Thứ Sáu, 9 tháng 11, 2012

TRANG TÌNH YÊU HÔN NHÂN HẠNH PHÚC GIA ĐÌNH



                            
 GHEN VỚI QUÁ KHỨ

        Ghen cũng được xem là một biểu hiện của tình yêu. Chẳng có người nào yêu lại không ghen, song ghen với quá khứ là cái ghen không bình thường, không chỉ mang đến sự ngộ nghĩnh, tức cười, mà đôi khi còn tác động không tốt đến tình cảm, hạnh phúc hiện tại của gia đình họ. Xin được nêu một vài ví dụ:
        Anh NVD vừa cưới vợ được 10 ngày thì được cử đi học dài hạn ở xa. Hết thời gian đi học trở về, anh phát hiện vợ anh ngoại tình và đã có bầu với một người đàn ông khác. Và thế là họ chia tay nhau. Nếu tính tổng cộng thời gian mà anh chung sống với vợ có lẽ chưa đầy một tháng và tình cảm của họ cũng chẳng có gì sâu sắc nên anh mau chóng quên người vợ cũ. Một thời gian sau anh gặp chị TTM. Hai người thương nhau và quyết định tiến tới hôn nhân. Càng ngày chị TTM càng yêu anh hơn và càng yêu anh bao nhiêu chị lại càng ghen tức với người vợ trước của anh mà chị không hề biết mặt. Chị bắt anh phải trả lời một loạt câu hỏi, đại loại như: “Bây giờ anh có còn nhớ chị ấy không? Chị ấy có đẹp không? Tối đến anh và chị ấy thường làm gì?...”. Mặc cho anh trả lời rằng bây giờ anh mới tìm thấy tình yêu thật sự và chính chị là người anh yêu nhất… thật tình anh đã quên vợ cũ của anh từ lâu rồi v.v… Song chị vẫn không tin và cách vài ngày chị lại “hỏi cung” anh bằng những câu hỏi tương tự như vậy. Cũng may, anh hiểu tâm trạng của chị nên tỏ ra cảm thông. Tình trạng ấy kéo dài cho đến khi đứa con đầu lòng của họ ra đời.
        Anh NVQ đã một lần tan vỡ hạnh phúc vì lấy phải người vợ suốt ngày chỉ thích số đề, cờ bạc. Thời gian chung sống với vợ là chuỗi ngày đau khổ của anh, bởi những trận chửi bới, lục đục. Nhiều lần thua bài, vợ anh Q. đã trốn khỏi nhà, để mặc anh với những con nợ đến gây sự và bắt anh phải thay chị trả nợ v.v… không chịu nổi cách sống của vợ, anh Q đành phải ly hôn. Sau đó anh kết hôn với chị ĐHH và dồn hết tình cảm của anh cho chị. Một lần, khi anh Q. đang ôm ghì chị vào lòng thì bất ngờ bị chị hỏi: “Trước đây anh có ôm vợ cũ của anh chặt như thế này không? Anh quen chị ấy trong trường hợp nào? Chị ấy có yêu anh nồng nhiệt không?...”. Những câu hỏi như vậy đã làm anh phải buồn bực mà trả lời rằng: Anh muốn quên và đã quên chuyện cũ từ lâu, sao em cứ nhắc đến làm anh đau khổ và bị phải nhớ lại làm gì? Chị nhận biết tình cảm mà anh đã dành cho chị, và nghe lời anh không hỏi nữa, nhưng chỉ được vài hôm thì chị lại nhỏ nhẹ: “Cho em hỏi nốt câu này nữa thôi nhé! Trước đây, chị ấy có được anh âu yếm như thế này không?...”.
        Trường hợp của anh NĐV và chị HTN còn tệ hơn. Trước khi chung sống cả hai người đều có một đời chồng, một đời vợ. Sau khi chắp nối tình cảm, họ rất tâm đầu ý hợp và ngày càng gắn bó nhau hơn. Khổ nỗi, cả 2 người thỉnh thoảng lại nổi cơn ghen với chồng cũ, vợ cũ của nhau. Một lần chị N. thấy anh V. đi làm về mệt nên chị muốn được chăm sóc anh. Chị giúp anh lau mặt, gội đầu và kỳ cọ người cho anh trong lúc tắm. Anh V. nhìn chị âu yếm và cảm thấy rất hạnh phúc, song cũng chính lúc đó bỗng mắt anh tối sầm lại. Anh hỏi chị giọng nghi ngờ: “Cô tắm cho nó như thế này bao nhiêu lần rồi?”. Chị ngớ người ngạc nhiên hỏi: “Tắm cho ai?” “Thằng chồng cũ của cô ấy”. Đang vui vẻ, nhắc đến chuyện cũ, chị N. buông rơi chiếc khăn tắm chạy vào giường nằm khóc. Tưởng thế sẽ là bài học rút kinh nghiệm chung cho cả 2 người, không ngờ chỉ ít lâu sau, vô tình trong lúc dọn nhà chị nhặt được một chiếc ảnh cũ, đúng lúc đó chị N nhìn thấy anh đang xem ảnh, chị lại gần và nhận ra ảnh đám cưới người vợ cũ của anh, bỗng mặt chị tái đi. Chị đay nghiến anh và tra khảo: “Anh phải yêu nó lắm thì mới cười toe toét thế kia, chứ hôm cưới tôi, có thấy anh cười đâu?”. “Thế mà anh bảo là trước đây không có hạnh phúc! Đồ dối trá lừa đảo!”. Không khí trở nên căng thẳng khiến V. phải quát lên: “Nếu không thích thì mai chia tay. Đừng bày đặt ghen tuông vớ vẩn…”.
        Những trường hợp vừa đơn cử trên đây là những nỗi bất hạnh ở cuộc hôn nhân lần thứ nhất. Họ tìm thấy hạnh phúc thực sự ở cuộc hôn nhân lần sau. Song đáng tiếc là vì quá yêu nên chứng ghen của họ đã xuất hiện. Ghen với quá khứ là cái ghen vô lý, thường có ở những người giàu trí tưởng tượng. Tuy nhiên, những người hay ghen kiểu như thế cũng nên tự kiềm chế và phải hiểu rằng: Ghen với chuyện cũ chính là đào sâu thêm cái hố ngăn cách trong quan hệ hiện tại của họ và rất có thể là nguyên nhân dẫn đến tan vỡ hạnh phúc gia đình./.
                                                Ngày 13/07/1998
                                              ĐÀO QUỐC THỊNH








CON CÁ BẮT TRƯỢT

           
            Các bạn nam nữ thanh niên trước khi xây dựng gia đình ít nhiều cũng đã trải qua một vài mối tình hay ít ra cũng đã từng “để ý” hoặc “thầm yêu trộm nhớ” một vài người.
            Khi có gia đình, có người đã nhanh chóng quên đi và coi đó như là một kỷ niệm hoặc đó là một lần vấp ngã, để rồi dồn sức vun đắp cho hạnh phúc hiện tại của họ. Song cũng có không ít người đã mang nặng những ảo tưởng, coi đó là “đỉnh cao” của tình yêu. Chính điều đó đã làm ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống và hạnh phúc hiện tại của gia đình họ, đôi khi còn là nguyên nhân dẫn đến tan vỡ hạnh phúc gia đình. Xin được nêu một vài trường hợp:
            Chị H. và anh D. yêu nhau từ hồi còn là sinh viên năm thứ nhất đại học. Mối tình của họ đẹp và thơ mộng kéo dài suốt 5 năm học. Ra trường, do cả hai đều không xin được việc làm ở TP Hồ Chí Minh nên họ phải chia tay nhau, mỗi người trở về quê hương của mình. Sau nhiều năm bặt tin, tình cờ mới đây họ đã cùng đưa cả gia đình vào công tác và sinh sống ở thành phố Vũng Tàu.
             Những kỷ niệm cũ nảy sinh với những cuộc hẹn hò, gặp gỡ….và thế là giông tố ập xuống gia đình họ. Sau nhiều lần thấy anh D. đi làm về muộn, chị A (vợ anh) đã bí mật theo dõi và phát hiện thấy chồng mình thường xuyên cùng chị H. tâm sự ở quán cà phê. Lập tức chị A. làm ầm ĩ lên và viết đơn khiếu kiện đến cơ quan chị H. Chuyện đến tai anh Q (chồng chị H) và thế là dù không bắt được vợ mình quan hệ bất chính, anh Q. vẫn kiên quyết đòi ly hôn bởi anh cho rằng; Nếu quan hệ đàng hoàng sao không mời về nhà nói chuyện? Chỉ vì những kỷ niệm xưa mà hạnh phúc của cả hai gia đình chị H. và anh D. đang đứng bên bờ vực của sự đổ vỡ.
             Trường hợp của chị M. và anh K. khác hơn, chị  M. và anh K. cùng học với nhau năm lớp 12 ở phổ thông trung học. Ở tuổi học trò, ngoài mấy lần rủ nhau đi ăn chè và có một lần anh K. cầm tay chị  M. khi ngồi chơi với nhau bên bờ biển thì không có gì khác hơn. Sau đó K. đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài và họ cũng không liên lạc thư từ qua lại với nhau. Thế nhưng chị M. đã tự ngộ nhận cho đó là mối tình đầu của chị và bị ám ảnh suốt nhiều năm liền khiến cho chị đã khước từ những lời tỏ tình của nhiều chàng trai khác muốn đến với chị. Chỉ đến khi biết tin K. đã lấy vợ và ở lại nước ngoài, chị M. mới quyết định nhận lời lấy anh T.(một kỹ sư cùng cơ quan). Cứ tưởng thế là xong và sẽ chẳng có gì đáng nói nếu như chị M. không thường xuyên lấy K. ra làm “người mẫu” để so sánh và tệ hại hơn là để “lên lớp” với anh T. Đã có lần do quá bực bội, anh T. đã nổi nóng quát M. rằng: “Thằng K. là thằng nào mà cô cứ cho nó là nhất. Sao cô không lấy thằng xuất khẩu lao động đó đi..”. Cứ tưởng thế là chị M. im, nào ngờ chị lại lớn tiếng biện bạch: “Đấy là do anh ấy không có điều kiện học lên nữa thôi, chứ nếu được học hành tử tế như anh lại không giỏi hơn anh chứ à..” Những cuộc khẩu chiến như thế khiến anh T. không chịu nổi buộc phải làm đơn ly dị …
            Chị L. yêu anh B, nhưng chỉ một thời gian ngắn anh B. đã bỏ chị để chạy theo một người phụ nữ khác nhan sắc hơn. Chị L. rất đau khổ và chỉ một thời gian sau chị may mắn gặp anh P. (hơn hẳn B về mọi mặt) và nhanh chóng kết hôn.
             Cứ tưởng chị hạnh phúc, nào ngờ những người bạn gái thân thiết xung quanh chị đã phải giật mình hốt hoảng khi nghe chị tâm sự: “Mặc dù vẫn biết B. là kẻ phụ bạc và anh P.chồng mình là người rất tốt, rất yêu thương mình, nhưng không hiểu sao nằm bên cạnh chồng mà mình vẫn cứ nhớ tới B…”
            Trên đây chỉ là 3 ví dụ trong hàng trăm ngàn trường hợp xảy ra tương tự. Dân gian có câu “Con cá bắt trượt là con cá to” quả đúng như vậy. Những cái tuột khỏi tay thì người ta mới tiếc, còn những cái hiện đang co, dù rất quý giá người ta cũng không thấy hết giá trị của nó, và không biết giữ gìn./.

(Báo Bà Rịa - Vũng Tàu, số 1644, ra ngày 03/06/1998)






























ĐỪNG ĐÙA CỢT VỚI TÌNH YÊU


           
            20 tuổi, tôi đẹp rực rỡ như một bông hoa mới nở và nổi bật lên giữa đám bạn bè cùng trang lứa. Như biết bao cô gái đến tuổi, tôi có khá nhiều chàng trai theo đuổi. Có thể nói, nếu muốn, chỉ cần tôi gật đầu một cái là có ngay các chàng “vệ sĩ” tự nguyện, “lái xe ôm” miễn phí theo tôi đi bất cứ chỗ nào.
            Một vài chị lớn tuổi, từng trải, vỗ vai tôi nhắc nhở:
            “Coi chừng đó nghe! Hãy tự lượng sức mình và cẩn thận khi quyết định chọn lựa”. Người tôi chọn lựa là một chàng trai vừa mới tốt nghiệp đại học sư phạm ở TP HCM về nhận công tác ở tỉnh BR-VT. Công bằng mà nói, anh ta cũng vào loại, cao ráo, sáng sủa và nói năng rất có duyên. Tuy nhiên, nếu so với “top ten” liên doanh, nghệ sĩ, thương gia vây quanh tôi thì rõ ràng anh còn thua họ. Đã thế, anh chẳng có tài cán gì đặc biệt, ngoài cái tiếng là thời sinh viên anh học rất giỏi. Về mặt kinh tế thì anh lại vô cùng khiêm tốn. Chiếc xe đạp anh đi, thật khó mà tìm thấy màu sơn. Vậy nhưng, tôi vẫn cho rằng việc tôi quyết định lựa chọn anh là điều sáng suốt và đúng đắn. Tôi cảm nhận rất rõ rằng, tôi với anh cùng đồng cảm với nhau về mọi phương diện. Mỗi lần anh xuất hiện, tôi thấy mình như bị nghẹt thở, hồi hộp và sau đó là những câu chuyện tưởng chừng như không bao giờ chấm dứt. Anh là một chàng trai giản dị bình thường. Dù yêu anh nhưng tôi vẫn nhận ra rằng: anh chẳng có vẻ gì hấp dẫn và có sức hút đối với con gái. Thế mà, tất cả những cái “mờ nhạt”ấy lại tạo thành một hợp lực hút tôi vào với anh. Những cái giản dị ở anh như một lời hứa hẹn với tôi một cuộc tình“trăm năm hạnh phúc”như mọi người vẫn thường chúc tụng cô dâu trước lúc bước lên xe hoa.
            Từ ngày anh đến với tôi và mặc dù biết tôi đã ngả hẳn về phía anh, nhưng vẫn còn nhiều chàng trai chưa từ bỏ ý định theo đuổi tôi. Khách quan mà nói, ngồi nghe họ tán tỉnh, săn đón mình, tôi cũng thấy thích. Tôi chỉ phải cho họ những nụ cười, những cái gật gật đầu, và những câu đùa vui đáp lễ mỗi khi hứng chí. Ngoài ra chẳng có gì khác hơn. Nhiều anh chán nản bỏ cuộc song cũng không ít anh kiên trì đeo bám. Trong số đó phải kể đến một anh chàng thương gia giàu có vừa bỏ vợ và một chàng họa sĩ mới vào nghề. Chàng họa sĩ thì vẽ tặng riêng tôi không biết bao nhiêu là tranh, trong đó có cả bức họa chân dung của tôi. Còn chàng thương gia thì khoe với tôi là mới ký kết được một hợp đồng kinh tế béo bở. Các chàng đụng nhau chan chát ở trước cổng nhà tôi, có lúc song song cùng tôi tiếp chuyện mà không ai chịu nhường nhịn bỏ về trước làm tôi phải ôm bụng nhịn cười.
            Tất cả những điều đó tôi đã kể hết với anh. Những lúc như vậy, anh im lặng và có vẻ rất buồn. Cho tới một hôm, khi tôi vừa từ chối lời mời của ba, bốn chiếc xe Drean II cùng đến một lúc để ngồi lên chiếc xe đạp cũ rích của anh để đi chơi thì sự cố bắt đầu xảy ra. Anh nghiêm mặt nhìn tôi nói:
             Em hãy chấm dứt cái trò đùa cợt thiếu tế nhị này đi! Nó xúc phạm đến anh đấy.
            Tôi cười và liếc nhìn anh bằng con mắt tinh quái, trêu chọc.
            Anh kỳ cục thật! Em có làm gì đâu? Họ theo đuổi em là quyền của họ chứ!
            Lúc đo, tôi thấy ánh mắt anh tối sầm lại. Anh nói ngắt quãng trong hơi thở hổn hển:
             Em… em không được quyền làm cho họ hy vọng. Đừng nên làm như thế!
            Thế anh bảo em phải làm thế nào? Không tiếp họ nữa à? Hay là chấm dứt mọi mối quan hệ với đàn ông?...hoặc em cư xử thật mất lịch sự để họ phải bỏ về ?!
             Em thừa hiểu phải làm thế nào. Một mối quan hệ trong sáng trên cơ sở tình bạn là cần thiết. Song đừng mượn nó để mơn trớn lòng mình là sai lầm không thể chấp nhận được. Em tự suy nghĩ lấy điều đó. Anh không muốn nói nhiều về chuyện này.
             Quả thật, tôi cũng nhận thấy những điều anh nói là hoàn toàn đúng, song không hiểu tại sao, tôi vẫn thấy cần những buổi nói chuyện với các chàng trai tán dương tôi. Tôi tự bào chữa cho chính mình rằng: mình không đi chơi riêng với ai, không hứa hẹn, thậm chí không ngồi chung xe với họ vì bất cứ lý do gì là được rồi. Còn như tán tỉnh, trêu chọc, theo đuổi là quyền của cánh đàn ông. Chẳng ai có quyền bắt ép được họ. Tại sao chỉ vì chuyện đó mà anh bảo mình là đùa cợt.
            Những buổi gặp gỡ với những chàng trai vẫn cứ tiếp diễn. Những buổi nói chuyện phiếm bên những chàng trai say gái cũng có những cái thú vị riêng của nó…
            Cho tới một hôm, anh tới nhà tôi và “đụng” phải anh chàng họa sĩ. Mấy chị  xung quanh nhà tôi lại thì thào: “ Hai đối thủ đụng độ, chúng mày ơi” rồi bấm nhau cười khanh khách. Lúc đó anh nghe thấy nhưng vẫn im lặng. Cả ba chúng tôi ngồi nói chuyện được một lúc thì tôi cáo từ đứng lên để đi chơi với anh như mọi lần. Song thật bất ngờ, anh từ chối, nói với tôi rằng anh bận việc phải về trường ngay. Hôm sau tôi nhân được một lá thư của anh viết cũng giản dị như con người của anh vậy: “Anh đã nghĩ nhiều về em. Đến với em chân thật bao nhiêu thì chia tay em anh cũng muốn chân thật bấy nhiêu. Em đã khơi dậy tình yêu cháy bỏng ở trong anh và cũng chính em đã làm nó lụi tàn. Anh không muốn mình tiếp tục bị xúc phạm. Một lúc nào đó, em hãy thử nhìn lại những sự việc đã qua xem sao? Thật đáng tiếc khi mọi chuyện đã trở thành kỷ niệm… Chia tay, anh chỉ muốn nói với em một điều: Cách sống và sự chín chắn đối với em là  cần thiết. Chúc em mọi sự tốt lành”.
            10 năm trôi qua, bây giờ anh đã có một gia đình hạnh phúc, còn tôi vẫn sống một mình đơn độc. Tôi vẫn giữ lá thư của anh như giữ một báu vật và có những khoảnh khắc tôi nhớ anh đến điên dại. Từ khi chúng tôi chia tay đến nay, tôi vẫn chưa tìm thấy một tình cảm nào khác như tình cảm tôi đã có với anh. Và những buổi trò chuyện với các chàng trai si tình kia bỗng trở nên vô vị đến nỗi nó chấm dứt từ lúc nào tôi cũng không biết./.


(Báo Giáo Dục và Thời Đại, số 1511, ra ngày 03/02/ 1998)




















BI KỊCH TỪ NHỮNG CUỘC HÔN NHÂN TÍNH TOÁN VỤ LỢI


            Trai gái yêu nhau, và khi hai bên cảm thấy đã có tương đối đầy đủ các điều kiện cần thiết, họ quyết định tiến tới hôn nhân. Hôn nhân có thể nói, là một biểu hiện cao đẹp nhất của tình yêu. Thế nhưng, điều này không phải đúng trong mọi trường hợp. Đã có rất nhiều cuộc hôn nhân nhằm thực hiện mục đích, ý đồ cá nhân của một trong hai cá thể. Bản chất tốt đẹp của tình yêu trong những cuộc hôn nhân đó đã bị biến mất, thay vì, đó là sự tính toán vụ lợi. Một vài ví dụ sau mà chúng tôi dẫn chứng cho thấy họ thực hiện hôn nhân là có chủ đích cá nhân.
            Chị N.T.H., 25 tuổi, quê ở Phước Tỉnh, Long Đất, có nhan sắc, nhưng chỉ sau một lần đi xem bói bị thầy bói nói là không có con, chị đã hoảng sợ và vội vã lấy chồng như để kiểm nghiệm lời thầy bói. Một năm sau chị sinh con trai. Cứ tưởng sự việc sẽ kết thúc ở đây, nhưng không, lời của ông thầy bói kia luôn ám ảnh chị. Vì quá lo sợ mất con nên chị đã quên cả chức năng làm vợ. Thấy vậy anh M. chồng chị H. đành phải làm đơn xin ly hôn. Chị H. nhanh chóng thuận tình và coi như không có chuyện gì xảy ra vì chị đã đạt được mục đích là sinh con.
            Không ít người do liên tục gặp thất bại trong cuộc đời đã tìm đến hôn nhân như tìm một nơi ẩn náu. Anh N.V.P (TP. Vũng Tàu) sau 3 lần thi trượt đại học đã quyết định lấy vợ để nương náu những bất hạnh của mình. Chị  N.T.L.sau 3 năm chung sống với anh N.V.P đã khẳng định rằng: Đó là cuộc hôn nhân bất đắc dĩ, anh N.V.P sống như một cái bóng mờ.
Những trường hợp bị người tình ruồng bỏ hoặc phụ bạc, ngay sau đó họ đã vội vã lấy vợ, lấy chồng để khỏa lấp nỗi buồn và khoảng trống tình cảm cũng là những trường hợp tương tự như vậy.
             Có người tìm đến hôn nhân như tìm một nấc thang để leo lên danh vọng, địa vị, tiền bạc. Họ nuôi ý định dùng cuộc hôn nhân này làm bệ phóng để tiến tới các vị trí làm việc béo bở trong xã hội. Anh Đ.K.M. là một ví dụ. Trong suốt 3 năm anh đã không ngần ngại đeo bám con gái một vị giám đốc, mặc dù giữa 2 người khá chênh lệch, cô gái ấy bị dị tật, còn anh ta cũng chẳng có tình yêu. Và khi cưới xong, cái uy của ông bố vợ đã liên tục cho anh nhiều may mắn, được đưa đi học đào tạo nguồn, được nâng đỡ để nắm giữ một trọng trách trong nhà máy. Lúc đó người vợ bất hạnh chỉ còn là một cái bóng mờ trong mắt anh ta…
            Trong thời kinh tế thị trường hiện nay đã xuất hiện nhiều cuộc hôn nhân nhằm mục đích vật chất. Có nhiều người vào đời với hai bàn tay trắng, nhưng sau một cuộc hôn nhân có mục đích đã làm chủ một sản nghiệp lớn. Anh N.V.T đã bỏ cô vợ trẻ ở quê cưới một “chị” lớn hơn mình 15 tuổi ở TP. Hồ Chí Minh, chỉ vì chị ta có căn nhà mặt tiền trị giá hơn 200 cây vàng.
            Cũng có những khi không cần tiền bạc mà chỉ cần một yếu tố hỗ trợ nào đấy, họ cũng sẵn sàng rủ nhau đi tới phòng đăng ký kết hôn. Anh P.H.Đ quê ở Thái Bình tốt nghiệp trung cấp kế toán, không xin được việc làm, vào Vũng Tàu chơi, tình cờ quen biết chị V.H.S. hơn anh 5 tuổi, có nhà riêng ở TP. Vũng Tàu, họ tìm hiểu loa qua và chỉ 6 tháng sau hôn lễ được tổ chức. Cưới vợ xong, không những anh Đ. có nơi ăn chốn ở đàng hoàng mà còn nhờ vợ xin được việc làm.
            Hiện tượng một số cô gái tìm cách lấy chồng việt kiều, ngoại kiều cũng là một kiểu hôn nhân nhằm mục đích tương tự.
            Trong nhiều gia đình được tạo lập theo các cách kể trên, họ vẫn biết chịu đựng vì sự tồn tại của cả hai và thực sự cả hai cũng đang cần dựa vào nhau để sống, để vụ lợi. Tuy nhiên, đó chỉ là những biểu hiện bên ngoài, từ nơi sâu thẳm trong trái tim họ vẫn có những khoảng trống rỗng không gì khỏa lấp. Vì vậy, chỉ cần một trận gió nổi lên là lập tức cái “tổ ấm” vốn được làm bằng chất liệu giả sẽ tan rã. Bi kịch của những cuộc hôn nhân nhằm tính toán vụ lợi chính là ở chỗ đó./.
           
(Báo Bà Rịa - Vũng Tàu, số 1574, ra ngày  17/ 12/1997)
























Cần có cái nhìn đúng mức, cảm thông
với chị em KHÔNG MAY MẮN

             Trước đây, do định kiến xã hội mà người phụ nữ nếu vì một lý do nào đó không lấy được chồng đã phải sống đơn độc suốt đời. Điều này đến nay vẫn còn hiện hữu trong ý thức của nhiều người, làm thành bức rào ngăn cản những phụ nữ muốn tìm đến niềm khát khao được làm mẹ.
             Vì thế, những người phụ nữ không lấy được chồng nếu dám “liều mình” có con thì ngay lập tức trở thành đối tượng phán xét của người đời, khiến họ phải lẩn tránh hoặc có những quyết định tiêu cực khác. Ngày nay, cùng với sự tiến bộ của xã hội về mọi mặt, ý thức về quyền sống tự nhiên của con người ngày càng được khẳng định, cách nhìn nhận về người phụ nữ cũng khác hơn. Trong thực tế có không ít phụ nữ vì nguyên nhân nào đó, không có điều kiện lập gia đình. Thế nhưng, dù không có chồng, họ vẫn khát khao có một đứa con.
            Xét ở nhiều góc độ khác nhau, chúng ta thấy niềm khát khao ấy là chính đáng và về khách quan, đang cần phải được cảm thông. Sức mạnh của niềm khát khao làm mẹ đã làm cho người phụ nữ quá lứa lỡ thì chấp nhận mọi mất mát hy sinh, kể cả vật chất và tinh thần.
Chị NTH, 39 tuổi làm nghề bán vé số ở nhà trọ đường Nguyễn Trường Tộ, P3, TP. Vũng Tàu là một ví dụ. Chị quê ở Long An. Cách đây 5 năm, người phụ nữ nông dân ấy đã buộc phải rời bỏ đồng ruộng, quê hương để đến Vũng Tàu sinh sống. Lúc ấy chị đã 34 tuổi và nhận ra không thể trông chờ vào “duyên số”, chờ một người đàn ông cưới mình về làm vợ. Niềm khát khao có một đứa con ngày một lớn dần. Thế là chị quyết định bỏ quê hương… Chị tìm đến TP. Vũng Tàu khi đã có bầu được hơn 1 tháng. Những người buôn thúng bán bưng xung quanh phòng trọ nơi chị ở đã giúp chị qua cơn vượt cạn. Bây giờ đứa bé đã 5 tuổi. Chị bằng lòng với quyết định của mình và tâm sự với mọi người là chờ cháu lớn thêm chút nữa sẽ đưa cháu về sống ở quê chứ hiện nay chỉ  là tạm bợ mà thôi.
            Trường hợp chị V.H.Q. phần nào nhẹ nhàng hơn. Chị là công nhân của một xí nghiệp may ở TP. Vũng Tàu. Cũng giống như chị H, chị Q đã ngoài 30 tuổi mà vẫn chưa thấy ai “nhòm ngó”. Nhiều đêm chị thao thức, nước mắt ngắn dài buồn vì phận mình không có một mái ấm gia đình như những người khác. Thế rồi chị chủ động đi tìm… và mang bầu như kết quả của một lẽ đương nhiên. Chị em trong tổ thương chị, bàn với chị nên đi phá thai để giữ thể diện, để khỏi bị kỷ luật. Chị Q nước mắt lưng tròng lên gặp tổ chức xí nghiệp kể hết ngọn ngành và xin được nuôi con. Kết quả là không những chị Q không bị kỷ luật mà còn được các đoàn thể xí nghiệp tạo điều kiện giúp đỡ chị trong lúc sinh nở. Bây giờ cháu bé đã 3 tuổi. Sau giờ tan ca, mỗi lần nhìn ánh mắt rạng rỡ của chị khi đón con, người ta cảm nhận được niềm hạnh phúc tột cùng trong đôi mắt ấy.
            Hạnh phúc đó cũng đồng thời đã đến với chị N.T.C.N. Khác với 2 trường hợp trên, chị NTCN cũng có hình thức ưa nhìn, nhưng cả thời xuân sắc, chị miệt mài với khoa học đến khi sực tỉnh với những nhu cầu riêng tư thì đã quá muộn màng. Với cái tuổi 40 trong cương vị lãnh đạo một cơ quan, nghĩ tới, nghĩ lui, biết rằng chị khó lòng tìm được một người chồng, chị N.T.C.N đã xin từ chức. Rất ít người hiểu nguyên nhân. Hơn một năm sau chị sinh con theo mong ước của mình. Niềm khát khao được làm mẹ đã thôi thúc chị hy sinh cả địa vị để đổi lấy một điều rất thường tình như những người phụ nữ khác.
            Chắc chắn sẽ còn nhiều trường hợp tương tự như trên tiếp tục xảy ra. Dư luận hẳn còn nhiều ý kiến trái ngược về hiện tượng những người phụ nữ không chồng mà có con. Vấn đề đặt ra ở đây là không thể vì thiên chức làm mẹ của những cô gái không lấy được chồng mà dẫn tới bi kịch kế tiếp; phá vỡ hạnh phúc của một gia đình, của một người phụ nữ khác. Dư luận xã hội cần có cái nhìn đúng mức, thái độ cảm thông với những số phận không may mắn của những phụ nữ như đã nêu ở trên và trong xã hội./.

(Báo Bà Rịa - Vũng Tàu, số 1557, ra ngày  17/11/1997)
























KHEN CHÊ THẾ NÀO CHO ĐÚNG

           
Trong cuộc sống vợ chồng, một lời khen đúng lúc sẽ làm cho bạn đời của mình thêm yêu mình hơn. Một lời chê khéo chẳng những làm cho bạn mình tiến bộ, sửa chữa thiếu sót mà còn thêm cảm phục mình. Đáng tiếc có nhiều người, chỉ vì không biết cách khen chê và khen chê không đúng lúc, đúng chỗ nên đã là nguyên nhân của những cuộc cãi lộn không đáng có, làm căng thẳng bầu không khí gia đình. Không khí gia đình đang “hòa bình” bỗng chốc biến thành “chiến tranh” và đôi khi dẫn đến những “cuộc chiến đấu một mất một còn” để bảo vệ danh dự của đôi bên…
            Ngày chủ nhật trời nắng nóng, chị A. tranh thủ mang đống quần áo của chồng con ra giặt. Mồ hôi vã ra ướt đầm. Thế mà chồng chị đi chơi về nhìn thấy chiếc cổ áo trắng của anh vẫn còn chưa sạch, lập tức anh buông một câu gọn lọn:
            -  Có cái cổ áo giặt cũng không sạch. Bẩn như hủi !
            Vốn không phải hiền lành, lại đang lúc mệt nhọc, chị A nhảy cẫng lên tranh luận:
            - Biết là bẩn sao cứ bám vào. Này, nói cho mà biết, cũng chỉ tại cái đồ bẩn như hủi, mặc áo hàng tuần không giặt nên mới để cái cổ áo đen kịt như thế. Có mà đến cụ tổ nhà anh giặt cũng không sạch chứ đừng nói tôi.
            À, cái con này láo! Mày giặt cho tao vài bộ quần áo mà mày lôi cụ tổ tao ra mà chửi à?
            Và thế là cuộc tranh luận bằng mồm đã chuyển sang bằng … chân tay.
            Cũng ở trường hợp như vậy nhưng K lại xử sự khôn khéo, tế nhị. Chị V vợ anh là con út được chiều từ bé, không phải làm gì nên vụng chân vụng tay, nấu ăn không ngon. Anh lựa dịp nói với vợ:
            - Ở cơ quan anh, bọn nó nói với nhau là chắc vợ ông K không biết nấu ăn hay sao mà lần chiêu đãi nào ông ấy cũng lôi bọn mình ra quán. Tuần tới anh quyết định mời chúng nó về nhà ăn cơm để em cho chúng nó “biết tay”.
            Và thế là quả đúng như anh K dự đoán, suốt một tuần chị V. hết tìm “quân sư” chỉ dẫn lại tự mình mua sách dạy nấu ăn về thực hành. Cuối cùng thì bữa tiệc liên hoan tại gia cũng làm vui lòng các “thực khách” của cơ quan anh.
            Biết cách chê đã khó, ngay cả khi khen cũng không phải không có lúc “dại dột”. Anh Q. sinh ra ở nông thôn nhưng công tác và lấy vợ thành phố. Bản chất siêng năng cần cù chịu khó nên hết giờ làm việc về nhà là anh tranh thủ ra dọn dẹp cuốc đất trồng cây. Thấy anh chịu khó, chị N vợ anh vừa cười toe toét vừa khen:
            Gớm, chăm làm thế ! Chắc lâu không được làm ruộng nên nhớ phải không? Vừa rồi, em thuê một thằng “cửu vạn” mất 20 ngàn đồng mà nó làm chỉ bằng nửa anh thôi. Hì hì ! Lần sau cứ thế phát huy nhé !
            Thấy vợ tỏ ý coi thường mình, nên anh Q. động lòng đỏ mặt.
            - Cái loại ăn sẵn nằm ngửa, không nghề nghiệp gì, gặp được thằng nhà quê nó rước cho là may phước lắm rồi. Nếu không thì lấy… cám mà ăn. Đừng có lên mặt khinh người.
            Chị N sững người nhìn chồng và biết mình bị mắng oan nên chị chạy vào buồng ôm mặt khóc thút thít.
             Chị T biết chồng thương mình yếu đuối nên thường xuyên giặt quần áo cho vợ, chị âu yếm:
             - Làm hết cả việc của em rồi đấy. Để em chơi không à? Hôm rồi mấy chị ở cơ quan em đến chơi, tình cờ nhìn thấy anh giặt quần áo cho em, các chị ấy cứ bảo em tốt số, lấy được người chồng như thế có ăn đói mặc rách cả đời cũng sướng.
            Nhìn ánh mắt chồng, chị hiểu ngay anh đang rất hạnh phúc và cảm động vì lời khen của chị.
            Những câu chuyện kể trên chính là bài học cần thiết cho ta rút kinh nghiệm. Ai cũng biết lời nói chẳng mất tiền mua, song để ứng dụng trong cuộc sống hàng ngày của gia đình lại không phải đơn giản, dễ làm./.

(Báo Giáo Dục và Thời Đại, số 1536, ra ngày 01/ 05/ 1998)


























MỘT LÝ DO KHÔNG THUYẾT PHỤC



            Hết giờ làm việc, trên đường đạp xe về nhà, Hùng bỗng nhìn thấy bên đường, một cô bé vừa đi vừa khóc thút thít, mắt đỏ hoe. Vốn là một chàng trai giàu lòng thương người, anh quay xe lại , đến gần an ủi và ngỏ ý giúp đỡ cô bé. Cô bé nhìn anh tin cậy, rồi không một chút đắn đo, cô đồng ý để anh chở cô về nhà. Cô bé đó tên là Hồng, học sinh lớp 12. Bố mẹ Hồng mất sớm, hai anh em ở với nhau. Anh trai của Hồng bị bệnh phải nằm viện điều trị. Nhà hết tiền. Cô đã phải nghỉ học, đi tìm việc làm thêm, nhưng chưa tìm được. Và đang lúc thất vọng, cô đã gặp Hùng. Biết chuyện, Hùng đã vội vã về nhà lấy số tiền mà anh đã dành dụm được bấy lâu nay mang đến cho Hồng. Anh động viên Hồng tiếp tục đi học. Vài tuần sau anh trai của Hồng cũng khỏi bệnh và khó khăn của gia đình Hồng cũng qua đi. Từ đó, anh trai Hồng và Hùng trở thành bạn thân của nhau. Hùng còn đăng ký với xí nghiệp làm thêm giờ để có thêm tiền mua sách vở và phụ giúp anh trai Hồng đóng tiền học cho Hồng. Bù lại, Hồng cũng không phụ công anh. Năm đó cô đậu tốt nghiệp loại khá và tiếp theo là thi đỗ vào đại học kinh tế. Cuối mùa hè năm đó, khi những cánh hoa phượng đỏ ối rơi đầy trên mặt đất thì cũng là lúc cô đã nắm chặt tay anh nói lời yêu. Mối tình đầu của họ cháy đỏ màu hoa phượng…
            5 năm đại học với biết bao khó khăn chồng chất: tiền ăn, tiền học, tiền mua sách vở, tiền nhà trọ v.v.. Có giai đoạn anh trai Hồng phải nghỉ việc ở nhà vì công ty thiếu việc làm, việc học của Hồng tưởng chừng phải bỏ dở dang nếu như không có Hùng phụ giúp cho Hồng. Những năm tháng gian khổ đó, họ luôn có nhau, gắn bó bên nhau và tình yêu của họ tưởng như không gì chia cắt nổi…
            Nhưng, khi đã tốt nghiệp ra trường, nhờ có học lực khá và cũng thuộc loại “dễ coi” nên Hồng đã xin được việc làm ở một công ty liên doanh với nước ngoài. Trong môi trường mới, cô đã mau chóng hòa nhập, thích nghi với cuộc sống ở thành phố. Khi những buổi dạ hội, những bữa tiệc sang trọng của bạn bè mời mừng sinh nhật được tổ chức ở khách sạn, nhà hàng cuốn hút cô, thì những buổi về thăm Hùng cũng thưa dần. Tiếp xúc với những chàng trai ở thàng phố, biết cách ăn chơi, Hồng thấy cũng hấp dẫn và thú vị. Hình ảnh về Hùng – một anh công nhân suốt ngày với bộ quần áo bảo hộ lấm lem dầu mỡ, vụng về, thô cứng đã trở nên xa lạ và mờ nhạt dần trong suy nghĩ của Hồng. Một lần, nóng ruột vì thấy lâu Hồng không về thăm, sợ cô bị bệnh không có người chăm sóc, nên giữa giờ làm anh xin nghỉ và không kịp thay quần áo, Hùng vội vã ra bến xe về thành phố thăm Hồng. Vừa thoáng thấy bóng anh trước cổng công ty, cô đã nhăn mặt kéo vội anh đến một quán giải khát cách xa nơi làm việc, rồi nói giọng trách móc:
            - Công ty em toàn người có học, lại con nhà giàu. Anh ăn mặc thế này đến, người ta khinh cho đấy !
            Hùng cười xòa, dễ dãi và bảo:
            - Kệ họ chỉ cần em không khinh anh là được.
            Hồng giãy nảy lên:
            - Không được! Họ khinh cả em nữa đấy.
             Bất chợt cô nhìn thấy gói đường và mấy quả chanh mà Hùng mang lên cho cô thì cô cười ngất:
            - Ông ngố ạ ! Mang mấy cái thứ này về nhà mà uống đỡ đi, ở đây người ta quen dùng nước đóng hộp cơ. Nhìn thấy mình uống nước chanh đường họ cười cho đấy…
            Chiều lòng người yêu, anh vui vẻ cầm về mà không hề nghĩ rằng những món quà nhỏ bé thấm ướt mồ hôi của anh đã không còn giá trị như trước đây nữa. Ngày càng có nhiều chàng trai săn đón cô và tặng cô những món quà đắt tiền mà một công nhân lao động như anh không thể nào mua nổi.
             Hai năm trôi qua. Khi mùa hè năm đó đã gần kết thúc, Hùng vẫn không thấy Hồng về thăm anh. Linh tính mách bảo điều không lành, anh quyết định lên thành phố thăm cô. Đến cổng công ty, anh không vào ngay mà ngồi chờ cô ở quán nước đối diện bên đường, đợi hết giờ làm việc. Và rồi anh được chứng kiến điều mà anh đã suy đoán: Anh nhìn thấy cô ngồi sau xe máy vòng tay ôm một thanh niên, miệng cười tươi, khuôn mặt cô tràn đầy hạnh phúc. Hình như họ mới đi đâu xa về. Đợi cho chàng trai trẻ kia quay xe đi khuất, anh mới bước lại gần cô khẽ chào. Một phút bối rối rồi cô cũng trấn tĩnh được lại ngay, bình thản trả lời anh:
            Em có lỗi với anh. Lẽ ra em phải nói với anh điều này sớm hơn. Người  chở em vừa rồi là chồng sắp cưới của em. Chúng em dự định tháng sau sẽ tổ chức lễ cưới. Cám ơn anh đã giúp em rất nhiều trong suốt những năm qua. Em yêu anh nhưng… em sợ cảnh nghèo. Mong anh thông cảm và tha lỗi cho em. Mong anh đừng làm phiền đến cuộc sống của em, có dịp em sẽ trả lại anh tiền…
            Hùng không muốn nghe nữa. Anh bước vội ra bến xe trở về nhà. Trước mắt anh, lại hiện ra hình ảnh cô học sinh lớp 12 gầy gò, ốm yếu, đang khóc đi bên đường…
            Kể lại câu chuyện này, để muốn nói với các bạn  trẻ rằng: cuộc sống như cô gái kia chắc gì không còn gặp hoạn nạn. Và lúc đó… liệu cô có còn gặp được những chàng trai tốt bụng và giàu lòng nhân ái như Hùng nữa không./.


(Báo Bà Rịa - Vũng Tàu, số 1672, ra ngày  07/ 08/1998)













VÌ SAO HỌ CHUNG SỐNG VỚI NHAU ĐẾN GIÀ

            Nhiều nhà xã hội học cho biết: Càng ngày, đời sống hôn nhân trong xã hội càng cho thấy tỷ lệ hôn nhân đang không ngừng gia tăng. Đáng chú ý là ở Phương Tây, đang xảy ra tình trạng các cặp nam nữ thanh niên sống chung không cần hôn thú. Họ xem đó như là một thời kỳ thử nghiệm cho độ bền vững của hôn nhân. Ở nước ta cách đây 40- 50 năm về trước, phần đông các đôi nam nữ lấy nhau là do bố mẹ sắp đặt, cá biệt còn có trường hợp ép buộc gả bán, song họ vẫn chung sống với nhau đến già, và càng về già họ càng gắn bó với nhau hơn.
            Vì sao vậy? Qua tìm hiểu suy nghĩ của các cụ ông, cụ bà ở một số gia đình chúng tôi ghi nhận được như sau:
            Cụ ông N.V.A. năm nay 72 tuổi và cụ bà Đ.T.C. năm nay 71 tuổi ở huyện Xuyên Mộc đều thống nhất nói với chúng tôi rằng họ chẳng nhớ là đã lấy nhau ra sao, chỉ biết là cả 2 người đã từng chơi đùa với nhau từ thủa chăn trâu cắt cỏ, họ ở cạnh nhau. Thế rồi lớn lên họ thành vợ chồng sau một lần nhà ông mang trầu cau sang nói chuyện với nhà bà. Họ không quan tâm đến cái gọi là “yêu nhau” vì điều đó được coi là hiển nhiên kể từ khi họ sống chung trong một căn nhà. Hơn 50 năm chung sống cũng có lúc va chạm, cãi cọ nhau song ý nghĩ về một sự thiếu vắng nhau thì họ không hề biết tới. Càng về già cụ ông và cụ bà càng quấn quýt với nhau hơn và chăm sóc nhau hơn.
            Cụ P.N.H (75 tuổi) lấy cụ bà N.H.B (78 tuổi) ở huyện Châu Đức có khác hơn. Cụ ông là con trai độc nhất nên gia đình cụ bắt phải lấy vợ sớm từ năm 16 tuổi. Cụ chống lại quyết định này của gia đình và trốn khỏi nhà nhưng cuối cùng thì vẫn bị bắt trở lại và vẫn bị phải lấy vợ, mặc dù trước đó vài hôm cụ đã vài lần khóc lóc van xin. Thế nhưng quá trình chung sống đã như một thứ keo đặc biệt gắn bó họ lại với nhau và nhanh chóng lấp đầy khoảng cách trước đó. Hiện tại cụ ông và cụ bà đều rất hạnh phúc. Cụ ông nói rằng: “Nếu hồi  đó tôi chẳng may trốn thoát thì tôi đã để mất một người bạn tốt nhất trên đời này mà không phải ai cũng dễ dàng tìm thấy được – Đó chính là bà nhà tôi bây giờ”.
 Trường hợp của cụ T.V.T (68 tuổi) và cụ bà N.T.N (65 tuổi) có vẻ lãng mạn hơn. Theo lời cụ ông thì ngày ấy cụ yêu một cô gái ở làng bên nhưng bố mẹ cụ bắt cụ phải lấy bà ấy bây giờ. Nể lời, cụ đành chấp nhận. Thời trẻ trung cũng có những điều trăn trở nhưng khi già thì tất cả đi vào bổn phân cụ thể và cụ bằng lòng với hiện tại. Còn cụ bà thì gọi tôi ra một chỗ thì thầm to nhỏ. Cụ cho rằng nói trước mặt ông không tiện chứ cái việc ngày xưa bà phải chịu đựng ai mà chẳng biết. Bà kể rằng hồi còn trẻ, bà yêu khá sớm, người yêu bà tất nhiên không phải là ông. Đến khi bị gia đình ép buộc bà phải làm vợ ông thì bà chỉ biết thở ngắn than dài chứ trong lòng bà vẫn không nguôi tơ tưởng đến người tình cũ. Khi đã làm dâu rồi bà đành cam chịu. Tất cả tình cảm bà dồn cho các con. Sở dĩ sống với nhau đến tận bây giờ là vì ông chẳng có sai phạm gì với bà. Bà cho biết, càng về già bà càng yêu thương ông hơn và nghĩ lại mới thấy chuyện hồi còn trẻ của bà là lãng mạn, vớ vẩn.
            Cá biệt cũng có trường hợp như gia đình cụ ông P.K.M và bà L.K.A. cả 2 ông bà năm nay đã bước sang tuổi 70 hiện đang sống ở thị xã Bà Rịa. Gần 50 năm chung sống với nhau nhưng năm nào 2 ông bà cũng cãi nhau ít nhất là một, hai lần. Mỗi lần cãi nhau là ông hoặc bà bỏ nhà đi nhưng chỉ được một thời gian ngắn là họ không chịu nổi vì nhớ nhau và thế là ông đi tìm bà hoặc bà đi tìm ông. Và để rồi lại cãi nhau… và chỉ đến bây giờ ông bà mới nhận ra rằng họ không thể sống thiếu nhau được.
            Những trường hợp trên, ở thời điểm xuất phát hầu như không thuận lợi hoặc giữa đường trục trặc nhưng họ vẫn đi với nhau đến hết đường. Tuy rằng họ không có khái niệm về tình yêu như những đôi lứa ngày nay nhưng rõ ràng tình yêu của họ đã ẩn náu bên trong. Vả lại khi đã già, khi người ta đã đi với nhau gần hết cuộc đời với bao buồn vui sướng khổ thì cái nghĩa lúc này còn nặng hơn cả tình. Càng nhiều tuổi càng đủ độ chín chắn thì trách nhiệm gia đình càng lớn. Khi đã gần đất xa trời thì tình cảm của họ càng sâu lắng hơn và họ càng thương yêu nhau hơn bao giờ hết. Lúc đó người ta thấy những chuyện hồi trẻ chỉ là những chuyện của thời non dại. Phải chăng, đó chính là nguyên nhân để họ sống với nhau đến già?./.


(Báo Bà Rịa - Vũng Tàu, số 1591, ra ngày  21/01/1998)



















LY HÔN chưa phải là chấm dứt các xung đột

Sau ly hôn, khi đi thêm bước nữa, lập gia đình mới, không ai nghĩ rằng họ sẽ phải đối đầu với sự tan vỡ mới. Trong thực tế, đã có không ít người tan vỡ hạnh phúc 2 lần, thậm chí nhiều lần, do nhiều nguyên nhân khác nhau, song thường gặp là xuất phát từ các mâu thuẫn chủ yếu như: tiền bạc, tài sản, con chung, con riêng, nghi ngờ nhau còn quan hệ với chồng hoặc vợ cũ, lặp lại những sai lầm của cuộc hôn  nhân trước.
            Anh N.V.H. ở  đường Nguyễn Trường Tộ, phường 3, Thành Phố Vũng Tàu, sau khi ly hôn, tòa án giải quyết cho vợ được quyền nuôi con. Chị N.H.C cũng ly hôn và giao con cho chồng cũ nuôi. Sau đó anh N.V.H.và chị N.H.C gặp nhau và nhanh chóng đi đến hôn nhân. Nhưng khi đứa con chung của cả hai được 3 tuổi thì họ lại phải ly hôn lần nữa vì theo anh thì: “Cô ấy vẫn lui tới thăm viếng con riêng, vẫn duy trì quan hệ với chồng cũ”. Còn chị C. lại nói: Anh ấy vẫn lui tới quan hệ với vợ cũ, bao nhiêu tiền bạc anh ấy mang hết về cho vợ cũ, mà không hề ngó ngàng đến mẹ con tôi”.
            Anh N.V.T. ở phường 2 TP. Vũng Tàu ly hôn vợ và sống một mình; chị N.T.N ly hôn chồng và nuôi đứa con gái 2 tuổi. Anh T và chị N chắp nối. Hạnh phúc của họ chỉ ngắn ngủi chưa đầy 1 năm. Đứa con gái bé nhỏ của chị đã trở thành cái gai trong mắt anh. Cứ mỗi lần nhìn thấy chị chăm sóc, âu yếm đứa bé là anh không chịu nổi. Càng ngày anh càng có cảm giác rằng chị yêu đứa con riêng hơn yêu anh. Từ chỗ ngấm ngầm bực bội anh tiến tới đối xử thô bạo với đứa bé. Thương con chị lên tiếng can ngăn, thế là vợ chồng cãi nhau, xô xát. Cuối cùng nhận thấy anh quá ích kỷ và không muốn con mình phải khổ, chị đã nộp đơn xin ly hôn.
            Trường hợp anh N.V.B và bà P.N.D. ở đường Bình Giã còn phức tạp hơn. Cả 2 ông bà đều đã về hưu. Ông 64 tuổi và bà 59 tuổi trước khi chung sống cả 2 đều đã có 1 đời chồng, 1 đời vợ. Mỗi người đều có con riêng, cháu nội, cháu ngoại. Cứ tưởng đến với nhau lúc tuổi đã xế chiều, đã có nhiều kinh nghiệm sống, họ sẽ tìm thấy niềm vui, nguồn động viên an ủi lẫn nhau. Nào ngờ chưa đầy 2 năm chung sống, họ đã thuận tình ly hôn vì tính tình không hợp. Ông B cho biết: “Bà ấy vẫn thường về nhà thăm viếng các con riêng, chăm sóc cháu nội, cháu ngoại và thường xuyên gặp gỡ chồng cũ. Tệ hại hơn nữa là bà ấy còn đánh nghen khi thấy chồng cũ quan hệ với người khác”.
            Chị T.A. ở đường Trương Công Định, TP Vũng Tàu lại thuộc một kiểu sống khác. Chị là một phụ nữ duyên dáng, xinh đẹp, khéo tay và buôn bán giỏi. Chị có tật xấu là mê đánh bài. Nhiều lần chị phải bán cả đồ đạc trong nhà để trả nợ vì thua bạc. Chồng hết lời khuyên can nhưng chị không nghe và họ đành ly hôn. Sau khi lập gia đình lần thứ 2, chị thề là không bài bạc nữa, nhưng chỉ được một năm đầu sau đó ngựa quen đường cũ, chị lại lao vào các sòng bạc và lại tiếp tục nợ nần…. Chịu đựng không nổi, người chồng thứ 2 cũng đành phải chia tay.
            Ông N.V.Q. ở quốc lộ 51B, phường 9 TP. Vũng Tàu đã 1 lần tan vỡ hạnh phúc vì ông mê rượu hơn mê vợ. Suốt ngày ông la cà quán xá nhậu nhẹt với người này người kia, chẳng ngó ngàng gì đến vợ. Người vợ đầu tiên của ông đã phải ra đi để tìm tình cảm khác. Mấy năm sau ông Q. lại cưới vợ. Tưởng lần này ông rút được kinh nghiệm, nhưng không ngờ ông vẫn chỉ biết có rượu. Khuyên can mãi không được, người vợ thứ 2 cũng đành phải chia tay ông.
            Bên cạnh những trường hợp ly hôn như đã nêu ở trên, thì vẫn có nhiều người tìm thấy hạnh phúc thực sự ở cuộc hôn nhân lần sau. Điều ấy phụ thuộc vào tình yêu, sự hiểu biết, thái độ, cách cư xử và thấy rõ những sai lầm, thiếu sót trước đây của mỗi  người.
             Hiện nay, không chỉ riêng ở tỉnh BR- VT mà trong phạm vi cả nước, các vụ ly hôn đang ngày một gia tăng. Ly hôn - nhìn ở nhiều góc độ khác nhau, ta thấy có mặt tích cực, song phần lớn thể hiện sự tiêu cực, mang theo hậu quả xấu cho cả 2 người. Nhưng chịu thiệt thòi nhất vẫn là những đứa trẻ bởi đó là những mất mát tình cảm không gì bù đắp được trong tâm hồn thơ dại.
            Phải chăng, đã đến lúc cần gióng lên những tiếng chuông cảnh tỉnh cho những đôi vợ chồng trẻ bồng bột, hiếu thắng, hễ cứ gặp chuyện gì không vừa ý là đùng đùng đòi ly hôn mà không lường hết những hậu quả xấu sau này. Ly hôn không phải là biện pháp khả dĩ chấm dứt được các xung đột trong đời sống gia đình, mà có khi còn là tiền đề tạo ra những mâu thuẫn mới trong cuộc sống của họ. Mỗi người nếu không tự nhìn nhận được chính bản thân mình, không biết khắc phục sửa chữa những sai lầm sẽ rất dễ tiếp tục mắc phải những sai lầm ở cuộc hôn nhân lần sau./.          

(Báo Bà Rịa - Vũng Tàu, số 1553, ra ngày 10/11/1997)














VƯỢT QUA GIÔNG BÃO


            Tôi gặp anh vào năm cuối sinh viên đại học, trong một dịp đi thực tập ở cơ sở, chuẩn bị cho kế hoạch làm đồ án tốt nghiệp ra trường.
            Anh đến với tôi mộc mạc, chân thành nên đã nhanh chóng chiếm được cảm tình của tôi, mặc dù trước đó một vài chàng trai ngỏ lời yêu tôi nhưng đều bị tôi từ chối. Sau này tôi vẫn thắc mắc với chính mình là chẳng hiểu tại sao, lúc ấy tôi đã nhận lời yêu anh một cách dễ dàng đến vậy.
             2 năm sau, khi việc làm của tôi đã ổn định, chúng tôi quyết định làm lễ cưới. Và một năm sau, đứa con đầu lòng của chúng tôi ra đời. Quả thật, đến lúc đó tôi mới nhận thức đầy đủ rằng: Cuộc sống vợ chồng và xây dựng một mái ấm gia đình hoàn toàn không  đơn giản.
            Bố mẹ anh đều đã qua đời, anh lại là con cả nên phải có trách nhiệm lo cho 2 em của anh nữa. Đồng lương vốn đã ít ỏi của anh lại bị san sẻ nên chẳng còn là bao. Nuôi một mình anh cũng còn phải dè xẻn. Anh lại chẳng biết xoay sở kiếm thêm, vì thế mà từ khi đứa con đầu lòng của chúng tôi ra đời, gia đình tôi lâm vào cảnh khó khăn. Vừa hết thời gian nghỉ sinh con, tôi đã phải vội vã đi làm và còn phải tranh thủ đi dạy thêm ngoại ngữ buổi tối để kiếm thêm tiền. Cuộc sống mưu sinh đầy khó khăn vất vả đã làm cho khoảng cách giữa tôi và anh xa dần. Chúng tôi ít có thời gian nói chuyện, tâm sự với nhau. Ngoài công việc làm thêm và chăm sóc con, tôi tranh thủ vùi đầu vào giấc ngủ để lấy lại sức cho ngày hôm sau. Cũng may là anh tỏ ra cảm thông với tôi. Hết giờ làm việc là anh tranh thủ giúp việc gia đình: cơm nước, giặt giũ, lau nhà, trông con.v.v… Anh không nề hà bất cứ công việc nào. Thế nhưng, từ trong sâu thẳm của lòng mình, đã có lúc tôi chán anh và tiếc nuối thời kỳ con gái. Giá như tôi nhận lời yêu B. thì bây giờ đã có nhà lầu xe hơi hoặc lấy Q.H. thì cũng không đến nỗi khổ như bây giờ, thế mà…
            Khi con chúng tôi bắt đầu đi học lớp một, thì anh may mắn nhận được một số đề tài khoa học. Sau khi được áp dụng, họ trả công anh rất cao. Nhưng thật rủi cho gia đình tôi. May mắn đến với anh thì lại là lúc tôi gặp xui xẻo. Tiền làm thêm dành dụm được anh đưa hết cho tôi để tôi đi mua sắm đồ dùng sinh hoạt trong gia đình, thì tôi đã sơ ý bị kẻ gian lấy cắp. Vừa tiếc của, vừa lo sợ bị anh rầy la, về đến nhà, tôi ôm mặt khóc. Nghe tôi kể, lúc đầu mặt anh tái đi, anh ngồi im lặng hồi lâu, rồi đến bên cạnh tôi vỗ về an ủi:
            - Thôi đừng khóc nữa! Thế là may đấy !
            - May là may thế nào ? Tôi gắt lên  với anh.
            - Hôm vừa rồi, anh đi xem bói người ta bảo, tháng này nhà mình không mất của thì sẽ bị tai nạn xe cộ. Thôi, thế là của đi thay người rồi. May rồi…
            Người tôi bỗng nhẹ đi và nỗi buồn “tiếc của” trong tôi cũng vơi dần … nhưng những năm đó, “vận hạn” liên tiếp giáng xuống gia đình tôi. Sau đó không lâu, một lần khác, tôi không về nhà ăn cơm trưa với anh như thường lệ mà nhận lời mời chiêu đãi ở nhà hàng với một anh bạn trai cùng học hồi xưa mới ở nước ngoài về. Chuyện sẽ chẳng có gì xảy ra nếu như anh bạn cũ chở tôi bằng xe máy không bị tai nạn giao thông và tôi phải vào bệnh viện đều trị một tuần. Điều tôi lo sợ nhất là anh hiểu lầm tôi, song không thấy anh nhắc gì đến chuyện này. Ngày ngày anh vào viện chăm sóc tôi và lo việc nhà tươm tất. Anh còn nói rằng: “Mấy hôm trước, một cô bạn cũ của anh mới ở nước ngoài về cũng mời cả phòng đi nhà hàng. Ai mới về nước cũng mong gặp bạn cũ. Ở bên đó xa quê hương, họ sống thiếu thốn tình cảm, vả lại ai cũng cần có mối quan hệ giao lưu bạn bè… Thấy anh cảm thông và vui vẻ nên mặc cảm “tội lỗi” của tôi cũng mau chóng qua đi. Lẽ thường ở đời, hết mưa là nắng. Những khó khăn của gia đình tôi rồi cũng mau chóng qua đi. Cuộc sống của tôi và anh dần dần đi vào ổn định. Cháu bé ngoan và học giỏi. Tôi và anh cùng được tăng lương.
            Cũng năm đó anh được cơ quan cử đi công tác dài hạn ở nước ngoài. Sau này khi xa anh rồi, tôi mới hiểu được những tình cảm mà anh đã dành cho tôi. Một người bạn thân của anh đã vô tình kể cho tôi biết: Hôm tôi bị mất cắp, anh cũng tiếc của lắm, nhưng nghĩ lại thấy có lo nghĩ buồn phiền cũng chẳng giải quyết được gì, mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe nên anh đã nhanh trí nghĩ ra trò đi xem bói để an ủi tôi…
             Tôi là một phụ nữ có nhan sắc nên từ khi anh vắng nhà, rất nhiều người đàn ông nhòm ngó, ve vãn, song cũng chính lúc này, tôi lại thấy yêu anh hơn bao giờ hết. Biết bao cay đắng, buồn vui và những phút giây hạnh phúc ngọt ngào, anh đã chia sẻ cùng tôi, cùng đi với tôi suốt một chặng đường dài…. Anh đã gắn bó với tôi suốt những tháng năm gian khổ vất vả ấy, lẽ nào bây giờ tôi lại phản bội anh?... Tôi luôn nhủ lòng mình như vậy và hình dung thấy anh luôn bên cạnh tôi vì thế mà tôi đã vượt qua tất cả những cám dỗ xung quanh mình…
            Tôi kể lại chuyện riêng của tôi để muốn nói với các bạn một điều: Lòng chung thủy bao giờ cũng xuất phát từ tình yêu thật sự và cũng chính anh đã tạo được tình yêu thật sự trong tôi./.


(Báo Bà Rịa - Vũng Tàu, số 1668, ra ngày  29/ 07/1998)












KHI HỌ KHÔNG CÒN LÀ MỐI QUAN TÂM CỦA  NHAU

             
            Khi còn đang là sinh viên năm thứ nhất của một trường đại học, chị là một hoa khôi của lớp. Thông minh học giỏi, hiền hậu, rụt rè, nhút nhát và rất nữ tính của chị đã làm cho nhiều chàng trai trong trường để ý đến chị. Biết thế, nên chị đã cố gắng vùi đầu vào bài vở để quên đi những ánh mắt mê mẩn của cánh con trai. Thế nhưng, mỗi lần nhìn vào ánh mắt anh chàng lớp trưởng hay thấy bóng anh xuất hiện chị lại cảm thấy bối rối, xao động. Mỗi lần, anh đứng nói trước lớp, chị lại nhìn anh, chăm chú lắng nghe như muốn nuốt lấy từng lời.
            Mùa hè năm ấy, khi những cánh hoa phượng đỏ rực rỡ khắp sân trường và tiếng ve kêu râm ran, thì cũng là lúc anh ngỏ lời yêu chị. Sau này chị vẫn thường hay kể lại là lúc đó tai chị như ù đi. Mối tình của chị và anh nhanh chóng lan ra cả trường. Nhiều ánh mắt nghen tỵ. Nhiều câu châm chọc ác độc lọt vào tai chị như: “Người đẹp ham giàu, chọn người nhiều của để yêu..”; “Được lớp trưởng giúp đỡ có học dốt cũng không sợ…” đã làm chị rất buồn. Nhiều lúc, chị muốn nói cho mọi người biết rằng: Chị yêu anh bằng tình yêu thực sự chứ không như lời đàm tiếu. Anh là người tốt và chị cũng chỉ muốn yêu một người tốt như anh mà thôi. Chị buồn khổ vô cùng, mặc dù anh luôn bên cạnh chị động viên giúp đỡ, an ủi chị. Có lúc chị tức cả với anh song lại thấy vô lý vì anh có tội tình gì đâu. Và thế là chẳng biết tự bao giờ, chị đã nung nấu một ý chí quyết tâm là phải học giỏi, phải có địa vị, tiền bạc để cho mọi người và cho cả chính anh nữa khỏi khinh mình. Chị lao vào học như điên, và cuối cùng là chị đã đậu tốt nghiệp đại học với tấm bằng loại ưu.
            Ra trường anh và chị đều xin được việc làm ngay và họ đã mau chóng đi đến kết hôn. Sẽ chẳng có gì đáng nói nếu như chị biết bỏ qua những lời đàm tiếu hồi còn là sinh viên mà dồn sức vun đắp cho hạnh phúc gia đình mình song đáng tiếc, chị vẫn cay cú lao theo những ý nghĩ mà chị đã nung nấu từ ngày đó…   Với khả năng tháo vát, thông minh khéo léo chị đã chứng tỏ cho mọi người thấy được năng lực công tác của chị và nhanh chóng chiếm được cảm tình của mọi người. Chỉ một thời gian ngắn, từ một nhân viên chị được đề bạt lên phó phòng, rồi có quyết định đề bạt trưởng phòng, rồi được cử đi học cao học, làm luận án phó tiến sĩ, về lại cơ quan chị được bố trí giữ cương vị phó giám đốc phụ trách kinh doanh. Có thể nói trong vòng 10 năm sau khi ra trường, chị lên khá nhanh. Trong  lúc đó, anh vẫn chỉ là một cán bộ kỹ thuật bình thường. Thương vợ, anh ngày ngày chăm lo công việc gia đình: cơm nước, giặt giũ, đưa đón con đi  học để vợ anh có nhiều thời gian lo học hành và công việc cơ quan. Nhờ vị trí công tác của chị nên kinh tế gia đình anh chị ngày càng khá hơn. Cũng vào lúc đó, đám mây đen đã bao trùm lên mái ấm gia đình họ. Do công việc, thời gian chị giành cho gia đình ít hơn, bữa cơm sum họp gia đình cũng thưa dần, nhạt dần… Ngày chủ nhật anh mời bạn bè đến nhà ăn cơm và bảo chị đi chợ chuẩn bị nấu ăn thì chị gạt phắt đi: “Mất thời gian vào ba cái việc cơm nước làm gì, đã có nhà hàng người ta lo. Thời gian của mình là vàng…”. Quả thật, chị đã quên rằng cái vất vả của bữa cơm hàng ngày chính là niềm hạnh phúc của người vợ và mang lại hơi ấm gia đình cho anh. Môi trường và địa vị đã tạo cho chị cách sống khác. Chị tự cho mình thuộc tầng lớp trên. Nói chuyện với chồng, chị thường dè bỉu chê bai mọi người và chê bai cả chính anh. Nhận thấy ở anh sự kém cỏi về mọi mặt nên chị thường lấy cái tri thức đông tây kim cổ mà chị tích lũy được mang ra để thuyết giáo với anh. Khoảng cách giữa hai người đã xuất hiện và ngày càng lớn dần. Mọi sự chung đụng chỉ còn là bổn phận. Niềm vui nếu có cũng chỉ là riêng lẻ. Trong lúc chị đang say mê với địa vị, thì một hôm sau bữa cơm tối do chính tay anh nấu, anh mời chị ra bàn nói chuyện. Anh đưa tờ đơn ly hôn ra trước mặt chị, nói giọng nghiêm nghị:
            Anh nghĩ rằng, để kiếm một người đàn ông biết phục vụ công việc nội trợ gia đình như anh đối với em không khó. Tốt hơn là chúng ta nên chia tay nhau. Anh có nhiều thời gian hơn nên sẽ đảm nhiệm nuôi con cho em…
            Họ ra tòa và chia tay nhau. Nhiều năm trôi qua, đến bây giờ chị đã ngoài 40 tuổi và vẫn cô đơn một mình. Anh đã có vợ khác. Mỗi lần nói chuyện với chị em phụ nữ chị lại rơm rớm nước mắt và cay đắng kể rằng: “Chị đã có hạnh phúc trong tay mà không biết giữ gìn. Cái bất hạnh lớn nhất của chị là cháu gái từ nhỏ  được bố chăm sóc nên đã luôn gắn bó với bố nó và coi chị như một người xa lạ. Nếu bây giờ cho chị một cơ hội để lựa chọn, chị sẽ đánh đổi tất cả để có anh, có con và để có một mái ấm hạnh phúc gia đình./.


(Báo Bà Rịa - Vũng Tàu, số 1658, ra ngày 06/07/1998)













KHI VỢ HƠN CHỒNG

           
Từ xưa đến nay, người ta vẫn quan niệm:“Người đàn ông là trụ cột trong gia đình”. Và bao giờ cũng phải hơn phụ nữ một cái gì đó. Chính vì vậy mà quyền “lãnh đạo”, “chỉ huy” bao giờ cũng thuộc về các ông chồng. Ngày nay, cùng với sự tiến bộ của xã hội, thực hiện quyền bình đẳng nam nữ nên nhiều chị em đã vươn lên giữ các vai trò địa vị quan trọng của xã hội, làm chủ gia đình và thành đạt trong việc tiếp thị tri thức khoa học kỹ thuật, hơn hẳn các đức ông chồng.
            Chị L.H.M. trước là người mẫu thời trang. Lấy chồng rồi nhưng vẫn còn rất nhiều người đàn ông theo đuổi chị. Thế là chị cho rằng mình hơn hẳn chồng mọi mặt và thừa sức lấy được người hơn chồng mình. Từ suy nghĩ đó chị đã không chú ý chăm sóc, vun vén, giữ gìn hạnh phúc gia đình mà trái lại còn tỏ ra coi thường cả chồng, ngang nhiên đi chơi với những người đàn ông khác ngay trước mặt chồng. Còn chồng chị mới đầu còn ghen, sau thấy không đủ sức để chạy theo giữ chị nữa nên anh đành phải chia tay chị. Kể từ khi anh chia tay chị, chẳng thấy chàng trai nào nhiệt tình với chị như trước nữa, họ lặng lẽ rút lui vì người nào cũng lo sợ chị bám vào mình.
             Chị N.T.C.V. là con gái duy nhất của một gia đình giàu có. Chị không những được thừa hưởng một gia tài lớn của bố mẹ để lại mà còn biết phát huy nguồn vốn đó để nhân lên gấp nhiều lần. Từ một khách sạn nằm ở vị trí thuận lợi của bố mẹ để lại  cho chị, sau vài năm kinh doanh, chị đã mua đất và tiếp tục xây dựng thêm khách sạn thứ 2. Sức mạnh của đồng tiền đã biến tất cả những người xung quanh chị trở thành phương tiện, công cụ của chị. Ngay cả chồng, con chị cũng không nằm trong trường hợp ngoại lệ. Chị luôn cho rằng chồng chị là người hèn kém, không có đầu óc, nên chị làm bất cứ việc gì đều không cần hỏi ý kiến chồng. Sự tôn trọng không còn thì tình cảm cũng mất theo. Và thế là, chị sống trên đống tiền mà vẫn không tìm thấy niềm vui, không tìm thấy hơi ấm gia đình…
            Nhiều trường hợp những người phụ nữ có tri thức, không phải ai cũng tạo dựng được hạnh phúc. Đời sống gia đình của chị N.T.L chính là như vậy. Chồng chị vốn là người yêu từ thủa học trò. Trong lúc chị theo năm tháng cứ qua hết trường này lớp nọ thì anh lại lăn lộn nơi chiến trường. Ngày họ thực sự sum họp trong cuộc sống thanh bình thì chị đã là một trí thức có tên tuổi. Và thế là chị luôn luôn thấy anh thô thiển, kém cỏi so với cái tri thức đông tây kim cổ mà chị tích lũy được. Nỗi buồn len lỏi vào lòng chị và sự mặc cảm trong anh. Khoảng cách giữa hai người bắt đầu xuất hiện và ngày càng lớn dần. Hình như chị chỉ còn mỗi niềm say mê là lao vào khoa học. Đó cũng là một điều bất hạnh của chị khi chị không tìm thấy niềm vui trong hạnh phúc gia đình.
            Những người phụ nữ có địa vị trong xã hội nhiều khi cũng lâm vào tình thế khó xử. Họ quen giữ tác phong “chỉ huy”, “lãnh đạo” mà quên đi vai trò người vợ trong  gia đình. Chị N.P.Q., giám đốc một xí nghiệp sản xuất cỡ nhỏ, nhưng tác phong “ra lệnh” luôn thường trực ở chị. Trong lúc đó, chồng chị chỉ là một nhân viên bình thường ở cơ quan khác. Sinh hoạt của gia đình chị  thì vẫn giống như ở xí nghiệp. Người chồng vô tình bị biến thành một nhân viên hay bị sai vặt theo mệnh lệnh của giám đốc. Quan hệ vợ chồng thực chất  đã không còn bình thường nữa..
            Vì vậy, đối với những gia đình mà người vợ hơn chồng cần phải có thêm một yếu tố nữa: sự hiểu biết, thái độ cảm thông và trái tim chân thành của một người vợ đối với chồng mới mong xóa dần khoảng cách và giữ được mái ấm gia đình./.
(Báo Bà Rịa - Vũng Tàu, số 1590, ra ngày  19/01/1998)














BI KỊCH TỪ MỘT LẦN CÁ CƯỢC
           
            Tuấn và Hằng yêu nhau từ hồi họ còn là sinh viên. Ra trường Tuấn công tác ở TP. Hồ Chí Minh, còn Hằng xin được việc làm ở TP. Vũng Tàu. Mặc dù cách xa nhau hơn 100km nhưng tuần nào Tuấn cũng về Vũng Tàu thăm Hằng. Tuấn rất yêu và chiều chuộng Hằng, mọi đề nghị của Hằng đều được Tuấn thực hiện bằng được và nhất nhất nghe theo. Nhiều bạn gái ghen tị với Hằng đã phải nói đùa với Hằng là: “Mày giỏi thật! Kiếm đâu ra một “chàng nô lệ” trung thành và dễ bảo thế!”. Những lúc như vậy, Hằng thấy hãnh diện, tự hào và ý thức được sắc đẹp vốn có của mình.
            Có rất nhiều chàng trai theo đuổi Hằng, trong đó có Hùng là kỹ sư mới ra trường, cùng cơ quan với Hằng, song đều bị Hằng khước từ. Thành thật mà nói, Hằng cũng thấy khó tìm được một chàng trai tương đối hài hòa như Tuấn, vả lại Hằng cũng rất yêu Tuấn.        Đi làm được hai năm Tuấn và Hằng quyết định làm lễ cưới. Kế hoạch của họ là ăn tết xong sẽ tổ chức lễ cưới vào đầu tháng 2 âm lịch. Ngày cưới đã được ấn định và thiệp mời cũng đã được đưa đến tận tay từng người, cả hai bên họ hàng, cơ quan và bạn bè… chỉ còn chưa đầy nửa tháng nữa là đến ngày cưới thì bi kịch xảy ra với họ.
             Đầu năm mọi người ở cơ quan Hằng ngồi xúm lại tán dóc và lên kế hoạch đi picnic ở Hồ Cốc. Họ bàn luận khá sôi nổi và thống nhất: Phương tiện đi là xe máy; mỗi người đóng góp 200.000 đồng. Riêng Hằng bị loại ra khỏi danh sách vì còn phải ở nhà lo chuẩn bị lễ cưới. Tính Hằng vốn ham vui lại thấy công việc chuẩn bị cho lễ cưới đã được Tuấn lo chu đáo, đâu vào đấy cả rồi, nên Hằng đề nghị được đóng góp tiền để đi chơi. Thấy vậy một chị trong phòng lên tiếng:
             - Thôi, thuyền đã có bến rồi, ở nhà đi! Mà làm gì còn xe máy nữa để mà chở mày? À! Mà xe thằng Hùng chưa chở ai, mày có dám để cho nó chở không?
             Hằng cười ngất và nói:
            - Chỉ có ngồi lên xe thôi mà cũng không dám ư! Các chị đánh giá em quá thấp. Em muốn gì, anh Tuấn nhà em chẳng phải chiều… Nếu cần, Hằng này không chỉ “dám” ngồi lên xe anh Hùng mà còn “dám” ở lại Hồ Cốc cùng với  anh Hùng hôm sau về cũng được nữa ấy chứ!
            - À! giỏi! giỏi! Thế mới gọi là “Hoa hậu phòng” chứ!
            - Nó chỉ nói khoác thế thôi, đừng tin…
            Mới đầu chỉ là những câu chuyện vui đùa, thách đố, châm chọc nhau, sau đó ít phút thì đã trở thành một trò cá cược mang tính sát phạt. Trò cá cược này được mọi người thỏa thuận như sau: “Nếu Hùng và Hằng chở nhau bằng xe máy đi Hồ Cốc chơi một ngày một đêm thì toàn bộ số tiền đóng góp hôm nay sẽ để dành cho hai người lấy tiền đi chơi. Bằng không Hùng và Hằng sẽ phải mất mỗi người 3 tháng lương cho mọi người”.
            Lúc đầu, Hùng đỏ mặt không dám cá cược, nhưng sau thấy mọi người khích bác nhiều quá, mấy chị lại còn nói thêm vào:
            - Con trai mà hèn nhát như thế chẳng trách cái Hằng nó không thèm yêu mà đi yêu thằng Tuấn.
             Thế là anh chàng nổi máu yêng hùng sẵn sàng nhận lời. Biên bản được mọi người nhanh chóng thảo ra và cả hai bên đều ký. Câu chuyện sẽ chẳng có gì đáng nói nếu như Hằng biết chấm dứt ở đó. Không thực hiện cam kết hoặc chịu thua mọi người. Thế nhưng do tính sĩ diện, lại quá tự tin, nên sáng hôm sau, cả Hùng và Hằng lên xe máy“hành quân” đi Hồ Cốc, trước sự chứng kiến của đông đảo mọi người.
             Sau một ngày một đêm, họ trở về trong tư thế thắng trận. Hằng vui vẻ kể lại với mọi người rằng:
            Đi hai người buồn “thấy mồ”. Mặc kệ cho anh Hùng đi chơi, em đi thuê cho mỗi người một phòng trọ, phòng anh Hùng ở đầu dãy, còn em ở cuối dãy. Em ở nhà đọc sách và đi ngủ từ sớm để hôm sau về cho đỡ mệt…
            Mọi người nhìn Hằng bằng con mắt thán phục. Chuyện cá cược cũng nhạt dần. Tuấn từ TP. Hồ Chí Minh về, khi nghe được chuyện cá cược của Hằng, Tuấn bàng hoàng sửng sốt và lặng người trước việc làm của Hằng. Sau một đêm thức trắng, suy nghĩ rất nhiều, cuối cùng Tuấn đi đến một quyết định dứt khoát: Thông báo cho mọi người hoãn tổ chức lễ cưới và lẳng lặng bỏ nhà lên cơ quan làm việc, mặc cho Hằng khóc lóc, thanh minh, nhưng những lời nói của Hằng lần này anh đã không thực hiện được nữa…
            Họ hàng hai bên, và bạn bè hoảng hốt trước quyết định dứt khoát của Tuấn. Mọi người  thay nhau đến gặp Tuấn để giải thích, thanh minh cho Hằng và thuyết phục anh nên nghĩ lại… song Tuấn vẫn kiên quyết giữ nguyên quyết định của mình. Anh nói với mọi người bằng giọng rất buồn:
            - Tình yêu chỉ có được khi người ta biết tôn trọng lẫn nhau. Cô ấy đã không biết tôn trọng mình, tôn trọng tôi thì làm gì có tình yêu chân thật?! Vả lại ai dám bảo đảm chắc chắn rằng, một ngày, một đêm hôm ấy, cô ấy và anh Hùng không có chuyện gì với nhau?...
            Đến lúc đó mọi người mới thấy tác hại của trò cá cược thiếu ý thức và bất lực vì không đủ lý lẽ để thuyết phục Tuấn. Còn Hằng biết ân hận thì cũng đã quá muộn. Lúc này Hằng mới nhận ra một điều mà từ trước đến nay cô không nhìn thấy, đó là: Hằng có thể muốn cái gì, anh Tuấn cũng phải chiều theo và thực hiện bằng được. Duy có một cái không thể chiều được – khi mà Hằng không biết tôn trọng giữ gìn tình cảm và tình yêu của anh đã dành cho Hằng…
(Báo Bà Rịa - Vũng Tàu, số 1606, ra ngày 04/03/1998)

 

 

 

KHI TÌNH YÊU ĐẾN MUỘN


           
            Ngày nay, có rất nhiều người mặc dù tuổi tác khá cao song vẫn chưa có điều kiện để lập gia đình. Mỗi người có thể có một nguyên nhân khác nhau song dễ thấy ở họ có một điểm chung là: kín đáo, ít cởi mở, ngại quan hệ giao tiếp và tuổi càng cao, họ càng ngại luôn cả chuyện lập gia đình…
             Thế nhưng, một ngày nào đó khi tình yêu đến với họ, bỗng chốc họ đã biến đổi thành một người hoàn toàn khác, trái ngược hẳn với con người trước đó của họ. Phải chăng, tình yêu chính là mùa xuân mang hương sắc tươi vui, trẻ trung thổi vào tâm hồn họ.
            Chị ĐKD là kế toán, tài vụ của một cơ quan, năm nay đã hơn 40 tuổi và chưa lập gia đình. Chị nổi tiếng là khó tính. Mọi người ở cơ quan chị rất ngại khi phải tiếp xúc với chị vì thấy chị ít khi cười đùa, mà lại hay cáu gắt nhất là trong chuyện giải quyết thanh toán tiền bạc v.v… Thế nhưng bỗng nhiên mọi người thấy chị như con nít: Nói cười, đùa nghịch suốt ngày, thỉnh thoảng lại soi gương ngắm vuốt, đặc biệt là trên bàn làm việc của chị lúc nào cũng có một lọ hoa tươi.. thì ra, chị mới có người yêu là anh TH. Sau một chuyến đi công tác dài ngày, 2 người đã gặp nhau, làm quen, thấy tâm đầu ý hợp và thế là họ đã … yêu nhau.
            Anh HVQ là một cán bộ nghiên cứu khoa học, năm nay đã 42 tuổi mà vẫn chưa một lần yêu. Hàng xóm xung quanh nhà anh nói rằng, anh là một người sống lập dị, khó hiểu ít nói. Hiếm thấy anh gần gũi quan hệ, cởi mở với mọi người xung quanh. Anh đi làm hay về nhà lặng lẽ như một cái bóng. Cửa nhà anh lúc nào cũng đóng im ỉm, kể cả lúc anh có nhà. Thế rồi, một chị nhà bên cạnh bỗng phát hiện thấy anh ghi tên, đăng ký tham gia vào lớp học khiêu vũ của nhà văn hóa thanh niên. Căn phòng vốn xưa nay yên tĩnh, vắng vẻ như tu viện của anh bỗng chốc vang lên tiếng nhạc xập xình, cùng một lúc với sự xuất hiện của một cô gái trẻ khoảng chừng 20 tuổi. Sau đó ít lâu, anh vui vẻ công bố chính thức với mọi người rằng, cô bé đó chính là người yêu của anh, đồng thời cũng là người đoạt giải cuộc thi khiêu vũ hồi Tết năm ngoái. Chị hàng xóm còn kể rằng, anh vốn là người ăn mặc xuề xòa, đơn giản thế mà bây giờ, mỗi lần ra khỏi nhà là thấy anh chải chuốt, đầu bóng mượt, xức nước hoa thơm ngào ngạt… đến tận cuối phố. Chị còn quả quyết rằng anh đã đi nhuộm tóc, so với trước đây, anh trẻ và đẹp trai hơn nhiều. Thế mới biết tình yêu đã làm thay đổi tính tình, vóc dáng con người….
             Chị HC làm nghề bán rau quả. Năm nay chị đã 45 tuổi mà vẫn chưa lập gia đình. Chị vốn nói năng mạnh mẽ, cứng rắn và tính khí dữ dằn hơn cả… đàn ông. Bà con xung quanh nơi chị ở, nếu ai chẳng may mà “đụng” vào chị thì chỉ có nước là im lặng mà nghe chị “ca nhạc” hàng tiếng đồng hồ… Thế nhưng, gần đây mọi người thấy chị thay đổi hẳn: mềm mỏng, nhũm nhặn, nói năng thỏ thẻ e lệ như con gái 18. Không những thế chị còn mua thêm một bộ quần áo hoa rất đắt tiền và một đôi guốc cao gót. Mỗi buổi sáng chị lại nhẹ nhàng uyển chuyển gánh hàng ra chợ bán rau. Khi đã biết chị chính thức đăng ký kết hôn với một người đàn ông ngoài 50 tuồi, góa vợ, làm nghề lái xe ôm thì nhiều người đàn ông khác tiếc rẻ nói rằng: “Nếu trước đây chị cũng thùy mị, mềm mỏng, nữ tính như bây giờ, xinh đẹp, tươi tắn như bây giờ, thì họ cưới chị từ lâu. Chẳng còn đến lượt người đàn ông kia. Một số người khách quan nhận xét rằng: Từ khi chị có bồ, trông chị rực rỡ như một bông hoa mới nở…
            Có nhiều câu chuyện tương tự kể trên. Thực tế cho thấy, những người lớn tuổi khi yêu cũng vẫn bôc lộ tình yêu như trẻ con. Hình thức, tính tình họ bỗng nhiên thay đổi. Họ như trẻ ra và luôn chú ý, chăm sóc đến hình thức của bản thân mình. Khi người lớn tuổi độc thân tìm thấy tình yêu là lúc kéo theo những thay đổi trong tính tình, trong cách ứng xử thường ngày của họ./.


(Báo Bà Rịa - Vũng Tàu, số 1666, ra ngày 24/07/1998)



























 

BÀI HỌC CHỐN NHÀ HÀNG

 

Cũng như mọi lần, Hùng cưỡi trên chiếc xe Dream II giữ nguyên tốc độ, phóng thẳng vào sân phía trong nhà hàng Tuyết Nhung. Chẳng cần khóa xe, anh chọn một chiếc bàn kín đáo nằm sâu bên trong để ngồi. Phong cách “ga lăng” của anh làm cho nhiều em tiếp viên ở đây phải “nể” và muốn gần gũi…. Dù mới chỉ đến đây vài lần, nhưng chủ quán hiểu rất rõ tính tình của anh, liền nháy mắt ra hiệu cho Thủy, (một tiếp viên xinh đẹp) ra tiếp.
            Dưới ánh đèn mờ, Hùng có cảm giác gương mặt Thủy toát lên vẻ kiều diễm, kiêu sa khác hẳn với người vợ thô kệch vụng về của anh ở nhà. Mặc cho nhiều ánh mắt nghen tỵ của các chàng trai trẻ khác ngồi gần đó, Thủy vẫn say sưa nhìn anh, và chính điều này đã làm cho Hùng hãnh diện. Có lẽ chỉ có anh mới  đủ sức chinh phục được trái tim nàng.
            Xuất thân từ một gia đình nghèo đông con, nên tuổi thanh niên của Hùng bị ngập chìm trong nỗi lo toan kiếm sống hàng ngày. Rồi lấy vợ. Được cái vợ anh là người chịu khó tần tảo nên chẳng mấy chốc hai vợ chồng anh phất lên nhanh chóng. Hiện tại anh là chủ một cơ sở dạy cắt may có uy tín trong thành phố. Thế rồi trong một lần gặp bạn bè rủ anh vào nhà hàng Tuyết Nhung và gặp Thủy, cô tiếp viên trẻ, đẹp biết chiều lòng khách đã làm cho Hùng si mê đến quên cả công việc và người vợ đã cùng chung vai gánh vác công việc gia đình với anh từ thuở còn hàn vi.
-         Uống đi anh, làm gì mà nhìn em dữ vậy ? Như hiểu rõ suy nghĩ của Hùng, Thủy mỉm cười nhắc nhở.
-         Đến hôm nay, anh mới thấy hết cái đẹp trong em. Nói xong, Hùng cầm ly bia lên uống một hơi rồi trao cho Thủy. Trong trạng thái say khướt cả men bia lẫn men tình, Hùng nhỏ nhẹ:
-         Anh muốn cưới em làm vợ ?…
-         Anh đẹp trai, lại giàu có như thế, em không dám đâu ! Nếu anh thật sự thương em mà mua nhà riêng thì em sẽ về với anh, bằng không thì chúng mình gặp nhau thường xuyên ở đây là được rồi.
          Sự vắng mặt thường xuyên của Hùng, công thêm sự xao nhãng trong việc truyền nghề đã làm cho các học sinh học cắt may của Hùng dần dần bỏ đi các trung tâm khác. Cùng lúc, một tai họa lớn lại xảy ra. Vào một đêm mưa gió, kẻ trộm đã cạy cửa nhà anh lấy đi toàn bộ số tiền vợ chồng anh dành dụm bao năm nay và chiếc xe Dream II mới mua của anh. Chán chường và thất vọng, nhưng Hùng vẫn tìm đến nhà hàng Tuyết Nhung gặp Thủy tâm sự kể hết đầu đuôi câu chuyện không may của mình, mong tìm được một sự cảm thông chia sẻ. Thủy cũng tỏ ra cảm thông với anh bằng cách im lặng.
            Một lần, trong lúc đang ngồi với Hùng, Thủy bỗng nhìn thấy chiếc xe Nissan màu đen bóng dừng lại trước cửa nhà hàng. Người đàn ông cao lớn vạm vỡ, dáng vẻ Việt Kiều mới về nước cẩn thận khóa cửa xe lại rồi đi thẳng vào quán chọn đúng cái bàn trước đây Hùng vẫn thường ngồi. Lập tức thủy đứng phắt dậy và tiến về phía bàn ông ta. Ông ta kéo Thủy ngồi vào lòng rồi nhẹ nhàng hôn lên mặt. Hùng như đang ngồi trên đống kiến lửa, mấy lần, anh định đứng dậy đi lại chỗ đó nhưng nghĩ thế nào lại thôi. Một lúc sau, khi Thủy mang bia cho ông khách đi ngang qua chỗ Hùng, lúc đó Hùng mới nắm tay thủy kéo lại, nhưng thật bất ngờ, anh bị cô ta hất tay ra một cách phũ phàng như chưa hề quen nhau…Đến lúc này Hùng mới thấm thía và nhận ra một điều: Ở chốn nhà hàng, kẻ nào có nhiều tiền thì người đó sẽ là thượng khách. Sự vồ vập săn đón kia chỉ là giả tạo…

(Báo Giáo Dục và Thời Đại, số 1539, ra ngày 12/05/ 1998)
LÀM GÌ KHI TRẺ YÊU SỚM

             
Một thực trạng hiện nay cho thấy, ngày càng có nhiều trẻ em ở lứa tuổi vị thành niên bước vào yêu đương. Nếu như trước đây hiện tượng này chỉ ở mức bí mật, lén lút, thì nay có chiều hướng công khai. Nhiều trường hợp xảy ra đối với cả những em học sinh cấp 2 dẫn đến hậu quả khôn lường. Bác sĩ Thanh Tuyền (Trưởng phòng kế hoạch tổng hợp Trung tâm bảo vệ sức khỏe bà mẹ trẻ em – kế hoạch hóa gia đình tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) cho biết: “Năm 2003, Trung tâm đã thực hiện 121 ca nạo, hút thai đối với trẻ vị thành niên, và 6 tháng đầu năm 2004, Trung tâm đã thực hiện 41 ca, chiếm  2% trong tổng số ca nạo hút thai tại đây. Đây chỉ là con số thống kê được rất ít, còn lại phần lớn các trẻ vị thành niên tìm đến các phòng khám tư nhân hoặc các bệnh viện lớn tuyến trên (ở thành phố Hồ Chí Minh) để đảm bảo bí mật và không bị tai tiếng sau này. Những trường hợp nạo phá thai ở tuổi vị thành niên rất dễ xảy ra tai biến như: băng huyết, sót nhau, nhiễm trùng cổ tử cung. Nặng hơn có thể gây thủng ruột, viêm phúc mạc… Một số trường hợp có thể gây biến chứng: viêm dính buồng tử cung, nghẹt vòi trứng dẫn đến vô sinh  hoặc có thai ngoài tử cung….”
            Những trường hợp yêu quá sớm như vậy có phải là do sự buông lỏng quản lý, thiếu quan tâm chăm sóc của nhà trường và gia đình không ? Hãy xem xét một vài trường hợp sau đây:
            Chị H.A (phường 2, thành phố Vũng Tàu) buồn bã kể lại câu chuyện của gia đình mình: “Chúng tôi vẫn nghĩ rằng cháu còn rất bé bỏng. Năm nay cháu mới 14 tuổi là con út trong nhà. Cháu học lớp 7. Vào đầu học kỳ II năm ngoái, lực học của cháu tự nhiên giảm sút. Thỉnh thoảng buổi tối cháu xin phép bố mẹ đi sinh nhật bạn và bất ngờ tôi đã phát hiện cháu có bầu… cũng may là phát hiện sớm nên đã kịp thời giải quyết. Chúng tôi hỏi là cháu đã quan hệ với ai thì nhất định cháu không nói và còn dọa nếu bắt ép cháu nói, cháu sẽ bỏ nhà đi… chúng tôi nghĩ, nguyên nhân là do gia đình chúng tôi cho thuê phòng trọ. Những đôi tình nhân đến thuê phòng ở đây đã âu yếm, tỏ tình với nhau. Cháu nhìn thấy và đã bắt chước…”.
            Nguyên nhân mà chị H.A đưa ra theo chúng tôi nghĩ cũng chỉ là thứ yếu. Cái chính là do chị H.A  vẫn nghĩ con mình còn bé, chưa biết gì nên đã thiếu quan tâm, gần gũi cháu. Chính từ sự buông lỏng quản lý này đã dẫn đến hậu quả như vậy.
            Hiệu trưởng một trường PTTH thành phố Vũng Tàu cho biết: “Dù không nhiều, song chúng tôi cũng đã đưa giáo dục giới tính vào trong trường học, giáo dục cho các em quan hệ lành mạnh với người khác giới, dạy cho các em hiểu biết luật hôn nhân và gia đình, đề cao thuần phong mỹ tục, lối sống văn hóa của dân tôc Việt Nam v.v… song vẫn không tránh khỏi trình trạng một số học sinh bước vào yêu đương quá sớm. Thông thường những học sinh này có học lực trung bình hoặc kém, lại thiếu sự quan tâm giáo dục của cha mẹ, hoặc cũng có trường hợp cha mẹ coi đó là chuyện bình thường nên vẫn chấp nhận việc bạn trai đến nhà đưa, đón, chở bạn gái đi học. Cách đây 2 năm, khi nhà trường phát hiện thấy một học sinh nam (lớp 12) tên là N.V.H yêu một học sinh nữ cùng lớp là N.T.T và báo cho phụ huynh em học sinh nam kia để ngăn chặn. Sau khi “xử lý” cậu con trai yêu quý của mình xong, mẹ cậu ta lập tức gặp nữ học sinh N.T.T và khuyên rằng: nếu không chấm dứt ngay, bà sẽ thông báo cho cả lớp và cả trường biết chuyện này… Thật bất ngờ, N.T.T không hề sợ hãi trước lời đe dọa của bà mà trả lời rằng: “Chẳng cần phải thông báo, cả lớp cả trường ai mà chẳng biết …”.
            Những câu chuyện kể trên cho thấy, biện pháp cứng rắn của cha mẹ thường đẩy các em đến chỗ liều lĩnh. Song phó mặc, buông xuôi lại càng không thể được vì các em sẽ tiếp tục đi xa hơn nữa trong quan hệ yêu đương của mình. Một vài trường hợp xử lý hợp tình, đúng phương pháp sư phạm, và rất tâm lý như chị T.H.N (phường 9, thành phố Vũng Tàu) đã đem lại hiệu quả cao. Chị kể: “Mới đầu tôi thấy cháu thường xuyên bị điểm kém. Để ý quan sát, tôi thấy cháu ngồi hàng giờ trước bàn học mà không thấy viết một chữ nào, mắt thì mơ màng nhìn đi đâu đó chứ không nhìn vào sách. Tôi bí mật kiểm tra sách vở của cháu thì phát hiện thấy một bức thư tình rất thắm thiết của một bạn trai. Lúc đầu tôi hốt hoảng, lo sợ thực sự vì năm đó cháu mới 14 tuổi. Sau chấn tĩnh lại, tôi quyết định im lặng, coi như không hề biết gì và bí mật họp gia đình bàn biện pháp giải quyết và thế là hằng ngày tôi đưa đón cháu đi học, ngoài ra còn thuê một gia sư để kèm học cháu ở nhà trong lúc tôi đi làm. Tối đến tôi thường âu yếm, gần gũi động viên và kể cho cháu nghe một cách “vô tình” những câu chuyện của người khác do yêu đương sớm đã dẫn đến tác hại khôn lường. Lúc đó tôi đã coi cháu như một người bạn, một người lớn tuổi để mà tâm tình cởi mở …. Và niềm vui bất ngờ đã đến với gia đình tôi, một hôm, cháu đã kể hết chuyện của cháu cho mẹ nghe và tôi chẳng cần phải hướng dẫn, chỉ bảo gì thêm, tự cháu đã tìm ra giải pháp thích hợp….”
 Chị Đ.T.H ở thị xã Bà Rịa thì phát hiện ra những cuộc điện thoại của cậu con trai mình năm nay mới 15 tuổi rất đáng ngờ, thường xuyên kéo dài đến 20- 25 phút với một bạn gái cùng lớp. Biết cháu cũng có năng khiếu thể thao, thế là lập tức chị gửi cháu cho một huấn luyện viên bóng bàn. Một thời gian sau, cháu ham mê bóng bàn đến quên cả bạn gái, lúc đó chị mới mỉm cười vì phương pháp cách ly của chị đã thành công.
             Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng yêu đương quá sớm ở trẻ vị thành niên mà một trong những nguyên nhân chính là sự buông lỏng quản lý của cha mẹ. Có gia đình khi phát hiện được thì có thái độ hốt hoảng, lo sợ, dẫn đến những hành động cực đoan làm cho những đứa trẻ hoặc là vì mặc cảm tội lỗi hoặc là vì không biết xử sự như thế nào trước một mối quan hệ đã rồi….. mà đi xa hơn trong quan hệ yêu đương của mình.
            Nên chăng, các bậc làm cha làm mẹ phải thường xuyên để mắt đến sinh hoạt của con em mình nhằm ngăn chặn ngay từ đầu những hiện tượng yêu quá sớm, ảnh hưởng tới việc học hành, sức khỏe và tương lai của các em.

(Báo Giáo Dục Và Thời Đại, số 104, ra ngày 28 / 08 / 2004)



















RẮC RỐI... TỪ NHỮNG CHUYỆN VÔ TÌNH

Nói năng thận trọng, chín chắn trong giao tiếp là đều cần thiết đối với tất cả mọi người. Tuy nhiên, hầu hết mọi người chỉ chú trọng đến điều này khi quan hệ tiếp xúc ở cơ quan, trong công việc hay ở chỗ đông người… mà ít khi được chú ý trong quan hệ sinh hoạt gia đình. Chính vì vậy đôi khi chỉ vì những câu nói vô tình mà làm cho quan hệ trong gia đình trở nên rắc rối, nghiêm trọng, hiểu lầm nhau, dẫn đến những trận xung đột không đáng có trong cuộc sống vợ chồng.
Trong một lần xem chương trình ca nhạc trên Tivi cùng vợ, anh M.H.Q. bỗng vỗ vào người vợ vô tình thốt lên khen: "Nhìn kìa! Cô ca sĩ N.T kia có thân hình mới tuyệt tác làm sao! Khuôn mặt và phong cách biểu diễn cũng dễ thương đấy chứ !".
Không để ý đến khuôn mặt đang nặng như chì của vợ, anh tiếp tục khen  cô ca sĩ: "Đẹp như hoa hậu thế kia chắc là làm cho khối anh chết mê, chết mệt…" Không thể chịu đựng được nữa, chị T.T.L (vợ anh) liếc xéo chồng, rồi buông một câu: "Chỉ có cái loại đàn ông đa tình mới chết mê chết mệt chứ ai người ta thèm chết. Người gì mà cứ thấy gái đẹp là mắt sáng lên…".
Thấy vợ nói vậy, anh M.H.Q. nổi nóng: "Tuy thế, nhưng tôi chưa bao giờ chơi bời, bồ bịch. Chỉ có cô mới là loại đàn đúm lăng nhăng… tôi chưa nói đến chuyện, hôm rồi, cô đi hát karaoke với những thằng nào, cô có biết không?... ". " Tôi đi là đi cả tập thể, chứ có đi riêng với ai đâu? Anh đừng kiếm chuyện…".
Từ đề tài cô ca sĩ. Anh Q. và chị L. đã nhanh chóng chuyển sang đề tài "bới lông tìm vết" của nhau. Kết quả là một tuần hai người không nói chuyện. Kế hoạch đi nghỉ mát của họ lẽ ra được tổ chức vào hai ngày sau thì bị huỷ bỏ…
N.V.H. là thanh niên nông thôn, lấy vợ thành phố. Vì chưa có nhà riêng, nên anh phải tạm thời ở rể nhà vợ, bởi thế nên sự mặc cảm luôn thường trực ở trong anh. Một lần thấy vợ chồng nhà hàng xóm cãi nhau, chị N. (vợ anh) chạy sang xem rồi trở về buông một câu bình luận với em gái:
"Thật khổ cho con bé ấy, lấy phải cái thằng chồng "nhà quê", đã được ở rể nhà người ta mà vẫn không biết thân biết phận, còn tinh tướng…".
Anh N.V.H. ở nhà dưới nghe vợ mình nói vậy tức tím mặt lại. Anh cho đó là một hành động xúc phạm đến anh không thể tha thứ. Bởi vậy ngay hôm đó, anh lập tức đi thuê nhà trọ và dọn đến ở. Khoảng cách giữa họ xuất hiện, lớn dần và có nguy cơ tan vỡ..
Nhưng câu nói vô tình kể trên không chỉ làm hại đến gia đình của chính họ mà đôi khi còn ảnh hưởng cả đến hạnh phúc của gia đình người khác. Câu chuyện sau đây là một ví dụ:
Anh N.P.T. vốn là người hiếu khách, quý khách và vô tâm. Gặp ai anh cũng tay bắt, mặt mừng và khen rối rít như thể đã thân thiết từ lâu. Một lần trong một tiệc cưới ở nhà hàng, anh vô tình gặp cô V.K.A. mà anh mới quen biết trước đó vài tuần. Chẳng cần biết thái độ cô A. ra sao, chứ anh thì mừng như bắt được của. Anh nắm chặt tay cô A. lắc mạnh, rối rít khen:
"Gớm, trông em hôm nay sao đẹp thế! Cứ như hoa hậu thời trang ấy! Hôm vừa rồi, người ta mời anh 2 vé đi xem ca nhạc, anh chạy vội đến lớp học tiếng Anh buổi tối của em, định tính rủ em đi xem, nhưng mọi người trong lớp bảo là em nghỉ học, thế mới tiếc chứ!...". Anh T không cần biết rằng cô A đã có chồng và chồng cô ngồi ngay gần đó vì đã bao giờ anh hỏi cô A là có chồng hay chưa chồng đâu? Cũng may, là một anh bạn của anh đã kéo vội anh trở về bàn nhậu nên anh không còn cơ hội để trổ tài "nịnh đầm" và huyên thuyên nữa, nếu không rất có thể sẽ xảy ra những chuyện "không vui" hôm đó… Khổ nỗi, tai hoạ vô tình giáng lên đầu chị V.K.A. Vừa chở chị về đến nhà, anh chồng đã quắc mắt, chỉ tay vào mặt chị quát: "Cô quen cái thằng "hâm" ấy lâu chưa? Từ trước đến nay tôi cứ nghĩ là cô chí thú học hành phấn đấu vươn lên, không ngờ cô đi học là để kiếm chỗ hẹn hò đi chơi với trai… thật không ngờ cô lại đốn mạt như vậy! Ngày mai tôi sẽ gửi đơn ly hôn ra tòa, để cho cô đi luôn với nó…".
 Mặc cho chị V.K.A. khóc lóc thanh minh rằng chị mới quen biết một cách xã giao, chẳng thân thiết gì với ông ấy… thế nhưng anh vẫn một mực khẳng định: "Mới quen biết mà thân mật như thế! Trước mặt tôi cô còn ngang nhiên để cho người ta cầm tay cầm chân thì sau lưng tôi cô sẽ còn làm những gì?... Tại sao người ta biết được lớp học tiếng Anh của cô? Bao nhiêu lần nó đến rủ cô như thế rồi?...".
Tình ngay, lý gian, cô V.K.A. chỉ còn biết ôm mặt khóc và mong anh sáng suốt hiểu ra sự thật.
Có thể kể ra rất nhiều chuyện tương tự như trên. Đôi khi chỉ vì những câu nói rất vô tình và thiếu thận trọng đã dẫn đến hậu quả nghiêm trọng, khó lường.
Mong rằng các bạn đừng quá vô tình, đơn giản trong sinh hoạt gia đình hàng ngày mà nói năng bừa bãi, thiếu suy nghĩ dẫn đến hậu quả như trên.

( Tạp chí Phái Đẹp Ngày Nay, số 03-NXB Thanh Niên 1997 )




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét