Thứ Tư, 14 tháng 11, 2012

PHÓNG SỰ: Tôi đi hớt tóc… đêm




                                                                        

                                                                           

Tôi đi ht tóc… đêm
          Hớt tóc là một dịch vụ không thể thiếu trong đời đời sống xã hội. Bất kể bạn là ai, bạn làm nghề gì, giàu hay nghèo, tóc bạn ngắn hay dài, thưa hay mau, mọc nhanh hay mọc chậm… Nhưng nếu bạn là đàn ông thì một tháng ít nhất một lần, bạn phải tìm đến tiệm hớt tóc. Đó là chưa kể những lần bạn đến chỉ để cạo mặt, lấy ráy tai, mát xa mặt, nhuộm tóc hay gội đầu. Ghế Hồng Kông bật lò xo, nằm ngửa, bạn sẽ thấy thật thoải mái khi cạo mặt, gội đầu, lấy ráy tai, có khăn nóng, khăn lạnh, xịt chút dầu thơm… Chính vì vậy, nhiều khách hàng đã xem đây là loại hình giải trí, thư giãn trong những ngày nghỉ.
          Hớt tóc là nghệ thuật tạo hình, được xem là một nghề lương thiện, dễ học, vốn ít, chóng thành nghề, công việc không vất vả nặng nhọc, thu nhập trung bình, đáp ứng nhu cầu tất yếu của mọi người trong xã hội. Ngoài ra, nó còn góp phần giải quyết công ăn việc làm cho một số lượng lao động không nhỏ ở địa phương và lao động nhập cư từ nơi khác đến. Theo ước tính sơ bộ, trong phạm vi bán kính chưa đầy 3km từ xã Mỹ Xuân đến xã Phước Hòa, huyện Tân Thành, đã có khoảng gần 100 tiệm hớt tóc lớn nhỏ, mỗi tiệm từ 2 đến 8 ghế, nếu tính bình quân 3 ghế một tiệm thì nơi đây đã có gần 300 lao động làm nghề hớt tóc.
            Chỉ trong vòng vài năm gần đây, trên các con đường dẫn ra các khu công nghiệp ở huyện Tân Thành, các tiệm hớt tóc nam phát triển khá rầm rộ, phần đông là do các cô gái trẻ đảm nhiệm. Các tiệm này đã và đang thu hút giới mày râu đến chỉnh trang hình thức, trong đó có đủ mọi lứa tuổi, thành phần.
          Anh Nguyễn Văn B công nhân khu công nghiệp Phú Mỹ I cho biết: “Trước đây cả tháng tôi mới ghé tiệm hớt tóc một lần. Sau đó, đến riết thành quen, giờ thì đâm… nghiện. Mỗi tuần tôi đến một lần để cạo mặt, cạo râu, ngoáy tai, mát xa mặt… giá chỉ 50 ngàn đồng, đó là chưa kể tiền gội đầu hoặc tiền bo “tùy hứng”…”.
          Một đêm tối trời cuối năm, 12 giờ kém 15 phút, tôi rời khỏi nhà. Lúc này quốc lộ 51 vắng hoe. Thỉnh thoàng mới có một chiếc xe ô tô lao vút qua, chạy về hướng thành phố Vũng Tàu. Khu dân cư yên tĩnh chìm trong giấc ngủ. Chỉ có vài quán bi da là còn hoạt động. Theo sự chỉ dẫn của anh bạn, tôi lò dò tìm đến tiệm hớt tóc LD (nằm cạnh một quán cà phê) thuộc địa bàn thôn Quảng Phú, thị trấn Phú Mỹ. Hai cô gái trẻ xinh đẹp đang nằm dài trên ghế chờ khách. Thấy tôi, cả hai cô đon đả mời chào: “Anh hớt tóc, mát xa mặt hay giác hơi?”, “Ủa! Đây là tiệm hớt tóc mà, sao lại giác hơi?”. Tôi buột miệng buông  một câu hỏi ngớ ngẩn. Cô chủ cười: “Anh mới đến đây lần đầu à? Vậy anh ngồi lên ghế, để các em nó phục vụ…”.
          Sau vài đường kéo sơ sơ, kèm theo mấy câu hỏi thăm dò, cô gái bắt đầu trổ tài trình diễn những màn công phu, thi thố các công đoạn hút hồn khách, như ngồi bên này với qua ngoáy tai bên kia, thỉnh thoảng lại với người qua lấy dụng cụ hớt tóc, tạo nên những cảm giác va chạm nhẹ tưởng chừng như vô tình nhưng thực ra là những màn nghệ thuật cố ý. Đôi lúc cô gái lại dừng lại cúi xuống sát mặt tôi để nhìn cho rõ mấy nốt mụn trứng cá trên mặt để nặn hay nhổ mấy sợi tóc bạc nếu phát hiện thấy. Anh bạn nghiện hớt tóc của tôi tiết lộ: “Cảm giác mạnh, chỉ thực sự xảy ra ở phòng sau (phòng gội đầu). Phía sau tấm rèm che thiếu ánh sáng hoặc tấm ri đô, khách có thể múa may thoải mái với tiền “bo” ở công đoạn này là 50 ngàn đồng. Ở công đoạn này, các cô gái thường có màn biểu diễn đứng ở dưới với tay lên gội đầu cho khách… Thảo nào, có lần tôi rất ngạc nhiên khi nhìn thấy có những ông đầu hói trọc, loe hoe mấy sợi tóc vẫn thích gội đầu. 
        Hầu hết thợ ở những tiệm hớt tóc như thế này đều biết cách vòi vĩnh bằng cử chỉ, để nhận được tiền “bo”. Có cô chiếm được cảm tình của khách nhờ biết… im lặng trong mọi tình huống...
       12 giờ 10 phút, bỗng nhiên có một ông khách khoảng chừng 50 tuổi bước vào, đi thẳng đến ghế. Trời không nóng bức nhưng ông ta vẫn cởi áo phanh ngực một cách rất tự nhiên. Cô chủ thấy vậy lập tức móc điện thoại ra bấm liên tục rồi sau đó thì thầm vào máy “Mối của mày tới, về nhanh…” và chỉ mấy phút sau, ông khách đã được một cô gái trẻ từ đâu chạy về phục vụ.
          Cô gái vừa cạo mặt cho tôi, vừa cúi sát vào tai tôi thì thào: “Khách sộp của bọn em đấy. Ông ấy làm gì, ở đâu bọn em không rõ, nhưng “ổng” thích con T nên chỉ có mình con T được tiếp lão mà thôi. Thợ hớt tóc tụi em đứa nào kiếm được khách như ổng thì… “đã” lắm.
          Thấy tôi có vẻ “con nhà lành” ngô nghê không biết gì, nên cô gái gợi ý: “Chỉ cần anh muốn, bọn em cũng sẽ chiều anh như vậy, từ A tới Z ngay…”. Tôi cười, buông một câu nửa đùa nửa thật: “Sao không Z ngay đi để anh về cho sớm?!...”. Cô gái cười như nắc nẻ: “Ở đây không được. Anh đi kiếm phòng trọ đi…”.
          À! Thì ra, khoảng cách từ hớt tóc đến mại dâm cũng là một khoảng cách ngắn…. Tôi từ chối khéo vì lúc này đã khuya, đồng hồ trên tường chỉ 12 giờ 30 phút. Tôi đứng dậy ra về, trước khi thanh toán tiền, không quên xin số điện thoại di động của cô gái và hẹn gặp lần sau.
          Sau lần đi hớt tóc đêm, tôi gặp một cán bộ địa phương kể lại lại câu chuyện tối hôm đó cho anh nghe, anh cho biết: “Hầu hết các thợ hớt tóc nằm trên địa bàn xã đều đàng hoàng, biết giữ khoảng cách chừng mực với khách. Tuy nhiên vẫn còn những tiệm hớt tóc “đen” như tiệm LD là không thể tránh khỏi”.
          Cho đến nay, chưa ai nói rằng “Hớt tóc thanh nữ là tệ nạn”. Nhà nước cũng không cấm nữ làm nghề hớt tóc nam, song nó cũng giống như các loại hình dịch vụ khác, nếu không được quản lý kiểm soát chặt chẽ, khoảng cách từ đó đến tệ nạn xã hội thật sự cũng không lấy gì làm xa lắm. Cơ quan chức năng sẽ không thể kiểm soát nổi những màn múa may “mong mỏng” nhu thế diễn ra ở các tiệm hớt tóc “đen”. Chưa kể việc tổ chức khám bệnh định kỳ cho các thợ làm nghề hớt tóc cũng đang còn nhiều vấn đề bất cập.
          Xin được kết thúc phóng sự này bằng câu chuyện: "cô Trần Thị H, quê ở Tiền Giang, làm nghề hớt tóc ở Thị trấn Phú Mỹ cách đây 3 năm tâm sự: “Em chọn nghề này vì nó nhẹ nhàng, nhanh kiếm được tiền để gởi về quê phụ má. Em đã gom góp gần đủ vốn để có thể về quê mở tiệm riêng nhưng không may em có bầu 8 tháng. Hắn trốn mất tích rồi. Giờ thì em nhận ra rằng: để có một gia đình êm ấm, hạnh phúc trong tương lai với em là rất mịt mù”./.
                   
                 Ngày 07/03/2006 
                 ĐÀO QUỐC THỊNH







                Nghề làm đá ở Tân Thành


Nghề làm đá, khai thác đá phục vụ xây dựng là một trong những ngành nghề tiểu thủ công nghiệp truyền thống đang phát triển mạnh ở huyện Tân Thành, Bà Rịa-Vũng Tàu.
Ngay từ những năm 1976, nghề làm đá đã xuất hiện ơ đây, nhưng phải đến đầu thập niên 90 mới thực sự phát triển mạnh, thu hút một lượng lớn lao động từ các địa phương khác đến sinh sống, lập nghiệp.
Cùng với sự phát triển của nghề làm đá, hàng loạt các công ty, xí nghiệp khai thác, sản xuất vật liệu xây dựng của nhà nước và tư nhân cũng lần lượt ra đời như xí nghiệp đá Thanh Tâm, xí nghiệp đá Phước Hoà, xí nghiệp đá Quang Huy, công ty đá Hoàng Long và công ty xây dựng 48 … các đơn vị này đã và đang tạo nên một thị trường sản xuất, tiêu thụ đá sôi động ở đây.
Hiện huyện Tân Thành có khoảng 12 mỏ đá. Bình quân mỗi năm toàn huyện khai thác được  khoảng hơn 60 ngàn m3  đá các loại, trong đó khoảng 20% được xuất khẩu theo kiểu đá tẩy, đá lót hay các sản phẩm dân dụng, mỹ thuật bằng đá. Còn lại chủ yếu vẫn là đá xây dựng, chiếm 80% sản lượng đá các mỏ, như đá 1x2, đá 4x6, đá cấp phối, đá mi bột (còn gọi là Tràng Thạch), đá hộc, đá khối v.v…
Đá 1x2 là loại đá chủ lực trong các công trình xây dựng vì vừa dùng để trộn bê tông, vừa dùng để làm đường, nên có giá tương đối cao. Tại nơi khai thác giá khoảng 60 – 70 ngàn đồng / m3 , còn ngoài thị trường khoảng 100 ngàn đồng / m3 . Ngoài ra, đá 4x6 cũng được dùng để làm đường, đá hộc dùng để kè bờ, xây móng, xây cảng, xây đập hồ chứa nước. Đá khối là loại đá đắt nhất hiện nay, giá khoảng 750 ngàn đồng / m3 . Sở dĩ đá khối giá cao vì khai thác khó, phải lựa chọn những loại đá liền khối, chi phí khai thác tốn kém và số lượng không nhiều. Trong số các loại đá xuất khẩu khai thác bằng dây chuyền công nghệ hiện đại thì nhu cầu tiêu thụ đá mi bột ở thị trường nước ngoài tương đối lớn, vì sản phẩm này được sử dụng rộng rãi trong sản xuất gạch men, đúc tượng, đúc các sản phẩm mỹ nghệ và là một trong những nguyên liệu cần thiết để sản xuất một số sản phẩm công nghiệp quan trọng. Giá xuất khẩu đá mi bột hiện nay khoảng 70 USD/ tấn. Ngoài các loại đá trên, thì vài năm gần đây đá nguyên khai (dạng tự nhiên) cũng đang được chú ý khai thác để dùng vào việc trang trí ngoại thất, tạo cảnh quan thiên nhiên trong các khu du lịch, khu đô thị.
Các cơ sở sản xuất và khai thác đá ở huyện Tân Thành hầu hết tập trung ở các xã vùng ngoài, dọc quốc lộ 51, như: Mỹ Xuân, Tân Phước, Phước Hoà, Tân Hoà, Tân Hải… thu hút khoảng hơn 1 ngàn lao động làm nghề đẽo đá thủ công, trong đó 70% là người từ các địa phương khác đến cư trú làm nghề. Trung bình mỗi cơ sở sản xuất đá ở huyện Tân Thành có từ 15 đến 40 lao động, cơ sở lớn có thể lên đến 70 lao động. Thu nhập bình quân của các lao động này từ 600 đến 1 triệu đồng/ 1 tháng. Số lao động có tay nghề cao thu nhập có thể đạt mức bình quân từ 1,5 đến 3 triệu đồng/ 1 tháng.
Chỉ tính riêng ở 2 xã Phước Hòa và Tân Phước hiện tại đã có khoảng trên 20 cơ sở sản xuất đá với hơn 500 lao động thủ công. Họ cư trú trong các lều trại được dựng tạm bằng lá dừa và ngăn ra từng gian nhỏ, diện tích mỗi gian khoảng 9m2  dành cho khoảng 3 đến 4 người ở. Một số lều lớn hơn, nằm riêng biệt dành cho các hộ gia đình có con nhỏ. Các lều trại nối tiếp nhau tạo thành xóm ngụ cư của những người thợ đá.
Những người thợ làm đá thủ công ở đây cho biết, công việc của họ rất vất vả nặng nhọc, đòi hỏi không chỉ có sức khoẻ, mà còn cả sự khéo léo chính xác của đôi bàn tay. Giá trị của sản phẩm không chỉ phụ thuộc vào chất lượng của nguồn đá mà còn phụ thuộc rất nhiều vào yếu tố gia công trong tất cả các khâu của dây chuyền sản xuất đá, từ khâu chẻ đá ở núi ra, cho đến khâu chấn, khâu đục, đẽo đá, khâu nêm và cuối cùng là khâu tẩy, điêu khắc…
Thông thường khách hàng nước ngoài đặt hàng theo mẫu mã kích thước cho trước và luôn kèm theo tất cả các bản vẽ chi tiết kỹ thuật của các công trình xây dựng có sử dụng đá. Để có một sản phẩm đá đúng theo yêu cầu của khách hàng, người thợ làm đá phải bảo đảm theo 2 tiêu chí kỹ thuật: kích thước mẫu và kích thước khi lắp ghép trong quá trình thi công xây dựng. Một sản phẩm đá có chất lượng tốt, hình thức đẹp hay xấu phụ thuộc hoàn toàn vào tay nghề của những người thợ đá. Thợ có tay nghề cao chỉ cần quan sát vân đá, thớ đá là có thể biết được họ có thể làm được những gì từ nguyên liệu thô này, cách khoan đá ra sao, có tính toán chính xác mới tận dụng nguyên liệu triệt để không bị lãng phí và mới đạt được giá trị sản phẩm cao nhất. Một mét khối đá sống (nguyên liệu) ở núi Thị Vải hiện có giá hơn 300 ngàn đồng, nhưng qua bàn tay khéo léo gia công của người thợ, các sản phẩm đá có thể lên đến vài triệu đồng. Nhất là các sản phẩm điêu khắc có khi đạt tới vài chục triệu đồng.
Hiện nay thị trường đá xuất khẩu của huyện Tân Thành chủ yếu là Đài Loan, Singapore, Hồng Kông… và đang phải cạnh tranh quyết liệt với sản phẩm đá Trung Quốc. Trước đây, loại đá lót xuất khẩu sang Đài Loan (loại 1) kích thước 30 x 60 x 6 có giá khoảng 2,6 USD/ 1 viên, nay chỉ còn khoảng 1,8 USD/ 1 viên, trong khi đó tiền đá sống và tiền công trả cho thợ đá đã lên đến hơn 15 ngàn đồng/ 1 viên (chưa kể còn nhiều khoản chi phí khác). Tuy nhiên, so với một số mặt hàng xuất khẩu khác, thì mặt hàng xuất khẩu đá với phương thức xuất khẩu trực tiếp giao hàng tại cảng, thuận lợi hơn rất nhiều, thủ tục cũng đơn giản hơn và tránh được nhiều rủi ro cho phía chủ hàng. Ông Đào Bích Thảo, chủ tịch hội đồng quản trị công ty cổ phần Thanh Tâm, nằm trên địa bàn xã Tân Phước, huyện Tân Thành cho biết: “Chất lượng đá ở Tân Thành rất tốt, trữ lượng dồi dào. Vị trí các mỏ đá gần đường giao thông, gần cảng và cơ sở hạ tầng tốt. Tuy nhiên, người dân địa phương ưa dùng loại đá xanh, chưa quen dùng đá trắng xám. Đây là một bất lợi cho người khai thác đá vì hầu hết khu vực này là đá trắng xám. Một khó khăn nữa là đá granit ở Tân Thành là loại đá không liền khối, thường bị kẹp đất, nên khi khai thác không tạo được tầng vỉa, đá thường bị lẫn đất, làm cho việc ứng dụng công nghệ khai thác hiện đại gặp khó khăn và tốn kém…”
Hiện nay, đá granit loại trắng ở núi Thị Vải là một trong những loại đá được nhiều khách hàng ngoài nước ưa chuộng. Để sản phẩm đá xuất khẩu của mình vươn tới chiếm lĩnh các thị trường khu vực Bắc Mỹ và Đông Âu, các cơ sở sản xuất đá ở huyện Tân Thành đang tích cực tìm kiếm đầu tư công nghệ, mở rộng sản xuất, thu nhận và khuyến khích ưu đãi các thợ làm đá có tay nghề cao từ các nơi khác về làm việc cho cơ sở sản xuất đá của họ đồng thời thuê các nghệ nhân vẽ trưng bày quảng cáo nhiều mẫu mã sản phẩm nhằm thu hút khách hàng về với mình.
Tuy nhiên, bên cạnh mặt tích cực của một làng nghề thủ công truyền thống đang phát triển ở địa phương, thì xóm thợ đá cũng đang đặt ra nhiều vấn đề xã hội phức tạp cần phải giải quyết. Đó là vấn đề quản lý nhân hộ khẩu, tạm trú, tạm vắng đối với người nhập cư, vấn đề an ninh trật tự xã hội việc học hành của con em những người thợ làm đá… cũng như hiện tượng khai thác đá trái phép vẫn còn xuất hiện ở một số nơi trên địa bàn. Nghề làm đá là một nghề nặng nhọc, nguy hiểm, nếu sơ xuất rất dễ xảy ra tai nạn lao động, thế nhưng cho đến nay, hầu như vẫn chưa có tổ chức nào đứng ra mua bảo hiểm cho người lao động làm đá thủ công ở huyện Tân Thành./.

( Báo BR-VT số 3688,  ra ngày 14 / 12 / 2005 )











CƠM BÌNH DÂN
Ở ĐỊA BÀN KHU CÔNG NGHIỆP VÀ VẤN ĐỀ VỆ SINH AN TOÀN THỰC PHẨM

Những năm gần đây, cùng với sự phát triển các khu công nghiệp trên địa bàn huyện Tân Thành, các hàng quán kinh doanh dịch vụ ăn uống cũng mọc lên như nấm sau mưa. Hiện tại huyện Tân Thành có 232 cơ sở sản xuất  chế biến và kinh doanh thực phẩm, trong đó chỉ tính riêng các quán cơm bình dân đã chiếm hơn 100 quán lớn nhỏ. Đó là chưa kể các quán cơm tạm bợ, các quán cơm “dù” nay đây mai đó, không có giấy phép kinh doanh…
Các quán cơm bình dân nằm rải rác dọc quốc lộ 51 và tập trung chủ yếu trên trục đường vào các khu công nghiệp. Trong khoảng 2 km từ ngã ba thị trấn Phú Mỹ đến nhà máy thép Vinakyoei đã có khoảng gần 50 quán cơm bình dân san sát nhau bên cạnh các quán nhậu, quán giải khát và tiệm hớt tóc. Người bán cơm bình dân đa số là những người nghèo, dân lao động. Chỉ cần một ít soong nồi, bát đĩa, vài cái bếp than tổ ong, vài trăm ngàn đồng tiền vốn, một cái nhà lợp lá hoặc nhà tôn diện tích khoảng vài chục mét vuông, thuê với giá từ 500 đến 600 ngàn đồng / 1 tháng, mấy bộ bàn ghế nhựa là có thể mở được quán. Những quán cơm bình dân nằm dọc quốc lộ 51 có phòng ốc lịch sự như Thanh Hiền, Quê Hương 46, Chi Phông, Quán Thuỷ, Diên Hồng, Tài Ký (thuộc địa bàn thị trấn Phú Mỹ), Mỹ Ngân, Quán 51 Cơm Tấm, Như Ý (thuộc địa bàn xã Phước Hoà), là những quán quảng cáo cầu kỳ, hấp dẫn: cơm phần, cơm dĩa, canh chua, cá kho tộ, mực xào… không chỉ phục vụ khách ăn cơm bình dân mà còn đáp ứng cả nhu cầu của dân nhậu nếu muốn.
Một số quán cơm bình dân đầu tư ở mức trung bình nhưng khá đông khách như Vinh Lò Đúc, Thiên Thanh, Tuyết Tâm, Cây Dừa, Ngọc Thu, Mỹ Mỹ, Thanh Thanh (thị trấn Phú Mỹ) chuyên phục vụ công nhân viên chức ở các cơ quan mà buổi trưa họ không về nhà. Số còn lại, đa phần không có tên, tệ hơn là một số quán ở gần các khu công nghiệp chỉ quây bằng vài tấm cót ép sơ sài hoặc mấy cái dù che tạm bợ và cái biển quảng cáo bằng gỗ dán viết tay nguệch ngoạc: cơm bình dân: dĩa – phần – hộp.
Món ăn ở các quán cơm bình dân rất phong phú: thịt kho tàu, chân giò luộc, thịt giả cầy, tôm kho, đậu hũ chiên hoặc đậu hũ trắng nhúng nước sôi chấm mắm tôm vắt chanh, cộng với canh rau đay, mồng tơi, rau ngót, dưa muối, cà pháo, củ kiệu…
Giá cả cơm bình dân cũng rất đa dạng: một suất cơm 3 món, thức ăn: thịt, cá hay tôm, trứng cộng với canh hoặc dưa muối trung bình chỉ 5 ngàn đến 6 ngàn đồng, vừa bằng số tiền ăn trưa của các cơ quan cấp cho nhân viên, còn có loại cơm bình dân chỉ với giá 3 ngàn đồng chuyên phục vụ các cháu nhỏ bán vé số dạo, bán báo, đánh giầy hay một số người làm thuê ít tiền, song cũng có loại cơm bình dân giá 15 đến 30 ngàn đồng / 1 suất, có đầy đủ cơm, thịt, canh chua, cá kho tộ…
Ngoài việc phục vụ tại chỗ, một số quán còn phục vụ cho khách ở nhà, cung ứng cơm hộp, cơm nilông qua điện thoại vào những hôm trời mưa hoặc những người già, trẻ nhỏ, người bệnh không thể đi đến quán ăn được.
Một chủ quán cơm bình dân ở thị trấn Phú Mỹ cho biết: “Nghề này không cần nhiều vốn, chỉ cần biết nấu ăn và khéo tay một chút, biết chiều “Thượng đế” một chút là có thể kiếm ăn được dài dài… tuy nhiên cần phải thay đổi các món ăn liên tục. Có món ăn, khách đến mới được xào nấu, để cho nóng sốt, hấp dẫn. Thực phẩm phải chọn hàng ngon, sạch trông mới bắt mắt. Tuy lãi ít nhưng sẽ giữ được khách lâu dài. Khách hàng bây giờ kỹ tính lắm, nếu không “ngon – bổ – rẻ” thì khó lòng thu hút họ đến với mình…”.
Có thể nói, trong lúc các khu công nghiệp thu hút hàng ngàn công nhân lao động, nhiều nhà máy xí nghiệp chưa tổ chức được bếp ăn tập thể, thì các quán cơm bình dân này đã đáp ứng được phần nào nhu cầu của người lao động, giúp cho họ đỡ tốn thời gian, công sức vào việc đi lại, bếp núc, dành sức cho công việc ở cơ quan, thuận tiện nhiều mặt. Giá cả nhìn chung là hợp lý, người phục vụ cũng có thu nhập đáng kể, bình quân mỗi quán cơm bình dân mỗi tháng cũng kiếm được từ 2 đến 3 triệu với 2 lao động. Kéo theo là những người làm thuê, ngoài cơm ăn 3 bữa mỗi tháng họ cũng kiếm được từ 3 đến 4 trăm ngàn đồng tích luỹ, giúp đỡ gia đình. Công việc hằng ngày cũng không vất vả là bao so với nhiều công việc khác, lại giải quết được lao động dư thừa trong gia đình. Tuy nhiên cơm bình dân hiện nay cũng đang đặt ra nhiều vấn đề cần phải giải quyết, trong đó đáng lưu tâm nhất là vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm.
Năm 2005, tính đến đầu tháng 12, huyện Tân Thành đã xảy ra 157 ca ngộ độc thực phẩm, trong đó hầu hết là các ca thức ăn không rõ loại. Chưa ai thống kê trong số các ca ngộ độc thực phẩm này có bao nhiêu ca do ăn cơm bình dân, nhưng một đều dễ nhận thấy là cơm bình dân khó tránh khỏi bị nhiễm khuẩn, bởi hầu hết các quán ăn này không đạt quy định về điều kiện vệ sinh trong chế biến bảo quản thực phẩm như: gần hố rác, nước thải, vệ sinh không sạch, không che đậy, để thực phẩm sống chín lẫn lộn… đặc biệt tuyến đường từ ngã ba Phú Mỹ đến nhà máy thép Vinakyoei, cứ trung bình 3 phút có một chuyến xe chạy. Vào lúc cao điểm, có hàng trăm xe tải lớn nhỏ lưu thông bụi mù mịt, thế nhưng buổi trưa các quán cơm bình dân hai bên đường nơi đây vẫn đông nghẹt khách mà đa phần là công nhân lao động ở các khu công nghiệp đến ăn. Điều đáng nói là vấn đề vệ sinh cá nhân của những người phục vụ, nhiều quán không thực hiện kiểm tra sức khoẻ định kỳ nên không phát hiện được bệnh truyền nhiễm, không tham gia đầy đủ các lớp tập huấn vệ sinh an toàn thực phẩm, không lập hồ sơ ghi chép, lưu hoá đơn chứng từ theo dõi nguồn thực phẩm, lưu thực đơn, lưu mẫu thức ăn… trong khi đó, phần lớn các vụ ngộ độc thực phẩm là do ăn phải thức ăn nhiễm khuẩn, dư lượng thuốc trừ sâu cao. Hơn nữa những người phục vụ tại các quán cơm bình dân không mấy quan tâm đến vệ sinh cá nhân khi lấy thức ăn cho khách. Nhiều quán ăn người bán còn dùng tay bốc thức ăn, bốc bánh phở, bún mà không sử dụng găng tay hay hình thức bảo đảm vệ sinh nào khác và sau đó lại đếm tiền. Mặt khác, các cơ quan chức năng cũng chưa kiểm soát hết được  nguồn thực phẩm bên ngoài, những lò mổ gia súc lậu, gia súc giết mổ chưa được kiểm dịch hoặc giết mổ ở những nơi không đạt tiêu chuẩn vệ sinh thú y, đây chính là nguồn gây bệnh. Ngoài ra, rau quả nhiễm thuốc bảo vệ thực vật ngoài danh mục, không đảm bảo thời gian cách ly sau phun thuốc cũng đang là những vấn đề đáng lo ngại… Năm 2005, đoàn kiểm tra liên ngành của huyện đã tổ chức thanh kiểm tra 184 cơ sở sản xuất chế biến kinh doanh thực phẩm và đã phát hiện 46 cơ sở vi phạm. Ngoài những lần kiểm tra thì số ngày còn lại không ai dám chắc chắn rằng các quán cơm bình dân ở địa bàn khu công nghiệp này không vi phạm các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm… Hiện nay trung tâm y tế huyện Tân Thành chỉ có một cán bộ y tế phụ trách công tác này và phải kiêm nhiệm cùng lúc nhiều công việc khác. Đây chính là khó khăn của cơ quan chuyên môn đối với công tác phòng chống ngộ độc thực phẩm ở địa phương.
Để thực hiện tốt pháp lệnh vệ sinh an toàn thực phẩm mà chủ tịch nước Trần Đức Lương ký công bố ngày 07/8/2003 và nhất là việc phòng chống ngộ độc thực phẩm trong dịp Tết Nguyên Đán Bính Tuất sắp tới, cùng với các cơ quan chức năng: y tế, thú y, công an, quản lý thị trường, chính quyền các địa phương cần tăng cường hơn nữa công tác truyền thông giáo dục kiến thức vệ sinh an toàn thực phẩm cho nhân dân. Tăng cường kiểm tra công tác vệ sinh thú y, vệ sinh giết mổ gia súc, quản lý chặt chẽ việc kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật, đặc biệt là các loại thuốc cấm sử dụng và có biện pháp xử lý thích đáng đối với những cơ sở sản xuất chế biến, kinh doanh thực phẩm cố tình không chấp hành các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, trong đó đáng lưu ý là các quán cơm bình dân.

( Tạp chí Sức Khỏe BR-VT, Xuân Giáp Thân 2004 )





















  HỌC VIÊN CỦA TRUNG TÂM GIÁO DỤC THƯỜNG XUYÊN HUYỆN TÂN THÀNH BỊ LỪA _ AI CHỊU TRÁCH NHIỆM ?

Một buổi sáng trung tuần tháng 6/2004, tôi đến chùa Kiều Đàm nằm trên địa bàn thôn Vạn Hạnh, thị trấn Phú Mỹ, huyện Tân Thành, tìm gặp một ni cô học tiếng Hoa. Tại đây, sau khi nghe tôi giới thiệu và trình bày ý định của mình, ni cô Huệ Thành kể: “Cô tên thật là Trần Thị Bích, năm nay 20 tuổi và tu hành ở chùa Kiều Đàm từ năm 2000. Cô được nhà chùa cho đi học bổ túc văn hoá và hiện đang theo học lớp 11 ở Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Tân Thành (trụ sở huyện uỷ Tân Thành cũ ). Tháng 4/2004 cô thấy trước cổng trung tâm có treo một băng rôn đỏ thông báo chiêu sinh lớp học tiếng Hoa, nội dung cụ thể được thông báo trên một tờ giấy đánh máy vi tính khổ A4 dán trên tường, trong đó ghi rõ thời gian một khoá học là 2 tháng, mỗi tuần học 3 buổi (thứ 2,4,6). Tiền học phí khoá đầu (A1) là 250.000đ/ 2 tháng. Khoá thứ 2 (A2) là 300.000đ/2 tháng. Giảm 20% học phí cho những người tu hành. Ni cô Huệ Thành liền đăng ký nhập học ca 1 từ 5 giờ đến 6 giờ 30 phút và đã nộp 200.000đ học phí cho thầy giáo dạy tiếng Hoa ngay trong buổi học đầu tiên. Thế nhưng chỉ sau một tháng, kể từ buổi học tối ngày 21/05/2004, đột nhiên các học viên không thấy thầy đến lớp…”
  Thấy có vấn đề, tôi hỏi ni cô Huệ Thành:
     -Tại sao không học thử một thời gian xem thế nào rồi hãy nộp tiền ?
     - Thầy nói: “Đăng ký tên là phải nộp tiền, nếu không sẽ không được vô lớp”
     -Nộp tiền học phí, có phiếu thu không ?
     -Dạ không ! Học viên nộp tiền xong, ghi tên tuổi địa chỉ, số tiền học đã đóng và ký tên vào tờ danh sách của thầy.
Lớp học tiếng Hoa của ni cô Huệ Thành là một phòng học có diện tích khoảng 32m2, nằm trong khuôn viên của trụ sở huyện uỷ Tân Thành cũ (nay là Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Tân Thành). Lớp gồm 12 học viên, trong đó có 11 ni cô, chú tiểu đến từ các chùa: Kiều Đàm, Bát Nhã, Niết Bàn, Quang Phương (thị trấn Phú Mỹ) và một Tịnh thất trên núi Thị Vải. Một học viên duy nhất “ngoại đạo” là anh Dương Minh Ánh, sinh năm 1973 trú ở tổ 18 ấp Phước Lộc, xã Phước Hoà, hiện đang là giáo viên Anh văn của trường PTTH Phú Mỹ, huyện Tân Thành. Anh Ánh cho biết: “Vì biết một chút ít tiếng Hoa, nên anh muốn tranh thủ thời gian học thêm để biết sâu hơn. Cho nên ngày 20/04/2004 anh đăng ký vào lớp và đóng liền 2 tháng học phí là 250.000đ. Cũng như ni cô Huệ Thành sau khi biết mình bị lừa, mặc dù số tiền bị mất không nhiều, nhưng sự việc trên đã ảnh hưởng đến uy tín danh dự của các thầy cô giáo đang đứng lớp tại đây.
Lần theo các địa chỉ mà ni cô Huệ Thành cung cấp, tôi đã tìm gặp hầu hết số học viên của lớp học tiếng Hoa. Tất cả đều khẳng định sự việc diễn ra đúng như vậy và thật ngạc nhiên là đến bây giờ, nhiều học viên vẫn chưa biết tên thầy dạy của mình là gì, lai lịch ra sao, hiện giờ đang ở đâu ?... Chú tiểu Đỗ Phương Bình (pháp danh là Từ Thuận) chùa Niết bàn cũng như chú tiểu Trần Chất (pháp danh là Chơn Phát) chùa Bát Nhã cho biết là nghe thầy nói, nhà thầy ở xã Mỹ Xuân. Khi chúng tôi hỏi: Tại sao không làm đơn khiếu nại gửi cơ quan chức năng để điều tra làm rõ thì phần lớn các học viên đều trả lời rằng: Số tiền bị mất nhỏ, không đáng phải thưa kiện. Vả lại nhà Chùa dạy rằng: “Ai làm người ấy chịu, nhân nào quả ấy…” và có thể chính điều này đã giúp cho kẻ lừa đảo kia thoát hiểm??.
                                            ------------
Tháng 5/2004, chúng tôi nhận được đơn khiếu tố của ông Cao Hồng D, ngụ tại xã Thanh Trị, huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang tố cáo hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản nhiều người của Phan Thành Nhân, trú tại 48/7A Tây Thạnh, phường 15, quận Tân Bình, nay là phường Tây Thạnh, quận Tân Phú, thành phố Hồ Chí Minh (trong đó có con gái ông).
Trong lá đơn khiếu tố dài 5 trang đánh máy của ông Cao Hồng D đã mô tả chi tiết địa điểm, thời gian, các vụ việc lừa đảo chiếm đoạt tài sản của Phan Thành Nhân và gia đình như: Vay nợ tiền của nhiều người không trả, thu học phí của nhiều người học tiếng Hoa nhưng không dạy hết thời gian, thiếu nợ tiền thuê nhà, mua trả góp tài sản rồi bỏ trốn, bị nhiều người liên kết săn đuổi, trong đó có những tình tiết rất đáng lưu ý là chỉ trong một thời gian ngắn, Phan Thành Nhân và gia đình đã liên tục chuyển chỗ ở đến nhiều nơi, sinh sống ở nhiều địa bàn khác nhau như: Hóc Môn, Củ Chi, Bình Dương, thành phố Hồ Chí Minh, Bà Rịa – Vũng Tàu … Trong lá đơn của ông Cao Hồng D có đoạn viết: “… ngày qua ngày, tôi và các con tôi cùng với những người thân và những người bị gia đình anh ấy lừa gạt đi tìm khắp mọi nơi đòi lại sự công bằng. Tới ngày 09/12/2003, tôi nhận được tin của anh Vương – chủ cửa hàng bán trả góp điện gia dụng Tú Quyên ở số 65/6A Lạc Quang, phường Tân Thới Nhất, quận 12, TP. HCM, báo là phát hiện gia đình anh ấy sống tại thị trấn Củ Chi, nhưng hôm sau gia đình chúng tôi và chính quyền đến thì gia đình họ đã dọn đi lúc nửa đêm. Cũng với thủ đoạn đó, họ đã nhận dạy tiếng Hoa cho các nhân viên công ty thuộc khu công nghiệp Tây Bắc - Củ Chi. Chị Hạnh nhân viên công ty cũng cho biết là anh Phan Thành Nhật (anh của Phan Thành Nhân) đã ký hợp đồng dạy tiếng Hoa dài hạn cho nhân viên công ty và phía công ty đã hoàn tất đủ học phí. Nhưng không ngờ mới dạy được một thời gian, gia đình anh Nhật đã ôm toàn bộ số tiền này cao chạy xa bay. Vào ngày 16/03/2004, theo một nguồn tin, tôi đã tìm đến và phát hiện gia đình anh Nhân đang chiêu sinh dạy tiếng Nhật, tiếng Anh, tiếng Hoa tại ấp Bến Đình, xã Mỹ Xuân, huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Ngoài ra anh Nhân còn mở thêm điểm dạy khác tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Tân Thành (thị trấn Phú Mỹ, huyện Tân Thành tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu )…”
Hãy khoan đề cập đến các vụ việc trong lá đơn khiếu tố của ông Cao Hồng D, song sự việc mười một ni cô, chú tiểu và một thầy giáo trường PTTH Phú Mỹ bị Phan Thành Nhân lừa đảo chiếm đoạt tài sản trong quá trình hành nghề dạy học ngoại ngữ tiếng Hoa ở huyện Tân Thành là sự thật. Đó là chưa kể đến số học viên học ca 2 ở địa điểm Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Tân Thành và số học viên học ở nhà.
Để tìm hiểu sự việc trên, 14 giờ ngày 15/06/2004, chúng tôi đã tìm đến nơi ở của Phan Thành Nhân (xã Mỹ Xuân) thì được biết gia đình Phan Thành Nhân gồm 4 người: Mẹ, Phan Thành Nhật (anh cả), Phan Thành Nhân và một em trai khoảng 20 tuổi đến tạm trú ở xã Mỹ Xuân từ cuối năm 2003. Gia đình này có thuê một căn nhà diện tích 100 m2 ở tổ 13 ấp Bến Đình xã Mỹ Xuân với giá 1 triệu đồng một tháng để hành nghề dạy học ngoại ngữ tiếng Hoa, và đã đi khỏi địa phương từ cuối tháng 05/2004
Ông Nguyễn Văn Khái (một trong ba chủ nhà cho thuê) ở tổ 27, ấp Mỹ Tân, xã Mỹ Xuân cho biết: “Gia đình này đến thuê nhà của tôi từ ngày 08/02/2004. Trong thời gian trọ ở đây, anh Nhân có đề biển quảng cáo chiêu sinh và mở lớp dạy học tiếng Hoa tại nhà. Sau hôm gia đình anh Nhân chuyển đi có một vài người đến đây đòi tiền học. Còn gia đình chuyển đi đâu chúng tôi cũng không rõ. Chỉ biết là chiếc xe Dasu chở gia đình anh ấy chạy về hướng Long Thành tỉnh Đồng Nai…”
Từ nhiều nguồn tin khác nhau của nhân dân địa phương, chúng tôi tìm đến nhà chị Lê Ngọc Thuý, sinh năm 1977, ở tổ 29 ấp Mỹ Tân, xã Mỹ Xuân và được chị Thuý cho biết, nhà chị bán gạo trên đường Mỹ Xuân – Hắc Dịch. Gia đình anh Nhân thường đến mua gạo của chị. Những lần đầu thì thanh toán sòng phẳng, nhưng gần đây anh Nhân cùng bà mẹ đến mua một bao gạo 50 kg với giá 200.000đ nhưng mới trả 60.000đ, còn thiếu 140.000đ. Vài ngày sau, chị đến nhà đòi tiền thì được biết gia đình anh Nhân đã dọn đồ chuyển đi nơi khác…
Quay lại sự việc các học viên học tiếng Hoa bị lừa, một câu hỏi đặt ra với chúng tôi: Tại sao Phan Thành Nhân lại được vào dạy ngoại ngữ ở Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Tân Thành ?
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Tân Thành không tổ chức dạy tiếng Hoa và cũng không hợp đồng với người nào có tên là Phan Thành Nhân. 3 phòng học đó là do Sở Lao động Thương binh Xã hội tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu quản lý.
Ngày 17/06/2004, chúng tôi đến Sở LĐ-TBXH tỉnh tìm hiểu sự việc thì được giới thiệu sang Trung tâm Giới thiệu việc làm của Sở LĐTBXH tỉnh (số 242 Ba Cu thành phố Vũng Tàu). Tại đây, ông Phạm Quang Việt giám đốc Trung tâm đã trả lời chúng tôi nội dung tóm tắt như sau: Vào đầu năm 2002, Trung tâm Giới thiệu việc làm thuộc Sở LĐ-TBXH tỉnh được UBND huyện Tân Thành cho mượn 3 phòng làm việc tại trụ sở huyện uỷ Tân Thành cũ để sửa chữa đưa vào thực hiện triển khai đề án Trung tâm Thông tin thị trường lao động cơ sở 3 tại Tân Thành. Ngày 05/2/2002 công việc sửa chữa đã hoàn tất, đơn vị đã tiến hành nghiệm thu công trình để đưa vào sử dụng, nhưng sau đó công việc triển khai tại đây gặp khó khăn về nhân sự nên Trung tâm không triển khai được. Sau hơn một năm không hoạt động và khi được sự nhắc nhở của cơ quan quản lý tài chính (Sở Tài chính vật giá) yêu cầu đơn vị báo cáo hiệu quả hoạt động của Trung tâm Thông tin thị trường lao động (thời điểm này cơ sở 3 của Trung tâm tại huyện Tân Thành vẫn chưa đi vào hoạt động). Vì vậy, Ban giám đốc Trung tâm quyết định không triển khai cơ sở 3 Trung tâm Thông tin thị trường lao động tại đây mà chuyển thành Văn phòng Tư vấn giới thiệu việc làm cho người lao động. Tuy nhiên, việc tìm kiếm nhân sự làm việc tại cơ sở này cũng rất khó khăn. Để giải quyết vấn đề này, ngày 31/03/2003, Trung tâm đã ký một hợp đồng liên doanh với công ty cổ phần Quyết Thắng (có trụ sở đặt tại ấp Phước Lộc, xã Phước Hoà, huyện Tân Thành) về việc cung ứng lao động và tạm thời giao cho công ty cổ phần Quyết Thắng được quyền sử dụng 3 phòng làm việc tại đây. Trong quá trình thực hiện hợp đồng, công ty cổ phần Quyết Thắng đã tổ chức phối hợp không hiệu quả và đã nhiều lần được Trung tâm kiểm tra nhắc nhở, nhất là trong thời gian gần đây, công ty cổ phần Quyết Thắng tự ý cho ông Phan Thành Nhân mượn phòng để dạy ngoại ngữ tiếng Hoa vào ban đêm mà không hề báo cáo cho Trung tâm Giới thiệu việc làm biết …
Để làm rõ mối quan hệ giữa công ty cổ phần Quyết Thắng với Phan Thành Nhân chúng tôi đã gửi công văn mời ông Võ Hoàng Linh, Tổng giám đốc công ty cổ phần Quyết Thắng đến làm việc, nhưng không hiểu sao, ông Linh không đến.
Có thể nói, sự việc trên đã gây nên dư luận xấu trong xã hội, ảnh hưởng trực tiếp đến uy tín của Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Tân Thành. Dư luận đang đặt ra nhiều câu hỏi: Tại sao đang dạy học ngoại ngữ tiếng Hoa ở huyện Tân Thành, Phan Thành Nhân lại đột ngột biến mất ? Giữa Phan Thành Nhân với công ty cổ phần Quyết Thắng có mối quan hệ như thế nào ? Tại sao công ty cổ phần Quyết Thắng không có chức năng đào tạo lại tổ chức đào tạo? Phan Thành Nhân có đủ điều kiện để hành nghề dạy học không ?  Có được phép hành nghề dạy học không ? Tại sao trong một thời gian dài dạy ngoại ngữ tiếng hoa (có treo băng rôn quảng cáo trước cổng Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Tân Thành) mà Trung tâm Giới thiệu việc làm và Thanh tra Sở LĐ-TBXH tỉnh vẫn không hề hay biết ?
Câu trả lời xin  dành cho các ngành chức năng ./.

( Báo Giáo Dục và Thời Đại, số 83, ra ngày 10/7/2004 )













 



 

 

 

 

 

 

 

 

CÂY ĐƯỚC Ở TÂN THÀNH KÊU CỨU


Huyện Tân Thành hiện có 7.925 héc ta rừng, trong đó có khoảng 4.200 héc ta rừng ngập mặn ven biển, còn lại là rừng Núi Dinh Thị Vải. Diện tích rừng nói trên nằm trên địa bàn 6 xã, thị trấn huyện Tân Thành do ban quản lý rừng phòng hộ tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu quản lý, trong đó tập trung nhiều nhất ở 2 xã: Phước Hòa (2.917 héc ta) và Hội Bài (2.461 héc ta) các xã còn lại là: Mỹ Xuân, Tóc Tiên, Châu Pha và thị trấn Phú Mỹ có diện tích rừng khoảng từ 300 đến 1.000 héc ta. Diện tích rừng ở huyện Tân Thành phần lớn nằm rải rác trên các đồi núi và ven biển, có địa hình phức tạp, nhiều cửa ngõ ra vào rừng nên rất khó khăn cho công tác quản lý và bảo vệ, đặc biệt là rừng đước, hiện đang bị bọn lâm tặc tập trung khai thác trái phép kiếm lời. Chỉ tính riêng năm 2002, lực lượng kiểm lâm huyện Tân Thành đã kiểm tra phát hiện và bắt giữ 65 vụ, trong đó có 19 vụ phá rừng, 6 vụ khai thác trái phép, 17 vụ gây thiệt hại rừng và 23 vụ mua bán vận chuyển lâm sản trái phép. Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2003, đã phát hiện được 40 vụ vi phạm lâm luật, trong đó có 13 vụ chặt phá rừng, 1 vụ khai thác trái phép, 15 vụ gây thiệt hại rừng và 11 vụ mua bán vận chuyển lâm sản trái phép. Cơ quan chức năng đã thu giữ 2 xuồng chèo, 2 xuồng gắn máy, 3 xe ôtô, 24,1 Site củi đước, 1.200 kg than bụi và nhiều công cụ dùng để khai thác rừng trái phép khác… đó chỉ là con số bề nổi, khó có thể thống kê được chính xác số lượng củi đước và bọn lâm tặc khai thác trái phép đã vận chuyển về các lò hầm than mỗi ngày là bao nhiêu ?! Chỉ tính sơ bộ từ đầu năm đến nay, huyện Tân Thành đã phát hiện được 24 lò hầm than, trong đó 20 lò ở xã Hội Bài, 4 lò ở xã Mỹ Xuân. Các lò than được thiết kế theo kiểu hình tròn, đường kính khoảng từ 3 đến 4 mét, chiều cao của lò khoảng 2 mét. Như vậy bình quân mỗi lò kiểu này đốt được khoảng từ 15 đến 20 Site củi đước. Vậy mỗi ngày có bao nhiêu lò than kiểu này lén lút hoạt động? Đó là câu hỏi bức xúc đang đăt ra đối với cơ quan chức năng và chính quyền địa phương – xin nêu một vài ví dụ điển hình: Vào lúc 22 giờ ngày 06/ 04/ 2003, nhận được tin báo của quần chúng nhân dân, lực lương kiểm lâm huyện Tân Thành đã phối hợp với huyện đội kiểm tra khu vực đường Chinh Phong thuộc địa bàn thị trấn Phú Mỹ phát hiện một nhóm khoảng 15 người đang bốc xếp củi đước lên xe ô tô Maz biển số KK 1227 (biển đỏ của quân đội), phát hiện thấy lực lượng kiểm tra đến, bọn chúng bỏ chạy tán loạn về nhiều phía. Lực lượng kiểm tra đã triển khai lực lượng vây bắt được một đối tượng. Đó chính là tài xế chiếc xe nói trên và buộc đối tượng này phải đưa xe cùng tang vật về huyện đội Tân Thành tạm giữ để chờ xử lý. Khi xe về đến huyện đội, lực lượng kiểm tra còn phát hiện thêm một đối tượng nữa trốn dưới gầm xe. Rất may, suốt quãng đường 2km từ đường Chinh Phong về đến huyện đội Tân Thành, đối tượng này đã không bị rớt xuống đường, nếu không sẽ không biết được điều gì sẽ xảy ra ?!… Bọn chúng là Trần Mạnh Cường, sinh năm 1968 (lái xe), quê quán tỉnh Thanh Hóa, tạm trú tại ấp 3, xã An Hòa, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai. Đối tượng chui dưới gầm xe là Cao Thanh Hải, thường trú ở khu phố 5,  ấp 1, xã An Hòa, tỉnh Đồng Nai. Qua đấu tranh khai thác, bọn chúng đã khai nhận chiếc xe trên mang biển số giả. Biển số thật là 72M- 4893, giấy đăng ký xe mang tên bà Đoàn Thị Kim Phụng, tạm trú tại khu 2 thôn Ngọc Hà, thị trấn Phú Mỹ, huyện Tân Thành.
Điều đáng nói ở đây là không chỉ các đối tượng khai thác củi đước bán cho các lò hầm than chặt phá rừng, mà ngay cả các hộ dân được giao khoán bảo vệ rừng cũng vi phạm. Nổi cộm là hộ ông Đinh Xuân Cường, sinh năm 1947,  trú tại khu 3, ấp Phước Lộc, xã Phước Hòa, huyện Tân Thành. Ngày 1/ 3/ 2003 lực lương kiểm lâm đi kiểm tra và phát hiện thấy ông Cường đã tự động chặt phá 2.100m2 rừng phòng hộ để mở rộng mặt nước nuôi tôm. Được biết, ông Cường nhận khoán trồng và bảo vệ rừng theo chương trình 327 của chính phủ từ năm 1995 với diện tích nhận khoán là 21,7 héc ta, trong đó có 15,9 héc ta đất trống, 4,7 héc ta rừng và 1,1 héc ta mặt nước để nuôi trồng thủy sản. Những năm đầu ông Cường làm rất tốt và thực hiện đúng theo hợp đồng đã ký, nhưng gần đây do thị trường tôm sú được giá, nên ông Cường đã chạy theo lợi nhuận, dẫn đến hành vi vi phạm nói trên. Tất nhiên, ngoài việc bồi thường chi phí trồng lại rừng là 1.940.400 đồng, cơ quan chức năng còn xử phạt ông Cường với số tiền phạt là 14 triệu đồng.
Có thể nói, nạn chặt phá rừng xảy ra ở hầu hết các xã dọc quốc lộ 51 nhưng nhiều nhất là ở khu vực Tắc Hai Ghe, Tắc Cái Bẹ, Rạch Tranh (thuộc địa bàn xã Phước Hòa), khu vực Tắc Trũng (xã Mỹ Xuân) và khu vực Đầu Đá (xã Hội Bài). Nhân dân địa phương cho biết: thủ đoạn của bọn chúng là dùng xuồng nhỏ len lỏi vào các kênh rạch, chặt phá rừng đước giấu trong rừng. Khi đó nước thủy chiều xuống nên ca nô của lực lượng kiểm lâm không thể tuần tra được. Đợi khi thủy chiều lên, bọn chúng dùng ghe máy chớp nhoáng đến các địa điểm cất giấu thu hồi và mang đi tiêu thụ, bất kể là ban ngày hay ban đêm. Nếu lực lượng kiểm lâm phát hiện được, rượt đuổi thì cũng chỉ bắt được phương tiện và số củi đước đã bị chặt phá còn hầu hết các đối tượng chạy thoát vì địa hình phức tạp, rừng rậm rạp, kênh rạch chi chít, các đối tượng lẩn trốn dễ dàng. Số phương tiện ghe thuyền bắt giữ  hầu hết lại là tự tạo không đăng ký nên không thể truy tìm được chủ phương tiện. Một số lâm tặc còn tổ chức cảnh giới theo dõi lực lượng kiểm lâm sử dụng điện thoại di động để liên lạc thông báo cho nhau mỗi khi lực lượng kiểm lâm tổ chức triển khai tuần tra canh gác, vì vậy rất khó phát hiện được bọn chúng. Mỗi khi tổ chức vây bắt, lực lượng kiểm lâm thường phải bí mật cải trang, ém sẵn quân ở các luồng lạch và chặn đón bọn chúng ở nhiều ngả nhiều cửa ra vào rừng. Từ đầu năm đến nay, lực lượng kiểm lâm huyện Tân Thành đã tổ chức 18 đợt kiểm tra truy quét với tổng số 216 lượt người tham gia. Đó là chưa kể 12 đợt phối hợp với các xã: Mỹ Xuân, Hội Bài và huyện đội Tân Thành tổ chức truy quét đột xuất, thế nhưng xem ra bọn lâm tặc vẫn chưa giảm hoạt động. Có thể dễ dàng nhận thấy rằng, việc tổ chức tuần tra truy quét các đối tượng chặt phá rừng đước hiện nay chỉ là biện pháp tình thế, xem ra chỉ là giải quyết phần ngọn, cái gốc vẫn là công tác tuyên truyền giáo dục để làm sao cho các hộ dân nơi đây nhận thức rõ hành vi vi phạm pháp luật của mình, nhận thức rõ tầm quan trọng của rừng đối với môi sinh, môi trường và những thảm họa do nạn chặt phá rừng gây ra, để từ đó tự giác bảo vệ rừng. Được biết, lâm tặc chặt phá rừng đước ở huyện Tân Thành hiện nay đa số là các hộ dân nghèo sống ven rừng không có công ăn việc làm ổn định, đời sống khó khăn. Ngoài việc đi làm thuê làm mướn theo mùa vụ, họ lại vào rừng chặt củi đước hầm than bán kiếm sống.
Ông Nguyễn Tiến Khẩn (Hạt Trưởng hạt kiểm lâm huyện Tân Thành) cho biết: “Củi đước khai thác trái phép  ở huyện Tân Thành được chuyển chủ yếu về huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai. Hiện nay ở khu vực Trại Phong – Bình Minh, thuộc xã Phước Bình, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai có trên dưới 200 lò hầm than hoạt động, vì vậy nhu cầu tiêu thụ củi rất lớn. Sở dĩ các lò than ở đây hoạt động mạnh là do ngoài than củi ra, các sản phẩm khác ở đây bán ra rất khó tiêu thụ vì nhân dân vẫn mặc cảm với người mắc bệnh phong…” Và đây cũng chính là nguyên nhân để các đối tương chặt phá rừng đước có chỗ tiêu thụ. Hiện giá 1 kg củi đước mua ở Long Thành Đồng Nai với giá 450 đến 500 đồng, còn nếu đã thành than củi thì chúng được bán ra với giá 2.000 đến 3.000 đồng/ 1kg. Đáng chú ý nữa là một số đối tượng tham gia chặt phá rừng hiện nay lại chính là các chủ dự án  nhận đất rừng, nhận tiền để thực hiện công tác quản lý, bảo vệ rừng và trồng rừng, nhưng nhiều hộ không thực hiện tốt phần việc được giao khoán. Theo phản ánh của nhân dân địa phương thì có hộ nhận đất, nhận tiền, sau đó giao khoán lại cho các hộ gia đình khác  trồng và chăm sóc, còn việc bảo vệ rừng, ngăn chặn hành vi chặt phặt phá rừng thì họ xem đó là công việc của lực lượng kiểm lâm và chính quyền địa phương. Vì vậy ban quản lý rừng phòng hộ tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu (đơn vị chủ rừng) cần kiểm tra lại hơn 1.000 hộ nhận khoán trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng hiện nay ở huyện Tân Thành xem có thực hiện đúng như trong hợp đồng đã ký không? Thiết nghĩ, ngoài sự cố gắng của lực lượng kiểm lâm, cần có sự phối hợp đồng bộ của các cấp ngành chức năng bảo vệ pháp luật. Nhất là chính quyền địa phương cần tạo điều kiện cho các hộ dân sống ven rừng có công ăn việc làm ổn định, đồng thời phải xử lý nặng hơn đối với các đối tượng vi phạm luật bảo vệ và phát triển rừng. UBND các xã, thị trấn cần tăng cường kiểm tra những nơi còn đốt lò than bằng củi đước trái phép, đồng thời thống kê các đối tượng chuyên chặt phá rừng, tiến hành lập cam kết, tuyên truyền vận động và có hướng chuyển đổi ngành nghề để giảm bớt áp lực đối với rừng nhất là rừng phòng hộ ven biển hiện nay.
Công tác quản lý bảo vệ rừng phải được xác định không còn là công việc của một ngành chức năng mà là trách nhiệm của toàn xã hội.

(Báo Bà Rịa – Vũng Tàu,  số 3016,  ra ngày 05/ 08/ 2003)








NHỮNG LỖ HỔNG TRONG MẠNG LƯỚI Y TẾ TRƯỜNG HỌC Ở BR- VT


  Xây dựng và phát triển mạng lưới y tế trường học ở BR- VT, nhằm tạo điều kiện cho học sinh có sức khỏe để học tập tốt, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển toàn diện cả về trí, đức, thể, mỹ, đã được Sở Giáo Dục Và Đào Tạo phối hợp với  Sở Y tế  tỉnh BR- VT triển khai thực hiện trong nhiều năm qua, song đến nay có thể nói kết quả vẫn chưa đạt yêu cầu. Việc duy trì và mở rộng mạng lưới y tế trường học trong phạm vi toàn tỉnh BR- VT đang gặp khó khăn. Hiện nay, toàn tỉnh mới chỉ có 59/ 317 trường có phòng y tế đúng tiêu chuẩn và 17 y, bác sĩ chuyên trách công tác y tế trường học. Các trường còn lại do cán bộ làm công tác văn thư, kế toán, thư viện, tổng phụ trách… được bố trí kiêm nhiệm công tác này.

  Công tác y tế trường học bao gồm việc quản lý, giáo dục và chăm sóc sức khỏe ban đầu cho học sinh ngay tại trường học như: giáo dục phòng chống các bệnh học đường, các dịch bệnh, vệ sinh môi trường, ma túy học đường, HIV / AIDS, sơ cứu tai nạn, ốm đau ban đầu… đòi hỏi người làm công tác này phải có chuyên môn y tế. Vì vậy, trường nào không có y, bác sĩ chuyên trách sẽ không thể làm tốt. Đó là chưa kể những trường hợp học sinh bị rủi ro tai nạn hoặc bị bệnh đột xuất hiểm nghèo, nếu không có bác sĩ chuyên môn khám, phát hiện sớm sẽ dễ dẫn đến tử vong.

Vậy tại sao Sở Giáo Dục và Đào Tạo tỉnh BR- VT không tuyển dụng đội ngũ y, bác sĩ chuyên trách ?!
Chị Tạ Ninh Thị Huệ (cán bộ phụ trách công tác y tế trường học) Sở Giáo Dục Và Đào Tạo tỉnh BR- VT cho biết: “Nguyên nhân thiếu y, bác sĩ chuyên trách làm công tác y tế trường học hiện nay là do môi trường làm việc tại các trường học không thu hút y bác sĩ về công tác. So với các cơ sở y tế và các bệnh viện trong tỉnh thì y bác sĩ làm công tác y tế trường học hàng ngày ít va chạm với thực tế, nên khó có điều kiện nâng cao nhiệm vụ chuyên môn, nâng cao tay nghề. Mặt khác, cán bộ y tế trường học chỉ được nhận vào làm hợp đồng nên chưa tạo được sự an tâm gắn bó lâu dài tại các trường học. Hơn nữa, mức thu nhập cũng thấp, nên đời sống rất khó khăn. Chính vì vậy mà năm 1994 Sở Giáo Dục Và Đào Tạo tỉnh BR- VT tuyển dụng 15 cán bộ  y, bác sĩ  phân bổ về các trường làm công tác y tế trường học nhưng đến nay chỉ còn một người trụ lại với ngành giáo dục…”.
Một khó khăn nữa đối với công tác y tế trường học ở BR- VT hiện nay là kinh phí hoạt động. Muốn thực hiện được công tác y tế trường học, trong khi ngân sách nhà nước còn hạn hẹp thì phải huy động sự đóng góp của xã hội, phải xã hội hóa công tác này. Biện pháp xã hội hóa phù hợp nhất, thiết thực nhất  đã và đang được thực hiện là bảo hiểm y tế học sinh. Năm học 2003 – 2004 vừa qua, cơ quan bảo hiểm y tế tỉnh BR – VT đã thực hiện trích 20% từ quỹ bảo hiểm y tế học sinh để lại cho nhà trường chi cho công tác y tế trường học với điều kiện phải có ít nhất 50% học sinh tham gia mua bảo hiểm y tế hoặc trường có từ 600 học sinh trở lên tham gia bảo hiểm y tế. Như vậy hãy thử làm một phép tính: Nếu một trường có từ 600 học sinh tham gia bảo hiểm y tế (với mức thu hiện nay: học sinh thành phố 50 ngàn đồng/ học sinh; học sinh nông thôn 30 ngàn đồng/ học sinh) thì mỗi năm kinh phí chi cho hoạt động y tế trường học của một trường thành phố là 6 triệu đồng, và một trường nông thôn là 3,6 triệu đồng, bao gồm các khoản: chi trả tiền lương (từ 30% đến 50%), còn lại là chi cho công tác chuyên môn, trong đó chủ yếu là chi mua các loại thuốc thiết yếu, chi mua sắm trang thiết bị y tế và khám sức khỏe định kỳ. Như vậy với số tiền 3,6 triệu đồng/ 1năm của một trường nông thôn sẽ không đủ để trả lương cho một y, bác sĩ chuyên trách, chưa nói gì đến việc chi cho các hoạt động chuyên môn. Đây chính là điều khó khăn bất cập trong việc phát triển mạng lưới y tế trường học hiện nay ở BR- VT.
 Chị Nguyễn Thị Hữu Thành (phó Giám Đốc Bảo Hiểm Xã Hội tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) cho biết: “Hiện nay trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu có 188 trường học tham gia bảo hiểm y tế với tổng số 58.711 học sinh, chiếm tỷ lệ 27,40 % tổng số học sinh toàn tỉnh. Năm học 2003 – 2004 vừa qua, bảo hiểm y tế tỉnh BR – VT đã thu 2,2 tỷ đồng từ tiền tham gia bảo hiểm y tế của học sinh và đã thanh toán viện phí cho 10.433 trường hợp khám chữa bệnh ở các cơ sở y tế với tổng số tiền 700 triệu đồng, trong đó có 26 ca có mức thanh toán trên 1 triệu đồng. Đặc biệt có em được bảo hiểm y tế tỉnh BR – VT chi trả hàng chục triệu đồng như em Nguyễn Huy Tùng, trường tiểu học Phú Mỹ điều trị tại trung tâm ung bướu thành phố Hồ Chí Minh, được thanh toán viện phí 38 triệu 704 ngàn đồng, ngoài ra bảo hiểm y tế còn trích lại 270 triệu đồng (20%) cho các trường có đủ điều kiện làm công tác y tế trường học. Đối với trường không đủ điều kiện, không có phòng khám thì bảo hiểm y tế tỉnh chuyển tiền về cho các trung tâm y tế huyện, thị và từ đó cấp về các trạm y tế xã, phường nơi các em tham gia bảo hiểm. Như vậy học sinh tham gia bảo hiểm y tế tự nguyện so với năm học trước đạt thấp. Năm nay có xu hướng còn khó khăn hơn, nhất là ở các trường không có y tế trường học. Vì vậy trường nào có y tế trường học thì trường đó có học sinh tham gia bảo hiểm y tế rất đông và ngược lại. Theo một số phụ huynh học sinh phản ánh thì nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ học sinh tham gia bảo hiểm y tế tự nguyện năm vừa qua đạt thấp là do đầu năm học, các em phải đóng rất nhiều khoản tiền và số tiền 30.000 đồng đối với các em ở nông thôn không phải là nhỏ. Công tác khám chữa bệnh ở một số nơi và thủ tục thanh toán viện phí còn phức tạp, quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế chưa được đảm bảo tối đa. Năm vừa qua, do một số nguyên nhân nên bảo hiểm y tế tỉnh chi trả (20%) số tiền thu từ bảo hiểm y tế học sinh về các trường thực hiện cũng rất chậm (tháng 11/ 2003 mới thanh toán) vì vậy đã ảnh hưởng đến hoạt động y tế của các trường…..”
Như vậy muốn phát triển  y tế trường học phải gắn với bảo hiểm y tế học sinh và phải có sự tham gia đồng bộ của nhiều cấp ngành. Đây không chỉ là nhiệm vụ riêng của cơ quan bảo hiểm y tế, mà đòi hỏi cần có sự phối hợp của các ngành, các cấp chính quyền, trong đó vai trò của  ngành Y tế, Giáo Dục và Đào Tạo rất quan trọng. Hơn ai hết, các cán bộ quản lý, phòng chức năng cũng như các đơn vị của hai ngành Y tế - Giáo Dục và Đào Tạo cần xem đây là việc làm cần thiết, cấp bách trong chỉ đạo tổ chức thực hiện, cùng phối hợp với cơ quan bảo hiểm y tế hướng dẫn quản lý và sử dụng có hiệu quả nguồn kinh phí bảo hiểm y tế để tại nhà trường dành cho chăm sóc sức khỏe ban đầu, tuyên truyền vận động phụ huynh học sinh hiểu rõ và tích cực tham gia bảo hiểm y tế, tạo điều kiện thuận lợi và giảm bớt phiền hà cho các đối tượng tham gia bảo hiểm y tế.
Có thể dễ dàng nhận thấy ở Bà Rịa – Vũng Tàu hiện có rất nhiều học sinh bị cận thị, ngay cả ở cấp tiểu học và THCS và đến nay, vẫn còn một số trường bàn ghế không đúng quy cách, không phù hợp với lứa tuổi học sinh, nên có thể gây ra một số bệnh học đường như: cong vẹo cột sống, cận thị…
Ngoài ra, một số nhà vệ sinh của các trường học không đạt tiêu chuẩn, nên rất dễ gây bệnh dịch. Nhiều địa phương thiếu nước vào mùa khô, nên ảnh hưởng đến việc vệ sinh trường lớp và sức khỏe của học sinh… Vì vậy, đã đến lúc phải củng cố và phát triển mạng lưới y tế trường học ở Bà Rịa – Vũng Tàu.
           

(Báo Giáo Dục Và Thời Đại, số 106, ra ngày 02 / 0 9 / 2004)













Phía sau dịch vụ nhà cho thuê, nhà trọ ở huyện Tân Thành, Bà Rịa - Vũng Tàu

Mấy năm gần đây, cùng với việc hình thành đô thị mới Phú Mỹ và tốc độ phát triển các khu công nghiệp tập trung, mật độ dân cư của huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tăng nhanh, nhất là tăng dân số cơ học. Hàng năm, số lượng người từ các địa phương khác đến đây làm ăn sinh sống tương đối đông, vì vậy nhu cầu về nhà ở đang đặt ra nhiều vấn đề khó khăn phức tạp. Xuất phát từ thực tế này, hàng loạt nhà trọ, nhà cho thuê ở huyện Tân Thành đã và đang mọc lên như nấm sau mưa, phát sinh nhiều vấn đề xã hội phức tạp.
Nếu như năm 2000, huyện Tân Thành mới chỉ có 63 cơ sở nhà trọ, nhà cho thuê, thì đến nay đã tăng lên 327 cơ sở với 1.616 phòng cho thuê (tăng 264 cơ sở). Như vậy, trong vòng 5 năm trở lại đây trên địa bàn huyện Tân Thành bình quân mỗi năm mọc lên 53 nhà trọ, nhà cho thuê trong đó tập trung chủ yếu ở địa bàn thị trấn Phú Mỹ, xã Mỹ Xuân và xã Phước Hoà, nơi gần các khu công nghiệp. Toàn huyện hiện có 6 cơ sở nhà trọ với 50 phòng trọ, 304 cơ sở nhà cho thuê với 1.402 phòng và 7 cơ sở nhà nghỉ với 126 phòng. Ngoài ra, còn có 5 biệt thự cho người nước ngoài thuê với 16 phòng.
Đối tượng thuê phòng trọ phần lớn là lao động phổ thông, công nhân trong các nhà máy, xí nghiệp, công nhân đang thi công các công trình xây dựng và khách vãng lai… Còn biệt thự và nhà cho thuê chủ yếu dành cho chuyên gia nước ngoài làm việc tại các khu công nghiệp trên địa bàn hay cán bộ công nhân viên chức lao động thuê cả căn cho gia đình ở… Hiện toàn huyện có khoảng 6 ngàn nhân khẩu đang lưu trú tại các cơ sở trên, trong đó chỉ có khoảng 2 ngàn công nhân tạm trú có thời hạn, còn lại 4 ngàn người thuộc diện tạm trú vãng lai. Vào thời điểm giáp Tết Nguyên Đán, số người tạm trú tăng đột biến, có khi lên đến gần chục ngàn người.
Có thể nói, dịch vụ nhà cho thuê, nhà trọ rất phức tạp. Đi cùng với dịch vụ này là các quán nhậu, quán cà phê, karaoke… cũng phát triển “ăn theo”, trong đó phát sinh nhiều vấn đề phức tạp và tệ nạn xã hội. Bên cạnh những người lao động chân chính, lương thiện thuê nhà, thì cũng có không ít những đối tượng thuê nhà là thành phần có vấn đề. Chị Nguyễn Thị H, thuê phòng trọ ở thị trấn Phú Mỹ, than phiền: “Trước kia toàn dân lao động, nên tối đến mọi người đi ngủ sớm, gần đây có mấy cô tiếp viên nhà hàng đến ở trọ, hôm nào cũng nửa đêm mới kéo nhau về phòng, cười nói ầm ĩ, đã thế họ còn mở nhạc xập xình khiến nhiều người xung quanh mất ngủ. Thế nhưng không ai dám nói vì sợ đụng chạm…”.
Anh Nguyễn Văn S, công nhân khu công nghiệp Phú Mỹ, thuê phòng trọ ở Mỹ Xuân giọng khôi hài kể chuyện: “Bên cạnh phòng mình là một ông 50 tuổi bỏ vợ, chung sống với một cô bồ trẻ bỏ chồng, cùng 2 đứa con lít nhít. Đêm đến hai ông bà làm gì không rõ, để bọn trẻ cười rúc rích…”.
Phòng trọ ở huyện Tân Thành rất đa dạng, được xây theo nhiều kiểu dáng khác nhau và giá cả cũng khác nhau. Thông thường diện tích một phòng trọ khoảng từ 12 đến 18m2 , có giá thuê từ 200 đến 300 ngàn đồng/ 1 phòng/1 tháng. Vì kế mưu sinh, những người dân tạm trú nơi đây chấp nhận cuộc sống tạm bợ, ăn ở chật chội, nhiều gia đình nấu ăn bằng bếp dầu ngay cạnh chỗ ngủ, tạo ra nguy cơ cháy nổ rất cao. Có phòng trọ chứa cả gia đình đông người trong một diện tích chật hẹp, nên rất mất vệ sinh… hơn nữa, lợi dụng sự phức tạp của nhà trọ, những đối tượng phạm pháp hình sự có lệnh truy nã thường ẩn náu ở đây để trốn tránh pháp luật hoạt động phi pháp. Cái khó trong công tác quản lý nhân khẩu là những người đi thuê nhà hầu như không tự giác khai báo tạm trú. Công an khu vực phải đến từng nhà cho thuê để kiểm tra giấy tờ tuỳ thân của từng người và nhắc nhở gia chủ khai báo tạm trú giữ gìn an ninh trật tự, khuyên những người thuê nhà phải làm hợp đồng thuê để tránh cãi lộn sau này. Mọi người đều vâng dạ, nhưng khi công an đi rồi, họ lại đâu vào đấy. Không chỉ riêng các đối tượng thuê, ngay cả chủ cơ sở cho thuê cũng vi phạm, không chịu khai báo tạm trú cho khách đến lưu trú tại cơ sở của mình.
Thời gian qua, một số cơ sở kinh doanh nhà cho thuê, nhà trọ ở huyện Tân Thành vi phạm Nghị định 08/CP của Chính phủ, không thực hiện cam kết về an ninh trật tự với cơ quan công an. Năm 2005, công an huyện Tân Thành đã kiểm tra 12 đợt, phát hiện xử lý 39 cơ sở lưu trú vi phạm về đăng ký tạm trú, và các đối tượng lưu trú không giấy tờ tuỳ thân.
Đáng chú ý là một số cơ sở nhà cho thuê, nhà trọ thiếu trách nhiệm quản lý, để xảy ra tệ nạn xã hội , mại dâm, ma tuý như: Nhà trọ 379 và nhà nghỉ Thanh Giang (ấp Phước Lập, xã Mỹ Xuân), nhà nghỉ Ngọc Diễm (xã Tân Phước)v.v… Điển hình là vụ ngày 05/7/2005, vào lúc 20 giờ, công an huyện Tân Thành đã bắt quả tang 3 cặp nam nữ đang mua bán dâm tại nhà trọ Phúc Nhung, thuộc địa bàn ấp Phước Hiệp, xã Tân Hoà. 3 gái bán dâm là Nguyễn Thị Bích Phượng (sinh năm 1986), Tô Thị Ngọc Duyên (sinh năm 1988), Nguyễn Thị Đào (sinh năm 1990) cùng trú ở tỉnh An Giang bị bắt quả tang cùng với 3 khách mua dâm là: Hoàng Văn Tình (sinh năm 1978), Trương Quốc Phong (sinh năm 1981) và một đối tượng tên Hùng. Chủ chứa là Ngô Thị Nhớ (sinh năm 1959) là người địa phương đã bị bắt giữ ngay sau đó. Gần đây nhất là vụ ngày 12/9/2005 vào lúc 21 giờ, công an huyện Tân Thành đã bắt quả tang 2 cặp nam nữ đang mua bán dâm tại phòng trọ số 1 và số 2, nhà trọ tổ 14, ấp Song Vĩnh, xã Tân Phước, do Nguyễn Thị Thuý (sinh năm 1982) làm chủ, giao cho em gái là Nguyễn Thị Thêu (sinh năm 1985) trông coi. 2 gái bán dâm là Phù Thị Thu Thuý (sinh năm 1988), quê ở Thốt Nốt, Cần Thơ và Dương Thị Huệ (sinh năm 1975) quê ở Hòn Đất, Kiên Giang bị bắt quả tang cùng với 2 khách mua dâm là: Trần Văn Hoàng (sinh năm 1978) và Nguyễn Văn Long (sinh năm 1981) cùng trú ở thành phố Hồ Chí Minh. Còn nhiều vụ bán dâm xảy ra tại các nhà trọ trên địa bàn huyện Tân Thành bị phát hiện trong thời gian qua, có cả một số vụ tàng trữ, sử dụng trái phép chất ma tuý. Đó là chưa kể một số hộ dân còn chưa được cấp giấy phép kinh doanh nhà trọ vì nằm trong khu vực quy hoạch đền bù giải toả hay khu vực đất đang tranh chấp song vẫn tự ý dựng lều trại tạm bợ cho thuê. Ngoài việc thu lợi trước mắt, các hộ này còn nhằm mục đích nâng giá đền bù sau này khi bị giải toả…
Quả thật, vấn đề nhà trọ, nhà cho thuê đã không còn là một dịch vụ kinh doanh thuần tuý mà trở thành một hiện tượng xã hội. Thật khó quản lý được những người thuê nhà không có công ăn việc làm ổn định, nay đây mai đó, người này đến, người kia đi, thay đổi xoành xoạch. Làm sao có thể dễ dàng đến kiểm tra giấy tờ tuỳ thân của những đối tượng làm ăn phi pháp, mờ ám lấy phòng trọ là nơi cất giữ đồ đạc, vài ba ngày mới về phòng chốc lát rồi lại đi ngay?!.
Để quản lý chặt chẽ loại hình dịch vụ này, chính quyền địa phương cần sớm có chính sách thu thuế kinh doanh phù hợp, nhanh chóng ban hành quy chế nhà trọ bình dân, thường xuyên kiểm tra phòng cháy chữa cháy, nhắc nhở người dân giữ gìn an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, chấp hành đúng pháp luật của nhà nước, xây dựng nếp sống văn hoá lành mạnh ở khu dân cư. Về lâu dài, cần có chính sách phân bố dân cư phù hợp và đầu tư xây dựng nhà cho thuê đối với người có thu nhập thấp, nhằm đáp ứng nhu cầu về nhà ở cho người lao động trên địa bàn. Hiện nay, trong số hơn 70 doanh nghiệp và các nhà thầu xây dựng đang hoạt động tại 5 khu công nghiệp ở huyện Tân Thành, mới chỉ có 4 nhà máy xây dựng cư xá cho công nhân là cảng Phú Mỹ, nhà máy thép Vinakyoei, nhà máy thép Miền Nam và nhà máy nhiệt điện Phú Mỹ./.

( Báo BR-VT số 3683 ra ngày 8 /12/2005 )
















HUYỆN TÂN THÀNH :
TAI NẠN GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ- CẦN TÌM GIẢI PHÁP THÁO GỠ
           

            Huyện Tân Thành nằm ở vị trí cửa ngõ của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Những năm gần đây, tai nạn giao thông xảy ra trên địa bàn huyện rất đáng lo ngại. Với 22 km đường quốc lộ 51 từ km 38 + 600 đến km 61 chạy qua Tân Thành nối liền huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai, thị xã Bà Rịa và thành phố Vũng Tàu.  Hàng năm, trên địa bàn huyện Tân Thành xảy ra trên dưới 100 vụ tai nạn giao thông lớn nhỏ.       Đại
            Đại úy Nguyễn Sĩ Khoan, Đội trưởng Đội cảnh sát giao thông trật tự Công an huyện Tân Thành cho biết: "3 tháng đầu năm nay, đội đã phối hợp với công an tỉnh tổ chức tuần tra kiểm soat117 ca, phát hiện  lập biên bản 524 trường hợp vi phạm luật an toàn giao thông đường bộ, tạm giữ 84 xe mô tô và 01 xe ôtô, ra quyết định xử phạt 635 trường hợp, thu nộp kho bạc nhà nước 117 triệu đồng. Thế nhưng các vụ vi phạm vẫn không hề giảm. Nghiêm túc mà nói thì hiện nay một số địa phương trong huyện vẫn chưa quan tâm đúng mức đến công tác tuyên truyền về an toàn giao thông đường bộ...."
            Thực hiện Nghị quyết 13/ CP của Chính phủ, cùng với các địa phương trong tỉnh, huyện Tân Thành đã đồng loạt ra quân, ngăn chặn và xử lý kịp thời nhiều trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông, tạm giữ hàng trăm ôtô, xe máy vi phạm. Hiệu quả là đã ngăn chặn không để các vụ đua xe trái phép xảy ra, làm giảm hẳn số vụ tai nạn giao thông so với nhiều năm trước. Thế nhưng gần đây, các vụ tai nạn giao thông đường bộ trên địa bàn huyện Tân Thành lại có chiều hướng gia tăng. Tình hình chấp hành các quy định về an toàn giao thông đang có biểu hiện bị vi phạm trở lại.
            Chỉ tính từ đầu năm 2004 đến ngày 9- 4, trên địa bàn huyện Tân Thành đã xảy ra 22 vụ tai nạn giao thông đường bộ, làm chết 23 người, bị thương 14 người, hư hỏng 9 xe ô tô, 26 xe mô tô, 1 xe cải tiến và 1 xe ba gác máy. Thiệt hại ước tính hơn 21 triệu đồng. So với quý I -2003, số vụ tai nạn giao thông của quý I năm nay tăng 10 vụ và số người chết cũng tăng 9 người.
            Điển hình của các vụ tai nạn giao thông gây hậu quả nghiêm trọng là vụ xảy ra lúc 5giờ 30 phút ngày 30- 03-2004, tại km 49-100 đường quốc lộ 51, thuộc ấp Ông Trịnh, xã Phước Hòa. Xe mô tô mang biển số 53V7- 7378 do anh Nguyễn Văn Thọ, sinh năm 1987 điều khiển, chở chị Chu Thị Bảy, sinh năm 1987 trên đường từ Bà Rịa-Vũng Tàu về TP. Hồ Chí Minh. Do điều khiển xe chạy tốc độ cao, không chú ý quan sát nên đã đâm vào xe đạp lưu thông cùng chiều, làm cả hai người té văng ra đường và bị xe ô tô phía sau cán. Hậu quả anh Thọ và chị Bảy chết ngay tại chỗ.
            Vụ tai nạn đáng chú ý nữa xảy ra lúc 10 giờ 30 phút, ngày 19- 3-2004   tại đường liên thôn thuộc khu vực ấp 6, xã Tóc Tiên. Anh Trần Văn Hiền sinh năm 1977, trú tại ấp Phú Hà, xã Mỹ Xuân, mặc dù không có giấy phép lái xe nhưng vẫn điều khiển xe cải tiến (loại xe tự chế) chở 4 người lưu thông trên đường là: Phạm Công Thành (sinh năm 1983), Phạm Văn Nghĩa (sinh năm 1986), Nguyễn Phi Hùng (sinh năm 1986) và Nguyễn Văn Hùng (sinh năm 1984). Do xe không bảo đảm an toàn khi lưu thông nên đã đâm vào cột điện bên lề đường. Hậu quả làm 2 người chết, 3 người bị thương.      
 Một số tuyến đường phức tạp về trật tự an toàn giao thông hiện nay đáng lưu ý ở huyện Tân Thành là tuyến đường quốc lộ 51 từ xã Tân Hải đến xã Mỹ Xuân, đường 81 thị trấn Phú Mỹ, tuyến đường liên tỉnh từ ngã ba xã Mỹ Xuân đến xã Sông Xoài và tuyến đường liên xã Hắc Dịch - Châu Pha. Địa bàn phức tạp thường có các đối tượng đua xe trái phép là tuyến đường từ ấp Láng Cát (xã Tân Hải) đến xã Long Sơn, TP. Vũng Tàu và tuyến đường liên tỉnh qua xã Hắc Dịch. Địa bàn phức tạp về trật tự đô thị là khu vực các chợ nằm dọc quốc lộ 51 và đoạn đường từ thôn Quảng Phú (thị trấn Phú Mỹ) đến nhà máy thép Vinakoei.
            Theo nhân dân địa phương phản ánh thì mặc dù ở một số tuyến đường  nguy hiểm, dễ gây tai nạn, hoặc nhiều phương tiện qua lại, cơ quan chức năng đã đặt biển báo, biển hiệu, nhưng nếu không có cảnh sát giao thông túc trực thì vẫn có rất nhiều người lưu thông trên đường phóng xe chạy quá tốc độ cho phép, chở 3, chở 4, hoặc chạy vào đường ngược chiều bất chấp những nguy hiểm có thể xảy ra cho bản thân và cho người khác. Trên tuyến quốc lộ 51 đoạn từ thị trấn Phú Mỹ đến xã Mỹ Xuân có rất nhiều người đi xe đạp đi vào phần đường dành cho xe có động cơ và cũng không ít trường hợp người đi xe máy đi vào phần đường của người đi xe đạp. Các tuyến đường gần khu vực các trường học như: trường PTTH Phú Mỹ, trường PTTH Trần Hưng Đạo, trường THCS Phan Chu Chinh và các khu vực chợ như : chợ Việt Kiều, chợ Mỹ Xuân (xã Mỹ Xuân), khu vực chợ Lam Sơn (xã Phước Hòa) hiện đang rất đáng lo ngại bởi tình trạng chấp hành các quy định về trật tự an toàn giao thông đường bộ và trật tự đô thị hiện nay rất lỏng lẻo. Đã có không ít tai nạn giao thông xảy ra ở khu vực này.
            Để hạn chế và giảm đến mức thấp nhất tai nạn giao thông đường bộ, nhất là các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng, cần có sự phối hợp đồng bộ của các ngành, các cấp và của toàn xã hội, trong đó đặc biệt là tinh thần tự giác chấp hành luật giao thông của mỗi người dân. Cần tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, trong đó nên lồng ghép vào các buổi sinh hoạt ở các tổ dân cư thôn ấp. Cần phát hiện các đối tượng đua xe trái phép ngay từ cơ sở, và có biện pháp quản lý ngăn chặn tận gốc.
            Để lập lại trật tự an toàn giao thông đường bộ và trật tự đô thị năm nay, cũng như thực hiện Chỉ thị số 12/TC- TTg về việc tăng cường bảo đảm trật tự an toàn giao thông năm 2004 của Thủ tướng Chính phủ, các cấp chính quyền và lực lượng công an huyện Tân Thành cần tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, giáo dục ý thức chấp hành luật giao thông, mạnh tay hơn nữa đối với các đối tượng phóng nhanh vượt ẩu, cố tình không chấp hành luật lệ giao thông. Kịp thời truy tố đưa ra xét xử một số vụ vi phạm trật tự an toàn giao thông điển hình để răn đe giáo dục. Phải tiến hành đồng bộ, kiên quyết, cứng rắn, không khoan nhượng và bền bỉ tới cùng, làm sao không để hiện tượng vi phạm các quy định về trật tự an toàn giao thông đường bộ ở  huyện Tân Thành tái phát trở lại./.


(Báo Bà Rịa - Vũng Tàu, số  3190, ra ngày  14/ 04/2004)

                                                                       
                                                                       











   




CẢNG PHÚ MỸ NÂNG CAO NĂNG LỰC CẠNH TRANH

            Nằm cách TP. Hồ Chí Minh hơn 60 km đường bộ, vài chục km đường sông, cảng Phú Mỹ thuộc công ty liên doanh Baria – Serece nằm trong vùng quy hoạch các khu công nghiệp và cụm các nhà máy ở huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, có vị trí chiến lược quan trọng về kinh tế và an ninh quốc phòng. Những năm qua, cảng Phú Mỹ đã đóng vai trò chủ chốt trong việc cung ứng phân bón cho nông dân vùng đồng bằng sông Cửu Long và các tỉnh miền Đông Nam Bộ, cung ứng cho ngành công nghiệp thủy tinh, sành sứ, công nghệ thực phẩm, đường, giấy, thép…. và trở thành một cảng tổng hợp trong cụm cảng tổng hợp Vũng Tàu – Thị Vải - TP. Hồ Chí Minh có chức năng trung chuyển quốc tế.
           
            Cảng Phú Mỹ có tổng diện tích hơn 15 ha, trong đó có hơn 12,8ha đất, 2,5 ha mặt nước, bao gồm một cầu cảng chính dài 300 m và 2 cầu sông. Cảng còn có hệ thống kho bãi gồm: Một kho hàng tổng hợp diện tích gần 5.000 m2, bãi chứa Cotainer diện tích gần 6.000 m2 và bãi hàng tổng hợp diện tích 23.000 m2 . Đặc biêt, cảng còn có một khu vực kho ngoại quan với tổng diện tích 17.800 m2, có thể chứa được hơn 90 ngàn tấn hàng và một bãi chứa diện tích 4.700 m2. Để phục vụ vận chuyển hàng hóa, cảng đã đầu tư trang bị gần 40 xe vận tải, máy xúc, cẩu di động, hệ thống băng tải vận chuyển hàng hóa như phân bón, ngũ cốc và hệ thống băng tải chất xếp hàng bao, vận chuyển vào kho. Năm 2002, cảng Phú Mỹ đã bốc dỡ, vận chuyển được 1.150 ngàn tấn hàng hóa, vượt qua con số trên một triệu tấn hàng hóa/ năm và đã đón trên 7.000 khách du lịch từ các nước đến Việt Nam bằng đường biển. 6 tháng đầu năm nay, cảng đã vận chuyển được gần 700 ngàn tấn hàng hóa các loại, thực hiện được 50% kế hoạch năm. Bình quân mỗi ngày cảng Phú Mỹ vận chuyển được 3.000 tấn hàng hóa các loại. Vào những đợt cao điểm cảng đã phải huy động trên 1.000 công nhân (hợp đồng dịch vụ) vận chuyển bốc xếp hàng hóa.
            Cuối năm 2002, cảng Phú Mỹ đã đầu tư và đưa vào sử dụng 2 nhà kho với thiết bị đồng bộ: Hệ thống gàu tải phân phối, hệ thống đóng bao, cầu cân với sức chứa 80 ngàn tấn hàng hóa, tăng công suất xếp dỡ an toàn cho hàng hóa lên 7.000 tấn (hàng rời) 1 ngày và dự kiến trong tháng 9 năm nay cảng Phú Mỹ sẽ lắp đặt thêm 1 cẩu chuyên dụng trị giá 2 triệu USD để tăng công suất xếp dỡ vận chuyển hàng hóa lên cao hơn nữa, đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Tuy nhiên, khó khăn đặt ra đối với cảng Phú Mỹ hiện nay là diện tích cơ sở hạ tầng còn chật hẹp, nên khó phát triển và tăng năng suất bốc dỡ hàng hóa. Công ty liên doanh Baria – Serece đang kiến nghị được mở rộng cảng về phía hạ lưu trên bờ sông Thị Vải. Ông Tô Văn Dương (Trưởng đại diện Cảng vụ Bà Rịa – Vũng Tàu tại cảng Phú Mỹ) cho biết: Việc thực hiện thí điểm cải cách thủ tục hành chính theo quyết định số 55/2002/QĐ- TTg của Thủ tướng Chính phủ đối với cảng Phú Mỹ vẫn còn gặp khó khăn. Theo quyết định này, các cơ quan quản lý Nhà nước chuyên ngành tại cảng như: Cảng vụ, biên phòng, hải qua, kiểm dịch y tế phải làm việc tại văn phòng Cảng vụ Vũng Tàu, với thời gian không quá 2 giờ đồng hồ kể từ khi nhận được giấy xin phép đến cảng của chủ tàu, thế nhưng trên thực tế, chỉ riêng thời gian đi từ cảng Phú Mỹ về Cảng vụ Vũng Tàu (TP.Vũng Tàu) đã mất 2 giờ đồng hồ. Mặt khác, mặc dù được UBND tỉnh giao 2.868,5 m2 đất ngay trước khu vực cảng Phú Mỹ (Thuộc thị trấn Phú Mỹ, huyện Tân Thành) để đầu tư xây dựng nhà điều hành của đại diện Cảng vụ Vũng Tàu tại Phú Mỹ từ ngay 4-1-2002 nhưng đến nay vẫn chưa giải tỏa xong…
            Trong chiến lược phát triển kinh tế biển, nước ta sẽ đầu tư xây dựng một số cảng biển lớn, hiện đại ở cả ba vùng kinh tế trọng điểm, trong đó cụm cảng Vũng Tàu – Thị Vải - TP. Hồ Chí Minh sẽ là cụm cảng tổng hợp quan trọng của vùng trọng điểm kinh tế phía Nam, có chức năng trung chuyển quốc tế và làm đầu ra cho tuyến đường xuyên Á phía Nam. Để đáp ứng nhu cầu nhiệm vụ cho giai đoạn mới, nhất là từ khi Nhà nước có chủ trương di dời cụm cảng Sài Gòn đến khu vực sông Thị Vải, vì vậy cảng Phú Mỹ cần phải có bước đi mới để nâng cao năng lực cạnh tranh, nâng cao chất lượng phục vụ, cũng như đầu tư trang thiết bị hiện đại. Cần tổ chức lại cơ cấu cho phù hợp và huấn luyện chuyên môn cho cán bộ, công nhân viên ở đây về kỹ thuật làm hàng giao nhận hàng, lưu giữ hàng hóa an toàn… Có như vậy mới thu hút ngày càng nhiều hơn khách hàng đến với mình.


(Báo Bà Rịa - Vũng Tàu, số  2994, ra ngày  04/ 07/ 2003)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét