia du kích x  như đồng chí Lộc, Hạnh, Tuyết, Mỹ…
Tháng 2 năm 1972, x đội trưởng Lê Dũng cùng một đội du kích Phú Mỹ giấu súng trong bao tải, cải trang nông dân đi làm than, chặn xe trên lộ 15, bắn cháy 1 xe Jep của địch từ Biên Hịa về B Rịa, diệt gọn 5 tn , (trong đó có 2 tên đại úy) ngay tại khu vực chùa Đại Tịng Lm. Trong đợt hoạt động tháng 2 năm 1972, kết hợp 3 mũi giáp công, quân và dân trong huyện đ được Bộ chỉ huy tiền phương khen ngợi về thành tích: đạt được yêu cầu đề ra l ph r bộ my kìm kẹp của địch xây dựng lực lượng vũ trang, xây dựng được một đại đội bộ binh gồm 60 cn bộ, chiến sỹ; bổ sung cho lực lượng đại đội 3 bổ sung cho một trung đội công binh tỉnh đủ quân số.
Từ đầu năm 1972, địch tăng cường củng cố tề x v cc ấp mới thnh lập. Chng lập chi cảnh st ở x với lực lượng trên 20 tên. Đồng thời địch tăng cường lực lượng bảo an ở đồn Phú Mỹ thêm một đại đội và nâng đồn lên thành yếu khu quân sự của địch nhằm đối phó với lực lượng cách mạng. Mỗi ấp chúng củng cố tề, với một trung đội nghĩa quân trang bị vũ khí đầy đủ và mạnh như đại liên 60 ly, M.79, M.72, các loại mìn. Lực lượng dân vệ mỗi ấp có từ 1 đến 2 tiểu đội  cũng được trang bị vũ khí đầy đủ. Ban đêm dân vệ tập trung cùng nghĩa quân canh gác suốt đêm ở trụ sở ấp và các tua, bót. Địch cho xây dựng các ổ tình bo từ ấp đến x, nhằm thực hiện m mưu lùng sục để dồn qun, bắt lính v rình rập pht gic cc cơ sở cách mạng của ta.
Nông trường Song Vĩnh là cơ sở của chi bộ “ Việt Nam Quốc dân đảng” nơi đây tập trung các tên tay sai phản động quốc dân đảng thường tụ họp bàn kế hoạch và đề ra các phương án liên kết với địch đánh phá cách mạng. Để ngăn chặn những hành động phá hoại của  chúng, tháng 4 năm 1972, lực lượng du kích x gi mìn đánh sập toàn bộ trụ sở hành chính của nông trường này.
Ring ở ấp Vạn Hạnh, một  năm sau khi thành lập, địch vẫn chưa xây dựng được bộ máy tề. Mi đến tháng 3 năm 1972, địch lại tiếp tục huy động đồng bào tại khu vực Vạn Hạnh để xây dựng bộ máy kềm kẹp. Đồng bào cương quyết đấu tranh, với lý lẽ: “Đồng bo ở thnh phố (Si Gịn) chỉ ra đây làm ăn, cịn nơi cư trú chính vẫn là ở Sài Gịn” v khơng ai chịu ra làm tay sai cho địch. Sau đó nhiều lần địch tiếp tục lập hội tề ấp nhưng không thành và mi đến tận số của bọn chng (4-1975) chúng vẫn không lập được tề ở Vạn Hạnh. Ngược lại được cơ sở vận động, Hội nông dân giải phóng ấp Vạn Hạnh được thành lập gồm 7 hội vin. Hội nơng dn trực tiếp lnh đạo các phong trào cách mạng ở ấp Vạn Hạnh.
Từ tháng 4 năm 1972, chiến dịch Nguyễn Huệ nổ ra trên chiến trường miền Đông Nam Bộ, quân và dân ta đ ginh được thắng lợi lớn ở cc tỉnh Bình Long, Phước Long, v ở Phân khu Bà Rịa, từ ngày 12 tháng 4 năm 1972 các lực lượng vũ trang đều tổ chức tiến công địch với nhiệm vụ trọng tâm là “mở mảng, mở vùng” trên địa bàn Tân Thành, có sự hỗ trợ của trung đoàn 33 (bộ đội chủ lực phân khu), bộ đội tỉnh và lực lượng công binh. Bộ đội huyện và du kích các x Phước Hịa, Ph Mỹ v tập kích cc đồn, bót của địch dọc trên lộ 15.
Thực hiện quyết tm của Phn khu ủy B Rịa v của Huyện ủy, thực lực của x Phước Hịa – Ph Mỹ v Phước Thái đ được củng cố và phát triển mạnh. Nhất là được các cơ sở nôi tuyến và lực lượng mật tích cực hoạt động, nên ngoài việc kết hợp với các đơn vị của tỉnh, bộ đội chủ lực đánh các trận lớn, du kích x thường xuyên phục kích đánh địch tuần tra trên lộ 15, đắp mô phá cống, rải truyền đơn, diệt ác phá kềm. Tại Phú Mỹ, sau khi ta diệt tên Đằng, địch đưa tên Sang làm trưởng ấp Mỹ Xuân nổi tiếng ác ôn. Tên này tổ chức mạng lưới mật báo trên theo di cc gia đình cĩ con em tham gia khng chiến, mỗi khi ta đắp mô, rải truyền đơn, bọn chúng bắt cha mẹ, vợ, thân nhân gia đình cch mạng đi phá mô, lượm truyền đơn. Du kích Phú Mỹ đ lấy gương tên Đằng để giáo dục và cảnh cáo hắn, tên Sang bớt hung ác hơn trước.
Trụ sở cảnh st ở ngay trung tm x Ph Mỹ với trn 20 tn, trong đó có những tên mật thám báo được huấn luyện đưa về khu vực Phú Mỹ - Phước Thái hoạt động, chúng thường xuyên kiểm tra, bắt bớ, đánh động để điều tra và gây khó dễ đồng báo ta đủ điều. Bức xúc trước những hành động d man v bỉ ổi của chng, thng 5 năm 1972, đồng chí Trần Văn Tấn ( tức Năm Tấn) từ căn cứ Thị Vải vượt qua ấp Trảng Lớn, bí mật áp sát khu vực x, đánh sập trụ sở cảnh sát.
Cuối năm 1972, sau các đợt diệt ác phá kềm thắng lợi, phong trào tiếp tục được củng cố và phát triển. Đồng chí Trần Thị Mai là huyện ủy viên phụ trách chỉ đạo các x lộ 15 trực tiếp lm Bí thư x Ph Mỹ thay thế đồng chí Hai Hoàng, x Ph Mỹ đ pht triển thm những chiến sĩ trung kiên như: đồng chí Bé Năm, Quyết, Chiến, Thắng, Lợi. Chi đoàn thanh niên cũng được hình thnh, do đồng chí Chiến làm Bí thư chi đoàn.
Phật tử ở Vạn Hạnh, và phật tử các nơi khác qua trung gian chùa Vạn Hạnh vẫn cương quyết đấu tranh không chịu để địch xây dựng tề ở Vạn Hạnh. Đồng thời  ủng hộ cch mạng rất nhiệt tình. Tăng ni phật tử các chùa ở Đại Tịng Lm, Vạn Hạnh thường xuyên ủng hộ gạo, mì, nước tương, bột ngọt cho cách mạng.
Nhất là từ năm 1972 trở đi, lượng lương thực tiếp tế ngày càng nhiều, mỗi ngày chuyển vào căn cứ từ 1 đến 3 tạ gạo, có khi chuyển cả xe vào khu căn cứ Thị Vải. Ngồi ra cha Vạn Hạnh cịn nhận thuế do dn đóng chuyển vào căn cứ cho cách mạng.
Từ khi bọn viễn chinh Mỹ và chư hầu Úc rút quân, phong trào cách mạng ở x Ph Mỹ pht triển mạnh, hầu hết cc ấp ta đều xây dựng được cơ sở và lực lượng tự vệ mật, xây dựng được nhiều lm chính trị ở cc khu vực: Khu Mỹ Xun v chợ; Khu Lị Than, Khu Mỹ Thạnh, Khu Ngọc H, Vạn Hạnh, Ngồi tổ chức Chi đoàn thanh niên, cịn cĩ hai tổ nơng hội giải phĩng. Tổ 1 ở khu vực Ngọc H, Vạn Hạnh gồm: Ơng Năm Thêm, Hai Tánh, ông Quế, Tư Thừa Dóc, Lai, Ba Tửu, thầy Đồng Qui và thầy Bt Nh…Tổ 2 ở khu vực Mỹ Xun, khu chợ gồm: Ơng Năm Viễn, Bảy Chừng, Ba Ngọ, Sáu On, chị Hai Miên.
Trong những tháng cuối năm 1972, nhằm ngăn chặn các mũi tiến công của quân ta từ hướng rừng Sác. Ngụy quyền đ triển khai tuyến đê bao ngăn mặn từ x Long Hương đến x Phước Hịa, thực hiện chỉ đạo của huyện, lực lượng du kích x Phước Hịa thường xuyên phối hợp và hỗ trợ đơn vị đặc công, công binh của tỉnh và bộ đội chủ lực tập kích đánh bọn bảo an đóng quân dọc theo cặp lộ 15 và đánh hư các xáng múc đất,  lm thất bại kế hoạch đê bao phịng thủ của địch.
Đội công tác di cư x Phước Hịa gồm cc đồng chí Sáu Lâm, Năm Công, Sáu Kính. Thường xuyên phối hợp với du kích x v bộ đội huyện tập kích diệt và làm tan r lực lượng phịng vệ dn sự của địch ở các ấp Hải Sơn, Lam Sơn và đắp mô gây ách tắc giao thông.
Tháng 1 năm 1973, theo chỉ thị của Trung ương Cục và Tỉnh ủy, Huyện ủy đ chỉ đạo cho các đơn vị, các x tích cực v khẩn trương chuẩn bị lương thực, băng, cờ, khẩu hiệu và vũ khí, vào đợt “chồm lên chiếm lĩnh” để sẵn sàng đánh bại âm mưu “ tràn ngập lnh thổ” ginh dn, lấn đất của địch, trước khi có hiệp định Paris. Điểm của các x dọc lộ 15 l ấp Hải Sơn (Phước Hịa) v ấp Ngọc H, Vạn Hạnh (Ph Mỹ). Huyện phn cơng cc đồng chí trong thường vụ Huyện ủy phụ trách các đoàn cán bộ về bám các x. Đồng chí Sáu Ân cùng 25 đồng chí khác bám trụ x Ph Mỹ, đồng chí Hai Bất (Nguyễn Đình Bất) phụ trch x Phước Hịa.
Ngay từ đêm 22 tháng 1 năm 1973, được sự chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Đình Bất, Đội công tác di cư và du kích x Phước Hịa tấn cơng chiếm lĩnh địa điểm ấp Hải Sơn ở khu vực nhà thờ và cắm cờ trên lộ 15. Trận này ta đụng độ quyết liệt với một đại đội của tỉnh đoàn bảo an 32. Ngay trận đầu ta bắt sống được một tên, thu một súng M.16, 6 ba lô, lựu đạn và hàng ngàn viên đạn các loại. Lực lượng ta chiến đấu giằng co với địch suốt đêm, sau đó địch rút lui, ta triển khai lực lượng đào công sự bám trụ chờ lệnh thi hành hiệp định.
Thực hiện quyết tâm chỉ đạo của Tỉnh ủy, ngay từ đầu tháng 1 năm 1973, quân và dân Tân Thành đ kết hợp chặt chẽ với mũi chính trị, qun sự v binh vận, tiến cơng v ginh nhiều thắng lợi vẻ vang trong đợt “chồm lên chiếm lĩnh”, nhằm mở rộng vùng làm chủ nhiều x ấp, gĩp phần cng tồn Đảng và toàn dân giành thắng lợi cuối cùng.
Trên chiến trường chung, bị thất bại bởi các đợt tiến công của quân và dân miền Nam trong năm 1972 và bị quân dân miền Bắc đánh bại ở trận : Điện Biên Phủ trên không” 12 ngày đêm, buộc đế quốc Mỹ phải ký hiệp định Paris ngy 27-1-1973, theo hiệp, định chúng Phải rút hết quân khỏi miền Nam, tôn trọng chủ quyền độc lập toàn vẹn lnh thổ của Việt Nam.
Giai đoạn cách mạng 1969-1972 là giai đoạn cực kỳ gian khổ và ác liệt của Đảng bộ và nhân dân Tân Thành. Đảng bộ và nhân dân huyện đ vượt biết bao hy sinh, thử thách, và đ kin trì bm trụ địa bàn, xây dựng cơ sở, xây dựng niềm tin cho quần chúng nhân dân, “Đảng tin dân, dân tin Đảng”, đồng bào dân tộc Châu Ro một lịng chí cốt với cch mạng. Ta đ kết hợp chặt chẽ hoạt động vũ trang và công tác chính trị, binh vận, kết hợp chặt chẽ với các lực lượng cấp trên, bộ đội chủ lực, từng bước khôi phục và phát triển phong trào cách mạng, củng cố được lịng tin của nhn dn với cch mạng, với Đảng.
          Đảng bộ, quân và dân Tân Thành thực hiện tốt và tham gia tích cực  đánh địch trong chiến dịch Nguyễn Huệ 1972 và “chồm lên chiếm lĩnh” tháng 1-1973, góp phần cùng toàn tỉnh, toàn miền Nam và cả nước giành nhiều thắng lợi, buộc đế quốc Mỹ phải ký hiệp định chấm dứt chiến tranh lập lại hịa bình ở Việt Nam. Đảng bộ và quân dân Tân Thành lại tiếp tục đoạn đường “đánh cho Ngụy nhào” giành thắng lợi hoàn toàn theo lời dạy của Bác.
Hiệp định Paris (27-1-1973) là một thắng lợi có ý nghĩa lịch sử đối với cách mạng nước ta, là thắng lợi của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta trong 18 năm chiến đấu hy sinh, gian khổ, đồng thời là một địn đánh sụp ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ. Theo hiệp định, Mỹ phải rút quân viễn chinh về nước, tôn trọng độc lập chủ quyền và toàn vẹn lnh thổ của Việt Nam. Nhưng Mỹ không từ bỏ âm mưu xâm lược miền Nam, chúng tiếp tục thực hiện chiến lược “ Việt Nam hóa chiến tranh” với ba biện pháp chiến lược: tiếp tục viện trợ quân sự, kinh tế, cố vấn cho chế độ tay sai ở Sài Gịn, đẩy mạnh lấn chiếm, lấy bình định nông thôn làm biện pháp trung tâm đánh phá cách mạng, xóa kế hoạch phục hồi kinh tế của ngụy, v phong tỏa kinh tế cch mạng.
Ngày 28 tháng 1 năm 1973, Ban chấp hành Trung ương Đảng và Chính phủ nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hịa khẳng định: “Với hiệp định Paris được ký kết, cuộc khng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta đ ginh được thắng lợi vẻ vang. Đây là thắng lợi rất to lớn của cuộc kháng chiến oanh liệt nhất trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc ta”. Tuy nhiên, Trung ương Đảng vẫn nhấn mạnh:” Cuộc đấu tranh của nhân dân ta ở miền Nam cịn phải vượt qua nhiều khó khăn, trở ngại. Những thế lực quân phiệt, phát xít, công cụ của chủ nghĩa thực dân mới, đi ngược lại nguyện vọng của dân tộc ta vẫn chưa từ bỏ âm mưu phá hoại hịa bình, ngăn trở con đường độc lập, tự do của nhân dân ta”.
Ở thời điểm này, mặc dù Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hịa bình ở Việt Nam được ký kết. Nhưng đế quốc Mỹ và tập đoàn tay sai Nguyễn Văn Thiệu vẫn chưa cam chịu thất bại.





Bài 33
Quân dân Tân Thành chuẩn bị cho cuộc tổng công kích.
_____________________________

Ngay sau khi hiệp định Paris có hiệu lực, Ngụy quân, Ngụy quyền đ triển khai “Kế hoạch Hng Vương”, “Kế hoạch Lý Thường Kiệt” với mục tiêu diệt các lực lượng vũ trang và lực lượng cách mạng của ta. Chúng tấn công lấn chiếm một số vùng giải phóng, lấn chiếm những vùng ta làm chủ trước khi có hiệp định, cưỡng ép nhân dân phải sơn cờ Ngụy trên nóc nhà, trước cửa. Chúng muốn chứng tỏ rằng, nơi đâu có “Cờ ba que” thì nơi đó do chúng kiểm soát. Địch cịn ra sức củng cố v lập lại cc đội phịng vệ dn sự, đôn dân vệ thành bảo an để bọn bảo an làm nhiệm vụ cơ động. Các x ấp dọc lộ 15, địch tung tình bo, phượng hoàng và bọn tâm lý chiến tuyn truyền xuyn tạc Hiệp định, đánh vào các cơ sở cách mạng.
Từ ngày 7 đến ngy 10 tháng 1 năm 1973, Thường vụ trung ương Cục miền Nam đánh giá tình hình v đề ra nhiệm vụ cách mạng của miền Nam trong tình hình mới l “Phải nắm lực lượng vũ trang, đứng vững và sẵn sàng trn thế qun sự tiến công địch liên tục bằng chính trị, binh vận, đồng thời tận dụng và hết sức phát huy cơ sở pháp lý cĩ lợi cho ta”.
Nắm được âm mưu, thủ đoạn của địch, ngay từ đầu Tỉnh ủy Bà Rịa – Long Khánh đ chỉ đạo: ”Trên cơ sở vận dụng tốt khẩu hiệu trung tâm chính trị hịa hợp v hịa giải dn tộc gắn liền với chính sch 10 điểm của chính phủ cách mạng lâm thời cộng hịa miền Nam Việt Nam, đẩy mạnh tấn công chính trị, binh vận, và phải kiên quyết diệt bọn ác ôn, bung ra lấn chiếm, thọc su diệt c ph kềm, nng quyền lm chủ trong dn, mở rộng vng gải phĩng”.
Huyện ủy đ nhanh chĩng triển khai học tập ti liệu mang tn “huyện x lm gì khi ngưng bắn” cho cán bộ, chiến sĩ và cơ sở cốt cán, đồng thời phân công các đồng chí trong Huyện ủy về bm trụ ở cc x, chống địch lấn chiếm, quyết tm giữ vững v mở rộng vng giải phĩng.
Huyện ủy đ kịp thời chỉ đạo cho cán bộ, đảng viên và chiến sĩ trong toàn huyện tích cực chủ động tiến công địch, khắc phục tư tưởng “hịa bình”, “sợ gian khổ hy sinh”, kin quyết bảo vệ vng giải phóng. Huyện ủy chủ trương đưa cán bộ, chiến sĩ tiếp tục bám trụ cơ sở, xây dựng lực lượng bên trong, phát động quần chúng nổi dậy diệt ác phá kìm, ph vỡ m mưu bình định của địch. Chuẩn bị cơ sở hậu cần thu mua hàng trăm tấn gạo, lập kho dự trữ, chuyển một số dân về vùng Hắc Dịch để sản xuất.
Nhằm ngăn chặn tuyến hành lang vận chuyển của ta từ Đồng Don, Đồng Dầu, đồng Châu Pha về căn cứ huyện và tỉnh, địch đưa một đại đội lính bảo an đến chốt đóng tại núi Đồng Nghệ, lập đài quan sát khống chế các hoạt động của ta trên các tuyến đường liên lạc quanh khu vực nam Lộ 2. Huyện ủy và Huyện đội Châu Đức hạ quyết tâm phải tiêu diệt bằng được đồn này. Đội trinh sát huyện gồm 5 đồng chí do đồng chí Mười Tép chỉ huy được giao nhiệm vụ tổ chức đánh, cơ sở của ta là bà Hai Đồng theo di qui luật đi lại của địch và các lối mịn trn ni bo cho anh em trinh st nắm.
Thực hiện chỉ đạo của huyện, Đôi du kích và đội công tác di cư x Phước Hịa vẫn kin quyết bm trụ ở ấp Hải Sơn từ đợt “chồm lên chiếm lĩnh” đêm 22 tháng 1 năm 1973. Đến 5 giờ sáng ngày 28 tháng 1 năm 1973, bất chấp tinh thần nội dung của Hiệp định, địch tiếp tục các mũi tiến công vào địa điểm ấp Hải Sơn để tìm tn lính bị bắt hôm trước. Lần này, bọn địch lọt vào ổ phục kích, ta bắn xối xả vào đội hình địch. Cánh qun thứ hai bị ta đánh bằng một trái ĐH.8, địch chết và bị thương la liệt, số cịn lại nhanh chĩng rt ra để củng cố lực lượng. Đến 8 giờ, có thêm lực lượng tiếp viện hùng hậu chúng tiến công vào đội hình ta. Do lực lượng không cân sức, (địch đông hơn ta gấp 10 lần) Ban chỉ huy ta ra lệnh rút để bảo tồn lực lượng. Sau trận này, ta để một số bộ phận của Đội công tác di cư bám dân, tiếp tục phát động quần chúng đấu tranh chống địch vi phạm Hiệp định Paris.
Trên trục lộ 15, bất chấp Hiệp định Paris, địch tăng cường lực lượng thường xuyên bung ra càn quét đánh phá cơ sở cách mạng. Tháng 3 năm 1973, lực lượng du kích và đội công tác di cư chỉ hơn một bán đội, do đồng chí Nguyễn Đình Bất ( Thường vụ Huyện ủy) và Nguyễn Văn Soạn (Bí thư x Phước Hịa) chỉ huy đột nhập ấp Lam Sơn rải truyền đơn và tuyên truyền vận động nhân dân hưởng ứng đấu tranh chống địch không thi hành Hiệp định Paris. Địch phát hiện, lực lượng ta giả bộ rút để dụ địch ra bìa ấp. Ngay vị trí đặt mìn sẵn của ta, tri ĐH.10 đ tiu diệt v lm bị thương trên 10 tên. Địch tăng cường đại đội bảo an đến truy quét, nhưng lực lượng ta đ rt lui an tồn.
Sau đó không lâu, tên Chín phó an ninh ấp Lam Sơn đ lin hệ v thỏa thuận với cch mạng về địa bàn hoạt động, như du kích và đội công tác di cư được ra vo ấp cơng tc, cịn bọn  tự vệ không được bắt bớ đánh đập hoạnh họe nhân dân.
Đến giữa năm 1973, phong trào quần chúng được mở rộng, dân càng tin tưởng vào Đảng và đi theo cách mạng, ủng hộ cách mạng nhiều hơn. Ở Hội Bài, hầu hết số thanh niên trốn lính đều lánh ra vùng ven để sinh sống, số này có trên 10 anh em tham gia lực lượng du lích đường sông, được trang bị vũ khí đầy đủ và thường xuyên tham gia đắp mô, rải truyền đơn, cùng với lực lượng du kích x, đánh bọn dân vệ các ấp.
Phong trào đấu tranh 3 mũi, quân sự, chính trị và binh vận trên địa bàn các ấp ở x Phước Hịa pht triển kh mạnh, nhiều hoạt động phối hợp nhịp nhàng giữa du kích đường sông, tự vệ mật và du kích, tạo điều kiện cho lực lượng bộ đội chủ lực huyện và tỉnh, Đoàn 10 bám trụ và đánh địch. Qua công tác binh vận, bọn lính bảo an ngày càng hoang mang dao động, được ta tác động lính ở đồn pháo binh Nguyễn Văn Bé một số bỏ ngũ trốn về nhà làm ăn. Lực lượng thanh niên hăng hái tham gia du kích và bộ đội huyện, tỉnh .
Bà Nguyễn Thị Đố, vừa là cơ sở, gia đình trực tiếp cĩ chồng, con đi kháng chiến nên bà tích cực tham gia và vận động bà con cùng đóng góp ủng hộ cho cách mạng. Bà bị bắt ở tù 18 tháng, khi ra tù lại tiếp tục liên lạc với cách mạng hoạt động binh vận. Ở phía rừng Giồng có các cơ sở ở ấp Ông Trịnh như ông V Văn Nhân, là cơ sở tiếp tế nuôi quân cho lực lượng x v huyện trong suốt những năm đánh Mỹ ác liệt. Năm 1971, ông bị địch bắt ở tù, năm 1972 ra tù lại tiếp tục hoạt động. Mặc dù bị địch bắt  tra tấn và ở tù, nhưng nhân dân Tân Thnh vẫn một lịng thủy chung với cch mạng. Năm 1970, một đồng chí ở Đoàn 10 hy sinh, ông Nhân đưa xác anh bộ đội về chôn ở đất nh mình cẩn thận, bọn lính và tề ấp đe dọa đủ điều, nhưng ông đ bình tĩnh, đấu tranh có lý có tình, khiến chng khơng lm gì được.
Phong trào đấu tranh chống địch phá hoại Hiệp định Paris ở x Ph Mỹ đ diễn ra sơi nổi, cĩ lc giằng co quyết liệt với địch. Thực hiện chỉ đạo của tỉnh và huyện, Chi bộ x Ph Mỹ đ triển khai cho cc lực lượng, cơ sở mật, đảng viên và du kích mật, qua đó tác động nhân dân ngay từ đêm 26 tháng 1 năm 1973, lực lượng ta đ tổ chức cắm cờ ở cc địa điểm trọng tâm như cc ấp Mỹ Thạnh, Vạn Hạnh, Mỹ Xun v Trảng Lớn.
Ngay sáng 28 tháng 1 năm 1973, bọn địch ở yếu khu Phú Mỹ đ cho lực lượng tỏa ra hạ cờ của cách mạng. Được sự chỉ đạo của Huyện ủy, lực lượng cán bộ, du kích lộ và du kích mật Phú Mỹ đ kin quyết bm trụ ở cc cơ sở như Ngọc Hà, Vạn Hạnh và Trảng Lớn. Đẩy mạnh công tác binh vận tác động nhân dân đấu tranh chống địch về việc chng không thi hành Hiệp định. Tăng cường công tác vũ trang, sẵn sàng diệt địch bung ra lấn chiếm.
Ngày 25 tháng 2 năm 1973, địch điều một trung đội bảo an đột nhập chiếm lại Mỹ Thạnh để hạ cờ mặt trận. Nắm được ý đồ của địch, ta chuẩn bị phương án tác chiến, vận động đồng bào cùng đào hầm trụ kiên cố, phục kích các hướng địch tiến công và hướng tiếp viện, vận động lực lượng quần chúng chuẩn bị đấu tranh. Ngay từ mũi tiến công đầu, đ bị ta sử dụng B.40 tiu diệt v lm tan r tiểu đội đi đầu, số cịn lại chạy tn loạn về đồn củng cố lực lượng. Địch bung ra càn quét, bắn pháo vào các khu dân cư vùng giải phóng Trảng Lớn. Lực lượng biệt kích ở yếu khu Phú Mỹ càn vào khu căn cứ Hắc Dịch, hễ thấy dn l chng n đạn. Chúng đ giết hại 7 người dân và 12 đôi bị ở khu vực Trảng Nai.
Bên trong địch củng cố bọn tề x, cc ấp, chng ci cắm cc tn tay sai c ơn kht tiếng cng với bọn cảnh st  lng sục, bắt bớ các cơ sở mật của ta. Lúc đó, tên Chín Ngón chỉ huy một tiểu đội (đóng ở đồn Cây Điệp) chuyên đi lùng sục ở các ấp Ngọc Hà, Vạn Hạnh, bắt bớ những người dân chúng nghi là cơ sở cách mạng như chị Phụng là cơ sở bị tên Chín Ngón bắt hà hiếp. Sau đó tên Chín Ngón bị ta bắn bị thương. Từ đó các tn tay sai c ơn khc v bọn tề x, ấp co lại khơng dm lng sục bắt bớ như trước.
Trước tình hình địch đánh phá ta từ trong ra ngoài rất ác liệt, để tăng cường cho cc x trọng điểm và những nơi cịn yếu. Huyện ủy chủ trương đưa một số cán bộ nịng cốt ở huyện về tăng cường, trực tiếp lnh đạo phong trào ở cơ sở. Đồng chí Phạm Thị Xích (cịn gọi l Sáu Xích) huyện đội phó về Phú Mỹ phụ trách x đội trưởng. Đồng chí Hai Bất tiếp tục về chỉ đạo x Phước Hịa.
Đến cuối năm 1973 đầu 1974, phong trào 3 mũi quân sự, chính trị và binh vận trên địa bàn Tân Thành ngày càng được củng cố khá phát triển. X Phước Hịa v Ph Mỹ đ vươn lên thế mạnh cả về tổ chức, lực lượng lộ và mật. Thường xuyên tập kích, vây ép đồn bót địch, đến tấn công tiêu diệt đồn bót và trừng trị các tn tay sai c ơn cĩ nhiều nợ mu với nhn dn.
Lực lượng du kích x Ph Mỹ pht triển trn 10 đồng chí du kích x v một tiểu đội du kích mật nằm trong các ấp như Vạn Hạnh, Ngọc Hà, khu Lị Than v Mỹ Thạnh. Để thể hiện ý chí chiến đấu quyết tâm ginh thắng lợi. X đội đ đặt tên cho các chiến sỹ du kích x l “ Quyết – Chiến – Thắng – Lợi”.
Tháng 1 năm 1974, địch đưa một trung đội bảo an ở phân chi khu Phú Mỹ đến càn quét ở khu ấp Vạn Hạnh, được nội tuyến cho hay trước, đội du kích x do đồng chí Sáu Xích trực tiếp chỉ huy đ mưu trí nằm phục sẵn trên các xe bị v xe lơi được phủ đầy rơm để ngụy trang. Một số đồng chí khác cải trang làm nông dân đánh xe, khi đi ngang qua đội hình hnh qun của địch, lực lượng ta bất ngờ nổ súng đồng loạt, bị đánh bất ngờ địch không kịp trở tay, ta diệt gọn một tiểu đội, cịn hai tiểu đội không dám chống trả, hốt hoảng bỏ chạy về đồn.
Cuối tháng 3 năm 1974, quân khu miền Đông quyết định mở chiến dịch ở Bà Rịa – Long Khánh, thu hồi vùng giải phóng  trở lại thế làm chủ trước ngày 27 tháng 1 năm 1973, tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực địch góp phần đẩy mạnh chiến tranh du kích ở vùng sâu, vùng tranh chấp, thực hành giành đất, giành dân, mở rộng quyền làm chủ của nhân dân.
Rạng sáng ngày 26 tháng 3 năm 1974, trên hướng trọng điểm chiến dịch Lộ 2 bắt đầu. Đồn Kim Long được chọn làm điểm đột phá. Trong lúc lực lượng chủ lực tiến công đồn Kim Long, du kích cc x đ bao vy, bức rt cc bĩt dn vệ, cng cn bộ binh vận v trang tuyn truyền, lm tan r cc đội phịng vệ dn sự. Sau gần hai tháng chiến đấu liên tục, với sự phối hợp tác chiến chặt chẽ của 3 thứ quân, các lực lượng cách mạng huyện Châu Đức đ thu hồi vng giải phĩng từ Kim Long đến sở Bà Cùi, tiêu diệt và bức rút 12 đồn bót, chặt đứng các lực lượng địch giải tỏa, giữ vững vùng giải phóng. Cửa khẩu hậu cần Phước Thái được mở lại. Đồng bào các x, kể cả vng địch tạm chiếm phấn khởi đóng góp ngày càng nhiều thóc gạo cho kháng chiến. Được sự quan tâm của chính quyền cách mạng đời sống nhân dân các x giải phĩng nhất là vùng căn cứ Hắc Dịch – Châu Pha từng bước được ổn định. Nhiều nơi bà con tự động dời nhà ra vùng giải phóng làm ăn sinh sống.
Từ thắng lợi của các đợt tập kích tiêu diệt sinh lực địch và tiêu diệt các bọn tay sai ác ôn, đ tc động đến phong trào cách mạng ngày càng phát triển. Phong trào 3 mũi giáp công phối hợp nhịp nhàng thường xuyên đánh địch trên lộ 15, uy hiếp, cảnh cáo bọn tề và ác ôn, bọn bảo an hoang mang co lại trong đồn bót. Từ đó tạo điều kiện cho nhân dân nổi dậy làm chủ sản xuất, mở rộng vùng giải phóng như ấp Trảng Lớn, ta đ vận động một số dân về đây làm ăn sinh sống, sản xuất và đóng thuế ủng hộ cách mạng, xây dựng các lm chính trị như: Vạn Hạnh, Mỹ Thạnh và Trảng Lớn ngày cng được củng cố và phát triển. Ở đây đ thnh lập được Ban trị sự v hình thnh cc đoàn thể quần chúng cách mạng. Đặc biệt ở Vạn Hạnh đ xy dựng được tổ chống Mỹ trên 10 người như ông Nguyễn Văn Đô (tức Hai Đô), ông Ba Tửu, ông Năm Ngự và tổ tình bo do ơng Thi lm tổ trưởng, cung cấp tin tức, tình hình địch cho ta rất chính xc v kịp thời. Tổ chống Mỹ cịn xy dựng cơ sở tại chùa Cao Đài trên sườn núi Thị Vải, làm cơ sở hoạt động và liên lạc của cách mạng.
Mạng lưới công tác binh vận ở Phú Mỹ hoạt động sâu rộng và đưa nhiều tin tức kịp thời, như cuối năm 1974 địch ci cắm hai tn Triệu v Thới cảnh st, chuồn về hoạt động ở x Ph Mỹ, với ý đồ móc nối với cơ sở cách mạng để đánh phá ta từ bên trong, hai tên này không qua mắt được cơ sở của ta nên đ bị ta tiu diệt.
Lực lượng du kích Phước Hịa v đội công tác di cư kết hợp thường xuyn dng thuốc nổ, pháo lép 105 ly đáp sập cống ở khu vực Láng Cát, ngăn cản đường giao thông địch.
Cng với cơng tc diệt c ph kềm, mũi binh vận ở cc x Phước Hịa v Ph Mỹ hoạt động rất tích cực và hiệu quả. Thông qua các gia đình binh sĩ ngụy, ta đ vận động dược hàng chục binh lính ngụy bỏ súng về nhà làm ăn. Trong đó có những anh em giác ngộ tham gia cách mạng. Lực lượng các tổ binh vận và tổ chống Mỹ ở các ấp trên địa bàn huyện thường xuyên tuyên truyền tác động tinh thần binh sĩ ngụy, tuyên truyền chính sách 10 điểm của Chính phủ cách mạng lâm thời  cộng hịa miền Nam Việt Nam, vạch trần tội c v m mưu thủ đoạn của địch. Cuối 1974 đầu 1975, bọn lính ngụy ở các đồn bót dọc lộ 15 có nhiều binh sĩ ngụy và bảo an, dân vệ trong các ấp r ngũ, đ cĩ 12 lính bảo an đem súng ra nộp cho cách mạng, có số về nhà làm ăn, có số giác ngộ tham gia kháng chiến ngày càng nhiều. Ở x Ph Mỹ, cĩ lc cĩ cả tốn đội dân vệ bỏ ngũ, mang súng ra rừng giao cho cách mạng. Khí thế cách mạng lên cao, quần chúng bung ra sản xuất và càng tin tưởng vào cách mạng.





Bài 34
Quân dân Tân Thành cùng với nhân dân trong cả nước tiến lên tổng công kích, giải phóng đất nước.
________________________

Bước vào mùa khô 1974-1975, cục diện chiến trường miền Nam đ thay đổi có lợi cho ta. Hội nghị Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp tại Hà Nội đ đánh giá những thắng lợi to lớn của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta ở hai miền Nam – Bắc. Hội nghị xác định: “Quyết tâm của ta là động viên những nỗ lực lớn nhất của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta ở cả hai miền Nam-Bắc mở cuộc tổng tiến công – nổi dậy cuối cùng, đưa chiến tranh cách mạng phát triển đến mức cao nhất, tiêu diệt và làm tan r tồn bộ qun ngụy, đánh chiếm Sài Gịn, so huyệt trung tm của địch cũng như tất cả thành phố khác, đánh đổ ngụy quyền trung ương và các cấp, giành toàn bộ chính quyền về tay nhân dân, giải phóng hoàn toàn miền Nam, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân trong cả nước tiến tới thống nhất nước nhà”.
Từ ngày 2 tháng 11 năm 1974, Tỉnh ủy ra nghị quyết xác đinh: “Động viên quyết tâm và nỗ lực cao nhất của toàn Đảng bộ, quân dân trong tỉnh, nắm vững tư tưởng tiến công, quan điểm bạo lực cách mạng, đẩy mạnh ba mũi giáp công, gỡ đồn bót, tiêu diệt sinh lực địch, giải phóng x ấp, chuyển tồn bộ cc vng ln một bước mới, làm thất bại về cơ bản kế hoạch lấn chiếm của địch trong năm 1975, đồng thời nhanh chóng phát triển lực lượng về mọi mặt, làm thay đổi hẳn thế và lực tại chỗ, giành thắng lợi lớn nhất trong năm 1975”.
Từ đầu năm 1975, thực lực Tân Thành và các x lộ 15, kể cả cc vng giải phĩng v lm chính trị, lực lượng và cơ sở mật phát triển khá mạnh, kể cả trong các đồn bót địch và lực lượng bảo an, dân vệ hầu như đều có cơ sở nội tuyến của ta. Các đoàn thể quần chúng như thanh niên, nông hội đều được xây dựng và hoạt động tích cực, quần chúng bung ra sản xuất, rất phấn khởi, là những điều kiện thuận lợi cho cách mạng tiến hành cuộc cách mạng giải phóng quê hương.
Pht huy khí thế cch mạng, qun dn Tn Thnh thực hiện kết hợp ba mũi gip cơng, bao vy bức hng, bức rt v cơ lập yếu khu Phú Mỹ. Tháng 1 năm 1975, lực lượng du kích x Ph Mỹ v Phước Hịa tấn cơng đồn pháo binh Nguyễn Văn Bé ở ấp Ông Trịnh, diệt và làm bị thương một tiểu đội địch, thu nhiều đạn dược, vũ khí và quân dụng. Khoảng 10 ngày sau, địch đưa một lực lượng nghĩa quân từ yếu khu Phú Mỹ xuống càn, bắt bớ các cơ sở cách mạng, lực lượng du kích ta đ phục kích chặn đánh ngay ở khu vực ấp Mỹ Thạnh, diệt một tên, làm bị thương ba tên, trong đó có một tên thiếu úy, thu 3 súng M.16.
Vùng giải phóng trên địa bàn huyện được mở rộng, tại khu vực chùa Vạn Hạnh, nhiều quần chúng và gia đình phật tử cc nơi như Sài Gịn, Bin Hịa về đây sinh sống, ngày càng tin tưởng và tham gia, ủng hộ cách mạng, với niềm mong đợi ngày giải phóng. Các địan thể Nơng hội, Phụ nữ ở khu vực Vạn Hạnh hoạt động càng sôi nổi hơn. Rằm tháng giêng năm 1975 Đội văn nghệ giải phóng đ cơng khai tổ chức ngay tại cha Vạn Hạnh phục vụ đông đảo nhân dân.
Phối hợp với những hoạt động vũ trang, Ban binh vận x Ph Mỹ thường xuyên cắm cờ trên trục lộ 15. Truyền đơn được chuyển từ ấp Trảng Lớn về rải ở trước đồn địch, ngay ở cổng đồn cảnh sát, trụ sở hội tề x ấp. Binh vận cịn tổ chưc đặt loa phóng thanh ở cây xoài cao ngay sân banh, cách đồn Phú Mỹ 50m tuyên truyền chính sách 10 điểm của cách mạng và kêu gọi binh sĩ r ngũ về với cch mạng, lực lượng binh vận cịn gởi thư cảnh cáo những tên tay sai ác ôn, gây cho hàng ngũ địch hoang mang, bọn tề đêm phải trốn vào đồn hoặc đi nơi khác ngủ. Những hoạt động chính trị, binh vận và vũ trang của ta, đ gĩp phần tạo đà cho cuộc tổng tiến công giải phóng quê hương thắng lợi.
Những thắng lợi về quân sự, chính trị và binh vận trên chiến trường chung của huyện và tỉnh, đ tạo điều kiện mở rộng khu căn cứ, phát triển các lm chính trị mới. Ngay từ đầu năm 1975, Huyện ủy đ chủ trương đưa số dân ở Phước Thái và Phú Mỹ trở về lập ấp căn cứ mới ở Trảng Lớn (trên một trảng cát lớn) thuộc khu rừng Hắc Dịch – Thị Vải. Trước năm 1969, đ cĩ một số gia đình lm ăn sinh sống ở đây, lúc đó cịn l vng trắng, địa bàn đánh phá hủy diệt của địch. Từ năm 1973, Trảng Lớn đ trở thnh căn cứ vững chắc của x Ph Mỹ, của Huyện ủy, lực lượng công binh T4, lực lượng vũ trang phân khu 4, Bộ phận điện đài của R. Biết được khu căn cứ này, nên những năm chiến tranh ác liệt 1967 – 1972 địch liên tục càn quét và bắn phá. Thế nhưng, căn cứ Trảng Lớn vẫn tồn tại và phát triển, đến năm 1973 – 1974 đ trở thnh một ấp giải phĩng, cĩ tổ chức Ban trị sự ấp, tổ chức tự vệ v đoàn thể quần chúng đầy đủ. Trảng Lớn đ trở thnh căn cứ lớn của huyện, của x Ph Mỹ, nơi tiếp nhận lương thực thực phẩm và là kho lương thực của huyện, tỉnh, là bàn đạp để tiến công địch ở yếu khu Phú Mỹ và địch ở lộ 15.
Căn cứ x Ph Mỹ đặt ở Trảng Lớn. Các lực lượng cách mạng huyện và x đều tập trung tại đây, đột nhập các ấp để lnh đạo phong trào quần chúng đấu tranh và tổ chức vận động nhân dân các ấp Vạn Hạnh, Mỹ Thạnh, Mỹ Xuân, các chùa đóng góp ủng hộ lương thực đưa vào kho ở căn cứ Trảng Lớn. Nhân dân đ vận chuyển lương thực thuốc men bằng xe bị, xe hơi vào tận khu núi Thị Vải, cơ sở chùa Vạn Hạnh, có khi phật tử chuyển vào căn cứ từ 4 đến 5 tạ gạo, nước tương và các vật dụng khác. Ban binh vận và Ban kinh tài đ vận động nhân dân đóng thuế tích cực cho cách mạng, chỉ trong một tháng của năm 1973, các ấp của Mỹ Xuân đ đóng được 19.300 đồng. Từ đó ta có nguồn lương thực cung cấp cho các lực lượng huyện, tỉnh và bộ đội chủ lực về tập kết chuẩn bị chiến dịch giải phóng quê hương.
Tình hình chiến trường trong năm 1975 diễn biến hết sức mau lẹ, tạo ra một thời cơ mới cho cách mạng miền Nam. Ngày 6 tháng 1 năm 1975 ta đ giải phĩng hồn tồn tỉnh Phước Long. Đế quốc Mỹ không dám can thiệp. Ngụy quyền Sài Gịn hết sức bối rối. Tiếp đó, ngày 10 tháng 3 năm 1975, thị x Buơn Ma Thuột hồn tồn được giải phóng, ngày 24 tháng 3 năm 1975, lực lượng địch ở Tây Nguyên bị tiêu diệt, bị bắt sống và tan r hồn tồn. Chiến dịch Ty Nguyn kết thc thắng lợi, đ tc động mạnh đến tinh thần hoang mang, rệu r trong hng ngũ ngụy qun, ngụy quyền. Trn địa bàn Tân Thành, địch phải co lại cố thủ trong các đồn bót ở dọc lộ 15 và yếu khu Phú Mỹ.
Ngày 29 tháng 3 năm 1975, Bộ chính trị hạ quyết tâm chiến lược “Động viên toàn Đảng, toàn quân, toàn dân tập trung cao nhất mọi sức mạnh tinh thần và lực lượng, phát huy cao độ sức mạnh tổng hợp của ba mũi giáp công, ba thứ quân, ở cả ba vùng lên tổng công kích, tổng khởi nghĩa, nhanh chóng đánh sập toàn bộ ngụy quân, ngụy quyền, giành toàn bộ chính quyền về tay nhân dân với khí thế tiến cơng quyết liệt, thần tốc, to bạo v ginh tồn thắng, giải phĩng x, tỉnh v tồn miền Nam”.
Ngày 20 tháng 4 năm 1975, đồng chí Lê Minh Nguyện, Phó Bí thư Tỉnh ủy Bà Rịa – Long Khánh đ triển khai kế hoạch tổng tiến cơng v nổi dậy cho thị x v huyện Châu Đức tại rừng căn cứ Châu Pha, với quyết tâm: “Huyện giải phóng huyện, x giải phĩng x”. Một bộ phận lực lượng huyện sẽ dẫn đường và phối hợp tham gia với lực lượng vũ trang tỉnh và Sư đoàn Sao Vàng tiến công, giải phóng Chi khu Đức Thạnh, cịn lại một phần lớn lực lượng chia về các địa bàn, phát động quần chúng, kết hợp ba mũi giáp công, tự lực giải phóng x ấp. Hiệu lệnh hiệp đồng là tiếng súng tiến công.
Thực hiện kế hoạch tổng tiến công và nổi dậy giải phóng quê hương, trên địa bàn Tân Thành, tuy có đồn bót và yếu khu Phú Mỹ địch cịn cố thủ; Nhưng lực lượng ta và quần chúng cơ bản đ lm chủ tình hình, chuẩn bị bằng cờ v lực lượng theo kế hoạch sẵn sàng chờ lệnh xuất phát của tỉnh.
Để chuẩn bị chiến dịch giải phóng quê hương, Ban binh vận đ tổ chức cho Hội phụ nữ ở Vạn Hạnh mua vải may cờ hàng loạt cho các cơ sở và lực lượng cho các mũi tiến công giải phóng ở các x v dọc trn lộ 15. Huyện rt đồng chí Nguyễn Đình Bất về, đưa đồng chí Năm Dương xuống chỉ đạo địa bàn lộ 15.
Ngày 21 tháng 4 năm 1975, thị x Long Khnh đ hồn tồn giải phĩng, tn qun địch theo liên tỉnh lộ số 2 rút chạy, một số chạy về co cụm ở Bà Rịa và Trung tâm huấn luyện Vạn Kiếp, một số lực lượng lớn biệt động quân thủy quân lục chiến và pháo binh chạy về trụ ở khu vực ấp Láng Cát (x Phước Hịa) v ấp Mỹ Thạnh (x Mỹ Xun).
Ngày 26 tháng 4 năm 1975, chiến dịch Hồ Chí Minh mở màn cũng là lúc Bộ chỉ huy Sư đoàn 3 Sao Vàng, cùng các lực lượng cách mạng tỉnh, triển khai phương án giải phóng Bà Rịa – Vũng Tàu. Cuộc tiến công giải phóng Bà Rịa – Vũng Tàu được tiến hành làm 2 giai đoạn: Giai đoại I: Giải  phóng  thị x B Rịa v tồn tỉnh Phước Tuy; Giai đoạn II: Giải phóng Vũng Tàu.
Trung đoàn 12 được giao nhiệm vụ cùng lực lượng địa phương tiến công quận lỵ Đức Thạnh, rồi phát triển xuống Đất Đỏ, Long Điền. Trung đoàn 141 được tăng cường Đại đội xe tăng 4 và Tiểu đoàn bộ binh 5 cắt rừng từ Cù Bị về Hắc Dịch, được đồng chí Năm Dẩu, du kích x dẫn đường đánh thẳng vào thị x B Rịa.
17 giờ ngày 26 tháng 4 năm 1975, 19 khẩu trọng pháo của Sư đoàn Sao Vàng đ đồng loạt nổ súng vào các mục tiêu thuộc tiểu khu Phước Tuy và Trung tâm huấn luyện Vạn Kiếp, chi khu Đức Thạnh, mở màn cuộc tiến công giải phóng Bà Rịa – Vũng Tàu. Tại chi khu Đức Thạnh, địch dựa vào công sự kiên cố đ phản kích quyết liệt, nhưng quá nửa đêm, địch đ rt qun qua Bình Gĩa về Long Tn, vì lượng sức không chịu nổi đợt tiến công thứ 3 của các lực lượng vũ trang giải phóng. Chi khu Đức Thạnh và các x Đông và Tây lộ 2 được giải phóng  vào sáng 27 tháng 4 năm 1975.
Trước thất bại đang đến từng giờ, tinh thần ngụy quân, ngụy quyền, hoang mang, dao động mạnh, lực lượng Binh vận ta liên tục phát thanh cc tin thắng lợi dồn dập, bọn địch càng hoảng loạn, nhiều tên hoảng hốt bỏ súng, trút quân phục tìm đường trốn về nhà.
Chiều ngy 26 tháng 4 năm 1975, các lực lượng cách mạng huyện Châu Đức được lệnh xuống đường. Cánh lộ 15 chia làm hai mũi, một mũi bám Lộ 15 phía x Ph Mỹ, một mũi bm lộ về hướng x Phước Hịa. Cn bộ binh vận tổ chức quần chng v cc cơ sở binh vận liên tục hù dọa địch là quân giải phóng đang truy kích về đến Phước Thái, khiến ngụy quân, ngụy quyền vô cùng hoang mang. Cánh mũi chính trị và binh vận đồng loạt phát động quần chúng và cơ sở binh vận tấn công từ trưa 26 tháng 4 năm 1975 cho đến 14 giờ, quân địch hoang mang cực độ. Nghe tin xe tăng Quân giải phóng đang tiến về, từ 12 giờ ngày 26 tháng 4 năm 1975, quân địch ở đồn Phước Biên đ bỏ đồn tháo chạy về Phú Mỹ; binh lính đồn Phú Mỹ tan r, chạy về đồn Cây Điệp, đồn Ông Trịnh, rồi tất cả nhập bọn tháo chạy về Bà Rịa và Vũng Tàu (trừ cụm pháo núi Ông Trịnh). Địa bàn Lộ 15 cơ bản được giải phóng bằng lực lượng của huyện.
16 giờ cùng ngày, các lực lượng an ninh huyện phối hợp với du kích x tấn cơng bọn tn qun ngoan cố chống trả tại ấp Mỹ Thạnh, thu một xe GMC v một xe Geep; lực lượng binh vận huyện liên tục phát loa gọi hàng; trung đội nghĩa quân số 38 (do linh mục Đạo chỉ huy) nộp khí giới tại nhà thờ ấp Mỹ Thạnh; trung đội nghĩa quân ấp Ngọc Hà do linh mục Khoa chỉ huy cũng nộp vũ khí và đưa du kích, cán bộ binh vận vào thu vũ khí đồn Cây Điệp, đồn Nguyễn Văn Bé (ấp Ông Trịnh, Phước Hịa), thu hơn 100 súng bộ binh, một khẩu pháo 105 ly và nhiều đạn dược. Các cơ sở binh vận ấp Lam Sơn cũng góp phần làm tan r lực lượng ngụy quân, ngụy quyền tại chỗ, thu nộp cho ta 42 khẩu súng, nhiều thuốc quân y và lương thực thực phẩm. Các lực lượng địa phương hoàn toàn làm chủ Lộ 15 từ chiều 26 tháng 4 năm 1975.
Đến 15 giờ chiều ngày 26 tháng 4 năm 1975, được lệnh tiến công, lực lượng của x v lực lượng an ninh của huyện đồng loạt tấn công các đồn bót và trụ sở tề ngụy. Nhưng hầu hết quân ngụy ở các đồn bót đ bỏ chạy từ 14 giờ. Ở ấp Mỹ Thạnh, một trung đội nghĩa quân cịn cố thủ, lực lượng binh vận ta phát loa gọi hàng, chúng đ giao nộp vũ khí, sau đó ta tiếp tục tiếp thu vũ khí ở các đồn Cây Điệp và đồn Nguyễn Văn Bé, 17 giờ chiều ta làm chủ hoàn toàn các đồn bót, trụ sở x, ấp v x Ph Mỹ hồn tồn giải phĩng.
Ở x Phước Hịa, từ chiều ngy 26 thng 4 năm 1975, đội công tác di cư đ đột nhập ấp Lam Sơn và phát loa kêu goị binh lính ở đồn Rạch Tre, đến đêm chúng đ rt chạy. Sng ngy 27 thng 4 năm 1975, cán bộ du kích x tiếp quản trụ sở tề x Phước Hịa v cc ấp cịn lại, đúng 12 giờ ngày 27 tháng 4 năm 1975 các lực lượng cách mạng hoàn toàn làm chủ x Phước Hịa.
Qun v dn Tân Thành đ tích cực chuẩn bị thế v lực, tạo điều kiện cho các đơn vị bộ đội huyện, tỉnh và chủ lực tập kết tiến công, cùng với quân dân cả nước tiến công giải phóng quê hương, góp phần vào cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước  vẻ vang của quân và dân Bà Rịa-Vũng Tàu./.






Những ngày tháng Tư lịch sử ở Bà Rịa - Vũng Tàu


Chủ động, sáng tạo, chớp thời cơ, kết hợp tiến công và nổi dậy; tiến công quân sự kết hợp với chính trị, binh vận; phát huy sức mạnh đoàn kết của mọi người, mọi tầng lớp, lứa tuổi với quyết tâm giải phóng quê hương – đó chính là sức mạnh tổng hợp của Đảng bộ, quân và dân trong tỉnh góp phần cùng bộ đội chủ lực giải phóng Bà Rịa – Vũng Tàu trong tháng tư lịch sử của mùa Xuân năm 1975. Tinh thần này được thể hiện rất rõ qua những ngày đầy khí thế cách mạng hào hùng của tháng tư cách đây 32 năm.
Từ ngày 9 đến 21-4-1975, các lực lượng vũ trang Bà Rịa và Long Khánh đồng loạt tiến công nhiều vị trí ngoại vi cùng với Quân đoàn 4 và Sư đoàn 6 bộ đội chủ lực quân khu giải phóng Xuân Lộc, đập tan tuyến phòng thủ được mệnh danh là “cánh cửa thép” bảo vệ phía Đông Bắc vào Sài Gòn. Tình hình chuyển biến hết sức mau lẹ. Sư đoàn 3- Sư đoàn Sao vàng phối hợp với Quân đoàn 2 được lệnh hành quân cấp tốc vào giải phóng Bà Rịa – Vũng Tàu, chặn con đường rút chạy ra biển của địch. Ngày 23-4-1975, Tỉnh ủy và Tỉnh đội Bà Rịa họp với Sư đoàn Sao vàng bàn kế hoạch phối hợp giải phóng Bà Rịa – Vũng Tàu. Phương án giải phóng Bà Rịa – Vũng Tàu được chia thành hai giai đoạn: giai đoạn 1 là giải phóng Bà Rịa và toàn tỉnh Phước Tuy, chiếm cầu Cỏ May; giai đoạn 2 là giải phóng Vũng Tàu.
17 giờ 30 ngày 26-4-1975, 19 khẩu trọng pháo của Sư đoàn đã trút bão lửa vào các căn cứ của địch, báo hiệu lệnh tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 ở tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. 20 phút sau, pháo ta bắn cấp tập, áp đảo trận địa cho bộ binh xung phong, địch gọi pháo từ Bình Ba và Núi Đất bắn chặn các hướng cửa mở, dựa vào công sự kiên cố chống trả quyết liệt. Các mũi tiến công của ta được lệnh ngưng đợt 1 lúc 21 giờ để củng cố lực lượng.
23 giờ ngày 26-4, Trung đoàn 12 mở đợt tiến công lần thứ 2. Các trận địa pháo của địch tại Núi Đất, Bình Ba nã đạn dữ dội vào đội hình ta. Đại đội công binh của trung đoàn được lệnh tiến công vào trận địa pháo Bình Ba. Địch bỏ chạy tán loạn. Trung đoàn 12 cùng với các lực lượng huyện Châu Đức làm chủ Chi khu Đức Thạnh lúc 4 giờ sáng ngày 27-4-1975. Các lực lượng của huyện có mặt lúc 6 giờ sáng cùng ngày, tiếp quản chi khu, quận lỵ, cử cán bộ về các ấp giúp đồng bào ổn định tình hình, kêu gọi ngụy quân, ngụy quyền đăng ký trình diện. Đây là quận lỵ đầu tiên của tỉnh được giải phóng.
17 giờ ngày 26-4-1975, trọng pháo của Sư đoàn Sao Vàng đồng loạt nổ súng vào tỉnh đoàn bảo an, khu tiếp liệu, tiểu khu Bà Rịa, Trung tâm huấn luyện Vạn Kiếp. Đại đội 4 xe tăng xuất kích từ hướng Núi Dinh cùng Tiểu đoàn 7, Trung đoàn 141 theo sự hướng dẫn của đội biệt động thị xã tiến dọc đường Lê Lợi vào Bà Rịa. Sáng ngày 27-4, đội hình Tiểu đoàn 7 tiếp tục đánh vào khu tiếp liệu, khu an ninh, Ty cảnh sát và Sở chỉ huy Liên đoàn bảo an. 6 giờ sáng, ta chiếm toà hành chính rồi phát triển lực lượng ra hướng Cầu Mới, Ty chiêu hồi. Một mũi đánh ngược lên hướng Lộ 2, điểm nhà đá Cây Cầy. Trưa 27-4, ta làm chủ đoàn bảo an. Các cụm pháo Ông Trịnh, Láng Cát trên lộ 15 lần lượt rút chạy.
Ở phía Tây, Tiểu đoàn 9 đánh chiếm khu vực Núi Dinh, tiến vào thị xã Bà Rịa. Khẩu đội ĐKZ của Tiểu đoàn liên tiếp bắn cháy 2 xe tăng, buộc địch phải rút chạy. Trong khi đó, ở phía Đông, Tiểu đoàn 8 tiến công Trung tâm huấn luyện Vạn Kiếp, tình hình chiến sự phát triển thuận lợi. Đại đội 4 xe tăng cùng Tiểu đoàn 9 đánh xuống cầu Cỏ May, chuẩn bị tiến về giải phóng Vũng Tàu.
Tại Trung tâm huấn luyện Vạn Kiếp, bọn tân binh cùng bọn tàn binh tổ chức phòng thủ, ngoan cố chống trả. Tiểu đoàn 8 tổ chức tấn công quyết định. 15 giờ ta đập tan ổ kháng cự này. Ủy ban quân quản thị xã Bà Rịa thành lập lúc 18 giờ cùng ngày. Cờ Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam tung bay trên đỉnh lầu nước (Nhà Tròn) và khắp các đường phố của thị xã Bà Rịa.
Thực hiện phương châm tiến công và nổi dậy nói trên, sáng ngày 27-4-1975, khi lực lượng vũ trang Xuyên Mộc bao vây, áp sát chi khu, địch tháo chạy hỗn loạn về Bà Rịa và Vũng Tàu. Trưa ngày 27-4, Xuyên Mộc được giải phóng.
Tại Long Điền, C25 bộ đội huyện Long Đất cùng 15 du kích phối hợp với Tiểu đoàn 445 đánh vào Long Điền. 9 giờ sáng ngày 27-4, đồng chí Phạm Văn Quán, cơ sở mật tại Long Điền đã cắm cờ Mặt trận giải phóng miền Nam Việt Nam lên nóc chi khu quân sự địch. Sau khi làm chủ Long Điền, Tiểu đoàn 445 bố trí hai đại đội chốt ở ngã ba Long Điền, đánh tan các toán quân địch từ Bà Rịa và Trung tâm huấn luyện Vạn Kiếp chạy về, bảo vệ cho Sư đoàn Sao Vàng phát triển lực lượng về hướng Long Hải và Vũng Tàu.
Tại Đất Đỏ, trưa 27-4, đại đội du kích liên xã Long Tân – Phước Thạnh – Phước Thọ – Phước Hoà Long vừa được thành lập, phối hợp với đại đội 25 của huyện Long Đất tiến công Đất Đỏ, địch tan rã, bỏ súng, bỏ đồn chạy thoát thân. Các xã Phước Thạnh, Phước Thọ, Phước Hoà Long được giải phóng lúc 12 giờ 30 phút ngày 27-4-1975.
Lực lượng chính trị huyện và các chi bộ xã vận động quần chúng xuống đường thu chiến lợi phẩm, tước vũ khí, 16 giờ cùng ngày, xã Phước Lợi được giải phóng. C25 bộ đội Long Đất tiến về Long Hải chặn toàn bộ số tàn quân địch, huyện Long Đất được giải phóng hoàn toàn. Chiều 28-4-1975, ngư dân Phước Tỉnh được lệnh đưa bộ đội qua sông, giải phóng Vũng Tàu.
Trưa 27-4-1975, xã Mỹ Xuân được giải phóng. Được sự chỉ đạo của huyện, xã Phước Hoà tổ chức hai cánh quân giải phóng ấp Lam Sơn và khu trung tâm xã, sau đó tiếp tục bung ra chiếm lĩnh, kiểm soát các ấp còn lại. Chính quyền cách mạng lâm thời xã Phước Hoà được thành lập lúc 12 giờ ngày 27-4-1975.
Vũng Tàu và các vùng phụ cận trong những ngày 28, 29 và 30-4-1975 trở nên sôi động. Đại pháo ta từ Bà Rịa nã dữ dội vào thành phố Vũng Tàu. Sư đoàn 3 cùng lực lượng địa phương tiến công bằng ba mũi: một mũi tiến công từ Cửa Lấp đánh vào hướng Núi Nhỏ; một mũi qua cầu Cỏ May bằng 50 chiếc thuyền của nhân dân Phước Lễ, Long Hương tấn công vào Núi Lớn; một mũi tấn công vùng Lầy Rạch Cá Đôi chiếm núi Nưa. Địch cho Vũng Tàu là hậu cứ an toàn của chúng, nhưng các cơ sở cách mạng đã ráo riết hoạt động từ nhiều tháng trước, công nhân nhà máy đèn, nhà máy nước đã được giác ngộ và tổ chức thành lực lượng cách mạng, làm chủ và bảo vệ nhà máy, bảo đảm nước và nguồn điện cho thành phố sau ngày giải phóng. Ủy ban khởi nghĩa phường Thắng Nhì tổ chức quần chúng cách mạng xuống đường chiếm trụ sở phường trước khi bộ đội chủ lực tiến vào. Khi quân ta tiến công thành phố, bọn lính thủy đánh bộ chiếm giữ khách sạn Palace (nay là khách sạn Hoà Bình), chống trả quyết liệt và rất ngoan cố. 13 giờ ngày 30-4-1975, trung tá ngụy chỉ huy ở khách sạn Palace tự sát, bọn tàn quân vội kéo cờ trắng đầu hàng, cuộc tổng tiến công giành thắng lợi vẻ vang. Trung đoàn 12 luôn ghi nhớ hình ảnh hai em thiếu nhi ở Thắng Tam là Trương Ngọc và Võ Đình Thành hy sinh trong khi làm nhiệm vụ đưa đường tiểu đoàn 6 đánh chiếm khách sạn Palace, cứ điểm cuối cùng của địch.
Côn Đảo: Chớp thời cơ tự giải phóng
Trước ngày 30-4-1975, nhà tù Côn Đảo có 7.448 tù nhân, trong đó có 4.234 tù chính trị cầm cố trong 8 trại giam. Chúa đảo Lâm Hữu Phương cùng cố vấn Mỹ rút chạy từ chiều hôm trước. Đại úy Phạm Huỳnh Trung nắm quyền chỉ huy ra lệnh khóa chặt cửa các trại giam, tổ chức di tản và chuẩn bị thủ tiêu tù chính trị bằng lựu đạn vào giờ chót. Tình thế đảo ngược khi Tổng thống ngụy Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng. Bọn ác ôn kinh hoàng tháo chạy, dẫm đạp lên nhau tại Cầu Tàu, tranh cướp ghe ra tàu Mỹ di tản. Sau khi kiểm tra nguồn tin bằng Rađiô và trực tiếp quan sát tình hình, những người có trách nhiệm ở Trại VII quyết định chớp thời cơ tự giải phóng. Đảo ủy lâm thời được thành lập lúc 3giờ sáng ngày 1-5-1975 ngay sau khi Trại VII được giải phóng. Theo sự chỉ đạo của Đảo ủy, tù chính trị tổ chức lực lượng vũ trang, chia thành nhiều mũi, chiếm các vị trí xung yếu của đảo và mở cửa giải phóng cho các trại. 9 giờ sáng 1-5-1975, Đài phát thanh Côn Đảo phát tin tù chính trị hoàn toàn làm chủ Côn Đảo và công bố danh sách các thành viên trong chính quyền cách mạng. Rạng sáng ngày 4-5, chuyến tàu chở lực lượng vũ trang ra giải phóng Côn Đảo cập bến cũng là lúc tình hình trên đảo đi vào ổn định. Ngày 5-5-1975, con tàu đầu tiên đưa các chiến sĩ tù nhân Côn Đảo về đến Vũng Tàu. Ủy ban quân quản Vũng Tàu tổ chức trọng thể cuộc mít tinh tại cảng Rạch Dừa chào đón những người con ưu tú của Tổ quốc vừa chiến thắng trở về.






















Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét