Thứ Ba, 13 tháng 11, 2012

PHÓNG SỰ: Những "bà mai" hiện đại


                                                      



                                                                           


NHNG “BÀ MAI” HIN ĐI

        Các cụ thường hay kể lại, ngày xưa, con trai con gái muốn làm quen nhau quả thật là khó khăn. Trước tiên là “bà mối” thay mặt nhà trai đến “đặt vấn đề” với gia đình nhà gái. Rồi sau đó “các bậc phụ huynh” đến “nói chuyện thân mật” với nhau. Rồi “dạm ngõ”, cuối cùng mới đến hai bên “giáp mặt”. Ôi! Lắm thủ tục rườm rà, phức tạp. Chàng trai nào hồi đó mà thiếu kiên nhẫn, chắc chắn sẽ khó mà lấy được vợ.
        Cách đây vài chục năm, tuy “cơ chế” có “thoáng hơn”, song nhiều người do nghề nghiệp, tính tình, vị trí công tác, nên phạm vi giao tiếp hạn hẹp. Nhiều chàng trai tài hoa, có học vị, con nhà khá giả, nhưng kết cục chỉ tìm được một cô hoa hậu… ở cấp phường. Nhiều cô gái có nhan sắc, có trình độ, nhưng ở một vị trí công tác không có điều kiện giao tiếp rộng rãi nên cũng đành chấp nhận lấy người mà mình chưa được toại nguyện.
        Bây giờ thì khác, các bạn thanh niên ngày nay tuyên bố rằng: Nếu muốn chỉ cần mấy ngày “chịu khó tìm tòi” là có ngay chục bạn khác giới để làm quen. Thời hiện đại, nhanh gặp, nhanh quen, tha hồ mà chọn lựa “kinh tế thị trường mà”! Rồi thế nào cũng phải tìm được một người tâm đầu ý hợp để mà kết bạn trăm năm. Đối tượng làm quen không chỉ bó hẹp ở địa phương mình cư trú, mà nếu muốn, có thể mở rộng ra phạm vi cả nước với đủ mọi lứa tuổi, thành phần và ngành nghề khác nhau.
        Làm cách nào vậy? Xin thưa rằng, hãy tìm đến những “bà mai” hiện đại. Những “bà mai” đó là ai? Đó là “nhịp cầu bè bạn”, “nối vòng tay lớn”, “câu lạc bộ làm quen”, “câu lạc bộ kết bạn trăm năm”, “kết bạn”, “CLB tìm bạn bốn phương” trên báo, các trung tâm hôn nhân gia đình… Sự bùng nổ của các “bà mai” hiện đại đang dần dần thay thế các “bà mai” cũ một cách hiệu quả hơn, thực tiễn hơn.
        Cách đây không lâu, một người bạn gái của tôi từ Hà Nội viết thư vào thông báo: “Chúng mình vừa tổ chức lễ cưới. Mình làm quen anh ấy qua một CLB kết bạn trăm năm nên CLB đứng ra tổ chức lễ cưới cho mình. Rất vui. Không biết chúng mình có sống với nhau được “trăm năm” không, chứ hiện tại chúng mình rất hạnh phúc. Anh ấy là một người tuyệt vời, chỉ tiếc là bạn không có mặt…”
        Đúng là tiếc thật, vì tôi đang muốn tìm hiểu về các “bà mai” và những người tìm đến với bà. Sau hôm đó, tôi quyết tâm tìm đến một “bà mai” hiện đại có tên là “Chị Thùy Vinh” ở TP. Hồ Chí Minh. Thấy tôi ngỏ ý là có mong muốn được làm quen với một vài cô “quá lứa lỡ thì” trong CLB làm quen của “bà” để “tâm sự riêng” và xem có thể “giúp đỡ” được gì không, thì bất ngờ bị “bà mai” nổi nóng lên. Bà nói: “Hãy bỏ lối nghĩ cũ đó đi. Đừng cho rằng những người tìm đến chuyên mục của chúng tôi chỉ gồm những cô gái “không lối thoát” hay những ông “không ra gì”! Bạn có biết những người tìm đến chuyên mục của chúng tôi gồm thành phần nào không? Nữ từ 18-35 tuổi, nam từ 18-40 tuổi. 55% trong số họ là học sinh, sinh viên; 25% là cán bộ, giáo viên, công nhân viên đang làm việc tại các cơ quan nhà nước; 15% là bộ đội đang tại ngũ; chỉ có 5% là làm việc tại nhà. Rất nhiều người trong số họ có đến 2 bằng đại học. Nhiều bạn gái đoạt giải nữ sinh thanh lịch, người đẹp thời trang, v.v…
        Sau lần gặp gỡ “bà mai” ở TP. Hồ Chí Minh, tôi vẫn còn bán tín bán nghi và nảy ra ý định muốn làm thử một cuộc điều tra ở mục CLB làm quen trên báo và kết quả cho thấy trong số 1.000 bạn thì có gần 70% là nữ, hơn 30% là nam. Tập trung chủ yếu ở hai lứa tuổi từ 18 – 24 tuổi và từ 28 – 35 tuổi.
        Lần theo các địa chỉ làm quen trên báo, tôi đã có dịp gặp gỡ một số thành viên trong CLB làm quen và đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Nhóm sinh viên Đại học Kỹ thuật, Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh là những chàng trai, cô gái tràn trề sinh lực, hầu hết họ đều có bằng B, C (Anh ngữ), sử dụng vi tính thành thạo, nhiều người đang theo học thêm một lớp Cử nhân Anh văn tại chức. Trả lời câu hỏi của chúng tôi:
        - Mục đích tìm đến CLB làm quen của bạn là gì?
        Bạn Phan Hòa Bình (nam, 23 tuổi), sinh viên trường Đại học Kỹ thuật nói: “Giao lưu – kết bạn là một trong những nhu cầu chính đáng và cần thiết của nam, nữ thanh niên. Qua những buổi sinh hoạt của CLB, chúng em học hỏi được ở các bạn rất nhiều điều. Mới đây, nhờ làm quen với các bạn ở Vũng Tàu mà chuyến đi tắm biển hè vừa rồi bọn em được chỉ dẫn chu đáo, đưa đi thăm các danh lam thắng cảnh ở Bà Rịa – Vũng Tàu và… không mất tiền nhà trọ”.
        Chị N.T.N (nữ, 36 tuổi) là giáo viên của một trường cấp 2 ở thị xã Bà Rịa, tính tình ít nói, trông rất dễ thương, tâm sự: “Nghề của bọn em suốt ngày chỉ tiếp xúc với học sinh nên có ít bạn trai. Phạm vi quan hệ nằm trong khuôn khổ và nghề nghiệp lại mang tính “mô phạm” nên ngay cả các bạn trai muốn đến cũng cảm thấy e ngại. Vì vậy, mà bọn em tìm đến CLB làm quen. Vả lại, không khí của những buổi giao lưu gặp gỡ rất thân mật, cởi mở, làm người ta dễ hòa đồng với nhau hơn”.
        Tiếp tục lần theo địa chỉ trên báo, tôi tìm đến nhà anh Đ.T.Đ là một cán bộ nghiên cứu khoa học bậc trên đại học, năm nay 41 tuổi, độc thân, anh cho biết: “Suốt ngày mình vùi đầu vào công việc, tối lại đi học tiếng Anh, nên không có thời gian đi tìm bạn gái. May mà có CLB là quen nên đến nay đã có khá nhiều cô “để ý” đến mình”.
        Phần lớn mọi người tìm đến các “bà mai” với mục đích: làm quen, giao lưu, kết bạn, học hỏi, tìm bạn đời, song cũng có trường hợp không hẳn như vậy. Nhiều chàng trai có ý đồ tìm đến CLB như tìm một nơi giải trí, chơi bời. Còn bạn N.T.X học sinh lớp 11 ở TP. Vũng Tàu thì hồn nhiên khoe “chiến công” với tôi là chỉ sau hơn 9 tháng có tên trên mục giao lưu kết bạn đã có bộ sưu tập với hơn 100 con tem thư các loại.
        Đến lúc này, tôi mới ngớ người nhận ra rằng: Đối tượng tìm đến những “bà mai” quả thật là phong phú và đa dạng.
        Đó là những người tìm đến. Còn các “bà mai” thì sao? Tình cờ tôi gặp một “bà mai” về hưu có tên P.T.T, trước công tác tại Hà Nội vừa mới vào Vũng Tàu chơi, thăm con cháu. Năm nay, bà 60 tuổi, tóc bạc phơ nhưng nói năng có duyên. Chẳng trách bà đã từng “kết tóc se duyên” cho không biết bao nhiêu đôi lứa. Bà vui vẻ tiếp chuyện chúng tôi và lần lượt nhớ từng câu chuyện đã xảy ra cách đây đã nhiều năm. Bà nói: “Chúng tôi có trách nhiệm tìm hiểu tính tình, sở thích, hoàn cảnh và thẩm tra tư cách đạo đức của những ai muốn đến với CLB và sau đó tổ chức cho họ làm quen nhau. Từ làm quen đến yêu nhau lại là chuyện khác. Rồi từ yêu nhau đến lấy nhau lại là cả một khoảng cách xa vời. Hàng năm, ước tính trung bình có khoảng 200 người đủ mọi lứa tuổi đến CLB chúng tôi và mỗi năm, vài đôi trong số họ được chúng tôi tác hợp thành, hầu hết họ sống hạnh phúc. Chưa phát hiện thấy đôi nào “đứt gánh giữa đường”, có rất nhiều đôi khi đã tìm thấy nhau, họ lặng lẽ rút ra khỏi CLB. Chính vì vậy mà không thể nào kiểm soát nổi, thống kê hết những đôi đã tác hợp thành. Sau một thời gian thư từ qua lại, hai bên mong muốn gặp nhau, xét thấy đã đến độ thắm thiết chúng tôi mới tổ chức cho họ gặp nhau. Trước đó, chúng tôi phải mở một lớp “tập huấn” ngắn ngày về cách trang điểm, làm đẹp, biết cách làm duyên, cách giao tiếp ứng xử cho các bạn gái. Có khi còn chuẩn bị cẩn thận, kỹ lưỡng hơn cả đi thi “hoa hậu toàn quốc” ấy chứ! Còn đối với các bạn nam thì sao? Phải “bổ túc” về môn “tâm lý học”, kinh nghiệm giao tiếp với các bạn gái. Đôi khi cũng cần phải trang điểm thêm chút ít cho những chàng trai kém hình thức. Cái khó của một buổi tổ chức giao lưu kiểu như thế này là làm sao phải tạo ra được một quang cảnh trữ tình và một không khí ấm cúng kiểu gia đình để các thành viên trong CLB bớt đi những mặc cảm, tự ti, e ngại và từ đó thân mật, gần gũi, cởi mở với nhau hơn. Một tháng một lần chúng tôi tổ chức họp mặt CLB và sinh hoạt định kỳ. Cũng có khi các buổi hoạt động thể thao, văn hóa, công tác xã hội, nói chuyện chuyên đề, v.v… Ngoài ra, vào các dịp hè, chúng tôi tổ chức đi tắm biển hay đi picnic vào các ngày nghỉ cuối tuần, lễ, Tết. Tết năm nào chúng tôi cũng tổ chức họp mặt vì quang cảnh ngày Tết thích hợp hơn. Lệ phí đóng góp cho những buổi gặp gỡ hoặc đi như vậy tùy thuộc vào sự quyết định của các thành viên trong CLB. Để kết thúc câu chuyện, bà kể cho tôi nghe một mẩu chuyện vui có thật trong quãng đời làm “mai mối” của bà. Đó là trường hợp của anh P.H.T mang ký hiệu M253 có mong muốn được làm quen với chị N.T.S mang ký hiệu H 582. Thư qua, thư lại, ngày càng thêm mặn mà thắm thiết… Xét thấy đã đến lúc tưởng như hai người không thể sống thiếu nhau được nữa, CLB mới tổ chức cho họ gặp mặt. Hôm đó, cả hai anh chị ăn mặc rất đẹp và chuẩn bị chu đáo mọi tình huống đã được “học thuộc lòng” từ trước. Nhưng đến lúc gặp mặt nhau, họ mới ngã ngửa người nhận ra là hàng xóm ngay sát nhà nhau và nghe nói đã có những chiến tích về chuyện cãi lộn nhau mấy lần…”
        Các “bà mai” ra đời đều có ý tưởng và mong muốn tốt đẹp. Song không phải trong trường hợp nào mong muốn đó cũng được thực hiện. Một cô giáo chủ nhiệm ở một trường cấp 3 ở Bà Rịa – Vũng Tàu đã phàn nàn rằng: “Tôi không thể tưởng tượng nổi, có những em học sinh lớp 12, năm cuối cấp mà một ngày nhận được trung bình 3 - 4 lá thư gửi đến. Đọc hết 3 – 4 lá thư, rồi viết thư trả lời, còn thời gian đâu mà học hành thi cử. Gần đây nhà trường đã phải cấm các em không được viết thư, không được lấy địa chỉ của nhà trường để liên lạc. Đã đến lúc các bậc phụ huynh cũng cần phải lên tiếng can thiệp về chuyện này…”
        Tuy nhiên, trong thời buổi nền kinh tế phát triển, cuộc sống ngày càng có xu hướng “công nghiệp hóa” thì sự xuất hiện của các bà mai đang là một nhu cầu cần thiết của nhiều người. Bạn P (đường Hoàng Hoa Thám) TP. Vũng Tàu tiết lộ với chúng tôi rằng: “Em đặt mua báo cốt để theo dõi mục CLB tìm bạn bốn phương”.
        Ngày nay, người ta càng ít chú trọng đến gia đình, họ hàng mà chỉ quan tâm đến giá trị của chính cá nhân đó. Do đó “bà mối” kiểu ngày xưa với ưu thế thân quen cả đôi bên họ hàng ngày càng mất vai trò.
        Nếu nhìn toàn diện và hiểu cho đúng thì các “bà mai” kể trên mang nhiều tính ưu việt. Ngoài mục đích “mối mai” nó còn nhằm mục đích thu hút thanh niên vào những hoạt động lành mạnh, vui chơi bổ ích, nhiều công ty, nhà máy hiện nay chiếm hơn 90% là nữ công nhân như ngành may công nghiệp ở Sài Gòn và Vũng Tàu. Ngược lại, các đơn vị bộ đội lại hầu hết là nam giới. Họ chịu sự quản lý bởi 8 giờ làm việc, sinh hoạt ở cơ quan, đơn vị, nên ít có điều kiện giao tiếp rộng. Nên chăng, các tổ chức công đoàn cần tổ chức các loại hình giao lưu, gặp gỡ thường xuyên giữa các đơn vị với nhau vào những ngày nghỉ cuối tuần, lễ, Tết theo kiểu các “bà mai” nói trên. Các ngành chức năng cũng cần quan tâm hơn nữa và tạo điều kiện giúp đỡ các “bà mai” để các “bà mai” hoạt động ngày càng hiệu quả hơn./.
Xuân Mậu Dần 1997
ĐÀO QUỐC THỊNH









 
TRĂN TRỞ NGHỀ BÁN VÉ SỐ DẠO

            Vé số dạo đất du lịch...
            Một buổi sáng mùa hè trong vắt, bên một quán càfê ven biển Vũng Tàu, tôi đang ngồi mơ màng thả hồn theo những làn gió biển, bỗng một bàn tay đâp nhẹ vào vai. Quay lại, tôi bắt gặp một chú bé ốm nhách, trên tay cầm một tập vé số đang chìa ra trước mặt tôi mời chào:
-         Chú mua giúp con tờ vé số, chú lấy tờ đuôi 53 này dễ trúng lắm chú ơi...
-         Tôi lưỡng lự  và rồi cũng mua giúp chú bé 2 tờ vé số. Chú bé vừa đi khỏi, bỗng xuất hiện 5 chú bé bán vé số khác ở đâu lao đến.
-         Chú mua cho nó sao không mua giúp con??...
-         Cả ngày nay con chưa bán được tờ vé số nào, chú mua giúp con đi...
-         Thôi chú mua cho mỗi đứa một tờ cũng được...
Bọn trẻ tranh nhau mời chào, cảnh ồn ào khiến tôi và một số du khách phải đứng dậy đi nơi khác sau khi miễn cưỡng mua cho mỗi đứa một tờ vé số. Có thể nói, cảnh tượng này đã quá quen thuộc đối với những du khách đặt chân đến đất du lịch biển Vũng Tàu, bởi nơi đây ước tính có trên 300 người bán vé số dạo.
            Một người bán vé số dạo ở Bà Rịa - Vũng Tàu có thể bán được khoảng từ 50 -200 vé một ngày. Mỗi ngày tỉnh này tiêu thụ từ 30-40 ngàn vé xổ số các loại. Như vậy, nếu tính bình quân mỗi người bán được 100 vé một ngày thì ở Bà Rịa – Vũng Tàu ước tính có khoảng 300 đến 400 người bán vé số mà chủ yếu là những người đi bán dạo. Suy rộng ra, mỗi ngày ở các tỉnh Nam Bộ phát hành từ 8-9 triệu vé/ ngày. Như vậy, sẽ có gần 80-90 ngàn người bán vé số dạo. Đó quả thật là một con số không nhỏ.
            Toàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có 33 đại lý cấp I. Các đại lý cấp II và cấp III, công ty không trực tiếp quản lý nên không nắm được. Các đại lý đều tính hoa hồng 10% cho những người bán vé dạo. Như vậy mỗi ngày, mỗi người bán được 100 vé thì sẽ được lời 20 ngàn đồng. Mỗi tháng cũng kiếm được 600 ngàn đồng. Trừ tiền thuê nhà trọ 200 ngàn đồng họ cũng còn 400 ngàn đồng để ăn uống chi tiêu. Đó là chưa kể tiền "lì xì" của khách hàng trúng thưởng. Ở đất du lịch này, bán vé số dạo đã trở thành một nghề sống được và không sợ chết đói. Một số vùng quê nghèo, nếu làm nghề nông có lăn lưng ra đồng cả ngày cũng không thể kiếm đâu ra được số tiền như thế !
            Và những cảnh đời :
            Chị Nguyễn Thị Hồng, 35 tuổi, hiện ở khu nhà trọ trong một con hẻm đường Nguyễn Trường Tộ, phường 3 tâm sự: "Tôi bán vé số ở đây đã được gần 3 năm. Quê tôi ở Huế. Chồng tôi bị bệnh chết. Một mình làm ruộng không đủ nuôi hai đứa nhỏ nên tôi đưa chúng đến đây. Tôi và cháu trai lớn (12 tuổi) ngày ngày đi bán vé số. Cháu gái nhỏ (9 tuổi) ở nhà trông nhà nấu cơm. Mỗi ngày hai mẹ con cũng kiếm được vài chục ngàn, đủ cho ba miêng ăn ".
            - Sao chị không bán vé số ở quê ? Tôi hỏi.
            - Ở đây dễ bán hơn. Đất du lịch, du khách bỏ ra năm ba chục ngàn đồng để mua vé số cầu may là chuyện bình thường.
            - Chị có cho các cháu đi học không ?
            - Cháu lớn  mắc đi bán vé số. Còn cháu nhỏ học lớp 1 buổi tối ở lớp học tình thương.
            Chị Huệ có thâm niên bán vé số gần 3 năm thì lại có một hoàn cảnh khác, chị kể :  "Quê em ở huyện Long Đất. Em lấy chồng và sinh được một cháu gái, sau đó ít lâu chồng em bỏ em để rồi lấy chính em gái em. Uất hận, em bỏ nhà đi lên đây thuê nhà trọ ở và bán vé số kiếm ăn qua ngày. Con em hiện đang gửi ngoại ở quê ". Tôi hỏi chị :
            - Lấy  vé số ở các đại lý có phải trả tiền ngay không?
- Họ cho thiếu nợ. Cuối ngày thanh toán vé cũ, lấy vé mới- chị trả lời.
Sau nhiều ngày lang thang thâm nhập vào đội quân bán vé số dạo, tôi làm quen với một chú bé bán vé số tên Ca, quê ở Long An có đôi mắt đen láy, ngây thơ, trông rất dễ thương. Chú bé kể cho tôi nghe hàng ngày phải đi bán vé số dạo từ nhà trọ, ở một con hẻm trên đường Thùy Vân, đi hết đường Hoàng Hoa Thám rồi dọc theo đường Quang Trung (Bãi Trước) và quay về... Tôi nhẩm tính đoạn đường trên ước chừng 5 km. Như vậy, cả đi và về, một ngày em phải đi 10 km. Và tôi bỗng giật mình khi nghĩ đến một năm, một cháu bé 10 tuổi phải đi hết 3.600km (gấp 2 lần đường từ Hà Nội vào TP. Hồ Chí Minh) để kiếm sống mưu sinh ?! Tôi hỏi cháu: "Bố mẹ đâu?" "Bỏ nhau rồi!" "Cháu ở với ai?" "Với mẹ" "Mẹ đâu?" "Cũng đi bán vé số "  "Sao không đi cùng mẹ?" "Đi cùng mẹ bán được ít " "Một ngày cháu bán được bao nhiêu vé?" "Hơn trăm vé" "Gần trưa rồi sao không về nhà ăn cơm" "Trưa tự mua bánh mì ăn, chỉ có buổi sáng và buổi tối mẹ mới nấu ăn ở nhà". Cậu bé còn kể cho tôi nghe có lần cậu bị bọn trẻ lớn hơn cướp tiền và mua vé số không trả tiền. Những người xung quanh còn kể cho tôi nghe chuyện năm kia, có một cậu bé chạc tuổi này đi bán vé số qua đường bị xe ô tô cán chết...
Vẫn biết để ổn định cuộc sống cho những người lao động không nghề nghiệp nhập cư từ nơi khác đến là rất khó khăn, song làm thế nào để những người bán vé số dạo vẫn thực hiện được việc mưu sinh mà không làm phiền lòng các du khách ở đất du lịch này là câu hỏi đang cần lời giải đáp. Ai sẽ đảm bảo cho những người bán vé số dạo khi họ đau ốm bệnh tật hay không còn khả năng lao động ? Trong lúc cả nước đang tích cực phấn đấu xóa mù chữ, nâng cao mặt bằng dân trí thì việc học hành của các em nhỏ đi bán vé số dạo này sẽ giải quyết ra sao ?
            Các công ty xổ số kiến thiết hoăc những đơn vị thu lợi nhuận từ vé số nên chăng lập ra quỹ từ thiện, quỹ bảo hiểm xã hội để giúp cho họ lúc rủi ro, đau ốm bệnh tật. Đó cũng chính là thực hiện chủ trương chính sách đối với người lao động của Đảng và nhà nước ta.../.

(Đặc san Báo Giáo Dục và Thời Đại, số 45, ra ngày 08/ 11/ 1998)























VUI  BUỒN  NGHỀ  GIA 

                                                       

            Có một nhóm sinh viên đang bươn trải kiến sống bằng kiến thức của mình. họ là những chàng trai, cô gái chưa tới tuổi 30. thành phần xuất thân của họ thật đa dạng, từ nghèo khó cho đến khá giả, nhưng cái chung mà họ có là chí tự lập. những chàng  trai, cô gái ấy đã giới thiệu cho nhau việc làm, giúp nhau trong nghề nghiệp và để chia sẻ với nhau từng niềm vui, nỗi buồn của nghề  " gia sư ".

            Hiện nay, ở Vũng Tàu có khoảng 5 câu lạc bộ (CLB) gia sư, được hình thành theo cách ấy. Mỗi CLB có chừng 3- 40 thành viên, điển hình là CLB gia sư 94 Bà Triệu và CLB gia sư 405 Trương Công Định.
            Chủ nhiệm CLB gia sư 94 Bà Triệu, bạn Nguyễn Thanh Sang cho biết: Nếu sinh viên nào có điều kiện tự tìm được nơi dạy thì hưởng cả 100% thù lao, trường hợp do CLB đứng ra giới thiệu thì trích phần trăm chi phí cho CLB. Tháng đầu tiên, mỗi sinh viên được giới thiệu đi dạy nộp 30% học phí thu được, từ tháng thứ 2 trở đi chỉ phải nộp 10%. Số tiền nộp cho CLB được dùng để trả tiền thuê điện thoại, thuê địa điểm giao dịch, tiền quảng cáo trên báo chí và chi phí cho các buổi sinh hoạt, hội họp rút kinh nghiệm theo định kỳ.
            Giá cả dạy kèm của các gia sư được tính toán theo cấp lớp. Với thời gian dạy 3 buổi / 1tuần, mỗi buổi 2 tiếng đồng hồ thì cấp I thu 15.000 đồng  /buổi. Cấp II học cả 3 môn Toán, Lý, Hóa, thì thu 300 ngàn đồng / tháng, nếu chỉ học một môn thì thu 250 ngàn đồng/ tháng. Đối với cấp III dù học một hay cả 3 môn cũng đều thu học phí 300 ngàn đồng/ tháng. Giá thu học phí như vậy được các gia sư áp dụng khi chỉ dạy một học sinh, còn nếu tổ chức dạy một tiết học 3-4 em thì học phí chung cho cả nhóm là 400-500 ngàn đồng/ tháng.
            Thực tế hoạt động của các CLB hiện có ở Vũng Tàu cho thấy, CLB nào có đông thành viên tham gia thì càng có điều kiện đáp ứng đầy đủ yêu cầu, nguyện vọng các bậc phụ huynh về mặt chất lượng chuyên môn. Chẳng hạn, sẽ dễ dàng chọn gia sư phù hợp từng đối tượng học sinh và từng môn học. Trường hợp người đang dạy bị đau ốm hoặc có công chuyện đột xuất phải nghỉ thì CLB có thể kịp thời "điều động" gia sư khác đến ngay, hoặc sẵn sàng thay đổi gia sư, nếu phụ huynh có yêu cầu...
            Cái lợi của các gia sư khi tham gia dạy kèm tại gia là có cơ hội ôn lại kiến thức cũ, nhất là môn Anh văn, Toán, Lý...và tự rút ra kinh nghiệm học tập cho bản thân mình. Chính vì vậy mà có những bạn sinh viên con nhà khá giả vẫn hăng hái dạy kèm nhiều nơi. Bạn T, sinh viên năm thứ tư Đại học KT hiện đang làm "sư phụ" một nhóm 5 em học sinh lớp 11 ở TP.Vũng Tàu phấn khởi cho biết: em cũng như nhiều bạn trong CLB có hoàn cảnh gia đình thật khó khăn. Riêng em đã làm thử nhiều nghề như phát hành báo, tiếp thị, cắt tóc, sửa chữa xe máy, rồi làm thợ may... nhưng rồi nghề nào cũng có cái khó riêng của nó. Đến nay, mới thấy mình có duyên nợ với nghề "dạy kèm".Thu nhập cũng tạm đủ qua ngày. Mỗi lần đứng lớp, em thấy mình chững chạc thêm lên…
             Nghề gia sư cũng có rất nhiều kỷ niệm vui buồn. Bạn M. Sinh viên tốt nghiệp ĐHSP kể lại : "Em dạy cho một cậu ấm học lớp 2, đang học bỗng dưng cậu ta đòi đi chơi đá bóng. Em không cho thì cậu ta khóc toáng lên... thế là phải xuống nước, dỗ dành, thuyết phục...Em vừa là cô giáo lại vừa là người bảo mẫu của gia đình... Bạn N, sinh viên năm thứ tư, K39, Đại học mỏ địa chất kể: "Em được CLB giới thiệu đến dạy cho một cậu học sinh lớp 9. Mới buổi đầu tiên "lên lớp", đang thao thao bất tuyệt một lúc chợt nhìn xuống thì cậu ta đã lăn ra bàn ngáy o o... Hỏi ra mới biết, cậu ta mê bóng đá, tối qua thức  xem bóng đá thành ra ... thiếu ngủ !".
            Bạn C, sinh viên năm cuối ĐHKT phấn khởi kể thành tích 3 năm liền kèm cặp một học sinh từ học lực trung bình trở thành một học sinh khá giỏi và cuối cùng thi đỗ Đại học. Dịp 20-11 năm rồi, cả cha mẹ và cậu học trò cùng mang hoa đến tặng "tạ ơn thầy", làm C cảm động muốn rơi nước mắt.
            Thực tế, chẳng có một gia sư nào lại không mong học sinh dạy kèm của mình đỗ đạt hoặc đạt thành tích cao trong học tập. Bởi vì đó không phải chỉ là kết quả phản ánh năng lực và uy tín nghề nghiệp của mình mà còn là niềm vui không thể giấu nổi của các gia sư. Chẳng thế mà bạn L, sinh viên năm thứ tư, ĐH Mỏ địa chất đã phải nhảy cẫng lên khi nghe tin cậu học trò dạy kèm tại gia đậu phổ thông trung học cơ sở. Tuy nhiên, bên cạnh niềm vui lớn là những nỗi buồn: Có những gia sư đến với lớp dạy kèm không phải vì lương tâm, mà chỉ vì...  lương tháng ! Có sinh viên đến lớp chỉ việc ra bài tập cho học sinh làm, còn mình thì giở sách riêng ra... học. Một phụ huynh có con học kèm phàn nàn : Con tôi mê chơi, nên tôi mới phải thuê thầy về dạy riêng chủ yếu là ép nó phải học ở nhà, nhưng vớ phải một "chị gia sư" còn ham chơi hơn con tôi mới là mệt. Một hôm bất chợt về nhà, nhìn thấy cái cảnh cả gia sư và trò đều chúi mũi chơi đánh bài, nên đành phải thanh toán tiền học phí và mời cô giáo đi dạy nơi khác. Có một phụ huynh lại kêu ca: Tôi đã phải thuê đến 2 gia sư rồi mà cuối cùng vẫn phải chào thua vì cả 2 cô đều không thể nào giải nổi bài toán cô cho về nhà. Thôi khỏi học thêm gì cho mệt...
            Bên cạnh đó, lại có những phụ huynh chỉ biết quăng tiền "mua chữ" cho con. Họ sẵn sàng khoán trắng việc dạy dỗ con cho các gia sư. Con chây lười, biếng học, thậm chí ngỗ nghịch, họ đổ lỗi các thầy không làm tròn trách nhiệm của mình.
            Có thể dễ dàng nhận thấy, gia sư không phải là một nghề nhàn hạ. Nhưng ngày càng có nhiều sinh viên trẻ tìm đến với nghề, cho thấy đây là cứu cánh giúp họ có điều kiện "lấy ngắn nuôi dài": giải quyết cuộc sống trước mắt để chuẩn bị thêm kiến thức, đặt cơ sở cho việc tiến thân lập nghiệp về sau./.


( Báo Vũng Tàu Chủ Nhật, số ra ngày 02/ 11/ 1997)

































Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét