Thứ Năm, 15 tháng 11, 2012

PHÓNG SỰ: Tôi đi karaoke...ôm


                                             
                                                                                                   
                        
     Tôi đi KARAOKE...ÔM

        Thành phố Vũng Tàu hàng năm có khoảng 3 triệu lượt khách du lịch trong và ngoài nước đến thăm  quan. Để đáp ứng nhu cầu của các du khách, các loại hình dịch vụ được mọc lên. Nhiều dịch vụ hoạt động lành mạnh, chính đáng, song cũng có không ít những tụ điểm kinh doanh trá hình, làm vẩn đục bầu không khí trong lành của xã hội mà karaoke ôm là một ví dụ.
        Trong tất cả các loại hình dịch vụ “ôm” như: “karaoke ôm”, “bia ôm”, “tắm ôm”, “câu cá ôm”… thì karaoke ôm được xem là “lịch sự” và “trữ tình” nhất. Ai cũng hiểu rằng karaoke trá hình thì bên trong phòng lạnh cùng với những bản nhạc kia là cả một trò ma quỷ. “Giấy thông hành” để hội nhập vào đây không có gì khác hơn là những đồng tiền kiếm được bằng mọi cách. Đàn ông đến trong tư thế dự hội và ra về trong cảnh chợ chiều.
        Một anh bạn tôi ở Hà Nội đi công tác vào TP. Hồ Chí Minh có rủ hai người bạn nữa cùng đi Vũng Tàu chơi. Buổi chiều sau khi đã nhậu lai rai ở đường Võ Thị Sáu xong, nhìn đồng hồ thấy còn sớm, anh bạn tôi liền rủ đi hát karaoke. Vốn cũng biết hát hò đôi chút, nên tôi hào hứng nhận lời. Dọc đường, anh bạn tôi cầm máy điện thoại di dộng gọi hỏi một “thổ dân gốc” nhà ở Vũng Tàu xem có nhà hàng karaoke nào “xịn”, có em út “ngon lành” không và lập tức được chỉ dẫn chu đáo. Quả đúng như lời chỉ dẫn, xe chúng tôi vừa đậu, một dàn tiếp viên 6,7 em tuổi chừng 17,18, áo trắng váy xanh tím than lửng đến… ngang đùi, đồng phục, nở một nụ cười tươi như… đã quen nhau từ kiếp trước. Bà chủ tóc cắt ngắn, dáng vẻ của một phụ nữ quý phái, kín đáo quan sát biển số xe 53L của chúng tôi rồi yên tâm chỉ vào một phòng lớn phía trong. Lập tức các bồi bàn nam lục tục kê xếp lại chỗ ngồi, chỉnh lại dàn đầu máy, mang bia và khăn lạnh vào. Bốn cô gái trông cũng “khả dĩ” cấp tốc được điều động vào phục vụ. Thấy các cô cứ khoanh tay đứng, anh bạn tôi nhắc nhở:
        - Kìa! Sao các em không ngồi xuống đi?
        Một cô trông có vẻ là “ca trưởng” thay mặt trả lời:
        - Ở đây, chúng em chỉ được phục vụ “đứng”.
        À, thì ra đã có lệnh cấm các tiếp viên nữ nhà hàng karaoke không được ngồi chung với khách nam trong khi hát. Thấy vậy, anh bạn tôi cầm máy điện thoại gọi cho “thổ dân gốc” ở Vũng Tàu nhờ can thiệp, rồi đưa máy cho bà chủ nói chuyện trực tiếp. Thật linh nghiệm, chỉ sau vài câu trao đổi ngắn gọn, nhận ra người quen, bà chủ liếc mắt ra lệnh cho các tiếp viên nữ và thế là các cô gái nhanh chóng hồn nhiên ngồi lên lòng chúng tôi, bóc khăn lạnh, lau mặt cho khách, như không phải là những cô gái ngây thơ rụt rè trước đó 5 phút.
        Tiếng nổ lốp đốp của những lon bia mới khui, tiếng nhạc rộn ràng, tiếng hát đứt đoạn, tiếng cười rúc rích, tiếng hôn nhau chùn chụt, hòa quyện vào men bia say nồng… Hình như “tình” trong phòng lạnh, dưới ánh đèn mờ ảo kia bao giờ cũng đẹp và thơ mộng hơn “tình” ở ngoài.
        Tôi tranh thủ tâm sự với cô tiếp viên ngồi cạnh:
        - Ngồi thế này không sợ công an bất chợt đến kiểm tra à?
        - Yên tâm đi, chỉ sợ các anh là công an thôi, chứ công an ở ngoài sức mấy kiểm tra nổi. Có bảo kê gác bên ngoài. Nếu đến, chỉ cần chúng em đứng dậy là xong.
        - Thế nếu anh muốn… “đi tới cùng” thì sao? – Tôi dò hỏi.
        - Nếu thích thì OK! Đến phòng trọ em ở. Nói rồi cô gái rút chiếc bút trên túi áo của tôi ghi lại địa chỉ nhà trọ nơi cô ở, số máy điện thoại di động, rồi đưa cho tôi và hẹn gặp vào sáng hôm sau…
        À, thì ra từ karaoke ôm đến mại dâm chỉ là một khoảng cách ngắn.
        - Lương của các em ở đây bao nhiêu? – Tôi tiếp tục hỏi.
        - Dạ không có lương.
        - Vậy làm sao sống được?
        - Bọn em sống chủ yếu nhờ tiền “bo” của khách. Khách “bo” bèo nhất cũng 50 ngàn đồng, nhiều thì một hai trăm ngàn.
        Cô gái có vẻ “cảm tình” với tôi nên tiếp chuyện cởi mở:
        - Tiếp viên còn được hưởng tiền phần trăm theo đầu lon bia, nên nếu khách uống nhiều thì bọn em được tiền nhiều, vì vậy ở những chỗ khác, thừa lúc khách không để ý là bọn họ đổ bia vào thùng đựng nước đá, hoặc lúc mang cả thùng bia ra họ để lẫn những vỏ lon bia úp ngược, khách say xỉn không biết cứ đếm đầu lon bia mà thanh toán. Khách đi rồi bọn họ mới bán lại giá rẻ cho nhà hàng. Nhưng ở đây bọn em không làm thế đâu… 
        Cuộc vui đã đến lúc tàn, anh bạn tôi đứng dậy thanh toán với giá: 200 ngàn đồng cho một giờ hát karaoke; 15 ngàn đồng một lon bia Tiger; còn những món ăn khác thì đắt gấp năm sáu lần ở ngoài và không quên “bo” cho mỗi em 100 ngàn đồng. Quả thật, nếu như không có cái chuyện “ôm” kia chắc sẽ không một ai dám bước chân vào đây lần thứ hai…
                            ________________________
        Thông thường là sau những cuộc nhậu cánh mày râu mới rủ nhau đi karaoke ôm. Khi đã hơi sỉn sỉn chẳng ông nào lường hết được những tai họa có thể xảy ra với mình. Chị C, 25 tuổi ở phường 2, TP. Vũng Tàu mới lấy chồng được 2 năm thì gặp “đại hạn”. Chị vốn xem chồng như thần thánh, không vướng bụi trần, ấy thế mà không ngờ anh ấy lại đi vào cõi tục. Chiếc áo của anh trong buổi tối đi nhậu về đã nói lên tất cả. Chị thức suốt đêm chờ chồng tỉnh dậy để trao lại cho anh cái áo có in vết son trên ngực rồi khăn gói lên đường… về nhà mẹ đẻ. Cái giá phải trả cho một buổi tối vui chơi ở tổ quỷ là 3 tháng phải ăn “cơm hàng cháo chợ”, chầu chực van xin hối lỗi của chồng ở nhà mẹ vợ. Chưa hết! Điều nguy hại hơn là cái khoảng trống trong lòng chị C không bao giờ lấp lại được như cũ.
        Trường hợp chị T, 28 tuổi ở phường 11, TP. Vũng Tàu thì lại giải quyết theo kiểu cực đoan. Bắt gặp chồng la cà ở quán karaoke ôm, chị không nói không rằng viết ngay đơn ly dị. Mặc cho mọi người xúm vào biện hộ cho anh rằng, anh vào đấy chỉ để hát “chay” không thôi, nhưng chị vẫn một mực tuyên bố: “Từ trước đến nay có thấy hát hò gì đâu. Một nốt nhạc bẻ đôi không biết, hát thì như dế kêu, vào đấy làm gì nếu không phải vì cái chuyện “ôm ấp” kia. Lành làm gáo, vỡ thì “giục” luôn chứ không thể duy trì cái tình trạng nửa vời hoen ố. Duy trì một quan hệ như vậy nghĩa là duy trì sự không tôn trọng lẫn nhau. Và như thế cuộc sống vợ chồng sẽ biến thành địa ngục trần gian với những sự tra tấn, tự hành hạ mình. Tốt nhất và khôn ngoan nhất vẫn là ly hôn nếu chồng mình thèm khát niềm vui ở những chốn sa đọa như vậy…”.
        Một số trường hợp những bà vợ vừa không muốn mất chồng nhưng lại không thể chịu nổi sự “xuống cấp” của các đức lang quân, thì trở thành khó tính nhiều lời. Chị L, 35 tuổi, nhà ở phường 10, TP. Vũng Tàu là một thí dụ. Chị kể lể với mọi người ở cơ quan bằng giọng tràn trề nước mắt: “Vài năm lại đây, mọc lên nhan nhản các nhà hàng karaoke ôm, quán ăn, quán nhậu, chồng tôi mới sinh ra đổ đốn như vậy chứ trước đâu có gì. Cứ bảo là tôi khó tính nhiều lời chứ uất lắm! Cứ nghĩ đến nó vừa moi tiền chồng mình lại vừa ôm ấp vuốt ve thì ai mà chịu đựng nổi! Không vì thương mấy đứa nhỏ, thì tôi cho lão đi luôn với mấy con đó là xong…”.
        Chị S, 50 tuổi, nhà ở phường 9, TP. Vũng Tàu thì lại tỏ ra bất lực chán chường. Chị thở dài ngao ngán: Tôi già rồi, chết cũng không tiếc, song nghĩ mà thương mấy đứa nhỏ. Ai dám cam đoan rằng trong máu của chồng tôi, của tôi và của chúng nó bây giờ không có HIV?
        Có thể dễ dàng nhận thấy karaoke vốn đã là một loại hình dịc vụ có văn hóa đẹp. Nhưng đây đó karaoke đã bị biến tướng, trá hình, trở thành karaoke ôm, là tiền đề cho hoạt động mại dâm và là nguyên nhân lây nhiễm HIV/AIDS. Các cô gái phục vụ ở quán karaoke ôm và gái bán dâm dù khác nhau cách thể hiện song cùng có chung một mục đích sống là phát huy triệt để “vốn tự có” và bằng mọi cách để kiếm tiền, phục vụ cho cuộc sống vốn rất tạm bợ và thực dụng của họ, làm băng hoại đến truyền thống đạo lý, lối sống và làm đổ vỡ hạnh phúc của một số gia đình. Nó còn là nguồn gốc để phát sinh tội phạm và tệ nạn xã hội, trong đó có tội tham nhũng. Một điều thật lạ lùng là mặc dù cuộc sống gia đình của họ rất hòa thuận, nhiều người còn tỏ ra có trách nhiệm với gia đình, nhưng do lối sống buông thả, thích cảm giác lạ, nên các đức ông chồng lâu lâu lại “dù” một chuyến vào các tổ quỷ đó để thay đổi “bầu không khí”.
        Việc ngăn ngừa, phòng chống HIV/AIDS, phòng chống mại dâm là việc khó, song chống karaoke ôm còn khó khăn hơn, vì nó biến tướng, trá hình một cách tinh vi. Nhất thiết các cơ quan chức năng, ban ngành đoàn thể phải cùng đồng bộ nhập cuộc, ra quân triệt để mới hy vọng đẩy lùi được nạn “đại dịch” này.
Ngày 13/02/1998
ĐÀO QUỐC THỊNH
                        


                              
                                                                                
                                                                  
                                                                                



                                                                          








Phía sau dịch vụ nhà cho thuê, nhà trọ ở huyện Tân Thành, Bà Rịa - Vũng Tàu

Mấy năm gần đây, cùng với việc hình thành đô thị mới Phú Mỹ và tốc độ phát triển các khu công nghiệp tập trung, mật độ dân cư của huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tăng nhanh, nhất là tăng dân số cơ học. Hàng năm, số lượng người từ các địa phương khác đến đây làm ăn sinh sống tương đối đông, vì vậy nhu cầu về nhà ở đang đặt ra nhiều vấn đề khó khăn phức tạp. Xuất phát từ thực tế này, hàng loạt nhà trọ, nhà cho thuê ở huyện Tân Thành đã và đang mọc lên như nấm sau mưa, phát sinh nhiều vấn đề xã hội phức tạp.

Nếu như năm 2000, huyện Tân Thành mới chỉ có 63 cơ sở nhà trọ, nhà cho thuê, thì đến nay đã tăng lên 327 cơ sở với 1.616 phòng cho thuê (tăng 264 cơ sở). Như vậy, trong vòng 5 năm trở lại đây trên địa bàn huyện Tân Thành bình quân mỗi năm mọc lên 53 nhà trọ, nhà cho thuê trong đó tập trung chủ yếu ở địa bàn thị trấn Phú Mỹ, xã Mỹ Xuân và xã Phước Hoà, nơi gần các khu công nghiệp. Toàn huyện hiện có 6 cơ sở nhà trọ với 50 phòng trọ, 304 cơ sở nhà cho thuê với 1.402 phòng và 7 cơ sở nhà nghỉ với 126 phòng. Ngoài ra, còn có 5 biệt thự cho người nước ngoài thuê với 16 phòng.

Đối tượng thuê phòng trọ phần lớn là lao động phổ thông, công nhân trong các nhà máy, xí nghiệp, công nhân đang thi công các công trình xây dựng và khách vãng lai… Còn biệt thự và nhà cho thuê chủ yếu dành cho chuyên gia nước ngoài làm việc tại các khu công nghiệp trên địa bàn hay cán bộ công nhân viên chức lao động thuê cả căn cho gia đình ở… Hiện toàn huyện có khoảng 6 ngàn nhân khẩu đang lưu trú tại các cơ sở trên, trong đó chỉ có khoảng 2 ngàn công nhân tạm trú có thời hạn, còn lại 4 ngàn người thuộc diện tạm trú vãng lai. Vào thời điểm giáp Tết Nguyên Đán, số người tạm trú tăng đột biến, có khi lên đến gần chục ngàn người.

Có thể nói, dịch vụ nhà cho thuê, nhà trọ rất phức tạp. Đi cùng với dịch vụ này là các quán nhậu, quán cà phê, karaoke… cũng phát triển “ăn theo”, trong đó phát sinh nhiều vấn đề phức tạp và tệ nạn xã hội. Bên cạnh những người lao động chân chính, lương thiện thuê nhà, thì cũng có không ít những đối tượng thuê nhà là thành phần có vấn đề. Chị Nguyễn Thị H, thuê phòng trọ ở thị trấn Phú Mỹ, than phiền: “Trước kia toàn dân lao động, nên tối đến mọi người đi ngủ sớm, gần đây có mấy cô tiếp viên nhà hàng đến ở trọ, hôm nào cũng nửa đêm mới kéo nhau về phòng, cười nói ầm ĩ, đã thế họ còn mở nhạc xập xình khiến nhiều người xung quanh mất ngủ. Thế nhưng không ai dám nói vì sợ đụng chạm…”.

Anh Nguyễn Văn S, công nhân khu công nghiệp Phú Mỹ, thuê phòng trọ ở Mỹ Xuân giọng khôi hài kể chuyện: “Bên cạnh phòng mình là một ông 50 tuổi bỏ vợ, chung sống với một cô bồ trẻ bỏ chồng, cùng 2 đứa con lít nhít. Đêm đến hai ông bà làm gì không rõ, để bọn trẻ cười rúc rích…”.

Phòng trọ ở huyện Tân Thành rất đa dạng, được xây theo nhiều kiểu dáng khác nhau và giá cả cũng khác nhau. Thông thường diện tích một phòng trọ khoảng từ 12 đến 18m2 , có giá thuê từ 200 đến 300 ngàn đồng/ 1 phòng/1 tháng. Vì kế mưu sinh, những người dân tạm trú nơi đây chấp nhận cuộc sống tạm bợ, ăn ở chật chội, nhiều gia đình nấu ăn bằng bếp dầu ngay cạnh chỗ ngủ, tạo ra nguy cơ cháy nổ rất cao. Có phòng trọ chứa cả gia đình đông người trong một diện tích chật hẹp, nên rất mất vệ sinh… hơn nữa, lợi dụng sự phức tạp của nhà trọ, những đối tượng phạm pháp hình sự có lệnh truy nã thường ẩn náu ở đây để trốn tránh pháp luật hoạt động phi pháp. Cái khó trong công tác quản lý nhân khẩu là những người đi thuê nhà hầu như không tự giác khai báo tạm trú. Công an khu vực phải đến từng nhà cho thuê để kiểm tra giấy tờ tuỳ thân của từng người và nhắc nhở gia chủ khai báo tạm trú giữ gìn an ninh trật tự, khuyên những người thuê nhà phải làm hợp đồng thuê để tránh cãi lộn sau này. Mọi người đều vâng dạ, nhưng khi công an đi rồi, họ lại đâu vào đấy. Không chỉ riêng các đối tượng thuê, ngay cả chủ cơ sở cho thuê cũng vi phạm, không chịu khai báo tạm trú cho khách đến lưu trú tại cơ sở của mình.

Thời gian qua, một số cơ sở kinh doanh nhà cho thuê, nhà trọ ở huyện Tân Thành vi phạm Nghị định 08/CP của Chính phủ, không thực hiện cam kết về an ninh trật tự với cơ quan công an. Năm 2005, công an huyện Tân Thành đã kiểm tra 12 đợt, phát hiện xử lý 39 cơ sở lưu trú vi phạm về đăng ký tạm trú, và các đối tượng lưu trú không giấy tờ tuỳ thân.

Đáng chú ý là một số cơ sở nhà cho thuê, nhà trọ thiếu trách nhiệm quản lý, để xảy ra tệ nạn xã hội , mại dâm, ma tuý như: Nhà trọ 379 và nhà nghỉ Thanh Giang (ấp Phước Lập, xã Mỹ Xuân), nhà nghỉ Ngọc Diễm (xã Tân Phước)v.v… Điển hình là vụ ngày 05/7/2005, vào lúc 20 giờ, công an huyện Tân Thành đã bắt quả tang 3 cặp nam nữ đang mua bán dâm tại nhà trọ Phúc Nhung, thuộc địa bàn ấp Phước Hiệp, xã Tân Hoà. 3 gái bán dâm là Nguyễn Thị Bích Phượng (sinh năm 1986), Tô Thị Ngọc Duyên (sinh năm 1988), Nguyễn Thị Đào (sinh năm 1990) cùng trú ở tỉnh An Giang bị bắt quả tang cùng với 3 khách mua dâm là: Hoàng Văn Tình (sinh năm 1978), Trương Quốc Phong (sinh năm 1981) và một đối tượng tên Hùng. Chủ chứa là Ngô Thị Nhớ (sinh năm 1959) là người địa phương đã bị bắt giữ ngay sau đó. Gần đây nhất là vụ ngày 12/9/2005 vào lúc 21 giờ, công an huyện Tân Thành đã bắt quả tang 2 cặp nam nữ đang mua bán dâm tại phòng trọ số 1 và số 2, nhà trọ tổ 14, ấp Song Vĩnh, xã Tân Phước, do Nguyễn Thị Thuý (sinh năm 1982) làm chủ, giao cho em gái là Nguyễn Thị Thêu (sinh năm 1985) trông coi. 2 gái bán dâm là Phù Thị Thu Thuý (sinh năm 1988), quê ở Thốt Nốt, Cần Thơ và Dương Thị Huệ (sinh năm 1975) quê ở Hòn Đất, Kiên Giang bị bắt quả tang cùng với 2 khách mua dâm là: Trần Văn Hoàng (sinh năm 1978) và Nguyễn Văn Long (sinh năm 1981) cùng trú ở thành phố Hồ Chí Minh. Còn nhiều vụ bán dâm xảy ra tại các nhà trọ trên địa bàn huyện Tân Thành bị phát hiện trong thời gian qua, có cả một số vụ tàng trữ, sử dụng trái phép chất ma tuý. Đó là chưa kể một số hộ dân còn chưa được cấp giấy phép kinh doanh nhà trọ vì nằm trong khu vực quy hoạch đền bù giải toả hay khu vực đất đang tranh chấp song vẫn tự ý dựng lều trại tạm bợ cho thuê. Ngoài việc thu lợi trước mắt, các hộ này còn nhằm mục đích nâng giá đền bù sau này khi bị giải toả…

Quả thật, vấn đề nhà trọ, nhà cho thuê đã không còn là một dịch vụ kinh doanh thuần tuý mà trở thành một hiện tượng xã hội. Thật khó quản lý được những người thuê nhà không có công ăn việc làm ổn định, nay đây mai đó, người này đến, người kia đi, thay đổi xoành xoạch. Làm sao có thể dễ dàng đến kiểm tra giấy tờ tuỳ thân của những đối tượng làm ăn phi pháp, mờ ám lấy phòng trọ là nơi cất giữ đồ đạc, vài ba ngày mới về phòng chốc lát rồi lại đi ngay?!.

Để quản lý chặt chẽ loại hình dịch vụ này, chính quyền địa phương cần sớm có chính sách thu thuế kinh doanh phù hợp, nhanh chóng ban hành quy chế nhà trọ bình dân, thường xuyên kiểm tra phòng cháy chữa cháy, nhắc nhở người dân giữ gìn an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, chấp hành đúng pháp luật của nhà nước, xây dựng nếp sống văn hoá lành mạnh ở khu dân cư. Về lâu dài, cần có chính sách phân bố dân cư phù hợp và đầu tư xây dựng nhà cho thuê đối với người có thu nhập thấp, nhằm đáp ứng nhu cầu về nhà ở cho người lao động trên địa bàn. Hiện nay, trong số hơn 70 doanh nghiệp và các nhà thầu xây dựng đang hoạt động tại 5 khu công nghiệp ở huyện Tân Thành, mới chỉ có 4 nhà máy xây dựng cư xá cho công nhân là cảng Phú Mỹ, nhà máy thép Vinakyoei, nhà máy thép Miền Nam và nhà máy nhiệt điện Phú Mỹ./.

( Báo BR-VT số 3683 ra ngày 8 /12/2005 )





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét