Thứ Hai, 12 tháng 11, 2012

TRANG TRUYỆN NGẮN VIẾT CHO THIẾU NHI

                        
TRUYỆN NGẮN VIẾT CHO THIẾU NHI
         
                  
                                                                               
 
 

                                                                                 
                                                     NHẶT CỦA RƠI         
Thằng Hòa em trai tôi đi học về hùng hồn tuyên bố:
- Mai em sẽ kiện cô giáo!
- Sao kiện? Chuyện gì thế?
Tôi hỏi nó.
- Bài tập làm văn em viết hay thế mà cô bắt em viết lại!
- Đâu? Đưa chị coi?
Nó rút trong cặp bài tập làm văn ra đưa cho tôi. Mới đọc lướt qua một đoạn tôi đã muốn ngất xỉu. Viết thế này, chẳng trách cô bắt làm lại:
          “Đề bài: Em hãy thuật lại một việc tốt của em (hoặc của bạn em).
          Bài làm: Một buổi sáng mùa hè lung linh huyền ảo. Em tung tăng cắp sách đến trường từ sáng sớm tinh mơ. Bỗng em reo lên: Đây rồi! Một cái túi rất to nằm ngay giữa sân trường. Em vội vàng chạy lại mở túi ra xem thì thấy toàn là vàng, đô la… Em xách túi chạy đến đồn công an…”.
          - Đúng là giàu trí tưởng bở. Cứ làm như cái túi nó nằm chờ mày ở sân trường ấy. Mà ở trường chỉ có cô giáo và học sinh, lấy đâu vàng và đô la để mà đánh rơi? Viết thế này còn định kiện cáo gì nữa?
          Thằng Hòa ngẩn người. Nó chạy sang nhà hàng xóm chơi. Chắc nó đã nhận ra sai lầm của nó. Đó là chuyện của ngày hôm qua.
          Sáng nay mồng một âm lịch. Mẹ dặn tôi phải thổi xôi, thắp hương từ sớm để thằng Hòa đi học về kịp ăn. Thế mà không hiểu sao gần 12 giờ trưa rồi vẫn không thấy nó về. Tôi quyết định lao đến trường. Đang trong tâm trạng lo âu, sốt ruột, tôi bắt gặp cu cậu đang điềm nhiên đứng ăn kem trước cổng trường. Bực mình, không nói câu nào, tôi lặng lẽ lôi cổ nó về nhà.
          - Mày lấy tiền đâu ra mà ăn kem?
          - Ông bà ấy cho em – Nó trả lời tỉnh khô.
          - Ông bà nào? Tại sao người ta lại cho mày tiền? Nói mau!
         - Sáng sớm nay đi học, em thấy một ông vác một bao tải rách cùng với một bà đội thúng từ trong ngõ đi ra. Ông ta rất vội nên đánh rơi bọc tiền đựng trong túi ni lông rớt xuống đất mà không hề hay biết.
          - Bọc hình gì? To bằng ngần nào? Mày nhìn thấy tiền trong đó à? - Tôi cắt ngang.
          - Hình vuông, to bằng cái đầu chị ấy…
          Em không nhìn thấy tiền nhưng nặng lắm. Em vội nhặt lấy, chạy theo đưa cho ông bà ấy. Ông ấy khen em ngoan rồi nhét vào túi em 2.000 đồng.
          - Sao mày biết là túi tiền?
          - Vì bà kia bảo với ông ấy: “May quá, cháu nó nhặt được gói tiền vàng của ông kìa”.
          Trong óc tôi chợt nghĩ: Mấy hôm nay đài báo liên tục đưa tin về các vụ trộm cắp xảy ra ở địa bàn Hà Nội. Một số vụ là những người bỏ quê lên Hà Nội, đi lao động, mua ve chai và nhặt rác ban đêm.
          - Mày tả hình dáng ông bà kia tao xem? Ông ta thấp, đội mũ cối, mặc quần áo bộ đội cũ, đi dép lê, mặt có một vết sẹo dài. Còn bà kia thì mặc một chiếc áo đen, đội nón rách, da vàng.
          - Thôi đích thị là kẻ gian rồi. Sao mày ngu thế! Không lẳng lặng ôm gói tiền ấy chạy đến đồn công an báo, may ra còn kịp vây bắt.
          - Nhỡ không phải là kẻ cắp thì sao? – Nó vặn lại.
          - Còn nhỡ gì nữa? Đội mũ cối, mặc quần áo bộ đội, đi dép lê, chỉ có bọn “đầu gấu”, không ăn trộm thì việc gì phải vội vội vàng vàng như thế. Mày không thấy sao? Đi nhặt rác thì kiếm đâu ra một túi tiền vàng to như thế? Vụ trộm này lớn đấy.
          Mặt thằng Hòa đần ra. Nó ân hận vì đã trót cầm tiền của một kẻ ăn cắp. Nó tiếc vì đã bỏ qua một cơ hội lập chiến công.
          Bỗng trong đầu tôi lóe lên một ý nghĩ:
          - Mày có nhớ hai tên đó đi về hướng nào không?
          - Đi về phía chợ?
          Quên cả ăn trưa, chỉ lo hai tên trộm tẩu thoát, cứ thế tôi lôi thằng Hòa đi về phía chợ với một chút hy vọng mỏng manh, may ra bọn chúng chưa bỏ đi xa. Vừa đi tôi vừa vạch cho thằng Hòa phương án bắt trộm.
          - Khi nào phát hiện thấy, mày sẽ bám theo, còn tao đi báo công an, nghe chưa?
          - Chị ơi, em sợ lắm! Tay nó túm chặt tay áo tôi.
          - Sợ thì mày đi báo công an, tao bám theo vậy.
          - Hai chị em tôi lách qua đám đông ở chợ, để tiến về khu nhà lá của dân nhặt rác mà người ta quen gọi là khu nhà ổ chuột. Đến cuối chợ bỗng thằng Hòa reo lên:
          - Đây rồi chị ạ!
          Tiếng reo của nó làm tôi run bắn người. Ông bà kia cũng phát hiện thấy nó. Thằng Hòa lùi lại định chạy nhưng không kịp. Ông kia mừng rỡ lao vào ôm chầm lấy nó cười tít. Tôi nhìn dưới chân ông bà kia: chiếc thúng và bao tải rách vẫn còn nguyên. Trên thúng là chiếc mẹt bày hương, hoa, tiền vàng mã… có lẽ ông ta đang xếp dở những tập tiền vàng âm phủ cho vào bao tải rách để dọn hàng về./.
                                                                                            Tháng 9/1996
ĐÀO THU HƯƠNG










                                   
                                                                                 

MỘT BUỔI THI
        - Hai mươi sáu: Trần Hồng Linh.
        Tiếng cô giáo đọc số báo danh vào phòng thi vang lên dõng dạc. Từ trong đám thí sinh còn đứng lố nhố ở ngoài, một cô bé có khuôn mặt trắng trẻo, dong dỏng cao, tóc cắt ngắn, lách người ra khỏi đám đông bước vào phòng thi. Cô giám thị phòng thi số 7 kiểm tra kỹ thẻ dự thi của Linh xong mừng rỡ hỏi:
        - Em là con mẹ Liên phải không?
        - Dạ phải, sao cô biết?
        - Cô vừa gặp mẹ em ở cổng trường, cô tên là Hồng, coi thi ở phòng này và là học sinh cũ của mẹ em…
        Hai mươi bảy…
        Linh vội vã chào cô Hồng, rồi đi về vị trí của mình.
        Điểm danh xong, thí sinh vào lớp. Sân trường lúc nãy đầy người bây giờ vắng lặng, khoảng đất dưới gốc cây phượng ngoài sân lốm đốm những cánh hoa đỏ ối rơi đầy, nhìn xa tưởng như có ai rắc một mớ than hồng lên mặt đất. Giây phút chờ đợi phát đề thi im ắng nặng nề trôi. Đâu đó tiếng kéo xệch một cái bàn trên nền gạch hoa nghe rin rít rợn người.
Thùng!... Thùng!... Thùng!...
Tiếng trống trường báo hiệu giờ thi bắt đầu. Cô Hồng cầm đề thi lần lượt đi phát cho các bàn rồi chậm rãi đọc lại một lượt cho các thí sinh soát lại. Những cái đầu cúi gầm xuống mặt bàn, tiếng thở phào nhẹ nhõm xen lẫn tiếng chặc lưỡi đầy vẻ lo âu… Phòng thi bỗng chốc xôn xao hẳn lên rồi trở lại cái không khí im ắng ban đầu của nó. Cô Hồng quan sát Linh khá lâu, bất giác cô nhớ lại thời học sinh của mình…
Ngày ấy, bỗng nhiên bố bị lâm bệnh rồi qua đời. Một mình mẹ tần tảo nuôi ba chị em Hồng mà vẫn không đủ ăn. Mới mười sáu tuổi, Hồng đã phải nghỉ học để phụ giúp mẹ kiếm tiền nuôi các em. Biết hoàn cảnh đó, cô Liên chủ nhiệm lớp đã đến nhà động viên Hồng đi học và vận động cả lớp hàng tháng quyên góp tiền giúp đỡ mẹ Hồng. Nếu không có cô Liên hồi đó, chắc chắn Hồng sẽ không có ngày hôm nay. Thấm thoắt thế mà đã hơn 10 năm trôi qua, kể từ khi cô Liên chuyển đi trường khác, Hồng không còn điều kiện để gặp cô nữa. Và hôm nay, không ngờ quả đất xoay tròn…
Hai tiếng đồng hồ dành cho đề thi toán trôi qua hơn một nửa. Cô Hồng đứng ở một bên cửa ra vào nhìn khắp một lượt phòng thi. Ánh mắt của cô đảo khắp phòng thi và dừng lại thật lâu ở chỗ Linh. Linh đang nhíu mày suy nghĩ, mồ hôi lấm tấm trên trán. Bất chợt Linh ngước nhìn và bắt gặp ánh mắt cô Hồng, Linh cúi xuống bối rối. Thấy vậy, cô Hồng đi lại chỗ Linh ngồi và nhìn vào tờ giấy nháp đầy những hình vẽ chằng chịt của Linh. Cô hiểu bài làm của Linh đang bị vướng ở con toán hình cuối cùng.
Cô Hồng đi về phía bục giảng, lấy phấn vẽ lên bàn để giải bài toán và chẳng khó khăn gì cô đã tìm ra cách giải. Cô Hồng đi xuống chỗ Linh ngồi và chỉ tay vào hình vẽ trên giấy nháp của Linh.
- Định lý…
Cô Hồng dừng lại đột ngột khi thấy ánh mắt của Linh không nhìn theo ngón tay cô chỉ mà đang ngước lên chăm chú nhìn cô. Giọng Linh nhỏ nhẹ:
- Thưa cô, các bạn ấy biết đấy!
- Không sao đâu em – Cô Hồng bối rối.
Bỗng giọng Linh trở nên cương quyết:
- Không! Cô để tự em làm… Mẹ em là cô giáo, em không thể để các bạn ấy coi thường mẹ em, coi thường em. Mỗi người phải tự tìm lời giải cho mình.
- Xin lỗi em!
Mặt cô Hồng ửng đỏ, cô rút vội bàn tay lên như chạm phải lửa và quay trở về bàn giáo viên như một người đang trốn chạy. Linh ngước nhìn theo cô, rồi lại cắm cúi làm bài tiếp…
Chỉ còn hơn mười phút nữa là hết giờ thi. Thí sinh đã nộp bài khá đông. Phòng thi trở nên rộng thênh thang khi chỉ còn khoảng mười người ngồi rải rác. Cô Hồng cảm thấy sốt ruột vì không biết Linh đã làm được chưa. Cô nhìn Linh với ánh mắt lo âu lẫn cảm phục. Nhưng kìa! Linh đã đứng dậy đem bài lên nộp. Cô Hồng hồi hộp cầm lấy bài làm của Linh lên xem. Cách giải của Linh không được ngắn gọn nhưng vẫn đi đến một kết quả đúng.
Đợi cô Hồng xem xong, Linh mới lí nhí nói vài lời cám ơn cô Hồng rồi chào cô ra về. Cô Hồng tiễn Linh ra cửa xúc động nắm chặt tay Linh nói:
- Nhờ có em hôm nay mà cô đã không tự đánh mất chính mình. Buổi thi này, chính em đã giúp cô trở về cương vị của một giáo viên đích thực. Cám ơn em nhiều.
Tiếng trống trường rung lên nói lời chia tay giữa Linh và cô Hồng. Cô nhìn theo cho đến khi bóng Linh nhòa vào trong nắng./.
                                                                      Ngày 01/09/1997
ĐÀO THU HƯƠNG


                                                                                     











ĐI CÂU

           

            Nghỉ hè, nó được về quê chơi ít hôm. Thấy hai thằng cạnh nhà cũng bằng tuổi nó đi câu cá, nó xin đi theo. Biết nó là con gái thành phố, chưa quen câu cá, một thằng tuyên bố:
            - Ai câu được thì hưởng, không chung đâu nhé!
            Nó bằng lòng. Nghĩ đến đi câu cá, được giải trí là thích rồi. Ngoài chợ bán đầy cá, nhà nó thiếu gì tiền mà không mua được cá về ăn.
            Gần một tiếng đồng hồ trôi qua, nó mỏi mắt chăm chú theo dõi chiếc phao câu mà không thấy động tĩnh gì. Bờ bên kia, thằng bạn nó ngửa người ra sau giật mạnh, chiếc cần câu uốn cong, nổi lên mặt nước là một con rắn.
             Cậu ta bình tĩnh thò tay bóp chặt đầu con rắn cho nó há miệng, tháo lưỡi câu ra rồi vứt vào ruộng lúa gần đấy.
             Từ lúc nhìn thấy con rắn, người nó run bắn. Nó định nhấc cần câu bỏ về thì chiếc phao nhấp nháy rồi thụt xuống nước mất tăm. Thằng bạn kêu lên giục nó “giật đi”. Nó run run cầm cần câu nhấc lên từ từ trong tư thế sẵn sàng bỏ chạy. Khi nhìn thấy chú cá trắng óng ánh mấp mé mặt nước, nó mới dám giật mạnh. Con cá tuột khỏi lưỡi câu, bắn lên bờ, quẫy đành đạch. Nó mừng rỡ vồ lấy chú cá, giữ chặt giơ lên ngắm nghía thích thú. Nó nói một mình: “Khổ thân mày chưa! Nếu mày cũng đáng sợ như con rắn kia thì hôm nay mày được thoát rồi vì nhất định tao sẽ bỏ chạy”. Con cá như hiểu lời nói, khóc đỏ hoe mắt.
            Nó ngần ngừ rồi vứt vội con cá xuống mương. Con cá quẫy đuôi chào nó rồi lặn mất tăm. Nó cầm cần câu đứng dây đi về. Thằng bạn tròn xoe mắt ngạc nhiên hỏi:
            - Định về à? Sao lại thả ? Tiếc thế!
            - Tớ nhìn thấy nó khóc, mắt đỏ hoe.
             Hai thằng bịt miệng cười khúc khích: “Ngốc thế! Cá chầy, con nào mà mắt chẳng đỏ”./.


(Hoa học trò, số 140  ra ngày 15 /08/1996)



























NHẶT CỦA RƠI


            Thằng Hòa em trai tôi đi học về hùng hồn tuyên bố:
            - Mai em sẽ kiện cô giáo!
            - Sao kiện? Chuyện gì thế ?
            Tôi hỏi nó.
            - Bài tập làm văn em viết hay thế mà cô bắt em viết lại!
            - Đâu? Đưa chị coi?
            Nó rút trong cặp bài tập làm văn ra đưa cho tôi. Mới đọc lướt qua tôi đã muốn ngất xỉu. Viết thế này, chẳng trách cô bắt làm lại:
            “Đề bài: em hãy thuật lại một việc tốt của em (hoặc của bạn em).
            Bài làm: Một buổi sáng mùa hè lung linh huyền ảo. Em tung tăng cắp sách đến trường từ sáng sớm tinh mơ. Bỗng em reo lên: Đây rồi! Một cái túi rất to nằm ngay giữa sân trường. Em vội vàng chạy lại mở túi ra xem thì thấy toàn là vàng, đô la… Em xách túi chạy đến đồn công an…..”.
            - Đúng là giàu trí tưởng bở. Cứ làm như cái túi nó nằm chờ mày ở sân trường ấy. Mà ở trường chỉ có cô giáo và học sinh, lấy đâu vàng và đô la để mà đánh rơi? Viết thế này còn định kiện cáo gì nữa?
            Thằng Hòa ngẩn người. Nó chạy sang nhà hàng xóm chơi. Chắc nó đã nhận ra sai lầm của nó. Đó là chuyện của ngày hôm qua.
            Sáng nay mồng một âm lịch. Mẹ dặn tôi phải thổi xôi, thắp hương từ sớm để thằng Hòa đi học về kịp ăn. Thế mà không hiểu sao gần 12 giờ trưa rồi vẫn không thấy nó về. Tôi quyết định lao đến trường. Đang trong tâm trạng lo âu, sốt ruột, tôi bắt gặp cu cậu đang điềm nhiên đứng ăn kem trước cổng trường. Bực mình, không nói câu nào, tôi lặng lẽ lôi cổ nó về nhà.
            - Mày lấy tiền đâu ra mà ăn kem?
            - Ông bà ấy cho em- Nó trả lời tỉnh khô.
            - Ông bà nào? Tại sao người ta lại cho mày tiền ? Nói mau!
            - Sáng sớm nay đi học, em thấy một ông vác một bao tải rách cùng với một bà đội thúng từ trong ngõ đi ra. Ông ta rất vội nên đánh rơi bọc tiền đựng trong túi ni lông rớt xuống đất mà không hề hay biết.
            - Bọc hình gì? To bằng ngần nào? Mày nhìn thấy tiền trong đó à? Tôi cắt ngang.
            - Hình vuông, to bằng cái đầu chị ấy….
              Em không nhìn thấy tiền nhưng nặng lắm. Em vội nhặt lấy, chạy theo đưa cho ông bà ấy. Ông ấy khen em ngoan rồi nhét vào túi em 2.000đ.
            - Sao mày biết là túi tiền?
            - Vì bà kia bảo với ông ấy: “May quá, cháu nó nhặt được gói tiền vàng của ông kìa”.
            Trong óc tôi chợt nghĩ: Mấy hôm nay đài báo liên tục đưa tin về các vụ trộm cắp xảy ra ở địa bàn Hà Nội. Một số vụ là những người bỏ quê lên Hà Nội, đi lao động, mua ve chai và nhặt rác ban đêm.
            - Mày tả hình dáng ông bà kia tao xem? Ông ta thấp, đội mũ cối, mặc quần áo bộ đội cũ, đi dép lê, mặt có một vết sẹo dài. Còn bà kia thì mặc một chiếc áo đen,đội nón rách, da vàng.
             -Thôi đích thị là kẻ gian rồi. Sao mày ngu thế! Không lẳng lặng ôm gói tiền ấy chạy đến đồn công an báo, may ra còn kịp vây bắt.
             -Nhỡ không phải là kẻ cắp thì sao?-  nó vặn lại.
            - Còn nhỡ gì nữa? Đội mũ cối, mặc quần áo bộ đội, đi dép lê, chỉ có bọn ‘’đầu gấu”, không ăn trộm thì việc gì phải vội vội vàng vàng như thế. Mày không thấy sao? Đi nhặt rác thì kiếm đâu ra một túi tiền vàng to như thế? Vụ trộm này lớn đấy.
             Mặt Thằng Hòa đần ra. Nó ân hận vì đã chót cầm tiền của một kẻ ăn cắp. Nó tiếc vì đã bỏ qua một cơ hội lập chiến công.
            Bỗng trong đầu tôi lóe lên một ý nghĩ:
             - Mày có nhớ hai tên đó đi về hướng nào không?
             - Đi về phía chợ?
            Quên cả ăn trưa, chỉ lo hai tên trộm tẩu thoát, cứ thế tôi lôi thằng Hòa đi về phía chợ với một chút hy vọng mỏng manh, may ra bọn chúng chưa bỏ đi xa. Vừa đi tôi vừa vạch cho thằng Hòa phương án bắt trộm.
             - Khi nào phát hiện thấy, mày sẽ bám theo, còn tao chạy đi báo công an, nghe chưa?
            -Chị  ơi em sợ lắm! Tay nó túm chặt tay áo tôi.
            - Sợ thì mày đi báo công an tao bám theo vậy.
            - Hai chị em tôi lách qua đám đông ở chợ, để tiến về khu nhà lá của dân nhặt rác mà người ta quen gọi là khu nhà ổ chuột. Đến cuối chợ bỗng  thằng Hòa reo lên:
            - Đây rồi chị ạ!
            Tiếng reo của nó làm tôi run bắn người. Ông bà kia cũng phát hiện thấy nó. Thằng Hòa lùi lại định chạy nhưng không kịp. Ông kia mừng rỡ lao vào ôm chầm lấy nó cười tít. Tôi nhìn dưới chân ông bà kia: chiếc thúng và bao tải rách vẫn còn nguyên. Trên thúng là chiếc mẹt bày hương, hoa, tiền vàng mã… có lẽ ông ta đang xếp dở những tập tiền vàng âm phủ cho vào bao tải rách để dọn hàng về./.


( Báo Giáo Dục Sáng Tạo Tp. HCM, số ra tháng 9/1996)



ÔNG TÔI

           

            Nhà ông tôi to và đẹp nhất nhì ở thành phố. Ông tôi là tiến sĩ, hiện là giám đốc một nhà máy lớn.
            Một buổi sáng mùa đông lạnh buốt, mưa phủ kín từng nóc nhà. Tôi trùm chăn bông ngồi xem ti vi ở nhà ông, chợt có tiếng ngõ cửa. Tôi vội chạy ra mở cửa, trước mắt tôi: Một cậu bé ăn mày.
            Chiếc áo mỏng sờn rách, ướt sũng nước mưa, dính chặt vào tấm thân gầy gò của cậu bé. Tay run run, cậu bé chìa chiếc nón rách trước mặt tôi:
            - Cho cháu xin bát cơm.
            Tôi chăm chú nhìn cậu bé, lưỡng lự rồi nói:
            - Nhà không có gì đâu, đi đi!
            Cánh cửa vừa được khép lại thì cũng là lúc ông tôi từ nhà dưới đi lên. Ông gọi cậu bé ăn mày vào nhà, cởi quần áo rồi lau khô người cho cậu ta. Ông lấy bộ quần áo cũ, nhưng vẫn còn lành lặn của ông đưa cho cậu bé ăn mày mặc. Chiếc bánh mì, phần ăn sáng của ông cũng được nhường cho cậu bé. Ông nói:
            - Cháu ăn đi, và đợi khi nào tạnh mưa hãy đi.
            Cậu bé khép nép trong bộ quần áo rộng thùng thình nhìn ông tôi với ánh mắt biết ơn và ngồi ăn một cách ngon lành.
            Mưa đã tạnh hẳn, cậu bé chào ông tôi rồi lầm lũi đi tiếp. Như sực nhớ ra, ông vội lấy chiếc áo mưa chạy theo đưa nốt cho cậu bé. Khi bóng cậu bé ăn mày đã khuất hẳn, tôi gắt lên với ông:
            - Ông cho nó áo mưa thì mai lấy gì mà đi làm?
            - Mai ông sẽ mua cái khác cháu ạ!
            Ông cười hiền lành, trả lời.
            - Nhưng nhà mình đã phải giàu có gì đâu mà ông cho nó nhiều thế!
            Khuôn mặt ông tôi bỗng buồn hẳn xuống, giọng trầm trầm ông nói với tôi:
            - Một miếng khi đói bằng một gói khi no. Cháu còn bé nên chưa biết đấy thôi. Ông mồ côi cả bố lẫn mẹ từ khi còn nhỏ và cũng phải đi xin ăn như cậu bé này….
            Ông may mắn hơn vì được hai cụ không có con nhận ông làm con nuôi, cho ăn học tử tế nên bây giờ mới được như thế này đấy cháu ạ! Cái nhà này chính là nhà của hai cụ để lại cho ông đấy!
            Tôi nhìn ra cửa, nơi cậu bé ăn mày đứng, tay run run chìa chiếc nón rách xin ăn và tưởng tượng ra cảnh ông tôi ngày bé. Nước mắt tôi bỗng nhiên trào ra….



(Báo Bà Rịa - Vũng Tàu, số 1519, ra ngày 22/08/1997)

















QUÊ HƯƠNG

                                                                       
Cả lớp lặng im, những con mắt đổ dồn về phía tôi khi nghe tôi đọc xong bài văn tả phong cảnh quê hương được cô cho điểm cao nhất lớp hôm nay. Cô giáo đi lại gần, hỏi tôi thoáng một chút nghi ngờ:
- Là một học sinh thành phố, làm thế nào mà em có thể viết được một bài văn tả quê hương sâu sắc, chân thật và gần gũi đến như vậy?!
- Thưa cô… bà em… giúp em ạ!
- Sao? Em vừa nói gì? Bà em viết hộ em à?
- Thưa cô, không ạ!... vâng, đúng ạ!
Tôi nhìn ra hàng phượng vĩ trước sân trường và chợt nhớ đến mùa hè năm ấy…
Tháng 5, bố đưa tôi về quê nội. Quê nội tôi, một xóm nghèo bên kia sông Hồng. Biết bao lần, tôi đã mơ ước được về thăm quê, thăm bà, thế nhưng mới bước chân lên con đường làng lầy lội, lớp nhớp bùn sau cơn mưa, nhìn những mái nhà tranh thấp tè ẩm ướt sau luỹ tre làng, tôi đã bắt đầu thất vọng. Tôi không dám cằn nhằn nhưng ấm ức nghĩ thầm: "Sao mà bẩn thế! Biết thế này, mình chẳng đòi bố cho về nữa".
Bố tôi tươi cười chào người làng, có lúc lại còn đứng lại nói chuyện với một bác gánh phân. Bữa cơm trưa hôm ấy, bà tôi tấm tắc khen ngon và gắp vào bát tôi miếng thịt luộc. Tôi gắp ra nhăn mặt: "Mỡ thế này, cháu ăn làm sao được!"
Bố chan cho tôi canh cua, mới ăn được một miếng tôi đã vội kêu lên: "Canh chưa cho bột ngọt, nhạt lắm, lại hoi hoi, con ăn chưa quen". Cả nhà lặng người. Bố tôi tái mặt vì giận.
Tối hôm ấy trăng rằm, bà tôi kê ghế ra ngoài sân nhặt khoai lang và kể cho tôi nghe đủ mọi chuyện. Bà kể rằng, bố tôi đã từ nơi này ra đi. Và chính nơi này, bố tôi đã lớn lên bằng lời ru của bà, bằng đôi tay ẵm bồng của bao người. Bà đã từng mớm cơm cho tôi, nuôi tôi khôn lớn ở đây... Tình cảm quê mùa nhưng chân thật. Bà chỉ tay về phía góc trời sáng rực lên và bảo đó là Hà Nội. Bà bảo rằng: " ở Hà Nội sướng hơn ở quê nên ai ai cũng ước ao được sống ở Hà Nội, còn bà thì bà thích ở quê hơn vì bà quen mất rồi. Nếu cháu cứ ở Hà Nội mãi, sẽ chẳng bao giờ biết được ánh trăng ở quê đẹp như thế nào đâu!"
Tôi ngước nhìn lên bầu trời xanh thẳm không một gợn mây chi chít những vì sao. Trăng treo lơ lửng trên đầu ngọn tre in đậm lên nền trời. Anh trăng trùm lấy mái nhà và khu vườn rau xanh tốt của bà. Lúc ấy, tôi bỗng nắm chặt lấy tay bà và thốt lên:
"Bà ơi! Trăng ở quê đẹp thật bà ạ!..."
Sau mùa hè năm ấy, bà nội tôi đã ra đi mãi mãi. Hè nào tôi cũng xin bố cho về thăm quê. Quê nội tôi bây giờ cũng khác hẳn, chẳng còn một tý dấu vết nào của ngày xưa nữa. Những dãy nhà hai, ba tầng san sát nhau mọc lên như nấm. Không ai còn nhớ nổi bóng dáng luỹ tre xanh….Tôi cầm bút viết, dồn tất cả tình cảm nhớ thương sâu đậm với bà vào bài tập làm văn tả phong cảnh quê hương hôm ấy… Tôi viết về quê hương tôi với luỹ tre xanh mát rượi và ánh trăng rằm dịu ngọt. Phải rồi, tôi bỗng hiểu ra rằng: chính bà đã làm xanh mãi ước mơ của tôi./.


(Báo BR-VT, số 1504, ra ngày 18/07/1997)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét